Nguyên tác: The Final Diagnosis
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Chương 11
C
hiếc máy bay phản lực Viscount lướt êm trong gió và bắt đầu xuống thấp. Càng đã buông, cánh đã thả, máy bay hướng mũi dọc theo đường băng số một của phi trường Burlington. Đứng ở khu tiếp đón ngay bên dưới đài kiểm soát không vận, bác sĩ Kent O'Donnell nhìn chiếc phản lực đang đến và nghĩ vẩn vơ rằng giữa hàng không và y khoa có rất nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều là thành quả của khoa học, cùng làm thay đổi sinh hoạt thế giới và cùng đánh đổ những quan niệm cũ. Cả hai đều đang vươn tới những chân trời xa lạ và một tương lai thấp thoáng. Chưa hết, ngành hàng không ngày nay luôn luôn phải cật lực để theo kịp những khám phá của chính mình. Một chuyên gia thiết kế phi cơ mới đây đã nói với anh: Máy bay đang bay có nghĩa là đã lỗi thời rồi.
Y khoa cũng thế - O'Donnell suy nghĩ trong lúc đưa tay che ánh nắng chói mắt vào buổi trưa một ngày giữa tháng tám.
Bệnh viện, dưỡng đường, y sĩ, chẳng bao giờ có thể hợp thời một cách hoàn toàn. Những kỹ thuật mới cứ ở xa xa trước mắt (khoảng cách có khi phải tính bằng nhiều năm), thách đố mọi nỗ lực thử nghiệm và cải tiến. Bệnh nhân cứ phải chết mặc dù phương thuốc cứu chữa đã được tìm ra rồi, thậm chí đang được sử dụng một cách hạn chế - bởi lẽ thành quả mới mẻ nào cũng cần phải mất một thời gian mới được biết đến và được chấp nhận. Ngành khẩu thuật cũng thế.
Nhà phẫu thuật tìm ra được một kỹ thuật mới chống lại tử vong, nhưng không phải một sớm một chiều mà đồng nghiệp bốn phương kịp tiếp thu và phổ biến rộng rãi. Đôi khi quá trình này kéo dài rất lâu. Chẳng hạn ngành phẫu thuật tim hiện nay khá phổ biến và đủ sức để phục vụ hầu như tất cả mọi người cần đến nó, thế nhưng trong suốt một thời gian dài con số các nhà phẫu thuật làm được và dám làm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trước những phát kiến mới lại có những câu hói như: biện pháp này có hiệu quả không, cải tiến kia đã khôn ngoan chưa? Không phải thay đổi nào cũng là tiến bộ. Bao phen rồi trong y khoa đã có những phỏng đoán sai lầm, những lý thuyết trái ngược với thực tế. Những cá nhân nhiệt cuồng kéo nhiều người đi lạc lối theo bước chân hấp tấp của mình. Đôi khi rất khó giữ được mức dung hòa giữa thái độ cởi mở và thái độ dè dặt phải chăng.
Ở bệnh viện Three Counties phe bảo thủ và phe cởi mở đang ở thế cân bằng - mà phe nào cũng có những con người tốt - do đó vấn đề mà O'Donnell phải luôn luôn nghĩ đến là tìm hiểu một cách chính xác xem minh gắn bó với ai và ở vị trí nào.
Dòng suy nghĩ của anh bị cắt đứt vì chiếc phản lực Viscount đang lăn bánh vào. Tiếng động cơ đinh tai nhức óc át đi tiếng người chung quanh. O'Donnell chờ cho đến lúc động cơ tắt hẳn va hành khách bắt đầu bước xuống.
Trông thấy bác sĩ Coleman, anh bước xuống cầu thang và tiến ra hành lang để đón chào vị phó chủ nhiệm khoa Xét nghiệm. David Coleman ngạc nhiên khi trông thác bác sĩ trưởng - người cao lớn, nước da rám nắng, tách biệt khỏi đám đông - đứng chìa tay sẵn sàng.
- Rất sung sướng được gặp anh. Joe Pearson không thu xếp được nhưng chúng tôi thấy cần phải có người đến đây nói lời “chào mừng” - O'Donnell không muốn nói thêm rằng Joe Pearson đã thẳng thừng từ chối không đi, Harry Tomaselli không có mặt trong thành phố, bởi thế O'Donnell phải tranh thủ thời gian đánh xe đi.
Lúc hai ngươi bước qua hành lang nóng bức và đông người, O' Donnell thấy Coleman đảo mắt nhìn quanh. Anh đoán có lẽ con người trẻ tuổi này đang đánh giá chớp nhoáng khung cảnh ở đây. Có lẽ đó là một thói quen - thói quen tốt. Chắc chắn David Coleman rất năng kiểm tra tác phong của chính mình. Trải qua một cuộc hành trình dài ba tiếng đồng hồ, bộ vét gabardine của anh vẫn phản phiu, mái tóc cắt gọn được chải cẩn thận và mày râu nhẵn nhụi đàng hoàng. Anh không đội mũ nên trông có vẻ trẻ trung hơn cái tuổi ba mươi mốt. Tuy không vạm vỡ như O'Donnell, dáng người anh cũng rất tráng kiện và săn chắc.
Anh có một khuôn mặt dài và rắn rỏi. Chiếc cặp táp trên tay càng khiến anh có dáng dấp một nhà khoa học trẻ. O’Donnell đưa Coleman đi về phía quầy giao hành lý. Nhân viên phi trường đang chuyển giao hành lý từ một chiếc xe moóc Hai người cùng nhập bọn với đám đông hành khách đang chen lấn xô đẩy nhau.
O'Donnell nói:
- Mỗi lần đi máy bay tôi chúa ghét cái cảnh này.
Coleman gật đầu và cười nhẹ như muốn nói: “Chúng ta đang phí phạm tài năng để nói những chuyện lặt vặt”.
Anh chàng này phớt tỉnh ăng-lê thật, O'Donnell nghĩ thầm. Ngay từ buổi gặp gỡ trước, anh đã chú ý đến đôi mắt màu thép xanh của Colelman và tự hỏi liệu phải dùng cách nào để biết được những ý nghĩ nằm ở phía sau.
Coleman đứng lặng yên giữa đám đông và đưa mắt nhìn chung quanh. Cơ hồ như vừa có lệnh truyền ra, một anh công nhân khuân vác bỏ những người khác chạy đến với anh.
Mười phút sau, O'Donnell đưa chiếc xe hơi Buick của anh len lỏi qua dòng lưu thông trên sân bay.
