Làm tốt thì tốt hơn là nói giỏi.

Benlamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Hoàng Cường
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Duc Pham
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1088 / 51
Cập nhật: 2015-11-16 14:40:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
hakki muốn có lễ cưới vui vẻ, đầy đủ. Hàng xóm láng giềng nghĩ rằng đám cưới sẽ linh đình. Chemban có tiền, Karuthamma lại là con gái lớn của ông...
Nhưng Chemban hoàn toàn không muốn thế. Ông chỉ bỏ ra một ít tiền sắm cho Karuthamma một vài thứ trang sức bằng vàng. Ông bảo ông không có tiền để tổ chức cưới to.
Về điểm này vợ chồng ông thường bất hòa với nhau. Khi hai người cãi nhau, Karuthamma thường phải can thiệp hòa giải. Đối với cô, đó là một việc thật đau xót. Bố mẹ cô ngày nào cũng cãi nhau vì cô. Karuthamma chỉ muốn ngày cưới qua đi cho xong. Xem ra vì cô mà đã xảy ra bao nhiêu đau khổ. Đời cô tiếp cận với ai thì y như rằng người ấy bất hạnh. Cô tự hỏi không biết sau này còn bao nhiêu người đau khổ vì cô nữa.
Phải đến mời trưởng làng rồi họ mới được tiến hành thủ tục chính thức cho ngày cưới. Chemban đem trầu, thuốc và vàng bạc đến thưa chuyện với trưởng làng và được trưởng làng ban phúc, cho phép làm lễ cưới. Trưởng làng hài lòng và bằng lòng đến dự buổi lễ.
Không có sự chuẩn bị gì gọi là linh đình cả, vậy mà không biết sao, lễ cưới hóa ra vẫn to hơn dự kiến của Chemban.
Trưởng làng đến sớm. Nhà trai từ Torikunnapuka kéo sang. Bên nhà trai không thấy bóng đàn bà, điều này làm cho đám phụ nữ ở đây xì xào bàn tán. Họ đều biết Palani không có họ hàng thân thích, nhưng khi rước dâu mà lại không có phụ nữ đi cùng thì thật đáng hổ thẹn.
- Họ không đem được một đứa con gái của làng họ hay sao? - Nanlapennu nói.
Kalikunju cũng đồng ý với Nanlapennu.
- Sao các chị lại có thể để cho một đứa con gái làng mình cùng đi với bọn đàn ông ấy? - Kugipennu hỏi.
- Còn biết làm sao nữa? - Laksmi nói.
- Thế không được - Nanlapennu nói - Chú rể phải đem đến một vài phụ nữ trong đoàn nhà trai chứ. Bên nhà trai phải có phụ nữ để đón cô dâu về nhà. Tục lệ là vậy.
Chakki nghe được lõm bõm những lời bàn tán của đám phụ nữ. Bà cũng băn khoăn về điểm này.
Đã đến lúc chú rể phải ra đặt tiền cưới. Trưởng làng là người có quyền ấn định số tiền đó. Chú rể phải nộp tiền cưới xong rồi lễ cuới mới được bắt đầu.
Trưởng làng gọi Palani và bạn bè của anh đến gặp ông. Họ đến đứng xung quanh ông và chăm chú chờ đợi.
- Bỏ ra bảy mươi nhăm rupi. - Trưởng làng bảo.
Bên nhà trai kinh ngạc. Họ coi như vậy là quá nhiều. Họ cho rằng chỉ có đám cưới của một người thuộc đẳng cấp Valakkaran thì mới phải nộp số tiền lớn như thế. Một lúc lâu, không ai nói gì. Rồi Achuthan, người đóng vai chính trong đoàn nhà trai, nói với giọng kiên quyết nhưng khiêm nhường:
- Thưa vị cha già, xin đừng hiểu nhầm chúng tôi. Chúng tôi hết thẩy đều từ một làng chài đến đây. Làng chúng tôi cũng có trưởng làng. Ngài đã ứng định tiền cưới chúng tôi không dám có ý kiến gì. Thế nhưng...
