Số lần đọc/download: 6632 / 41
Cập nhật: 2021-09-04 23:13:38 +0700
Chương 12 -
D
ân chúng nhất là những người am hiểu về chính trị và quân sự tuy không ngạc nhiên nhưng họ vẫn bàng hoàng khi báo chí, đài truyền thanh và truyền hình loan báo về cuộc triệt thoái của quân khu 1 khỏi miền trung. Phải mất hơn bốn tháng tướng Trưởng và ban tham mưu của bộ tư lệnh quân khu 1 mới thi hành được kế hoạch rút lui dưới áp lực nặng nề của địch quân. Với một tổn thất được xem như là nhẹ ông ta cùng toàn bộ lực lượng trực thuộc đổ bộ lên Quy Nhơn lập phòng tuyến mang tên Lực Lượng Đặc Nhiệm 1 lấy quốc lộ 19 làm ranh giới mới của Việt Nam Cộng Hòa. Bộ tư lệnh của tướng Trưởng đóng ở Quy Nhơn. Sư đoàn 1 chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh các quận An Nhơn, Tuy Phước, Văn Canh và Tây Sơn. Sư đoàn 2 đóng ở An Khê. Sư đoàn 3 đóng ở Mang Giang dài lên tới Pleiku, còn sư đoàn 22 của tướng Niệm được trả lại cho quân khu 2. Thủy quân lục chiến trở thành lực lượng tổng trừ bị của bộ tổng tham mưu. Sự có mặt của ba sư đoàn bộ binh, bốn liên đoàn biệt động quân cộng thêm thiết giáp, pháo binh khiến cho quân khu 2 của tướng Hiếu có một lực lượng đông đảo không kém địch về quân số. Tuy nhiên các sĩ quan cao cấp của Lực Lượng Đặc Nhiệm 1 và của quân khu 2 không quá lạc quan dù họ có trong tay năm sư đoàn bộ binh và 9 liên đoàn biệt động quân. Lính nhiều thời phải bắn nhiều mà đạn lại hiếm. Lính nhiều thời phải ăn nhiều, mặc nhiều mà những thứ đó đều hiếm và quý. Từ đôi giày, cái nón sắt, cây thông nòng súng cho tới chai dầu chùi súng. Sĩ quan các cấp phải nhắc binh sĩ tiết kiệm tối đa.
Tiểu đoàn 2 của trung đoàn 5 thuộc sư đoàn 2 bộ binh do thiếu tá Bình chỉ huy được lãnh cái vinh dự đóng chốt tử thủ đèo An Khê. Nằm ở độ cao sáu trăm mét so với mặt biển, đoạn đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu dài sáu cây số này là một vị trí cực kỳ hiểm yếu trên quốc lộ 19. Con đường dài một trăm bảy mươi mốt cây số, xuyên rừng qua núi, lên đèo xuống dốc này nằm trong vùng hoạt động của sư đoàn 3 sao vàng và trung đoàn độc lập 95A thuộc Mặt Trận Tây Nguyên hay B-3 của cộng sản Bắc Việt. Cách đèo An Khê ba mươi cây số và cách Pleiku năm mươi cây số là đèo Mang Giang, cũng hiểm yếu không kém gì đèo An Khê. An Khê và Mang Giang là cuống họng của Pleiku. Bóp được nó là thị trấn lớn của vùng cao nguyên sẽ bị chết đói. Bởi vậy đèo Mang Giang được trấn bởi tiểu đoàn 3, trung đoàn 5, sư đoàn 2 dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan hách nhất trung đoàn. Thiếu tá Hòa. Ba mươi mốt tuổi thôi. Còn trẻ lắm nhưng với 12 năm lính anh được tắm gội và nung rèn trong lửa đạn của bộ đội cộng sản Bắc Việt nơi vùng 1. Bình với Hòa là bạn cùng xóm với nhau ở Ngã Năm Bình Hòa. Hai đứa trẻ con nhà nghèo hiếu học, chơi với nhau lúc còn ở truồng tắm mưa và lớn lên học cùng lớp ở trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. Xong trung học hai đứa rủ nhau đi lính. Ra trường như có cơ duyên hai đứa cùng về trung đoàn 5 thuộc sư đoàn 2. Bây giờ hai tiểu đoàn trưởng thân thiết lãnh nhiệm vụ sống và chết trên con đường 19.
Chiều của tháng 11 mặt trời lặn sớm. Chưa năm giờ mà đã chập choạng tối. Khí núi lạnh căm. Cái lạnh bốc ra từ trong đá, trong cây rừng hoà với cái lạnh trên độ cao 600 mét càng khiến cho người lính lạnh hơn. Tuy nhiên không có cái lạnh nào lạnh hơn cái lạnh của sự chết. Chết từ trên trời cao. Chết từ bốn hướng đông tây nam bắc. Chết vì đạn đại bác 130. Chết bởi súng cối 85 ly. Chết vì hỏa tiển 122 ly. So với vũ khí tối tân bây giờ thời súng cối 81, 82 ly là đồ chơi của con nít. Ngay cả đại bác 105 cũng xưa rồi.
