Ancient lovers believed a kiss would literally unite their souls, because the spirit was said to be carried in one’s breath.

Eve Glicksman

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Белым По Черному
Dịch giả: Minh Vũ
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 908 / 10
Cập nhật: 2017-06-11 10:58:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 - Lò Bát Quái Nấu Cơm Cho Những Người Khổng Lồ
à lao công, người cai quản rất nghiêm ngặt toàn bộ khu trường, đã về quê thăm cô con dâu nhân lễ sinh nhật. Được dịp, chú đồng hồ to ở phòng ngoài lập tức dừng lại để nghỉ ngơi.
Cậu Chiều xám, mình mượt những lông tơ, suốt ngày ngủ dưới tầng hầm, lúc nào cũng vểnh tai cố đoán xem đã đến lúc cậu ta phải chui ra hay chưa.
Cuối cùng cậu ta đã bò ra, lướt nhẹ trên bốn cái chân mèo, theo các hành lang và cầu thang, giận dữ xua đuổi chú Tia Sáng nhỏ mà ông mặt trời bỏ quên ở góc cửa sổ, đoạn nhảy ra phố và cố lẩn tránh những cặp mắt của các bác đèn đường, đi báo với chị Đêm rằng mọi việc đều đã đâu vào đấy.
Tất nhiên có thể cho rằng đấy đâu có phải là cậu Chiều xám mà chỉ là chú mèo đực của bà lao công. Song mọi đồ vật trong trường lại có ý kiến khác.
Chẳng là chúng nhìn thấy rõ hơn mà lị.
Khi chị Đêm lấy chiếc áo mây rách tã lau sạch bóng bầu trời sau một ngày bị bám bụi và bầu trời bắt đầu lấp lánh như tấm gương trước cây thông Tết, khi bạn và những ai như bạn nhắm mắt lại, tay kẹp dưới má thả hồn theo những ước mơ lúc ban ngày thì các đồ vật trong lớp lại bắt đầu thức dậy.
Bạn hãy lưu ý cái gì ở đồ vật cũng xảy ra ngược đời cả, không như ở con người, nói chung là: bạn thức dậy khi mặt trời mọc, còn chúng thức dậy khi đêm đến; lúc mở mắt, bạn chúc mọi người “một buổi sáng tốt lành”, còn chúng thì lại chúc “ngon giấc”.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với các nhân vật bé nhỏ của chúng ta. Tất cả, trừ Phấn Trắng, đều đã thức dậy từ lâu và bắt đầu bàn luận về họ hàng thân thuộc.
- Thật là sung sướng khi trên khắp thế giới này đâu đâu bạn cũng có những người thân thuộc, - thím Giẻ Lau nói vẻ buồn rầu. - Sống như anh Phấn Trắng mới là sướng! Còn tôi thì có thể xem như mồ côi hoàn toàn. Họ hàng của tôi vẻn vẹn chỉ có bông sợi và vải.
- Như... như thím hãy còn sướng, - bác Địa Cầu nói theo.
- Tôi với bà chị Bản Đồ đây mới đúng là mồ côi. Riêng tôi còn mồ côi cả cha lẫn mẹ.
- Tôi không phải than thân trách phận như các bạn, - chị Bút nói, không giấu vẻ tự hào.
- Họ hàng của tôi nhiều vô kể. Nhưng hiện tại tôi vẫn chưa biết họ là ai. Mà cũng chẳng sao - tôi sẽ đến thăm than đá và dầu mỏ, ở đây tôi sẽ biết tường tận tất thảy anh chị em, chú bác, cô dì, bà nội, bà ngoại...
- Có thể mỗi người lại giữ một chức vụ quan trọng nữa đấy! - thím Giẻ Lau nói như ganh tị. - Giá mà tôi có được từng ấy người thân như chị!
Có tiếng chân bước từ gờ bảng vọng lại, tiếp đấy hai ống chân tí tẹo hiện ra, sau đó là Phấn Trắng.
- Chào các bạn! - anh nói sau cái ngáp rõ dài. - Thế ai còn thiếu họ hàng thân thuộc đấy? Thím Giẻ Lau à? ồ, thím có khối họ hàng thân thuộc.
