When you reread a classic you do not see more in the book than you did before; you see more in you than was there before.

Clifton Fadiman

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!
Địch có âm mưu đánh ác liệt vào Thủ đô. Các lực lượng vũ trang hãy dũng cảm tiêu diệt địch. Các đồng chí công an, dân phòng hãy kiên quyết làm nhiệm vụ. Tất cả mọi người phải xuống hầm. Không ai được đi lại ngoài đường phố.
Đồng bào chú ý!...
(Thông báo mật hiệu của Hội đồng phòng không thành phố phát hai lần trên đài phát thanh khi báo động đấy là có máy bay B.52 vào Hà Nội).
Trận bom ấy vào lúc quá khuya, kéo dài đến sáng. Cả thành phố ngồi dưới hầm, đứng hốc tường, dưới cuốn cầu thang gác, nằm trong gầm giường. Tiếng bom ngấm vào đất cứ lắc tai bên này sang tai bên này. Sáng ra, thành phố mất ngủ nửa mơ nửa tỉnh.
Những cơn gió đến sớm, heo may về thực sự rồi. Từng cơn hanh hao cuồn cuộn quanh các khuỷu tường và trên mặt đường. Bác Tặng cắm cúi đi. Các túi lủng lẳng một bên vai áo ka ki đại cán xám đã sờn hai cửa tay. Gió lào xào nghiêng ngả những chòm bằng lăng cành ngang đốm chiếc lá đỏ lịm vừa rụng bay lả tả.
Bác Tặng đến cạnh cái xe đạp anh bán báo, mua một tờ. Đầy trang nhất, những hàng chữ lớn... B.52 ném bom Đông Anh, sân bay, ga xe lửa, làng Uy Nỗ. Hà Nội bắn rơi ba chiếc pháo đài bay.
Bác Tặng xem các đầu bài báo rồi đứng dừng hẳn lại, đọc hết tin nói về đồng chí Mão, bí thư chi bộ xã Mễ Trì thượng, nhà trúng bom, cả vợ và con bị chết. Đồng chí ấy ôm xác vợ và xác con đặt cẩn thận lên chiếc giường còn lành lặn rồi vác câu liêm ra chữa cháy ngoài xóm. Một đợt bom mới lại đổ lửa xuống. Bác Tặng lau nước mắt rồi xếp kính lại, cất lên túi áo trên. Bác hơi cúi đầu, lặng lẽ đi.
Trụ sở Ủy ban khu bên kia hồ Hoàn Kiếm. Mặt nước lăn tăn sóng xanh xám. Những đàn nhạn nước ở đâu vừa bay về, có đến hàng nghìn con nghiêng lướt xuống rối rít sát mặt hồ mặt cỏ qua chỏm Tháp Rùa rồi vổng lên giữa khoảng không. Thế là rét rồi. Mùa rét, nhạn theo gió heo may về chao quanh quẩn khắp mặt hồ. Năm nào cũng vậy.
Lại có báo động. Cái còi ở nóc nhà hát thành phố nghe gần, u u ngay trên đầu. Tiếng còi dồn trong gió, như chúi vào những vòm lá sấu tối om, đuổi theo lá xào xạc mặt đường.
– Đồng bào chú ý... Có máy bay không người lái...
Người ta nhẹ mình. Thằng không người lái thì coi như bỡn. Người cứ đi, mặc tiếng sạt như sét đánh, tưởng cái máy bay rơi ngay trên đầu. Một tràng đạn ùng ục bắn đuổi. Tiếng rống im bặt.
Chẳng biết nó trúng đạn hay đã cút mất. Mỹ không dám liều đời với lưới lửa thành phố, cứ đứng ngoài biển Đông ném cầu vồng vào. Nhưng có điều sao thằng không người lái đến sớm thế. Thế nào bọn con ma thần sấm cũng sắp lũ lượt kéo đến - bác Tặng đoán. Hà Nội đánh hai triều tổng thống Mỹ, đã thuộc cả cái lá gan to lá gan bé của từng lão. Cuộc chiến đấu đến đầu hôm sớm mai mãi rồi thuộc, khác nào thấy chim nhạn về trên hồ, biết mưa dầm gió bấc đến. Lại khác nào công việc đường phố, cứ về mùa hè thì ban hòa giải bận bịu nhiều hơn mùa rét. Mùa hè nóng nực, nhà cửa chung chạ, cái rác rưởi, cái điện cái nước, người ta đi làm về, bẳn gắt hơn.
Bác Tặng nhớ mà cũng nghĩ nhẹ nhàng thế về cái máy bay không người lái, về cây sấu và chim nhạn. Bác loáng thoáng đi vội qua xưởng tiện của một tổ hợp tác cơ khí góc phố, xưởng này mới lĩnh hàng: từng đống ngoài hè những vỏ thùng xám trắng nhọn hai đầu. Thùng đựng ét–xăng máy bay Mỹ quăng xuống khi tháo chạy. Hai người cầm rìu xả ra từng mảnh.
