Số lần đọc/download: 1539 / 24
Cập nhật: 2016-06-20 21:07:49 +0700
Chương 12
N
gày giờ đi vùn vụt, thấm thoắt ông già Tỵ chết đã được ba năm. Mẹ Thuật và mẹ Tép cũng lần lượt kéo nhau sang thế giới khác cả.
Bây giờ Tép không đi làm nữa vì cô bận có đứa con thơ mới ngót ba tháng.
Sự ăn tiêu trong nhà không nặng nề lắm như trước nên Thuật cáng đáng việc đi làm một mình còn để vợ ở nhà trông con và cơm nước.
Cảnh gia đình hai vợ chồng trẻ rất hòa thuận và trong cuộc đời lầm than, nhiều người đã bắt đầu nói đến cái cảnh vui vẻ của vợ chồng Thuật như nói đến một cảnh thiên đường.
Sáng sớm tinh sương, còi nhà máy rúc vang hồi thứ nhất thì Thuật trở dậy rửa mặt, mặc áo. Tép đã sửa soạn xong cơm nước cho chồng ăn.
Thuật ra lò rồi thì Tép lo giặt giũ áo, tã cho con, quét dọn nhà cửa, khâu vá hoặc nếu con ngủ thì cô đem thùng ra giếng quảy vội lấy vài gánh nước.
Đến lúc Thuật ở lò về thì mọi việc đã xong đâu vào đấy. Thoạt vào tới cửa, anh đã được đón tiếp bằng cái nụ cười tươi như hoa của vợ anh. Anh sung sướng nhận thấy cửa nhà, đồ đạc ngăn nắp, sạch sẽ nó làm cho anh sống ở trong cảnh lều tranh vách đất mà vẫn được thở hút một thứ không khí dễ chịu.
Anh rửa ráy chân tay xong thì lên nhà đùa với con để cho vợ làm cơm tối.
Bọn Dương, Thông và lão già Mẫn cũng đến chơi nhà Thuật luôn. Anh em thường bày ra những cuộc rượu chè, hút sách để cùng nhau trò chuyện lắm bận mãi khuya mới về.
Thuật hết sức làm cho bạn vui lòng nhưng riêng phần anh thì không say sưa bao giờ cả; còn đến thuốc phiện thì tuyệt không.
Thông vẫn thỉnh thoảng nói khích Thuật:
- Làm đàn ông mà không dám ngậm đến cái đầu dọc tẩu thì thực là hạng đàn ông tồi hoặc sợ vợ!
Thuật chỉ cười và đáp:
- Người ta có vợ để mà sợ chẳng hơn nhiều anh chẳng có vợ, đêm đêm nằm co tôm một mình trong ổ rơm ấy à?
Dương gật gù nói:
- Cái cảnh ở nhà chú nó thế mà sướng! Ở đời này chẳng gì bằng được khỏe mạnh để làm kiếm miếng mà ăn. Trong nhà thì vợ chồng hòa thuận nhau, không xảy ra những cảnh lôi thôi cãi cọ. Thực, tôi thấy lắm cảnh vợ chồng mà sợ. Thằng đàn ông đi làm cả ngày như con trâu cày thế mà hễ thò mặt về đến nhà thì con vợ miệng đã ngoác đến mang tai, nói như thiên hô bát sát! Lắm nhà được chị vợ nết na nhu mì thì lại phải anh chồng trái chứng trái thói, nghiện ngập, chè rượu, cờ bạc, trai gái đủ ngón lại còn hay sinh sự chửi bới là khác nữa.
Tép cười nói chõ:
- Anh biết thế mà anh còn cứ hút thuốc phiện mãi vào!
- À, tôi lại khác! Tôi đã nhất định không vợ con gì cả!
- Suốt đời anh cứ thế hay sao?
- Phải, suốt đời tôi cứ trơ thổ địa thế này thôi, chẳng vợ chẳng con gì hết!
- Có! Anh nói thế nghe vẫn dễ nhưng...
- Chẳng nhưng nhiếc gì cả. Tôi nhất định thế là cứ thế. Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi không cùng một ý với mọi người.
Thuật hỏi:
- Anh nói thế nào, tôi không hiểu!
Dương nhìn Thuật, nửa như giễu cợt, nửa như thương hại:
- Chú hiểu anh thế nào được!
Thuật nhũn nhặn đáp:
- Vâng, tôi thì thực thà lắm. Bởi thế nên mới cần anh giảng rõ cho tôi nghe xem ý nó ra làm sao.
