The act of love . . . is a confession. Selfishness screams aloud, vanity shows off, or else true generosity reveals itself.

Albert Camus

 
 
 
 
 
Tác giả: Chetan Bhagat
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Hồng Anh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
4
Nàng ra khỏi xe. Nàng vẫn mặc bộ sari đồng phục.
“Trời, anh có hẳn một nhà vườn cơ à?” nàng hỏi. Không phải của anh mà là của chúng ta, tôi những muốn nói với nàng thế.
Nàng ôm tôi nhưng trông nghiêm nghị.
“Mọi việc ổn chứ?” tôi hỏi.
“Việc Raghav tiết lộ đã làm cho mọi thứ đảo lộn lên hết. Cả gia đình em cũng bị ảnh hưởng,” nàng nói.
“Đã có chuyện gì?” tôi hỏi. “Nhưng gì thế này, vào nhà đi đã!”
Nàng vào nhà và bước chân lên tấm thảm lụa mới mà tôi trải để chào đón. Nàng thấy chiếc ti vi khổng lồ, những chiếc ghế xô pha nhung và bàn ăn tám ghế. Trong một thoáng nàng quên đi Raghav.
“Trường của anh làm ăn tốt đến thế sao?” nàng nói, mắt mở to.
“Đây mới chỉ là bắt đầu thôi,” tôi nói, tiến lên phía trước ôm lấy nàng. “Có em bên anh, hãy xem anh sẽ đưa nó phát triển tới đâu. Ba năm nữa nó sẽ thành trường đại học.”
“Đại gia rồi, Gopal. Anh thành đại gia rồi,” nàng nói.
Tôi lắc đầu. “Với em, anh vẫn như xưa,” tôi nói và hôn vào trán nàng.
Tôi rủ nàng đi quanh xem nhà mới. Chúng tôi lên gác xem cả ba phòng ngủ. Phòng tôi có một cái giường cỡ lớn đệm dày ba mươi phân. Bên cạnh giường tôi đặt một cái ghế ngựa giống của bố.
Nàng im lặng suốt. Mỗi khi tôi giới thiệu thứ gì đó với nàng, như đá cẩm thạch lát nền hay điều hòa hai khối, nàng luôn tỏ ra ngạc nhiên một cách thích hợp. Tuy nhiên, nàng có vẻ quan tâm đến sự phấn khích trên mặt tôi hơn là đồ đạc.
Tôi thả người xuống giường. Nàng ngồi trên ghế ngựa. Chúng tôi nhìn ra cửa sổ ngắm mưa đập vào ô kính.
“Mưa rồi,” nàng phấn khích nói.
“Điềm may rồi. Lần đầu em về nhà mình thì trời mưa,” tôi nói.
Nàng nhướng mày.
“Đây là nhà của chúng mình. Anh xây nó cho chúng mình.”
“Thôi đi. Lúc mới bắt đầu xây, anh đâu có biết bọn mình sẽ bên nhau,” nàng cười toe.
Tôi mỉm cười. “Đúng thế. Nhưng anh vẫn xây nó cho chúng mình. Nếu không thì anh cần cái nhà to như thế này làm gì?”
“Anh là giám đốc. Không phải chuyện đùa đâu,” nàng nói.
“Em có muốn nói về chuyện Raghav không?” tôi cảm thấy nàng cần nói chuyện.
“Không cần đâu anh,” nàng lắc đầu nói, cười tỏ ý rằng chuyện đó không ghê gớm gì.
“Lại đây,” tôi nói và vỗ tay xuống giường.
Nàng ngần ngại, nhưng tôi đã chìa tay ra. Nàng nắm lấy tay tôi để tôi nhẹ nhàng kéo nàng xuống. Tôi hôn nàng, và nàng nhắm mắt hôn lại tôi. Nụ hôn không điên dại hay dục tính. Nó ngây thơ và trong trắng, nếu người ta có thể hôn như thế. Tuy nhiên, chúng tôi hôn nhau thật lâu, êm dịu như mưa bên ngoài cửa sổ. Tôi cảm thấy lệ nàng trên má mình. Tôi ngừng lại và ôm vai nàng. Nàng ôm tôi và vùi mặt vào ngực tôi. Aarti luôn làm như vậy, và tôi yêu biết bao mỗi khi nàng làm thế. Nó làm tôi có cảm giác mình là người bảo vệ.
“Có chuyện gì thế, tình yêu của anh?” tôi hỏi nàng.
“Em mừng cho anh, Gopal ạ. Thực sự đấy.”
“Cho chúng mình. Hãy nói em mừng cho chúng mình.”
Nàng gật đầu, dù đang cố kìm nước mắt.
“Em mừng cho chúng mình. Nhưng em không muốn phá hỏng thời khắc anh cho em xem nhà.”
“Không sao đâu.”
“Anh đã làm việc thật vất vả để được như bây giờ. Anh xứng đáng mà,” nàng nói.
“Em muốn nói chuyện gì nào?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu và bình tĩnh lại. Tôi chờ nàng nói.
“Em ổn mà. Con gái thường dễ xúc động. Anh sẽ phải quen với thói đỏng đảnh của em đấy,” nàng nói.
“Anh sống vì thói đỏng đảnh của em.”
Nàng cười.
“Raghav thế nào?”
“Người ta phá nát văn phòng anh ấy rồi.”
“Các chính trị gia thù dai lắm. Cậu ấy có sao không?”
“Không sao, ơn trời. Máy tính và máy móc thì bị phá hỏng hết cả. Anh ấy cố gắng ra số mới nhưng không có tiền.”
“Cậu ấy cần tiền à? Cậu ấy có thể hỏi anh,” tôi nói. Tôi mong cậu ta sẽ đến và quỳ gối van xin tôi.
“Anh biết là anh ấy không bao giờ làm thế mà. Anh ấy thậm chí còn không cầm tiền của em.”
