Số lần đọc/download: 1203 / 5
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 12 - Tâm Bảo
N
gày 22 tháng 11, tổng thống J.F.Kennedy bị ám sát gây xúc động toàn thế giới. Lyndon B. Johnson lên nắm chính quyền. Tháng 3 năm 1965, ông bộc lộ những ước nguyện của mình: “I do not want to be the President who built empires or sought grandeur, or extended dominion. I want to be the President who educated young children to the wonders of the world. I want to be the President who helped to feed hungry and to prepare them to be taxpayers instead of tax-eaters. I want to be the President who helped the poor to find their own way and who protected the right of every citizen to vote in every election. I want to be the President who helped to end hatred among his fellowmen and who prompted love among the people of all races and all religions and all parties. I want to be the President who helped to end war among the brothers of this earth.” [ 1 ](Tôi không muốn trở thành vị tổng thống xây dựng các đế chế hay tìm kiếm sự vĩ đại hoặc bành trướng ảnh hưởng. Tôi muốn trở thành vị tổng thống giáo dục cho con trẻ về những điều kỳ diệu của thế giới. Tôi muốn trở thành vị tổng thống giúp người nghèo đói và chuẩn bị cho họ trở thành những người đóng thuế thay vì ăn theo. Tôi muốn trở thành vị tổng thống giúp những người nghèo tự cứu lấy chính mình và bảo vệ quyền của mọi công dân được đi bầu trong bất cứ cuộc bầu cử nào. Tôi muốn trở thành vị tổng thống giúp chấm dứt sự thù hận giữa những người dân của mình, thúc đẩy tình yêu giữa những người thuộc mọi sắc tộc, mọi tín ngưỡng, mọi đảng phái. Tôi muốn trở thành vị tổng thống giúp chấm dứt chiến tranh xung đột giữa những người anh em trên trái đất này.)
Thế nhưng ước nguyện của ông đã không thành. Chiến tranh không chấm dứt mà ngày càng leo thang. Tàu há mồm tấp vào bãi biển Đà nẵng. Thủy quân lục chiến đổ bộ lên bắt đầu sự dính líu trực tiếp của quân đội Mỹ vào Việt Nam. Quân đội bắc việt bất chấp cuộc sống gian khổ nghe theo lời kêu gọi của lãnh tụ sẵn sàng ra đi. Đói rét bệnh hoạn nào có sá gì. Cả một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ùn ùn tiến vào miền nam..
Những thước phim thời sự về cuộc chiến tàn khốc được đưa đến tận phòng khách của nhiều người dân trên thế giới. Việt nam đã trở thành cái tên quen thuộc ở khắp mọi nơi. Số thương vong của lính Mỹ trên xứ người, những chiến sĩ cộng sản thoát ẩn thoát hiện sau màn khói lửa đạn bom trong vùng địa đạo, những khu rừng rậm… Tất cả đã trở thành nỗi ám ảnh của giới trí thức văn nghệ sĩ, làm bật lên tiếng nói của lương tâm, biến thành những bài ca, văn chương phản chiến. Trong khi đó tại thành thị những vụ bắt cóc, mưu sát khủng bố vào các khu vực dân sự làm tình hình càng rối ren.
Những người lính cộng sản ra đi chiến đấu với một niềm tin mạnh mẽ là giải phóng miền nam thống nhất đất nước.. Niềm tin ấy như một sức mạnh vô hình vượt vĩ tuyến 17 xuyên thủng hàng rào điện tử Macnamara một thời được ví như một tấm khiên chạy dọc từ đông sang tây ngay dưới vùng phi quân sự bao bọc miền nam bằng một hệ thống máy dò tiếng động, hơi nóng…, luồn qua đường 9 Nam Lào phớt lờ cao điểm Rockpile [ 2 ], bùng cháy mạnh mẽ tại Khe Sanh, ào xuống đọng lại giằng xé triền miên tại Thành Cổ Quảng Trị biến nơi đây thành một túi bom…
Ngày 20 tháng 1 năm 1969, Richard Nixon tuyên thệ là vị tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ. Sự ném bom cầm chừng dò dẫm thái độ của bắc việt khiến cho những ai ít hiểu biết nhất về chiến lược chiến thuật cũng không thể hiểu được trừ phi những cuộc oanh tạc ấy phải làm tê liệt hoàn toàn miền bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Trước sức ép của quần chúng dư luận, những bộ óc thông minh tuyệt vời nhất ở Ngũ Giác Đài đang tìm lối thoát? Muốn dùng những phương tiện tinh thần thay cho sức mạnh bạo lực?Nền văn minh nhân loại đang bị thách thức tại Việt Nam? Văn minh không thể đứng yên. Nếu đứng yên có nghĩa là thụt lùi. Cần có thử thách, cần có tác động để chuyển hoá và tiến lên. Một miền bắc ngàn năm văn vật trở lại thời kỳ đồ đá hay một miền nam ngập chìm trong làn sóng đỏ?