- Được, cứ nói đi. Có gì? - Trưởng làng hỏi.
- Đương nhiên ấn định tiền cưới là quyền của ngài. Song ngài nên hỏi ý kiến của bên nhà trai trước đã thì hơn. - Achuthan nói.
Đó là điều sơ xuất của trưởng làng, song ông không muốn bị vạch ra. Ông hơi tức giận hỏi lại:
- Có một chuyện nhỏ như vậy làm gì mà phải lắm điều thế?
Achuthan không chịu nhịn. Ở làng mình, Achuthan cũng có một vị trưởng làng oai vệ kém gì ai. Anh ta thưa tiếp:
- Đây là một việc mà lẽ ra chúng tôi phải được hỏi ý kiến.
- Anh muốn ta phải hỏi ai?
- Có lẽ ngài có ý định không để cho lễ cưới được suôn sẻ thì phải. - Achuthan nói rành rọt và chắc nịch.
Nói như vậy là hơi quá. Trưởng làng rủa một câu. Đằng nhà trai đã biêu xấu ông! Nhưng Achuthan cũng nói đúng quyền hạn của mình. Nếu ấn định tiền cưới mà không xét thích đáng đến khả năng của chú rể thì đám cưới đó có thể không thành.
- Các anh ăn nói hồ đồ thế à? - Trưởng làng bực tức nói.
Dù cho ông ta không phải là trưởng làng của họ, nhưng ông ta là người đứng đầu một làng. Họ đành chịu nhịn lời lăng mạ đó. Nhưng dù sao Achuthan nói có lý.
Trưởng làng quay sang bảo Chemban:
- Chemban Kunju, có phải ông định gả con gái mình cho mọt kẻ không có nổi bảy mươi nhăm rupi không?
Đám phụ nữ nghe thấy thế thích lắm. Họ khổ tâm khi thấy một người con gái nết na bị đem gả cho một kẻ không nhà không cửa, không họ hàng thân thích. Họ chê trách Chemban. Ai nấy đều hoan nghênh trưởng làng nói thẳng ý kiến của ông với Chemban. Chemban im lặng. Achuthan nói:
- Thưa vị cha già, đúng thế, anh ta không có gì cả. Chúng tôi không phải họ hàng thân thích của anh ấy. Chúng tôi chỉ là những người dân đánh cá cùng làng. Bởi vậy tôi mới nói ngài phải hỏi anh ta trước về số tiền nộp cưới.
Achuthan lại nói đến hoàn cảnh của Palani. Đám phụ nữ lại càng thấy buồn cho Karuthamma. Một số người thì thầm là thà dìm chết nàng ở ngoài biển còn hơn.
Mặc dù vậy, trưởng làng vẫn không nhượng bộ. Ông nói:
- Những điều ấy đều đúng cả, nhưng người ta không căn cứ vào gia cảnh của chàng rể mà ấn định tiền cưới. Achuthan chịu là phải.
- Cô dâu là một cô gái xinh tươi duyên dáng. Nếu muốn cưới cô ấy về thì cần phải quyên góp cho đủ số tiền cần nộp. - Trưởng làng nói tiếp.
Bên nhà tai có một người tên là Pappu không chấp nhận cách lập luận của trưởng làng. Nhịn mãi không được, anh ta lẩm bẩm mấy câu gì nghe không rõ.
- Anh lẩm bẩm cái gì? - Trưởng làng quát vào mặt anh ta.
Pappu lặng thinh.
- Nói đi! - Trưởng làng thét lên giận dữ.
Pappu bèn nói thẳng ý nghĩ của mình, giọng đầy vẻ thách thức:
- Thôi đừng có mà tán tụng mãi sự nết na của cô dâu ấy nữa!
- Anh muốn ám chỉ gì thế hả?
