Mỗi con người có 03 loại tính cách: tính cách anh ta phô bày, tính cách anh ta có, và tính cách anh ta nghĩ anh ta có.

Alphonse Karr

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 88
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
rong những ngày cuối năm và mồng Một Tết, Ngô sống trong một trạng thái hoang mang, bồn chồn.
Tin nhà, tin từ ban giám thị lao Thừa phủ đều báo trước là thế nào Ngô cũng được phóng thích trong đợt ân xá thường niên nhân dịp Tết. Bà Bỗng và ông Mân vào thăm nuôi Ngô hoan hỉ báo trước tin vui ấy. Giám thị Trung tâm Cải huấn ỡm ờ không xác nhận, mà cũng không phủ nhận. Ngô nôn nao chờ đợi giờ phút ông giám thị cầm bản danh sách những người được phóng thích xuống khu nhà giam của mình, chờ đợi ông đeo kính lão vào, hắng giọng đọc thật lớn tên người may mắn với vẻ mặt cố ý làm ra thản nhiên lạnh lùng giữa tiếng reo hò mừng rỡ của các tù nhân có tên.
Suốt mười tám tháng qua, Ngô đã từng chứng kiến cảnh chờ đợi nôn nao ấy với lòng ước ao, và lần này, chàng nghĩ phải đến lượt mình được hưởng giờ phút hồi hộp, hào hứng của những người xếp hàng trước.
Từ hôm thăm nuôi, thái độ của Ban Giám thị nhà lao đối với Ngô thay đổi thấy rõ. Chàng được phép thong dong ra ngoài giúp việc sổ sách cho Ban Giám thị, được theo xe Trung tâm Cải huấn đi chợ Đông ba, được phép đi tắm ở cái vòi nước cạnh nhà bếp, được phép mượn tờ Tiền Tuyến đọc qua tin tức trước khi vào phòng cho giám thị khóa cửa đi ngủ.
Chàng tổng hợp các tin tức, hiện tượng rời rạc ấy của nhiều phía, để đến một điều chắc chắn: là chàng phải có tên trong danh sách ân xá kỳ Tết này.
Ngô đã mừng hụt!
Chàng thất vọng não nề khi ông giám thị già đọc quá vần N mà tên Ngô không được nhắc tới. Ngô xấu hổ với những người bạn tù, thấy đâu đâu người ta cũng nhìn chàng với đôi mắt giễu cợt, nghe câu nói nào cũng lờ mờ đoán hậu ý mỉa mai.
Một số bạn tù nghèo được Ngô chia bớt quà Tết của gia đình (vì tưởng sắp được về) tự động đem đến trả lại cho Ngô. Họ làm như vậy vì tâm hồn đơn giản, không ngờ Ngô nổi giận, sinh ra cãi cọ lớn tiếng vào sáng Ba mươi. Giám thị phải xuống can thiệp, thi hành kỷ luật với cả Ngô lẫn người tù kia. Mỗi người bị vào phòng biệt giam 12 tiếng đồng hồ, và bị cúp phần nước tắm hai ngày. Ngô nằm một mình trong xà lim hẹp, tối tăm và khai nồng, nhớ lại những ngày biệt giam đầu tiên, khi mới bị bắt ở Dạ lê. Lần đầu bị mất tự do, lần đầu bị ly cách với cuộc sống thường ngày và đối diện với nỗi cô đơn mênh mông, Ngô tưởng mình có thể phát điên lên được nếu tiếp tục bị giam cầm. Chàng không hề tưởng tượng trước được khi không gian cuộc sống bị thu hẹp trong bốn bức vách lạnh lẽo, khi thời gian trôi qua mờ ảo theo ánh sáng lung linh lọt vào xà lim tối qua lỗ thông hơi nhỏ ở tít trên cao, con người sẽ phải đối phó với điều gì.