Phải chăng chính miền nam nơi không còn bóng dáng quân đội Mỹ, sẽ phải đương đầu và chinh phục ngược lại đội quân bách chiến bách thắng kia, sự chết chóc đau khổ của những người chung một màu da dòng máu có thể sẽ làm mềm đi những trái tim sắt đá, làm nguôi đi những bộ óc hừng hực lửa đấu tranh?. Sự hy sinh của miền nam có thể không phải là vô ích. Ngày 3-11-1969 trong bài nói chuyện với nhân dân Mỹ tổng thống Nixon đôi lúc đã để lộ sự day dứt mệt mỏi của mình. Ông tâm sự:
“ The war was causing deep division at home and criticism from many of our friends as well as our enmies abroad…
The defense of freedom is everybody’s business not just America’s business. And it is particularly the responsibility of the people whose freedom is threatened.
There are powerful personal reasons I want to end the war. This week I will have to sign 83 letters to mothers, fathers, wives and loved ones of men who have given their lives for America in Vietnam...
There is nothing I want more to see the day come when I do not have to write any of those letter. I want to end the war to save the lives of those brave young men in Vietnam. But I want to end it in a way wich will increase the chance that their younger brothers and theirs son will not have to fight in some future Vietnam some place in the world…[ 3 ]
(Cuộc chiến đã gây chia rẽ sâu sắc trong nước dấy lên những chỉ trích khắp mọi nơi từ bạn bè và kẻ thù của chúng ta… Bảo vệ tự do là nghĩa vụ của mọi người không phải chỉ là nghĩa vụ của Mỹ. Đặc biệt đó là bổn phận của những người mà sự tự do bị đe doạ. Có những lý do tư riêng mãnh liệt khiến tôi muốn chấm dứt chiến tranh. Tuần này tôi sẽ phải ký 83 lá thư đến những người mẹ, người cha, người vợ người yêu của những chàng trai đã hiến dâng đời mình cho tổ quốc ở Việt nam… Tôi không mong gì hơn được nhìn thấy cái ngày tôi không còn phải viết bất cứ lá thư nào trong các lá thư đó.Tôi muốn chấm dứt chiến tranh để cứu mạng sống của những chàng trai trẻ dũng cảm đó ở Việt Nam. Nhưng tôi muốn chấm dứt theo một phương cách sao cho gia tăng cơ may là những người em trai của họ, những đứa con trai của họ sẽ không phải chiến đấu cho một Việt nam tương lai nào đó ở một nơi nào đó trên thế giới..).
Kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh thay màu da tử sĩ được thực hiện. Mỹ dần rút lui ra khỏi miền nam. Số phận miền nam đã được định đoạt. Tất cả chỉ còn là thời gian. Điều gì đến sẽ phải đến.