- Ý tôi là cái ý một thằng chán đời. Tôi nghĩ rằng cha mẹ tôi đẻ tôi ra chẳng cho tôi được học hành gì cả đến nỗi ngày nay tôi chỉ có thể là một thằng phu mỏ, một thằng phu mỏ suốt đời cứ phải làm như một con súc vật, sống như một con súc vật. Tôi thấy lắm đứa ở làng tôi, ngày bé cũng đi chăn trâu chăn bò, đùa nghịch với tôi ở ngoài đồng, trí khôn của chúng nó cũng chẳng hơn gì tôi thế mà chỉ vì cha mẹ chúng nó lắm tiền cho chúng nó ăn học, bây giờ làm nên cả. Thằng thì ông phán a, thằng thì ông ký a. Lại có một thằng tên gọi là thằng Mốc, ngày bé thò lò mũi xanh bẩn như chó thế mà không hiểu nó làm ăn ra thế nào nay đã đường hoàng một ông tuần phủ, về làng làm như hét ra lửa ấy!...
Ngửa cổ tợp một hơi rượu, Dương thở dài, nói tiếp theo bằng một giọng đầy phẫn uất:
- Còn tôi? Phu mỏ mãn đời phu mỏ!... Tôi nghĩ cái số phận mình nó đã như thế thì còn thiết đếch gì vợ con nữa. Lấy vợ về để đói rách với nhau một lũ ấy à? Đẻ con ra để sau này lớn lên lại chui vào lò làm phu mỏ ấy à? Thôi, tôi xin kiếu!
Lão già Mẫn vỗ đùi ra dáng thú vị lắm.
- Chí phải! Bác Dương nói chí phải! Chính tớ cũng nghĩ như vậy!
Thuật dụi cái tàn đóm vào thành bát điếu, thủng thẳng nói:
- Tôi thì tôi cho rằng việc đời là khó hiểu lắm! Mình sinh ra đời chẳng nhẽ không làm như người ta...
- Chẳng nhẽ! Ấy chỉ chết cái chẳng nhẽ đó thôi! Đã làm một việc gì mà chẳng nhẽ không làm thì tức là mình bó buộc mình. Tôi, tôi rất ghét sự bó buộc!
Tép nói giọng dàn hòa:
- Người ta sướng khổ là do số cả. Tôi chẳng thấy lắm con nhà nghèo mà cũng làm nên nhan nhản đấy thôi!
Dương cãi:
- Trong một nghìn đứa con nhà nghèo khổ dốt nát, cô thấy mấy đứa làm nên? Một hay hai đứa? Bất quá một hay hai đứa là cùng! Còn bao nhiêu cứ cực khổ suốt đời như một đàn chó. Ở đời này chẳng có số hệ gì cả. Tôi...
Tép cũng không chịu:
- Không tại số thì anh bảo tại lẽ gì mới được chứ?
- Cô là đàn bà, tôi nói ra chưa chắc cô đã hiểu.
- Gớm, anh khinh đàn bà vừa vừa chứ! Anh thử cứ nói đi cho tôi nghe nào.
- Sở dĩ ở đời có kẻ giàu người nghèo là bởi loài người bóc lột nhau để chiếm làm của riêng. Đứa nào xỏ lá, gian giảo thì thường thường cướp được nhiều lợi. Đứa nào ăn ngay ở thẳng thì dù có làm bỏ cha bỏ mẹ đi cũng vẫn cứ xác xơ. Tiền của đã hơn kém thì tự khắc sinh ra có kẻ làm thầy để đè nén, có kẻ phải làm đầy tớ để chịu đè nén và trăm nghìn sự không công bằng cũng từ đó mà ra. Hãy lấy ngay cái mỏ than này làm thí dụ. Tôi hỏi cô: Ai làm ra than? Chúng mình! Ai đúc nên máy? Chúng mình! Ai lau chùi những máy móc? Lại cũng chúng mình! Chúng mình làm ra tất cả. Chính bọn mình đem mồ hôi nước mắt mà xây dựng ra cái mỏ than này. ấy thế mà cái mỏ than này lại không phải là của mình mới tức chứ! Than làm ra bao nhiêu bán đươc lợi chủ đều thu cả, ăn ngập mày ngập mặt lên rồi còn thừa thãi đồng nào mới đến phần bọn ta!
- Anh nói thế, tôi không chịu! Chủ người ta không bỏ vốn ra hết trăm ấy nghìn khác thì chúng mình làm trò gì được? Sao bọn phu mỏ không vào rừng hoang mà tự mình khai mỏ lấy than, kẽm đem bán lấy tiền chia nhau có được không, việc gì còn phải đi làm thuê nữa!
Dương cười ha hả.
- Ừ, cô em cãi khá đấy!...
Tép đỏ mặt.
- Khá hẳn chứ lại!
- Nhưng anh hãy hỏi cô nhé?
Tép tự đắc:
- Vâng, anh cứ hỏi.