- Chúng tôi đã giữ phòng cho anh tại khách sạn Roosevelt. Chỗ này yên tĩnh và đầy đủ tiện nghi. Chắc là ông quản trị đã viết thư cho anh biết tin về tình hình mấy căn hộ.
- Có, Coleman đáp - chả là tôi muốn xong chuyện đó cho sớm.
- Không khó khăn gì đâu. Có lẽ anh cần một hai hôm để ổn định căn hộ trước khi đến trình diện ở bệnh viện.
- Không cảm ơn anh. Tôi định bắt tay vào việc ngay sáng ngày mai.
Coleman nói năm lịch sự nhưng dứt khoát. O'Donnell nghĩ thầm: “Đây là người biết quyết định và bày tỏ ý kiến một cách rõ ràng. Xem ra khó mà can ngăn anh ta được. O'Donnell tự hỏi không biết rồi đây Joe Pearson và David Coleman sẽ hòa hợp được với nhau tới mức độ nào. Thoáng nhìn thì có vẻ như giữa hai ngươi ắt sẽ có đụng chạm. Nhưng đoán chắc làm sao được. Trong bệnh viện đôi khi những người tương kỵ với nhau nhất lại trở thành bạn bè thân thiết suốt đời.
Ngồi trong chiếc xe đang lướt qua những lối vào thành phố, David nhìn ngắm cảnh vật và thấy lòng hồi hộp trước công việc sắp đến. Lạ thật, từ trước tới nay anh vẫn luôn đón nhận mọi biến cố trong cuộc sống bằng một thái độ rất bình thản. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên anh vào làm việc chính thức trong một bệnh viện. “Bạn ơi, tâm trạng xao xuyến thường tình của người phàm có gì là đáng hổ thẹn đâu?”- anh tự nhủ và rồi thầm cười nhạo những ý nghĩ tự phê kín đáo trong lòng. Những thói quen suy nghĩ cũ - anh nghĩ thầm - thật khó mà gột rửa được.
Anh ngẫm nghĩ về O'Donnell đang ngồi bên cạnh.
Người ta nói với anh toàn những lời tốt đẹp về bác sĩ trưởng của bệnh viện Three Counties. Với sức học và tài năng như thế, cớ sao O'Donnell chọn cái chỗ như là Burlington? Phải chăng cũng vì nhiều động cơ chằng chịt hay còn một lý do nào khác nữa? Cũng có thể vì anh ta yêu thích nơi này, thì thôi. Trên đời này có những người mang trong mình những sở thích rất ư là giản đơn, dễ hiểu.
O'Donnell nhấn ga qua mặt một chiếc xe tải rồi nói:
- Tôi có đôi điều muôn thưa với anh.
Coleman lịch sự đáp lời:
- Xin anh cứ nói.
- Mấy năm nay chúng tôi đã thực hiện một số những thay đổi ở bệnh viện Three Counties - O'Donnell nói chậm rãi, cân nhắc từng lời - Harry Tomaseli cho tôi biết anh có nghe nói tới công cuộc cải tổ và những kế hoạch của chúng tôi. Coleman mỉm cười:
- Phải, tôi có nghe.
O'Donnell nhấn còi. Chiếc xe hơi ở đàng trước dạt vào tránh đường. Anh nói tiếp:
- Sự có mặt của anh ở bệnh viện cũng là một thay đổi lớn lao. Tôi thiết nghĩ rồi đây cũng sẽ có những thay đổi do chính anh thực hiện.
Coleman nghĩ đến tình hình khoa Xét nghiệm như anh được chứng kiến trong dịp tham quan ngắn ngủi hôm nào.
- Phải - Anh đáp - Chắc chắn là sẽ có.
O'Donnell im lặng rồi bằng giọng chậm rãi hơn nữa, anh nói:
- Chúng tôi đã cố gắng cải tổ một cách ôn hòa khi nào có thể được. Nhưng cũng có lúc không làm như vậy được. Tôi không chủ trương hy sinh nguyên tắc để duy trì hòa bình - Anh quay sang nhìn Coleman - Chúng ta cần nói thẳng với nhau như thế.
Coleman gật đầu không đáp. O'Donnell nói tiếp:
- Dù sao nếu có thể được, xin anh hết sức thận trong cho - anh mỉm cười - biện pháp thuyết phục là chủ yếu, còn súng lớn hãy để dành cho những chuyện hệ trong.
Coleman lấp lửng:
- Tôi hiểu - Anh chưa nắm vững hết ý tứ của O'Donnell, cần phải hiểu rõ con người O'Donnell hơn nữa. Ấn tượng của mình về O'Donnell là sai lầm ư? Xét cho cùng, phải chăng bác sĩ trưởng chỉ là người e dè, nhút nhát? Anh ta chắc đang nhắc nhở ta đừng có mà khuấy động bệnh viện đấy ư? Nếu thế, ắt họ sẽ sớm nhận ra là đã chọn lầm người.
David Coleman định bụng sẽ không ký hợp đồng thuê nhà dài hạn ở khu Burlington.
O'Donnell đang băn khoăn tự hỏi những lời mình vừa nói ra có được khôn ngoan nay không. Chiêu mộ được Coleman là cả một sư may mắn. O'Donnell không muốn làm cho anh ta ngay lúc đầu phải chùn bước. Nhưng bắt buộc phải tính đến vấn đề của Joe Pearson và ảnh hưởng của ông ta đối với Eustace Swayne. O'Donncll muốn trung thành và Orden Brown vì lâu nay ông chủ tịch đã trợ giúp anh rất nhiều. Anh biết Orden Brown muốn có hai trăm năm chục ngàn đô la của Eustace Swayne để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của bệnh viện. Thế có nghĩa là cần phải xoa dịu Pearson một chút. Anh định sẽ xử sự như vậy với một mức độ hợp lý.
Nhưng đâu là chỗ kết thúc câu chuyện “chính trị” của bệnh viện và đâu là chỗ khởi đầu trách nhiệm của người thầy thuốc? Câu hỏi này không ngớt dằn vặt O'Donnell.
Một ngày nào đó có lẽ anh buộc phải xác định rõ ranh giới.
Lúc này đây phải chăng anh đang đứng ở khu vực “chính trị” Đúng vậyy - O'Donnell thầm xác nhận. Nếu không thì anh đã chẳng nói với Coleman những lời như thế. Quyền lực làm hư hỏng con người - anh nghĩ thầm. Không thể nào trốn thoát được móng vuốt của quyền lực, dẫu ta có là gì đi nữa. Anh định triển khai thêm đề tài này với Coleman để tạo niềm tin cho anh ta. Nhưng rồi anh quyết định không nói nữa. Dù sao Coleman cũng là người mới đến và O'Donnell biết anh chưa đoán được những gì ẩn dấu sau đôi mắt màu thép xám lạnh lùng kia.