“Thì sao?” tôi hỏi.
“Anh ấy cố giải quyết mọi thứ.”
“Em vẫn bên anh chứ?” tôi hỏi.
“Gopal!” nàng nói.
“Gì cơ?”
“Đáng lẽ em không nên ngồi trên giường anh. Đáng lẽ không nên, anh biết đấy...”
“Được rồi, được rồi,” tôi nói. Tôi lấy cái gối và tựa vào đầu giường. Nàng ngồi đối diện với tôi.
“Đừng hỏi em nhiều quá thế. Hãy hiểu cho em, chuyện này rất khó khăn với em,” nàng nói.
“Chuyện gì?” tôi hỏi.
“Chia tay anh ấy, nhất là vào lúc này. Và anh lại muốn báo tin cho anh ấy.”
“Đời là thế mà, Aarti,” tôi nói. Tôi định tuần sau đi gặp Raghav.
“Người ta phải tế nhị chứ...” nàng nói.
“Chẳng ai tế nhị với anh khi anh thi trượt đại học hai năm liền. Chẳng ai thèm quan tâm khi bố anh mất. Anh sống cùng với điều này mà. Aarti, cậu ấy phải học cách đối diện cuộc đời.”
“Đàn ông các anh... sao lúc nào cũng so đo với nhau thế nhỉ?”
“Anh ư? Bây giờ Raghav chẳng là gì so với anh. Sao anh phải so đo với cậu ấy?”
“Bọn mình có thể chờ vài tháng...” nàng nói nhưng tôi ngắt lời.
“Anh không thể chịu được chuyện em là bạn gái của người khác,” tôi lớn giọng nói.
“Thật à?” nàng nói, tát nhẹ má tôi.
“Không một giây nào nữa,” tôi nói.
Tôi nắm lấy chỗ vạt dài bộ sari đồng phục khách sạn Ramada nàng đang mặc, kéo nàng về phía mình. Chúng tôi hôn nhau. Mưa càng lúc càng dai dẳng, ồn ào, đều đều đập vào cửa sổ. Chúng tôi hôn nhau, và thật tự nhiên, tay tôi đặt lên áo cánh của nàng.
“Ngài Giám đốc,” nàng cười, “em nghĩ ngài từng nói ngài không muốn có em cho tới khi anh ấy ra khỏi cuộc đời của em cơ mà.”
“Vậy cậu ấy đã ra hẳn chưa?” tôi hỏi.
“Gần rồi,” nàng nói và nhắm mắt lại.
“Vậy có thể điều này sẽ đẩy nốt những gì còn lại ra,” tôi nói và hôn môi nàng lần nữa.
Tôi hôn cổ nàng, những nụ hôn nhiều như những giọt mưa ngoài cửa sổ. Chúng tôi cởi bỏ quần áo, lần này không vô thức như lần trước.
“Đấy là đồ đi làm của em, làm ơn cẩn thận nhé,” nàng nói trong lúc tôi tìm cách gập bộ sari dài vô tận.
Thân thể trần truồng của chúng tôi thật ấm áp trong ngày lạnh lẽo. Chúng tôi chui trong chăn và khám phá nhau hàng giờ. Trời tạnh, mưa rồi lại tạnh. Nàng muốn gần gũi hơn với tôi, có thể là để biện minh cho việc rời bỏ Raghav. Tôi muốn cho nàng thấy nàng quan trọng với tôi đến đâu. Tôi có thể vứt bỏ cả ngôi nhà quá cỡ này, chiếc xe đen, cả trường cao đẳng vì nàng.
Lần này nàng nhìn vào mắt tôi khi trao mình.
Chúng tôi chìm vào giấc ngủ.
“Sáu giờ rồi,” nàng nói, liếc nhìn điện thoại di động để trên bàn cạnh giường.
“Mười phút nữa thôi,” tôi nói, rúc vào vai nàng.
“Đồ lười nhác, dậy thôi,” nàng nói. “Em đói quá. Nhà to thế này mà chẳng có gì để ăn!”
Tôi ngồi dậy. Vẫn đang uể oải, tôi nói: “Có đồ ăn mà. Đầu bếp nấu cho em đủ thứ rồi đấy. Xuống nhà đi.”
35
Chúng tôi ăn bánh gối nóng, bánh vòng rán, bánh nướng pho mát cay và uống chè nóng.
“Không tốt cho sức khỏe lắm,” Aarti nói. Chúng tôi ngồi ở bàn ăn, mặt đối mặt.
“Nhưng trời mưa ăn lại ngon,” tôi nói.
Tôi bật đèn lên khi trời bắt đầu sẩm tối. Nàng ăn trong yên lặng, tiêu hóa thức ăn cũng như những gì vừa xảy ra. Tôi muốn nói chuyện hồi chiều, nhưng tự kiềm chế lại. Con gái không thích nói về những khoảnh khắc riêng tư, nhất là khi ta ép họ. Tuy nhiên, họ lại dễ nổi giận nếu bạn không đả động gì đến những khoảnh khắc đó.
“Tuyệt đấy,” tôi nói.
“Bánh gối ấy à?” nàng hỏi, dù thừa hiểu tôi nói gì.
“Không, bánh vòng rán ấy,” tôi trả lời.
Nàng ném một mẩu bánh ngọt cong cong màu vàng vào tôi.
“Buổi chiều tuyệt vời nhất trong đời anh,” tôi nói khi chúng tôi cười xong.
“Anh đàn ông nào cũng muốn chuyện đó,” nàng nói.
Tôi nhận ra rằng mình không nên nói gì thêm về chủ đề này nữa để nàng không bị rơi vào cơn mặc cảm tội lỗi một lần nữa.
“Này, em nói là vụ bới móc của Raghav làm ảnh hưởng cả đến gia đình em phải không?” tôi hỏi.
