Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả: Dan Ariely
Nguyên tác: The Upside Of Irrationality
Biên tập: Viet Quang Luong
Upload bìa: Viet Quang Luong
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 323 / 54
Cập nhật: 2020-04-26 15:10:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11: Những Bài Học Từ Sự Phi Lý
Tại sao cái gì cũng cần phải thử
Phàm là con người, ai cũng thích được nhận xét là người thật lạc quan, lý trí và logic. Chúng ta cảm thấy tự hào trên “thực tế” là chúng ta đưa ra những quyết định dựa trên lý trí. Khi quyết định đầu tư tiền bạc, mua một căn nhà, chọn trường học cho lũ trẻ, hay lựa một liệu pháp chăm sóc sức khỏe, chúng ta thường cho rằng đó là những quyết định đúng đắn.
Đôi khi là đúng, nhưng những trường hợp trực giác mách ta đi sai đường lạc lối cũng nhiều, đặc biệt là khi chúng ta phải đưa ra những lựa chọn quan trọng, khó khăn, và nhiều mất mát. Cho phép tôi được chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, như một ví dụ minh hoạ, về một số quyết định quan trọng của chính bản thân tôi, được đưa ra sau những định kiến – mà hậu quả của nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi mỗi ngày.
NHƯ CÁC BẠN đã biết, cơ thể tôi bị huỷ hoại nặng nề sau tai nạn. Trong số những phần cơ thể bị thương, bàn tay phải của tôi bị bỏng tới độ một số chỗ bị giơ hết cả xương ra. Ba ngày sau khi tới bệnh viện, một trong số những bác sĩ của tôi đã vào phòng và nói với tôi rằng cánh tay phải của tôi hiện đang sưng phồng lên, tạo áp lực ngăn máu lưu thông xuống bàn tay. Ông nói cần phải phẫu thuật ngay lập tức vì cơ hội cứu bàn tay của tôi là rất mong manh. Ông bày ra trước mặt tôi một khay gồm toàn dao mổ và giải thích tường tận phương pháp ông sẽ sử dụng để giảm áp cho tôi, ông sẽ phải cắt xuyên qua da thịt, sâu đến độ có thể chạm được vào mạch máu để dẫn lưu làm giảm áp lực tại đó. Ông cũng cho tôi biết vì tim và phổi của tôi đang trong tình trạng không ổn lắm, nên sẽ phải thực hiện phẫu thật mà không gây mê.
Những gì diễn ra tiếp sau đó giống hệt như một ca trị bệnh thời Trung Cổ vậy. Một trong số những y tá kẹp chặt cánh tay gầy guộc và vai của tôi lại, một cô y tá khác thì dồn toàn bộ trọng lượng đè lên vai và cánh tay phải của tôi. Tôi nhìn thấy bác sĩ ấn lưỡi dao mổ bén ngọt xuống da thịt mình và từ từ rạch một đường từ vai xuống, xẻ dần cho đến tận khuỷu tay. Tôi có cảm giác tựa như ông bác sĩ đang xé toang mình ra bằng chiếc cuốc làm vườn cùn quẹt, bẩn thỉu. Đau thấu trời xanh; không thể nào tưởng tượng nổi; tôi thở hồng hộc. Tôi nghĩ mình có thể chết đi được. Thế rồi, lại một đường rạch nữa, bắt đầu từ khuỷu tay chạy dọc về phía cổ tay.
Tôi gào lên van xin họ hãy dừng lại. “Các người đang giết chết tôi!” tôi kêu lên. Dù tôi có nói gì, có van xin thế nào, họ cũng không hề dừng lại. “Tôi không chịu nổi nữa rồi!” tôi gào thét, hết lần này đến lần khác. Họ chỉ giữ tôi chặt hơn. Tôi đã mất kiểm soát.
Cuối cùng, bác sĩ bảo tôi rằng ông gần như đã hoàn thành nhiệm vụ, và phần còn lại sẽ qua rất nhanh thôi. Thế rồi ông trao tặng tôi một công cụ để giúp tôi vượt qua nỗi đau đớn: đếm nhẩm. Ông nói tôi hãy đếm từ 1 đến 10, càng chậm càng tốt. Một, hai, ba… Tôi cảm thấy thời gian như trôi chậm lại. Chìm trong cơn đau, tất cả những gì tôi có thể làm là đếm chậm lại. Bốn, năm, sáu… đau hơn rồi lại bớt đau mỗi lần bác sĩ cắt và dừng. Bảy, tám, chín… Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác cắt da xẻ thịt ấy, đau đớn tột cùng và chờ đợi… lâu hết mức hết chịu nổi… cho đến khi hét lên “MƯỜI!”
