Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hẹn Với Mát-Xcơ-Va
.
ĐẾN MỘT NƠI NÀO mà chưa viết hay không viết được, cái thiếu cố gắng ấy làm cho mình có nợ, cứ băn khoăn như đã lỗi lời lỗi hẹn. Nơi ấy là Hang Bla ở Phù Yên, là làng Chu Phan bên sông Hồng, hay thành phố ở bờ biển Nha Trang, hay Đa Ét Salam tận Đông Phi xa xôi…
Ấy vậy mà chưa khi nào tôi viết về Mát-xcơ-va. Ở đấy, tôi có nhiều bạn. Có người quen nhau từ thuở trẻ đến bây giờ đã già, có người đã mất. Cái tình đối với Mát-xcơ-va lặng lẽ và sâu đến thế. Ngót ba mươi năm nay - gần nửa đời người rồi, chỉ nhớ đã đến Mát-xcơ-va từ hồi tàu hỏa liên vận mười hai ngày đêm và chiếc máy bay IL 18 bốn cánh quạt chứa vài chục hành khách. Bây giờ, mỗi chuyến IL 86 đáp xuống Nội Bài, được hơn ba trăm người, không kể đoàn phi hành. Hồi ấy mới lác đác người đi công tác và cán bộ, học sinh đi học. Nay đến các cô các cậu con cái lớp người ấy cũng đã tốt nghiệp trở về, cười nói liến láu, ngồi đông chật cả chuyến bay. Có phải thói quen thân tình của người ta thường thế. Nhà bạn mình hay đến lại không để ý số nhà. Người ta thân yêu, bỗng dưng một hôm nhìn thấy ở khóe mắt cười đuôi mắt gấp mấy nếp nhăn, mới chợt thương cảm nhau biết ngần nào.
Tấm lòng đối với Mát-xcơ-va của tôi tự nhiên là dường ấy. Có buổi chiều tha thẩn ở Hồng Trường, khách tham quan đã vãn, nhìn xuống, vắng những nô nức chen chân, mới nhận thấy ở góc gần tường thành, quanh viên đá đen lát đường, trong khe, xanh dịu một thoáng rêu, một ánh cỏ, như lá rau má, như đuôi hoa mã đề, vừa lọt dưới chân người bước qua. Gặp bất ngờ mà không ngạc nhiên, giữa những bờ đá, thềm đá đồ sộ lịch sử có những cây thông tuyết trắng xanh, bàn tay khéo léo ý nhị của người thợ vườn hoa cho khách kỹ tính ngắm một đốm xanh li ti thoáng bóng ruộng đồi mênh mông ngoài kia, một nét tình cỏ cây đồng nội.
Đã chập tối, dòng người trên đường hút vào ánh sáng điện các đại lộ xung quanh, tự dưng quảng trường mà suốt ngày đông nghịt khách thập phương, như doãng ra. Những chiếc bóng bồ câu bay vào dưới mái lều chạng vạng sáng đèn, vừa còn thấy hàng trăm bồ câu dưới mặt đường đá phiến.
Nhìn lên cao cao, lại thấy cả đàn chi chít. Thoạt trông, tưởng những con dơi bay ra hoàng hôn Hà Nội. Nhưng làn cánh nghiêng thoắt qua thoắt lại, đấy là nhạn bay. Con nhạn tỏa vào những ngày đổi trời, cây hoa tuyết mùa hè rắc những sợi bông vương vào cửa sổ như mạng nhện. Nhớ bông quả gạo nở bay nhởn nhơ bên hồ Gươm.
Đây với Hà Nội so le sáu tiếng, thế mà cái nhớ cứ chan hòa. Bởi vì, đã ngót nửa thế kỷ nay, mỗi người chúng ta đặt chân đến Liên Xô vẫn tưởng như không mảy may xa cách, bao giờ cũng đầm ấm như tới ngõ nhà mình. Cảm thông ấy đã xóa đi mọi cách trở quan san.
Thấy nhạn bay đầy hoàng hôn Mát-xcơ-va mà tôi lại nhớ thành phố Hồ Chí Minh, chiều chiều cũng bao nhiêu là nhạn nối đàn từ ngoài sông Sài Gòn vào lượn cao trên hàng me cổ thụ, rồi chặp tối, tíu tít vào các tổ đầu hồi mái nhà. Thế là sắp trở trời. Vào thu miền Nam không có heo may, chỉ thấy mưa buổi chiều. Những con nhạn cảm thấy hơi thu rành rõ hơn người. Trên hồ Gươm, ngoài Hà Nội sớm sớm nhạn chao cánh lẫn sương mù mặt hồ. Những con nhạn bay thấp đến độ trẻ con nghịch móc mảnh lưới bóng bàn giữa hai gốc cây ngả bên hồ, nhạn mải bay đã đụng vào, sa xuống nước. Ven hồ, tiếng trẻ reo ánh ỏi. Không biết tại nhạn lướt đi vi rút đến tối mắt hay sương suống mặt hồ mù mịt hơn, trong khi ngày đã rạng rồi. Chỉ những thành phố ven sông mới có được cảnh sương khói lạ ấy.