- Ngài thu xếp việc cưới xin này cốt tránh cho làng các người khỏi bị tai họa, và tai họa đó có lẽ sẽ rơi xuống làng chúng tôi chưa biết chừng. Đã vậy các người còn đòi chú rể phải nộp một số tiền hết sức vô lý. Đẹp mặt thật đấy.
Mọi người sững sờ. anh này nói năng gì lạ thế? Chakki ngất xỉu. Karuthamma chạy lại đỡ mẹ kêu lên: “Mẹ ơi!”.
Chakki được đưa vào trong nhà nằm bất tỉnh.
Chemban thì loay hoay như người điên. Ông nghĩ vợ ông khéo chết mất. Đám cưới mở đầu bằng một chuyện gở.
Một số người bên nhà trai coi Pappu nói năng trong lúc này thật không thể tha thứ được. Nhưng Pappu không hối hận chút nào. Anh ta lại tỏ ra căm phẫn.
- Tôi đã sang làng này nhiều lần, tôi biết cô gái ấy.
Mọi người đoán rằng có một điều bí mật ghê gớm gì trong cuộc đời Karuthamma. Nhưng trong lúc này, không ai muốn biết. Họ chỉ muốn Pappu câm miệng. Anh ta là khách của làng.
- Lạy trời im đi không nào. - Achuthan nói.
Trong nhà Nanlapennu và Kalikunju chăm sóc Chakki. Bà mở mắt chìa tay về phía con gái gọi: “Con ơi” rồi lại ngất đi.
Các bà các chị hết lời khuyên giải Karuthamma.
Khi Chakki đã tỉnh lại đôi chút, Chemban gọi Achuthan và Palani lại. Ông bằng lòng cho họ bảy mươi nhăm rupi để họ nộp tiền cưới. Palani vui vẻ tán thành. Achuthan cũng ưng thuận.
Và thế là Palani bước vào nhà với bảy mươi nhăm rupi. Bầu không khí xôn xao lắng dịu dần. Không còn ai để ý gì đến những lời Pappu nói khi nãy nữa.
Chú rể nộp tiền cưới. Theo lệ làng, trưởng làng đồng thời là giáo sĩ làm lễ thành hôn được lấy một phần số tiền ấy. Phần còn lại được dùng vào việc phúc thiện trong làng, thì ông ta đưa cho Chemban. Như vậy là lễ cưới đã xong được phần đầu.
Người ta dẫn cô dâu đến nạp. Những người già chỉ bảo các thủ tục cưới xin. Người ta buộc cho cô dâu sợi dây Tali [1] (sợi dây tượng trưng cho việc thành vợ thành chồng) và gỡ tấm mạng che mặt cô dâu ra. Chemban cầm tay con rể đặt vào lòng bàn tay con gái. Khi ông cầm lấy tay Karuthamma, ông cảm thấy tay con như cứng đờ. Cô có rụt tay lại không? Dường như Karuthamma không cầm lấy tay Palani thì phải, dường như tay Palani chỉ để lên trên tay cô mà thôi. Karuthamma cử động và làm những việc mà người ta bảo cô làm như một cái máy.
Mấy bà phụ nữ đỡ Chakki dậy và dìu bà đứng lên. Nhưng trong buổi lễ, bà lại ngất đi lần nữa. Một số bà thì bảo những chuyện đó đều là một điềm xấu.
Đến giờ tiệc tùng lại xảy ra những rắc rối khác. Vì đẳng cấp của Palani mà một số phụ nữ bỏ về nhà không ăn. Pappu người đã gây ra mọi chuyện rắc rối, cũng bỏ về.
Chemban không để tâm tới thái độ của khách. Ông chỉ lo đến nỗi bất hạnh của mình. Ông quỳ sụp dưới chân trưởng làng và cầu xin trưởng làng hãy cứu ông. Chakki đã yếu, không làm việc được. Karuthamma thì chưa bao giờ xa nhà mà nay phải một mình sang ở làng khác. Đi cùng với chú rể sang đây không có một người phụ nữ nào. Vì vậy ông không muốn cho con gái ra đi hôm nay. Ông cũng không muốn cả Palani đi nữa. Nếu Karuthamma đi, nhà cửa ông sẽ tan hoang. Không có ai chăm sóc người vợ đương ốm của ông.
