Số lần đọc/download: 0 / 66
Cập nhật: 2020-11-03 00:36:46 +0700
Chương 10
Đ
êm ấy hai anh chị ngủ trên đống bừa bộn thiêng liêng, ngay đến việc ái tình vui sướng tràn trề cũng diễn ra và hoàn thành suôn sẻ trên đống bừa bộn nền nhà. Họ không ngờ bề bộn đã đem lại cho mình sức mạnh vô cùng vô tận, giống như không ngờ trong đống rác lại có thể nở bông hoa tươi thắm. Nhưng khi sung sướng cực độ, thì cơn mệt mỏi cũng đến theo, đã tấn công họ như vũ bão. Họ đã rất nhanh chóng đi vào giấc ngủ, sau đó lại bị cơn đói đánh thức trong giấc ngủ. Ngô Đại Vượng mặc dù hai chân bủn rủn, vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành chức trách toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ. Khi đi nấu cơm cho Lưu Liên và bản thân, mới phát hiện trong nhà không còn một cọng rau xanh. Việc này không thể không hủy bỏ lời thề của họ bảy ngày bảy đêm đóng cửa không ra khỏi nhà, giống như huỷ bỏ tượng Thánh. Được cái đây đã là đêm cuối cùng của bảy ngày bảy đêm, cách trời sáng không còn bao lâu. Anh biết chị còn đang ngủ trên gác, định lên mặc quần đùi, ra vườn rau sau nhà nhổ mấy cây cải. Nhưng lại sợ quấy rối giấc ngủ của chị, thế là anh cứ để tồng ngồng, từ từ mở khoá ngầm cửa sau bếp ra ngoài.
Khi mở cửa, ánh trăng như một tấm kính lớn đập lên người anh. Bầu trời trong, xanh biếc, không hề có một vẩn mây, khiến anh bất ngờ. Ra khỏi nhà bếp, nhìn thấy mặt trăng bạc trắng đang toả ánh sáng vàng tươi, lơ lửng giữa trời, nhởn nhơ thanh thản, Ngô Đại Vượng bỗng có cảm nghĩ mặt trăng sẵn sàng rơi xuống bất cứ lúc nào.
Đây không phải lần đầu Ngô Đại Vượng sợ mặt trăng rơi xuống. Lần đầu sợ mặt trăng từ trên trời rơi xuống là lúc bố anh mắc bệnh qua đời. Lần thứ hai vào lúc nửa đêm hôm tân hôn, khi anh lơ mơ cảm thấy hôn nhân không có ý nghĩa gì. Bây giờ anh lại có cảm giác ấy. Anh không biết cảm giác đến bất ngờ lần này báo trước một điềm gì bất trắc trong số phận và cuộc sống của mình. Đi trên lối ra vườn rau, Ngô Đại Vượng cảm thấy mệt mỏi rã rời, hai chân bủn rủn chỉ chực ngã. Nhưng anh vẫn cảm thấy khoan khoái và nhẹ nhõm vô cùng trong dự cảm chẳng lành của đêm trăng. Anh thấy vững tâm, giống như trong kho chứa đầy vàng. Suy nghĩ kỹ, anh còn ao ước điều gì nữa? Một cô gái lớn lên trong thành Dương Châu, sĩ quan, chức tiểu đoàn phó, phu nhân sư trưởng, xính đẹp mê hồn, tiếng nói dịu ngọt, lại còn là phần tử tích cực học tập tác phẩm nổi tiếng Mao Trạch Đông, là tấm gương sáng điển hình trong sư đoàn như anh, không chỉ sống với anh như vợ chồng trong hai tháng khi sư trưởng đi vắng, mà còn cởi trần cởi truồng sống với anh bảy ngày bảy đêm trong nhà gác không ra ngoài một giây một phút. Từ thân thể chị, anh đã nhìn thấy tất cả những chỗ tuyệt diệu tồn tại trên cơ thể đàn bà toàn thế giới, cảm nhận được niềm đam mê và sung sướng cả cuộc đời nằm mơ cũng không có. Ngoài ra, chị còn đồng ý sẽ tìm mọi cách giúp đỡ anh được đề bạt cán bộ, chuyển vợ con từ nơi rừng thiêng nước độc, khỉ ho cò gáy, nghèo rớt mồng tơi, ra Thành phố mà anh hằng mơ ước, để cuối cùng anh thực hiện được giấc mộng Thiên đường, trở thành người Thành phố.