Sương như tỏa lẫn trong đàn nhạn ra càng nhiều. Ngày mai trời trở cơn giông đây. Mát-xcơ-va hệt thời tiết Hà Nội vào thu. Đó là cái sương mù hiếm thấy của những thành phố có con sông chảy qua. Những ngày vào thu muôn thuở, hơi nước rưng rưng mặt sông, vừa tảng sáng thì cất dần lên, như hơi thở con sông. Không phải mù mịt khói sóng, cũng không phải sóng lúa mờ mịt như sương ngày trong đồng sánh vào làm xanh xám chân tre kéo ngắn buổi chiều lại. Đấy là hơi thở của dòng sông. Ai sớm mai qua cầu Thăng Long, thấy con sông Hồng thức giấc, dòng nước oằn mình như thật, như không, thấy đấy mà lại xa xa đấy, làn sương bay lên như tấm choàng tưởng tượng mở ra trên mặt nước trong óng trắng ngần và trời Hà Nội thì phút chốc bỗng mờ đi. Thế rồi mưa xuống chốc lát, mưa thưa như đếm được từng hạt. Sương mặt sông đã dâng lên thành cái mưa kỳ lạ ấy.
Sông Mát-xcơ-va ngửa mặt đương thở lên trời sương, nhìn xa bến cảng bên tường Kremli mờ mờ bóng sương yểu điệu.
Quả là sáng sớm, trời Mát-xcơ-va bọc một làn hơi nước mỏng manh, thành phố nhộn nhịp hơn hẳn mọi ngày, người đổ ra đường đi trong hơi thu. Như người ta cố vớt vát ít ngày còn nắng ráo.
Mát-xcơ-va chớm thu đã lạnh - ít nhất, đối với những người gốc gác vùng nhiệt đới thì cái mát đầu thu ở đây cũng đã khá lạnh rồi. Đôi ba khó khăn vặt vãnh cho người ở đỗ giữa những chặng đường đến nhiều đất nước thời tiết khác nhau. Tôi chỉ ở lại Mát-xcơ-va một đôi ngày, đợi đi Trung Đông. Từ khi cuộc sống đất nước ta bước vào quỹ đạo thế giới, nhiều người ra nước ngoài, đi công việc hay đi học, thật bình thường mà khác thường, cũng là đặc điểm của tình hình và thời đại. Chúng tôi trọ khách sạn khác nhau, tùy công việc chuyến đi, nhưng thường ở những nơi sang trọng, “Ô ten” ba sao, năm sao, khách sạn “Nước Nga”, khách sạn “Mát-xcơ-va”, khách sạn “Xêviếtcaia”… Khách sạn Tháng Mười, nhà khách Đỏ của Đảng, của Xô Viết tối cao. Làm việc, đi họp, những công tác xung quanh bàn và ở hội trường. Có khi trọ cả tháng một khách sạn, đi vắng vẫn giữ buồng, hách hơn những nhà giầu chơi đâu cũng ghé vội vã để còn đi được nhiều nơi và khi trả buồng, đưa chìa khóa thật khít giờ cho khỏi thiệt. Chúng tôi ung dung ngày rộng tháng dài. Chúng tôi không biết cái vui, cái tính đếm của các tay buôn, giao hàng làm áp phe quốc tế, những triệu phú đi du lịch và những ông già bà cả nước Anh, nước Nhật rong chơi dối già, ốm yếu đến độ phải gọi xe đẩy vào cả thang máy mà vẫn hổn hển đi. Những ông hoàng bà chúa, những nhà quyền quý ở châu Á, châu Phi, vác theo một bị tiền và séc, và bầu đoàn thê tử có đến chục mống, cả trẻ mới sinh còn ẵm ngửa. Không, chúng tôi đi công việc của đất nước chúng tôi.
Vài ngày nữa tôi đã đến những nơi không biết lạnh bao giờ, thường có vùng châu Phi mấy năm mới có mưa. Hành lý người đi công tác chẳng mấy khi đủ được áo quần giầy dép phòng cho cả ba bốn mùa cứ chốc lát đến. Đôi giầy công tử mỏng manh của tôi chỉ chớm gặp cái thu Mát-xcơ-va đã hóa vô duyên rồi. Tất nhiên, chẳng mấy ai mang hai ba đôi giầy da trong va li.
Gần khách sạn có một phố nhỏ. Đấy là cái ngõ ngách thông phố lớn này sang phố lớn khác. Thủ đô Mát-xcơ-va cổ kính và hiện đại nhiều phố ngõ trổ hai bên đại lộ như thế. Chỉ vài bước vào ngõ, bao nhiêu suy tư bộn rộn đã được nhàn nhã thư rỗi. Giờ tan tầm, các thang máy xuống ga xe điện ngầm guồng rầm rập, người đi như nước cuốn, tấp nập hối hả, thế mà chỉ tạt vào một phố nhỏ ngay bên kia đường, đã khác hẳn. Trong ngõ, tàn hoa tuyết mùa hè còn trắng mặt lá hồng bụt. Người đi thưa thớt. Nghe được tiếng vòi nước lách chách bếp nhà ai cạnh cửa sổ đầu tường.
