Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 12
V
à đây là chuyện tôi được Việt Cộng "mời cộng tác":
Khoảng ba, bốn tháng sau ngày 30 Tháng Tư tôi được gặp anh Ba Trinh, một trong những cán bộ phụ trách biên tập tờ nhật báo Sàigòn Giải Phóng. Những năm 1960 Ba Trinh có đến tòa soạn nhật báo Sàigònmới nên anh biết tôi, rồi anh bị bắt, thả ra, bị bắt lại hai ba lần, lần cuối cùng anh từ Côn Đảo về miền Bắc năm 1972, theo thỏa hiệp trao đổi tù binh giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt Cộng, Tháng 5 anh từ Hà nội vào Sàigòn. Ba Trinh hơn tôi khoảng mười, mười lăm tuổi. Anh nói với tôi:
- Chúng tôi cần loạt bài phóng sự về cuộc sống của bọn tướng tá Ngụy, chúng tôi không viết được loại phóng sự ấy. Cậu có biệt tài về loại đó, chúng tôi mời cậu viết cho chúng tôi. Nhưng nếu viết cậu đừng để tên cậu. Cậu mà dùng tên cậu thì ngay cả các bạn cậu cũng chửi cậu. Cậu dùng một tên khác. Mai đây chúng tôi có thể nói với các ông ấy người viết loạt bài đó là cậu. Sẽ đỡ cho cậu nhiều lắm. Và cũng có ít tiền giúp cậu đỡ khó khăn trong lúc này.
Tôi ừ ào cho qua nhưng tôi không viết. Khi còn Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa tôi có thể viết những phóng sự hoạt kê châm biếm bọn có quyền thế, có địa vị, bọn giầu tiền, như tôi đã từng viết những phóng sự Bà Lớn, Yêu Tì đăng trên nhật báo Ngôn Luận những năm trước 1963, nhưng bây giờ Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa của tôi vừa bị diệt, những bộ trưởng chính phủ, tướng tá, tỉnh trưởng, thẩm phán, dân biểu của tôi không chạy ra nước ngoài được nay đang bị tù đày, họ đang khổ cực hơn tôi, vợ con họ khổ cực hơn vợ con tôi, dù sao họ cũng là anh em tôi, có xấu xa đến mấy đi chăng nữa họ cũng là anh em tôi, trong tình cảnh khốn khổ, nhục nhã chung này tôi không thể viết chửi bới họ.
Chuyện "cộng tác" thứ hai: Sau Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai chừng hai tháng tôi nhận được giấy gọi lên Sở Công An Thành phố. Tôi hồi hộp đến Nha Cảnh Sát Đô Thành của ta. Một anh công an trẻ tuổi, có vẻ là người Sàigòn, tiếp tôi trong cái vi-la ngay bên cạnh trụ sở. Anh ta nói:
- Những người có tội như Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh đã bị bắt. Anh không phải là không có tội nhưng chúng tôi thấy anh tội nhẹ nên không bắt anh song anh có bổn phận phải cộng tác. Chúng tôi cần biết về tình hìng các văn nghệ sĩ Sàigòn, họ làm gì, nghĩ gì, họ sống ra sao. Không phải anh cứ báo cáo là chúng tôi bắt họ đâu, anh có thể cho chúng tôi biết những khó khăn của anh em văn nghệ sĩ để chúng tôi giúp họ.
Những người công an bắt tôi làm việc cho họ không cho tôi biết tên họ - tôi chỉ biết tên có một chị: chị Chanh, Việt Cộng nằm vùng, từng hành nghề buôn cây để có dịp vào rừng liên lạc với đồng bọn. Họ hẹn tôi một, hoặc hai tuần đến gặp họ và báo cáo một lần. Những lần họ gặp tôi đều ở những vi-la tư nhân họ chiếm được. Tôi chẳng có gì để báo cáo với họ cả. Sau chừng ba tháng dằng co như thế một sáng tôi nói với vợ tôi:
- Anh không thể làm chỉ điểm cho bọn này. Nếu anh báo cáo về anh em mình anh không thể nhìn mặt anh trong gương. Anh không làm đâu. Nó muốn bắt anh thì bắt.
Alice đồng ý với tôi.
Lần gặp sau tôi đưa cái thư "Kính gửi ban lãnh đạo..", trong thư tôi viết tôi không có điều kiện cộng tác với Sở Công An, việc gặp tôi chỉ làm mất thì giờ của anh chị em công an, xin lãnh đạo cho tôi được nghỉ; tôi có thể dịch các tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, nếu cơ quan cần người dịch thuật tôi xin làm vv..
° ° °
Tháng Ba, tháng Tư năm 1976 tôi chờ đợi tôi cũng bị bắt như các bạn tôi. Nhưng tôi đã không bị. Tôi xin nói rõ - và nói đi nói lại nếu cần - tôi không muốn được đi tù một ly ông cụ nào cả. Anh Triều Đẩu từng giải cho tôi biết Tử Vi của tôi không có sao Quả Tạ, tức là không có số ở tù. Tôi chỉ tỏ ra hung hăng con bọ xít, du đãng, du côn, du thủ, du thực, hào huê, phong tình trong những chuyện tôi viết mà thôi. Trong đời thực tôi lành hơn cục đất thó. Và cũng hơn một lần tôi đã viết: Sau ngày oan nghiệt tôi quanh quẩn trong xó nhà, ngày ngày quét nhà, lau nhà, đổ rác, giặt quần cho vợ, thuốc lá Vĩnh Hảo Bốc En Xe Ông Già Le Lưỡi Liếm… giấy vấn thoải mái, lâu lâu có chầu rượu đế, lạc rang, hột vịt lộn, nghêu sò ốc hến vỉa hè… Tất nhiên là so với cuộc sống trước tháng Tư năm 1975 thì tối tăm ảm đạm thật đấy, nhưng nếu so với những cuộc sống trong những nhà tù Việt cộng thì chắc chắn còn đỡ khổ hơn nhiều.