Trong nhà, tiếng máy tiện quay xành xạch. Mảnh đuy–ra cánh, thân được cắt, trổ, gọt, vát, mài, làm ra hình cái lược, hộp đựng thuốc lá, hình tên lửa, máy bay thu nhỏ, trâm cài tóc và những chiếc nhẫn có khắc ngày và những con số ngàn máy bay bị hạ - bây giờ nhiều xưởng tiện pê-đan, đùi đĩa xe đạp chuyển thành hợp tác sản xuất tặng phẩm lưu niệm cho các hội nghị và khách nước ngoài.
Cuộc chiến đấu mà mỗi người cứ vừa khẩn trương vừa bình thường từ lúc nào, đã mấy năm, mấy năm rồi. Không ai kịp để ý, dần dà nghĩ nó như những việc xảy ra thì phải làm thế. Bác Tặng lại loăng quăng với những tập bìa phiếu sắp lĩnh ở khu và sắp xếp những công việc sẽ làm. Đưa cho các chủ hộ hay người trong hộ, hay số nhà, ai nhận có chữ ký cẩn thận. Bom đạn thế này, lại càng phải kỹ lưỡng. Mình giữ cái của này lâu cũng lo. Nhỡ mất mát thì thế nào. Mắm muối, đậu thịt, củi đuốc nhà người ta đều trông cả vào đấy.
Bờ hè bên kia nhà Ủy ban, những cây sấu vẫn thầm lặng thế.
Các phòng vẫn đông người, nhưng như lặng tờ. Bên kia, người đợi lấy dấu vào những bản sao khai sinh. Có cặp vợ chồng sắp cưới đến xin tờ đăng ký kết hôn. Người đứng đợi phía ngoài, người lúi húi ngồi viết, người đi ra, im im vội vội.
Bác thường trực đã thuộc mặt bác Tặng - có lẽ nhớ mặt các ông ban đại biểu lên khu thì đúng hơn, và thuộc cả việc nữa. Bác Tặng vừa nhấc túi trên vai xuống tay, bác thường trực đã nói:
– Bìa phiếu phải không? Có việc đột xuất, các đồng chí thông cảm, hoãn đến tuần sau. Sẽ hẹn ngày giờ từng khối lên cho khỏi mất công các vị.
Bác Tặng cũng ngồi xuống cái đã. Bác với tay lấy điếu cày mà bác đã biết chỗ để trong cái thùng gỗ khe tường ngoài hiên. Ở khối lên công tác, vị nào mê lọ ho đều rõ nó được cất nơi kín đáo ấy.
Bác Tặng ngả người, lờ đờ mắt nhìn qua làn khói thuốc đậm xệt buổi sáng mà bác còn đang kéo chưa xong một hơi thật dài, trong phòng nghe tiếng ồn ồn, như tan họp, như giờ giải lao. Mấy ông ban bảo vệ quen mặt ở phố khác, đương bước chen ra. Việc gì mà bảo vệ họp hành sớm thế. Lại nhiều người tất tả ra thêm.
Bác Tặng nghiêng ống điếu, vảy một cái, thấy trưởng ban bảo vệ Bài đi lướt qua.
– A bác Tặng! Lên việc gì sớm thế?
– Mới bàn tối qua, quên rồi à!
Hai người đi chéo qua trước cửa nhà giải khát Thủy Tạ, lúc ấy vẫn còn khách vào ăn sáng. Hồi này, ăn sáng ở đây có bánh mì cặp ba tê gói sẵn vào mảnh giấy báo. Ngồi ăn hay cầm đi đều gọn. Cạnh đấy, bên gốc cây liễu, quầy bia còn để từ tan buổi bia chiều qua chồng chất những vỏ thùng như những tảng đá xám. Những quán bia chỉ nhộn nhịp buổi chiều, bây giờ trông bơ phờ ngổn ngang như cửa rạp có đoàn chèo Hà Nội dọn đến, đoàn cải lương Chuông Vàng dọn đi, trên xe tải khuân xuống những bục gỗ lờm xờm, lăn lóc, nhợt nhạt những mảnh bìa cành cây, gốc dừa, giải viền diềm sân khấu.
Bài hỏi:
– Bác Tặng biết tin gì chưa? Đêm qua B.52 choảng hai đợt vào bắc thành phố.
Bác Tặng hỏi lại, như chưa đọc báo lúc nãy.
– Thế hả?
– Ta hạ được đích xác B.52 rồi. Bác biết không, thằng này làm mưa làm gió trong B, bây giờ ra đây bị bẻ gãy cổ. Tàn đời bốc phét rồi, con ơi!
Bác Tặng ngẩng mặt, nhìn xa, như không nhìn thấy gì. Nhớ lại lúc thức giấc trong đợt bom nửa đêm. Bảng bảo là B.52. Ừ thì có bê giời cũng thế, đau thương cũng đến vậy.
Bài nói tiếp:
– Khu triệu tập hỏa tốc, tôi không kịp nói lại với các bác. Định về hội ý luôn. Nhiều việc phải làm ngay. Trước nhất, vận động nhân dân triệt để sơ tán theo phương án hai.
– Phương án 2 à?
Phương án hai là kế hoạch đưa nhân dân toàn thành ra khỏi thành phố.