- Anh cười bà lão đấy chứ? Anh cứ cười đi. Chúng tôi là những đồ vật bé nhỏ, chúng tôi đâu có thể dùng để xây nhà được.
- Cười ư? Không đâu. Chỉ có thím không biết dòng họ đông đúc của thím đấy thôi. Chẳng hạn, ông tổ của thím là bông. Từ bông người ta chế ra bông băng, chỉ khâu, dây thừng, dây chão và lưới đánh cá... Bông được dùng làm vải giả da để đóng giày, vải bố để làm dây truyền động, băng vận chuyển, lốp Ô tô.
- Còn giấy?
- Nói chung, giấy làm từ gỗ, nhưng muốn có giấy tốt, phải làm từ giẻ rách. Bỏi vậy sau này thím sẽ trở thành một quyển sách tuyệt vời đấy.
Thím có nghe người ta nói đến xenlulô không? Trong bông, xenlulô chiếm đến chín phần mười, còn trong gỗ nó chỉ chiếm có một nửa. Bằng xenlulô người ta chế ra tơ nhân tạo, vải len, da nhân tạo, phim, thủy tinh ba tầng chắc nhất và không vỡ thành mảnh để làm kính ô tô, và kính máy bay. Tóm lại, xenlulô là nguyên liệu chế ra nhiều loại chất dẻo. Thím có nghe không? Chất dẻo ấy mà!
Thế là Thím Giẻ Lau có thể ôm chị Bút kính mến của chúng ta được rồi. Rất có thể các bạn là họ hàng thân thuộc với nhau.
- Họ hàng thân thuộc ư! - thím Giẻ Lau thốt lên. Thím hoài nghi nhìn các mảnh giẻ rách rưới của mình, sau đó nhìn sang bộ quần áo sáng loáng của chị Bút. - Thế mà chúng ta có họ hàng với nhau à?
Chị Bút chẳng nói chẳng rằng, đứng ngây người ra vì quá bất ngờ.
Phấn Trắng đợi một lát, khoái trá với cái ấn tượng đã gây ra, đoạn nói với bác Địa Cầu:
- Bác già lại gần đây. Theo tôi biết, cả hai bán cầu của bác đều được làm bằng giấy bồi. Giấy bồi được chế từ giấy. Như vậy, qua con đường giấy, bác có họ với thím Giẻ Lau. Nhưng về phương diện khác bác lại có họ với chị Bút của chúng ta. Trục của bác làm bằng loại thép như cái ngòi của chị Bút.
Thế nào, bây giờ thì ai cũng có đủ họ hàng hay hãy còn ít nào? Nếu như còn ít, tôi có thể giới thiệu thêm vô số họ hàng thân thuộc của các bạn nữa cho mà xem.
- Anh... anh... anh nói thật đấy chứ? - bác Địa Cầu hỏi lại với vẻ bối rối đến tột độ.
- Thật một trăm phần trăm.
- Khoan đã! - chị Bút không nhịn được nữa. - Nhưng anh chẳng có quan hệ họ hàng với chất dẻo, với thép, với giấy đâu!
- Đá vôi chúng tôi có quan hệ họ hàng gần gũi nhất với hầu hết mọi thứ trên đời này.
- Ờ, thế thì quá thể! - chị Bút nhăn mặt. - Anh khoác lác lắm thế? Không ai phủ nhận công lao của dòng họ xây dựng quang vinh của anh đâu, nhưng ở đây, đá vôi có quan hệ gì nếu như nói đến thép chẳng hạn.
- Ồ, giá mà chị biết! - Phấn Trắng phát cáu. - Chính đá vôi chúng tôi là thợ luyện kim đầu tiên đấy! Không có chúng tôi thì đừng có nghĩ gì đến chuyện nấu thép!
- Ô kìa! chị Bút lắc đầu. - Các em bé chưa đến tuổi đi học cũng biết rằng thép nấu từ gang. Mà gang thì nấu từ quặng...
- Và... và... và trong đó còn cần có than cốc nữa, - bác Địa Cầu bổ sung. - Đó là một thứ than đá thôi, nhưng được nung trong lò đặc biệt đậy thật kín không cho không khí vào.