”Mất tự do”? Ba tiếng đó quá trừu tượng, mơ hồ. “Đau khổ”? Vẫn là một ý niệm dù nguyên nghĩa là một thứ cảm xúc bất như ý. Những ngày biệt giam đầu đời ấy cho Ngô nhận ra được đâu là nỗi đau cụ thể của cảnh tù. Ba tuần sống trong xà lim cho Ngô thấy rằng cái đáng sợ nhất không phải là ăn uống kham khổ, không phải là không khí khó thở hay ánh sáng u ám, mà là nỗi cô đơn. Ngày đầu tiên, Ngô chưa cảm thấy gì, đầu óc còn ngây dại vì bao nhiêu biến cố, xúc cảm dồn dập đến trước đó. Nhưng từ lúc chấp nhận tai nạn như một điều không thay đổi được nữa, hết lo âu và hối tiếc, Ngô bắt đầu thấy khổ sở vì không biết phải làm gì cho hết ngày giờ. Chàng bắt đầu khao khát được nói chuyện với người khác,“được nghe tiếng nói của người khác. Mỗi ngày hai lần, giám thị đem cơm nước đến đưa qua khung chữ nhật rộng bằng hai bàn tay ở cửa xà lim cho Ngô. Ngô nhận phần cơm nước, cố nói với ông ta vài lời cho đã thèm, nhưng ông ta không nói gì cả. Chàng phải tự phân thân làm hai để nói chuyện với mình, nhiều hôm tự đặt một cuộc tranh cãi thật gay cấn cho quên bớt nỗi cô độc. Muốn cho cuộc “đối thoại” không tẻ nhạt, Ngô đặt những chủ đề thật dị thường để “hai người” tranh cãi chết thôi! Chẳng hạn nếu biết trước nửa giờ nữa trái đất sẽ nổ tung, ta nên làm gì trong nửa giờ hiếm hoi còn lại? Chẳng hạn có nên giam chung nam tù nhân và nữ tù nhân trong một phòng hay không?
Cái trò “đối thoại” kỳ cục chẳng mấy chốc trở nên gượng gạo. Ngô tìm trò khác, như thử vẽ lên không khí những cảnh làm tình lạ mắt nhất, sôi nổi gay cấn nhất, gắn lên mặt những phụ nữ trong bức “phác họa” những khuôn mặt con gái chàng quen biết từ trước tới nay. Trò chơi này làm đầu óc Ngô bốc lửa, căn phòng hẹp thêm nực nội. Ngô kịp thời chấm dứt trò chơi này đúng lúc cần chấm dứt!
Cuối cùng, suốt thời gian bị biệt giam, Ngô khám phá thấy niềm khao khát tiềm ẩn sâu xa nhất trong tâm hồn mỗi người không phải là khao khát quyền lực, tiền tài, sắc đẹp. Những khao khát ấy có thực trong cuộc sống bình thường. Nhưng trong cuộc sống bị thu hẹp, thì khao khát lớn lao nhất là khao khát cảm thông, khao khát được nghe, được nói với bất cứ một người nào đó. Chàng hân hoan đến ngây ngất khi giữa im lặng mênh mông, đột nhiên nghe được một tiếng ho từ phòng biệt giam đối diện, hoặc nghe tiếng xâu chìa khóa rủng rẻng của người phụ trách mang cơm cho các tù xà lim.
Khi được chuyển qua phòng giam chung nhiều người, Ngô lại thấy sự mất tự do mang màu sắc khác. “Nỗi khổ” được cụ thể hóa thành nạn ghẻ ngứa, thành nỗi thèm thuồng thuốc lá, chất đường, chất mỡ. Cả niềm vui cũng đơn giản bớt, trở thành những dự tính sẽ làm ngay khi được thả ra khỏi tù.
Phải chờ hơn một năm rưỡi Ngô mới được hưởng cái thú mạnh dạn nghĩ trước những điều sẽ làm khi ra khỏi cổng nhà giam Thừa phủ. Chàng đã liệt kê một dọc dài những gì nên làm ngay:
- chạy bộ một mạch về nhà cho gia đình trố mắt ngạc nhiên.
- thong thả đi dạo một vòng khắp nơi để tận hưởng không khí tự do.
-tìm một quán cà phê vắng, kêu một ly cà phê phin thật đậm, mua một bao thuốc Pall Mall, rồi vừa hút thuốc vừa ngắm từng giọt cà phê rơi xuống đáy chiếc ly thủy tinh.
- ăn một tô phở xe lửa đủ tái, nạm, gầu, gân, sách, nước béo, rồi lau mồ hôi bước ra khỏi quán, đi bộ ra bờ sông hóng mát, trước khi gọi cyclo chở về nhà.