Tuy việc vợ có chuyển theo đơn vị quân đội hay không, đã không còn khẩn trương cấp bách như trước, nhưng nghĩ đến thằng con kháu khỉnh, ngoan ngoãn do mình và Triệu Nga sinh ra, anh vẫn nóng lòng muốn nhanh chóng chuyển vợ con ra Thành phố, còn bản thân sẽ được đề bạt thành cán bộ, được mặc bộ quân phục bốn túi màu xanh, bằng vải dạ chéo go, chỉ có cán bộ mới được mặc.
Nói thật, hai tháng trước, nói Ngô Đại Vượng muốn đề bạt cán bộ là để thực hiện lời anh cam kết với gia đình họ Triệu. Còn lúc này, sau hai tháng, anh muốn đề bạt cán bộ đã không còn dính dáng quá nhiều với lời cam đoan. Đề bạt cán bộ đã chuyển hoá thành ước nguyện thầm kín mơ hồ, anh muốn phục vụ lâu dài trong quân đội và sống chung mãi mãi với Lưu Liên. Nhưng một trang mới trong số phận sắp mở ra, chương nhạc tuyệt tác cuả tình yêu đã diễn tấu đến giờ phút cuối cùng khi tấm phông lớn khép lại. Đi đôi với tấm phông lớn từ từ đóng lại, Ngô Đại Vượng sắp sửa rời khỏi ngôi nhà gác số một, rời khỏi vườn rau, vườn hoa, giàn nho, nhà bếp thân yêu, cả những bát đũa gáo chậu xoong nồi và bao tải rau bề ngoài không dính dáng gì đến chính trị, không có những lời dạy, những khẩu hiệu cách mạng và hình ảnh đầu vĩ nhân, mà quan trọng hơn cả là tâm trạng phải xa Lưu Liên đã hoàn toàn chiếm lĩnh trái tim anh, ngay đến một giọt máu, một tế bào anh, cũng có vị trí quan trọng của chị. Hiện giờ anh vẫn chưa biết sự xa cách này sẽ chôn vùi ở nơi sâu thẳm trong trái tim anh nỗi đau khổ về linh hồn như thế nào. Không biết câu truyện của anh sẽ cua gấp lao thẳng tại đây, bắt đầu chuyển hứơng phát triển một trăm tám mươi độ. Không biết số phận của cuộc đời, thường là hết cơn thái lai đến tuần bĩ cực, trong niềm say mê cực độ, thường ẩn chứa sự trầm vắng lâu dài, trong vui sướng cực độ, thường ngầm chứa nỗi buồn đau dai dẳng.
Hiện tại Ngô Đại Vượng đang ở trong trạng thái hoàn toàn không biết gì hết. Lưu Liên đã xuất hiện đằng sau anh từ bao giờ. Chị mặc chiếc xi líp màu đỏ nhạt, đeo chiếc xu chiêng màu trắng sữa, lặng lẽ đứng một lát, lại im ắng về nhà, thần không hay, ma không biết, cầm ra một chiếc chiếu cói, còn đem ra một gói bánh bích quy, bưng ra hai cốc nước sôi. Lần này, từ trong nhà đi ra, chị không nhẹ nhàng rón rén, mà bước thoải mái. Khi tiếng bước chân của chị khiến anh giật mình khỏi giấc mộng đẹp thèm thuồng đối với thiên nhiên và cảnh đêm, anh chợt quay đầu, nhìn thấy chị đã đến gần trước mặt, đang đặt hai cốc nước sôi và bánh bích quy trên bờ ruộng rau.
Ngồi trên bờ một luống rau trong vườn, chị nghĩ đến chức trách của anh. Nghĩ thế, chị còn đợi anh nấu cơm. Có vẻ ân hận, anh khẽ thốt lên một tiếng:
- Lưu Liên, cứ ra khỏi nhà là Vượng quên ngay, Liên muốn phạt Vượng thế nào thì phạt.