Cán bộ đường phố đều biết trong sáu năm nay, Mỹ đánh Hà Nội mỗi lúc một cách, nhưng thành phố chưa lần nào phải vận động sơ tán theo phương án 2, mặc dầu phương án khẩn cấp này từ lâu đã được bàn đến. Bởi vì, sơ tán không phải là một việc chỉ hô lên là xong. Không thể đếm hết được những rắc rối, những giằng co trăm thứ ràng buộc con người vào nơi sinh sống, - xảy nhà ra thất nghiệp mà.
Người vẫn được hô hào đi, ai tiện đâu đi đấy. Có nhà đi biệt vài ba tháng lại về. Có nhà giữ chỗ sẵn ở nhờ đồng bào, khi nghe ngóng, thấy sao đấy, thế là lại biến mươi hôm. Mấy bà chạy chợ thì sớm đi chiều về. Dù cho nó bom đêm cũng không cản được việc chợ búa. Vô khối người chưa ra khỏi hè phố bao giờ mà vẫn là sơ tán. Quanh nhà máy điện, đầu cầu, ở Châu Long, ở Quan Thánh, Hàng Đậu, cứ sáng sớm, cơm nước xong lại xuống phố Huế, Bạch Mai, vào các nhà quen đến chiều lại về. Cho tới hôm thình lình máy bay Mỹ ném bom hơi giữa phố Huế, sập tòa nhà ba tầng chết cả phòng giáo dục, phòng thương nghiệp khu, ai cũng ớ ra, không đoán được thế thì thằng bỏ mẹ này định ném cái gì. Những phỏng đoán đều sai bét. Xung quanh phố Huế, chỉ chi chít nhà ở. Nó thù cả cột điện, cây cơm nguội, cái gian trong nhà anh chữa kính? Thế là hoảng lên. Phải ra ngoài, đi thôi. Nhưng được vài hôm rồi lại từ từ, lại dùng dằng, đận đà.
Bây giờ khác. Phương án 2, mọi việc phương án 2 được sửa soạn từ lâu. Mỗi phố đã ra ngoại thành giấm sẵn một xã đợi đón người của khu phố lúc khẩn trương. Bác Tặng và Bài, Tuyển đã về tận nơi giao thiệp với chính quyền xã mấy lần. Lúc phương án 2 thực hiện, chỉ còn lại bộ đội, tự vệ và các binh chủng bảo vệ thành phố cứ việc đánh nhau. Tên lửa tha hồ bắn đuổi máy bay, đuôi tên lửa rơi đâu cũng được, không sợ vào phố đông người.
Bài nói:
– Thằng Mỹ cốt làm cho ta rối lên. Nhưng nếu ai sơ tán, ai ở lại, đàng hoàng, trật tự, thế là ta thắng một nửa.
Bài nói khẽ, vẻ bí mật:
– Báo động bây giờ cũng khác.
– Khác thế nào?
– Có mật hiệu cho cán bộ, thằng bỏ mẹ ấy mà đến...
– A.
– Vẫn đồng bào chú ý... vẫn còi. Nhưng khi đài truyền thanh phát liền hai lần câu ấy của hội đồng phòng không thì đấy là B.52 sắp vào.
Bác Tặng ghếch một chân lên thành cột điện, nhấc túi trên vai, tay lần lên bao kính trong áo ngực.
– Anh cho tôi chép...
– Lát nữa, hội ý rồi bác chép nhân thể.
– Anh đọc cho tôi nghe lần nữa vậy nào.
Những khu phố cũ, vỉa hè, mái cheo leo, mỏng dính, tường và nhà so le chen nhau Lò Sũ, Hàng Chĩnh, Hàng Thùng... Ngoài vỉa hè, mỗi nhà có một hố trú ẩn. Những hố miệng xi măng tròn gọn. Không phải ngay từ năm 1965, Mỹ vừa ném bom miền Bắc đã có kiểu hầm này. Khi ấy mới được mấy dãy hầm nổi quanh hồ Hoàn Kiếm và trên bờ sông. Không biết ai đã có sáng kiến nghĩ ra cái hố tròn, mỗi nhà một cái. Máy bay địch đến, tụt xuống, kéo nắp lại, người ngồi khít trong lòng đất. Khắp thành phố, lỗ chỗ như tổ ong trên vỉa hè.
Các công viên đã biến thành những công trường sản xuất hầm trú ẩn. Than xỉ trộn vôi cát xi măng nhồi khuôn đúc rồi lấy vồ nện chặt. Những vòng đáy, vòng thành phơi la liệt, đen xám quanh các luống hoa, trên lối sỏi. Ngày ngày, những xe bò đến, người ta khuân lên từng chiếc, mỗi xe cỡ đại tải được sáu vành hầm. Hầm được đưa đến từng phố, từng cơ quan, nắp cốt sắt cẩn thận. Những xe bò chở hầm lắc lư đi...
Những cái hố tròn quen thuộc. Ở phố có công an võ trang gác sứ quán nước ngoài, hố cá nhân được trang trí đẹp mắt. Miếng hố đắp đất cao thêm một gang tay, viền cỏ mười giờ hoa tím.
Sớm nay, nắp hố đều được mở ghếch. Cả những hố ven quãng đường trống cho người đi đường, người trong phố ra dọn quang quẻ. Có hố đã ngấm nước khoảng dưới, thành giếng lấy nước rửa giặt giũ. Hàng ngày vẫn thế. Lúi húi người cúi xuống hố vét nước cồn cột.