- Tiền vốn kia ở đâu mà ra? Có phải là cái tiền chính bọn mình làm ra nhưng bọn chủ nó ăn cướp mất không?
- Anh làm chủ xem anh có ăn cướp như thế không?
- Ấy chính thế mới khốn nạn. Chính cái thói chiếm đoạt làm của riêng ấy nó là nguồn gốc của hết thảy mọi khổ não mà chúng ta hàng ngày thấy nhan nhản ở quanh mình.
- Đã thế thì làm thế nào được?
- Sao lại không! Bây giờ cứ đừng cho ai chiếm vật gì làm của riêng cả là tự khắc không có sự bóc lột, sự hà hiếp, sự bất công, và kẻ giàu người nghèo chênh lệch nhau nữa!
- Ai cấm được?
- Chúng mình chứ lại còn ai nữa!
Cả bọn phá lên cười và nói:
- Anh làm như chúng mình là vua quan hết cả!...
Dương phát gắt:
- Các anh chớ cười. Tôi nói, các anh có nghe hết câu thì tôi mới nói và các anh cũng mới hiểu được! Chứ mới nghe nửa chừng đã vội pha trò cười thì đến mãn đại cũng không mở mắt ra được mà cũng chẳng ai hoài hơi người ta thèm bảo cho mà hay!
Thông vớ cái điếu đoạn vừa nạp thuốc vừa nói:
- Anh làm y như là thầy học của cả bọn!...
- Thông! Mày ngu lắm. Tao có phải đẻ ra đã biết những điều ấy đâu? Tao chẳng qua cũng nhờ có người khác giảng cho mới biết, nay lại đem nói lại cho anh em nghe vì là một câu chuyện có liên can đến cái đời của chúng mình, chứ tao thì làm thầy ai được. Nếu tao có thể làm thầy kẻ khác, tao đã không đến nỗi đi làm phu mỏ!...
Dứt lời, Dương bó gối ngồi im với một vẻ bất mãn rõ ràng trên gương mặt.
Tép sợ Dương dỗi, ngọt ngào khẽ bảo Dương:
- Anh Dương, anh nói nữa đi cho em nghe với. Tính anh Thông hay cười cợt, anh chấp làm gì!...
- Thôi, chả nói nữa!...
Lão già Mẫn cũng họa theo:
- Anh nên nghe chị Thuật nói nữa đi cho chúng tôi hiểu với.
Rồi, vớ chiếc xe điếu, lão giơ lên đe mọi người:
- Anh nào không nghe thì cứ hút thuốc phiện đi, hễ đâm ba chè củ là tớ vụt.
Câu khôi hài ấy làm cho Dương cũng phải bật cười. Anh lại bắt đầu nói:
- Hồi ấy, tôi còn làm phu ở mỏ Vàng Danh. Một hôm thấy trong bọn anh em có nhiều người lạ mặt. Họ nom cũng có vẻ sáng sủa thông minh lắm. Chính họ đã giảng giải cho chúng tôi nghe. Chính họ đã đưa ngầm những sách vở cho chúng tôi đọc. Câu chuyện của họ thoạt đầu chúng tôi không hiểu và còn chưa thiết nghe. Sau, chúng tôi cứ rạng dần, rạng dần. Chúng tôi không cãi lý với họ, chúng tôi chỉ lắng tai nghe và cố hiểu. Những câu họ nói làm cho chúng tôi kẻ thì đâm ra hờn giận một cách mờ tối, kẻ thì lo âu, có kẻ lại đâm ra hy vọng một sự gì mới lạ mà chính mình cũng không tự biết.
Thế rồi, một hôm, những người lạ mặt đó đều bị bắt vào nhà pha...
Ai nấy hoảng hốt nhìn nhau...
Dương mỉm một nụ cười đau đớn:
- Phải, họ cùng bị bắt vào nhà pha. Cảnh sát mật thám ở đâu kéo về như bươm bướm. Họ khám nhà này, xét nhà khác, dò la, nghe ngóng làm cho cả mỏ nhao nhao lên một độ. Sau cùng họ lại biến đi đâu hết. Cả những người bị bắt cũng bị họ dẫn đi. Nghe đâu về sau họ đều phải chết chém hoặc đi đày cả! Tình thế đã yên yên, chúng tôi bấy giờ mới khẽ hỏi nhau và mới biết rằng các người kia đều là những đảng viên Cộng sản...
Thuật hỏi Dương:
- Ừ, tôi nghe mang máng đến Đảng Cộng sản mà thực ra vẫn chưa hiểu nó ra làm sao cả!
- Cộng sản là một chủ nghĩa do người nước Nga xướng lên...
- Nước Nga là nước gì?