“Ờ, anh biết Thống đốc đã buộc Shukla từ chức rồi phải không? Ông ta không từ chức hay tự vào tù như ông ta tuyên bố trên ti vi. Đảng bắt ông ta làm thế,” nàng nói.
“Anh biết.”
Nàng tự rót cho mình cốc trà thứ hai. Tôi tưởng tượng ra cảnh nàng sống với tôi. Mỗi buổi sáng chúng tôi sẽ thức dậy và dùng trà trên giường thế nào. Có thể chúng tôi sẽ uống trà ngoài hiên. Hay trên bãi cỏ. Tôi hình dung chúng tôi ngồi ghế mây và tán chuyện hàng giờ. Tôi hình dung nàng là hiệu trưởng trường Cao đẳng Khách sạn Du lịch Ganga. Sinh viên sẽ hoàn toàn mê tít nàng vì nàng là hiệu trưởng xinh đẹp nhất trong lịch sử. Tôi sẽ đuổi học chúng nếu chúng cố...
“Anh có nghe không đấy?” nàng gõ thìa vào cốc.
“Hả?” tôi nói. “Anh xin lỗi. Phải, đảng đã khai trừ ngài Shukla. Thì sao?”
“Đảng đang thiếu ứng cử viên mạnh cho cuộc bầu cử năm tới,” Aarti nói.
“Họ sẽ tìm được người thôi,” tôi nói. Tôi uống nốt trà và để cái cốc không lên bàn. Nàng rót thêm cho tôi. Tôi suýt rơi vào mơ mộng lần nữa. Nhưng tôi kiểm soát được mình và lắng nghe Aarti.
“Họ cần ứng cử viên có thể chiến thắng. Họ không thể mất thành phố này được. Đây là ghế quan trọng của đảng,” nàng nói.
“Chuyện ấy thì có gì khác biệt với em?”
“Họ muốn bố em vào vị trí đó,” Aarti nói.
“Ồ!” tôi nói. Tôi quên mất mối liên hệ giữa ông của Aarti với đảng. Ông đã thắng cử ba mươi năm.
“Phải rồi. Giờ thì hàng chục chính trị gia đến hằng ngày, van nài bố - ngài Pradhan, làm ơn tham gia tranh cử đi.”
“Bố không muốn à?”
Aarti lắc đầu.
“Tại sao?” tôi hỏi.
“Bố không thích chính trị. Ngoài ra còn vấn đề sức khỏe nữa. Bố không thể đứng hay đi lâu được vì đầu gối có vấn đề. Làm sao mà bố tranh cử hay tham gia các chiến dịch được?” Aarti nói.
“Đúng rồi.”
“Chưa hết đâu,” Aarti nói, “anh còn chưa nghe khuyến nghị nực cười nhất đâu.”
“Gì vậy?”
“Là em ra tranh cử,” Aarti nói. Nàng cười to, như nàng vừa kể một chuyện cười rất hay. Tôi thì không thấy buồn cười.
“Chuyện ấy,” tôi nói, “cũng đáng để suy nghĩ đấy.”
“Anh có điên không đấy?” Aarti nói. “Em làm chính trị? Đùa à? Em nghĩ anh hiểu em cơ đấy. Họ đã buộc cánh em để làm nhân viên quan hệ khách hàng thay vì tiếp viên hàng không. Giờ thì họ sẽ bắt em đến thăm hàng ngàn làng xã và ngồi với những ông già bảy mươi cả ngày hay sao?”
“Đấy là quyền lực, Aarti à,” tôi nói. “Ở đất nước này thứ đó quan trọng lắm.”
“Em không quan tâm đến quyền lực. Em chả cần nó. Em hạnh phúc rồi,” Aarti nói.
Tôi nhìn vào mắt nàng. Nàng có vẻ chân thành.
“Em có hạnh phúc với anh không?”
“Em sẽ hạnh phúc. Bọn mình sẽ phải giải quyết vài chuyện, nhưng em biết em sẽ hạnh phúc,” nàng nói, có vẻ như tự nói với mình nhiều hơn là với tôi.
Sau đó nàng về ngay. Bố mẹ nàng có khách đến thăm, lại là quan chức của đảng, họ cũng muốn gặp Aarti. Tôi đưa nàng về nhà để có thêm chút thời gian bên nàng.
“Thế thì anh sẽ cô đơn khi đi về,” Aarti nói.
Tôi nhún vai.
“Cảm ơn anh vì một ngày tuyệt vời,” nàng nói khi chúng tôi tới nhà nàng.
“Không có gì,” tôi nói. “Chúc em ăn tối ngon miệng với các chính trị gia.”
“Ôi trời, làm ơn. Bắn chết em đi,” nàng nói. Cả hai chúng tôi ra khỏi xe. Tôi đứng dựa nắp ca pô trong lúc nàng đi về phía cổng.
“Có chắc là em không thích trở thành Ủy viên Hội đồng chứ?”
Nàng quay lại phía tôi. “Còn lâu,” nàng nói. “Có thể chồng em làm được, nếu anh ấy muốn.”
Nàng nháy mắt với tôi trước khi vào nhà.
Tôi đứng đó, ngạc nhiên. Nàng có ý gì không nhỉ? Có phải nàng muốn tôi trở thành Ủy viên Hội đồng không? Cụ thể hơn, có phải nàng muốn tôi trở thành chồng nàng không?
“Aarti, em nói gì vậy?” tôi hỏi.
Nhưng nàng đã vào trong nhà.
Tôi không biết là Nhà tù Trung tâm Varanasi có phòng riêng. Tôi đến gặp ngài Shukla trong buồng giam của ông ta. Như được yêu cầu, tôi đem cho ông ta ba hộp hoa quả, hai chai Johnnie Walker Black Label, hạt hạnh nhân và hạt điều rang muối, mỗi thứ một cân. Viên cảnh sát khám xét tôi thu lại túi đồ và hứa sẽ đem tới sau. Tôi nghĩ Ủy viên Hội đồng sẽ gặp tôi trong phòng chờ, nhưng tôi có thể vào hẳn phòng giam ông ta.