Bác sĩ ngừng cắt. Các y tá lỏng bớt tay giữ. Tôi cảm thấy mình giống hệt một chiến binh thời xưa, người vừa chiến thắng oanh liệt sự đau đớn khi bị chặt hết tay này, đến chân khác. Tôi cảm thấy kiệt sức. “Rất tốt,” bác sĩ nói. “Tôi đã rạch 4 nhát trên cánh tay anh, từ vai tới cổ tay; giờ chúng ta chỉ phải rạch thêm một vài nhát nữa là mọi chuyện thực sự kết thúc.”
Chiến binh dũng mãnh tưởng tượng của tôi tan tành mây khói. Tôi đã phải sử dụng hết sức bình sinh để cố gồng mình lên càng lâu càng tốt, để chắc chắn rằng khi đếm đến 10 thì mọi sự sẽ kết thúc. Tôi đón nhận những vết đau mới, kéo dài – những vết đau tưởng chừng như không thể nào đau hơn được vài giây trước – với một nỗi khiếp sợ kinh hãi. Làm sao tôi có thể sống sót một lần nữa đây?
“Xin đấy, tôi sẽ không làm gì cả. Xin hãy dừng lại!” tôi van xin, nhưng lời nói của tôi chả xi nhê chút gì. Thậm chí họ còn kẹp tôi chặt hơn. “Đợi, đợi đã,” tôi cố gắng, lần cuối cùng, nhưng bác sĩ vẫn tiếp tục thực hiện công việc của mình, rạch đến từng ngón tay của tôi. Tất cả những gì tôi có thể làm, đó là đếm ngược lại mỗi khi tôi đếm đến 10. Tôi đếm đi đếm lại cho đến khi bác sĩ ngừng rạch. Bàn tay của tôi đã trở lại nhạy cảm một cách khó có thể tin nổi, và nỗi đau thì như kéo dài vĩnh viễn, nhưng tôi vẫn tỉnh tảo và còn sống nhăn ra. Đau đớn và khóc lóc, tôi được cho ra nghỉ ngơi.
VÀO THỜI ĐIỂM ấy, tôi không thể hiểu nổi việc phẫu thuật này có gì quan trọng, hay việc đếm số có thể giúp một người giảm bớt nỗi đau đớn thế nào. Việc bác sĩ phẫu thuật cánh tay nhằm mục đích cứu lấy bàn tay của tôi đã phản lại lời khuyên của một số nhà điều trị khác. Ông cũng khiến tôi phải chịu đau đớn biết bao nhiêu trong ngày hôm ấy, và kí ức về ngày hôm ấy còn kéo dài nhiều năm sau. Nhưng nỗ lực của ông đã thành công.
VÀI THÁNG SAU, một hội đồng các bác sĩ khác nói với tôi rằng những đau đớn mà tôi đã trải qua nhằm cứu bàn tay của mình không mang lại kết quả tốt đẹp cho lắm, và rằng sẽ tốt hơn nếu cắt cụt từ khuỷu tay trở xuống. Tôi phản ứng lại ý tưởng đó với một sự khiếp sợ, nhưng họ đưa ra cho tôi một tình thế lựa chọn lạnh lùng và lý trí: Thay thế cánh tay của tôi bằng một cái móc để giảm thiểu tối đa nỗi đau đớn hàng ngày của tôi, họ nói vậy. Nó sẽ khiến tôi không phải trải qua vô số cuộc phẫu thuật mà tôi sẽ phải chịu đựng. Chiếc móc cũng rất tiện dụng và một khi tôi đồng ý, nó sẽ có những chức năng mà bàn tay tàn tật của tôi không thể có được. Họ còn nói tôi có thể chọn một cánh tay giả để trông ít giống Thuyền trưởng Hook hơn, nhưng loại tay giả ấy sẽ ít chức năng hơn.
Đó quả là một quyết định khó khăn. Mặc dù bàn tay tàn phế trở yếu ớt, không mấy hữu dụng và tôi phải chịu đựng nỗi đau đớn hàng ngày, nhưng tôi vẫn không muốn mất tay. Tôi không thể hình dung nổi mình sẽ sống thế nào nếu thiếu nó, hoặc làm sao tôi có thể thích nghi được việc sử dụng một cái móc hay một cánh tay bằng nhựa màu mè. Cuối cùng, tôi quyết định sẽ giữ cái tay tội nghiệp, yếu xìu và kém cỏi của mình, và cố gắng làm những điều tốt nhất có thể.
Tua nhanh đến năm 2010. Sau hơn 20 năm viết lách, hầu hết về những vấn đề học thuật, nhưng tôi vẫn không thể gõ máy tính lâu được. Tôi chỉ có thể viết được 1 trang mỗi ngày và trả lời vài thư điện tử bằng cách viết những câu ngắn gọn. Nếu tôi cố gắng làm hơn, tôi sẽ cảm thấy đau tay dai dẳng trong vài giờ đến vài ngày. Tôi không thể điều khiển hay duỗi thẳng các ngón tay; khi tôi cố làm thế, có cảm giác như các khớp xương đang bị kéo khỏi hốc của nó vậy. Chỉ có một chi tiết lạc quan, đó là tôi học được cách trông cậy nhiều vào các phương tiện trợ giúp, trong đó có cả một phần mềm nhận diện giọng nói, và tôi cũng hiểu ra một vấn đề, đó là ở một mức độ nào đó, con người vẫn có thể sống sót với nỗi đau hàng ngày.