Bác Tặng trông các phố tấp nập dọn, bảo Bài:
– Dễ thường các phố đã được phổ biến phương án 2.
Chưa biết hay đã biết thì ai cũng đã cảm thấy, báo động và bom suốt đêm như thế. Nghe yên hay phải chạy đã thạo rồi.
Một đám xe xích lô chở mấy cụ già, áo bông, khăn quàng kín đầu, không nhận ra đấy là cụ ông hay cụ bà, với những chồng bao tải quần áo chăn màn. Cũng không biết xích lô chở thuê hay các bác xích lô đưa cả nhà đi sơ tán. Xe chạy xồng xộc, phanh và chuông leng keng. Các ông xích lô mở banh cả khuy áo bành tô, gồ vai lên, dận mạnh chân xuống mặt bê–đan gỗ. Vạt áo dạ xám nặng nề lùng nhùng như cái thùng đựng gió. Cứ thế, thẳng lên đường bờ sông.
Cái xe bò cải tiến mảnh khảnh thế mà trên xe kềnh càng mấy tấm cánh phản, nồi to, xoong và chảo. Bốn đứa trẻ nhấp nhô. Hai bé ngồi chặn các thứ đồ đạc. Một chị bế em ngồi giữa. Bố cầm càng mẹ đẩy. Lên khỏi dốc, cái xe bánh lốp đặc bon nhanh trên đường nhựa xuống Lương Yên, bấy giờ cũng đã nhộn lên những xích lô, xe đạp, xe bò, ô tô...
Lũ trẻ cười hê hê. Chúng nó không hiểu thế là đi chạy bom và không dính gì đến còi báo động vừa nãy.
Bác Tặng trỏ tay, bảo Bài:
– Đi đông thế kia là phương án 2 rồi. Khối phố nào đã bợm thế. Ta về cho loa ngay thôi.
Vào quãng giờ ấy cũng không có mấy tổ trưởng, tổ phó ở nhà. Phần nhiều, đi làm cả. Phó ban Tuyển làm ca sáng, hơn một giờ mới về.
Lớp mẫu giáo lại là trụ sở ban đại biểu, ban bảo vệ dân phòng, tổ phụ nữ, đoàn thanh niên, chi hội chữ thập đỏ, tổ phụ lão, ai tiện đến cứ họp. Từ năm có báo động, trụ sở lại là địa điểm tập trung trực chiến, địa điểm dự phòng tải thương, trạm y tế sơ bộ cấp cứu...
Gian phòng dựng kín một phía tường những cáng tải thương. Túi cứu thương Ba Lan xếp một dãy, treo cả lên những cái giá gỗ mọi khi các cháu vắt khăn mặt. Một đống kẹp để cặp tạm vết thương gãy chân tay - cặp của Cộng hòa Dân chủ Đức tặng, chất bó cao lấp những cái ghế xinh xẻo các cháu ngồi mọi khi.
Bác Tặng lấy chìa khóa mở cửa rồi cùng mấy bà vừa đến dựng lại những cái thang và câu liêm, tối qua tan báo động còn để bừa đấy, lấy chỗ cho anh Bài trải ra giữa phòng tờ sơ đồ hầm hố từng nhà theo đúng mẫu ban phòng không thành phố hướng dẫn làm. Tờ sơ đồ tỉ mỉ tô màu xanh đỏ vàng dễ trông, ban phòng không nhờ một họa sĩ ở phố ngoài có chân trong ban trang trí, lên đường nét cẩn thận. Một quãng phố chính với bốn ngõ. Trên hai nghìn khẩu, hơn ba trăm hộ, nhà có hố trước cửa, nhà có hầm trong nhà, trong sân, ở chân cầu thang, khe tường, gốc cây đều được đánh dấu ngoặc đỏ. Đề phòng bị bom, nếu nhà đổ, biết ngay chỗ nấp để đến cứu sập, moi người ra.
Bài trỏ tay:
– Bây giờ ở đây có ai thì tôi cứ tranh thủ phổ biến. Thế là thằng Mỹ đem B.52 đến rồi, nó quyết với mình phen này đây. Tôi đã ở chỗ chiến tranh, tôi biết, cái B.52 thì ghê đấy nhưng là nước cùng thôi. Cán bộ cơ sở được diện ở lại, có nhiệm vụ đường phố. Một là, khi báo động, ai cũng nhất thiết có mặt ở đây. Vừa ở phố mình, trên còn điều đi khối bạn, như chúng ta đã đi cứu khối bạn dưới Phà Đen mấy lần rồi. Hai là vận động sơ tán. Ai cũng đều phải ra khỏi thành phố. Có xe Thống Nhất đến tận ngã năm đón đi không mất tiền. Ba là, mỗi buổi chiều, các tổ trưởng có nhiệm vụ đi kiểm tra từng nhà, xem nhà nào buổi tối còn mấy người ở đêm. Chiều nào cũng nắm con số người trong phố...
Lại báo động.
Bài đứng dậy. Còi báo động còn đương vút lên vút xuống ngoài cửa sổ, máy bay đã xoẹt rít đến tận giàn mướp khô, như lao vào cái tường đầu ngõ.