Lưu Liên không tiếp lời anh, nét mặt không tỏ vẻ buồn, bình thản như không có chuyện gì sảy ra. Khỏi cần nói, trong thời gian anh không ở trong nhà, chị đã sửa sang lại thân thể một lượt, tắm, gội đầu, xoa một lượt loại phấn thơm chuyên dùng của chị em phụ nữ mà thời đó rất hiếm người mới có thể mua được từ Thượng Hải. Từ trên gác đi ra, hình như chị đã chia tay bảy ngày bảy đêm kinh thiên động địa. Dường như những ngày ân ái bình đẳng của hai người đã sắp chấm dứt. Chị vẫn là phu nhân sư trưởng, cô gái xinh đẹp sinh ra và lớn lên trong thành Dương Châu, một người thiếu phụ chín chắn, quyến rũ nhất trong doanh trại và cả thành phố. Mặc dù chị chỉ mặc một chiếc xi líp, nhưng đã khác hẳn người đàn bà bảy ngày bảy đêm không mặc quần áo làm tình với anh một cách điên cuồng. Sự quyến rũ bẩm sinh và nét cao quý sau này của chị đều đã được hoà quyện nhịp nhàng, đều đã trở thành một phần không thể tách rời trên thân thể chị. Từ trong nhà đi ra, chị im lặng, đến giữa vườn rau, chị nhanh chóng nhổ một vệt cải trắng còn non tươi, vứt sang một bên, trải chiếu lên, rồi bưng hai cốc nước và bánh bích quy để giữa chiếu, nhìn anh bảo:
Đại Vượng, lại đây, ăn bánh đã, Liên có chuyện muốn nói với Vượng.
Anh ngạc nhiên trước sự thay đổi không dễ nhận ra trên người chị, nhất là giọng nói bình tĩnh, chứ không phải cái xi líp mới tinh màu hồng nhạt và chiếc xu chiêng thêu hoa màu trắng sữa trên người chị.
Anh không biết có chuyện gì sảy ra. Nhưng anh biết nhất định có chuyện sảy ra.
Bỗng dưng anh tỏ ra nhút nhát trước mặt chị, không biết là sợ chị, hay là sợ việc gì sảy ra. Nhìn chị đã tự ngồi vào chiếu trước, anh hỏi:
Lưu Liên, Vượng cũng về mặc quần áo vào nhé?
Khỏi cần.
Liên đã mặc rồi mà.
Vượng có cần Liên cởi ra không?
Anh muốn chị cởi bỏ. Nhưng anh im lặng. Anh nhận thấy, dưới bầu trời đêm yên tĩnh, mung lung, chị mặc hai thứ khiến anh suy nghĩ miên man nhất có vẻ đẹp không sao diễn tả nổi. Anh ngửi thấy mùi thơm nồng nàn như hoa quế không nhìn thấy trong mùa này toả ra trên người chị. Anh bước đến ngồi trước mặt chị. Giống như một cậu bé có ý chọn kiểu ngồi, anh khép hai chân, che “ của quý “ trên người. Khi anh che “của quý”của mình, chị tủm tỉm cười, nụ cười nhàn nhạt, có vẻ hơi buồn, như một người chị gái, sau đó lấy mấy cái bánh bích quy đưa cho anh:
ăn đi, cuối cùng vẫn là để Liên hầu hạ Vượng.
Họ ăn bánh và uống nước dưới sáng trăng. Sáng trăng màu bạc sữa, như nước xả xuống vườn rau sau nhà và trong doanh trại. ăn rồi, uống rồi, chị thu dọn mẩu vụn trên chiếu, để cốc không ra dưới cây ngoài mép chiếu, nhìn bầu trời một lát, bảo:
Đại Vượng, có thể Liên có thai.