Vào những ngày cuối tháng ba năm 1975, sau khi duyệt binh một vòng quanh sân, đại uý Hoan Bình cho anh em giải tán. Không khí trong doanh trại hôm ấy có vẻ gì đó ngột ngạt. Đại uý lửng thửng bước xuống tầng hầm của toà nhà. Xung quanh lối ra vào chắn đầy bao cát. Bật đèn cho khỏi tối ông đại uý ngồi xuống, gác chân lên bàn nhìn đăm đăm vào điện thoại với vẻ sốt ruột. Suốt cả tuần nay từ khi nghe tin Buôn Ma Thuột bị thất thủ, đại uý luôn cảnh giác và có những linh cảm bất thường. Thỉnh thoảng lại thấy hồi hộp lo lắng vô cớ. Sống giữa những điểm nóng giao tranh như thế này mà cả vùng bỗng trở nên im lặng lạ lùng. Là người lăn lộn khắp các chiến trường Hoan Bình cho đó là thứ yên lặng chết chóc, một sự yên lặng có thể để mở màn cho một cuộc giao tranh ác liệt. Vậy mà phải ngồi chờ lệnh. Không được quyết định. Đến bao giờ đây?
Đại uý nhớ lại những ngày đầu vào quân ngũ, rồi những cuộc hành quân đầu tiên khi mới đến vùng 4 CT đổ bộ diều hâu (đổ bộ trực thăng) xuống chiến khu Bời Lời… Tiểu Đoàn Trâu Điên là một trong những đơn vị thiện chiến nhất luôn luôn được đưa đến những điểm nóng và là lực lượng ứng chiến cho thủ đô. Tuy bây giờ có thể sẽ tử thủ ở miền trung, nhưng theo kinh nghiệm, Bình nghĩ đội quân của mình biết đâu sẽ có mặt ở ven đô trong nay mai?. Bình cũng chỉ mong có vậy! Nghĩ mà ức! Vừa đi Mỹ về chưa kịp nghỉ ngơi đã có điện gọi ra mặt trận gấp! Từ hôm đó đến giờ cứ cắm trại riết. Kỳ này về được ven đô phải tranh thủ dù về Sàigòn ăn chơi bạt mạng cho đã đời… Đâu cần nhiều, mấy tiếng thôi cũng được. Tình hình căng quá rồi! Buôn Ma Thuột vừa mất! Khó có cơ được nghỉ phép.
Không hiểu từ bao giờ cái đầu ông đại uý luôn bị vướng mắc với hai từ “nghỉ phép”. Có lẽ từ cái trận ngày ấy! Hôm đó đoàn quân chuẩn bị hành trang để sáu giờ chiều lên trực thăng vào rừng. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ trừ đội trưởng, chưa thấy bóng dáng tăm hơi đâu! Trong lúc chờ đợi Bình mở lá thư mỏng màu hồng của Đỗ Quyên ra đọc lại. Đỗ Quyên, người em gái nhỏ bên cạnh nhà ngoại. Bình quen Đỗ Quyên trong thời gian ở trại Huấn Luyện Thủ Đức. Gia đình Quyên cũng như gia đình ngoại nằm trong xóm đạo của người bắc di cư gần đó. Cứ thấy mặt Bình, ngoại lại nhắc, “Đừng có nhăng nhít, đợi khi nào em nó đỗ tú tài rồi ngoại làm mối cho”. Cầm lá thơ trên tay, nhớ khu vườn nhà ngoại lạ lùng. Chỉ mong có cánh bay về ngay lập tức, nằm trên cánh võng đu đưa. Nhìn trời mây chao nghiêng, bốn bề vắng lặng. Đâu đó trong không gian thanh tịnh rợp mát, có tiếng cá quẫy trong lòng ao. Gió lùa rì rào qua khóm chuối. Những bước chân thật nhẹ của Quyên dẫm lên xác lá khô dòn, tiếng cười trong như thuỷ tinh vỡ, tà áo trắng phất phơ ẩn hiện như cánh bướm đưa hồn Bình lửng lơ ngơ ngẩn qua những bóng lá tán cây. Đang mơ mộng bỗng đội trưởng ở đâu chạy tới mặt mày hớn hở cầm chai rượu kêu to:
_ Tao được làm cha rồi chúng mày ơi! Tía tao mới gọi điện báo bà xã sanh rồi.
Cả bọn nhao nhao:
_ Trai hay gái?
_ Gái, nặng 2 ký 9.
Cả đội lên trực thăng, mỗi người một hớp rượu coi như mừng đội trưởng có con đầu lòng.Cả đội cười nói rôm rả bàn tán về những cái tên có lẽ đội trưởng sẽ đặt cho con.