Tiếng súng máy của những tay súng tự vệ trên sân thượng nhà ba tầng ở ngã năm nã chan chát lên.
Rồi thôi, lại im.
Bà tổ phó đương lồng băng lên cánh tay áo, chép miệng:
– Cái thằng này là thằng gì mà nhanh thế, B.52 à?
– Nó là thằng cánh cụp cánh xòe, thằng kẻ trộm.
– Ối chào, định ra Cầu Gỗ mua miếng vỏ ăn trầu cho tỉnh ngủ mà nó cũng cản trở người ta.
Tưởng thế nào, bà đợi báo yên để đi chợ. Nhưng hết báo động rồi, bà còn ngồi rốn, nhổ toẹt miếng quết trầu xuống cống nước đen xỉn lờ đờ dưới vỉa hè. Bà kể chuyện cái nhà ngoài con phải gió cứ kêu loạn lên mất chiếc quần lụa vừa phơi, hóa ra mẹ nó đã cất vào từ trưa. Ở chung chạ mà động cái quạc mồm ra, khốn nạn quá. Bà lại mách mọi người mới có hàng bún ốc ngon ở chỗ cửa nách chợ Đồng Xuân ra Hàng Chiếu. Chuyện bà vui miên man...
Mà cũng không phải bây giờ mới găng, thành phố đánh máy bay đã năm bảy năm, thanh niên đi chiến trường đã ngót nghét mười năm. Mới đầu năm nay, bom thả từ cửa Bắc vào bao nhiêu đợt quanh nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ. Bom bi rắc xuống phố Mới, Hàng Vôi, cửa đền Bà Kiệu, ngõ Cấm Chỉ. Máy bay bị bắn rơi đâm đầu vào góc sân, chỗ đống than xỉ nhà máy điện.
Cuộc sống thành phố mải miết, còi trả yên rồi lại báo động chen với mọi công việc. Thôi để tối hội ý nốt. Vừa dứt tiếng còi yên, đã thấy hai bà tổ phục vụ với cái xe bánh mì lục cục về đến. Các bà đi lấy bánh sớm, đương đẩy nhanh vào phố. Nếu chậm hết, phải lên bán trên Cột Đồng Hồ. Cơ chừng ế. Người đi sơ tán nhiều rồi.
Bài lôi cái xe hòm đựng đồ chữa xe ra bờ hè. Từ sáng báo động rối rít, bây giờ mới được có một lúc một ngày làm. Bác Tặng về nhà. Nửa gian nhà bác đã chất giấy vừa bồi xong để đấy đợi dán nhãn lên nắp hộp.
Treo túi lên tường, và cứ đội chiếc mũ cứu hỏa lù lù thế, ông và cháu bắt đầu làm. Tổ về hưu này vẫn được mối đi nhận dán hộp, vót tăm. Lúc thì làm cho tổ, lúc cho mậu dịch, không ngơi việc. Hồi này dán hộp đựng mứt. Việc chất như đống bìa, làm không xuể. Tết đến nơi rồi mà. Ba tờ báo cũ phết hồ chặt lại thành bìa rồi chuyển cho tổ khác gấp hộp. Tổ này đến lượt nhận hộp về dán nhãn. Tờ giấy nhãn vuông bằng bàn tay vẽ hoa cúc hoa đào lòe loẹt có ba chữ “mứt ngũ vị”. Làm hộp đến lúc dán nhãn là công việc nhẹ tay nhất. Chỉ phải cái cồng kềnh, nhà không còn lối lách chân. Vài hôm lại một chuyến xích lô chở đi.
Nam bày ra đầu nhà một mảnh gỗ phẳng để dán hồ. Ông quấy xong hồ từ lúc chưa báo động, đã nguội hẳn.
– Dán cái nhãn này chóng, thích hơn, ông ạ.
– Ừ, mọi khi toàn bìa báo cứ bồm bộp. Năm nay có bìa các tông, lịch sự đấy.
– Sao nhiều người ăn mứt quá, ông nhỉ. Nhà mình mỗi tết chỉ mua có một hộp thôi.
Ông cháu vừa thoăn thoắt làm, vừa chuyện vẩn vơ. Bác Tặng nghĩ đến buổi tối hôm qua cả nhà ăn chè bà cốt, thế là lại cứ vui vui và buồn buồn. Những đau xót đã qua, mỗi khi thoáng có lúc trở lại, bác lại phải nghĩ dấn lên, bỏ đi. Tính bác thế. Cái con Nhiên thế là được. Người ta ở đời, trai gái đến tuổi, gặp nhau cứ như rủi may. Nhớ đến lúc quây quần quanh mâm chè, bác nghĩ giá mà nó về nhà mình bây giờ. Nhà vắng quá. Để rồi bảo Bảng. Cưới vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày... Câu các cụ ngày xưa vẫn còn nghiệm, thời bây giờ cũng chưa bỏ đi được đâu.
Nam hỏi ông:
– Bao giờ cháu đi học?
– Rồi ông cho cháu về sơ tán, ngoài sơ tán mới có trường.
– Cháu về sơ tán à?
– Ở làng mà ta về sơ tán có giống khoai lang mật vỏ đỏ rực, ngọt như đường.
– Ông có về không?
– Thỉnh thoảng ông mới về, ông còn công tác.