- Thôi đi! - Phấn Trắng vẫy tay. - Tôi không muốn tranh cãi với các bạn làm gì.
- Thế mà hóa hay đấy! - chị Bút tán thành.
- Đôi khi tôi cũng rất muốn ba hoa chích chòe, nhưng đã tự kiềm chế được - thím Giẻ Lau nói ra điều khuyên nhủ.
Phấn Trắng lườm thím ta, đoạn lặng lẽ bỏ đi và leo lên gờ bảng.
- Anh ấy tự ái rồi! - thím Giẻ Lau nói nhỏ với chị Bút.
- Không sao. Có thế anh ta mới hết khoác lác!
- Nhưng... nhưng dẫu sao vẫn không tốt, - bác lại gần bảng đen và gọi Phấn Trắng: - Anh Phấn Trắng ơi! Bực mình làm gì, anh hãy nghe tôi vẽ một cái gì đó và đưa chúng tôi đi du lịch đến đấy cho vui.
- Tôi cũng đang định làm đấy bác ạ, - Phấn Trắng bình tĩnh đáp.
- Anh cho phép hỏi, liệu chúng ta đi có xa không đấy?
- Không, không xa lắm. Chúng ta chỉ
Băng qua ngàn ngọn núi nâu,
Vượt qua ngàn núi trắng phau
Đến miền đất nước xa xôi
Đến vương quốc lửa ngàn đời quang vinh.
- Ồ, chuyện cổ tích đấy à? - thím Giẻ Lau sung sướng hỏi. - Tôi mê chuyện cổ tích lắm!
- Anh ta đùa đấy mà! - chị Bút cưòi mỉm.
- Không đùa tí nào, - Phấn Trắng đáp lại và vẽ lên bảng nhiều cái tháp và vòm. – Chúng ta sẽ đến tham quan lò bát quái kỳ diệu nhất đang ngày đêm nấu cơm cho những người khổng lồ bằng sắt.
Lúc này, trên hình vẽ, bên cạnh những cái tháp hiện ra những cột ống to tướng, những chiếc cầu hình mắt cáo. Mỗi lúc trên mặt bảng lại xuất hiện thêm nhiều những đường, những dải to, dải nhỏ, những vạch mới. Cuối cùng chúng hiện ra nhiều đến nỗi các khách du lịch hoa cả mắt và không còn hiểu ra sao nữa.
- Không... không giống chuyện cổ tích lắm, - bác Địa Cầu nói.
- Nhưng lý thú hơn. - Phấn Trắng tụt khỏi gờ bảng, phủi bụi và đề nghị thím Giẻ Lau xóa những chỗ không cần thiết.
Thím Giẻ Lau vừa xóa, lớp học trở nên tối hơn. Một đám khói mù không hiểu từ đâu quyện tới bao trùm cả lớp học.
Những đường trắng mờ dần mờ dần. Bảng ánh lên một màu hồng nhạt và trên nền hồng ấy hiện rõ mồn một hình dáng kỳ dị của những công trình gì đó.
Một phút sau, các khách du lịch đã ở trong cảnh thảo nguyên đang về đêm. Họ tiến về phía có ánh hồng rùng rợn. T ừ phía trước ấy vọng lại những âm thanh loảng xoảng, rin rít và ùng ục.
- Chúng ta đi đâu thế này? - thím Giẻ Lau lo lắng hỏi. - Ở đằng ấy có lửa mà!
- Hơn thế nữa cơ! - Phấn Trắng đáp. - Một vương quốc lửa!
- Làm gì có cái vương quốc như vậy! - bác Địa Cầu xen vào. - Tôi biết mọi quốc gia, mọi nước cộng hòa, mọi vương quốc trên thế giới. Chỉ có Đất Lửa ở cuối Nam Mỹ chứ không hề có vương quốc lửa.
- Đúng. Thế nhưng nó lại đang ở trước mặt chúng ta.
- Theo tôi, đó là một nhà máy! - chị Bút nói quả quyết.
- Cũng đúng, - Phấn Trắng đồng ý. - Đó là nhà máy liên hợp luyện kim. Nhưng tôi thấy gọi nó là vương quốc lửa thì hay hơn. Các bạn nhanh chân lên nào. Tiếc rằng tôi đã vẽ lò bát quái quá xa. Nó kia kìa! - Phấn Trắng chỉ tay về phía cái tháp lớn rực rỡ ánh hồng.