Ông ta ngồi trong phòng, xem một cái ti vi màu nhỏ và uống Coca bằng ống hút.
“Không tệ, phải không?” ông ta nói. Ông ta dang tay chỉ cho tôi phòng giam kích thước dài bốn mét rưỡi rộng ba mét. Trong phòng có một cái giường với khăn trải sạch sẽ, bàn làm việc, ghế, tủ và ti vi. Phải, nó có vẻ cũng không kinh khủng lắm. Nó giống nhà khách chính phủ hơn là nhà tù. Tuy nhiên không thể so nó với biệt thự của ngài Shukla được.
“Kinh khủng quá,” tôi nói.
Ông ta cười.
“Cậu phải gặp tôi khi mới bắt đầu làm chính trị,” ông ta nói. “Tôi đã phải ngủ ngoài ga xe lửa.”
“Tôi thấy tệ quá,” tôi nói. Tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ.
“Tối đa là sáu tháng,” ông ta nói. “Ngoài ra, người ta cấp cho tôi mọi thứ. Cậu có muốn ăn đồ của Taj Ganga không?”
Tôi lắc đầu.
“Cái xe thế nào?” ông ta hỏi.
“Tuyệt,” tôi nói.
“Trường thì sao?” ông ta hỏi tiếp.
“Vẫn ổn. Chúng tôi phải chậm lại một chút. Chúng tôi không có đủ vốn,” tôi nói.
“Tôi sẽ bố trí tiền,” ngài Shukla nói.
“Không vội đâu, ngài Shukla. Ông cứ tạm ẩn thân đã. Mọi thứ khác có thể chờ,” tôi nói.
Ông ta tắt ti vi. “Bạn cậu chơi chúng ta, nhỉ?” ngài Shukla nói.
“Cậu ta không phải bạn tôi. Hơn nữa giờ thì cậu ta cũng tiêu rồi. Còn ông sẽ quay lại,” tôi nói.
“Lần sau họ sẽ không cho tôi tham gia đâu.” Ông ta trầm ngâm.
“Tôi có nghe,” tôi nói.
“Ai nói thế?” Ngài Shukla có vẻ ngạc nhiên.
Tôi nói với ông ta về tình bạn của tôi với Aarti, con gái của Chánh án và những gì nàng nói với tôi. Tôi không nói với ông ta về quan hệ của nàng với Raghav, cũng như không nói chi tiết về nàng và tôi.
“Ồ, phải rồi, cậu biết con bé lâu rồi phải không?” ông ta hỏi.
“Bạn học phổ thông,” tôi nói.
“Vậy là bố con bé sẽ không tranh cử?” ngài Shukla hỏi.
Tôi lắc đầu. “Cả con gái ông ấy cũng thế. Cô ấy ghét chính trị. Vậy là ông vẫn có cơ hội,” tôi nói.
“Không phải lần này,” ngài Shukla ngắt lời. “Tôi phải đợi. Ngay sau khi ra tù thì không được.”
“Vậy là họ phải tìm người khác à?”
“Gia đình Chánh án thì chắc chắn sẽ thắng,” ông ta nói. “Người dân yêu họ.”
“Họ không quan tâm,” tôi nói.
“Cậu thân con bé cỡ nào?” câu hỏi sắc sảo của ông ta khiến tôi rùng mình.
Tôi không bao giờ nói dối ngài Shukla, nhưng tôi cũng không muốn kể chi tiết về quan hệ giữa tôi và Aarti với ông ta.
Tôi im lặng.
“Cậu thích con bé chứ?” ông ta lại hỏi.
“Bỏ đi, ngài Shukla. Ông biết là tôi đang chìm trong công việc mà,” tôi nói, cố chuyển chủ đề.
“Tôi đang nói về công việc đây, cậu nhóc khờ ạ.”
“Sao cơ?” tôi nói, ngạc nhiên khi thấy ngài Shukla vẫn duy trì được niềm đam mê chính trị của mình dù đang ở trong tù.
“Cậu lấy con bé đi. Nếu tay Chánh án què ấy không tranh cử và cả cô con gái cũng không, thì anh con rể sẽ làm thay.”
“Gì cơ? Sao ông lại nói như vậy?”
“Tôi đã dành hai mươi năm trong chính trường Ấn Độ rồi. Rõ ràng là bọn họ sẽ làm như vậy. Chờ mà xem, họ sẽ gả chồng cho con bé nhanh thôi.”
“Bố mẹ cô ấy đang quấy rầy cô ấy về chuyện lấy chồng.”
“Lấy nó đi. Tranh cử rồi đắc cử.”
Tôi im lặng.
“Cậu có biết là trường Ganga của cậu sẽ đi tới đâu nếu cậu trở thành Ủy viên Hội đồng không? Một ngày nào đó tôi sẽ quay lại, có thể là sẽ theo một đơn vị bầu cử khác. Nếu cả hai chúng ta có quyền lực, ta sẽ cai trị thành phố này, có thể là cả bang. Ông con bé đã có lúc làm Thống đốc bang rồi đấy!”
“Tôi chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình,” tôi nói dối.
“Đừng nghĩ nữa. Làm đi. Cậu có nghĩ là con bé sẽ đồng ý lấy cậu không?” ông ta hỏi.
Tôi nhún vai.
“Cho mẹ con bé thấy xe và tiền của cậu. Đừng lấy của hồi môn. Thế thì dù cô con gái có từ chối thì bà mẹ cũng sẽ đồng ý.”
“Ngài Shukla, tôi, chính trị gia á?”
“Phải. Chính trị gia, thương gia, nhà giáo dục - quyền lực, tiền bạc và sự tôn kính - một tổ hợp hoàn hảo. Cậu có số làm việc lớn. Tôi biết điều này ngay từ lúc cậu bước vào văn phòng tôi,” ông ta nói.