Xe đang lăn bánh vào trung tâm thành phố Burlington.
Phố xá oi ả và bụi bặm. Lề đường loang loáng ánh nắng và mặt đường nhựa chảy mềm dưới sức nóng ghê người. O'Donnell đưa chiếc xe Buick vào sân trước khách sạn Roosevelt. Một người phu khuân vác mở cửa xe và lấy hành lý của Coleman ra khỏi băng ghế sau.
O'Donnell hỏi:
- Anh có muốn tôi cùng vào không? Để xem ổn cả chưa.
Đứng ngoài xe, Coleman đáp:
- Không cần đâu - Vẫn giọng nói ôn tồn nhưng dứt khoát.
O'Donnell nghiêng mình qua băng ghế:
- Vậy là xong nhé. Sáng mai chúng tôi chờ anh đấy. Chúc may mắn.
- Cám ơn.
Ngươi phu khuân vác đóng sầm cửa xe. O'Donnell cho xe lăn bánh vào giòng lưu thông của thành phố. Anh liếc nhìn đồng hồ tay. Hai giờ trưa. Anh quyết định ghé qua phòng khám của mình trước khi trở lại bệnh viện.
o O o
Ngồi trên băng ghế dài bọc da trước cửa phòng xét nghiệm ngoại trú của bệnh viện Three Counties, Elizabeth Alexander tự hỏi vì sao các bức tường trên hành lang lại được quét hai màu nâu đậm nhạt thay vì một màu nào khác nhẹ và sáng hơn. Khu này vốn đã tối; màu vàng nhạt thậm chí màu xanh lá non sẽ làm cho nó tươi vui lên rất nhiều.
Ellzabeth vốn yêu thích màu sáng. Cô còn nhớ rõ hai tấm màn đầu tiên do chính tay cô làm cho căn phòng riêng thời thơ ấu - vải xanh lơ sáng có dệt nhau hoa văn hình trăng sao. Hai tấm màn được may rất vụng về nhưng hồi ấy đã là tuyệt vời lắm rồi. Để treo màn lên, cô đã xuống cầu thang vào cửa hàng của bố. Chiều chuộng con gái, ông đã tìm cho cô đủ thứ cần thiết: một thanh gỗ cưa vừa đúng cỡ, khoen sắt, đinh vít, tuốc-nơ-vít. Cô còn nhớ ông lúi húi tìm tòi giữa đống hàng kim khí lúc nào cũng chất cao và bừa bộn đến nỗi khách hàng hỏi mua bất cứ thứ gì ông cũng phải cất công lục lọi.
Dạo ấy gia đình cô ở thành phố New Richmond thuộc tiểu bang Indiana - hai năm trước khi cha cô qua đời vì tai nạn. Cũng có thể là ba năm? Cô không nhớ rõ lắm; thời gian vùn vụt qua mau quá. Sáu tháng trước ngày bố mất, cô gặp John. Cuộc tình của họ cũng ít nhiều có liên quan đến màu sắc. Anh đang học bậc trung học, về nghỉ hè, đến cửa hàng để mua sơn đỏ. Lúc ấy Elizabeth đang phụ việc với bố. Cô trò chuyện với anh và cuối cùng thuyết phục được anh mua màu xanh lá cây. Có phải là như thế không nhỉ?
Quá khứ mờ mịt như phủ một màn sương.
Chỉ chắc một điều là cô đã yêu John ngay từ phút đầu gặp gỡ. Có lẽ chỉ vì muốn giữ chân anh trong cửa hàng mà cô gợi ra chuyện thay đổi màu sơn. Từ đó đến nay dường như hai người không có một chút nghi ngờ gì về tình cảm dành cho nhau. Họ cặp đôi với nhau trong thời gian chuyển tiếp từ bậc trung học lên bậc cao đẳng và rồi kết hôn sau sáu năm gặp gỡ. Kể cũng lạ, hai người không có tiền của gì, John thì học cao đẳng nhờ học bổng, vậy mà không một ai khuyên họ chờ đợi. Mọi người quen biết đều tán thành cuộc hôn nhân ấy như một điều tự nhiên và tất yếu.
Đối với một số người, năm đầu tiên chung sống xem ra rất khó khăn. Nhưng đối với John và Elizabeth đó lại là khoảng thời gian hạnh phúc tuyệt vời. Năm trước Elizabeth đã theo học lớp nghiệp vu văn phòng ban đêm. Cô xin được một chân thư ký ở Indianapoli nơi John đang học bậc cao đẳng, và tiền lương đủ nuôi sống cả hai vợ chồng.
Cùng năm đó họ bàn tính kỹ càng tương lai của John. Vấn đề là anh sẽ vào đại học y khoa để tiếp tục vươn lên cao hay vào trường công nghệ y học ngắn hạn hơn. Elizabeth nghiêng về phía đại học y khoa. Cô sẵng sàng chịu cảnh làm lụng vất vả trong suốt những năm John đeo đuổi việc học và chưa kiếm ra tiền. John cũng rất muốn vào đại học, kết quả học tập của anh ở trường cao đẳng rất tốt đẹp, nhưng anh sốt ruột muốn đóng góp phần mình vào cuộc sống hôn nhân. Thế rồi Elizabeth có thai, yếu tố quyết định của John là đây. Mặc vợ phản đối, anh ghi tên vào trường công nghệ y học và hai người đưa nhau đến Chicago. Tại đây Elizabeth sinh con đầu lòng đặt tên là Pamela. Bốn tuần sau cháu bé chết vì bệnh viêm phế quản. Thế giới như sụp đổ trước mặt Elizabeth. Dẫu là người cương nghị và sáng suốt, cô vẫn rơi vào tâm trạng thất vọng não nề. John làm hết sức mình để an ủi cô, chưa bao giờ anh tỏ ra trìu mến và quan tâm lo lắng cho cô đến thế, nhưng cũng chỉ luống công vô ích mà thôi.
Cô về với mẹ ở New Richmond, nhưng một tuần sau quay về Chicago vì nhớ John. Từ đây, lòng cô lắng dìu từng bước lần hồi nhưng chắc chắn. Sáu tuần trước khi John tốt nghiệp, cô lại thấy mình có thai - đây là điều cầnthiết cuối cùng giúp cô trở lại được với cuộc sống bình thường như trước kia. Cô cảm thấy dồi dào sinh lực, sự vui tươi ngày nào đã trở lại hòa nhập với tâm trạng hồi hộp chờ mong đứa con sắp chào đời.