RẤT KHÓ KHĂN khi đứng ở vị trí của tôi để nói rằng tôi đã đúng hay sai khi quyết định giữ lại cánh tay của mình. Với một cánh tay tàn tật, với nỗi đau đã trải qua và vẫn tiếp tục đối mặt mỗi ngày, và những điều tôi biết được về qui trình đưa ra những quyết định, tôi hoàn toàn có thể hồ nghi rằng việc giữ lại cánh tay, tính về mặt lợi ích, là một sai lầm.
Hãy nhìn vào những định kiến bao trùm lên tôi. Đầu tiên, đó là tôi rất khó tiếp nhận những lời khuyên của các bác sĩ bởi vì hai trạng thái tâm lý chi phối, mà chúng ta gọi là “hiệu ứng sở hữu” và “mất chống đối” (hay còn gọi là “tránh mất mát”). Dưới sự ảnh hưởng của những định kiến này, chúng ta thường có xu hướng đánh giá cao những gì ta có và cho rằng hễ phải đánh đổi đã là một sự mất mát. Những mất mát về tâm lý học là sự đau khổ, và tương tự như vậy, ta cần rất nhiều động lực để sẵn sàng từ bỏ điều gì đó. Hiệu ứng sở hữu khiến tôi đề cao cánh tay của mình quá mức, bởi vì đơn giản đó là tay của tôi và tôi gắn chặt với nó ngay từ lúc sinh ra, trong khi hiệu ứng tránh mất mát lại khiến tôi rất khó từ bỏ, ngay cả khi nếu từ bỏ sẽ tốt hơn cho tôi.
Yếu tố phi lý trí thứ hai có ảnh hưởng được biết đến với tên gọi “giữ nguyên tình trạng hiện tại”. Nghĩa là nhìn chung, chúng ta có xu hướng giữ nguyên hiện trạng của mọi thứ; thay đổi là khó khăn và đau đớn, và chúng ta thà không thay đổi còn hơn là tạo ra sự thay đổi. Trong trường hợp cá nhân của tôi, tôi thà không làm gì (một phần bởi vì tôi sợ rằng tôi sẽ nuối tiếc một quyết định thay đổi) và sống với cánh tay của mình, bất kể khổn khổ thế nào.
Thói quen thứ ba của loài người đó là khi đối diện với những quyết định không thể đảo chiều. Đưa ra một sự lựa chọn đã khó khăn, nhưng đưa ra những lựa chọn hoặc đúng hoặc sai kiểu “bước chân đi cấm kì trở lại” còn đặc biệt khó khăn hơn bội phần. Chúng ta thường nghĩ rất nhiều và nung nấu về việc mua một căn nhà hay chọn một nghề nghiệp bởi vì chúng ta không có nhiều dữ liệu về tương lai gắn với quyết định đó chờ ta phía trước. Nếu bạn biết quyết định của mình sẽ bị khắc trên đá và rằng bạn sẽ không bao giờ được đổi nhà hay đổi nghề thì sao? Thì rõ ràng bạn sẽ sợ hãi đôi chút khi đưa ra bất cứ lựa chọn nào, bởi vì bạn sẽ phải chung sống với hệ lụy của nó trong suốt phần đời còn lại. Trong trường hợp của tôi, tôi gặp khó khăn với suy nghĩ một khi đã đồng ý phẫu thuật, cánh tay của tôi sẽ ra đi mãi mãi.
Cuối cùng, khi tôi nghĩ về viễn cảnh mất cánh tay và bàn tay của mình, tôi băn khoăn liệu tôi có thể nào thích nghi nổi không. Gắn một cái móc hay một cánh tay giả vào mình thì sẽ thế nào nhỉ? Mọi người sẽ nhìn tôi như thế nào? Khi tôi muốn bắt tay một ai đó, viết một bức thư hay khi quan hệ tình dục, tôi sẽ như thế nào đây?
Giờ thì tôi đã ở trong tình trạng lý trí một cách hoàn hảo, cân đo đong đếm từng lợi hơn hại thiệt khi theo đuổi bất cứ xúc cảm nào gắn với cánh tay của mình, tôi sẽ không để hiệu ứng sở hữu, tránh mất mát hay giữ nguyên hiện trạng hay quyết định đảo chiều ảnh hưởng đến mình chút nào hết. Tôi sẽ dự đoán được tương lai của mình với chiếc tay giả và kết quả là có thể tôi sẽ thấy được hiện trạng của mình theo đúng những gì bác sĩ dự đoán. Nếu tôi lý trí hơn, có lẽ tôi sẽ làm theo lời khuyên của họ, và trong trường hợp này thì khả năng rất cao là tôi sẽ dần dần thích nghi được với hiện trạng mới của mình (như chúng ta đã được biết trong Chương 6, Về sự thích nghi). Nhưng tôi đã không lý trí được như vậy, và tôi giữ cánh tay của tôi – kết quả là phải chịu nhiều cuộc phẫu thuật hơn, giảm bớt khả năng vận động và chịu đau đớn thường xuyên hơn.