- về ngay nhà lấy tiền mua một lô quần đùi đem vào tặng những người bạn tù cùng phòng chưa được thả.
-tìm đến nhà tay giám thị hóc búa nhất của lao Thừa phủ để “chọc quê” lão chơi!…
Bấy nhiêu dự tính thú vị, bao nhiêu nôn nao hy vọng, để cuối cùng, qua ngày đầu năm Mậu Thân, Ngô vẫn còn nằm ở đây! Chàng nằm im giả vờ ngủ suốt ngày mồng Một Tết, không thiết gì ăn uống. Nửa ngày biệt giam vì kỷ luật cuối năm cũ cũng không làm Ngô hối hận buồn phiền. Tâm hồn Ngô chơi vơi không chỗ bám, vì hụt hẫng ở mép bờ hy vọng!
Buổi tối, cửa phòng giam bị khóa sớm hơn thường lệ sau khi những người tù làm tạp dịch bên ngoài đã vào cả trong phòng. Họ mang theo một số tin nghe lóm được bên ngoài, nhưng chỉ xầm xì truyền tai chứ không dám nói lớn. Từng nhóm ba bốn người quây quần quanh những món quà Tết gia đình gửi cho, vừa ăn vừa thì thào bàn tán, chứ không cười nói ồn ào như đêm hôm trước.
Ngô chỉ ghi nhận thoáng qua như vậy thôi, sau đó nằm im gác tay lên trán gặm nhấm nỗi thất vọng của mình. Chàng lơ mơ nửa thức nửa ngủ cả đêm hôm đó, mắt nhắm vẫn cảm thấy chói ánh đèn, tai vẫn nghe thấp thoáng các tiếng động, nhưng không ý thức rõ thời gian và không gian. Trạng thái lơ lửng ấy kéo dài, cho đến lúc súng bắt đầu nổ vang dội chung quanh khu cải huấn.
Ban đầu, chàng tưởng giống y như đêm trước, lính bên Tòa Hành chánh lại dùng súng để thay cho pháo Tết. Nhưng tiếng súng nổ dày quá, lại thêm bên ngoài số cảnh sát và giám thị ít ỏi ở lại canh giữ nhà lao ơi ới gọi nhau, chạy qua chạy lại có vẻ khẩn trương, nên mọi người bên trong phòng giam đều thức dậy, lao xao bàn tán. Nhiều người cũng nói, mỗi người mỗi cách phỏng đoán:
- Chắc lại đảo chánh! Chẳng lẽ mau thế, mới bầu tổng thống phó tổng thống mấy tháng thôi mà!
- Hay có thằng nào vượt ngục? Chờ Tết để thoát, khôn lắm!
- Nhất định lộn xộn lớn rồi!
- Dám Việt cộng đã về tới đây lắm nha!
Bàn qua tán lại, cuối cùng cách phỏng đoán cuối cùng có vẻ vững nhất. Và không ai bảo ai, mỗi người chợt nhận ra cách xử thế thích hợp trong hoàn cảnh đặc biệt này. Họ thôi bàn tán tự nhiên như trước, bắt đầu lo thủ thế. Họ biết nếu quả thực Việt cộng tấn công nhà lao thì người nào tỏ thái độ quá sớm sẽ là nạn nhân đầu tiên của phe thắng hoặc phe sắp bại. Cách giữ thân tốt nhất là im lặng, thu người lại để giữ mình.
Súng bên ngoài vẫn nổ, mỗi lúc mỗi dày và gần hơn. Nhiều loạt đạn bay vèo ngay trên mái phòng giam. Mọi người vờ như nằm ngủ, không ai nói với ai lời nào.
Mãi cho tới lúc tiếng súng thưa bớt và nhiều người chạy rần rật bên ngoài dãy nhà giam, mới có một vài người tù không dằn được tò mò, chống tay ngồi dậy. Rồi cả phòng giam của Ngô không ai vờ ngủ nữa. Tiếng lao xao bàn tán lại nổi lên.
Nhiều tiếng chân bước bên kia bức tường trước. Tiếng chìa khóa tra vào ổ, tiếng khua động lách cách. Cửa phòng giam mở lớn. Và lần đầu tiên trong đời, Ngô nhìn thấy những người ở bên kia chiến tuyến: những lính Bắc Việt cùng những du kích đặc công địa phương đang lăm lăm khẩu súng áp giải ông giám thị đến mở khóa cửa phòng giam.