Xế ngõ, có một quán vách gỗ của ông chữa giầy. Lần đầu tiên tôi đến với ông ấy không phải là đem chữa giầy mà chỉ vì quen giầy dép phong phanh ở Hà Nội, đến Mát-xcơ-va mới để ý đôi giầy da lợn của mình lâu không được ăn xi, mũi nó nổi da cóc lên. Ông chữa giầy không kiêm đánh giầy. Nhưng ông có hộp xi cho khách mượn. Bao nhiêu dịch vụ tỉ mỉ phức tạp của thành phố triệu người, ở trung tâm cũng như những nơi khuất nẻo ngoại thành vừa mở rộng. Đứt một chiếc dây giầy. Đương đi, tảng băng cứng đánh bật mất miếng gót ủng ra. Có việc gấp, vào Bitstrô ăn nhanh, bưng bê lấy, góc phố nào cũng có. Cái búa bắn đinh vào tường, khăn tắm, cái dây, cái thừng, quai va li, xin mời đến “Cửa hàng 100 thứ lặt vặt”, tỉ mẩn đến đâu ở đấy đều có cả. Ngấy gà ướp rồi, đi chợ mua con gà mái tơ ở nông trang mang ra, thổi phù phù xem ức gà già hay non. Hai bông hoa lay ơn đến chơi nhà bạn. Hay bốn bông để lên tàu chín giờ đêm đi, vượt hơn chín trăm cây số, sáu giờ sớm hôm sau đã tới Lê-nin-grát, người đến tặng hoa người đón, bởi trên ấy hoa hiếm hơn Mát-xcơ-va. Tất cả, đâu cũng có, có ngay.
Lại phải đến ông thợ giầy này xem sao. Cách nào lão giúp cho mình được ấm, đêm tuyết xuống cũng ra đường được. Ba thợ giầy cộng thành Khổng Minh kia mà. Tôi nhớ hài hước câu ngạn ngữ ba lơn, lúc bước vào phố nhỏ yên tĩnh.
- Chào ông Nichêtốp!
Mắt kính ông lão trễ xuống.
- À chào đồng chí Việt Nam.
Thật cũng không biết có phải vẫn ông thợ giầy mọi lần khoác tấm tạp dề vải bò quấn tấm da lá đáp bạc phếch, bộ ria ghi đông nghểnh lên, đôi ủng cao ngang mặt bàn bầy đồ nghề, ông cũng giống như những tranh vẽ lão thợ giầy đi guốc gỗ cao lênh khênh trong các truyện cổ tích châu Âu. Trí nhớ tôi vốn kém, ông ấy mà cạo bộ ria, hay để râu khác kiểu, có thể tôi đã bối rối ngay. Chỉ nghe “đồng chí Việt Nam” tôi đoán được ông ta mà thôi. Hai chữ Việt Nam là tấm hộ chiếu thiêng liêng, không hộ chiếu đỏ, hộ chiếu xanh nào sánh được. Việt Nam, cái tên không chỉ riêng ai, mà là tất cả - một thành ngữ của thế kỷ. Đến nhiều đất nước khác nhau trên trái đất, ta thường được gặp câu chào hỏi tin cậy ấy. Đồng chí Việt Nam, ở Cu Ba, ở Nicaragoa, ở Áp-ga-ni-xtan.
Ông ấy đứng lên lôi trong gầm quầy gỗ ra hai chai bia. Trông thấy chiếc nạng kẹp dưới nách áo bảo hộ lao động lụng thụng, tôi mới thật sự nhận ra ông thợ giầy quen.
Tôi bước vào, ôm hôn bạn già, trong khi tay ông vẫn giơ cả hai chai bia và nói:
- Bia Mát-xcơ-va chai nhỏ đây.
Bia chai nhỏ nhãn vàng Mát-xcơ-va đậm ngon như bia Tiệp Pinsen. Loại này hiếm, có ở cửa hàng người ta mua hết ngay.
Chúng tôi tu cả hai chai, không cần cốc. Chùi mép rồi, ông hỏi.
- Cần gì nào?
- Ở Hà Nội mùa thu không lạnh thế này.
- Lạnh chân phải không?
- Vâng, gió hút vào chân.
Ông thợ giầy quay lại ngăn kéo sau lưng, rút cái xơ mướp đệm giầy và miếng lông thỏ xám nõn nà, nhác trông không biết thật hay giả da.
- Cái này chống lạnh gan bàn chân. Còn hai miếng lông thỏ bọc vào cổ giầy. Không sợ ai cười hết. Chúng ta có thời có mốt của chúng ta. Người có tuổi không mất thì giờ bàn bạc xấu đẹp như bọn trẻ. Cốt nhất giữ ấm đi đêm, càng khuya chân càng ấm, cái giống lông thỏ lạ thế.