– Thế thì cháu chẳng về.
Bác Tặng nói: “Xà, cái thằng này...” bác cũng thôi không nghĩ cho cháu đi sơ tán. Bác Tặng thúc mọi người đi, đi ngay nhưng bác Tặng tự thu xếp cho mình thế này: nhà có hai ông cháu, chui đâu chẳng được. Cho nó đi sơ tán thì buồn quá. Hãy hượm đã.
Nam không hỏi thêm ông nữa. Tay cầm cái chổi tre cật tí teo, mềm như lạt, Nam dẻo tay phiết hồ lên mặt bìa, dán ngay ngắn cái nhãn “mứt ngũ vị”, rồi ngắm nghía màu vàng, màu đào loang lổ xem có đúng góc mặt hộp không.
Cơn gió bấc chốc lại ù một cái. Không biết đã chiều chưa mà trên đầu tường có một chút trời hé ra, bảng lảng rồi vàng xuộm. Từ nãy, hai lần đài báo máy bay địch cách tám mươi ki-lô-mét... cách bảy mươi...
Bảy mươi, tám mươi... Chẳng ăn thua. Ông và cháu vẫn cặm cụi dán, phiết. Ngoài đường cũng chẳng ai chú ý. Tiếng nước máy ở các vòi đầu phố chảy ồ ồ. Mấy nhà cuối phố, chung nhau chiếc xe bánh sắt thấp củn, trên đặt khít ba đôi thùng. Lúc mới hứng nước, thùng không reo tong tong như đánh trống, khi đẩy về, thùng đã đầy, mặt nước được thả mảnh lá chuối, lá bàng, nghe nước lắc ục ục và tiếng vòng bi bánh xe khẽ cót két. Mùa hè qua, mùa đông tới, bây giờ vẫn nghe thế.
Máy bay địch cách Hà Nội... Tiếp theo, còi báo động dồn dập.
Bác Tặng đứng dậy, chép miệng:
– Có dễ những thằng bỏ mẹ này đi đánh nhau quên cả ăn cơm!
Rồi ông vừa lấy miếng giẻ ướt chùi tay, vừa bảo cháu:
– Lau tay rồi dọn cả vào tường cho gọn. Nghe tiếng máy bay phải xuống hầm ngay. Bác Vạn mách cháu hay rủ các bạn ra cửa xem máy bay. Nhớ đấy, không được thế.
Nam “vâng ạ”, nhưng ấm ức mà không dám hỏi: máy bay đến mà ông Vạn cứ đạp xích lô cười khớ khớ giữa đường cũng được.
Bác Tặng, mũ sắt cứu hỏa, úp trên đầu từ bao giờ, lồng băng đỏ lên cánh tay, nhấc túi xách khoác lên vai.
Mọi người lần lượt đến trụ sở. Đồ cứu thương, cứu hỏa, túi thuốc đã đưa sẵn ra ngoài dựng la liệt bên chấn song sắt. Cả xe nước cứu hỏa bằng cái thùng tô nô cưa đôi, sơn đỏ choé, dân phòng cũng đã đẩy đến để đấy.
Bài nói:
– Để đây, ới một cái, trên điều đi đâu cũng đi được ngay. Tôi ngồi đây cả ngày, trông được các thứ này, chỉ mất công chặp tối, cất vào trụ sở như mình dọn hàng.
Tiện nhất ở đây có Bài. Đứng lên đã là sẵn sàng. Loa báo máy bay địch, Bài cuốn bạt, vơ mấy cái móc lốp, hộp nhựa. Đến khi còi báo động vừa cất. Bài đẩy xe đỗ vào chân tường rồi lôi trong gầm xe ra chiếc mũ sắt Vácxôvi[1] tròn, cao, xám bóng rồi kéo băng đỏ lên tay áo, lập tức ra đứng giữa ngã năm, giơ tay, thổi còi liên tiếp. Dứt khoát cản người và xe - cả ô tô không cắm cờ phòng không cũng không được qua. Một loáng, bàn tay và cái còi của Bài đã dẹp đường vắng teo.
Đến lúc thưa hẳn người, Bài mới thong thả lui vào cạnh hố cá nhân. Máy bay đến rồi, Bài xuống hầm đứng nhìn ra đường, mũ sắt quay lắc lư. Có người chạy qua, lại thổi còi...
Tiếng cao xạ nổ râm ran. Như tất cả các khẩu pháo đặt hàng rào dọc sông Hồng nhả đạn một lúc. Tiếng ì ì cao cao ma quái, rập rờn. Rồi tiếng chuyển đất chạy dài từ phía trước mặt xô đến. Lại bom rồi.
– Ở yên nơi trú ẩn! Không nhốn nháo!
Cũng chẳng đủ hầm hố. Rải rác những hố trên vỉa hè, người đi đường đã ngồi sẵn trên miệng. Nhiều dân phòng vào trụ sở. Có người đứng mép tường phía sau. Mấy người tựa vào những vè rễ cây nhội, cây sấu xù xì như những cái tai voi, những cái trán bia, nhìn lên vòm trời đục lờ.
Ở ngoài, tiếng Bài quát vang như mắng ai:
“Cái thằng láo thật!” Đến lúc nghe “Có thể nó ném cầu Chui. Láo thật”, nhiều người nấp đằng kia mới biết anh mắng thằng Mỹ và quay lại cười.