Ngô được phóng thích như vậy, trong một cảnh huống bất ngờ oái oăm!
Ngô được phát cho một băng vải đỏ để cột ở cánh tay trái, và một khẩu súng AK-47. Lần đầu tiên nhìn khẩu súng lâu nay vẫn nghe nói đến luôn mà chưa hề thấy, Ngô cứ nhìn trân cái gắp đạn cong cong lạ mắt. Ngô thấy hình dáng gắp đạn kỳ cục, và theo đôi mắt của một người học hội họa, hình dáng ấy thiếu hẳn mỹ thuật. Nhưng Ngô không có thì giờ để suy nghĩ lâu, cũng như người cán bộ tóc bạc mặc đồ bộ đội nói giọng pha tiếng Bắc lẫn tiếng Huế không có thì giờ dài dòng về “tình hình và nhiệm vụ mới”. Trước tất cả tù nhân lao Thừa phủ, đám tù đủ mọi thành phần ngồi xếp hàng ngơ ngác lo âu trên sân nhà giam giữa lớp sương mai lạnh, ông chỉ nói qua về “Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình”, rồi chuyển ngay qua “nhiệm vụ thiêng liêng trước mắt”. Hai chiếc Jeep nhà binh và một chiếc Renault loại chuyên chở hành khách tuyến Huế – Ðà nẵng mang súng đạn tới. Lúc đó, trong đám tù, bắt đầu có những người muốn chứng tỏ thiện chí. Muốn biểu diễn “tinh thần cách mạng”! Họ tự nguyện phụ lực với các cán bộ và bộ đội mang súng đạn ra khỏi xe, sau đó phân phát vũ khí cho mọi người. Họ thay những người chủ mới giải thích cách cột tấm băng đỏ ở cánh tay thế nào cho những bạn tù. Một số người hiểu chậm, hoặc tỏ ra e dè khi nhận súng. Họ lớn tiếng trách cứ. Số người biết thích nghi mau chóng này ngày càng nhiều. Đám cán bộ và bộ đội chỉ cần ra lệnh, rồi ung dung lấy thuốc rê ra vấn hút hoặc lấy cơm nắm ra ăn.
Đám tù nhân được đoàn ngũ hóa theo thành toán, mỗi toán có một du kích địa phương hoặc một bộ đội chỉ huy. Toán của Ngô có bảy người, nhận nhiệm vụ “bảo vệ” khu cư xá giáo sư đại học, do một thanh niên trẻ chừng 17, 18 tuổi cầm đầu. Muốn cho sáu người dưới quyền thấy mình đầy đủ tư cách để chỉ huy, anh ta bảo mình sinh trưởng ở Tuần và “giác ngộ cách mạng” từ năm 10 tuổi. Anh ta còn khoe là đã vào Huế từ hôm 25 ta, đã ngồi nhâm nhi cà phê suốt bốn ngày ròng ở ga Huế để “nghiên cứu mục tiêu”. Ngô hơi bực vì thấy “anh ta nói quá nhiều, nhưng hiểu rõ là anh ta thiếu tự tín trước sáu người tù mà tuổi tác lẫn sức vóc đều hơn anh. Sáu người bạn tù trong toán của Ngô gồm: cụ Sáng, 53 tuổi, quê ở Phú vang, bị tù hai năm về tội tham lam, cầm nhầm quĩ trợ cấp định cư của xã đến mấy trăm nghìn đồng; anh Ngọ nghĩa quân ở Hương thủy, lãnh án bốn năm tù vì đã mê nhầm vợ bạn lại còn say rượu ưu ái tặng bạn một vết chém hơi sâu vào cánh tay; ông Thỏa 40 tuổi ở tù lãng nhách vì không có hoa tay lại đòi cạo sửa vé số kiến thiết; anh Thanh “tù chính trị” vì bị bắt quả tang buôn bán thuốc trụ sinh với Việt cộng. Người thứ năm là Hậu, thanh niên quyết tử thuộc chiến đoàn Thuận hóa cùng bị bắt một lượt với Ngô ở “chốt” Dạ lê.