- “Lò bát quái”! - chị Bút phì cười. - Theo tôi, đó chỉ là một lò cao bình thường.
- Bình thường ư? Lẽ nào việc biến một thứ đá không hình thù sần sùi tức là quặng, thành một thứ kim loại kêu xoang xoảng và dễ sai khiến lại không phải là một chuyện kỳ lạ hay sao? Biết bao người khổng lồ bằng sắt ở các nhà máy đang chờ mong cái điều kỳ lạ này để rồi đến lượt chúng lại tạo nên hàng nghìn vật kỳ lạ khác - biến những súc thép đúc nặng nề thành những máy cái, những khí cụ, những máy móc khéo léo và ngoan ngoãn... Bây giời mời các bạn lại đây!
Phấn Trắng luồn qua khe rào cao.
Qua khỏi rào, các khách du lịch dừng lại, kinh ngạc trước cảnh tượng kỳ ảo đang diễn ra trước mắt. Những cột sáng màu đỏ tím lao vút lên trời cao, trên chúng ngoằn ngoèo những vệt sáng lóe mắt, tung tóe những dòng lửa xoáy. Ta có cảm giác như những đám mây thấp từ đêm tối bay ra đã cháy bùng lên như vậy.
Một tiếng rú trầm trầm từ lò cao vọng lại, mỗi lúc một to. Dường như ai đang khuấy động hàng nghìn tổ ong một lúc.
- Người ta đang cho gang ra lò! - Phấn Trắng giải thích với các bạn.
- Anh cho... cho biết, cái gì rú lên thế? - bác Địa Cầu hỏi.
- Lò cao thở đấy! Phấn Trắng nói. - Phổi thép của nó choán cả một phân xưởng. Từ xưởng đó các máy móc theo các ống to đẩy vào lò những dòng không khí. Những ống kia kìa, các bạn thấy chưa? Trong đó có những ống dẫn không khí vào thổi bùng ngọn lửa, có những ống dẫn khí không cần thiết từ trong lò cao ra ngoài.
- Còn đây cũng là lò cao à? - thím Giẻ Lau hỏi, tay chỉ dãy tháp sáng loáng có các vòm bát úp bên trên.
- Không, đấy là lò gió nóng hay còn gọi là lò cô-pa. Chúng nung nóng không khí đến độ cần thiết trước khi đưa nó vào lò. Không thể không được. Bỏi vì đến khi làn gió nóng nhất trên thế giới, làn gió khamsin thổi từ sa mạc Sahara chẳng hạn, mà lọt vào lò cao, cũng
lập tức sẽ làm cho gang luyện bị “cảm” và hỏng ngay. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải đi tiếp rồi.
- Đi... đi đâu?
- Đến sân quặng.
Sau khi vượt qua các đường xe lửa, khách du lịch tiến thẳng lên những ngọn đồi dốc dựng đứng. Trong đêm tối việc làm này có thể kết thúc một cách bi thảm. Những đống đá nâu hình như chỉ chực đổ ầm xuống nếu ta bước thiếu thận trọng. Cũng may là sườn dốc dựng đứng được đèn pha rọi sáng.
Họ vừa vượt qua chướng ngại ban đầu thì trên đường đã hiện ra chướng ngại mới. Vượt qua nó càng khó hơn. Đá nhọn lấp lánh ánh bạc tuôn xuống rào rào, đâm vào khách du lịch khiến họ đau buốt cả người.
- Sân quặng của anh có còn xa không đấy? - bác Địa Cầu vừa thở hổn hển vừa hỏi Phấn Trắng khi đoàn người leo tới đỉnh đống quặng.
- Nãy giờ chúng ta đã đi trên nó.
- Thế này mà cũng gọi là sân à! - thím Giẻ Lau càu nhàu đưa tay gỡ chiếc áo bị mắc vào tảng đá nhọn. - Sao ngổn ngang thế này, thật đáng trị tội người quét sân ở đây!