TẤT CẢ ĐIỀU này nghe có vẻ giống như những câu chuyện cổ mà mọi người thường kể (thử chậm rãi kể câu chuyện này, với ngữ âm Tây Âu: “Nếu chỉ mình tôi biết trước những gì tôi đang biết, cuộc sống hẳn đã rất khác rồi”). Bạn sẽ đặt ra câu hỏi tưởng như hiển nhiên: nếu như quyết định của tôi là sai, thì tại sao giờ đây tôi không tiến hành cưa tay của mình đi?
Một lần nữa, lại có một vài lí do phi lý trí xuất hiện ở đây. Đầu tiên, ý tưởng điên rồ là quay trở lại bệnh viện để chịu bất cứ cuộc điều trị hoặc phẫu thuật nào đã khiến tôi ngã gục. Trên thực tế, đến tận bây giờ, mỗi lần phải đi thăm người bà con nào trong viện, cái mùi bệnh viện cũng gợi lại trong tôi quá khứ kinh hoàng với những cảm xúc tang thương (Hẳn bạn có thể dễ dàng hình dung, một trong số những thứ khiến tôi kinh hãi nhất chính là viễn cảnh bị nằm viện điều trị trong một thời gian dài.) Thứ hai, bất chấp thực tế là tôi hiểu và có thể phân tích những quyết định thiên kiến của mình, tôi vẫn tiếp tục trải nghiệm chúng. Chúng không ngừng nghỉ ảnh hưởng tới tôi (đây cũng là điều bạn cần ghi nhớ nếu bạn nỗ lực trở thành một người quyết định đúng đắn hơn). Thứ ba, sau nhiều năm đầu tư thời gian và công sức để huấn luyện chức năng cho bàn tay, chung sống với sự đau đớn mỗi ngày và hình dung xem mình sẽ làm việc thế nào với những hạn chế về thể xác, tôi trở thành nạn nhân của cái mà chúng ta gọi là “hao mòn chi phí ngầm”. Nhìn lại tất cả những nỗ lực của mình, dù miễn cưỡng, nhưng tôi những muốn có thể xoá chúng đi và thay đổi quyết định.
Lý do thứ tư đó là, 20 năm sau tai nạn, tôi đã có thể lý trí hoá sự lựa chọn của mình theo một cách nào đấy. Như tôi đã nói, con người ta là một cỗ máy lý trí kì diệu, và trong trường hợp của mình, tôi đã tự nhủ biết bao lần để thuyết phục bản thân rằng lựa chọn của mình là đúng đắn. Ví dụ, tôi cảm thấy nhột khi có ai đó động vào cánh tay phải của mình, và tôi đã tự thuyết phục bản thân rằng lần cảm giác duy nhất ấy cũng là một trải nghiệm tuyệt vời trong thế giới vẫn còn cảm giác.
Cuối cùng, có một lý do hoàn toàn lý tính khiến tôi giữ lại cánh tay của mình: sau rất nhiều năm, có rất nhiều thứ thay đổi, trong đó có cả bản thân tôi. Trước tai nạn, tôi chỉ là một cậu thanh niên trẻ, tôi có thể lựa chọn rất nhiều con đường phía trước. Nhưng sau tai nạn, tôi theo đuổi những con đường đặc biệt, cá nhân, lãng mạn, chuyên nghiệp dù ít dù nhiều phù hợp với khả năng và giới hạn của mình, và tôi hình dung ra những cách để vận hành theo con đường mình đã chọn. Nếu là một chàng trai 18 tuổi, tôi đã quyết định thay cánh tay bằng một cái móc, giới hạn và năng lực của tôi có thể cũng đã khác. Ví dụ, có thể tôi sẽ làm việc với kính hiển vi và theo đó, có thể đã trở thành một nhà sinh học. Nhưng giờ đây, khi đã ở vào lứa tuổi trung niên và đã đầu tư rất nhiều thứ để tổ chức lại cuộc sống như thế này, thì việc tạo ra những thay đổi lại càng trở nên khó khăn với tôi.
Ý nghĩa của câu chuyện này là gì? Rất khó để đưa ra những quyết định lớn, trọng đại, thay đổi cuộc sống bởi vì tất cả chúng ta đều rất dễ bị sa vào ma trận của những định kiến. Chúng ảnh hưởng tới ta nhiều hơn ta tưởng, và chúng tới thăm ta nhiều lần hơn so với mong muốn thừa nhận của ta.