Tại Burlington, họ tìm được một căn hộ nho nhỏ xinh xinh, giá tiền thuê tương đối rẻ. Số tiền chắt bóp dành dụm được đủ để mua sắm vật dụng và tiền lương của John đủ để trang trải chuyện áo cơm hàng tháng. Lúc này, tất cả đều tốt đẹp, Elizabeth nghĩ thầm: ngoại trừ cái màu nâu gớm ghiếc trên những bức tường của hành lang bệnh viện.
Cửa phòng xét nghiệm ngoại trú mở ra. Người đàn bà vào trước Elizabeth ban nãy bước ra, theo sau là một nữ kỹ thuật viên mặc bơ lu trắng. Cô ta xem tập giấy trên tay.
- Mrs Alexander?
- Dạ phải - Elizabeth đứng lên.
- Mời chị vào.
Elizabeth theo cô gái bước qua khung cửa.
- Mrs Alexander, mời chờ ngồi xuống đây. Chỉ mấy phút là xong.
- Cám ơn.
Tại bàn làm việc, cô kỹ thuật viên đọc lời yêu cầu của bác sĩ Dornberger: “xác định Rhvà tìm cảm ứng”.
- Nào. Chị nắm tay lại và đặt lên đây.
Cô cầm lấy cổ tay của Elizabeth, bôi cồn, rồi khéo léo cột dây garô. Từ một chiếc khay, cô lựa ra một ống chích, xé vỏ bọc một cây kim vô trùng và gắn nó vào ống. Rất nhanh, cô chọn một mạch máu trên cánh tay Elizabeth, đâm kim dứt khoát, rồi kéo pít - tông. Lấy đủ 7cc máu, cô rút kim và đặt một miếng bông lên vết chích. Mọi động tác xảy ra chưa đầy 15 giây đồng hồ.
- Chắc là chị đã từng làm công việc này - Elizabeth nói.
- Cô gái mỉm cười - Độ vài trăm lần rồi.
Elizabeth chăm chú nhìn cô kỹ thuật viên dán nhãn một cái ống rồi trút mẫu máu vào đấy. Xong xuôi, cô ta đặt ống nghiệm lên giá và thông báo:
- Thế là xong, Mrs. Alexander.
Elizabeth chỉ tay vào ống nghiệm:
- Cái này rồi thế nào?
- Chúng tôi sẽ chuyển sang phòng xét nghiệm. Một người trong nhóm kỹ thuật viên tại đó sẽ thử cho chị. Elizabeth thầm tự hỏi liệu người ấy có thể là John hay chăng.
o O o
Mike Seddons ngồi một mình trong phòng giải trí của khu nhà dành cho các bác sĩ tập sự. Chỉ tháng trước đây thôi nếu có ai bảo rằng anh có thể quan tâm đến một nàng con gái tới mức thiết tha chưa từng có như thế này, hẳn là anh đã cho kẻ ấy là điên rồ. Bốn mươi tám giờ qua, kể từ lúc được đọc bảng theo dõi bệnh trạng tại trạm điều dưỡng gần phòng bệnh của Vivian, anh thấy lòng mình mỗi lúc một thêm lo lắng và buồn rầu. Đêm qua hầu như anh không chợp mắt được chút nào. Những giờ khắc đăng đẳng trôi qua, anh cứ nằm trằn trọc nghĩ ngợi về ý nghĩa trọn vẹn của dòng chữ trên bảng theo dõi do chính tay bác sĩ Lucy Grainger viết: “Vivian. Loburton, nghi ngờ sáccôm tạo xương ([21]), chuẩn bị làm sinh thiết”.
Lần đầu tiên anh gặp gỡ Vivian trong phòng mổ xét nghiệm tử thi, nàng chỉ là một cô y sinh xinh đẹp. Ngay cả lần gặp gỡ thứ hai - trước biến cố trong công viên - anh vẫn nghĩ đến nàng chủ yếu như một bài ca du dương, say đắm. Mike Seddons không hề tự lừa phỉnh mình về lời nói cũng như ý định về lâu về dài.
Ngay lúc này đây cũng thế.
Lần đầu tiên trong đời anh thấy lòng mình yêu thương tha thiết chân thành, đồng thời bị dằn vặt vì nỗi sợ hãi khủng khiếp và đầy ám ảnh.
Đêm hôm ấy anh nói với Vivian rằng sẽ cưới nàng làm vợ nhưng anh không có thời giờ đã nghĩ đến tất cả những hệ lụy của lời nói ấy. Cho đến lúc đó, Mike Seddons vẫn luôn tự nhủ không thể tính đến chuyện hôn nhân trước khi chưa ổn định nghề nghiệp, vật chất chưa đảm bảo và tuổi rong chơi tận hưởng hương đời chưa qua. Nhưng một khi đã nói đi Vivian những lời ấy, anh biết đó là những tới chân thành. Anh đã thầm nhắc lại câu nói cả trăm lần mà không thấy ân hận một chút nào.
Thế rồi tình huống này xảy đến.
Vivan vẫn nghĩ rằng chỗ đau ở đầu gối chỉ là một vết thương xoàng, có khó chịu đấy nhưng chữa trị cách này hay cách khác là khỏi. Trái lại, Mike hiểu rõ những gì trong câu viết: “Nghi ngờ sác côm tạo xương”. Anh biết nếu lời chẩn đoán này được khẳng đinh thì có nghĩa là khối u của Vivian thuộc loại cực kỳ hiểm ác có khả năng lan rộng - và không chừng đã lan rộng rồi – tới một nơi nào đó trong cơ thể. Nếu không giải phẫu ngay, hầu như bệnh nhân không thể sống qua khỏi một năm. Và giải phẫu có nghĩa là cắt cụt chân một cách gấp rút ngay sau khi lời chẩn đoán được khẳng định, với hy vọng loại bỏ được những tế bào ung thư trước khi chúng vượt ra khỏi điểm gốc. Con số thống kê cho biết ngay cả sau phẫu thuật, chỉ có 20% bệnh nhân ung thư xương được thoát khỏi các hậu chứng. Những người khác suy sụp rất nhanh, có người chỉ sống thêm được vài tháng.
Nhưng có chắc chắn Viian bị “sáccôm tủy xương”? Khối u có thể thuộc loại lành tính, vô hại. Xác xuất u ác - u lành là năm mươi - năm mươi, chẳng khác nào gieo một đồng tiền sấp ngửa. Mike Seddons toát mồ hôi khi nghĩ đến cái mép bờ chênh vênh mà anh và Vivian phải đi qua trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm sinh thiết xương. Anh đã toan tìm đến bác sĩ Lucy Grainger để hỏi cho ra tiết ngọn ngành.