Ngài Shukla rót whiksy Black Label vào hai cốc. Ông ta bảo người lính gác đi lấy đá. Tôi vẫn im lặng và ngồi trầm tư trong lúc ông ta pha đồ uống. Chắc chắn rồi, quyền lực chẳng bao giờ là thứ tồi tệ ở Ấn Độ. Muốn làm bất cứ chuyện gì, ta đều cần đến quyền lực. Quyền lực có nghĩa là người ta phải trả tiền cho tôi, thay vì tôi trả tiền cho người khác để xong việc. Trường Ganga có thể phát triển lên gấp mười lần bây giờ. Ngoài ra thì đằng nào tôi chả yêu Aarti. Cuối cùng thì tôi cũng sẽ lấy nàng, vậy sao không phải ngay bây giờ? Với lại nàng cũng đã úp mở nói tới chuyện đó rồi. Tôi thở dài.
Tôi chống lại sự tự ti của mình. Được thôi Gopal, tôi tự nói với mình. Mày có số làm lớn đấy. Dù mày không thi đỗ AIEEE, dù mày không nhớ công thức phân tử thì điều đó cũng không có nghĩa là mày không làm được những thứ lớn lao trong đời. Cuối cùng thì tôi cũng đã mở được một trường cao đẳng, sống trong một căn nhà lớn và có một chiếc xe đắt tiền.
Ngài Shukla đưa cốc rượu cho tôi.
“Tôi có thể lấy cô ấy,” tôi nói.
“Xin chúc mừng, chàng rể!” Ngài Shukla nâng cốc.
36
“Em bận không?” tôi hỏi.
Tôi gọi đến chỗ làm của Aarti. Một người khách du lịch đang mắng nàng vì nước trong phòng ông ta không đủ nóng. Aarti để tôi chờ máy trong lúc người khách chửi thề bằng tiếng Pháp.
“Anh có thể gọi lại sau,” tôi nói.
“Không sao. Bên dịch vụ phòng sẽ lo chuyện này. Em đau tai quá!” Aarti nói, khó chịu bởi tiếng la hét.
“Ngày nào đó em sẽ sở hữu một trường cao đẳng. Em sẽ không phải làm việc này nữa.”
“Không sao đâu Gopal. Em thực sự thích công việc của mình. Thỉnh thoảng bọn em cũng gặp phải vài tay khó đỡ. Nhưng mà có chuyện gì thế?”
“Bữa tối thế nào?”
“Chán ngắt. Tới lúc người thứ năm muốn thông báo cho em về trách nhiệm của gia đình Pradhan đối với đảng thì em ngủ gật luôn tại bàn.”
“Có kết luận gì về vé tranh cử không?”
“Chính trị mà, thưa ngài Giám đốc, mọi thứ không được quyết định nhanh như thế đâu. Dẫu sao thì sang năm là bầu cử.”
“Em có nói gì đó lúc em tạm biệt phải không?” tôi hỏi.
Tôi gần như có thể nhìn thấy nụ cười của nàng.
“Em có nói à?” nàng hỏi lại.
“Như kiểu chồng em trở thành Ủy viên Hội đồng ấy.”
“Có thể, mà sao cơ?” giọng nàng như trẻ con.
“Không hiểu anh có đăng ký được không?”
“Làm chồng hay làm Ủy viên Hội đồng?” nàng nói.
“Anh không biết. Cái nào xếp hàng ngắn hơn thì đăng ký.”
Aarti cười.
“Làm chồng thì hàng hơi dài đấy,” nàng nói.
“Anh chen hàng cũng khá đấy,” tôi nói.
“Anh thế mà,” nàng nói. “Được rồi, lại có khách đến. Nói chuyện sau nhé?”
“Anh sắp đi gặp Raghav đấy.”
“Em không nói chuyện với anh ấy nữa rồi,” nàng nói. Nàng không chống lại đề nghị gặp cậu ta của tôi. Tôi coi đó là lời đồng ý.
“Cố ý à?” tôi hỏi.
“Vâng, bọn em cãi nhau. Thường thì em sẽ dàn hòa, nhưng lần này em chả quan tâm.”
“Tốt rồi,” tôi nói. “Thế thì người khách du lịch ấy nói gì?”
“Bà ấy là người Nhật. Họ là người lịch sự. Bà ấy sẽ đợi tới khi em gọi điện xong.”
“Bảo với bà ấy là em đang gọi điện cho chồng.”
“Im đi. Tạm biệt nhé.”
“Tạm biệt,” tôi nói và hôn cái điện thoại. Tôi mở cuốn lịch trên bàn làm việc và đánh dấu thứ Sáu tới là ngày tôi sẽ đi gặp Raghav.
♦♦♦
Tôi xịt nước hoa Gucci năm lần vào cổ, nách và cả hai cổ tay. Nhân dịp này tôi mặc chiếc sơ mi đen mới và bộ vest may đo. Tôi đeo kính mát Ray-Ban và nhìn mình trong gương. Cặp kính râm trông có vẻ hơi quá nên tôi đeo nó vào túi áo sơ mi.
Tôi nghỉ làm ngày thứ Sáu. Trưởng khoa muốn làm phiền tôi với một cái báo cáo về kết quả học tập của sinh viên trong học kỳ một. Tôi cần có một lý do để lỉnh đi.
Chúc may mắn. Cố gắng tránh gây tổn thương nhé, Aarti nhắn tin cho tôi.
Tôi trấn an nàng rằng mình sẽ xử lý tốt tình hình. Từ phía nàng, nàng đã nhắn tin cho cậu ta một tin nhắn ngụ ý “ta cần nói chuyện” và cậu ta trả lời bằng tin nhắn kiểu “không đúng lúc lắm” - đúng kiểu vẫn làm nàng khó chịu ngay từ đầu.