Thanh hăng hái báo cáo thành tích với Dần, anh du kích trưởng toán, lại thêm đã lập được thành tích khi phân phát vũ khí và băng vải đỏ, nên được phong làm phó trưởng toán.
Dần dẫn sáu người đi bộ đến “bảo vệ” khu cư xá giáo sư đại học. Trời đã sáng bạch. Sương đêm đã tan gần hết, cây cối hai bên đường xanh một màu thẫm.
Ngô không khỏi bồi hồi khi đi qua những con đường quen thuộc. Trừ con đường vắng vẻ đáng ngại chạy giữa Tòa Hành chánh và lao Thừa phủ, những con đường khác đều đầy ắp kỷ niệm đối với Ngô. Khẩu AK trở nên quá nặng trên tay chàng. Nếu có được thỏi bút chì và tờ giấy, Ngô sẽ ngồi ngay xuống gốc cây kia, lề đường nọ, để vẽ cho được niềm hân hoan nhìn lại những cảnh vật thân yêu. Bầu trời tuy thấp và xám bàng bạc, nhưng Ngô biết lắm, chỉ cần nâng lên là mây sẽ bị xua đi hết, để lộ một vòm xanh ngọc bích huyền diệu. Hàng phượng hai bên đường tuy xơ lá, nhưng chàng nhìn thấu suốt cả bao nhiêu mùa phượng nở, nhìn được cả những tà áo dài trắng thấp thoáng, những chiếc nón lá nghiêng nghiêng. Ngô cảm thấy dạt dào yêu thương tất cả… Thương cọng cỏ dại-dột mọc đúng ngay vào giữa lối đi để bị dẫm nát, thương những vỏ cây già sần sùi, thương chú kiến lạc đàn chạy lăng quăng lo tìm lối về…
Mải suy nghĩ nên Ngô chậm chân, đi tụt phía sau, bên cạnh cụ Sáng. Họ đã đến đường Lê Lợi và sắp quẹo trái để lên ga. Ngô nhìn ra bờ sông, và chợt bàng hoàng đến tê dại cả người khi thấy lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam phất phới trên đỉnh Kỳ đài.
Lúc ấy, hai chiếc trực thăng UHIB bay thật thấp qua khu Tòa Hành chánh, thấp đến nỗi mọi người có cảm tưởng chiếc trực thăng tạt ngay trên đầu mình, khiến ai nấy phải khom lưng xuống để tránh tai họa. Dần la lớn ra lệnh cho cả toán nằm xuống. Chiếc trực thăng quần lại lần nữa, rồi lần nữa, bay qua chỗ Ngô núp một đôi giây, chiếc trực thăng nã đạn tới tấp vào khu nhà ga. Tiếng đạn nổ nghe ục ục như tiếng heo kêu. Ngô lo lắng cho gia đình mình, chỉ muốn được tự do tách khỏi toán để chạy một mạch về nhà. Chàng liếc nhìn về phía Dần, lúc đó đang ngồi núp sau một thân cây. Cụ Sáng lết lại gần Ngô thì thào:
- Ga Huế bị rồi! Cậu ở đâu?
Ngô nghẹn lời, cố gắng mãi mới đáp được:
- Nhà cháu ở khu ga.
Cụ Sáng an ủi:
- Chắc không hề gì đâu. Mình chỉ bắn vào chúng nó, chứ bắn vào nhà dân làm gì. Này…
- Gì hở cụ?
- Chỉ cầu cho trực thăng làm tới, may ra…
Cụ Sáng e ngại không dám nói hết câu. Cụ nhìn lên trời chờ hai chiếc trực thăng đảo lại lần nữa. Nhưng trực thăng đã lượn hình chữ S để bắt đầu xạ kích xa hơn, hình như phía Tây lộc.
Dần đứng hẳn dậy, phủi bụi và lá cây mục bám vào quần áo, ra lệnh:
- Mình đi thôi!
Ngô đứng bật dậy, nôn nóng muốn tiến thật nhanh về phía ga để xem nhà mình có bị gì không. Quên cả sợ hãi hay ngại ngùng, Ngô đi nhanh tới gần Dần, nói:
- Nhà tôi ở gần ga. Anh cho tôi về thăm nhà một chút được không?