Anh nghe thấy chị bảo có thai. Nhưng trong giây lát anh không rõ nội hàm và ý nghĩa sâu sắc của có thai chị vừa nói. Anh chỉ thừ người, hỏi lại một câu “Liên nói gì?” Không biết Lưu Liên cảm thấy ngạc nhiên trước phản ứng dửng dưng của anh, hay không muốn nhắc lại một lần nữa sự việc khủng khiếp mình vừa nói. Chị quay đầu liếc nhìn anh, lại im lặng ngẩng lên nhìn bầu trời đêm và ánh trăng mênh mông. Nét mặt không những không giận, mà còn có vẻ vui mừng anh không nhận ra. Cứ thế chị không nói không rằng, nét mặt bình thản, nhìn bầu trời, y như chuyên tâm nghiên cứu trăng sáng và mây trôi. Dưới bầu trời có mùi nồng nồng thanh bạch đang bay. Anh biết, đó là mùi mấy luống hành và hẹ ở gần đó. Khỏi cần nói, bảy ngày bảy đêm không ra khỏi nhà, không động đến luống hẹ một nhát dao, nó đã già đi. Mùi đăng đắng cay cay trong đêm phần nhiều là từ vạt hẹ bay ra.
Ngô Đại Vượng biết mấy luống hẹ đã đến lúc nên cắt xén, cứ để sẽ già bỏ đi không ăn nổi. Nhưng khi mùi cay cay đăng đắng nhắc nhở anh phải khẩn trương thu hái, trong nháy mắt, hầu như cùng một lúc, Ngô Đại Vượng chợt hiểu ra sự phức tạp của thai nghén Lưu Liên nói, phức tạp đến mức không thể hình dung và khái quát một cách giản đơn bằng vấn đề tác phong và vấn đề chính trị, không thể nói một cách giản đơn, cùng lắm thì xử ta vài năm cho xong và bắt làm đàn ông. Sự phức tạp của tình hình còn rắc rối hơn nhiều luân lý, đạo đức, văn hoá, lịch sử, xã hội và chính trị. Sự phức tạp của nó là ở chỗ nó là thể hỗn hợp của nhiều vấn đề, hơn nữa còn có tình yêu vĩ đại và tình dục sâu sắc. Khi Ngô Đại Vượng ý thức được sự phức tạp không gì so sánh nổi và nghiêm trọng chưa từng có của chuyện có thai chị vừa nói, anh chợt thấy bàng hoàng như sét đánh ngang tai. Trong nháy mắt, niềm vui sảng khoái dạt dào của thiên nhiên và của vườn rau đem đến cho anh đêm nay đã biến mất.
Anh đột nhiên rùng mình hỏi chị:
Lưu Liên, Liên vừa nói gì vậy?
Liên không nói gì cả.
Liên có nói, Liên bảo hình như Liên có thai.
- Liên bảo hình như có thai, nhưng Liên lại không như có thai, không hề có một chút phản ứng đối với chua đối với cay. Tháng nào cũng vào thời điểm này Liên đều có kinh nguyệt. Nhưng tháng này, ngay một chút cảm giác cũng không có. Không thấy có kinh nguyệt, có thể là có thai, cũng có thể chúng mình máu quá, chuyện giường chiếu quá nhiều, nên kinh nguyệt không bình thường lắm, lùi lại vài hôm.
Chị nói bình thản, giải thích kiểu nước đôi. Nhưng thái độ bình tĩnh không ngạc nhiên của chị đã giải thoát anh khỏi cơn lo lắng căng thẳng đột ngột vừa rồi. Nói xong, chị đứng khỏi chiếu cói, đầu tiên ngồi sóng vai với anh, sau đó quay lại, mặt đối mặt, chân đối chân, đùi gối đối đùi gối, còn nghịch như trẻ con, chị lấy ngón chân cái cấu cấu bàn chân anh. Đáp lại, anh cũng lấy ngón chân cái dẫm lên mu bàn chân nây nây của chị. Đến đây hầu như mọi báo động đều đã được loại trừ. Họ đều đã có thể trở lại trạng thái siêu bình thường của tình yêu. Nhưng khi Ngô Đại Vượng có khả năng lại đi vào cõi nhân sinh rạo rực khác thường, chị lại nêu ra một vấn đề càng phức tạp mà hiện thực.