Thiếu tá Hòa đứng im trong bóng tối. Khung cảnh thật vắng lặng. Không có tiếng vượn hú. Không có tiếng cọp gầm. Ngay cả tiếng côn trùng rỉ rả cũng không có. Tất cả đều bỏ đi nhường chỗ lại cho người. Nhường đoạn đường dài năm cây số của đèo Mang Giang lại cho lính của tiểu đoàn 3, đơn vị được lịnh đóng chốt tử thủ mà không có sự yểm trợ của pháo binh, phi cơ và thiết giáp. Người lính của tiểu đoàn 3 phải dùng lưỡi cuốc cùn đào hố cá nhân, đục xới các khe đá cho sâu để trốn pháo; thứ khí giới đốn mạt nhất của bộ đội cộng sản Bắc Việt dùng để tiêu diệt quân địch trước khi bắt đầu tiến công bằng chiến thuật biển người. Bao giờ cũng vậy. Pháo dập trước. Dập đến tan nát. Dội đến ngất ngư rồi bộ binh tùng thiết xe tăng mới xuất hiện.
Như con hổ cô đơn bị vây hãm bởi đàn chó sói Hòa im lặng chờ đợi điều mà anh biết sẽ đến. Bum... Bum... Bum... Tiếng départ của pháo địch vọng âm u rờn rợn.
- Pháo...
Thẩm quyền của tiểu đoàn 3 nhảy tọt xuống công sự phòng thủ trước khi quả đạn đại bác của địch nổ phát đầu tiên. Người lính Việt Nam Cộng Hòa như con chuột co rút trong cái hố đất che chở cho họ mà nhiều khi trở thành nấm mộ chôn luôn họ. Như cơn mưa rừng pháo địch rơi khắp nơi. Lính pháo binh của Bắc Việt tha hồ bắn vì không sợ phản pháo. Pháo rơi vải với cường độ khủng khiếp. Lính co rút, vật vả trong chuỗi âm thanh cuồng nộ làm nổ lỗ tai, điếc con ráy, mờ con mắt và nghẹn hơi thở. Tiếng kêu chết của họ không còn ai nghe được. Ba mươi phút thôi nhưng người lính của tiểu đoàn 3 cảm thấy dài bằng một đời người. Pháo vừa dứt hỏa châu bật cháy trên trời cao. Đứng dưới hố cá nhân, giao thông hào hay công sự phòng thủ lính của tiểu đoàn 3 nghe tiếng kèn xung phong vang lanh lãnh. Rừng bộ đội xuất hiện.
- Hàng sống chống chết... Hàng sống chống chết...
Lính ông Giáp xếp hàng đi chứ không chạy. Hạ sĩ nhất Canh lẩm bẩm.
- Hàng... Hàng cái củ c... của ông nè... Mày có ngon mày tới đây...
Lưỡi lê đã gắn sẵn trên đầu súng lính tiểu đoàn 3 bình thản chờ đợi. Họ không được bắn cho tới khi có lệnh từ thẩm quyền. Trăm thước. Còn xa quá bắn uổng đạn. Năm mươi thước... Ba mươi thước... Bắn... Hòa hét trong ống liên hợp. Bộ đội bị đốn gục ngay loạt đạn đầu tiên. Lớp khác ùn ùn chạy tới. Lựu đạn nổ ầm ầm.
- Xung phong...
Lính tiểu đoàn 3 nhào ra khỏi hố cá nhân đánh cận chiến với bộ đội. Súng M16. AK47 nổ rền. Tiếng la. Tiếng hét. Tiếng chửi thề hoà lẫn trong tiếng súng tạo thành thứ âm thanh man dại. Khói súng bốc mùi hăng hắc khiến cho lính hai bên bắn, đâm, vật lộn với nhau, bóp cổ nhau đến nghẹt thở mà chết. Cuộc giao tranh kéo dài không lâu lắm. Bộ đội cộng sản Bắc Việt chém vè để lại hàng trăm xác đồng đội. Lính không đếm xác bởi vì cấp chỉ huy không cần. Hết cái thời phải đếm xác địch để báo cáo, để được lên lon hay lãnh huy chương. Tới thời điểm mà người lính đánh trận chỉ vì bảo vệ mạng sống của mình hay của những người thân yêu. Họ chỉ tịch thu súng đạn và dùng nó bắn lại một khi hết đạn.