- Gượm đã nào! - bác Địa Cầu thốt lên. - Đây chính là
những ngọn núi nâu mà anh đã nói phải không? Đá nâu tức là quặng, còn...
"... Còn đá xám là cốc. Chúng ta hiện đang đứng trên... - Chạy xuống mau! - Phấn Trắng chưa dứt lòi đã kêu thất thanh và ba chân bốn cẳng chạy vụt vào đêm tối. - Tránh đi!
Những người bạn chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cứ thế ù té chạy theo anh ta. Và họ đã chạy kịp thời. Ngay lúc đó, tại chỗ họ vừa đứng, từ trong tối nhe ra những mõm thép to đùng phát ra tiếng loảng xoảng, rin rít. Chúng ngoạm lấy đỉnh đồi, đoạn ngậm lại nghe răng rắc và vút lên cao.
Các khách du lịch người lấm bê bết đứng túm tụm bên dưói, ngước nhìn những cái tòi to tướng, từ thanh ngang của chúng họ thấy treo lủng lẳng bằng xích sắt một cái mõm gàu đầy răng to nhọn hoắt.
Một số tời như vậy thư thả lướt đi theo các đường ray ở khắp các góc sân quặng.
- Các bạn đừng sợ, những cần trục “lạc đà” bình thường đấy thôi! - Tiếng Phấn Trắng từ trong tối vọng lại. - Chúng đang phân loại thức ăn cho lò cao. Các bạn lại đây!
Những người bạn thận trọng đi về phía có tiếng gọi.
Phấn Trắng đứng dưới chân một đống đá trắng cao ngất.
- Các bạn có biết đây là cái gì không nào? - Phấn Trắng hỏi lúc những người bạn đi đến.
- Đá... đá... đá vôi nếu tôi không nhầm, - bác Địa Cầu kêu ken két, - Nhưng nó làm gì ở đây? Chẻ lẽ người ta đang xây cái gì à?
- Vấn đề lại không phải như vậy. Chị Bút nói thế nào nhỉ - gang được luyện từ quặng và cốc à? - Phấn Trắng hỏi chị Bút.
- Điều đó ai mà chẳng biết!
- Chị nên nhớ: không có đá vôi thì không cách gì luyện ra gang! Chỉ một mình cốc không đủ sức giải phóng được sắt nằm trong quặng, dầu cho nó có đốt nóng đến mấy đi nữa. Có thể làm quặng nóng chảy ra, nhưng như vậy vẫn chưa đủ - còn phải lôi kim loại ra khỏi những tạp chất không cần thiết cố bám chặt lấy nó. Chính đá vôi làm điều này. Khi quặng được nung chảy đến mức cần thiết, đá vôi chiếm chỗ của sắt, kết hợp với các tạp chất và lập tức nổi phình lên thành xỉ. Còn gang tinh khiết thì lại chảy xuống đáy lò.
Kìa, các bạn có nhìn thấy con đường nghiêng cạnh lò cao không? Theo con đường ấy, các xe goòng lũ lượt đưa quặng, cốc và đá vôi lên lò. Đến nơi các xe goòng đổ chúng vào lò và đi lấy quặng, cốc và đá vôi khác.
Các bạn nên biết rằng đá vôi cũng cần cho việc nấu thép và nấu đồng nữa đấy. Hơn một nửa đá vôi được khai thác trong nước chúng ta phục vụ cho công nghiệp luyện kim và công nghiệp hóa học.
“Sao, cả công nghiệp hóa học nữa à?” - chị Bút muốn hỏi, nhưng nhà địa lý đã hỏi trước:
- Thế có thể đến gần để xem lò bát quái của anh làm việc được không?
- Sao lại không được, nó ở gần đây thôi.
Các khách du lịch mò mẫm qua các đường sắt, lướt qua những đống đá vôi, cốc và quặng và cuối cùng đã tiến gần sát đến cạnh một cái tháp khổng lồ. Nhưng một đoàn xe lửa kỳ dị đã chắn đường của họ: chiếc đầu máy nhỏ lăn bánh rầm rầm trên đường ray, kéo theo sau những toa sàn bằng thép chở những gàu lớn sáng bóng màu đỏ thẫm. Những cột tia lửa vút lên từ những chiếc gàu, những đốm lửa sáng loáng bay vù vù dọc ngang trong không khí.