Nhưng rồi anh quyết định không nên làm như vậy. Đứng ở ngoài, anh có thể tìm hiểu thêm nhiều dữ kiện. Nếu anh tỏ ra quan tâm, một số nguồn thông tin có thể bị cắt đứt. Để tránh gây cho anh sự đau lòng, các bác sĩ sẽ rất dè dặt lời nói. Anh không muốn thế. Bằng cách này hay cách khác, anh phải tìm hiểu cho bằng được.
Nói chuyện với Vivian mà không để lộ tâm tư chẳng phải là điều dễ dàng. Tối hôm trước, ngồi với nàng trong phòng bệnh (người bệnh chung phòng đã xuất viện), anh đã bị nàng chất vấn về dáng vẻ ủ dột, thiểu não của anh.
Vui vẻ nhấm nháp những trái nho anh mang đến làm quà, nàng nói:
- Em biết rồi. Anh sợ bị chôn chân một chỗ chứ gì. Chẳng còn nhảy từ giường này sang giường khác được nữa.
- Anh có bao giờ nhảy từ giường này sang giường khác đâu -Anh cố nương theo sự giận dỗi của nàng - Chuyện không phải dễ, phải vất vả lắm đó nghe.
- Với em, anh có phải vất vả gì đâu...
- Em thì khác. Sự việc xảy ra rất tự nhiên.
- Vâng, em biết - lại đổi sang giọng vui vẻ, nàng nói tiếp:
- Dù sao, thưa bác sĩ Michael Seddons, nghĩ đến lúc ngài bỏ đi mà rầu. Em không muốn để ngài tháo cũi số lồng nữa đâu.
Nghe vậy, anh ôm riết lấy nàng mà hôn. Xúc động hơn bao giờ hết, nàng rúc mặt vào tai anh. Tóc nàng xõa trên má anh, mềm mại và ngát thơm. Nàng nói dịu đàng:
- Còn điều này nữa, thưa bác sĩ: lánh xa các cô y sinh đi nhé. Họ lả lơi lắm đấy.
- Thật thế ư? - Một lần nữa giọng anh vang lên sự rạng rỡ mà chính anh không hề cảm thấy –Tại sao trước đây chẳng có ai nói với anh điều ấy?
Nàng mặc áo khoác mỏng, màu xanh không cài khuy.
Bên dưới là lớp áo ngủ nylon cũng màu xanh trong suốt. Bỗng nhiên anh sững sờ nhận ra nàng trẻ trung và xinh đẹp biết bao. Vivian nhìn ra cửa. Cửa đóng. Nàng nói:
- Tối nay họ bận ở trạm điều dưỡng. Em biết vì họ đã thông báo. Ít ra một giờ nữa mới có người trở lại.
Anh sửng sốt một khoảnh khắc rồi phá lên cười. Lại thêm một lần anh cảm thấy mến thương tính đơn sơ thành thật của nàng.
- Em bảo ở đây? Ngay lúc này ư?- Anh hỏi.
- Chứ sao.
- Có người bắt gặp là anh bị tống cổ ra khỏi bệnh viện ngay.
Nàng thỏ thẻ:
- Đêm hôm nọ anh có lo lắng chuyện ấy đâu?
Những ngón tay của nàng mơn man trên mặt anh. Bất giác anh cúi xuống hôn lên cổ nàng. Khi bờ môi anh lần xuống thấp hơn, anh nghe thấy hơi thở nàng gấp gáp và cảm thấy bàn tay nàng bám chặt lên vai anh.
Trong khoảnh khắc anh bị cám dỗ, nhưng rồi sự sáng suốt vẫn lướt thắng. Anh vòng tay ôm lấy nàng và thì thầm âu yếm:
- Vivian, nay mai khi em khỏe rồi, chúng ta lại bên nhau. Lúc ấy sẽ có thời giờ thong thả hơn.
Ấy là chuyện hôm qua. Trưa nay trên phòng mổ, bác sĩ Lucy Grainger sẽ làm sinh thiết. Bây giờ là hai giờ ba mươi phút. Theo lịch phòng mổ, đây là lúc khởi sự. Nếu khoa xét nghiệm làm việc nhanh, câu trả lời sẽ có vào sáng ngày mai. Với tâm tình thiết tha vừa kỳ lạ vừa chân thật anh nguyện cầu: Lạy Trời, lạy Trời, xin rủ thương cho đó là u lành.
o O o
Chuyên viên gây tê gật đầu:
- Lucy, chúng tôi đã sẵn sàng.
Bác sĩ Lucy Grainger bước đến đầu bàn mổ. Cô đã mặc áo và xỏ găng tay. Mỉm cười với Vivian, cô vỗ về:
- Chỉ nhoáng một cái là xong, em sẽ không cảm thấy một chút gì.
Vivian cố gắng đáp trả lại một nụ cười tin tưởng, nhưng biết rằng nụ cười ấy quá gượng gạo. Có lẽ bởi vì nàng hơi choáng váng. Nàng biết mình đã được tiêm thuốc giảm đau và thuốc gây tê tủy sống để làm mất cảm giác phần dưới cơ thể. Lucy gật đầu với người sinh viên thực tập. Anh ta nhấc chân trái của Vivian lên và Lucy bắt đầu gỡ bỏ những tấm khăn quấn chung quanh chân. Sáng nay, trước khi Vivian được đưa lên tầng lầu phòng mổ, cái chân đã được cạo lông lau rửa kỹ và bôi thuốc khử trùng. Lúc này Lucy khử trùng một lần nữa và quấn vải vô trùng trên và dưới đầu gối.
Ở cạnh bàn bên kia y tá dụng cụ cầm sẵn một tấm vải lớn màu xanh lá cây. Lucy đón lấy một đầu tấm vải và hai người cùng trải nó lên bàn sao cho cái lỗ khoét sẵn trên đó nằm đúng vào vị trí đầu gối. Người phụ trách gây tê kéo đầu mép vải gắn lên một thanh kim loại ở trên mặt Vivian để che tầm mắt của nàng. Lúc nhìn xuống nàng, anh ta nói:
- Miss Loburton, cứ thư thái nhé. Chẳng qua chỉ như nhổ răng vậy thôi, còn nhẹ nhàng hơn là đàng khác.
- Dao mổ! - Lucy đưa tay ra, cô y tá đặt ngay một con dao vào đó. Dùng phần bụng của lưỡi dao, Lucy rạch một đường nhanh và mạnh dài khoảng bốn phân bên dưới đầu gối. Lập tức máu ứa ra.