Cùng thời gian đó tiểu đoàn 2 của thiếu tá Bình đóng chốt tại đèo An Khê bị hai tiểu đoàn của trung đoàn 22 thuộc sư đoàn 3 sao vàng thi nhau nhồi đến ngất ngư con tàu đi. Tuy nhiên sau một đêm kịch chiếm đẫm máu bộ đội Bắc Việt rút lui để lại hàng trăm các chết. Dù bị tổn thất tiểu đoàn 2 của Bình vẫn kiểm soát được đèo An Khê. Sau cuộc thử lửa đầu tiên Bắc Việt thôi tấn công. Người lính của sư đoàn 2 hân hoan hưởng những ngày bình yên trước khi cơn bảo lửa trở lại.
Toàn thể tướng lãnh, sĩ quan và binh sĩ các đơn vị trực thuộc quân khu 2 sẵn sàng chào đón vị tân tư lệnh của mình. Có người lo âu. Có người vui mừng. Có người bình thản. Có người ngờ vực. Tuy nhiên sau một tuần lễ nhậm chức thiếu tướng Hiếu đã làm mọi người ngạc nhiên khi thay thế chuẩn tướng Lê Trung Tường, tư lệnh sư đoàn 23 bằng chuẩn tướng Hồ Trung Hậu, vị tướng lãnh đã làm việc với ông ở quân khu 3. Bất cứ ai làm việc với ông là phải sạch. Không hối lộ. Không tham nhũng. Không lem nhem tiền bạc. Không ăn cắp của công. Bởi vậy có người làm việc dưới quyền ông gọi đùa ông là " ông tướng nhiều không ".
Không như các vị tư lệnh tiền nhiệm, tướng Hiếu để gia đình ở lại Sài Gòn. Có lẽ ông không muốn bận tâm và lo âu cho vợ con trong khi còn phải lo đối phó với tình hình nghiêm trọng của vùng cao nguyên. Ngày thứ nhì sau khi nhậm chức ông họp tất cả nhân viên phòng ốc của bộ tư lệnh đứng dưới sân cờ.
- Tướng lãnh. Sĩ quan. Hạ sĩ quan. Binh sĩ...
Do lệnh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng và đề nghị của đại tướng tổng tham mưu trưởng tôi nhận chức tư lệnh quân khu 2 và vùng 2 chiến thuật. Tôi tới đây không phải tìm cách ăn hối lộ, mua quan bán chức, nịnh cấp trên, hiếp cấp dưới hay làm những hành động phương hại tới binh sĩ và đồng bào của chúng ta. Tôi biết...
Ngừng lại vị " tư lệnh nhiều không " nhìn khắp vòng quân. Người ta đọc được trong mắt ông một điều là lịnh của ông phải được thi hành nghiêm chỉnh từ tư lệnh sư đoàn cho tới người lính mang cấp bậc binh nhì.
- Tôi biết một ít các anh em vì hoàn cảnh phải làm những hành vi không được đứng đắn, không xứng đáng là một quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi sẽ quên cũng như bỏ qua những gì trong quá khứ. Tuy nhiên hôm nay, ngay tại giờ phút này, anh em nên tu chỉnh, nên sửa mình để sát cánh với đồng đội chống lại kẻ địch đang âm thầm chuẩn bị chiếm đóng vùng cao nguyên. Tôi đến đây với trách nhiệm đánh nhau với các sư đoàn Bắc Việt đang lăm le nuốt chửng Pleiku, Ban Mê Thuột để dọn đường thôn tính vùng 3 và Sài Gòn. Tôi kêu gọi tinh thần yêu nước và lòng tự hào của những chiến sĩ từng hy sinh để bảo vệ tự do cho cá nhân, cho gia đình mình và đồng bào thân yêu của mình. Chúng ta sẽ chiến đấu cho tới viên đạn cuối cùng. Anh em sĩ quan hay binh sĩ nào không muốn đánh nhau với Việt Cộng cứ việc đi. Tôi có xe, có máy bay đưa anh em về Sài Gòn...
Tướng Hiếu đưa tay chỉ mấy chiếc quân xa đang nổ máy như để chở bất cứ quân nhân nào không muốn đánh nhau với bộ đội Bắc Việt. Không có người lính nào nhúc nhích.
- Thằng nào bước lên xe là tao bắn vỡ mặt...
Có tiếng cười phát ra ngắn và gọn. Còn một số mỉm cười khi nghe câu phát biểu của một người nào đó đứng trong hàng quân. Tỏ vẻ hài lòng tướng Hiếu cho lệnh giải tán rồi cùng với hai vị tư lệnh phó là chuẩn tướng Cẩm, chuẩn tướng Thân, đại tá Lý, tham mưu trưởng và đại tá Trịnh Tiếu, trưởng phòng 2 của quân khu 2 lên trực thăng xuống gặp thiếu tướng Phan Đình Niệm, tư lệnh sư đoàn 22 bộ binh đang trấn giữ Ban Mê Thuột. Sau khi mọi người ngồi vào bàn xong tướng Hiếu nói nhanh.