Bài học từ Kinh thánh và những con đỉa
Trong những chương trước, chúng ta đã chứng kiến sự phi lý trí giữ vai trò trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống chúng ta: trong thói quen, trong hẹn hò, trong niềm hứng khởi nơi công sở, trong cách chúng ta quyên góp tiền bạc, trong những vấn đề liên quan đến mọi việc và các ý tưởng, trong khả năng thích nghi và cả ham muốn báo thù. Tôi nghĩ chúng ta có thể tổng kết những hành vi mang tính phi lý trí của chúng ta vào hai bài học chung và một kết luận như sau:
1. Chúng ta có rất nhiều xu hướng phi lý trí.
2. Chúng ta thường không lường trước được những sự phi lý trí này ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta, nghĩa là chúng ta thường không thực sự hiểu cái gì đang điều khiển hành vi của chúng ta.
Ergo, Chúng ta – với ý nghĩa là Bạn, Tôi, Các công ty và những người Làm chính sách – cần phải hoài nghi về trực giác của con người. Nếu chúng ta tiếp tục làm theo bản năng và những khái niệm chung hoặc đi theo những con đường dễ dàng hơn hoặc theo thói quen chỉ bởi vì “ừm, mọi việc chẳng phải luôn là như vậy sao”, thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục mắc sai lầm – kết quả là rất nhiều thời gian, nỗ lực, đau đớn và tiền bạc đều thường chui xuống cùng một lỗ (và thường là cái lỗ sai lầm). Nhưng nếu chúng ta học cách đặt ra những câu hỏi cho bản thân và kiểm chứng lòng tin, chúng ta có thể phát hiện ra từ khi nào chúng ta đã sai và sai như thế nào, từ đó có thể cải thiện cách yêu, sống, làm việc, sáng tạo, quản lý và điều hành.
Vậy thì chúng ta sẽ kiểm nghiệm chính trực giác của chúng ta? Chúng ta có một phương pháp cũ kĩ và đã được thử nghiệm cho điều này – một phương thức có nguồn gốc cổ xưa như Kinh thánh và tôi đã từng được học trong lớp học kinh tế ứng dụng của Al Roth. Trong chương 6 của Sách Khải huyền, chúng ta sẽ tìm thấy một người có tên là Gideon đang trò chuyện với Chúa Trời. Gideon, là một con chiên hoài nghi, ông không dám chắc tiếng nói mà ông ta nghe được có thực là lời của Chúa Trời hay là tiếng nói từ trong tưởng tượng của mình. Thế nên ông hỏi Đấng Vô hình hãy làm ra một cơn mưa nhỏ. “Nếu Ngài trao cho con sứ mệnh giải thoát cho người dân Israel như Ngài đã nói,” ông nói với Tiếng Nói, “thì hãy cho con một dấu hiệu, con sẽ đặt một tấm lông cừu trên sân đập lúa; nếu cơn mưa chỉ làm ướt chỗ lông cừu thôi, còn sân bao quanh vẫn khô ráo, thì con sẽ biết Ngài muốn dùng tay con để cứu nước Israel, như Ngài đã nói.”
Những gì Gideon đề xuất ở đây chính là một bài kiểm tra: Nếu thực sự là Chúa Trời đang nói chuyện với ông, thì Người sẽ có khả năng làm cho tấm lông cừu ướt, trong khi nền đất xung quanh vẫn khô. Chuyện gì xảy ra? Gideon thức dậy vào sáng hôm sau, nhận thấy tấm lông cừu đã ướt sũng, thậm chí còn vắt được ra cả bát nước. Nhưng Gideon là một nhà thử nghiệm thông minh. Ông không dám chắc liệu những gì xảy ra có phải do tình cờ hay không, liệu chuyện đám lông cừu này bị ướt là chuyện bình thường, hoặc cứ để đám lông cừu ngoài trời qua một đêm là nó sẽ bị ướt như vậy. Gideon cần ra một điều kiện có tính kiểm soát cao hơn. Thế là ông lại cầu xin Chúa Trời gia ân thêm một lần nữa, lần này ông đưa ra yêu cầu thử nghiệm theo một cách khác: Và Gideon nói với Chúa Trời: “Xin Ngài đừng nổi giận với con, và con chỉ xin Ngài thêm một lần này nữa thôi, con cầu xin Ngài, với tấm lông cừu, hãy làm cho nó khô, còn xung quanh nền đất sẽ ướt.” Điều kiện kiểm soát của Gideon cuối cùng đã thành công. Thật kì lạ và ngạc nhiên, phần còn lại của nền đất thì ướt, còn tấm lông cừu thì khô cong. Gideon đã chứng minh được tất cả những gì ông cần, và ông đã học được một kĩ năng nghiên cứu cực kì quan trọng.