Lại một lần nữa nằm xuống, chị nói:
- Đại Vượng cũng nằm xuống đi, Liên có mấy câu muốn hỏi Vượng, dù trả lời thế nào, cũng phải nói thật với Liên.
Liên cứ nói.
Vượng nằm xuống đã nào.
Lại một lần nữa hai người nằm sóng đôi. Bởi vì sự bình tĩnh, đầu tiên đã giải toả nỗi lo lắng không yên của anh, khi nằm xuống sát hẳn vai tròn lẳn của chị, tâm lý và sinh lý của anh đều thay đổi kỳ diệu. Anh cảm thấy nước da trơn nhẵn của chị như dòng nước ly ty chảy lên bả vai rắn chắc của mình, ngửi thấy mùi phấn thơm trên thân chị, ngọt ngào như mùi táo, mùi dưa bở chín thấu đang vào vụ thu hoạch. Anh thấy hơi lạ, chị đã ngồi cạnh anh, đã nằm cũng lâu lâu, nhưng anh lại không ngửi thấy mùi phấn thơm anh đã từng luôn luôn thích ngửi, nhưng lại vì thường ngửi mà quen cho là thường. Anh cảm thấy mùi thơm nồng nàn tươi trắng, hình như vì lẫn với sương đêm mà có vẻ đặc quánh, lại bám vào lá rau chung quanh và những hòn đất mới tanh tanh, làm cho mùi vị có vẻ đẹp phơn phớt hồng, dưới ánh trăng, cứ quốn quýt, vấn vít chung quanh anh, chẳng chịu dời.
Anh trèo lên người chị, có vẻ như van nài:
Lưu Liên, Vượng muốn lắm.
Xuống đi đã, Liên có chuyện muốn hỏi Vượng.
Như đứa trẻ bất lực, anh xuống khỏi thân chị, gối đầu lên bộ ngực mềm mềm của chị, để lỗ tai phải lọt hẳn vào núm vú phải của chị.
Chị bê đầu anh đặt sang một bên bụng mình, âu yếm nói:
Đại Vượng, nếu Liên có thai thật, Vượng có sợ không?
Không.
Vượng không sợ sư trưởng biết sao?
Vượng lại rất muốn để sư trưởng biết.
Biết thật thì Vượng làm thế nào?
Cùng lắm thì tống Vượng vào trại giam, chỉ cần không xử bắn, ra tù Vượng sẽ lấy Liên.
Lấy ư? Lấy thế nào?
- Sư trưởng biết chuyện, còn lấy Liên sao? Không lấy Liên, chúng mình chẳng phải sẽ lấy nhau?
Lưu Liên không trả lời sư trưởng biết chuyện tình dục của họ có còn lấy chị không, vẫn giữ quan hệ vợ chồng cũ với chị, để chị vẫn được hưởng danh tiếng và địa vị là phu nhân sư trưởng, mà là tiếp lời anh, chị hỏi thẳng, bập ngay vào vấn đề chí mạng nhất:
Lấy Lưu Liên, Vượng bằng lòng bỏ vợ chứ?
- Bằng lòng, chỉ cần Lưu Liên chuyển vợ con Vượng ra Thành phố, tìm một việc làm tháng nào cũng có lương, để thằng bé được đi học ở thành phố là được.
Chị ngồi dạy, hỏi:
Nếu không thể chuyển vợ con Vượng ra Thành phố thì sao?
Anh cũng ngồi dạy nói:
Liên làm được. Đây là chuyện Vượng đã thề với người ta, nhất định Liên làm được.
Liên muốn nói, ngộ nhỡ không được thì sao?