- Cũng chẳng biết nữa. Hình như đó là một nước lớn ở gần nước Tây Trắng thì phải. Vậy một nước Nga xướng lên chủ nghĩa cộng sản rồi nó cứ lan dần ra các nước vì ở đâu cũng có người theo.
Tép ngây thơ:
- Tại sao ở đâu cũng có người theo?
- Tại ở nước nào cũng có người giàu kẻ nghèo, ở nước nào cũng có sự bất công, sự hà hiếp, sự bóc lột.
- Thế ra cộng sản là một đảng của bọn nghèo?
- Chính thế! Chủ nghĩa cộng sản là cái chủ nghĩa của bọn cùng dân như chúng ta. Ấy cũng bởi thế cho nên những người theo Đảng Cộng sản đều bị bọn giàu có, mà người ta gọi là bọn tư bản, nó bắt bớ, đày ải, chém giết.
- Tại sao thế?
- Tại họ sợ cho cái hầu bao của họ, cái hầu bao chứa đựng những của mà họ đã cướp được của bọn nghèo!
- Thế chủ nghĩa cộng sản để làm gì?
- Là để chia đều của cải cho mọi người, cấm không ai chiếm vật gì làm của riêng cả. Tiền của cũng chia đều nhau, ruộng đất cũng chia đều nhau, ai cũng như ai, không có ông cai Tứ chỉ ngồi mát ăn bát vàng cũng không có lão già Mẫn, cùn đời làm đổ đom đóm mắt mà vẫn không có đủ tiền đong gạo!
Một trận cười nổi lên làm cho câu chuyện Dương nói bớt vẻ nghiêm nghị.
Thông cưòi sặc sụa và nói:
- Thú nhỉ? Đã thế chắc không còn những túp lều tối lụp sụp như tổ chuột ở liền ngay bên cạnh những tòa nhà Tây hai ba tầng mà người ở không hết nữa!...
- Chính thế!...
Như chưa được chắc ở sự thực, Thông hỏi gặng:
- Nghĩa là chúng mình cũng có nhà gạch ở?
- Phải!
Thông nhảy lên chồm chồm:
- Sướng quá! Sướng quá! Còn đợi gì mà anh Thuật không dỡ mẹ nó cái nhà lá này đi!...
Thuật phì cười:
- Cái anh này điên chắc?...
Dương cũng cự:
- Chuyện còn ở trời nam bể bắc nào chứ đã nước mẹ gì mà làm rối lên?
- Khốn, nhưng mà từ bé tớ chưa được biết mùi ở nhà gạch nó ra làm sao cả thì tớ không khao khát làm sao được?...
Lão già Mẫn đủng đỉnh nói như lão vẫn nói xưa nay:
- Còn chờ mục xương nới có cái ngày ấy. Mà vị tất!... Từ nay đến ngày ấy thì còn vô số anh vào nhà pha, vô số anh đi đày, vô số anh phải chết chém!
Dương hăng hái:
- Thì cũng phải thế mới được chứ! Phải lấy cái chết mà chữa cái chết! Phải có hàng nghìn mạng chết đi mới mong làm sống lại ức triệu người chết dở...
Thuật hỏi dớ dẩn:
- Này, nhưng mà làm sao những người cộng sản độ ở Vàng Danh lại bị bắt cả?
Dương buồn rầu đáp:
- Nghe đâu vì mấy thằng trong bọn culi nó bảo chủ nên chủ nó mới xin mật thám về bắt.
- Lại tồi thế nữa!
- Ấy, ở đời bao giờ cũng sẵn có những quân khốn nạn ấy! Người ta mở mắt cho chúng, chúng không biết ơn thì chớ lại còn xoay ra phản bạn!
- Tại chúng nó sợ chứ gì?
- Ấy, hễ người ta còn sợ thì người ta còn phải mãn kiếp lầm than!...
Câu chuyện nhàn đàm không ngờ có một ảnh hưởng lớn trong tâm hồn Thuật. Mối bực tức vô căn cứ trong lòng anh hình như đã được thỏa vì có người vừa cắt nghĩa cho anh hiểu cái lý do những bất bình mà anh thấy nhan nhản quanh mình.
Nghĩ vơ nghĩ vẩn, Thuật lại nhớ đến câu Dương vừa nói: "- Lấy vợ về để đói rách với nhau một lũ ấy à? Đẻ con ra để rồi khi nhớn lên, đứa con ấy lại chui vào hầm mỏ để làm culi suốt đời ấy à?" Thuật thở dài, liếc nhìn trộm Tép và đứa con anh mà Tép đang bế thon lỏn ở trong lòng.
Anh thở dài, vì anh cảm thấy một cái gì vừa như sự xót thương lại vừa như sự hối hận...