Rồi một lúc lại im hẳn, thật lâu. Thành phố lặng lẽ rồi còi trả yên trong tiếng loa náo nức... Máy bay địch... máy bay địch đã bay xa... Đường phố nhẹ nhõm trong tiếng còi ô tô. Nhà ai lại có tiếng gõ đục cách cách. Xích lô của bác Vạn xộc xệch cánh gà về qua. Một thoáng nắng lại phớt nhẹ trên đầu tường. Từ sáng, giờ mới thấy nắng. Con chim sẻ trú trong hóc tường bay ra, nhảy trên hàng hiên sân thượng, kêu tẹc tẹc. Gần đến giờ tan tầm chiều. Xe đạp ào ra, rối cả mắt rồi mờ lẫn trong làn sương xuống từ lúc nào.
Bài nói:
– Yêu cầu chặp tối đi xem lại từng nhà các tổ. Lại giục sơ tán triệt để đi. Xem ra không bỡn với nó được như những lần trước đâu.
Bác Tặng thong thả đi. Phố vắng người, thấy bóng nhà như nhấp nhô nhiều hơn. Người đạp, người dắt xe vào bóng tối nhập nhoạng. Thế mà như thưa thớt cái gì.
Thì ra vắng tiếng trẻ con. Trong cửa sổ, không nghe léo nhéo, bi bô. Mọi khi, nhà nào cũng có đứa lấp ló chạy ra đón bố mẹ đi làm về. Thường ngày không để ý, đến khi chợt thấy thiếu mới biết. Vắng một tý nhưng mà vợi được trẻ con trong lúc căng thẳng thế này, đỡ lo.
Bác lại mỉm cười. Nhà mình vẫn cái thằng cu Nam ở nhà, mà ông cấm nó ra cửa, như người ở vụng, ở chui. Tuy vậy, sơ tán mạnh thế này có thể không nên trây ra. Người ta tị nạnh, cán bộ cơ sở kém gương mẫu. Và bác nhớ hồi Giôn–xơn, bác gái... Bác Tặng bước nhanh, nghĩ tránh đi việc khác.
Bác Tặng lần lượt vào từng nhà.
Nhiều nhà đóng cửa im ỉm. Hôm qua còn thấp thoáng, giờ đã thấy khóa trái. Có những cửa khóa đóng đinh một tờ giấy viết nắn nót: Gia đình tôi nhờ hai ban[2] trông nom giúp cho. Chào quyết thắng.
Bác Tặng tạt vào nhà bác Bôi. Bác Bôi ở trái xép một nhà nhiều hộ.
Bác Bôi ngồi vót tăm cạnh cửa, ngước mặt. Con mắt lòa vẫn cảm thấy được phía ánh sáng vào nhà. Đống tăm xếp dãy quanh hai chân xếp bằng tròn. Bác đặt thanh tre mới vào, tay thoăn thoắt, hai đầu ngón đẩy cho ngay ngắn. Con dao khía vun vút, tiếng vuốt sẽ, đều đều như tiếng trẻ con thở khi ngủ.
Bác Tặng lên tiếng:
– Cơm nước chưa, bác ơi!
– Chào ông Tặng. Ông vào chơi.
Người kém mắt thường thính tai, khéo tay. Bác Bôi chuyên vót tăm trong tổ phụ lão. Bác vót khéo và nhanh, có tháng thu hai chục bạc.
Bác Tặng nói:
– Vội quá, tôi nói một câu thôi nhé.
– Ông xơi nước đã, lại sơ tán triệt để ạ.
– Thế thì ông này thông đấy. Nhớ sáng mai đi sớm, có xe nhà nước đưa cả phố đi vào một nơi, thật tiện.
– Em thì ở đâu chẳng thế.
– Nói vậy không được. Giỡn với con trẻ không ai giỡn với kẻ cướp. Chuyến này kịch liệt lắm. Ông nghe từ đêm qua đấy, nhất quyết rồi.
– Em nói chơi vậy thôi. Các cụ cho em công việc thì em ngồi đâu cũng được.
– Về quê, tre pheo tại chỗ, giá thành tăm hộp rẻ hơn, tất nhiên công mình cao hơn.
– Phải đấy ạ. Mảnh tre ở nhà quê thì nó là cái mảnh bát, ra đến tỉnh, nó là miếng vải hoa rồi.
– Sáng mai, anh em đến dọn giúp bác.
– Em chỉ có bị quần áo, gối đầu sẵn đây.
Bác Tặng đã ra đến sân, còn quay đầu lại:
– Cháu hồi này có hay thư về không?
– Dạ, cháu ông cứ đều mỗi tháng một lá.
– Tốt quá. Bao giờ về nhỉ?
– Còn ăn hai cái Tết bên ấy, ông ạ.