- Cho kẹp.
Cô y tá theo lệnh răm rắp. Lucy kẹp chặt hai bên đường rạch - Nhờ anh thắt lại cho - Lucy lùi lại nhường chỗ cho người sinh viên thực tập xiết dây chung quanh cả hai chiếc kẹp.
- Chúng ta sẽ rạch qua màng xương- Anh sinh viên gật đầu khi Lucy ấn lưỡi dao đã dùng ban nãy xuống phần mô xương xơ dầy.
- Chuẩn bị lưỡi cưa.
Y tá dụng cụ trao cho Lucy một cái cưa rung Stryker. Phía sau, y tá lưu chuyển giữ dây dẫn điện cho khỏi vướng vào bàn mổ.
Lucy lại giảng giải cho anh sinh viên:
- Chúng ta sẽ lấy một mẩu xương hình nêm. Một nửa hoặc hai phần ba inch là đủ.
Cô nhìn về phía những tấm phim X- quang đặt trên màn phát quang ở cuối phòng.
- Tất nhiên phải bảo đảm vào đúng khối u chứ đừng lấy lầm mảnh xương bình thường đã được đẩy ra ngoài.
Lucy bật máy cưa và đưa vào vị trí cắt hai lần. Tiếng kêu rồn rột vang lên mỗi lần lưỡi cưa ăn vào xương. Cô tắt máy và trả cưa cho cô y tá.
- Đó, thế là đủ rồi. Cho tôi mấy cái đĩa.
Cô thận trọng tách mảnh xương bỏ vào một chiếc bình chứa dung dịch Zenker mà cô y tá thứ hai đang cầm sẵn. Mẫu vật sẽ được ghi tên, đính kèm lời yêu cầu của bác sĩ giải phẫu rồi chuyển xuống khoa xét nghiệm.
Người phụ trách gây tê hỏi Vivian:
- Khỏe chứ? Nàng gật đầu. Anh ta nói:
- Chút xíu nữa là xong. Mẫu xương đã được lấy ra rồi. Chỉ còn khâu đóng đầu gối nữa thôi.
Tại bàn mổ, Lucy đã bắt đầu khâu màng xương bằng chỉ liền. Cô nghĩ thầm: nếu chỉ có thế này thôi, sự việc đơn giản biết là chừng nào. Thế nhưng cuộc tiểu phẫu vừa qua chỉ có tính cách thăm dò. Bước đi kế tiếp hoàn toàn tùy thuộc vào lời chẩn đoán của bác sĩ Joe Pearson về mẫu xương mà cô sắp gởi đến cho ông.
Nghĩ đến Joe Pearson, cô nhớ lại điều mới được Kent O’Donnell cho biết: hôm nay là ngày vị bác sĩ bệnh học mới của bệnh viện đặt chân đến thành phố Burlington. Cô hy vọng mọi sự sẽ diễn ra tốt đẹp với ông bạn đồng nghiệp mới mẻ này vì lợi ích của O’Donnell và vì những lý do khác nữa.
Lucy rất trân trọng những cố gắng của bác sĩ trưởng nhằm đem đến những cải tiến trong bệnh viện mà không gây nên những xáo động ầm ĩ, mặc dù nhờ quan sát cô biết rằng O’Donnell không bao giờ tránh né một vấn đề gì khi xét thấy việc đương đầu là cần thiết. Ồ, mình lại nghĩ đến Kent O’Donnell nữa rồi. Lạ quá, dạo gần đây cô thường nghĩ đến anh rất nhiều. Có lẽ vì công việc chung đưa đẩy hai người gần lại với nhau luôn, hầu như chẳng có ngày nào họ không gặp nhau giữa những lúc tất bật công việc phẫu thuật. Lúc này Lucy thầm tự hỏi không biết chừng nào anh ấy lại mời mình đi ăn tối nữa. Hay là mình nên mở một bữa tiệc nhỏ tại căn hộ riêng? Từ lâu cô đã có ý mời một vài người: Có thể Kent O’Donnell cũng ở trong số đó.
Lucy nhường chỗ cho anh sinh viên khâu lớp mô dưới da.
- Khâu đứt quãng là đủ rồi - Nói xong, cô chăm chú quan sát. Anh sinh viên khâu chậm nhưng rất cẩn thận. Cô biết một số bác sĩ ở bệnh viện Three Counties nhường rất ít công việc cho những người tập sự. Cô còn nhớ bao nhiêu lần chính cô đã từng làm người tập sự đứng bến bàn mổ ngong ngóng chờ được thực hành, ít ra là việc thắt nút chỉ khâu. Đó là thời gian ở Montreal cách đây mười ba năm khi mà cô bắt đầu vào thực tập nội trú trong bệnh viên đa khoa Montreal, và sau đó tiếp tục ở lại để đi vào chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình. Có nhiều chuyên khoa để chọn lựa. Thường thường quyết định chọn lựa tùy thuộc vào những ca bệnh mà người sinh viên nội trú được tham gia trong thời gian thực tập. Riêng cô, khi học trường dự bị y khoa ở Mc Gill cũng như khi miệt mài đèn sách tại đại học y khoa Toronto, sở thích của cô đối với các chuyên khoa cứ thay đổi luôn. Ngay cả khi đã trở về Montreal, cô vẫn còn lưỡng lự trước chuyên khoa và đa khoa. Thế rồi số phận run rủi cô đến làm việc dưới sự chỉ bảo của một bác sĩ phẫu thuật mà dân bệnh viện thường gọi là “Old Bones” ([22]) vì ông rất gắn bó với ngành phẫu thuật chỉnh hình.
Khi Lucy biết đến Old Bones thì ông đã ngoài sáu mươi. Về tư cách và cử chỉ, ông là một trong những người đáng ghét nhất mà cô đã từng gặp. Bệnh viện nào cũng có những người khó tính; nhưng thói xấu tệ hại nhất của họ tổng hợp lại nơi con người Old Bones. Ông luôn miệng mắng mỏ tất cả mọi người trong bệnh viện: sinh viên nội trú, bác sĩ tập sự, đồng nghiệp, bệnh nhân - chẳng thiên vị một ai. Trong phòng mổ, mỗi khi bực mình, ông lớn tiếng mắng nhiếc các cộng sự viên bằng những lời lẽ mượn ở quán rượu và giếng nước. Nhận được dụng cụ không ưng ý, cứ sự thường ông ném trả vào người kẻ “xúc phạm”. Gặp hôm dễ tính hơn, ông chỉ quăng mạnh vào tường. Thế nhưng về tay nghề, ông là nhà phẫu thuật bậc thầy.