Làm gì có chuyện ngộ nhỡ. Đối với Liên việc này không khó. Chỉ cần Liên chuyển được họ ra Thành phố, để cô ta cũng như người Thành phố, có kinh nguyệt cũng có thể dùng giấy vệ sinh, cuộc đời Vượng coi như không có lỗi với họ. Liên bảo Vượng ly hôn, Vượng sẽ ly hôn, bảo Vượng kết hôn, Vượng sẽ kết hôn với Liên. Tới lúc ấy, nếu sư trưởng bỏ Liên, Liên lại muốn để Vượng ly hôn, lại không muốn để Vượng lấy Liên, cảm thấy Ngô Đại Vượng này không tương xứng với Liên - Vượng biết mình không tương xứng với Liên, cho nên Vượng không dám nghĩ đến việc kết hôn với Liên - Nhưng không kết hôn, Liên lại không xa được Vượng, Vượng sẽ ly hôn, không lấy ai cả, cũng không đi gặp vợ Vượng đã ly hôn. Khi nào Liên cần gặp Vượng, cần Vượng phục vụ Liên, hoặc đặt tấm biển gỗ vì nhân dân phục vụ trước mặt Vượng, hoặc gọi điện cho Vượng ở đâu đó, Ngô Đại Vượng sẽ lập tức xuất hiện trước mắt Liên, bên giường Liên.
Nói xong, anh nhìn chị, giống như em bé nộp bài tập đang nhìn mặt cô giáo.
Chị cũng quay đầu nhìn mặt anh, hình như để phân biệt mức độ chân thành trong lời nói của anh. Mặt đối mặt, giữa hai người chỉ cách nhau vài tấc. Nhờ sáng trăng, chị nhìn rõ nét mặt anh không phải nói dối, liền úp mặt mình vào mặt anh. Sau khi chủ động hôn mấy cái, lại chủ động bỏ xu chiêng, cởi xi líp, vắt chúng lên một cây rau gần nhất bên chiếu, ngồi tại chỗ, nhìn thân thể loã lồ và khuôn mặt ươn ướt của anh, lại nói một câu càng nghiêm chỉnh, bất ngờ và cấp bách:
- Đại Vượng, đợt học tập của sư trưởng kết thúc trước thời hạn. Ngày mai sẽ ra về. Đây là đêm cuối cùng chúng mình ở bên nhau. Gần hai tháng nay, Vượng đều yêu mến Liên, vì Liên phục vụ, đêm nay, trời sắp sáng, thời gian còn ít lắm, Vượng muốn làm gì Liên cứ việc làm. Vượng cứ coi Liên là cô vợ nhà quê của Vượng, muốn sai bảo Liên thế nào, cứ nói thẳng với Liên, để trong đêm cuối cùng này, Liên cũng phục vụ Vượng, cũng yêu mến Vượng, cũng để Vượng được thoả lòng vừa ý, để suốt đời Vượng không quên người Lưu Liên, không quên thân Lưu Liên.
Chị nói giọng vừa phải, chân thành mà buồn đau, tuy không hết sức nồng nàn, nhưng cũng đủ để Ngô Đại Vượng nghe rõ và cảm nhận. Cho đến lúc này,trăng đã ngả về phía đông, cách doanh trại quân đội một trăm mét, hoặc trăm dặm, không thể tính được gần xa, sương lạnh cũng đã dần dần lặng lẽ buông xuống vườn rau dày đặc hơn, ngay đến làn da trắng nõn của Lưu Liên cũng phủ một lớp xanh tái nhờ nhờ, bả vai, cánh tay đều nổi gai ốc, anh mới thật sự cảm thấy sự tồn tại của giá lạnh, mà sự giá lạnh này phần nhiều là do chị báo tin ngày mai sư trưởng về, còn non một nửa mới là do thời tiết trăng tà gió thổi gây nên.
Chị đã nằm bên anh, nằm ung dung, tự nhiên thoải mái biết chừng nào.
Anh nhìn chị, giống như nhìn một bức tranh khoả thân rất to trải trên đất. Vườn rau và ánh trăng là cảnh thực y hệt, nhưng lại có vẻ mờ nhoà trong mắt anh, dường khi hoạ sĩ tô màu đã giả vờ mượn cái lờ mờ để làm nổi bật ý thơ và độ nét của hình thể. Trong lờ mờ, chị hít thở gấp gáp, hình như đang đợi một trận sấm sét của tình yêu. Nhưng anh chỉ ngồi tại chỗ không nhúc nhích, cầm tay chị, như em bé cầm tay mẹ chỉ sợ mất.Không biết tại sao, cũng rất khó nói rõ vì sao, bỗng dưng anh muốn khóc, đã rơm rớm nước mắt. Đây là lần đầu tiên anh khóc trước một vở vở kịch tình yêu của hai người, nó không to không nhỏ, không phải vĩ đại, nhưng cũng không thể nói là bình thường. Khỏi cần nói, ngay từ khi bắt đầu của sự việc, anh đã biết kết cục của nó, tất nhiên sẽ dọn dẹp, sẽ đóng màn bởi sự trở về của sư trửơng. Nhưng mặc dù như thế, anh vẫn cảm thấy ngày mai sư trưởng về có phần đường đột, bất ngờ, có bao điều anh không thể tiếp nhận.