Dần đang đi, quay ngoắt lại nhìn Ngô. Ánh nhìn pha lẫn giễu cợt và ngờ vực. Dần không nói gì, tiếp tục bước. Ngô không dám nói gì nữa, nhập hàng một ngay sau lưng Thanh. Đường Lê Lợi vắng tanh. Các công sở, trường học, và cả nhà tư nhân đều kín cửa. Một đụn khói đen bốc lên từ phía khu ga, ở trước trường Luật Ngô còn ngửi được mùi khét. Ngô thương xót lo âu cho những căn nhà, những ngọn cây, những người đồng hương ở cái khu đang bốc cháy đó, có thể khu hứng chịu tai họa bao gồm cả căn nhà trong đó Ngô đã lớn lên, học hành, mơ mộng. Chàng nháy mắt nhiều lần để cố dằn cho khỏi khóc. Qua khỏi công viên nhỏ hình tam giác trước Tòa Ðại biểu, Ngô có thể nhìn được nhà mình, ở bên kia sông đào An cựu. Chàng mừng rỡ vì thấy ngôi nhà ấy ở ngoài vùng lửa khói.
Có lẽ do nét mặt thất thần của Ngô mà khi phân công, Dần nhìn Ngô do dự, có vẻ không mấy tin tưởng ở “ý chí cách mạng” của người “chưa lo việc nước đã lo việc nhà” này. Dần bảo Ngô và cụ Sáng canh gác lối ra vào của khu cư xá giáo sư đại học. Bốn người còn lại theo Dần để vào bên trong cư xá.
Ngô thấp thỏm nhìn về phía ga, vì chợt nhớ rằng: Tuy căn nhà mình không việc gì, biết đâu do tên bay đạn lạc mà cha mẹ hoặc các em chàng có thể là nạn nhân đầu tiên của chiến cuộc. Ngô càng lo lắng hơn khi ba chiếc Jeep chở bộ đội chạy thật nhanh từ phía Tòa Hành chánh lên ga, một lúc sau hai chiếc bóp còi chạy ngược trở lại, chở nhiều người được băng bó hoặc nằm khoèo ở băng sau chiếc xe nhỏ. Ngô đoán họ chở những người bị thương xuống bệnh viện cứu cấp. Cụ Sáng nhìn quanh quất, rồi lại nói nhỏ vừa đủ Ngô nghe:
- Tìm cách trốn thôi. Không trốn lúc này biết lúc nào mới có cơ hội!
Ngô cũng thì thào đáp lại:
- Họ ở khắp nơi. Cờ họ đã treo trên Kỳ đài thì cả Huế ở trong tay họ rồi. Sợ trốn không khỏi, bị bắt trở lại nguy lắm!
Ông cụ thấy Ngô có lý, mặt xìu xuống, hai mép xệ nên khuôn mặt dài lại càng dài thêm. Cụ nói:
- Bây giờ mình làm gì đây?
Ngô đáp:
- Họ bảo đứng đây canh thì phải canh.
- Nhưng đứng ngờ ngờ thế này, trực thăng trở lại mất mạng như không. Mình nằm xuống đi!
Ngô gật đầu, công nhận lời cụ Sáng đúng. Hai người tìm chỗ sạch ở hai bên cổng vào khu cư xá, nằm sấp xuống, khẩu AK đặt ngay trước mặt như một người tập bắn trên xạ trường. Bá súng cũng ấn vào vai đàng hoàng, nhưng vì cái kẹp đạn cong vòng và dài của khẩu AK, nên nòng súng chếch lên trời như họ đang chờ bắn trực thăng.
Ngô nhìn thế nằm của cụ Sáng rồi tự nhìn mình, thấy khôi hài quá! Súng mới học bắn chưa quen, nằm nấp ở một “chỗ trống trải như con mực phơi, mục tiêu là ngọn cây ở bên kia đường, hai “chiến sĩ” này đang làm gì đây? Ngô bật cười khan, khiến cụ Sáng ngơ ngác hỏi:
- Bộ vui thích lắm sao mà cười?
Ngô cố nín cười, đáp:
- Cháu thấy như mình đang chơi tập trận giả. Kỳ cục quá!
Cụ Sáng vẫn nằm theo tư thế cũ, nghiêm giọng nói:
- Trận giả, nhưng chết thật! Ðể rồi cậu coi!