Tôi bảo lái xe tới đường Nadeshar, nơi làm việc của Raghav.
Người ta có thể dễ dàng lướt qua văn phòng của tờ Cách mạng 2020 giữa các cửa hiệu sửa xe hơi. Raghav đã thuê một gara. Văn phòng có ba khu - trong cùng là máy in, chỗ ngồi của cậu ta ở giữa và một khu chung cho nhân viên và khách khứa ở ngoài cửa.
“Tôi giúp gì được ông?” một cậu bé hỏi.
“Tôi đến gặp Raghav,” tôi nói.
“Anh ấy đang có khách,” cậu bé nói. “Có việc gì vậy?”
Tôi nhìn vào trong gara. Văn phòng của Raghav có một vách kính lửng. Cậu ta đang ngồi ở bàn làm việc. Một người nông dân đội chiếc khăn quấn vấy bùn và một cậu bé con quặt quẹo ngồi đối diện với Raghav. Cặp đôi cha-con trông nghèo khó và nhếch nhác. Raghav tì cùi chỏ lên bàn, trầm tư lắng nghe họ.
“Chuyện cá nhân thôi,” tôi nói với cậu bé đứng trước mặt mình.
“Anh ấy có biết anh đến không?”
“Không, nhưng cậu ấy biết tôi.”
Raghav nhận ra tôi và bước ra khỏi phòng làm việc của mình.
“Gopal?” Raghav ngạc nhiên nói. Nếu cậu ta có giận tôi thì cũng không thể hiện ra mặt.
Raghav mặc áo phông in logo tờ báo của cậu ta và chiếc quần bò cũ. Với một người đang trong cơn khủng hoảng thì cậu ta trông phong cách khác thường.
“Nói chuyện được không?” tôi hỏi.
“Có chuyện gì vậy?” Raghav nói. “Ủy viên Hội đồng Shukla cử cậu đến à?”
“Không phải,” tôi nói. “Thực ra đây là chuyện riêng tư thôi.”
“Đợi tớ mười phút được không?” cậu ta nói.
“Tớ sẽ không đợi lâu đâu,” tôi nói.
“Tớ thực sự xin lỗi. Nhưng những người này đã phải đi hàng trăm cây số để đến gặp tớ. Họ vừa gặp bi kịch. Tớ sẽ xong ngay thôi.”
Tôi nhìn vào văn phòng cậu ta. Đứa bé đã nằm trong lòng bố nó. Có vẻ nó đang ốm.
“Được thôi,” tôi nói và nhìn đồng hồ.
“Cảm ơn. Ankit đây sẽ tiếp cậu,” cậu ta nói.
Cậu bé cười với tôi khi Raghav vào trong.
“Mời ngồi,” Ankit nói, chỉ những chiếc ghế trống. Tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh văn phòng Raghav.
Tôi tán chuyện với Ankit để giết thời gian.
“Ở đây không còn ai nữa à?” tôi hỏi.
“Bọn em còn hai nhân viên nữa,” Ankit nói, “họ thôi việc sau khi văn phòng bị cướp phá. Bố mẹ họ thấy chỗ này không còn an toàn nữa. Hơn nữa, lương còn bị chậm.”
“Vậy sao em không thôi việc?” tôi hỏi.
Ankit lắc đầu. “Em muốn ở đây với anh Raghav,” cậu ta nói.
“Vì sao?”
“Anh ấy là người tốt,” Ankit nói.
Tôi cười cho dù những lời nói đó như dao đâm.
“Văn phòng trông cũng không tệ,” tôi nói.
“Bọn em đã dọn dẹp lại. Nhưng máy in lại hỏng mất rồi. Bọn em cũng không có máy tính.”
“Các cậu đã làm một câu chuyện rất lớn,” tôi nói. “Ủy viên Hội đồng bị hạ bệ là vì các cậu đấy.”
Ankit nhìn tôi bình thản. “Báo chí chạy theo câu chuyện vì họ muốn thế. Nhưng ai thèm quan tâm đến bọn em?”
“Giờ các cậu làm việc thế nào?” tôi hỏi.
Ankrit mở ngăn kéo bàn làm việc. Cậu ta lấy ra một tờ giấy lớn viết đầy chữ.
“Anh ấy viết bài, em viết quảng cáo mai mối. Bọn em photo và phát hành nhiều bản nhất có thể.”
“Bao nhiêu bản?” tôi hỏi.
“Bốn trăm. Vì là báo viết tay và photo nên rõ ràng là không nhiều người thích đọc kiểu thế.”
Tôi lướt qua tờ giấy A3. Raghav viết bài báo nói về hoạt động không phù hợp của các cửa hàng bán suất ăn ở Varanasi. Cậu ta vẽ một bảng chỉ ra giá bán chính thức, giá bán chợ đen và tiền lời chủ cửa hàng thu được từ những loại hàng hóa khác nhau. Tôi lật trang. Có khoảng năm mươi quảng cáo mai mối, được viết tay rất nắn nót.
“Bốn trăm bản. Làm sao các cậu thu hút được quảng cáo với lượng phát hành thấp như vậy?”
Ankit nhún vai và không trả lời. “Em phải ra hàng photo,” cậu ta nói. “Anh ngồi một mình không sao chứ?”
“Không sao, anh ổn,” tôi nói, ngả vào lưng ghế. Tôi nhìn điện thoại. Có tin nhắn của Aarti: Làm gì thì làm, nhưng cố lịch sự nhé.
Tôi cho điện thoại vào túi. Mặc vest nên tôi thấy nóng. Tôi nhận ra là không ai bật quạt.
“Công tắc ở đâu?” tôi hỏi Ankit.
“Xin lỗi anh, không có điện. Người ta cắt rồi.” Ankit nói và ra khỏi văn phòng.
