Nguyên tác: Everyman
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Chương 11
Ông đã hy vọng trong lớp học vẽ sẽ có một phụ nữ nào đó khiến ông có thể quan tâm - đó cũng là nửa phần lý do mở lớp. Nhưng cặp với một trong những góa phụ cùng tầm tuổi mà ông chẳng thấy chút gì hấp dẫn thì quả là quá sức ông, còn những phụ nữ còn trẻ trung khỏe khoắn mà sáng sáng lúc đi bộ ông vẫn thấy cũng đi bộ dọc bãi biển, vẫn còn những đường cong, tóc vẫn còn bóng và, trong mắt ông, dường như còn đẹp hơn bản sao của chính họ trước đây, thì vẫn chưa đến nỗi mất trí mà đi trao đổi với ông cái gì ngoài một nụ cười lịch sự vô hại. Với ông, dõi mắt theo những bước chạy tốc độ của họ là một cái thú, nhưng là một cái thú khó khăn, và cơ bản thì những vuốt ve tưởng tượng ấy chẳng hơn gì một nguồn nỗi buồn gặm nhấm, chỉ làm tăng thêm nỗi cô đơn khôn kham. Đúng, ông đã lựa chọn sống một mình, nhưng không phải một mình đến mức không chịu đựng nổi này. Điều tồi tệ nhất của cảnh một mình đến không chịu nổi này là ta phải chịu đựng nó - hoặc là thế hoặc là chết chìm trong nó. Ta sẽ phải làm việc cật lực để ngăn tâm trí khỏi tàn phá ta bằng cách khát khao nhìn lại quá khứ quá đỗi huy hoàng.
Và ông đã bắt đầu chán việc vẽ vời. Nhiều năm trời ông đã mơ về quỹ thời gian liền mạch mà tuổi nghỉ hưu có thể đem lại cho ông để vẽ - cũng như hàng ngàn, hàng ngàn giám đốc nghệ thuật khác, những người cũng kiếm sống bằng nghề quảng cáo. Nhưng sau khi đã vẽ hầu như hằng ngày kể từ khi chuyển đến bờ biển, ông cạn kiệt niềm yêu thích với việc mình làm. Nhu cầu phải vẽ đến bức bối đã rời bỏ ông, cái sự nghiệp từng được chỉ định sẽ lấp đầy phần còn lại của đời ông đã bay hơi. Ông chẳng còn ý tưởng gì nữa. Mọi bức tranh ông vẽ rốt cuộc trông đều giống nhau. Những bức trừu tượng sặc sỡ sáng sủa của ông luôn được trưng bày trang trọng tại triển lãm của các nghệ sĩ vùng Starfish Beach, và trong số ba bức từng được một gallery ở một thị trấn du lịch ven biển gần đó mua lại, cả ba đều đã được bán cho những khách hàng tốt nhất của gallery. Nhưng đó là chuyện của khoảng hai năm trước. Giờ ông chẳng có gì để trưng bày nữa. Tất cả đều chẳng đi đến đâu. Với tư cách một họa sĩ ông là, và có lẽ đã luôn là, một "tay thợ vụng vui vẻ" không hơn, đúng như cái biệt danh ông tình cờ biết thằng con trai thích châm biếm đã đặt cho mình. Có vẻ như vẽ là một câu thần chú. Nhưng để trừ thứ tà ác gì?
Sự tự dối mình lâu đời nhất trong số những sự tự dối mình của ông ư? Hay chuyện ông đã lao vào vẽ để cố dứt mình khỏi cái hiểu biết rằng, ta được sinh ra là để sống nhưng thay vì thế lại chết đi? Đột nhiên ông chìm vào hư vô, vào âm thanh của hai âm tiết "hư vô" cũng nhiều như vào bản thân sự hư vô, lạc lối và trôi dạt, và nỗi sợ bắt đầu thấm vào từ từ. Chẳng có gì đến mà không đi kèm những nguy cơ, ông nghĩ, hư vô, chẳng có gì - chẳng có gì không đi ngược lại mong đợi, kể cả việc vẽ những bức tranh ngu ngốc!
Ông đã giải thích với Nancy, khi cô hỏi về tác phẩm của ông, rằng ông vừa tiến hành một "cuộc phẫu thuật thắt ống dẫn tinh thẩm mỹ."
"Rồi điều gì đó sẽ lại đánh thức ba," cô nói, chấp nhận ngôn ngữ cường điệu của ông với một tiếng cười thông cảm. Cô đã thấm nhuần phẩm chất tốt bụng của mẹ cô, khả năng không thể thờ ơ khi người khác cần, tâm hồn đầy ắp tình cảm mà trước đây ông vẫn đánh giá thấp và vứt bỏ - vứt bỏ mà không nhận ra sau này mình sẽ phải sống mà không có những gì.
"Chắc chẳng có điều gì như thế đâu," ông nói với con gái. "Ba không bao giờ thành họa sĩ được là có lý do. Vì ba cứ hùng hục lao vào nó."
"Lý do ba không làm họa sĩ được," Nancy giải thích, "là vì ba có vợ có con. Ba có nhiều miệng ăn phải nuôi. Ba có nhiều trách nhiệm."
"Lý do ba không làm họa sĩ được là vì ba không phải là họa sĩ. Trước hay giờ cũng vậy."
"Ôi ba ơi..."
"Không, nghe ba này. Tất cả những gì trước nay ba vẫn làm chỉ là nguệch ngoạc phí thời giờ. "
"Ba chỉ đang thất vọng thôi. Đừng tự xúc phạm mình thế ba ơi - không phải vậy đâu. Con biết không phải vậy. Tranh của ba con treo khắp nhà. Ngày nào con cũng ngắm chúng, và con có thể đảm bảo với ba là con không thèm ngắm những thứ nguệch ngoạc đâu. Khách đến chơi - họ cũng ngắm chúng. Họ hỏi con họa sĩ là ai. Họ chú ý đến chúng. Họ hỏi họa sĩ còn sống không."
"Con nói gì với họ?"
"Nghe con này ba: không ai để ý tới những thứ nguệch ngoạc hết. Người ta chỉ để ý tới những tác phẩm mà thôi. Những tác phẩm đẹp. Và dĩ nhiên," cô nói, lần này với tiếng cười khiến ông thấy mình nhẹ nhõm, và, ở tuổi bảy mươi, lại mê tít cô con gái, "và dĩ nhiên con bảo họ là ba còn sống. Con kể với họ là ba tôi vẽ đấy, nói thế con tự hào lắm."
"Hay lắm, con yêu."
"Ở đây con có một gallery nhỏ."
"Tốt quá - nghe nói thế thật dễ chịu."
"Giờ ba chỉ đang thất vọng. Đơn giản vậy thôi. Ba là một họa sĩ tuyệt vời. Con biết con đang nói gì chứ. Nếu trên đời này có ai đủ kiến thức để biết ba có phải một họa sĩ tuyệt vời hay không thì đó chính là con."
Sau tất cả những gì ông từng bắt cô phải trải qua bằng cách phản bội Phoebe, cô vẫn còn muốn khen ông. Từ khi mười tuổi cô đã luôn như vậy - một cô bé biết điều và trong sáng, nếu có nhược điểm gì thì cũng chỉ bởi sự rộng lượng vô bờ, bởi cô luôn lẩn trốn bất hạnh một cách vô hại bằng cách lau sạch lỗi lầm của mọi người thân yêu và bằng một tình yêu quá mức. Ban phát sự tha thứ như thể nó chỉ là món tiền lẻ. Hiển nhiên, điều tai hại đã tới khi cô đã tự giấu khỏi mình hơi quá nhiều thiếu sót dưới lớp trang điểm tuyệt vời đến phô trương của gã con nít, mà cô đã phải lòng rồi cưới.
"Và không chỉ có con đâu ba. Ai đến cũng nói vậy. Hôm nọ con vừa phỏng vấn mấy đứa trông trẻ, vì Molly thôi không làm nữa. Con phải phỏng vấn tìm người mới, và cuối cùng thì thuê được một cô rất tuyệt, Tanya - con bé là một sinh viên muốn kiếm thêm, cũng học Art Students League như ba -nó không thể rời mắt khỏi bức tranh con treo trong phòng ăn, bên trên tủ ly, bức màu vàng ấy - ba nhớ bức này không?"
"Có."
"Nó không thể rời mắt. Bức màu vàng và đen. Bức tranh thực sự khá đặc biệt. Con thì cứ phỏng vấn còn nó thì cứ dán mắt vào bên trên tủ ly. Nó hỏi bức đó được vẽ khi nào và con đã mua ở đâu. Tác phẩm của ba luôn rất có sức hút."
"Con ngọt ngào với ba quá, con yêu."
"Không. Con đang nói thật với ba, thế thôi."
"Cám ơn con."
"Ba sẽ vẽ trở lại thôi. Sẽ tiếp tục vẽ. Hội họa vẫn chưa hết duyên nợ với ba đâu. Nhưng giờ thì ba cứ thoải mái đi ạ. Chỗ ba ở đẹp lắm mà. Cứ kiên nhẫn. Cứ từ từ. Chẳng có gì biến mất cả. Tận hưởng thời tiết, tận hưởng những cuộc đi bộ, tận hưởng bãi biển và đại dương. Chẳng có gì biến mất và không gì thay đổi."
Kỳ lạ thay - lời cô nói mang lại cho ông nhường ấy dễ chịu thế nhưng ông vẫn không tin dù chỉ trong một giây rằng cô hiểu mình đang nói gì. Nhưng cái ước muốn an ủi, ông nhận ra, đã là rất đáng kể, đặc biệt khi nó đến từ một người mà kỳ diệu thay vẫn yêu thương ta.
"Ba không còn ra biển bơi nữa rồi," ông nói.
"Thật ư?"
Ở đó chỉ có Nancy, tuy vậy ông vẫn thấy hổ thẹn khi thú nhận điều này: "Ba đã đánh mất lòng tự tin trước những con sóng rồi."
"Ba vẫn có thể bơi trong bể chứ ạ?"
"Ừ."
"OK, thế thì cứ bơi trong bể."
Ông hỏi thăm cô về hai đứa sinh đôi, vừa hỏi vừa nghĩ giá như mình vẫn sống chung với Phoebe, giá giờ đây Phoebe còn bên ông, giá như Nancy không phải vất vả đến vậy để chăm sóc ông khi ông vắng một người vợ tận tụy, giá như ông chưa từng làm tổn thương Phoebe theo cái cách ông đã làm, giá như ông chưa từng làm sai, giá như ông chưa từng nói dối! Giá như bà chưa từng nói, "Em không bao giờ có thể tin rằng anh thành thật nữa."