Ông thợ giầy cởi dây ấp miếng da thú vào cổ chân tôi. Ông lão lại chê chân tôi nhỏ quá. - “Hôm nào đi nhà hàng trẻ em mà mua giầy. Đồng chí biết không, ở Mát-xcơ-va, mọi thứ trẻ con cần dùng đều giá rẻ như cho không, thế đấy”. Ông lão không lấy tiền, không bán miếng lông thỏ. Chỉ nói hôm nào đi, nhớ đem trả và “có sang Tiệp thì khuân bia Tiệp về”. Tôi còn ngồi một lúc nữa với ông thợ giầy mà tôi hay quấn quả và dần dần tôi mới nhớ lại bộ ria đỏ bẻm, mu bàn tay xăm hàng chữ số 1942 và ở đầu cái mạng khắc chữ Stalingrát mà đã mấy lần tôi trông thấy rồi. Người Nga, thoạt quen, vẻ như chóng già. Nhưng người già thì cứ thế, năm này năm khác gặp lại, cũng vẫn dáng dấp như vậy, tưởng như không bao giờ già hơn nữa. Ông thợ giầy của tôi cũng vậy. Có thể ông đã tám chín mươi tuổi mà từ năm nào, mấy năm mới gặp lại thấy ông vẫn râu tóc bạc gần kín mặt như thế, ngồi cắm cúi làm, trên bàn trước mặt bề bộn lằng nhằng dây dợ, cục sáp, con dao, cái búa, hộp đinh.
Trước hôm đi, tôi đem trả ông miếng da lông thỏ. Lại xách đến mấy chai bia cho ông bạn lấy cái chúc tôi lên đường. Chưa bao giờ tôi hỏi xem tổ chữa giầy đã phân công ông làm quán đây, ông còn ăn lương hay đã nghỉ hưu, đi làm thêm cho vui chân vui tay. Ông bị thương ở Vôngagrát như thế nào. Tôi kính trọng người công nhân thương binh già mà không hỏi. Tôi không muốn hỏi. Tôi thường hà tiện những câu lục vấn người ngồi trước mặt, cả những khi làm việc cho một bài báo. Cứ trò chuyện, khi nào trò chuyện được tự nhiên thì mỗi câu thổ lộ chẳng khác tâm sự nói ra với bạn.
Đến hôm ở Đa-mát trở lại, qua Li Băng. Sân bay quốc tế Bây-rút vừa được mở cửa lại. Đây chỉ cách Mát-xcơ-va vài giờ bay, đã vào thế giới khác, quanh mình rình rập những bất trắc và cái chết thình lình. Trên tường nhà đợi, một phát rốckét thuốn vào, mảng vôi vữa gạch vỡ rơi xuống chân tường, còn nguyên đấy. Đường băng dài như liền ra mặt biển, lốm đốm vết lỗ đạn trên xi măng, mới thoạt, tôi không nhận ra cái ga trời của thành phố tôi đã có dịp đến. Chúng tôi thông thường thấy thành phố các nước anh em như ở Mát-xcơ-va, bộ mặt đổi mới nhanh đến tưởng tượng cũng không theo kịp. Như nhà cửa, lâu đài trong truyện cổ tích Grim. Mới năm nào, một quãng lại gặp xe ủi hùng hục húc dãy nhà cũ. Lần khác qua, đã thấy những dãy nhà tám tầng mới tinh như vừa bóc giấy bóng. Nhớ mãi mới nhớ ra hồi nào ở đây còn có cái nhà vách mái gỗ cũ kỹ.
Những cảm tưởng so sánh. Bây-rút yêu kiều xưa trước mặt tôi đây đương tàn tạ. Vẫn dẫy nhà trại lính một tầng. Một chiếc xe vận tải nhỏ phóng vòng vèo như điên trên đường vào thành phố vắng teo. Biết đâu, cái xe chẳng là mục tiêu của khẩu đại liên, khẩu súng cối nào trên dãy núi thấp quanh Bây-rút. Qua địa phận của bọn theo đạo Gia Tô núp bên kia lằn ranh giới xanh xé đôi xé ba thành phố. Hôm trước, đại bác đã nã mấy ngày liền, sân bay phải đóng cửa, mới mở lại. Chỉ có độc một cái TU 128 lăn bánh theo quạt hiệu thủ công của nhân viên hàng không phất lên rối rít. Vắng đến rợn người.
Tôi bùi ngùi nhớ cuộc tiễn đưa năm ấy, các cô các cậu sinh viên Li Băng làm phiên dịch cho hội nghị còn quyến luyến mãi khách xa rời chân. Ai cũng muốn được đến Việt Nam đánh Mỹ. Thế rồi loạn lạc đã đem tan nát đến tận đây. Được tin ông bạn nhà văn già Giumblat bị quân Gia Tô bắn chết. Ngỡ như còn cầm tay, đoán cái tạng gầy gầy mà nhanh nhẹn thế kia, hẳn sống lâu, hôm đến thăm trang trại của ông trong vùng núi người Đờru ngoại ô thành phố.