Chemban như người hóa dại.
- Được rồi, Chemban Kunju - Trưởng làng nói với vẻ thiện cảm - nhưng nếu Palani muốn đưa cô dâu về nhà thì làm sao ông ngăn được?
- Kính thưa cha già, nếu ngài bảo họ thì họ sẽ nghe lời ngài. - Chemban thưa.
Trưởng làng cả cười. Ông nói:
- Họ là dân Torikunnapuda. Họ láo xược lắm. Chính mắt ông chẳng thấy đó sao Chemban Kunju?
Ngoài trưởng làng ra, Chemban không còn biết cầu cứu ai. Karuthamma mà ra đi thì ông còn làm gì được nữa? Chemban cầu khẩn trưởng làng tỏ ra cương quyết thì thế nào họ cũng sẽ vâng lời.
Tiệc xong Achuthan tuyên bố là đã đến lúc nhà trai ra về. Karuthamma đang ngồi cạnh mẹ, khóc thút thít. Chemban cứ loanh quanh gần đấy, giả vờ bận rộn. Achuthan phải nói lại một lần nữa là đã đến lúc chú rể và nhà trai phải ra về. Achuthan nói câu ấy đến lần thứ ba thì Chemban không thể làm thinh được nữa.
Theo lời khẩn nài của Chemban, trưởng làng hỏi Achuthan:
- Có nhất thiết các anh phải đưa cô dâu đi ngay hôm nay không?
Câu hỏi thật bất ngờ. Achuthan không biết trả lời sao. Anh hỏi lại:
- Sao ngài lại nói lạ như thế?
- Sao không?
- Cưới xin rồi, không được để cô dâu lại đây.
Trưởng làng biết rằng ý kiến của mình là không đúng. Đây không phải là một tình huống mà ông có quyền lèo lái theo ý mình. Ông nói đến tình cảnh gia đình của cô dâu, nhưng tình cảnh đó nhà trai đã biết rồi.
- Hãy để cô dâu ở lại đợi đến khi mẹ cô ấy đứng dậy đi lại được hẵng hay. Tôi chỉ yêu cầu có thế - trưởng làng nói.
- Hãy để cho chú rể trả lời. - Achuthan đáp.
- Dù sao giữa lúc này mà các anh cầm tay cô gái dắt đi là không phải. - Trưởng làng lại nói.
- Sao lại không phải? - Achuthan hỏi.
- Phải có một phụ nữ trong đoàn các anh sang dắt cô gái đi. Thế mới đúng.
- Thế thì tại sao ngài lại đem cô gái ấy cho một người không tìm nổi một người phụ nữ đưa vào đoàn nhà trai? - Achuthan trả miếng.
- Anh vặn tôi đấy à? - Trưởng làng xẵng giọng, làm ra vẻ tức giận.
Achuthan im lặng. Bây giờ đến lượt chú rể phải gánh vác.
- Để chú rể quyết định - Achuthan nói.
Thời gian trôi đi. Achuthan nhắc nhở là đã muộn. Trưởng làng khuyên là hãy để Palani ở lại đây. Việc đó không ai có thể trả lời thay Palani. Anh ta phải quyết định lấy.
- Này, anh bạn trẻ ơi, anh quyết định thế nào? Chúng tôi phải về đây. - Achuthan giục.
Palani ngập ngừng. anh không biết quyết định thế nào. Có lẽ anh không có năng lực quyết định. Tưởng như Palani không coi đây là một việc hệ trọng. Anh hình như hoàn toàn dửng dưng và lưỡng lự.
- Sao anh không nói gì thế hả? Sao anh lại dẫn cả bọn tôi vào chuyện rắc rối này? - Achuthan bực mình nói.
Rồi anh ta xỉ vả Palani. Anh ta đến đây để dự một cuộc vui. Thế mà anh lại dây vào việc cãi vã với những người mà anh ta ưa thích.