Tôi cởi áo khoác và tháo hai khuy áo sơ mi. Tôi tính đến chuyện đợi trong xe thay vì ngồi trong cái văn phòng bẩn thỉu này. Tuy nhiên lại phải gọi lái xe thì mất công quá. Tôi đã quá quen với những nơi có điều hòa. Căn phòng nóng bức nhắc tôi nhớ lại những ngày tôi còn ở với bố. Có lẽ tôi lúc ấy cũng không khác gì cậu bé ở phòng bên đang ngủ trong lòng cha mình.
Tôi liếc mắt nhìn. Người nông dân đang khóc. Tôi nghiêng người lắng nghe.
“Tôi đã mất vợ và một đứa con. Tôi không muốn mất thêm người nào trong gia đình nữa. Nó là tất cả những gì tôi có,” người đàn ông khoanh tay nói.
“Ông Bishnu, tôi hiểu,” Raghav nói. “Tờ báo của tôi có một bài rất lớn về vụ gian lận ở Nhà máy Dimnapura. Chính vì thế mà người ta phá văn phòng của chúng tôi.”
“Nhưng anh cứ đến mà xem tình hình ở làng Roshanpur của chúng tôi. Nước thải chảy khắp nơi. Một nửa bọn trẻ con bị ốm. Chết mất sáu đứa rồi.”
“Roshanpur có một nhà máy khác. Có thể ở đó cũng có người quan chức tham nhũng,” Raghav nói.
“Nhưng chẳng có ai viết bài cả. Nhà chức trách thì chẳng làm gì. Anh là hy vọng duy nhất của chúng tôi,” người nông dân nói. Ông ta tháo chiếc khăn quấn đầu và đặt lên bàn làm việc của Raghav.
“Ông làm gì thế ông Bishnu?” Raghav nói, trả lại chiếc khăn cho người đàn ông bất hạnh. “Tôi chẳng là ai cả. Tờ báo của tôi đang gặp nguy cơ bị đình bản. Chúng tôi chỉ phát không vài bản viết tay photo, mà chủ yếu là bị quăng sọt rác.”
“Tôi bảo con trai tôi rằng anh là người dũng cảm nhất, trung thực nhất trong thành phố này,” Bishnu nói, giọng ông ta run rẩy vì cảm động.
Raghav nở một nụ cười thất vọng. “Điều đó thì có ý nghĩa gì đâu?” cậu ta nói.
“Ít nhất chính phủ cũng phải cử bác sĩ đến chăm sóc con cái của chúng tôi chứ, chúng tôi không quan tâm liệu những người có tội có bị trừng phạt hay không,” người đàn ông nói.
Raghav thở hắt ra. Cậu ta gãi gáy trước khi nói tiếp. “Được rồi, tôi sẽ tới làng ông và viết bài. Nhưng lượng phát hành giờ ít lắm. Nếu báo của tôi qua được, chúng tôi sẽ lại viết những bài lớn. Còn nếu không thì tôi không dám hứa đâu. Được chứ?”
“Cảm ơn anh, anh Raghav!” tôi không thể không nhận thấy niềm hy vọng chan chứa trong mắt ông ta.
“Một người bạn của tôi là bác sĩ. Để tôi xem có thể nhờ anh ta đi cùng đến làng ông không.”
Raghav đứng dậy để chấm dứt cuộc gặp. Người đàn ông cũng đứng dậy, làm cho đứa con của ông ta tỉnh giấc, rồi cúi gập người để chạm vào chân Raghav.
“Đừng làm thế,” Raghav nói. “Giờ tôi có cuộc hẹn. Sau đó, chúng ta sẽ đến làng ông luôn. Khoảng bao xa?”
“Một trăm hai mươi cây số. Anh phải đổi xe buýt ba lần,” người nông dân nói. “Mất tối đa là năm tiếng.”
“Được thôi, vậy ông vui lòng chờ nhé.”
Raghav đưa họ - người đàn ông và đứa con ốm yếu ngái ngủ của ông ta - ra khỏi văn phòng.
“Mời ngồi đây, ông Bishnu,” Raghav nói và nhìn tôi. “Cho tớ hai phút được không, Gopal? Tớ phải dọn qua văn phòng tí.”
Tôi gật đầu. Raghav vào trong và sắp xếp giấy tờ trên bàn làm việc của cậu ta.
Người đàn ông ngồi trên ghế của Ankit, đối diện với tôi. Chúng tôi cười xã giao với nhau.
“Thằng bé tên là gì?” tôi hỏi, chỉ vào đứa bé lại đang nằm trong lòng ông ta.
“Keshav,” người nông dân nói, xoa đầu thằng bé.
Tôi gật đầu và im lặng. Tôi nghịch điện thoại, đóng mở nó liên tục. Tôi cảm nhận được cái chìa khóa đánh của chiếc Mercedes trong túi quần mình. Tôi cố tình đem nó theo nhân dịp này.
“Bố, có phải con cũng sẽ chết không?” Keshav hỏi, giọng đầy hoảng sợ.
“Ngốc quá. Nói chuyện vớ vẩn,” người nông dân nói.
Tôi cảm thấy buồn cho thằng bé, khi lớn lên nó sẽ không nhớ được mẹ mình, giống như tôi. Tôi nắm cái chìa khóa trong túi chặt hơn, hy vọng rằng siết chặt nó trong tay tôi sẽ cảm thấy khá hơn.
Raghav đang phủi bụi bàn ghế. Tờ báo của cậu ta sẽ đóng cửa sau một tuần nữa và cậu ta không có tiền. Vậy mà cậu ta vẫn muốn tới một cái làng xa lắc nào đó để giúp đỡ những người không quen biết. Họ phá được văn phòng, nhưng không làm gì được tinh thần của cậu ta.
Tôi siết cái chìa khóa chặt hơn, để tự biện minh cho mình rằng ở đây mình là người thành đạt hơn.
Tôi nhận thấy thằng bé đang nhìn mình. Ánh mắt của nó dìu dịu, nhưng tôi cảm thấy khó chịu, như thể nó đang tra hỏi tôi mà tôi thì không có câu trả lời.