- Tôi xin mời đại tá Tiếu thuyết trình về tình hình của địch và của ta rồi sau đó anh em cùng tôi bàn luận một kế hoạch giữ Ban Mê Thuột cũng như tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của địch...
Khi tướng Hiếu còn là tư lệnh sư đoàn 22 thời đại tá Tiếu là thiếu tá trưởng phòng 2 sư đoàn. Nay gặp lại người sĩ quan có biệt tài về an ninh tình báo của mình ngày xưa tướng Hiếu rất vui mừng vì có được một sĩ quan tâm đắc và tin cẩn. Ông càng thêm vui mừng khi tái ngộ đại tá Lý, vốn là tham mưu trưởng của ông ngày xưa khi còn chỉ huy sư đoàn 22 bộ binh.
- Thưa thiếu tướng tư lệnh... Cá nhân tôi và các sĩ quan cao cấp của phòng 2 biết Bắc Việt đã chuẩn bị cho mặt trận Ban Mê Thuột từ cuối năm 74. Họ huy động tới 4 sư đoàn chánh quy gồm có sư đoàn 3 Sao Vàng hoạt động nơi tỉnh Bình Định, sư đoàn F10 chịu trách nhiệm vùng Pleiku, sư đoàn 320 ở Kontum và sư đoàn 968 hoạt động ở vùng Tam Biên. Sư đoàn 968 bị phi cơ ta oanh kích khi kéo về quận Thạnh An do đó Bắc Việt phải điều động sư đoàn 316 đang ở biên giới Lào Việt về thay thế. Gần đây có một sĩ quan của địch ra chiêu hồi. Anh ta khai báo là sư đoàn 320 đang đóng ở phía bắc quận Buôn Hồ để chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Một binh sĩ hồi chánh khác cũng cho biết là trung đoàn 25 đã di chuyển về vùng Khánh Dương trong lúc các đơn vị của sư đoàn F10 đang hiện diện quanh quận Đức Lập... Những sự kiện này dẫn ta tới một kết luận là cộng quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột...
Đại tá Tiếu ngừng nói. Vị tư lệnh quân khu 2 hỏi thiếu tướng Niệm.
- Anh Niệm nghĩ sao?
So về chức vụ thời tướng Niệm là tư lệnh sư đoàn nhưng cấp bậc lại là thiếu tướng do đó tướng Hiếu mới hỏi ông ta trước khi hỏi chuẩn tướng Cẩm và chuẩn tướng Thân.
- Tôi đồng ý với đại tá Tiếu về nhận xét cộng quân sẽ đánh Ban Mê Thuột nhưng...
Mỉm cười khi nghe chữ " nhưng " của tướng Niệm, vị tư lệnh quân khu 2 quay qua hỏi hai tư lệnh phó và tham mưu trưởng của mình.
- Ba anh nghĩ sao?
Tướng Cẩm trả lời trước nhất.
- Tôi cũng nghĩ là Bắc Việt sẽ tấn công Ban Mê Thuột. Tuy nhiên...
Chuẩn tướng Thân tiếp theo.
- Tôi nghĩ họ sẽ đánh... Có điều...
Đại tá Lý cười nhẹ.
- Họ cũng đánh mà đánh...
Thiếu tướng Hiếu cười đùa.
- Như vậy là tất cả chúng ta đều có cùng nhận định là Bắc Việt sẽ đánh Ban Mê Thuột nhưng lại có thêm một chữ " nhưng " ở đằng sau...
Giọng nói của vị tư lệnh quân khu 2 lại vang lên.
- Các tướng lãnh Bắc Việt đều biết là so về quân số họ không bằng ta nhưng so về hỏa lực họ lại hơn hẳn ta. Có thể nói hỏa lực của họ hơn ta gấp hai ba lần. Mỗi bên đều có một cái hơn và một cái kém. Như vậy theo tôi lực lượng hai bên bằng nhau. Biết đánh Ban Mê Thuột là đánh vào một vị trí được phòng thủ vững chắc với quân số đông hơn một sư đoàn cho nên địch sẽ phải huy động ít nhất hai sư đoàn và một ưu thế tối đa về hỏa lực. Địch sẽ dập ta nhừ tử. Địch sẽ lắc lô tô cho anh Niệm tối tăm mặt mũi rồi sau đó mới tấn công. Tuy nhiên theo tôi thời địch đánh mà không đánh...
Đại tá Lý lên tiếng.
- Tư lệnh muốn nói là họ đánh thử...
Thiếu tướng Hiếu cười nhẹ khi biết vị tham mưu trưởng đã nhận ra cái ý của mình. Hớp ngụm nước lạnh ông ta nói tiếp.