Sư trưởng gọi điện thoai về phải không?- Anh hỏi.
- Lúc một mình ở ngoài này,Vượng không nghe thấy tiếng chuông điện thoại ư?
- Chị đáp.
Đúng, anh không nghe thấy tiếng chuông điện thoại, cũng không cần phải nghe tiếng chuông điện thoại. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là anh hầu như không suy nghĩ trong thời gian sư trưởng đi vắng, tất cả có bao nhiêu lần chuông điện thoại réo, Lưu Liên đã nói những gì với sư trưởng trong điện thoại, làm thế nào để lấp liếm cho qua cuộc tình giữa hai người. Việc không nên hỏi không hỏi, việc không nên nghe không nghe,việc không nên nói không nói. Đó là chức trách của anh. Thói quen chấp hành chức trách đã khiến anh bỏ qua điểm này. Cũng chính vì bỏ qua điểm này, khiến anh có nhiều bình tĩnh hơn trong vở kịch lớn, bớt được nhiều nơm nớp lo âu. Nhưng bây giờ, anh không thể không đối mặt với nỗi lo đang ập đến, không thể không có biện pháp để lựa chọn lấy một trong hai trước khi sư trưởng về.
Lưu Liên, Vượng muốn về nhà - Anh nói.
Bao giờ?- Chị hỏi.
Ngày mai, trước lúc sư trưởng về đến nhà. - Anh đáp.
Chị ngồi dạy ôm anh vào lòng, ngả đầu lên vai anh, hỏi:
Vượng sợ phải không? Có Liên, Vượng đừng sợ gì hết, Liên sẽ bố trí êm xuôi mọi việc đâu vào đấy, coi như không xẩy ra chuyện gì.
Chị nói an ủi động viên anh. Anh chưa kịp phản ứng, chị đã dần dần thay đổi ý định:
- Vượng về cũng được, về thăm vợ con, ở nhà một ít ngày, Liên sẽ xin cho Vượng nghỉ phép, không nhận được thư, hoặc điện báo của đại đội gửi về, Vượng cứ yên chí ở nhà, không phải về đơn vị.
Nói đến đây, có một chuỗi tiếng bước chân chầm chậm trên con đường trước ngôi nhà gác vọng lại, từ xa đến gần, sau đó lại từ gần đến xa, cho đến lúc dần dần mất hẳn. Cùng một lúc, hai anh chị ngẩng lên nhìn chỗ đó, biết ngay là lính đổi gác, chờ sau khi tiếng bước chân mất hẳn, trở lại yên tĩnh, họ cũng lại trở về trong cảnh tượng tình yêu và tình dục, tình dục và tình yêu của mình.
Anh hỏi:
Lưu Liên, từ nay trở đi Vượng nhớ Liên thì làm thế nào?
Chị đáp:
Đại Vượng, không phải Vượng nhớ Liên thì làm thế nào, mà là Liên nhịn không nổi nhớ Vượng thì làm thế nào.
Đến đây, dường như nỗi đau buồn đã bao vây họ, không ai ngăn được bi kịch ập tới. Thế là rất tự nhiên, họ ôm nhau ngã xuống chiếu, hình như bởi vì họ bất lực đối với số phận, đã phó mặc cho số phận sắp đặt, để mặc cho cuộc đời trôi đi trôi lại trên dòng sông số phận, hoặc sang đông, hoặc về tây, muốn đến đâu thì đến, khiến họ trở nên có vẻ chán nản đối với mọi thứ trên đời.