ĐỐI LẬP VỚI thí nghiệm cẩn trọng của Gideon, hãy thử nghĩ đến cách người ta thực hành ngành thuốc hàng ngàn năm nay. Nghề thuốc từ trước đến nay vẫn luôn được nhìn nhận là nghề thông thái; những thầy thuốc cổ xưa thực hành nghề này dựa trên trực giác kết hợp với kinh nghiệm “trăm hay tay quen”. Những người làm nghề thuốc đầu tiên sau đó đã truyền lại cho những thế hệ tiếp theo sự hiểu biết uyên thâm của mình. Các bác sĩ không được đào tạo để hoài nghi trực giác cũng như kinh nghiệm của mình; họ phụ thuộc nặng nề vào người thầy của mình. Một khi khoá học kết thúc, họ hoàn toàn tin tưởng vào hiểu biết của mình (và rất nhiều người tiếp tục hành nghề với sự hiểu biết ấy). Vậy là họ cứ làm cùng một kiểu, hết lần này đến lần khác, thậm chí đối với những vấn đề tưởng chừng như hiển nhiên.
Một thí dụ về sự sai lệch trong nhận thức chung của nghề thuốc, đó là sử dụng con đỉa như một phương thuốc. Trong hàng ngàn năm, đỉa được dùng để chích máu – một liệu trình mà người ta cho rằng sẽ giúp cân bằng lại bốn yếu tố (máu, đờm dãi, mật xanh và mật vàng). Theo đó, các ứng dụng từ tạo vật hút máu, trông giống như con sên này được cho là có thể chữa trị bách bệnh, từ đau đầu đến béo phì, từ lòi dom (trĩ) cho đến viêm thanh quản, từ đau mắt cho đến bệnh thần kinh. Vào thế kỉ XIX, kinh doanh đỉa bùng phát; trong những cuộc chiến thời Napoleon, nước Pháp đã nhập khẩu hàng triệu hàng triệu con vật hút máu này. Quả thực, nhu cầu dùng đỉa cho y học thời kì này đã có lúc cao đến độ loài này suýt nữa bị tuyệt chủng.
Giờ, nếu bạn là một bác sĩ người Pháp sống ở thế kỉ XIX bắt đầu thực hành nghề y, bạn “biết rằng” loài đỉa có tác dụng chữa bệnh, bởi vì chúng đã được sử dụng một cách “thành công rực rỡ” trong nhiều thế kỉ. Hiểu biết của bạn còn được củng cố bởi những bác sĩ khác, những người “biết rằng” đỉa có tác dụng – hoặc nhờ kinh nghiệm cá nhân, hoặc nhờ những khái niệm chung đã được bao người thừa nhận. Bệnh nhân đầu tiên của bạn xuất hiện – giả sử là một người đàn ông bị đau đầu gối. Bạn đặt một con đỉa lên bắp đùi ông ta, ngay phía trên đầu gối, rút máu ở tại điểm ấy (hoặc ở chỗ nào bạn thấy cần thiết). Sau đó, bạn cho bệnh nhân về nhà và nghỉ ngơi trong vòng 1 tuần. Nếu bệnh nhân ngừng than vãn về cái chân đau, bạn tự khắc nghĩ rằng đó là do tác dụng của bài thuốc đỉa.
Đáng tiếc cho cả bạn và người bệnh nhân kia, là các bạn không được tận hưởng lợi ích từ những công nghệ tân tiến, cho nên bạn không biết việc rạch đầu gối của một người bình thường là một tội ác. Cũng như không có nhiều nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của sự nghỉ ngơi, ảnh hưởng tốt đến tâm lý bệnh nhân từ việc được một người mặc áo blu trắng chăm sóc, hoặc rất nhiều ảnh hưởng của thuốc an thần dưới nhiều dạng thức khác nhau (mà tôi đã từng viết một phần rất dài trong cuốn Phi lý trí). Tất nhiên, các thầy thuốc không phải là người xấu; ngược lại, họ tốt bụng và quan tâm. Lý do khiến hầu hết các thầy thuốc chọn nghề này là vì họ muốn chăm sóc sức khoẻ cho mọi người và muốn ai cũng được an vui. Mỉa mai thay, sự tốt bụng và tấm chân tình muốn giúp đỡ mọi bệnh nhân của họ đã biến họ trở thành những người khó có thể hi sinh cách đối đãi tử tế với một vài bệnh nhân, đổi lại, thực hành được một thí nghiệm.