- Họ sẽ đánh thử với hai mục đích là thăm dò sức kháng cự của ta và thứ hai là tiêu hao tiếp liệu của ta. Họ biết ta đạn dược đang thiếu hụt vì không có viện trợ của Mỹ...
Hướng về tướng Niệm vị tư lệnh quân khu 2 hỏi.
- Anh giữ Ban Mê Thuột được không?
Tướng Niệm trả lời gọn và nhanh.
- Tôi giữ được...
- Tôi sẽ tăng viện cho anh bốn liên đoàn 11, 12, 14 và 15 biệt động quân. Việc bố trí quân phòng thủ tôi cho anh toàn quyền quyết định...
- Thưa tư lệnh... Không cần biệt động quân tôi cũng có thể giữ được...
Tướng Niệm lên tiếng và tướng Hiếu cười như hiểu ý vị tướng dưới quyền chỉ huy của mình.
- Tôi biết... Sở dĩ tôi cho anh thêm bốn liên đoàn biệt động là tôi có ý dùng nó để hợp cùng sư đoàn 22 truy lùng và tiêu diệt địch khi ta chuyển từ thế thủ sang thế công...
Nhìn năm sĩ quan cao cấp của mình tướng Hiếu nghiêm giọng.
- Ba sư đoàn 1, 2 và 3 đã giúp ta rất nhiều trong việc phòng thủ cũng như ngăn chận địch tấn công Pleiku do đó tôi sẽ dùng các liên đoàn biệt động vào cuộc phản công tiêu diệt các đơn vị của địch đánh vào Ban Mê Thuột. Muốn đánh, cộng quân phải cô lập Ban Mê Thuột trước với ba mặt bắc, nam và đông bắc. Phía bắc địch sẽ đánh chiếm quận Thuần Mẫn, thuộc tỉnh Phú Bổn nằm trên quốc lộ 14. Phía nam địch sẽ tấn công quận Đức Lập thuộc tỉnh Quảng Đức cũng nằm trên quốc lộ 14. Phía đông bắc địch sẽ đánh Khánh Dương để chận đường tiếp viện của ta từ Nha Trang lên. Ta sẽ để cho họ tự do hành động...
- Dường như tư lệnh muốn họ đánh Ban Mê Thuột?
Đại tá Lý hỏi và thiếu tướng Hiếu đáp không do dự.
- Tôi sẽ để cho họ đánh vào nhưng không cho họ chiếm được. Ông Niệm sẽ giữ vững thị xã buồn muôn thuở và cầm chân địch cho tới khi ta bắt đầu phản công...
Nhìn chuẩn tướng Thân, tướng Cẩm, đại tá Lý và đại tá Tiếu, thiếu tướng Hiếu hỏi.
- Bốn anh ở vùng 2 lâu nên phải thông thạo địa thế hơn tôi. Nếu chạy họ sẽ chạy đường nào?
Do dự giây lát tướng Cẩm trả lời.
- Họ có thể chạy theo nhiều đường hoặc nhiều hướng khác nhau. Họ có thể rút về hướng nam, tây nam hoặc tây bắc. Tuy nhiên theo tôi hướng tây nam tức là hướng của quận Đức Lập là tiện nhất. Vượt qua biên giới là họ thoát vì theo hiệp định Paris ta không thể vượt qua biên giới...
Vị tư lệnh quân khu 2 nở nụ cười cay đắng và giọng nói cũng trở thành mỉa mai.
- Chúng ta không cần phải tuân theo hiệp định Paris. Đó chỉ là đống giấy lộn đáng vứt vào thùng rác. Bắc Việt vi phạm thời tại sao ta không được vi phạm... Quân ta sẽ truy kích bộ đội của Giáp qua biên giới...
Câu nói của thiếu tướng Hiếu chấm dứt buổi họp. Sau đó ông cùng với tướng Niệm lên xe đi một vòng thị xã Ban Mê Thuột quan sát các vị trí phòng thủ rồi mới lên trực thăng trở lại Pleiku. Ngay khi về tới bộ tư lệnh quân khu 2 tướng Hiếu họp mật với hai tư lệnh phó và tham mưu trưởng của mình. Ít có người biết họ đã bàn những gì chỉ thấy hai liên đoàn 31 và 32 biệt động quân đang đóng ở Phước An được lệnh sẵn sàng di chuyển tới một địa điểm trên quốc lộ 14 cách Ban Mê Thuột chừng mươi mấy cây số về hướng nam. Cùng lúc đó trung đoàn 45 của sư đoàn 23 đóng tại Gầm Ga
nhận được lệnh sẵn sàng để giải tỏa đoạn đường của quốc lộ 14 từ Pleiku đi Buôn Hồ. Bằng tất cả mọi giá họ phải khai thông và giữ an ninh để quân xa có thể di chuyển được. Đang đóng ở Buôn Hồ liên đoàn 21 và 25 chuẩn bị xuôi nam khi có lệnh. Cùng thời gian đó hai liên đoàn 22 và 23 nhảy một bước thật dài bằng trực thăng xuống Bản Đôn.