Thành phố Bây-rút trên bờ biển sừng sững xám ngắt như cái xác chết mở mắt. Cả nước Li Băng chen chúc những trại tị nạn tường đất mái bạt - đã ba bốn mươi năm người Palextin sống tạm bợ như thế, quanh các chợ giời. Cái chợ giời ở cảng Siđông người ta kể có bán cả súng liên thanh và máy bay lên thẳng. Đất nước nhỏ bé bị giày xéo triền miên trong những thủ đoạn lắt léo thâm độc của đế quốc Mỹ và bọn I-xra-en. Đến bao giờ mới tan cơn khủng khiếp, được thảnh thơi trong bóng vườn ô liu, vườn cam và Bây-rút đẫm mình vào những đêm vui suốt sáng bên Địa Trung Hải.
Hãy nhìn Bây-rút tang thương một lần nữa. Từng đống đổ nát cạnh những tòa nhà cao tầng rạc đi trong nắng quái vàng ệch.
Bay thêm một đỗi đã về đến Ô-đét-xa quanh đường băng xanh rờn, không phân biệt được thảm cỏ trồng với cánh đồng lúa mì mênh mông tít tắp. Thành phố cảng Ô-đét-xa viền những đường cây cát-stan mùa thu một rừng vàng tuyền, thuyền khách thăm bến, uống bia xé ăn cá khô Scumbria. Tàu du lịch trắng phau như những con ngỗng bạch khổng lồ bơi quanh Bắc Hải, từ Địa Trung Hải đến đậu cạnh tàu chở hàng nối đuôi vào. Trong vòm sương sớm, còi tàu rối rít rúc tránh nhau. Chốc lát, những đau thương Bây-rút đã lùi xa, mà lúc nhớ lại bây giờ cho tôi cái cảm tưởng đương về đến nhà.
Những cảm tưởng ấy bắt đầu từ kỷ niệm. Ai đến Ô-đét-xa, nếu gặp anh thủy thủ viết văn Gay-đa-ên-cô bạn tôi, thế nào Gay-đa-ên-cô cũng nhắn tôi một câu vừa thân thiết vừa trách - nhiều bạn đã kể với tôi tương tự thế. Đồng chí có quen nó không, chẳng biết nó có nhớ tôi không. Nó đã đến Ô-đét-xa với vợ chồng tôi mùa thu năm ấy. Gay-đa-ên-cô, làm sao tôi quên được anh, con người của biển và tất cả những con người của biển phía nam ấy, ở đấy, mọi người đàn ông được gọi là đàn ông đều phải đã từng đi biển và thật sự, người Ô-đét-xa ai ai cũng lênh đênh hầu khắp cửa biển các đại dương. Vẻ mặt và tính nết những người kẻ bể này có khác với những người ở sâu trong đất liền. Họ đi đứng ăn nói khoáng đạt, tính nết như từ các phương trời gộp lại, mà lý thú nhất, những chuyện tiếu lâm người Ô-đét-xa kể, những chuyện cười vỡ bụng ấy chọc trời khuấy nước chẳng chịu thua. Tiếu lâm cửa bể Mạc-xây mà thế giới đâu cũng biết. Gay-đa-ên-cô, anh kể anh đã hai lần vào cảng Nhà Rồng, khi ấy anh còn trẻ và nước tôi còn mang cái tên ngẩn ngơ là xứ Đông Pháp. Làm sao quên được Gay-đa-ên-cô! Cái hôm Eptusenkô qua sông Hồng rời Hà Nội - hồi ấy đêm ngày phấp phỏng báo động, bom Mỹ đương ném thành phố chúng tôi. Khi sang cầu Long Biên, nhà thơ hùng biện của chúng ta đã ném một đồng tiền xuống nước và bảo rằng bỏ đồng tiền ở lòng sông này, thế nào, rồi tôi cũng trở lại, theo phong tục Nga. Tôi cũng đã thả đồng tiền xuống cửa biển và hứa với Gay-đa-ên-cô thế, anh nhỉ. Tôi chưa được dịp nào trở lại Ô-đét-xa, nhưng có phải bao nhiêu mong nhớ bấy lâu vẫn sum họp chúng ta lại?
Và Luxia Maccôna! Luxia Maccôna thương yêu! Chiến tranh Thế giới đã qua được ngoài mười năm, lần đầu tôi đến Liên Xô. Vết tích đau thương của chiến tranh vẫn còn ngổn ngang ở Lê-nin-grát, ở Ki-ép, ở Ô-đét-xa và ở mọi nơi có đến cả triệu con gái nhỡ nhàng. Những người yêu thương của các cô chẳng bao giờ về, những đời người dang dở, Luxia là người con gái xấu số ấy. Luxia làm công nhân nhà máy cá hộp thành phố. Nửa đêm, tan cuộc chơi với các bạn rồi chợp mắt ngay ở ghế tựa. Buồn quá. Năm ấy, nghe tin nhà máy tổ chức nghỉ cho công nhân. Luxia mùa hè đi chơi nước Đức. Cái gì làm khuây khỏa được người buồn, tôi cũng thấy vui lòng.
Đôi khi, Luxia lên Mát-xcơ-va chơi với cháu. Mỗi năm mỗi khác rồi. Người ta ở tuổi bốn năm mươi trở lên, ngày tháng cứ vùn vụt chạy trốn, còn mình thì hớt hải đuổi theo. Trời Mát-xcơ-va cao cao trong veo. Rừng cây công viên đương ngả vàng. Vài sợi bông hoa tuyết mùa hè còn sót lại, lơ lửng bay. Tôi nói tôi thích bông hoa tuyết. Marich lại bảo chịu làm sao được, bông giắt cả vào mũi, đến mùa hè hoa này bay, cả thành phố hắt hơi. Cái lần chuyện với Ina, tôi bảo: Tuyết đẹp quá. Ina nói: Làm sao mà yêu được tuyết, nó chỉ gợi người ta nhớ tiếc thời trẻ con, vả lại có bao giờ anh phải lầm lội nửa năm tuyết và băng như chúng tôi đâu. Tôi lại im. Cái thích của mỗi người ở mỗi lúc, ai mà giống nhau, dầu cho thân thiết đến thế nào.
Lên đến tầng, trước khi bấm chuông, Marich bảo:
- Tôi dành cho anh một điều bí mật. Cửa mở thì thấy.
Ra mở cửa, Luxia. Tôi nói đùa:
- Tôi cứ máy mắt bên trái và máy bay bay nhanh hơn hẳn mọi khi. Thì ra bà Luxia đến Mát-xcơ-va.
Đối với người gần gũi ta thường thấy mà đôi khi chẳng thấy gì cả. Dường như hôm nay tôi mới nhìn Luxia kỹ hơn. Tóc bạc quá. Chắc đã lâu cũng trễ tràng chẳng còn thói quen cầu kỳ tích trữ các thứ thuốc nhuộm. Những nét nhăn quanh cằm vạc xuống, lồi lõm cả khuôn mặt. Người đàn bà lỡ thì, hơn hai mươi năm trước. Luxia cao lớn, chắc chắn, đôn hậu, âu yếm. Bây giờ đọng lại một vẻ ơ hờ. Làn môi trễ, hai con mắt già lão cứ nghĩ đi đâu chứ chẳng còn vờn vỡ quanh mình.
Ăn xong, đã quá trưa. Chúng tôi bảo bà Luxia đi nghỉ. Chúng tôi ra nghĩa trang viếng mộ Êmin - bạn chúng tôi, diễn viên kịch đóng vai Đôngkysốt tuyệt hay. Êmin mất năm ngoái. Bà Luxia thong thả nói:
- Ở bên Đức, người ta đến nghĩa trang muộn hơn, gần chặp tối.
“Ở bên Đức người ta thế… người ta thế… ở bên Đức…” từ sau chuyến công đoàn nhà máy tổ chức đi nghỉ hè bên Đức, hầu như mỗi câu chuyện, bà Luxia đều nói kèm câu “ở bên Đức người ta…”. Chúng tôi ra đường rồi còn nói chuyện mấy năm nay, từ khi bà chị mất, Luxia già nhanh quá.
Những câu chuyện lỉnh kỉnh, vụn vặt, mà thân hình, chỉ có được trong đời sống bè bạn.
Ông lão thợ giầy Nichêtốp trong ngõ và Gay-đa-ên-cô, và Luxia, và tôi, những người bước ra từ trong chiến tranh. Nếu câu chuyện hàng ngày êm ả và nhạt nhẽo của chúng tôi phải do tình bạn lâu năm mới có được thì những điều đơn giản ấy không phải là đơn giản. Ở mỗi con người này mọi ăn làm, suy nghĩ, tiếng xe điện xuyên lòng đất, ào ạt túi bụi như cơn lốc cuộc sống, hay trong công viên nắng ấm, các cụ ông ngồi ghếch ba toong trầm ngâm, cụ bà và các cháu bé lại có cái vui rắc vụn bánh mỳ cho bồ câu chen đến nhặt. Trong quang cảnh nhàn tản ấy vẫn không thể quên, vẫn thấy như biểu hiện ở mọi công việc, mọi lo toan vẫn đều mang sâu hình bóng chiếc xe nạng gỗ của chiến sĩ Ivan Nichêtốp và nét mặt tuổi tác tàn úa đáng kính của bà Phain Luxia Maccôna.