Công việc chủ yếu của ông là sửa chữa khuyết tật xương trẻ em. Những thành công ngoạn mục đã nâng ông lên hàng tên tuổi quốc tế. Ông không bao giờ uốn nắn cách xử sự, với trẻ em ông cũng vẫn thô lỗ như với người lớn. Nhưng vì lý do nào đó mà các cháu bé ít khi sợ ông. Lucy thường tự hỏi phải chăng bản năng tuổi nhỏ là phong vũ biểu nhạy bén hơn óc phán đoán trưởng thành.
Chính ảnh hưởng của Old Bones thực sự quyết định tương lai của Lucy. Lần đầu tiên được chứng kiến thành quả của phẫu thuật chỉnh hình, cô ước ao được góp phần mình vào đó. Cô là nội trú sinh ba năm tại bệnh viện đa khoa Montreal, mỗi khi có dịp là đến giúp việc cho Old Bones. Cô sao chép tất cả mọi thứ của ông, ngoại trừ cách xử thế. Đối với Lucy ông cũng chẳng khoan nhượng gì mặc dù vào cuối năm thứ ba cô lấy làm hãnh diện vì ít bị ông la mắng hơn những người khác rất nhiều.
Khi ra nghề, Lucy gặt hái được những thành công của riêng cô. Hiện nay cô là một trong những người bận rộn nhất của bệnh viện Three Counties vì các bác sĩ của thành phố Burlington thích giới thiệu bệnh nhân đến với cô. Cô chỉ trở lại Montreal một lần duy nhất cách đây hai năm để dự đám tang bác sĩ Old Bones. Người ta bảo rằng đó là một trong những đám tang lớn nhất thành phố từ trước tới nay dành cho một người thầy thuốc. Hầu như tất cả những người từng bị ông cụ mắng mỏ đều có mặt trong nhà thờ.
Tâm trí cô quay trở lại với thực tại. Ca mổ sinh thiết sắp hoàn tất. Thấy Lucy gật đầu, anh sinh viên tiếp tục khâu nốt phần da cũng bằng trường chỉ đứt quãng. Đến mối chỉ cuối cùng, Lucy ngước nhìn đồng hồ treo tường. Ca mổ mất nửa tiếng đồng hồ. Bây giờ là ba giờ chiều.
o O o
Lúc 5 giờ kém bảy phút, chú bé giúp việc mười sáu tuổi chạy vào phòng huyết thanh, mông lúc lắc, miệng huýt sáo vang. Chú thường đi vào kiểu ấy để chọc tức ông Bannister người mà chú luôn luôn giữ thế đôi co. Như thường lệ, ông kỹ thuật trưởng nhìn lên nạt nộ:
- Tao nói lần này là lần chót, mỗi lần vào đây mày ngưng ngay cái trò ầm ĩ láo toét đó đi.
- Thích quá, còn lần này là lần chót - Chú bé tỉnh khô - Nói thật với ông, những lời cằn nhằn của ông cũng đang làm cho tôi hơi khó chịu đấy - Chú tiếp tục huýt sáo và chìa ra chiếc khay đựng các mẫu máu vừa lấy ra từ phòng xét nghiệm ngoại trú:
- Ngài muốn đặt mẫu này ở đâu, thưa ngài Dracula? John Alexander bật cười. Bannister chẳng thấy vui vẻ chút nào:
- Thằng lỏi, mày biết chỗ rồi mà - ông ta chỉ tay vào một chỗ trên chiếc ghế dài - Đàng kia kìa.
- Dạ vâng, thưa thuyền trưởng, xin tuân lệnh - Chú bé đặt chiếc khay xuống một cách thận trọng rồi đưa tay lên chào châm biếm. Sau đó, chú ngoáy mông, vừa đi ra cửa vừa hát nghêu ngao.
Cho tôi một tòa nhà có bầy vi-rút lang thang,
Rận rệt, vi trùng vui đùa mãn nguyện,
Lão già hút máu người gầm gừ luôn miệng,
Ống nghiện đứng bên nhau tỏa hơi thối suốt ngày.
Cánh cửa ra vào đóng sầm lại. Tiếng chú bé nhỏ dần rồi mất hút theo chiều dài hành lang. Alexander cười ngặt nghẽo.
Bannister nói:
- Đừng cười với nó, kẻo càng làm cho nó hư thêm.
Ông ta bước đến chiếc ghế dài, nhặt các mẫu máu và đọc phớt qua tờ giấy đính kèm. Này, có mẫu máu của một bà Alexander. Phải vợ anh không?
Alexander cất ống nghiệm đang cầm trên tay rồi bước đến.
- Rất có thể. Bác sĩ Dornberger đã cho cô ấy đi làm xét nghiệm cảm ứng máu. Anh cầm lấy tờ giấy - Phải rồi, có ghi rõ là ELIZABETH đây này.
- Xác định Rh và tìm cảm ứng - Bannister nói.
- Có lẽ bác sĩ Dornberger muốn cho chắc ăn. Thật ra Elizabeth mang Rh âm tính - Nghĩ ngợi một chút, anh nói thêm - Còn tôi Rh dương tính.
Cường điệu và ra dáng kẻ cả biết nhiều hiểu rộng, Bannister nói:
- Có sao đâu. Rất ít khi có sự cố.
- Vâng, tôi biết. Nhưng cứ phải làm cho yên tâm.
- Này, mẫu máu đây - Bannister nhấc ống nghiệm có dán nhãn “Mrs Elizabeth Alexander:” - Anh muốn tự tay xét nghiệm chứ?
- Vâng, nếu ông cho phép.
Bannister không bao giờ phản đối khi có người đứng ra nhận lãnh công việc gì mà rất có thể ông sẽ phải gánh vác, ông nói:
- Được thôi! Rồi liếc nhìn đồng hồ treo tường, ông nói thêm:
- Hôm nay anh chưa làm được đâu. Đến giờ nghỉ rồi - ông trả ống nghiệm về chỗ cũ rồi đưa cả chiếc khay cho Alexander - Nên để đến sáng mai thì hơn. Alexander nhận các mẫu máu và đem cất vào tủ lạnh.
Đóng cửa tủ xong, anh tỏ vẻ nghĩ ngợi:
- Carl, có một điều tôi muốn hỏi ông.
Bannister đang hối hả thu dọn vì ông luôn thích ra về vào đúng năm giờ.
Không quay lại, ông hỏi:
- Gì thế?