Các khách du lịch vừa phủi những đốm lửa đỏ vừa né sang một bên.
- Người ta chở gang lỏng đi rót đấy, - Phấn Trắng giải thích khi đoàn tàu thở ra lửa đi ngang qua. Hắt-xì! Tàu gì mà khói thế!
- Không phải khói của tàu đâu! - bác Địa Cầu bỗng hô hoán. - Khói của thím ta đấy! Lửa...! Cứu... ứu... cứu!
- Lửa đâu? - thím Giẻ Lau bắt đầu lo lắng và liền đó đã nhận ra một vệt da cam đang bò nhanh theo lai áo dài của thím.
- Tôi bị cháy rồi! - thím ta thét to và chạy băng qua đống xỉ nhanh nhẹn một cách trái ngược với cái tuổi đáng kính của thím.
Những người bạn chạy theo cứu thím ta, nhưng rồi họ thấy không cần phải cứu nữa. Thím Giẻ Lau đang ngồi trong một vũng nước gần đấy, mặt mũi u sầu.
- Tất thảy đều do anh mà ra cả! - thím mắng Phấn Trắng. Anh bày lắm chuyện! Tùy anh, chứ đối với tôi thì đủ lắm rồi đấy! Về thôi! Tôi không bao giờ đặt chân đến đây nữa.
Thím Giẻ Lau đứng phắt dậy, đoạn bất chấp sự phản đối của Phấn Trắng ra tay xóa sạch mọi cái xung quanh. Trong phút chốc, khách du lịch đã ở ngay trong lớp học.
- Chà, thím đã phá hỏng cuộc tham quan! - bác Địa Cầu càu nhàu và lập cập leo lên bàn thầy giáo.
- Cũng chẳng sao, - Phấn Trắng nói, - cái chính yếu chúng ta đã xem rồi, phải không nào?
Giờ đây không ai bảo rằng đá vôi chúng tôi không quan hệ gì với kim loại. Chị nên nhớ rằng, - anh nói với chị Bút, - chị có được cái ngòi bằng thép và những cái mũ bằng đồng một phần là nhờ công lao của dòng họ chúng tôi đấy!
- Ai có thể nghĩ ra được điều đó cơ chứ! - chị Bút nói lúng búng và trèo lên bàn học sinh.
- Đá vôi bỗng dưng lại có họ hàng với thép! Tôi nhớ anh đã nói gì đó về hóa học, - chị nói với Phấn Trắng khi mọi người đã trở về đúng vị trí của mình. - Chẳng lẽ họ hàng của anh cũng làm việc ở đấy à?
- Làm tốt nữa là khác! Như cái túi đựng mực của chị chẳng hạn. Chắc chắn là những người anh em của tôi đã lao động chế ra nó.
- Nhưng nó bằng cao su cơ mà...
- Cao su nhân tạo, - Phấn Trắng đính chính.
- Thế thì đã sao? Có gì là sai... Tôi chẳng nói nữa.
- Thà như thế còn hơn! Các bạn có nghe nói đến chất “cacbua canxi” (CaC2) hay chỉ gọi tắt “cacbua” không nào?
- Sao lại không nghe! - thím Giẻ Lau làu bàu. - Đó là một chất rất hôi phải không? Tôi nhớ có một lần một cậu bé tinh nghịch đã bỏ chất cacbua này, một mẩu đá trắng trắng, vào trong lọ mực. Thế là nó réo xì xì! Mực sủi bọt, trào ra ngoài bàn. Tôi với bà lao công sau đó phải lau mãi, mới đầu bằng nước, về sau bằng xà phòng... Vậy mà cái vết đó đến nay vẫn còn.
- Đấy chính là cacbua, - Phấn Trắng gật đầu. - Thứ đá kỳ diệu này cùng với nước có thể cắt đứt các thanh ray, hàn
kín vỏ tàu thủy, gắn các khung thép trong các tòa nhà.
- Đá với nước mà cắt được thanh ray? - bác Địa Cầu gãi gáy. - Xin lỗi, trong thần thoại cũng chưa có chuyện như vậy nữa là.