Chemban lo lắng chờ xem con rể nói gì. Palani là một người giản dị. Anh sẽ không bỏ mặc ông trong cơn hoạn nạn đâu. Đối với anh thì đâu chả là nhà.
- Nói một câu gì đi chứ. - Achuthan lại bảo.
Palani nhìn vào mặt Achuthan. Anh nhìn cả vào mặt người khác. Anh không thấy ai ra hiệu gì cho anh, nhưng từ miệng anh tự nhiên thốt ra những lời:
- Tôi phải đưa vợ tôi đi ngay bây giờ.
Chemban sững người. Ông không ngờ Palani lại quyết định trái ý ông. Chemban lấy tay đấm ngực, nói:
- Con ơi, hãy nhìn vào cảnh ngộ mẹ con rồi hẵng nói!
Lời khẩn nài ấy có gợi được lòng thương của con rể hay không, khó ai mà nói được. Một lần nữa Palani lại nhìn vào mặt Achuthan xem anh ta có ra hiệu gì không. Anh không nhận được một gợi ý nào. Tuy vậy, anh cảm thấy Achuthan tán thành việc anh đưa cô gái về làng.
- Tôi muốn đưa vợ tôi đi. - Palani nói.
Anh bắt đầu giải thích. Anh không có nhà cửa, không có ai là họ hàng thân thích. Anh cưới Karuthamma để lập một gia đình. Anh phải bắt đầu cuộc sống. Anh không muốn để người con gái anh đã cưới làm vợ ở lại đây. Anh phải bắt tay vào rất nhiều việc. Cả hai người không ai có thể đợi chờ.
- Vì vậy, tôi phải đưa vợ tôi đi ngay bây giờ. - Palani nói.
Ai nấy đều không ngờ Palani lại bầy tỏ được cảm nghĩ của mình rành mạch đến thế. Ý kiến của anh là quyết định cuối cùng. Palani cảm thấy bạn bè anh tán thành anh. Không ai bận tâm xem quyết định ấy có ảnh hưởng gì đến Chemban hay không. Thái độ cầu khẩn van xin của ông lẽ ra bất kỳ ai cũng phải mủi lòng.
- Con ơi, ta biết nuôi một đứa con là vất vả thế nào. Con nghe này, một ngày kia con sẽ già rồi con sẽ hiểu. - Chemban nói.
Palani vẫn kiên quyết. Thương cảnh ngộ Chemban, trưởng làng hơi tức giận, ông nói:
- Thế nào đây? Anh thanh niên chưa bao giờ có nhà cửa. Anh ta không biết có cha mẹ nghĩa là thế nào. Chính tại ngôi nhà mình, con người ta mới hiểu được thế nào là tình thương, tình yêu. Một kẻ lớn lên hoang dại trên bờ biển thì làm sao có thể hiểu được tất cả những tình cảm đó?
Quay sang Chemban, ông hỏi:
- Có cần thiết phải gả con gái ông cho một kẻ như thế này hay không?
Chemban không biểu đồng tình, nhưng ông nhận ra trưởng làng nói đúng. Chàng trai Palani ông quen biết trước đây không tỏ ra cứng lòng như thế. Có lẽ anh ta cư xử như vậy vì anh ta chưa bao giờ có nhà cửa thực sự. Đem gả bán con gái ông thế này liệu có phải là sai lầm hay không. Palani xem chừng không biết đến tình thương.
Ra người hiểu biết mọi sự, Achuthan chỉ cho Palani lối thoát. Anh ta nói:
- Việc gì mà phải nghe những lời lăng mạ ấy, Palani? Cô dâu là người phải đi với anh. Anh hỏi xem cô ấy có bằng lòng không. Để cô ấy nói.
Trưởng làng hoan nghênh ý kiến đó.
- Đúng, để cô dâu nói. Bảo cô ấy lại đây.