Mày đã trở thành cái thứ gì vậy, Gopal? Một giọng nói vang lên trong đầu tôi.
Tôi bối rối lấy cặp kính đen trong túi ra xoay xoay. Bất ngờ tôi nhận thấy cặp mắt của thằng bé, Keshav, chuyển động theo cặp kính. Tôi chuyển nó sang phải, cặp mắt thằng bé đi theo. Tôi chuyển nó sang trái, cặp mắt của thằng bé cũng đi theo. Tôi cười với nó.
“Gì thế?” tôi chỉ cặp kính của mình. “Em thích không?”
Keshav ngồi dậy, yếu ớt nhưng phấn khích. Mặc dù ông bố liên tục nói không, tôi vẫn cảm thấy một chút nhẹ nhõm khi đưa cặp kính râm cho thằng bé.
“To quá,” thằng bé nói lúc đeo thử. Cặp kính quá khổ làm cho khuôn mặt nó trông càng tội nghiệp.
Tôi nhắm mắt. Trong phòng quá nóng bức. Tôi thấy như bị ốm. Raghav đang gọi điện.
Tâm trí tôi tiếp tục độc thoại. Mày đến đây làm gì? Mày đến để thể hiện với cậu ta là mày đã thành công, còn cậu ta thất bại? Rằng đây là đỉnh điểm trong cuộc đời mày? Mày nghĩ mày hơn vì mày có xe và mặc vest à?
“Gopal!” Raghav gọi.
“Hả?” tôi nói, mở choàng mắt. “Gì vậy?”
“Vào đi,” Raghav nói.
Tôi vào văn phòng cậu ta. Tôi vẫn cho tay trong túi, giữ cái chìa khóa. Theo kế hoạch, tôi sẽ tự nhiên đặt chìa khóa lên bàn cậu ta trước khi ngồi xuống. Tuy nhiên tôi không thể.
“Có gì trong túi thế?” Raghav nói khi cậu ta nhận thấy tôi không rút tay ra khỏi túi.
“À, không có gì,” tôi đáp và buông chìa khóa ra. Tôi ngồi xuống đối mặt với cậu ta.
“Cơn gió nào đưa cậu đến với Cách mạng 2020? Có phải chúng tôi lại chọc tức sếp cậu không?” Raghav cười khoái trá. “À, mà từ từ, cậu nói đấy là chuyện cá nhân mà.”
“Phải,” tôi nói.
“Gì vậy?” Raghav nói.
Tôi không biết phải nói gì. Tôi đã chuẩn bị sẵn nguyên một bài diễn văn. Rằng Aarti xứng đáng với người tốt hơn cậu ta, và tôi là người tốt hơn đó. Rằng tôi đã thành công trong đời, còn cậu ta thì thất bại. Rằng cậu ta mới là kẻ thua cuộc, chứ không phải tôi. Thế nhưng, nói ra tất cả những điều đó lúc này tôi sẽ cảm thấy chính mình mới là kẻ thất bại.
“Tờ báo thế nào?” tôi nói, cốt để chấm dứt sự im lặng khó xử.
Cậu ta khoát tay. “Cậu tự nhìn thấy rồi đấy.”
“Cậu sẽ làm gì nếu nó đóng cửa?” tôi hỏi.
Raghav không cười. “Tớ vẫn chưa nghĩ tới. Chắc là hết pha một rồi.”
Tôi im lặng.
“Hy vọng là tớ không phải làm kỹ sư. Có thể tớ sẽ phải xin...” Giọng Raghav nhỏ dần.
Tôi có thể thấy Raghav vẫn chưa biết. Cậu ta chưa nghĩ xa đến thế.
“Gopal, tớ xin lỗi,” Raghav nói, “nếu trước đây tớ có làm gì tổn hại đến cậu. Cậu có nghĩ thế nào cũng được, nhưng đấy không phải chuyện cá nhân.”
“Tại sao cậu lại làm tất cả những chuyện đó, Raghav? Cậu thông minh. Tại sao cậu không đi kiếm tiền như tất cả bọn tớ?”
“Phải có ai đó làm những việc ấy chứ, Gopal. Nếu không thì mọi thứ làm sao thay đổi được?”
“Cả cái hệ thống lởm khởm rồi. Một người không thể thay đổi được đâu.”
“Tớ biết.”
“Thì sao?”
“Chúng ta ai cũng phải làm phần của mình. Để thay đổi chúng ta cần cách mạng. Một cuộc cách mạng thực sự chỉ xảy ra khi người ta tự hỏi mình - tôi đã làm được gì cho nó?”
“Nghe giống khẩu hiệu trong tờ báo của cậu,” tôi mỉa mai.
Cậu ta không trả lời. Tôi đứng dậy ra về. Cậu ta đi theo tiễn tôi. Tôi quyết định không gọi xe mà đi bộ ra đường tìm.
“Cậu đến đây làm gì?” Raghav hỏi. “Tớ không thể tin được là cậu đến thăm tớ đâu.”
“Tớ có việc gần đây. Xe tớ cần bảo dưỡng. Tớ định đến thăm cậu trong khi nó được sửa.” Tôi nói.
“Cảm ơn vì đã tới. Cậu cũng nên thỉnh thoảng tới thăm Aarti nhé,” cậu ta nói.
Nghe nhắc đến tên nàng, tôi cảnh giác cao độ.
“Ừ. Cô ấy dạo này thế nào?” tôi hỏi.
“Cũng lâu lâu tớ không gặp, nhưng cô ấy có vẻ hơi bị stress. Tớ sẽ phải bù đắp cho cô ấy. Cậu nên gọi điện đi, cô ấy sẽ thích đấy,” cậu ta nói.
Tôi gật đầu và bước ra khỏi văn phòng.
Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới - Chetan Bhagat Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới