Reading well is one of the great pleasures that solitude can afford you.

Harold Bloom

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Lân
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1419 / 23
Cập nhật: 2017-06-01 11:35:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 - Nguyễn Trường Tộ Với Phép Thống Kê Và Việc Đạc Điền
ột điều đặc sắc trong cách tổ chức mọi việc của người Âu Tây là phép thống kế. Nhờ có phương pháp đó, ở các nước văn minh người ta biết được tường tận số nhân khẩu, số người làm từng nghề, số người thất nghiệp, số sản xuất các hóa phẩm, số hàng hóa và tầu bè xuất cảng, nhập cảng trong một tháng, trong tam cá nguyệt, trong lục cá nguyệt, trong một năm, trong mười năm v.v...
Có biết rõ được số từng thứ một, thì mới hiểu được về phương diện gì Quốc Dân được tấn tới, về phương diện gì còn có nhiều khuyết điểm, rồi mới có thể tìm cách khuyến khích, chấn chỉnh hoặc bổ cứu được.
Trong bao nhiêu thế kỷ, người nước ta chỉ quen thói hàm hồ, luộm thuộm, cho nên trình độ Quốc Dân cao hay thấp, hơn người ở chỗ nào, kém người vì đâu, đều không được biết rõ,. Đến cuối Thế Kỷ thứ 19, mọi việc đều còn hỗi độn. Nhất là các lý dịch vì tư lợi chỉ tìm cách khi trá; mỗi khi khái báo mà lừa dối được quan trên thì lấy làm hãnh diện với dân đem; cho nên Triều Đình không được biết rõ ràng tình thế của dân gian,. Đến nỗi ông Nguyễn Trường Tộ phải kêu lên rằng:
‘’Tôi thiết nghĩ nhà nước đối với dân cũng như cha mẹ đối với con. Nếu cha mẹ không biết con có mấy đứa, đứa nào làm nghề gì, đứa nào giàu, đứa nào nghèo, đứa nào sống, đứa nào chết, đứa nào đau khổ, đứa nào lợi hại ra sao, thì thực chưa đúng với đạo làm cha mẹ... Nay nếu Triều Đình không biết trong nước có bao nhiêu trai gái, bao nhiêu người già, bao nhiêu người nghèo, bao nhiêu người làm nghề gì, thì trị đạo còn khiếm khuyết nhiều lắm! Ở Âu Tây thì hết thảy những người sống, chết, giàu, nghèo, học thức, ngu độn cho đến quan và lính đều có lý dịch biên chép cẩn thận. Lại trong mỗi năm, ở các thành phố hàng hóa ra vào, thuyền bè đi lại, quán khách nhà trọ, vật giá sang hèn, cùng những món lợi về bách cốc, lục súc, sơn dầu, hải khẩu, khoáng sản, tạo tác và những việc tiêu dùng, nhất nhất đều kê biên tường tận để đề đạt Triều Đình, cho được biết rõ sự thịnh, suy, lợi, hại’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ bảy).
Ông xin nhà nước sức cho các phủ huyện và tổng lý hàng năm phải biên chép cho rõ từng thứ; người nào ẩn nặc sẽ phải trị tội thực nặng.
Cuộc điều tra nhân khẩu và việc lập các bản thống kê mà được rành mạch thì thuế khóa được công bằng, việc cai trị cũng dễ dàng, không còn cẩu thả nữa.
Cũng vì muốn trừ cái thói cẩu thả nó đã hình như là một đặc điểm của người mình, ông Nguyễn Trường Tộ ngoài hai điều trên, lại xin Triều Đình đặt lệ đạc điền và họa đồ cương giới nữ.
Ông thường thấy ‘’ở nhiều nơi đất ruộng nhiều mà trong điền bộ chỉ khai độ ba bốn phần mười...Lại có nơi, ruộng có thuế thì phải bỏ hoang mà ruộng không thuế thì được nhiều lúa...Cũng có làng lý dịch đem ruộng chỗ nọ đổi qua chỗ kia để thu nhiều mà nộp quan thì ít, thực là lộn xộn quá chừng!’’.
Cho nên ông ‘’xin nhà nước lựa cho được những người có thực tâm liêm chính chia nhau đi khắp làng để đạc điền; bất cứ ruộng lớn ruộng nhỏ đều cứ theo thước tấc mà vẽ vào đồ bản, cước chú số hiệu cho rõ ràng’’. (Tế cấp bát điều, điều thế năm).
Nhân việc đạc điền, ông lại xin họa đồ các cương giới và phân rõ địa phận các tỉnh, các phủ huyện, các xã thôn các trang phường; ‘’phải đo đạc cả bốn phía, sao cho phù hợp những chỗ rộng hẹp, gần xa; trên mặt đất có những hình thể gì, cũng phải vẽ rõ; trong bản đồ có kèm theo những lời chú thích để giải nghĩa. Các bản đồ đó, hoặc vẽ riêng từng khu vực, hặc vẽ chung cả nước, đều phải theo đúng độ số và lý số, để tiện việc kế toán’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ sáu).
Theo ý ông, họa đồ như thế không những lợi việc cai trị, về việc kinh tế mà còn lợi về việc võ bị nữa, vì địa dư trong một nước có ảnh hưởng to tát đến việc hành binh.
Nhưng họa đồ phải theo tân pháp thì mới được đúng, vì ‘’cách thức họa đồ của ta rất là thảo xuất, xem bản đồ không thể biết rõ được như chính mình đã đi đến tận nơi’’.
Vì sợ trong nước ít người hiểu những phương pháp mới, nên cũng như khi bàn đến các vấn đề khác, ông phải biên thêm câu: ‘’việc họa đồ và đo đạc như trên, tôi cũng có biết’’.
Ấy thế mà chẳng ai đếm xỉa đến lời đề nghị của ông. Thậm chí ông ngửa tay xin việc mà cũng chẳng ai thèm giao cho. Bởi thế mãi đến lúc người Pháp đã đặt nền bảo hộ, thì công việc đạc điền và chỉnh đốn cương giới mới bắt đầu được thực hiện.
Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Trường Tộ - Nguyễn Lân Nguyễn Trường Tộ