Khách từ sân bay Sêrêmêtiêvô vào đến quãng ấy chỉ cách vùng Hồng Trường trung tâm chưa đầy hai mươi cây số. Rừng thông, rừng bạch dương bạt ngàn theo chân người đến đây dừng lại. Trong kia, đường phố mỗi năm một mở rộng, những tường nhà cao tầng vươn ra. Giữa thành phố và thiên nhiên có một quãng để trống lạ lùng. Một lằn nước mỏng manh, sông Jauza lượn theo bờ đường như dải lụa quấn bó hoa đồng rực rỡ. Bên trái, trên gò cỏ cao như chiến lũy, lủa tủa lên trời những thanh xi măng lớn đan chéo nhau…
Đấy là đài kỉ niệm chiến thắng trên chiến trường cũ. Hơn bốn mươi năm trước, phát xít Đức bao vây Mát-xcơ-va đã thọc sâu vào đến chỗ ấy. Chỗ ấy, chiến lũy của người Mát-xcơ-va và của con em các dân tộc khắp Liên bang Xô Viết làm nhiệm vụ thiêng liêng: bảo vệ thủ đô Mát-xcơ-va. Người Uran, Viễn Đông, Xi-bê-ri, Trung Á, tất cả vùng Mát-xcơ-va, già trẻ trai gái ra đào hầm, dựng chiến lũy. Xe tăng vừa xuất xưởng tướng Giucốp cho đứng từng tuyến chằng chịt pháo đài thép. Trận đánh khốc liệt đã liên miên từ mùa xuân sang mùa thu. Phát xít Đức bị ngã lật ngửa tan vào mùa đông Nga.
Tôi về qua đài Chiến Lũy sáng sớm ngày chớm thu. Sương hơi nước hờ hững như không, bốc lên từ những lòng sông vào thành phố. Tôi đứng lại tựa lưng vào thanh xi măng chiến lũy. Dưới chân, nước mùa thu trong leo đẻo. Bụi sậy đứng yên, con le le lặn xuống, trông rõ hai bàn chân hắt nước. Một chiếc ô tô nhà đỗ bên hồ. Cả gia đình có một cụ bà, đôi vợ chồng và ba đứa trẻ. Bọn trẻ con mặc sẵn quần áo tắm đỏ chói đương tíu tít cởi dây trên nóc xe dỡ xuống lều bạt, đệm và gối, bếp đun, các bọc thức ăn, ghế ngồi. Hôm nay, thứ bảy bắt đầu ngày nghỉ trong tuần, người Mát-xcơ-va còn rốn chơi hồ, trong khi mùa thu đến.
Tôi lại vào thành phố đầu mùa hạ năm ấy. Đêm trắng Mát-xcơ-va đánh thức thành phố từ ba bốn giờ sáng. Cơ man nào những học sinh - các cô gái váy trắng áo trắng, các cậu sơ-mi trắng một loạt, học sinh vui hội từ giã năm học. Năm nào cũng những cuộc chơi chia tay như thế suốt đêm trên Hồng Trường, phong tục đẹp ấy không biết có từ bao giờ.
Trời tảng sáng. Những cụm đèn chiếu quanh đài Chiến Lũy còn hắt bóng xuống đám tuổi trẻ qua dưới, vừa nhảy múa, vừa đàn hát và cười vang.
Mỗi ngày qua đây lại gặp một người trong cuộc sống yên bình khác nhau. Những chiến lũy trên chiến trường cũ khắc sâu ý nghĩa một triết lý, một chân lý trên quang cảnh thường ngày.
II.
Một quãng, dưới chân núi, thế là qua cửa Baiđa, bên kia đã mênh mông rừng đến tận thành phố pháo đài anh hùng Xê-bát-tô-pôn. Cửa ải xưa còn y nguyên. Tường đá, trạm gác, lỗ châu mai. Tưởng như vẫn quang cảnh ấy trong những truyện ký về Xê-bát-tô-pôn của Lép Tônstôi. Trên bán đảo Crimê mùa thu lá vàng, mà hoa vẫn nở cả vào đông, mào gà, cúc dại, viôlét loang lổ mùa hoa đồng. Chưa quen thời tiết phương nam, không thể nhận ra đương đứng cuối thu hay đã sang đầu xuân rồi. Một con sáo mỏ ngà từ đâu bay đến đậu trên chiếc đèn củ ấu treo ngoài tường tháp canh. Khách ngồi uống tách cà phê ấm áp trong quán trên ải, trông ra thanh vắng.
Không hiểu sao, mỗi lần lên cửa Baiđa, tôi lại nhớ câu hát cũ trên bến Đoan Hùng:
Kéo quân ra cửa Hùng Quan
Chim muôn tiếng hát hoa ngàn hương đưa
Chẳng liên quan đến nhau, mà cứ nhớ. Có lẽ bởi ở ta quang cảnh lịch sử chỉ còn thường nghe trong câu đồng dao, mà ngỡ như đến đây mới trông thấy cửa Hùng Quan.