Có tiếng chân bước mau phía sau lưng hai người. Ngô xoay nghiêng thân mình nhìn ngoái lại, thấy Dần đã đến gần. Khẩu AK vẫn lăm lăm ở tay. Dần hỏi:
- Có ai biết nói tiếng Tây hay tiếng Mỹ không?
Cụ Sáng lắc đầu. Ngô đáp thành thật:
- Tôi biết đọc, nhưng nghe và nói chưa quen lắm.
Dần vui mừng nói:
- Tốt lắm! Anh đi theo tôi. Cụ cứ canh ở đây, chốc nữa sẽ có anh gì… à anh Hậu, anh Hậu sẽ ra canh với cụ.
Ngô theo Dần vào khu cư xá. Chàng liếc nhìn về phía nhà mình, lòng rộn vui khi thấy tường quét vôi mới và cánh cửa sổ cửa lớn cũng được sơn lại. Bao nhiêu năm sống cơ cục túng bấn, mỗi lần Tết đến là mỗi lần Ngô nhận thấy thêm rõ sự nghèo nàn của gia đình mình. Ở tù hơn một năm rưỡi, chàng nghĩ gia đình mình sẽ sa sút hơn trước, mặc dù cuộc đời lêu bêu của chàng không can hệ gì đến sự thịnh suy của cả nhà. Bây giờ nhìn những màu vôi và sơn mới, chàng yên tâm. Ngô theo Dần leo cầu thang lên tầng 2 cư xá giáo sư đại học. Lối cầu thang hơi tối vì thiếu ánh điện. Dần dừng lại trước cửa căn phòng phía tay phải, chuyền khẩu AK sang tay trái để lấy nắm tay phải đập thình thình vào tấm cửa nặng đánh vẹt-ni mầu nâu. Có tiếng dép lê lẹp xẹp bên trong, rồi cánh cửa mở hé. Ngô nhận ra ông giáo sư trẻ người Pháp dạy ở Ðại học Văn khoa và Sư phạm.
Trước đây, Ngô vẫn thấy ông Christophe đi chơi với Tường và Ngữ, hoặc la cà ngoài phố, hoặc đi uống cà phê. Mớ sách triết loại bìa mỏng vừa xuất bản bên Paris Tường vẫn mang về nhà để đọc, là do ông Christophe cho mượn. Ngô mang mặc cảm thua sút về kiến thức đối vói hai bạn, do đó thường từ chối nhập bọn mỗi lần có mặt ông. Ngược lại, trong thâm tâm, Ngô vẫn xoi mói quan sát Tường, thấy bạn có vẻ muốn làm dáng trí thức với mình. Ngô biết Tường không có thì giờ đọc những sách mượn của Christophe, hoặc nếu đọc, chưa chắc đã hiểu hết. Nhưng những cuốn sách mới toanh còn thơm mùi mực của Christophe mà Tường thường cố cho bạn bè trông thấy, theo Ngô, đã trở thành một thứ nhãn hiệu thời trang. Chẳng phải thời trang thì là gì nữa?
Trong khi cả giáo sư lẫn sinh viên Văn khoa của Ðại học Huế vẫn còn gối đầu giường những cuốn sách Pháp in từ sau thế chiến thứ hai, Tường đã có trong tay những cuốn mới phát hành ở kinh đô ánh sáng một hai tháng trước. Giở từng trang giấy mới ra, như còn vương vấn thoang thoảng đâu đây mùi cà phê ở những quán vỉa hè khu Latin, mùi tanh nồng nước sông Seine lặng lờ, mùi thuốc lá đen hiệu Gitane… Christophe giúp cho Tường có được một vài hiểu biết (nói đúng ra là một vài tên tác giả, một vài triết thuyết tóm lược…) thời thượng mới nhất, nhờ thế Tường chẳng khác nào một người ái mộ ca nhạc Pháp rất rành rẽ về Sylvie Vartan trong khi thầy bạn chung quanh vẫn còn bàn tán sôi nổi về Tino Rossi hay Edith Piaff.
Tuy nhiên sáng nay, Ngô thấy Christophe không có vẻ gì “vĩ đại”. Christophe nhỏ hơn là hình ảnh Christophe trong trí nhớ của Ngô. Ông ta mặc bộ pijama nhàu nát, màu beige có sọc trắng, tóc tai bù xù, khuôn mặt hốc hác lộ vẻ sợ sệt khi ra mở cửa cho Ngô và Dần. Dần hất hàm ra lệnh cho Ngô.
- Anh hỏi ông ta làm gì ở đây.
Ngô bối rối tìm chữ và thiếu tự tin, nên khi dịch câu hỏi sang tiếng Pháp, chàng líu lưỡi phát âm không rõ, khiến Christophe phải “pardon” nhiều lần, cuối cùng mới hiểu Ngô nói gì.
Christophe đáp một tràng dài, Ngô nghe tiếng được tiếng mất, nhưng cứ dịch đại khái theo sự hiểu biết của mình:
- Ông ấy nói ổng là người Pháp. Qua đây dạy Pháp văn ở trường Ðại học Sư phạm và Văn khoa.
Dần cau mày, thắc mắc:
- Sao hắn nói một thôi dài, anh dịch chỉ có bấy nhiêu?
Ngô chống chế:
- Ông ấy nói dài dòng, nhưng ý chính chỉ có vậy.
Dần nhìn quanh phòng kế ngay cửa ra vào, thấy toàn sách vở, đâm cáu, bảo:
- Anh nói với hắn thay quần áo qua bên tòa nhà phía trước gặp đồng chí Tư Hiếu để khai lý lịch.
Ngô không biết dịch chữ “khai lý lịch” ra sao, ấp úng một lúc, cuối cùng dịch đại để là qua gặp xếp lớn của Dần để trình căn cước. Christophe mừng rỡ chạy đi lục tìm thẻ thông hành đưa cho Dần. Dần thản nhiên nhận lấy, xem qua rồi bỏ vào túi. Christophe ngớ ra, hỏi Ngô:
- Sao anh ta không trả lại cho tôi?
Ngô đành phải giải thích:
- Ông qua bên kia người ta kiểm soát xong sẽ trả lại đủ.
Ông Christophe cười hòa giải, đưa tay ra bắt tay Dần. Dần ngớ ra không hiểu Christophe muốn gì, quay hỏi Ngô:
- Hắn đòi trả thẻ căn cước à?
Ngô sợ Dần mất mặt, chỉ nói:
- Không. Ông ấy hỏi đi bây giờ chưa?
- Chờ đây. Để mình đi kiểm tra một vòng, có lệnh tập trung sẽ dẫn hết qua bên kia giao cho đồng chí Tư Hiếu.
Ngô dịch lại lệnh của Dần, rồi chào tạm biệt Christophe.
Dần bắt Ngô làm thông ngôn để hạch hỏi những giáo sư ngoại quốc ở khu cư xá này, hết đi gặp anh giáo sư Pháp trẻ tuổi lại gặp mấy giáo sư người Đức dạy ở Y khoa. Vô tình Christophe đã tạo một tiền-lệ xấu, vì từ đó về sau, gặp người ngoại quốc nào Dần cũng đòi xem cho được thẻ căn cước và thông hành, xem xong tự tiện bỏ vào túi, ra lệnh chờ tại nhà để có người dẫn qua gặp thủ trưởng Tư Hiếu của Dần.
Dần có vẻ thất vọng, khi hăm hở tìm tới chỗ ở ba giáo sư Mỹ chỉ thấy phòng đóng cửa. Tra vấn người ở phòng đối diện mới biết họ được nghỉ Tết nên về Sài gòn ngay sau tiệc tất niên.
Dần đem các thẻ thông hành qua trình cho thủ trưởng, một giờ sau trở lại bảo Ngô và Hậu đi gọi tất cả giáo sư ngoại quốc qua trình diện ở Tòa Đại biểu Chính phủ bên kia đường.
Mỗi lần vô ra khu cư xá, Ngô nhìn về phía căn nhà mình, lòng bồn chồn muốn được vài giờ tự do để chạy qua cây cầu xi măng, rẽ trái dọc theo con sông đào, gõ nhẹ vào cánh cửa lá sách mới sơn, đứng ngay giữa nhà reo lên: “Con đã về đây, mạ ơi!”. Chỉ cách một con sông hẹp, từng đoạn lại có cầu bắc ngang, mà sao xa xôi đến tuyệt mù! Càng ngày càng cách trở, vì dòng lịch sử lôi cuốn chàng mỗi lúc một xa căn nhà yêu dấu đó!
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động