Tưởng tượng nhé, nếu bạn là một thầy thuốc thế kỷ XIX, những người tin tưởng mãnh liệt rằng kỹ nghệ dùng đỉa là hiệu quả. Liệu bạn có dám thực hiện một thí nghiệm để kiểm chứng lại niềm tin? Liệu có cần phải thực hiện một thí nghiệm trên chính sự đau đớn của con người? Và để cho ra đời những thí nghiệm được kiểm soát đầy đủ, liệu bạn có dám thực hiện thí nghiệm trên nhóm bệnh nhân đa dạng, từ việc điều trị bằng đỉa cho đến những điều kiện điều trị khác (ví dụ là sử dụng một thứ gì đó giống đỉa, cũng có vẻ hút máu như đỉa nhưng thực tế lại không hề hút máu). Liệu có bác sĩ nào dám chỉ định một vài bệnh nhân của mình vào một nhóm điều điều trị nào đó và tước đoạt của họ cơ hội được chữa chạy bằng phương cách hữu hiệu theo quan niệm cũ? Tệ hơn nữa, bác sĩ nào dám thiết kế ra một quá trình điều trị trong đó bao gồm đủ loại đau đớn, gắn kèm với các loại điều trị nhưng lại bỏ qua những phần đáng lẽ phải được hỗ trợ - chỉ để tìm kiếm kết luận cho một liệu trình mà bác sĩ nghĩ rằng nó sẽ hiệu quả?
Vấn đề ở đây là: rất không tự nhiên đối với những người – thậm chí là những người được đào tạo để trở thành thầy thuốc – có thể dám lãnh lấy chi phí gắn liền với những thí nghiệm, đặc biệt khi họ có một cảm giác can đảm chắc chắn rằng việc họ đang làm hoặc đang đưa ra là một đề xuất có lợi. Đó chính là khi Bộ Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA – Food and Drug Administration) phải vào cuộc. FDA sẽ yêu cầu phải chứng minh những loại dược phẩm đang sử dụng đảm bảo an toàn và hiệu quả. Do quy trình để xác minh đó rất cồng kềnh, đắt đỏ và phức tạp, FDA sẽ chỉ duy trì một cơ quan nhỏ yêu cầu các tổ chức phải làm việc với nó để tiến hành các thí nghiệm. Nhờ vào những thí nghiệm như vậy, chúng ta giờ đã biết vì sao một số loại thuốc ho lại có hại hơn có lợi, rằng phẫu thuật khi đau lưng và chi dưới hầu như rất vô ích, rằng ghép tim cho bệnh nhân thiếu máu không có tác dụng kéo dài sự sống của bệnh nhân, và rằng trong khi ăn kiêng, tức là đang giảm lượng cholesterol, hoá ra lại không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tim. Và chúng ta ngày càng trở nên lo ngại trước những ví dụ về những liệu trình không hiệu quả như chúng ta vẫn từng hi vọng. Chắc chắn rằng, con người có thể và đã phàn nàn nhiều về FDA; nhưng những đóng góp của họ cho thấy nhờ có họ, chúng ta đã đi xa hơn rất nhiều so với khi không có cơ quan này.
GIÁ TRỊ CỦA các thí nghiệm là một trong những cách tốt nhất để biết được cái gì thực sự hiệu quả và cái gì nằm ngoài tầm kiểm soát. Tôi chưa gặp bất cứ ai muốn hủy bỏ các thí nghiệm khoa học để chỉ dựa vào những cảm giác đúng và trực giác. Nhưng tôi cũng ngạc nhiên khi thấy rằng tầm quan trọng của các thí nghiệm không được ghi nhận rộng rãi hơn, đặc biệt là khi nó giúp đưa ra những quyết định quan trọng trong kinh doanh và trong xây dựng chính sách công. Thẳng thắn mà nói, tôi thường xuyên kinh ngạc trước những giả định táo bạo là những nhà kinh doanh hoặc chính trị gia thường cho rằng, đi kèm với đó là những thuyết phục không ngơi, trực giác của họ là chính xác.
Nhưng những nhà chính trị và kinh doanh cũng chỉ là con người, với những thành kiến như tất cả chúng ta, và những loại quyết định mà họ đưa ra cũng dễ trở thành những nhận định sai lầm, giống như những quyết định trong y học vậy. Vậy thì chẳng phải đã rõ ràng sao khi nói cần phải có những thí nghiệm mang tính hệ thống trong kinh doanh và chính trị đến vậy?
Chắc chắn là, nếu tôi định đầu tư vào một công ty, tôi sẽ đầu tư vào một công ty đã được thử nghiệm hệ thống trên những kỳ vọng cơ bản. Tưởng tượng xem một doanh nghiệp có thể có bao nhiêu lợi nhuận, nếu những lãnh đạo của nó hiểu được sự tức giận của khách hàng, và một lời xin lỗi chân thành có thể xoa dịu mọi rạn nứt (như trong Chương 5, Bàn về sự Trả thù). Liệu nhân viên sẽ tăng năng suất lên bao nhiêu nếu các cấp quản lý tầm trung hiểu được vai trò quan trọng của sự tự hào trong công việc (như chúng ta đã thấy trong Chương 2, Ý nghĩa của Lao động). Và hãy tưởng tượng xem các công ty sẽ hiệu quả biết bao nhiêu (không đề cập tới những bài PR lộ liếu) nếu họ ngừng việc trả cho những lãnh đạo cao cấp khoản tiền thưởng kếch sù và tập trung hơn vào mối quan hệ giữa lương thưởng và hiệu quả công việc (như chúng ta đã thấy trong Chương 1, Chi lương (thưởng) nhiều nhưng chẳng nhận lại bao nhiêu).