- Trong thần thoại thì nói làm gì. Đây là chuyện có thực, chỉ cần ném cacbua vào nước thì nó lập tức thoát ra một chất khí cháy kỳ diệu là axetilen. Khí này khi cháy tạo ra nhiệt độ rất cao. Nếu ta hướng một luồng oxy vào ngọn lửa axetilen đang cháy thì nó sẽ nóng hơn rất nhiều.
Và chính con người đã vận dụng chính chất này khi họ quyết định bắt khí phải làm việc. Họ đã nghĩ ra một dụng cụ đặc biệt được gọi là thiết bị hàn xì. Nó gồm một mỏ hàn, hai ống và hai bình. Một ống dẫn oxy từ một bình, còn ống kia dẫn axetilen từ một bình có chứa cacbua và nước và đưa chúng vào mỏ hàn của thiết bị. Ngọn lửa axetilen màu xanh lam từ mỏ hàn phụt ra nghe vù vù trong giây lát đã làm chảy cả loại thép rắn nhất. Nó bùng sáng ở tất cả những nơi người ta cần cắt hoặc nối kim loại.
Axetilen, như tôi đã nói, được tạo thành từ cacbua khi chất này tiếp xúc với nước. Còn cacbua thì được chế từ than đá thường và đá vôi. Người ta chỉ cần nung đá vôi và than đá nghiền nhỏ trong lò điện đặc biệt, thế là có cacbua.
Nhưng axetilen thoát ra từ cacbua ấy chẳng những cháy tốt, nó còn là nguyên liệu hảo hạng cho các nhà máy hóa học. Cho axetilen hòa họp với các chất khác người ta có thể chế được nhiều loại sản phẩm muôn màu muôn vẻ, trong số đó có chất dẻo và loại cao su nhân tạo tốt nhất là nairit. Ta có được săm lốp ô tô, ống cao su, dây truyền động và nhiều vật dụng quan trọng khác là nhờ thứ cao su bằng đá này. Trong số đó có thể gồm cả cái túi đựng mực của chị Bút kính mến nữa đấy... Thế nào? - Phấn Trắng nhìn khắp các thính giả của anh và đắc thắng. - Những viên đá cuội màu trắng cũng được việc đấy chứ? Hả?
- Như vậy là anh có họ hàng với chị Bút cả về phía nội lẫn về phía ngoại chứ gì? - thím Giẻ Lau hỏi.
- Vâng, bây giờ hẳn là chị ấy không phủ nhận nữa rồi! - Phấn Trắng cưòi hớn hả
- Tôi hoàn toàn không có ý phủ nhận. Tôi còn lấy làm sung sướng nữa là khác! - Chị Bút đáp và lấy tay sửa lại cái nắp, vẻ làm dáng. - Bây giờ chúng ta sẽ không bao giờ cãi nhau nữa.
- Còn thím Giẻ Lau kính mến nữa, nhân thể nói luôn, thím cũng có cái phải chịu ơn họ đá vôi nhà tôi đấy.
- Có thể. Nhưng tôi không nhớ, - thím Giẻ Lau lắc đầu buồn bã. - Tôi già rồi. Mới đầu mọi người lau cọ tôi, sau đó tôi lau cọ... Thế là mọi cái đều đã phai mờ hết.
- Thế thì tôi nhắc lại cho thím nghe vậy. Trước khi người ta dùng thím để may một chiếc áo trắng muốt, khi thím vừa ra đòi dưói dạng một tấm vải, thím đã phải gặp vôi rồi. Vôi đã làm cho thím trắng ra. Cả bác Địa Cầu nữa, đúng hơn là giấy làm ra hai bán cầu của bác, cũng liên quan với vôi đấy. Tại các nhà máy người ta phải cho thêm vôi vào các chảo nấu để gỗ nghiền nhỏ và giẻ rách chóng nhừ và biến thành bột giấy.
- Nhưng, nhưng... họ nhà anh được lắm việc thật đấy! - bác Địa Cầu thốt lên - Đến không tài nào nhớ hết!