- Việc thử nghiệm cảm ứng máu chúng ta đang làm ở đây... tôi cứ băn khoăn hoài.
- Băn khoăn thế nào?
Alexander cân nhắc từng lời. Ngay từ những ngày đầu, anh biết cái mảnh bằng bậc cao đẳng của mình rất dễ gây mích lòng những người như Bannister. Lần này cũng như bao lần trước, anh cố gắng tránh mọi sự đụng chạm.
- Tôi nhận thấy chúng ta chỉ làm hai thử nghiệm cảm ứng trong dung dịch muối đẳng trương và Protein đậm đặc.
- Thì sao?
Alexander rụt rè:
- Chỉ làm hai thử nghiệm mà thôi... là hơi lạc hậu phải không? Bannister đã thu dọn xong. Ông bước đến chiếc bàn chính ở giữa phòng. Vừa đi vừa lau tay bằng khăn giấy.
Ông nói sẳng:
- Anh thử nói tôi nghe tại sao.
Alexander phớt lờ cái giọng sẳng ấy, quan trọng gì đâu. Anh nói:
- Hầu hết các phòng xét nghiệm hiện nay đều làm thêm một thử nghiệm thứ ba ngay sau thử nghiệm muối đẳng trương, đó là thử nghiệm Coombs gián tiếp.
- Thử nghiệm gì?
- Coombs gián tiếp.
- Ra sao?
- Ông đùa đấy à? - Nói ra câu này. Alexander biết ngay mình vừa phạm một sai lầm về chiến thuật. Anh chỉ vô tình buột miệng vì tưởng rằng không một kỹ thuật viên huyết thanh học nào không biết đến thử nghiệm Coombs gián tiếp. Kỹ thuật tưởng hất mặt lên:
- Anh đừng dạy khôn tôi.
Vội vàng sửa chữa sự đổ vỡ, Alexander đáp:
- Xin ông thứ lỗi. Tôi không có ý đó.
Banister vò nát chiếc khăn giấy và ném vào giỏ rác.
- Hừm giọng điệu của anh rõ ràng là như vậy - ông chồm người về phía trước một cách hung hăng, cái đầu hói phản chiếu bóng đèn điện treo trên trần – Này, cậu nhỏ, tôi nói điều này chẳng qua để giúp cậu sáng mắt ra. Cậu mới vừa rời khỏi ghế nhà trường nên chưa biết được rằng một số điều người ta dạy cậu chẳng có ích lợi gì cho thực tế.
- Đây không phải là lý thuyết suông - Alexander nói mạnh bạo, lời nói hớ lúc trước xem ra không còn quan trọng nữa - Người ta đã chứng minh được rằng một số kháng thể trong máu sản phụ không thể phát hiện được bằng muối đẳng trương hoặc Protein đậm đặc.
- Có mấy khi điều ấy xảy ra? - Bannister hỏi bằng giọng kẻ cả như thể đã biết trước câu trả lời.
- Rất hiếm hoi.
- Đó, anh thấy.
-Nhưng vẫn phải coi trọng thử nghiệm thứ ba -John Alexander khăng khăng bảo vệ lập trường, cố gắng phá vỡ thái độ bất cần của Bannister - Thật có gì đâu. Thử nghiệm bằng muối đẳng trương xong, ta đem cũng các ống nghiệm ấy...
Bannister ngắt lời:
- Không phải lúc giảng bài. Cởi phăng áo bơ-lu, ông với tay lấy áo vét máng sau cánh cửa. Biết không thể thắng được, nhưng Alexander vẫn nói tiếp:
- Không mất công gì hơn bao nhiêu. Tôi sẵn sàng nhận lãnh công việc này. Chỉ cần có huyết thanh Coombs, hơi tốn kém thêm một chút.
Đúng chỗ ngứa rồi. Bannister chợt hiểu rõ hơn điều hai người đang trao đổi.
- Đó! ông nói, giọng mỉa mai - đem điều ấy mà nói với Pearson là không được đâu. Bất cứ cái gì thêm tốn kém đều là cái khó một trăm phần trăm.
- Lẽ nào ông không hiểu cho rằng bỏ qua điều ấy là dại dột - Alexander nói mạnh và không nhận ra mình đã to tiếng - Hai thử nghiệm như chúng ta đang làm có thể cho ra kết quả âm tính, trong khi đó máu của người mẹ vẫn bị cảm ứng rất nguy hiểm cho hài nhi.Cách làm đó có thể giết một cháu bé mới sinh.
Bannister bộc lộ hết vẻ cộc cằn bằng những lời như là gầm gừ.
- Nhưng...
- Không nhưng gì sất! Pearson không ưa những cách làm mới, nhất là nếu phải tốn kém thêm - Bannister ngập ngừng và cử chỉ bớt vẻ hung hãn. Ông biết chỉ còn một phút nữa là đúng năm giờ, nên dứt điểm gấp chuyện này để ra về. Này, cậu nhỏ, tôi khuyên cậu đấy. Chúng ta không phải là bác sĩ, vậy cậu đừng lên mặt nói năng như bác sĩ nữa, là nhân viên xét nghiệm thì cứ làm việc theo cách thức ở trên đưa xuống.
- Nhưng tôi vẫn có quyền suy nghĩ chứ, phải không?- Đến lượt Alexander nổi cáu. Tôi chỉ biết phải làm xét nghiệm cho vợ tôi bằng muối đẳng trương, Protein và huyết thanh Coombs, ông có thể dửng dưng, nhưng đứa trẻ này rất quan trọng đối với vợ chồng chúng tôi.
Ra đến cửa, Bannister chăm chú nhìn Alexander. Lúc này ông nhận thấy rõ một điều: thằng oắt con này sẽ là kẻ gây rối. Cái khó là bọn gây rối có thói quen đưa đẩy người khác vào chỗ khó xử. Thằng oắt con mới ra khỏi trường cao đẳng mà lên mặt dạy khôn, nên cho nó chết ngay cho rồi. Nghĩ thế, Bannister nói:
- Nói thật với cậu. Nếu thích làm việc theo kiểu đó cậu cứ đi mà hỏi Pearson. Hãy nói với ông ấy rằng cậu không bằng lòng với cách làm việc hiện nay ở đây.
Alexander nhìn thẳng vào mặt ông kỹ thuật trưởng và điềm nhiên nói:
- Có lẽ tôi sẽ nói.
Bannister bĩu môi:
- Cứ việc. Nhưng đừng quên... Tôi nhắc trước cho đấy.
Nhìn phớt qua đồng hồ lần cuối, ông đi ra, bỏ mặc John Alexander một mình trong phòng xét nghiệm.