Vừa xuống trực thăng, chân vừa chạm đất đã gặp địch rồi! Hai người chết tại chỗ. Ba người bị thương. Bình nghe tiếng đội trưởng thét lên:
_ Mình bị lọt ổ phục kích rồi! Dãn quân ra! Người nào chưa có kinh nghiệm thì nương theo rừng rậm mà đi, rừng chằng chịt chúng khó có thể xung phong. Anh em cố gắng tiến lên vị trí cao hơn, cầm cự và săn sóc người bị thương.
Đội trưởng quay sang ra lệnh:
_ Bình! Tìm ngay khoảng trống, mau bịt lại không chúng siết vòng vây thì khốn. Phải tạo được mặt sau an toàn cho anh em.
Bình lao ra phía trước chạy trong làn mưa đạn. Đội trưởng thét lên:
_ Nằm xuống Bình!
Bình lăn mấy vòng tiếp đất rồi trườn mình thật nhanh sục sạo điên cuồng. Một lúc Bình nhận ra được một mặt trống. Hình như đây là một vùng lau sậy. Lúc này trời đã tối hẳn. Vừa quạt ngang được vài loạt đạn, Bình nghe có tiếng đội trưởng gần bên:
_ Đã gọi tiếp viện rồi! Sẽ có hai đại đội tới ứng cứu ở hai cánh phải và trái. Ở đây có hai tiểu đoàn việt cộng lận. Chúng có rất nhiều đại liên và tiểu liên. Có một trực thăng tiếp viện vừa bị bắn rớt.
Vừa bắn Bình vừa trả lời:
_ Em e rằng mình phải cầm cự lâu chứ tối thui như vậy khó có thể đổ bộ xuống. Địch bắn B 40, lựu đạn tới tấp khiến có cảm giác đoàn quân đang nằm trong tầm ngắm của họ. Địch đang ở vị trí thuận lợi.
Đội trưởng thì thào vào tai Bình:
_ Lợi dụng trời tối, cỏ cao thế nào chúng cũng bò vào mặt này, đây là mặt nguy hiểm nhất. Nói phía sau tăng cường súng đạn tối đa, kẻo không đủ đạn để bắn.
Lựu đạn nổ gần đến nỗi cảm thấy tức ngực, đang bắn bỗng giật mình căng thẳng vì đạn sượt qua má rát bỏng. Khi bị rơi vào ổ phục kích, nhất là đêm tối, thời gian như chậm lại, tiến từ từ một cách khắc nghiệt. Khi trời chừng đã về khuya Bình nghe có tiếng rên phát ra cùng với tiếng thở hổn hển.
Bình gọi khẽ:
_ Anh ơi! Anh oi!
Không nghe trả lời, Bình quờ quạng loay hoay trong đám cỏ mục ướt ngai ngái, tay chạm vào một thân thể bất động. Lúc đó hoả châu bắt đầu lơ lửng tạo ra những khoảng sáng đủ để nhìn được một thoáng gương mặt của đội trưởng. Tay chạm vào mặt anh, cảm thấy một chất gì nhầy nhụa. Bình vội ôm anh cố gắng chuyển ra phía sau.
Trận chiến kéo dài suốt đêm. Rồi tiếng súng cứ thưa dần, chỉ còn lại những tiếng lẻ tẻ. Trời đang chuyển dần về sáng. Từ phía sau nghe anh em xôn xao đội trưởng đã tử thương. Quá bàng hoàng, không tự chủ được nữa, Bình quạt đạn điên cuồng về phía trước mặc dù khoảng trống trước mặt dường như đã yên tĩnh. Bình chạy ngay đến chỗ đội trưởng, gục mặt xuống ngực anh, lặng đi một lúc rất lâu. Ôm thân thể vẫn còn hơi ấm nghe nhịp tim mình đập mà ngỡ là của anh. Khi ngẩng lên, khuôn mặt anh đã được lau sạch máu, một viên đạn cắm ngay giữa trán. Hai chân Bình như nhũn ra muốn khuỵu xuống, rồi run bần bật. Phải đến mấy phút sau mới lấy lại bình tĩnh. Thay thế đội trưởng, Bình ra lệnh cho anh em đưa người bị thương và tử trận ra chỗ đất bằng chờ trực thăng tới tải đi. Anh không muốn tin đây là sự thật! Giống như một cơn ác mộng. Sống giữa bom đạn chiến trường sinh mạng con người chả là gì cả! Chưa bao giờ Bình lại nhận thức một cách rõ rệt sự nhỏ bé bất lực của con người như vậy!
Anh thất thểu trở lại nơi đội trưởng đã hy sinh. Khoảng trống bây giờ đã hiện rõ. Một vùng cỏ lau trắng xoá đang dập dờn trong nắng ban mai. Ai có thể tin cách đây một tiếng đồng hồ nơi đây còn là bãi chiến trường? Bình nhìn theo vết máu loang lổ. Vệt máu chạy dài từ chỗ anh đứng, in dấu theo một lối nhỏ với những thân lau bị đè bẹp dập nát. Trong bụi lau có những xác người. Vệt máu chứng tỏ các xác ấy đã được đồng đội cố gắng lôi đi nhưng không được đành phải bỏ lại. Đứng nhìn, nghĩ về đồng đội đã mất, Bình đột nhiên rùng mình tự hỏi nếu không kịp sống mà phải chết như họ thì sao đây? Chưa kịp hưởng thụ. Tuổi trẻ nhựa sống còn đang hừng hực, sao laị trở thành những cái thây ma nằm trơ trơ giữa nắng gió, trong rừng sâu hoang vắng như thế này?
Bất giác Bình cảm thấy tức ngực trở lại như lúc nghe lựu đạn nổ gần hôm qua. Anh tháo cái nón sắt đang đội, mân mê lớp lưới che nón giờ đây đã rách tả tơi. Cái chết có thể tới trong đường tơ kẻ tóc. Bình nghĩ đến chuyện đào ngũ. Nhưng ý nghĩ chỉ thoáng qua rồi biến mất. Bình không muốn làm nhục ba má nữa! Trước đây mình đã bỏ học rồi! Nhưng từ đây mình sẽ dành giựt lại từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây tuổi trẻ của mình. Không còn chỗ cho những mẫu mực, cân nhắc toan tính, đợi chờ và mơ mộng. Không thể! Mình không cần huy chương, ngôi sao hay nhành dương liễu. Cái cần bây giờ là những ngày phép. Nghỉ phép tức thì! Anh nhìn xung quanh. Địa thế tình hình nơi đây chắc khó mà mấy “cha nội” tới thị sát chiến trường. Bình quay đầu lại nhìn những xác người. Không do dự anh rút con dao găm tiến đến một xác gần nhất. Mấy cái tai của những xác này, bằng chứng hùng hồn cho cái gọi là chiến công. Sẽ có những ngày phép. Sau đó là tiền. Tiền thì không lo! Ông bà già có người bạn thân là chủ khách sạn nhưng không con. Mỗi lần thấy Bình ông đều lén dúi tiền vào tay. Ông ta xin Bình làm con nuôi nhưng ba má không cho. Bình không dám lấy nhiều chỉ cầm vài tờ cho ông không buồn. Nhưng lần này về Bình sẽ lấy hết! Cái gì lấy lại được tuổi trẻ thì dù phải làm điều xấu xa nhất cũng không từ. Nếu một mai có nằm xuống sẽ không cảm thấy tiếc nuối gì nữa! Nghĩ tới đây anh cảm thấy rạo rực bứt rứt. Những cảm xúc hỗn tạp đang khuấy động trong lòng. Những giây phút hoan lạc thoáng qua như những cơn lốc. Bình lờ mờ nhớ lại khuôn mặt của một phụ nữ… Căn phòng chung cư nhìn ra khoảng trời chật hẹp bị hạn chế bởi những mảnh áo quần vắt vẻo trên những sợi dây thép. Mùi mồ hôi, son phấn… Những vết son, móng tay đỏ bám trên tấm đa (drap) giường trắng toát. Nơi ấy những khoái cảm lạ lùng len vào da thịt, sức trẻ như được trải ra đắm chìm trong sự thoả mãn, hoà vào một cái gì đó tưởng chừng như hun hút rồi lại chơi vơi đến vô cùng…
Bình nhìn kỹ xác chết. Giật mình! Trời đất! Đây là con nít mà! Chừng 16 hay 17 là cùng. Vẻ mặt ngây thơ chân chất với cái miệng hé mở cho thấy mất một cái răng cửa. Bình nắm chặt con dao găm hồi hộp tim đập mạnh. Người chết có vẻ như đang ngủ và đang mơ một giấc mơ đẹp. Hình như hắn ta đang mỉm cười. Nắng rơi khẽ trên trán, lung linh vỡ trên tóc, làm cho khuôn mặt thêm sống động. Có lẽ hắn ta chết nhanh quá nên chưa kịp nhận ra sự đau đớn. Nét mặt còn thơ trẻ quá, chưa trải nghiệm cuộc đời nên chắc chưa biết đến sự khổ đau. Một xác chết hạnh phúc. Bình từ từ quỳ xuống gần xác chết giơ con dao lên… Nhưng không thể nào hạ xuống được. Bình nghĩ đến đứa em trai của mình ở nhà. Nếu xác chết là mình, nếu một mai mình cũng nằm phơi thây như thế này thì sao nhỉ?. Cái gì? Mãnh lực nào? Ắt phải có điều gì cao cả linh thiêng lắm mới đủ sức làm cho cả hai phía ta và địch hiến đâng cả tuổi trẻ thân xác mình không chút hối tiếc do dự như thế chứ? Nghĩ tới đây Bình bỗng cảm thấy xấu hổ vì những suy tính thiệt hơn thấp hèn thầm kín của mình giữa lúc đồng đội mình vừa hy sinh vừa nằm xuống. Thật chán chường! Bình quơ tay kéo đám lau phủ lên cái xác rồi đứng dậy. Lúc này nắng đã lên cao. Một cơn gió thoảng qua. Mùi hôi thối thốc vào mũi. Mùi xác chết đã bắt đầu trương phình. Mùi máu và thuốc súng. Cái bụng đói chưa ăn lộn tùng phèo. Ruột gan như cuộn lên. Bình loạng choạng như người say rượu. Chân tay rã rời. Khó nhọc mới nuốt nước bọt nhưng lại gục xuống nôn thóc nôn tháo. Nôn ra toàn thứ nước nhờn nhờn. Lúc này đồng đội chạy đi chạy lại gọi nhau tới tấp. Những chiếc trực thăng bắt đầu xuất hiện. Trực thăng màu trắng chữ thập đỏ đang từ từ hạ xuống, quần đi quần lại nhiều lần trước khi tìm chỗ đất bằng để đáp. Chong chóng quay tít, quạt tơi bời. Từng vạt lau trắng quằn quại dã dượi theo sức gió, để lộ những phần thân thể rời rạc của các xác chết. Vài cái đầu, hai ba cái chân, rồi tay, bụng, thấp thoáng ẩn hiện… Một lúc một nhiều… Bình vùng chạy, tìm đến đứng bên dồng đội, đưa tiễn những người đã mất lên máy bay. Bình nhắm mắt lại không dám nhìn khuôn mặt đội trưởng dần dần biến mất sau tấm poncho. Anh nghĩ đến nỗi đau của người quả phụ mà mình sẽ gặp…
Mất người chỉ huy, thiệt hại về người quá nặng nề, tinh thần mệt mỏi đoàn quân đã được đoàn khác tới thay thế, sau đó được đưa lên trực thăng quay về hậu cứ. Trực thăng bay qua những dòng kênh rạch nối liền nhau uốn lượn như những dải ru-băng (Ruban) màu trắng bạc, qua những rặng dừa nước. Ngồi trên trực thăng Bình thấy rõ hơn bao giờ hết cảnh nát tan của đất nước. Những cánh đồng mênh mông trơ trụi lổ chổ những hố bom trông giống như cảnh mặt trăng trong tạp chí khoa học và đời sống (science et vie). Những rừng khô cây cháy vì thuốc khai quang. Bình thấy lòng chùng xuống trong một nỗi buồn mênh mang. Thế giới anh đang sống khác xa thế giới có hình bóng Quyên. Thế giới yên bình thánh thiện ấy không phải dành cho mình, anh không xứng đáng với Quyên!. Bất giác anh đưa tay lên sờ túi áo thấy cái thơ nhưng vội rút tay lại.
Từ đó trở đi Bình là người nổi tiếng trong việc mặc cả thương lượng mua ngày phép của những ai muốn có thêm chút thu nhập gởi về cho vợ con. Có mặt trên tất cả các điểm nóng miền nam, rồi dọc duyên hải miền trung Bình cảm thấy mình dần dần trở thành một con người khác. Con người của chiến tranh. Những bộ mặt cô hồn các đảng nhất, những trận đánh không ngưng nghỉ, những khoảng không gian mịt mù khói lửa đầy bom rền đạn nổ, đối với anh đó là chuyện bình thường. Bình sẽ nhận ra sự bất thường nếu như nó đột nhiên xuất hiện trong cái thế giới điên cuồng này. Thật trớ trêu! Bình thường thấy bóng dáng tử thần trong đôi mắt ngây thơ của các em bé bán hàng rong, trên khuôn mặt xinh đẹp dịu dàng của những phụ nữ.
Có một đêm cũng như bao đêm khác nhưng nó đọng lại trong ký ức đến tận hôm nay. Một đêm thao thức trong nỗi nhớ nhà. Nhớ không gian êm đềm, những ngày mưa rả rích nằm cuộn mình trong chăn nghe nhạc. Những năm tháng ấy, cái thiên đường ấy giờ đã quá xa xôi chỉ còn là mơ ước. Ngủ không được, ngồi nhìn ngọn đèn dầu cháy leo lét trong căn hầm nóng nực đến nghẹt thở vì hơi người, lắng tai nghe tiếng súng nổ qua lại trong miền giao tranh. Tiếng đạn rít lên trong không khí. Bình nhắm mắt lại tưởng tượng vẽ lai trong đầu màn mưa đạn giao nhau kết thành như một màng lưới… Bỗng anh ngồi nhỏm dậy. Dõng tai nghe cho kỹ hơn. Dường như có điều gì bất thường. Trong màng lưới ấy rõ ràng có một lỗ hổng. Một khoảng không gian yên tĩnh, dù cho pháo có bắn đi cũng không có sự đáp trả. Tại sao vậy cà? Bình leo lên nắp hầm ló đầu ra ngoài. Chỉ cần vài phút anh đã xác định được vị trí toạ độ của cái khoảng trống quái gở đáng nghi ngờ này. Mừng quá! Thế nào cũng lập công. Sắp có những ngày nghỉ phép. Nhưng thôi, ngủ cái đã! Sáng hôm sau Bình bị đánh thức khi còn ngủ vì có điện khẩn gọi về Sàigòn gấp, sửa soạn đi Mỹ tập huấn. Lăng xăng rồi quên mất. Khi tập huấn về nghe đồng đội kể rằng có một khu vực bị khám phá và càn quét. Đó là một nhà thương dã chiến nhưng lại chứa vũ khí và thuốc men, hình như còn là nơi để rửa phim chiến trường. Khi nghe mô tả Bình biết địa điểm ấy đúng là cái toạ độ Bình đã khám phá đêm hôm ấy. Có lẽ vì nhà thương nên không bao giờ tiếng súng lại từ chỗ đó bắn ra. Một khoảng không gian yên tĩnh chết người.
Nghĩ tới sự yên lặng trong vùng mấy ngày qua Bình thở dài lo lắng nhìn điện thoại một cách sốt ruột.
Chú thích
[ 1] President Lyndon B. Johnson’s Special Message to the Congress: The American Promise.” Lyndon Baines Johnson Librairy and Museum.
[ 2 ] Rockpile: Căn cứ yểm trợ pháo binh, cách trại Carrol 10 dặm về phía tây Đông Hà.
[ 3 ] President Nixon’s speech on “ Vietnamization”, november 3,1969 ( public papers of the President of the united States: “Richard Nixon”, 1969,pp.901-909 )