- Vậy mà tôi cũng chỉ mới kể có một nửa thôi, - Phấn Trắng tự hào đáp lại. - Tôi đang nhìn qua cửa sổ. Thủy tinh? Muốn làm ra thủy tinh cần phải có đá vôi. Những cánh đồng bên ngoài cửa sổ? Ở đấy cũng có vôi. Có loại đất người ta gọi là đất chua, nếu không bón vôi cho chúng thì không thu hoạch được gì hết.
- Thế còn kia thì sao, - chị Bút láu lỉnh nháy mắt ra hiệu với bác Địa Cầu và thím Giẻ Lau, - trên tấm ván đằng kia có viết: “Tôi ăn mứt ngọt”. Cái đó cũng có liên quan đến họ hàng nhà anh à?
- Có! - Phấn Trắng đáp. - Mứt ngọt làm bằng đường. Mà không có vôi thì không làm ra được đường.
- Ờ, tôi không tài nào tin điều này được! - thím Giẻ Lau tuyên bố. - Đường ngọt mà lại là vôi. Thế thì chẳng ai dám cho nó vào mồm!
- Ngược lại, - Phấn Trắng phát cáu. Nếu nấu đường mà không cho vôi vào thì đừng có hòng mà ăn được!
Bạn có biết nấu đường như thế nào không? Trước tiên người ta thái nhỏ củ cải đường đã rửa sạch, rồi đem nấu chúng lên. Đường trong củ cải khi đó tan ra và trở thành siro. Bạn tưởng chỉ cần rót siro này ra, cô hết nước đi là còn lại đường tinh khiết chứ gì? Không đơn giản thế đâu. Đường như vậy không ngon do trong siro hãy còn lẫn quá nhiều tạp chất.
Vì vậy trước khi cô hết nước trong siro, người ta phải dùng vôi tinh chế siro. Vôi hút và làm kết tủa toàn bộ những chất thừa không cần thiết trong siro. Chỉ có thế thôi.
Bây giờ chúng ta đến nhà máy đường.
Nói xong Phấn Trắng trèo lên gờ bảng và bắt tay vào việc. Trên bảng hiện ra những tòa nhà kính của nhà máy, một cái ống bắt đầu vưon lên trời xanh. Khi cao gần bằng cây bạch dương, nó bỗng dừng lại...
Phấn Trắng biến mất tăm.
- Biến... biến đi rồi! - bác Địa Cầu sửng sốt lẩm bẩm.
- Mòn hết rồi! - thím Giẻ Lau thốt lên. - Viết hết rồi. Vậy mà chúng ta nghĩ là anh ta khoe khoang, khoác lác... Ôi! - thím ta khóc nức nở và úp mặt vào lai áo của mình.
Trong phút giây yên lặng, một tiếng động khẽ vang lên. Đó là chị Bút bỏ chiếc mũ lấp lánh của mình ra.
- Phấn Trắng chỉ nói về họ hàng tuyệt vời của anh. - Chị nói giọng trầm trầm, - mà không nói gì về bản thân mình. Trong khi đó anh lại làm một việc quan trọng nhất trên đời. Anh dạy các em học...
Lúc này, từ sau các mái nhà ẩm ướt, từ sau những lùm cây còn mơ ngủ một tia nắng hồng đầu tiên của buổi bình minh rọi đến. Mới đầu nó thận trọng chạm vào khe nứt trong cửa thông gió làm cho cái này ánh lên một màu cầu vồng nhỏ, sau đó mạnh dạn in xuống sàn nhà hình bóng của các cành cây.
Phút giây thần thoại đã trôi qua. Có thể vì vậy nên không có gì phá vỡ sự tĩnh mịch trong lớp học nữa. Sau đó dầu cho cậu Tiếng Vang đứng túc trực ở lỗ khóa có lắng tai đến mấy đi nữa cũng không nghe ngóng được gì.
Câu chuyện giữa tôi và bạn được viết bằng “mực trắng trên giấy đen” do vậy cũng chấm hết ở ngay tại đây, bạn thân mến ạ.
HẾT
Vũ Minh dịch theo nguyên bản Tiếng Nga của Nhà xuất bản Văn học Thiếu nhi Moscow - 1963
Mực Trắng Giấy Đen Mực Trắng Giấy Đen - Александр Дитрих 1926 - 1996 Mực Trắng Giấy Đen