Người ta càng thêm thắc mắc rồi đâm ra lo âu khi thấy cộng quân đánh chiếm Thuần Mẫn mà tướng Hiếu không có một hành động nào để giải tỏa con đường nối liền Ban Mê Thuột và Pleiku. Lực Lượng Đặc Nhiệm 2 của tướng Khang đóng tại Nha Trang vẫn án binh bất động khi cộng quân đánh chiếm quận Khánh Dương cắt đứt quốc lộ 21 nối liền Ninh Hòa và Ban Mê Thuột. Dân chúng lại rúng động và sợ hãi khi cộng quân tràn ngập chi khu Đức Lập nằm về hướng tây nam và chỉ cách Ban Mê Thuột chừng năm sáu chục cây số. Người ta đoán vị tân tư lệnh này có lẽ không biết đối phó với tình hình phức tạp của vùng cao nguyên.
Riêng tại thị xã Ban Mê Thuột tướng Niệm đã sửa soạn rất kỹ lưỡng để trốn pháo và nhất là đón tiếp bộ đội của già Hồ. Phía bắc thành phố có trung tâm huấn luyện của sư đoàn 23 bộ binh được giao cho trung đoàn 40 và một tiểu đoàn của liên đoàn 11 biệt động quân đóng chặn. Phía nam do bộ tư lệnh sư đoàn và trung đoàn 41 với liên đoàn 11 án ngữ. Phía đông trung đoàn 42 hợp với tiểu khu Darlac và chi khu Ban Mê Thuột trấn đóng. Mặt này còn được tăng viện thêm một tiểu đoàn biệt động quân. Phía tây là mặt trận nặng nhất được giao cho trung đoàn 47, liên đoàn 12, 14 và 15 biệt động quân. Riêng phi trường Phụng Dực nằm cách thành phố chừng năm cây số được tăng phái thêm tiểu đoàn 79 của liên đoàn 14 biệt động quân. Hiểu được sự quan trọng của đạn dược nên tướng Niệm điều động tiểu
đoàn 94 thuộc liên đoàn 15 biệt động quân tới cố thủ kho đạn Mai Hắc Đế. Mỗi mặt trận đều được yểm trợ bởi tăng và nhiều hỏa tiễn chống chiến xa. Để trấn an dư luận thiếu tướng Niệm họp dân chúng ở sân tỉnh trưởng và tuyên bố.
- Đồng bào yên tâm ở lại đây. Lính của sư đoàn 22, sư đoàn 23 với biệt động quân và lính của tiểu khu sẽ tử thủ Ban Mê Thuột. Chúng ta sẽ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng...
Nghe lời hứa của vị tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột dân chúng an tâm còn binh sĩ vui mừng hò reo. Họ phải ở lại đây, sống hay chết cũng phải ở lại đây để mặt đối mặt với bộ đội Bắc Việt, để rửa mối hận đã bỏ vùng 1, đã rút khỏi Phù Mỹ, Phù Cát, Sa Huỳnh...
2 giờ sáng. Hàng ngàn trái đạn đại bác tầm xa 130 ly, 152 ly, 122 ly, hỏa tiển 122 ly chụp xuống thành phố Ban Mê Thuột. Âm thanh của đạn đại bác hú trong không khí khiến cho dân chúng đang ngủ say phải giật mình hoảng hốt hấp tấp chui xuống hầm trú ẩn. Pháo đủ tám phương bốn hướng. Pháo đủ mọi loại đạn với cường độ khủng khiếp như muốn biến thành phố buồn muôn thuở này trở nên thành phố chết. Nhà cửa của dân chúng bị bốc cháy khắp nơi vì trúng đạn. Thành phố với sáu mươi ngàn dân như nằm tại trung tâm điểm của một cơn động đất sáu bảy chấm. Thành phố thơm mùi cà phê giờ đây nồng nặc mùi khói súng. Lính sư đoàn 22, 23, địa phương quân, cảnh sát và biệt động quân co rút trong các hầm trú ẩn, dưới giao thông hào, hố cá nhân tránh cơn mưa đại pháo của một trung đoàn pháo Bắc Việt kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ. Pháo thưa dần cho lính biết chiến xa với bộ binh tùng thiết của địch bắt đầu tấn công. PT 76 tiến nghênh ngang. T54
chạy loạn xạ trên đường. Tiếng xích sắt khua rổn rảng như đe dọa tinh thần của những người lính tử thủ.
- Để mấy chiếc tăng mất dạy đó cho tao... Tụi bây đợi mấy thằng nhóc bộ đội tới gần mới bắn. Xa quá bắn uổng đạn...