Chemban cho người gọi Karuthamma. Cô đang ngồi cạnh mẹ, mặt đầm đìa nước mắt. Cô bước lại đứng cạnh cửa.
- Con ơi, con có muốn để mẹ con ở lại trong cảnh ngộ thế này mà bỏ đi không? Hay là con không muốn? Mà này, ở nhà cũng không còn ai đẻ mang cốc nước đến cho cha con uống nữa. - Trưởng làng nói.
Thấy Karuthamma im lặng, ông nói tiếp:
- Con đi với chồng con sau khi cưới là đúng. Nhưng đi hay không là tự con phải quyết định.
Karuthamma có thể nói được gì? Cô không đủ sức để có một quyết định. Cô đã từ giã làng biển quê hương, thế mà nghĩ đến tương lai, lòng cô đầy lo âu. Bây giờ mẹ cô lại nằm liệt một nơi, không có ai chăm sóc cha cô. Karuthamma khóc thảm thiết. Cô không nói nổi lấy một lời.
Mọi người chờ đợi. Trưởng làng nói tiếp:
- Tội nghiệp cô gái. Cô làm sao trả lời được? Nhưng cô phải trả lời. Chính cô sẽ là người quyết đinh.
Karuthamma lại chỗ mẹ, úp mặt mình vào mặt mẹ khóc nức nở. Mẹ cô cũng khóc.
- Họ hỏi con gì thế hả con? - Chakki hỏi.
- Con sẽ không đi, mẹ ạ. - Karuthamma cố nói giữa những tiếng thổn thức.
- Đừng nói vậy, con. Con phải đi. Nếu con không đi...
Chakki biết sẽ xảy ra chuyện gì nếu con gái bà ở lại. Karuthamma cũng lo sợ như bà. Chakki không lo cho bản thân mình ốm nằm liệt giường một nơi không có ai đem nước đến cho uống. Bà có thể chịu đựng được. Nhưng không thể để con gái bà mắc vào cảnh tai ương.. không bao giờ. Chakki quyết định là con gái bà phải đi. Không có cách nào khác.
- Ra nói với họ là con sẽ đi đi.
Chakki từ từ gỡ Karuthamma ra khỏi người bà. Bà ép buộc cô, rày la cô, đay nghiến cô.
- Thế ra con không chịu nổi việc rời xa Parikutti hả con?
Karuthamma cố lấy lại sức đôi chút. Cô bước ra cửa và nói:
- Tôi sẵn sàng đi.
Karuthamma quỳ sụp trước mặt bố và chạm tay vào chân ông. Chemban rút chân lại quay đi. Cô nằm phủ phục như thế một lúc rồi đứng dậy. Mẹ cô ban phúc cho cô. Bà nhắc nhở cô hãy nhớ lấy tất cả những gì bà căn dặn.
Khi Palani đến chào ông, Chemban không hé răng nói một lời nào. Chemban bây giờ không phải là Chemban đờ đẫn khổ sỡ khi nãy nữa. Ông không khóc. Mặt ông đỏ sậm lại sưng lên vì điên giận.
Karuthamma theo chân những người cùng làng Palani ra đi, Chakki cố ngẩng đầu nhìn theo con gái, nhưng bà ngã xuống vào cánh tay Nanlapennu.
- Nó không còn là con ta nữa. - Chemban lầm bầm giữa hai hàm răng nghiến chặt.
Nước mắt đầm đìa, Panchami rên rỉ: “Karuthamma chị ơi!”.
Đó là buổi ra đi của Karuthamma, người con gái của làng biển. Tương lai cô sẽ ra sao? Cô có tránh được những hiểm nghèo hay không?
Không ai cầu nguyện cho cô. Cô cũng không cầu nguyện cho cô. Có lẽ, chỉ có một mình Parikutti cầu nguyện cho cô thôi.
Chú thích:
[1] Tali: sợi dây tượng trưng cho việc thành vợ thành chồng.
Mùa Tôm Mùa Tôm - Thakazhi Sinvasankara Pillai Mùa Tôm