Bác Bôi ở phố này đã nhiều năm. Những người ở lâu đây đều biết bác Bôi gốc người đầu ô ngoài Thanh Nhàn. Thanh Nhàn cũng như nhiều làng ngoại ô khác, thường cả làng sinh sống phụ thuộc vào đất kẻ chợ. Cổ Nhuế, thợ may, hàng thầu. Thủ Lệ, giặt là, Lại Xá thợ ảnh, làng Thụy, bún chả bún ốc, xôi lúa, chè đường, quà vặt. Nhiều người làng Thanh Nhàn, làng Kim Liên cha truyền con nối xách hòm đi bờm đầu. Bác Bôi lên đây đi cắt tóc rong từ khi người lớn còn hay húi “cua”, húi “ca rê” và trẻ con để hoa roi, cạo xong lấy cái lược tròn cào đầu như bào da. Chỉ có hai bố con ở phố, người ta nói vợ bác ở làng. Người thì đoán bác góa vợ. Năm hòa bình, bác xin được việc cho con làm nhà máy da Thụy Khuê. Ít lâu, sở lao động lấy đi học nghề thuộc da ở nước bạn Mông Cổ. Không bao giờ bác lại nghĩ đến như nhà bác mà có người được “đi sang bên Tây” học.
Bác Tặng về đến nhà, Nam đã bắc nồi nước thổi cơm lên bếp.
Tiếng gió rào rạt mặt đường loáng bóng hơi mưa bụi. Người về muộn, đạp xe vội. Chặp tối mùa đông đường vắng sớm hơn.
Bảng và Nhiên đã đến đầu phố rồi lại rẽ ngược lên bờ sông, nói nốt câu chuyện đương dở. Chuyện của hai người yêu nhau, lần gặp nào mà chẳng thấy chưa hết, không dứt đi được, lại phải tha nhau đi quanh quẩn.
Và cũng không vì câu chuyện mà còn vì thói quen từ bao giờ, hai người hay đứng trên đê nhìn xuống sông, nhớ cái lần Bảng đi với Nhiên về nhà Nhiên ở bãi Giữa. Bảng bảo Bảng ngại xuống ban ngày. Dù Nhiên đã nói bừa là bà mới nghe em kể về anh, bà đã bằng lòng.
Lần đầu, Bảng đi với Nhiên xuống nhà Nhiên ở bãi lúc chặp tối. Mới rời khỏi con đê, đã như để lại cả phố náo nhiệt sau lưng. Trông lên, vòm trời mơ màng và một mảnh trăng sừng trâu. Hai người qua những vườn xoan lưa thưa, đi mãi mới tới bãi cát, ngẩng lên, vẫn thấy vừng trăng non lững thững theo ra tận dòng nước. Nhớ lần ấy như thế. Cây xoan thưa, đường đất cát mịn và bóng trăng.
Đã lên đến trên đê. Mới những tối nào, các tay đôi dập dìu đi chơi trên đê còn mát rợi gió đêm mùa hạ. Bây giờ vắng ngắt. Thành phố và dòng sông im lặng, trước mặt sau lưng. Trong bóng tối sương phủ, tiếng gió vi vút lướt dài thân đê. Hai người đố nhau nhìn thấy cái quãng cầu Long Biên gãy bên Gia Lâm. Nhưng cả dòng sông với những cánh bãi cũng trắng mờ như võng xuống. Ở những đốt cầu phao phà Bác Cổ và phía cầu Khuyến Lương, đốm đèn điện như chuỗi hạt cong cong lấp lánh. Không còn bộn rộn báo động và tiếng bom, chỉ thấy đêm thanh vắng và hai người.
– Nhiên ạ, ngày còn bé, hôm nào mình cũng lên tận cầu, có lần xuống bãi Giữa chơi, đã tưởng như về quê xa, thấy lũy tre, luống khoai lang, cái thuyền thúng.
– Thế mà không vào nhà em!
– Anh trông thấy em rồi, thế này nhé, tóc em để cun cút đỏ hoe đuôi bò, em mặc quần hổng đít. Có phải không?
– Cái anh này!
– Đúng rồi.
– Bao giờ anh Việt về, chúng mình ra bãi Giữa ở. Bà em bảo anh phải ở gửi rể, có ở rể bà em mới gả.
– Việc hai đứa anh nói với bố rồi.
– Khi nào?
– Tối hôm qua.
– Lúc ấy rồi sau báo động mà.
– Lại ném bom nữa. Thì vẫn nói được chứ sao!
– Bố bảo thế nào?
– Nhất trí.
Nhiên im lặng.
Bảng lại nói:
– Nhưng mình chưa dám nói với bố cái lí do xây dựng vì mình sắp đi bộ đội.
Lát sau Nhiên hỏi, mơ màng:
– Bây giờ định thế nào?
– Tổ chức trong tuần này được không?
– Chúng nó cười chết.
– Giản dị thôi.
Trong sương mù hòa với ánh điện, những cái loa tứ phía, bên phố, bên kia sông, tiếng vang vang nối nhau... đồng bào chú ý... máy bay địch...
Bảng về đến nhà, Nam đã ngủ trên nắp hầm từ lúc ông ra trụ sở. Nam ngồi quấn cái vỏ chăn mới ông vừa lấy trong tủ ra. Thích quá, mùa rét được cái chăn ấm. Thế là mắt díp lại, ngủ luôn.
[1] Mũ sắt bộ binh quân đội các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu.
[2] Ban đại biểu dân phố và ban bảo vệ, những tổ chức ở đường phố thời kỳ năm 1972.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố