Love is one long sweet dream, and marriage is the alarm clock.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Yasmina Khadra
Thể loại: Ngôn Tình
Dịch giả: Phùng Hồng Minh
Biên tập: Nguyễn Thu
Upload bìa: Nguyễn Thu
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1917 / 49
Cập nhật: 2016-05-14 21:18:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Mày Đang Khuấy Tung Cả Cái Nhà Thổ Này Lên Đấy.
asser, anh ấy khiến tôi thấy thương hại. Thái độ lúng túng, cái cổ thụt vào trong chiếc cổ áo ẩm ướt như thể anh đang chờ cả bầu trời đổ sụp xuống đầu, anh vờ tập trung nhìn ra mặt đường để khỏi phải đối diện với ánh mắt tôi. Rõ ràng tôi đã đi sai hướng. Yasser không phải loại người có thể tin cậy được trong những vụ khó khăn - lại càng không phải loại người có liên quan đến việc chuẩn bị cho một vụ giết chóc. Ở độ tuổi ngoại lục tuần, anh chỉ còn là một kẻ thân tàn ma dại với đôi mắt mòn mỏi và cái miệng trễ, có thể méo xệch ngay khi tôi cau mày. Nếu anh nói không biết gì về vụ khủng bố, thì đúng là như vậy. Yasser không bao giờ dám liều lĩnh. Tôi không nhớ có lần nào thấy anh cãi cọ hay xắn quần xắn áo lao vào đánh nhau với ai. Mà ngược lại, trong việc thủ thế và đợi mọi việc ổn thỏa, anh nhanh nhẹn hơn rất nhiều so với việc để lộ ra bất kỳ dấu hiệu chống đối nào. Nỗi e sợ cảnh sát viển vông và thái độ phục tùng chính quyền đến mù quáng của anh đã khiến anh có cách biểu hiện sự sinh tồn đơn giản nhất - không ngừng làm những công việc nặng nhọc lương thấp để đủ sống ngày nào biết ngày nấy và coi mỗi miếng bánh mì như một sự giễu cợt bị trưng ra ngang nhiên trước vận rủi. Và, khi thấy anh rúm ró sau tay lái, với cái cổ quắt queo và gương mặt nhìn nghiêng cúi gằm, như kẻ mắc lỗi vì đã đứng trên đường tôi đi, tôi mới hoàn toàn nhận thấy việc mình làm vô lý thế nào. Chỉ có điều, làm sao để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tâm can tôi đây? Làm sao để tôi nhìn mình trong gương mà thấy rõ được bộ mặt mình, với lòng tự ái tan nát và nỗi nghi ngại, dù được đặt trước việc đã rồi, nhưng vẫn tiếp tục đùa cợt với nỗi u sầu trong tôi. Từ khi đại úy Moshé bỏ mặc tôi, tôi không thể nhắm mắt mà không thấy mình mặt đối mặt với nụ cười của Sihem. Nàng thật dịu dàng và đáng yêu và dường như nàng uống thỏa thuê từ suối nguồn đôi môi tôi mỗi khi chúng tôi đứng trong vườn nhà, tay tôi vòng qua eo nàng, tôi tả cho nàng nghe những ngày tháng tươi đẹp đang chờ đón chúng tôi, những dự định lớn lao mà tôi dựng lên cho nàng. Tôi vẫn cảm thấy những ngón tay nàng siết chặt những ngón tay tôi cùng vẻ hâm mộ và niềm tin dường như là bất diệt đối với tôi. Nàng có niềm tin sắt đá vào những ngày mai xán lạn, và luôn dốc lòng gây dựng những ngày mai ấy mỗi lần tôi đuối sức. Chúng tôi từng thật hạnh phúc, thật tin tưởng lẫn nhau. Tà phép nào đã khiến đền đài tôi dựng lên quanh nàng tan biến, như một lâu đài cát vùi mình dưới sóng cả? Làm sao để tiếp tục tin tưởng sau khi đã đánh cược toàn bộ lòng tin của mình vào một lời thề thiêng liêng theo truyền thống nhưng dường như lại chẳng mấy đáng tin giống như lời hứa của một kẻ chuyên dối trá? Cũng chính bởi không tìm được lời giải đáp mà tôi đã đến Bethléem để thách thức quỷ sứ, đến lượt mình tìm đến chỗ chết vì không thể nguôi ngoai và cô độc.
Yasser giải thích với tôi là anh phải để xe tải nhỏ của mình vào một ga ra, ô tô không đi được trong con hẻm dẫn đến nhà anh. Anh thở phào vì rốt cuộc cũng tìm được cái gì đó để nói mà không sợ bị hớ hênh. Tôi đồng ý để anh bỏ cái xe cà khổ của anh lại nơi thích hợp với nó. Anh bày tỏ ý kiến bằng cách gật đầu rồi lao xe vào một con phố lúc nhúc người, như trút được một gánh nặng khó chịu. Chúng tôi đi qua một khu phố hỗn độn trước khi đâm ra một bãi đất bụi mù nơi một người bán thịt xiên đang cố đuổi lũ ruồi khỏi những khoanh thịt của mình. Ga ra nằm trong góc một con hẻm rất hẹp, đối diện với một cái sân chất đầy thùng ô tô hỏng và những mảnh vụn. Yasser trả hai đồng klaxon và phải đợi khá lâu mới nghe thấy tiếng mở khóa. Một cánh cửa lớn màu xanh thảm hại trượt ra trong tiếng rin rít. Yasser nổ máy ngay tại chỗ để hướng mũi chiếc xe tải nhỏ về phía một chỗ giống như cái sân và khéo léo lách giữa bộ khung của một cái cần cẩu thấp và một chiếc ô tô méo mó. Người giữ xe ăn mặc lếch thếch tóc bạc trắng giơ bàn tay uể oải lên chào chúng tôi, đóng cửa và quay lại với công việc của mình.
- Trước đây chỗ này là một cái kho được cải dụng, - Yasser nói để đổi chủ đề. - Adel, con trai anh, đã mua được nó với giá rất bèo. Nó tính đầu tư vào làm cơ khí. Nhưng người làm của gia đình anh khéo xoay xở và tiêu hoang với những chiếc xe cà tàng mòn vẹt đến mức dự định đã tan tành do vỡ nợ. Adel mất rất nhiều tiền trong vụ này. Trong lúc đợi những thời cơ khác, nó đã biến cái kho thành bãi gửi xe cho những người quanh đây.
Khoảng nửa tá ô tô nằm rải rác phơi mưa nắng. Một vài chiếc không còn sử dụng được, với những lốp xe đã bục và kính chắn gió hỏng. Tôi hướng sự chú ý của mình về phía một chiếc xe lớn, nằm hơi xa một chút, trong bóng râm. Đó là một chiếc Mercedes kiểu cổ màu kem, nửa xe được phủ bạt.
- Xe của Adel đấy, - Yasser tự hào nói sau khi dõi theo ánh mắt tôi.
- Cậu ta mua nó khi nào?
- Anh cũng không nhớ nữa.
- Sao nó lại ở trong kho? Nó là xe sưu tầm à?
- Không, nhưng khi Adel không ở đây thì không ai được lấy xe của nó ra.
Trong đầu tôi, những giọng nói đan xen vào nhau. Trước tiên là giọng của đại úy Moshé - tài xế lái xe khách tuyến Tel-Aviv-Nazareth nói là vợ ông bước lên một chiếc Mercedes kiểu cổ màu kem -, rồi giọng nói đó đột ngột vấp phải giọng Naveed Ronnen - bố vợ tớ cũng có một chiếc tương tự.
- Adel đang ở đâu?
- Cậu biết mấy người kinh doanh chạy theo lợi nhuận là thế nào rồi đấy. Lúc thì ở đây lúc lại ở chỗ khác, để đuổi theo những món lời.
Gương mặt Yasser lại trở nên nhăn nheo.
Ở Tel-Aviv, cũng có những dịp hiếm hoi tôi đón tiếp người thân, nhưng Adel lại thường xuyên đến thăm tôi. Trẻ trung, năng động, cậu ta muốn thành đạt bằng mọi giá. Lúc chưa đến mười bảy tuổi, cậu ta đã đề nghị được hợp tác với tôi để làm ăn trong lĩnh vực điện thoại. Trước thái độ ngập ngừng của tôi, khoảng khá lâu sau cậu ta mới quay lại và trình bày với tôi dự định thứ hai. Lần đó cậu ta muốn đầu tư vào việc tái chế những phụ tùng thay thế của ô tô. Tôi đã vất vả hết sức để giải thích cho cậu ta hiểu rằng tôi là bác sĩ phẫu thuật và rằng tôi không có thiên hướng khác. Hồi ấy, mỗi lần đi qua Tel-Aviv cậu đều ghé nhà tôi. Đó là một chàng trai tuyệt vời và lạ lùng mà Sihem nhận làm con nuôi không chút đắn đo. Cậu ta mơ ước thành lập một doanh nghiệp ở Beyrouth, với doanh nghiệp này, cậu ta sẽ lao vào chinh phục thị trường Ả rập, nhất là thị trường của các nước quân chủ vùng Vịnh. Nhưng từ hơn một năm nay, tôi không gặp lại cậu ta nữa.
- Lúc Sihem qua nhà anh, Adel có đi cùng cô ấy không?
Yasser bồn chồn cọ cọ sống mũi.
- Anh không rõ. Khi cô ấy đến thì anh đang ở nhà thờ dự buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu. Cô ấy chỉ gặp thằng cháu Issam của anh đang trông nhà.
- Anh nói là cô ấy thậm chí không ở lại lâu đủ để dùng trà kia mà.
- Cũng là một kiểu nói.
- Còn Adel?
- Anh không biết.
- Issam có biết không?
- Anh không hỏi nó.
- Issam có biết vợ em không?
- Anh nghĩ là có.
- Từ bao giờ nhỉ? Sihem chưa bao giờ đến Bethléem trước đây, còn anh, Leila và cháu anh chưa bao giờ đến nhà em.
Yasser bối rối; đôi tay anh bị cuốn vào những cử chỉ loằng ngoằng.
- Chúng ta về nhà thôi, Amine. Chúng ta sẽ nói đến tất cả những chuyện đó bên bàn trà.
Ở nhà anh, mọi chuyện càng trở nên rắc rối thêm. Chúng tôi thấy Leila nằm liệt giường, một bà hàng xóm ngồi bên chị. Mạch của chị rất yếu. Tôi đề nghị mọi người đưa chị đến phòng khám tư gần nhất. Yasser từ chối và giải thích rằng chị gái cùng sữa với tôi đang phải điều trị bệnh, rằng chính những viên thuốc chị phải nuốt cả đống mỗi ngày đã đẩy chị vào tình trạng này. Một lúc sau, khi Leila đã thiêm thiếp ngủ, tôi bảo Yasser là tôi muốn trò chuyện với Issam.
- Được rồi, - anh trả lời không lấy gì làm hào hứng, - anh sẽ đi tìm nó. Nó sống cách đây hai dãy nhà.
Chừng hai mươi phút sau, Yasser quay lại, đi cạnh anh là một cậu bé có gương mặt xanh xao.
- Nó đang ốm, - Yasser thông báo với tôi.
- Nếu vậy, lẽ ra anh không nên dẫn nó đến.
- Đã đến nước này rồi... - anh gắt lên, vẻ bực bội.
Tôi không biết được gì nhiều lắm từ Issam. Rõ ràng, ông nó đã dặn dò nó trước khi đưa đến gặp tôi. Nó nói Sihem đến một mình. Cô ấy muốn xin giấy và bút để viết. Issam đã xé một tờ giấy trong tập vở của nó. Khi viết xong, Sihem đưa cho nó lá thư và nhờ nó ra bưu điện gửi hộ cô ấy; việc mà nó đã làm. Lúc đi ra Issam nhận thấy có một người đàn ông đứng ở góc phố. Nó không nhớ nét mặt của ông ta nhưng đó không phải người trong khu phố. Khi nó từ bưu điện trở về, Sihem đã đi và người lạ mặt cũng biến mất.
- Cháu ở nhà một mình à?
- Vâng ạ. Bà cháu đến En Kerem, đến nhà bác cháu. Ông cháu đi nhà thờ. Cháu thì vừa làm bài tập vừa trông nhà.
- Cháu có biết bà Sihem không?
- Cháu đã xem ảnh bà trong album ảnh của chú Adel.
- Cháu nhận ra bà ngay lập tức à?
- Không phải ngay lập tức. Nhưng khi bà nói với cháu bà là ai thì cháu nhớ ra. Bà không muốn gặp riêng ai cả mà chỉ muốn viết một lá thư trước khi đi thôi.
- Trông bà thế nào?
- Đẹp ạ.
- Ông không hỏi cái đó. Bà có vẻ vội vã hay vẻ gì đó tương tự không?
Issam ngẫm nghĩ.
- Bà có vẻ bình thường ạ.
- Thế thôi à?
Issam đưa mắt dò hỏi ông nó; nó không nói thêm một từ nào nữa.
Tôi quay phắt lại về phía Yasser và gay gắt hỏi:
- Anh nói rằng anh không gặp cô ấy; Issam không cho chúng ta biết gì khác ngoài những điều chúng ta đã biết, vậy ai cho phép anh nói là vợ tôi đến Bethléem để được Cheikh Marwan ban phép lành?
- Đứa trẻ con bé nhất ở cái thành phố này cũng sẽ nói với cậu như vậy, - anh bật lại. - Cả Bethléem đều biết Sihem đi qua nhà thờ hôm trước ngày xảy ra khủng bố. Từ nay, cô ấy sẽ gần như là thần tượng của thành phố. Có người thậm chí còn thề là đã được nói chuyện với cô ấy và hôn trán cô ấy. Ở chỗ bọn tôi, đó là chuyện bình thường. Một người tử vì đạo, đó là một cánh cửa dẫn đến đủ kiểu chuyện bịa tạc. Có thể những lời đồn đại hơi quá đáng, nhưng theo những gì mọi người kể, thì hôm thứ Sáu đó, Sihem đã được cheikh Marwan ban phép lành.
- Họ gặp nhau ở Nhà Thờ Lớn à?
- Không phải trong buổi cầu nguyện. Mà rất lâu sau đó, sau khi mọi tín đồ đều đã ra về.
- Tôi hiểu rồi.
Ngày hôm sau, lúc còn rất sớm, tôi đã có mặt ở Nhà Thờ Lớn. Một vài thầy cả cúi rạp người trên những tấm thảm lớn trải trên sàn nhà, những người khác, mỗi người ngồi một góc, đang đọc kinh Coran. Tôi tháo giày trên ngưỡng cửa chính điện rồi bước vào. Một cụ già co rúm người lại khi tôi hỏi cụ ai là người chịu trách nhiệm ở đây để tôi nói chuyện, vẻ bực bội vì bị làm phiền lúc đang cầu nguyện. Tôi tìm quanh xem ai là người có thể hướng dẫn tôi.
- Vâng? - một giọng nói đập vào lưng tôi.
Đó là một gã trai trẻ có khuôn mặt hốc hác, dáng người cao, đôi mắt sâu thẳm và cái mũi khoằm. Tôi chìa tay ra cho hắn nhưng hắn không bắt. Khuôn mặt tôi không nói lên điều gì giá trị với hắn cả, hắn tò mò về sự đột nhập của tôi.
- Bác sĩ Amine Jaafari.
- Vâng?...
- Tôi là bác sĩ Amine Jaafari.
- Tôi nghe thấy rồi. Tôi giúp gì được cho ông?
- Tên họ tôi không gợi cho anh điều gì à?
Hắn khẽ nhếch môi thoái thác:
- Tôi không hiểu.
- Tôi là chồng của Sihem Jaafari.
Gã tín đồ nheo mắt lại suy ngẫm lời tôi nói. Đột nhiên, trán hắn nhăn lại và sắc mặt hắn chuyển sang xám. Hắn đặt tay lên ngực và thốt lên:
- Thánh thần ơi! Đầu óc tôi để đâu thế này?
Rồi hắn rối rít xin lỗi.
- Tôi thật không thể tha thứ được.
- Không sao đâu.
Hắn dang tay ra ôm lấy tôi.
- Người anh em Amine, được biết anh là một vinh dự và ân sủng. Tôi sẽ thông báo ngay lập tức cho Imam biết là anh đến. Chắc chắn Người sẽ rất vui mừng được tiếp đón anh.
Hắn mời tôi đợi trong phòng, đi vội về phía giảng đài, vén lên một bức trướng dẫn đến một phòng khách kín đáo rồi mất hút. Một vài thầy cả đang đọc kinh dựa lưng vào tường tò mò nhìn tôi. Họ không nghe thấy tên tôi nhưng nhận thấy gã tín đồ đã bất ngờ thay đổi thái độ thế nào trước khi bỏ đi báo tin cho chủ nhân mình. Một người đàn ông rậm râu to béo dựng ngay ngắn cuốn kinh Coran lên rồi chăm chăm nhìn tôi với vẻ sỗ sàng khiến tôi khó chịu.
Tôi ngỡ đã thấy một mảng bức trướng được vén lên rồi buông xuống, nhưng không thấy ai xuất hiện phía sau giảng đài. Năm phút sau, gã tín đồ trở lại, vẻ giận dữ rõ rệt.
- Tôi rất tiếc. Imam không có ở đó. Người phải đi ra ngoài mà tôi không hay biết.
Nhận thấy những tín đồ khác đang quan sát chúng tôi, hắn dùng ánh mắt hung tợn buộc họ phải quay đi chỗ khác.
- Ông ấy sẽ quay về kịp buổi cầu nguyện chứ?
- Dĩ nhiên... - rồi trấn tĩnh lại, hắn nói thêm: - Tôi không biết Người đi đâu. Có thể Người sẽ không về trong vài tiếng đồng hồ nữa.
- Không sao cả, tôi sẽ ở đây đợi ông ấy.
Gã tín đồ vừa nuốt nước bọt vừa ném ánh mắt bối rối về phía giảng đài:
- Cũng không chắc Người sẽ trở về trước khi đêm xuống.
- Không vấn đề gì. Tôi sẽ kiên nhẫn đợi.
Ngán ngẩm, hắn giơ hai tay lên và rút lui.
Tôi ngồi theo tư thế thầy tu dưới chân một cái cột, lấy một cuốn truyện về thánh Mahomet và hững hờ lật giở nó trên đầu gối mình. Gã tín đồ lại xuất hiện, vờ như đang nói chuyện với một cụ già, đi vòng vòng khắp căn phòng lớn, khiến người ta nghĩ đến một con thú dữ bị nhốt trong chuồng; rồi sau đó hắn đi ra phố.
Một tiếng trôi qua, rồi tiếng thứ hai. Đến gần trưa, ba gã đàn ông trẻ, xuất hiện từ đâu không rõ, tiến lại gần tôi, và sau những cử chỉ lễ phép quen thuộc, thông báo cho tôi biết rằng sự hiện diện của tôi trong nhà thờ là vô ích và mong tôi rời đi.
- Tôi muốn gặp Imam.
- Người đang bị đau. Sáng nay Người thấy khó ở. Người sẽ quay lại trong nhiều ngày nữa.
- Tôi là bác sĩ Amine Jaafari...
- Được rồi, - gã nhỏ nhất, một thanh niên khoảng ba mươi tuổi ngắt lời tôi, hắn có đôi gò má rất cao và gương mặt sẹo chằng chịt. - Giờ thì ông hãy về đi.
- Tôi sẽ không về trước khi nói chuyện được với Imam.
- Chúng tôi sẽ thông báo cho ông ngay khi Người khỏe hơn.
- Các anh biết gặp tôi ở đâu không?
- Ở Bethléem, chuyện gì rồi mọi người cũng biết.
Chúng nhã nhặn nhưng kiên quyết đẩy tôi về phía lối ra, kiên nhẫn đợi tôi đi lại giày và lặng lẽ hộ tống tôi đến tận góc phố.
Hai trong số ba gã đi kèm tôi lúc nãy giờ lại tiếp tục theo dõi tôi trong khi tôi trở lại trung tâm thành phố. Theo dõi công khai. Để tôi thấy là chúng để mắt đến tôi và tôi sẽ chẳng được gì hết nếu quay trở lại.
Ngày chợ phiên. Quảng trường lúc nhúc người. Tôi bước vào một quán cà phê tồi tàn, gọi một cốc đen không đường và, nép mình vào sau ô cửa kính lấm chấm những dấu vân tay cùng phân ruồi, tôi quan sát phiên chợ Ả rập náo nhiệt. Trong căn phòng ngổn ngang những chiếc bàn thô sơ và những chiếc ghế cọt kẹt, các cụ già như thật ủ ê dưới con mắt lờ đờ của người phục vụ ngồi thu lu sau quầy bar. Cạnh tôi, một ông độ năm mươi tuổi nom sạch sẽ đang rít ống điếu. Phía xa hơn là những thanh niên đang ồn ào chơi đô mi nô. Tôi lánh mình ở đó cho tới khi đến giờ cầu nguyện. Khi tiếng nhắc nhở của vị thầy tu báo kinh vang lên, tôi quyết định quay lại Nhà Thờ Lớn, với hy vọng sẽ bắt gặp Imam đang ở giữa buổi thuyết giảng.
Đến lối vào khu phố, tôi bị hai gã theo dõi tôi lúc sáng chặn lại. Chúng không hài lòng khi gặp lại tôi và không để tôi đến gần giáo đường.
- Những gì ông làm thật không tốt, bác sĩ ạ, - gã cao hơn nói.
Tôi quay lại nhà Leila để đợi buổi cầu kinh tiếp theo.
Thêm một lần nữa, tôi bị chất vấn trước khi đến được nhà thờ. Lần này, một gã đàn ông thứ ba nhập hội cùng những thiên thần hộ mệnh đang bực bội vì sự cứng đầu của tôi. Hắn ăn mặc chỉn chu, dáng người nhỏ nhắn nhưng vạm vỡ, bộ ria mép gọn gàng và tay đeo một chiếc nhẫn lớn lấp lánh ánh bạc. Hắn đề nghị tôi đi theo hắn vào một ngõ cụt, ở đó, khuất mắt khỏi mọi ánh mắt tò mò, hắn hỏi tôi muốn gì.
- Tôi mong được gặp Imam.
- Về vấn đề gì?
- Anh biết rõ tại sao tôi lại ở đây.
- Có thể, nhưng ông không biết mình đang nhúng chân vào đâu đâu.
Thái độ hăm dọa đã quá rõ ràng; ánh mắt hắn tìm cách hạ gục ánh mắt tôi.
- Vì tình yêu của Đấng Tối cao, bác sĩ ạ, - hắn nói, thoáng vẻ tức giận. - Hãy làm những gì người ta bảo ông ấy: về nhà đi.
Hắn để tôi đứng trơ ở đó và bỏ đi, các đồng môn của hắn đi theo ngay phía sau. Tôi trở lại nhà Yasser và đợi buổi cầu kinh kiểu maghreb, quyết tâm đẩy Imam vào thế đường cùng. Giữa lúc đó Kim gọi tôi. Tôi trấn an cô, hứa sẽ gọi lại cho cô trước buổi tối.
Mặt trời lặng lẽ khuất dạng phía chân trời. Những âm thanh ồn ã phố phường dịu đi. Một cơn gió nhẹ thoáng ùa vào cái sân nóng hầm hập vì ánh nắng gay gắt lúc chiều. Yasser về nhà trước lễ cầu nguyện vài phút. Anh cảm thấy khó chịu khi gặp tôi, nhưng lại thở phào nhẹ nhõm khi biết tôi không ở qua đêm.
Lúc lời nhắc của vị thầy tu báo kinh vang lên, tôi ra phố và đi về hướng nhà thờ lần thứ ba liên tiếp. Những kẻ canh giữ nhà thờ không đợi tôi ở sào huyệt của chúng; chúng dự đoán trước tình hình và đón lõng tôi ở chỗ cách nhà Yasser một dãy nhà. Chúng có năm người. Hai trong số đó đứng canh đầu ngõ, ba tên còn lại xô đẩy tôi dưới cái cổng xe.
- Đừng có đùa với lửa, bác sĩ ạ, - một gã lực lưỡng vừa nói vừa ép sát tôi vào một vách tường.
Tôi vùng vẫy để thoát khỏi sự chèn ép ấy; nhưng cơ bắp cuồn cuộn của hắn không nhường bước. Trong bóng tối đang lan tỏa, đôi mắt hắn rực lên những tàn lửa khủng khiếp.
- Trò của mày không lòe được ai đâu, bác sĩ ạ.
- Vợ tôi đã gặp Cheikh Marwan tại Nhà Thờ Lớn. Đó là lý do tại sao tôi muốn gặp Imam.
- Người ta đã nói cho mày toàn chuyện tầm bậy. Ở đây bọn tao không muốn mày.
- Tôi làm phiền gì chứ?
Câu hỏi của tôi khiến hắn vừa buồn cười vừa tức tối. Hắn cúi xuống vai tôi và thì thào bên tai tôi:
- Mày đang khuấy tung cả cái nhà thổ này lên đấy.
- Ăn nói cho cẩn thận, - gã đàn ông nhỏ bé có đôi gò má cao và gương mặt sứt sẹo đã nói chuyện với tôi ở nhà thờ yêu cầu hắn. - Không phải chúng ta đang ở trong chuồng lợn đâu.
Gã vô lại kìm cơn quá khích của mình lại và lùi xuống một bước. Bị nhắc nhở, hắn đứng cách xa và không nhúc nhích nữa.
Gã đàn ông nhỏ bé giải thích cho tôi bằng giọng ôn hòa:
- Bác sĩ Amine Jaafari, tôi tin chắc rằng ông không biết những phiền toái mà sự có mặt của ông đã gây ra ở Bethléem. Ở đây mọi người đã trở nên quá nhạy cảm. Nếu họ giữ thái độ cảnh giác, thì đó là để không phản ứng lại những hành vi khiêu khích. Người Isral chỉ tìm cớ để bôi nhọ cộng đồng của chúng tôi và bắt chúng tôi phải chịu chế độ sống trong những khu biệt cư. Chúng tôi biết điều đó, và chúng tôi cố gắng không phạm phải sai lầm mà họ đinh ninh chúng tôi sẽ phạm phải. Và ông đang chơi trò chơi của họ...
Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Chúng tôi không có gì liên quan đến vợ ông cả.
- Thế nhưng...
- Tôi xin ông, bác sĩ Jaafari. Xin ông hãy hiểu tôi.
- Vợ tôi đã gặp Cheikh Marwan trong thành phố này.
- Đó quả là điều người ta bàn tán, nhưng không đúng. Cheikh Marwan không đến đây từ lâu rồi. Những lời đồn đại là nhằm tránh cho Người khỏi những cuộc phục kích. Mỗi lần Người muốn đến đâu đó, là người ta tung tin đồn rằng Người đang ở Haêfa, Bethléem, Janin, Gaza, Nusseireth, Ramallah, cùng lúc ở hầu như khắp nơi như thế nhằm mục đích đánh lạc hướng và bảo vệ các chuyến đi của Người. Các cơ quan chức năng Isral luôn theo dõi Người. Chúng triển khai cả một đội quân chỉ điểm để báo động ngay khi thấy Người lộ diện. Cách đây hai năm, như có phép lạ, Người đã thoát khỏi một quả tên lửa hướng dẫn bằng sóng vô tuyến được phóng từ máy bay trực thăng. Chúng tôi đã mất rất nhiều nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến của mình vì điều đó. Ông hãy nhớ lại xem Cheikh Yacine đã bị nhắm bắn thế nào vào những ngày cuối đời khi phải ngồi dính trên xe lăn. Chúng tôi phải chăm lo đến những nhà lãnh đạo hiếm hoi còn lại của mình, bác sĩ Jaafari ạ. Và cách cư xử của ông không tạo điều kiện cho chúng tôi...
Hắn đặt một tay lên vai tôi rồi nói tiếp:
- Vợ ông là một người tử vì đạo. Chúng tôi sẽ biết ơn bà ấy mãi mãi. Nhưng như vậy không có nghĩa là ông được phép hô lên sự hy sinh của bà ấy và đặt cuộc sống của bất kỳ ai vào vòng nguy hiểm. Chúng tôi tôn trọng nỗi đau của ông, vậy ông hãy tôn trọng cuộc chiến của chúng tôi.
- Tôi muốn biết...
- Còn quá sớm, bác sĩ Jaafari ạ, - hắn kiên quyết ngắt lời tôi. - Tôi xin ông, hãy quay lại Tel-Aviv.
Hắn ra hiệu cho người của mình đi chỗ khác.
Khi chỉ còn lại hắn và tôi, hắn đưa tay ôm cổ tôi, kiễng chân lên và hôn ngấu nghiến lên trán tôi rồi bỏ đi không buồn ngoái lại.
Ngỡ Đã Là Yêu Ngỡ Đã Là Yêu - Yasmina Khadra Ngỡ Đã Là Yêu