Không phải là Alice không giặt được quần áo của nàng hay nàng bắt chồng nàng phải giặt, chỉ vì anh Con Trai Bà Cả Đọi, người anh em cùng vợ với chàng Công Tử Hà Đông, suốt ngày đêm chẳng có việc gì mần cho đỡ buồn nên anh tranh làm cái việc giặt quần áo. Có những lần ngồi giặt anh lơ mơ nhớ lại ngày xưa anh viết những bài chửi bới thiên hạ dưới hai cái tên Gã Thâm, Công Tử Hà Đông, anh thường rủa: "Cho thằng đó về nhà giặt quần áo cho vợ". Không biết trong số những người bị anh rủa có ai phải về nhà giặt quần cho vợ hay không. Anh chỉ biết anh bị Việt cộng nó cho về xó nhà giặt quần cho vợ dài dài, mệt nghỉ…
Vẫn biết cuộc sống quanh quẩn trong xó nhà làm những việc chân tay lặt vặt, lâu lâu được rờ đôi mông teo của vợ hiền… tuy tăm tối cũng còn khá hơn cuộc sống trong tù nhiều, nhưng khi các anh em tôi bị bắt tù tôi không bị như anh em, tôi thấy kỳ quá. Mỗi lần đi ra, di dzô cư xá tôi cứ cúi mặt xuống mà đi. Tôi có mặc cảm người ta nhìn tôi với ánh mắt muốn hỏi: "… Bao nhiêu văn nghệ sĩ bị bắt, sao tên này không bị? Nó làm gì mà bọn Việt cộng không bắt nó?" Nếu bà con cô bác có ai théc méc đặt câu hỏi như vậy thì cũng đúng thôi: việc tôi bị Việt cộng bắt không có gì lạ, việc VC không bắt tôi mới là lạ. Tôi nói lại cho rõ: ngày ấy, tháng ấy, năm ấy tôi không mong tôi cũng bị bắt như anh em, tôi chỉ thấy anh em bị bắt tôi không bị sao kỳ quá…
Những năm 1976, 1977 những anh con trai bà Cả Đọi không bị đi cải tạo ở nhà làm việc giữ nhà, giặt giũ, nấu cơm, đổ rác là chuyện thường - đàn bà đi chợ trời, chợ đất, mua đi, bán lại kiếm sống - ngồi buồn trong xó bếp căn nhà tối tăm trong cư xá Tự Do mãi cũng chịu không nổi, có những chiều nấu cơm xong, tôi tắm rửa sạch sẽ, ra đầu cư xá ngồi chờ Alice đi chợ trời Hàm Nghi về bằng xe ô-tô-buýt, tôi mần bài Sẩm Xoang:
Gió lay cành trúc, gió đập cành tre
Thuyền tình anh vẫn le te đợi nàng
Gió lắc cành vông, gió lật cành bàng
Thuyền tình anh chẳng đợi nàng thì anh đợi ai?
Ối cô nàng ờ… Ới cô nàng ơi… Anh nói để cô nàng hay
Chứ mà… Cô nàng nghe anh hỏi cô nàng này
- Lương Mẽo được mấy trăm đồng?
Dầm sương, dãi tuyết má hồng nàng phai.
Đi lắm thì vú nàng quai
Chẳng thà ăn sắn, ăn khoai thành Hồ.
Nàng đói thì nàng bán đồ
Để anh cơm nước, chăm lo cửa nhà.
Riêu cua nàng chan cơm cà
Nàng mà đau bụng thì đà có anh
Nàng còn xẻo đất trồng hành
Anh trui cá lóc nấu canh tập tàng.
…
Cá lóc còn ở trong hang
Cái rau tập tàng còn ở ruộng dâu
Anh về anh chuốt cần câu
Ngoắc con cá lóc nấu rau tập tàng…
Với những bằng chứng như trên chi tiết hai anh cớm cộng Nam Thi - Minh Kiên cho nhân vật Hoàng Hải trong "Những tên biệt kích cầm bút" nói với bà chủ vi la Kiều Trang:
- …Tôi đã treo bút. Viết ký gì bi giờ? Viết để làm gì???… Là hổng có đúng sự thật.
° ° °
Quý bạn vừa đọc một số trang trích từ quyển "Những tên biệt kích cầm bút" do hai đại tá công an Việt cộng viết ở Thành Hồ về nhóm anh em chúng tôi. Chương truyện này là cuộc họp mặt nhân lễ Giáng Sinh năm 1983, Trần Tam Tiệp năm ấy là Tổng thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, gửi một khoản tiền về cho chúng tôi nhân Lễ Noel có một bữa ăn gặp gỡ. Chúng tôi mượn vi-la của Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh ở Cư Xá Lữ Gia làm nơi tổ chức bữa ăn họp mặt. Vi-la này năm ấy do bà chị của Kiều Chinh làm chủ. Riêng Trần Tam Tiệp được hai anh Nam Thi - Minh Kiên, Tổng và Phó Biên tập tuần báo Công an thành Hồ gọi nguyên tên là Trần Tam Tiệp. Tên anh em chúng tôi đều bị cắt bớt một phần: Doãn Quốc Sĩ trở thành Đoàn Quốc, Dương Hùng Cường trở thành Dương Hùng, Khuất Duy Trác là Khuất Duy và tôi là Hoàng Hải.