Thượng sĩ Tiền thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn 47 nhắc chừng lính. Chiếc T54 nghênh ngang tiến vào ngay họng khẩu M72. Già Tiền bấm cò. Trái hỏa tiển chống tăng xẹt thẳng vào pháo tháp. Tiếng nổ kinh hồn cùng với lửa phựt cháy. Tiếng nổ của quả M72 khơi mào cho trận đánh. Súng nổ rền trời đất. Bốn hướng đông tay nam bắc đều có tăng và bộ đội Bắc Việt ào ạt tiến vào. Được tuyên truyền là miền nam đã giải phóng rồi và họ chỉ vào tiếp thu thôi nên lính Bắc Việt vào trận địa như đi chợ. Họ đi ngay vào họng đại liên. Họ bước đúng vào mũi súng M16 tiết kiệm nhưng chính xác của lính sư đoàn 22. Hàng chục chiếc tăng dẫn đầu bị bốc cháy. Lính già hồ lúng túng. Đại liên M60 xé không khí xói vào da thịt của bộ đội. Lựu đạn nổ ầm ầm. Ban Mê Thuột bốc lửa. Ban Mê Thuột được nung chảy. Ban Mê Thuột nóng hừng hực. Ban Mê Thuột biến thành địa ngục trần gian với tiếng la hét, tiếng kêu gào và tiếng súng không giật 85 ly, 75 ly, B40, B41, đại liên 12 ly 7, 12 ly 8, 13 ly 8, đại liên M60...
- Xung phong...
Từ trong các hầm núp, giao thông hào, hố cá nhân người lính Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện với M16 gắn lưỡi lê. Tiếng la. Tiếng hét. Tiếng chửi thề hoà lẫn trong tiếng lưỡi lê xuyên vào da thịt và tiếng nấc của lính đôi bên vang lên tạo thành thứ âm thanh kỳ dị trong vùng khói súng mù mịt và tiếng nổ lốc bốc của lửa cháy phát ra từ mấy chiếc T54.
Đụng phải bức tường người không sợ chết bộ đội của các trung đoàn 174, 149 và 148 của sư đoàn 316, của trung đoàn 95B và trung đoàn đặc công phải lùi lại sau một giờ kịch chiến với quân lính tử thủ Ban Mê Thuột. Xác chết nằm la liệt cạnh mấy chiếc tăng đang bốc khói. Một cơn mưa pháo thứ nhì chụp xuống đầu người lính đang giữ thành phố Ban Mê Thuột. Pháo dứt. Tiếng kèn thúc quân vang lanh lãnh báo hiệu đợt tấn công thứ nhì bắt đầu. Tiếng hô " hàng sống chống chết " vang lên rền rền như đe dọa, như muốn cướp tinh thần của những người lính đang tử thủ. Tuy nhiên chết thời chết người lính sẽ ở lại đây để giữ lời hứa với dân chúng. Ba lần cường tập với đủ cả tăng pháo và bộ binh, ba lần bộ đội của ông Giáp khựng lại khi đối mặt với những người lính không chịu lùi thêm bước nào nữa. Cuối cùng bộ đội của ông Giáp phải rút để chỉnh đốn hàng ngũ và chờ đợi đợt tấn công kế tiếp.
Sáng hôm sau những người lính cố thủ Ban Mê Thuột ăn điểm tâm bằng mấy ngàn quả đạn đại bác đủ loại của cộng quân rót vào thành phố. Họ khỏi cần hút thuốc vì ngửi khói súng cũng đã phê rồi. Vừa pha xong cà phê mới hớp được ba hớp thượng sĩ Tiền phải nhảy vội xuống hố cá nhân khi nghe tiếng xè xè của đại bác. Tiếng nổ rất gần khiến cho bụi đất bay rào rào. Bị đổ hết cà phê ông thượng sĩ phát sùng chửi toáng lên.
- Mẹ... Mấy thằng bộ đội Bắc Việt cũng mất dạy như bác Hồ của chúng. Người ta bảo trời đánh còn tránh bữa ăn thế mà tụi nó chẳng cho mình uống cà phê...
Pháo nổ liên miên bất tận khiến cho vị thượng sĩ già lẩm bẩm.
- Mẹ kiếp... Đạn ở đâu mà chúng nó bắn nhiều thế...