Cách tiếp cận tiệm cận với các thí nghiệm cũng có thể ảnh hưởng tới những chính sách của chính phủ. Dường như các chính phủ thường đưa ra những chính sách rộng rãi cho mọi thứ, từ sự cứu trợ tài chính cho các ngân hàng, đến các chương trình hỗ trợ mua nhà, từ chính sách nông nghiệp tới giáo dục và chẳng thèm làm nhiều thí nghiệm kiểm nghiệm. Liệu 700 tỷ đô-la để cứu trợ các ngân hàng có phải là cách tốt nhất để hỗ trợ cho cơn khủng hoảng tài chính? Liệu đưa ra con số calorie bên cạnh các món ăn có giúp người ta đưa ra những lựa chọn thực đơn có lợi cho sức khoẻ hơn (mà vấn đề là các con số đưa ra có chuẩn không nữa)?
Câu trả lời là mù mờ. Chẳng phải sẽ hay hơn nếu như chúng ta nhận ra rằng, bất chấp sự tin tưởng và lòng thành thực trước những nhận định của mình, trực giác vẫn chỉ là trực giác? Rằng chúng ta cần thu thập thêm nhiều thông tin thực tế hơn về cách con người thực sự hành xử, nếu như chúng ta muốn cải thiện những chính sách công cộng và thể chế? Đối với tôi, trước khi tiêu hàng tỷ đô-la vào một chương trình mà chưa biết hiệu quả đến đâu, thì cách tốt hơn cả là thực hiện một vài thí nghiệm nhỏ trước, và nếu có thời gian, là vài thí nghiệm lớn hơn một chút.
Như Sherlock Holmes đã nói, “Đưa ra lý thuyết trước khi có dữ liệu là một sai lầm chết người.”
ĐẾN GIỜ TÔI hy vọng rằng đã rõ ràng khi chúng ta đặt một người ở đâu đó giữa Thuyền trưởng Spock lý trí và Homer Simpson cảm tính, thì hoá ra chúng ta gần với Homer hơn chúng ta hy vọng hoặc nhận ra. Trong trường hợp đó, nhiệm vụ của chúng ta là vượt qua giới hạn của sự nhận thức. Cũng như chúng ta sử dụng đai an toàn để bảo vệ mình khỏi tai nạn và mặc áo ấm để khỏi lạnh lưng, chúng ta cần biết giới hạn của chúng ta cho đến khi nó vẫn còn nằm trong khả năng suy nghĩ và có lý của chính chúng ta – đặc biệt là khi phải đưa ra những quyết định quan trọng trong đời sống cá nhân, công sở và công cộng. Một trong những cách tốt nhất để phát hiện ra các sai lầm của chúng ta và làm những cách khác nhau để vượt qua chúng đó là tiến hành các thí nghiệm, tập hợp và xem xét các dữ liệu, so sánh hiệu ứng của thí nghiệm và điều kiện kiểm soát, và xem chuyện gì xảy ra. Như Franklin Delano Roosevelt đã từng nói, “Đất nước này cần và, trừ khi tôi sai lầm, đất nước này đòi hỏi thí nghiệm táo bạo, bền bỉ. Quan niệm phổ biến là chọn lấy một phương pháp và thử nó: Nếu nó sai, hãy thừa nhận điều đó thẳng thắn và lựa chọn một cách khác. Nhưng trên tất cả, hãy thử một cái gì đấy.”
HI VỌNG bạn yêu thích cuốn sách này. Tôi cũng chân thành mong ước rằng bạn sẽ không nghi ngờ trực giác và sẽ tiến hành những thí nghiệm của riêng mình, nhằm nỗ lực đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Hãy hỏi. Khám phá. Đối đầu với đá. Đặt câu hỏi cho hành vi của bạn, cho công ty của bạn, cho nhân viên và những nhà kinh doanh, và những cơ quan, những chính trị gia, những chính phủ. Bằng cách ấy, chúng ta có thể khám phá ra những cách để vượt qua giới hạn của chính mình, và đó là một hy vọng sáng bừng cho ngành khoa học xã hội.
HẾT
Không hẳn. Đây chỉ là những bước đi đầu tiên trong hành trình khám phá sự phi lý bên trong chúng ta, phía trước vẫn còn một con đường dài và nhiều hứng khởi.
Yêu quí (một cách phi lý trí),
Dan
Lẽ Phải Của Phi Lý Trí Lẽ Phải Của Phi Lý Trí - Dan Ariely Lẽ Phải Của Phi Lý Trí