Pháo bên đông, nổ ở hướng bắc, ì ầm nơi hướng tây, hú từng loạt qua đầu từ hướng nam. Tất cả làm tan hoang thành phố xinh đẹp. Ban Mê Thuột như cô sơn nữ ngây thơ đang bị bàn tay hung bạo của các anh bộ đội miền bắc bóc trần ra từng mảnh xiêm y. Pháo rơi xuống trường tiểu học Bồ Đề, La San, Vĩnh San. Đại bác 130 ly chụp xuống Trường Trung Học Công Lập, trường Nông Lâm Súc, trường Sư Phạm. Hỏa tiễn 122 ly rớt xuống đường Phan Châu Trinh, đường Tự Do, Bến Xe Cây Số 3. Có thể nói sáu mươi ngàn quân dân trong thành phố Ban Mê Thuột, mỗi người được hân hạnh lãnh một quả đại pháo của già Hồ tặng cho. Pháo rời rạc rồi dứt hẳn. Lính phòng thủ như cảnh sát, cảnh sát dã chiến, địa phương quân, sư đoàn 22, 23 và biệt động quân đều sẵn sàng. Lưỡi lê gắn trên đầu súng, tay lựu đạn tay M16 từ quan tới lính đều im lìm chờ. Sĩ quan từ trung tá, thiếu tá, tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng đều thủ M16 hay đôi khi còn kèm thêm M72. Ngay cả tướng Niệm và các sĩ quan tham mưu của ông đều trang bị lựu đạn và M16 để lỡ...
T54 xuất hiện nơi ngã ba đường. PT76 lừng lững tiến vào. Tiếng dây xích nghiến trên mặt đường nhựa khiến cho mọi người tưởng chừng như nó đang cán lên thân thể mình. Bộ đội lúc nhúc phía sau xe tăng.
- Nhắm cho kỹ nghe mấy em... Mỗi trái M72 là một chiếc tăng. Mỗi viên đạn là một tên bộ đội...
Đứng xỏng lưng thiếu tá Hào, tiểu đoàn trưởng căn dặn lính dù họ đã biết, đã nghe hàng chục lần. Năm mươi thước. Tiếng la " hàng sống chống chết " rền trong không khí khét nghẹt và trong khói súng mù mịt. Ba mươi thước. Đạn AK réo trong không khí. Đại liên 13 ly 8 cày thành đường dài
trên mặt đường.
- Bắn...
Phát súng lệnh bắn ra. M72 vọt đi như tia lửa chạm vào chiếc T54. Ánh lửa nháng lên kèm theo tiếng nổ lùng bùng con ráy. M60, M16, 12 ly 7 nhịp đều đặn nhưng rất hiệu quả khiến cho lính ông Giáp không thể nào tiến lên được.
Ngồi trong hầm chỉ huy tướng Niệm theo dõi cuộc chiến qua báo cáo từ các trung đoàn trưởng. Lần tấn công thứ ba của địch đã bị chận đứng vì sức chiến đấu kiên cường và lòng hy sinh cao độ của các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đoán chừng địch đã yếu thế và có thể rút lui sau hai ngày tấn công Ban Mê Thuột ông lập tức báo cáo cho bộ tư lệnh quân khu 2. Nhận được tin Ban Mê Thuột vẫn đứng vững thiếu tướng Hiếu ban lệnh phản công. Hai liên đoàn 31 và 32 biệt động quân tức tốc di chuyển lên hướng bắc nhằm ý định khóa cứng đường rút lui của địch. Trung đoàn 45 càn quét quận Thuần Mẫn để tiêu diệt các đơn vị của sư đoàn 320. Hai liên đoàn 21 và 25 chia nhau nhổ từng chốt của địch trên quốc lộ 14 để lấy đường tiến về Ban Mê Thuột. Liên đoàn 22 và 23 theo liên tỉnh lộ 681 di chuyển về thị xã. Cùng lúc đó tướng Niệm cho lệnh lực lượng tử thủ Ban Mê Thuột phản công. Sư đoàn 22 đi chính giữa. Liên đoàn 11 và 12 biệt động quân đi bên trái, liên đoàn 14 và 15 đi bên phải. Ba đơn vị với xe tăng yểm trợ đánh ào vào các vị trí của địch. Các đại đội trinh sát được lệnh dò tìm và triệt hạ bộ tư lệnh sư đoàn 316. Các đơn vị của sư đoàn 316, trung đoàn 95B, trung đoàn đặc công, trung đoàn pháo, trung đoàn tăng được lệnh rút lui vì chậm trễ sẽ bị lọt vào thế trận của vị tân tư lệnh quân khu 2. Bốn cánh quân đông, bắc, nam và tây bắc từ từ xiết chặt vòng vây chỉ chừa hướng tây nam cho địch rút lui. Toàn thể lực lượng tham dự trận chiến của địch rút về hướng Đức Lập để vượt biên giới sang khu an toàn. Tuy nhiên chúng không biết rút về hướng đó là lọt vào bẫy. Các phi cơ chiến đấu ở phi trường Cù Hanh, Phan Rang, Biên Hòa nhập cuộc chơi. Dân chúng ở Ban Mê Thuột nghe được tiếng phản lực cơ gầm rú, tiếng bom nổ ì ầm suốt ngày hôm đó cùng với lửa cháy đỏ rừng nơi hướng biên giới.