Bờ biển Crimê, nơi nghỉ mùa hạ. Và cả mùa đông, mùa đông ấm áp, họa hoằn mới có một hai ngày tuyết. Khi ấy, khắp nước Nga, đâu cũng lầy lội và băng giá, người kéo về trú đông trong một vùng sáng hồng bờ biển. Ở Gápra có biệt thự của đại văn hào Lép Tônstôi. Ở thị trấn Mikho, Mắc-xim Goóc-ky có nhà nghỉ Niara, bây giờ trên nền cũ, thành phố dựng bức tượng ông. Nhà của Sê-khốp nay là bảo tàng Sê-khốp, chỗ đầu ô vào Ianta. Năm 1898, Sê-khốp tậu đất, bạn kiến trúc sư Sapôvalốp vẽ kiểu ngôi nhà hai tầng ấy chênh chếch giữa dốc. Vùng này giờ là quận Sê-khốp. Nhà văn ốm bệnh phổi này còn một ngôi nhà nhỏ ở Guốcđúp sát biển. Phố Sê-khốp ngày nay vẫn rợp bóng thông, sau bức tường đá, nhô lên một mái nhà xinh. Những năm cuối đời, Sê-khốp ở đấy, Sê-khốp đã viết cho bạn: “Tuyệt vời, lúc nào cũng nhìn thấy biển xanh dịu dàng, như mái tóc một cô gái hồn nhiên. Ở đây, ở cả nghìn năm không một chút sầu muộn”.
Chúng tôi đáp tàu hỏa đi Ianta. Suốt hai ngày đêm chéo qua các cánh đồng U-krai-na. Tôi muốn tìm một ít sách mang theo.
Vlát bảo:
- Về nhà tôi lấy.
Tôi chỉ biết Vlát thạo tìm quầy rượu, đến đâu anh cũng quen những tay pha cốc-tai có cỡ, mà chưa biết nhà anh ở đâu.
Nhà Vlát ngay giữa Mát-xcơ-va. Một phố nhỏ, tương tự ngõ phố ông thợ giầy Ivan Nichêtốp. Phố ngắn ngủi, yên tĩnh, những đường máng nối các đại lộ thường mang những tên cũ. Phố Vácsanốpsky, đến nỗi Vlát đã được sinh ra ở phố ấy mà cũng không biết đấy là tên ai. Cạnh một phố hẻm khác, phố Lò Rèn. Trông ra đầu đường lớn, người qua lại lung linh sặc sỡ như bình hoa lung lay trước gió, và bên kia “Cửa hàng thiếu nhi” lớn nhất, suốt ngày đầy tiếng cười và tiếng khóc của các khách hàng tí nhau trông thấy cái gì cũng đòi mẹ mua. Tiếng ồn ào các đại lộ ngoài cửa kính, nghe mơ hồ đâu đâu. Mưa ướt bóng đường phố cổ lát đá. Những nhà gác nối nhau, tầng hầm thấp dưới mặt đất. Mặt gạch thang gác in vết chân người bước đã hơi hõm giữa.
Nhà Vlát tầng hai, thoảng xa mùi giấy, như ở thư viện. Cửa sổ đóng chốt cả trên dưới, ngăn giữa giắt những miếng bông chống rét, như từ mùa đông trước vẫn thế, đã vàng ố. Vlát nhặt mấy quyển truyện trên giá và chúng tôi bước ra, trong khi bà hàng xóm sang chào, lưng quần tạp dề nhà bếp, tay còn cầm khăn lau. Dáng hẳn nghe tiếng khóa, bà lật đật ra. “Bà ấy trông nhà hộ tôi. Bà hỏi chúng ta có ở lại ăn trưa không?” - Vlát kể như thế và chúng tôi cám ơn bà rồi đi ra ga Kuốc.
Chín ga xe lửa chạy điện từ Mát-xcơ-va tỏa đi khắp nước. Ga Lê-nin-grát qua Lê-nin-grát lên Muôcmăng cực bắc. Ga Iarôla xuyên Xi-bê-ri sang Vlađivôtôc. Gadan đi Vôngagrát đến các nước cộng hòa Trung Á. Ga Kuốc xuống Ađecbaiđan, Gruđia, vào Crimê. Những đường bay, đường ô tô, xe lửa dọc ngang tới những nơi xa xôi, mà kỳ lạ tuyệt diệu, lại có thể đưa ta về thấy cả mười ba nước cộng hòa ngay tại Mát-xcơ-va gần gũi. Ở cao lâu Ararat ra, tai còn lưu luyến tiếng nhạc Ácmêni. Trong quán ăn Aravi, trên tường vẽ người ngồi xếp bằng, tay cầm cốc sừng trâu trước cái bong bóng rượu, chẳng khác quán thịt nướng Tibilitsi, ở chợ Tacken, khói thơm tuôn nghi ngút ra cửa sổ.
Tàu chạy vào cánh đồng U-krai-na bao la, đi suốt đêm mà sáng ra vẫn thấy phong cảnh từa tựa chiều hôm qua.
- Chúng ta bắt đầu đến vòng cung Kuốc, “vòng cung”, một danh từ quân sự hồi ấy.
- Cũng như “chiến lũy” ở Mát-xcơ-va.
- Phải vòng cung Kuốc, chiến lũy Mát-xcơ-va, Lê-nin-grát anh hùng, những chữ thiêng liêng sống mãi theo nghĩa riêng của nó.
Rồi tự dưng Vlát nói:
- Nhà tôi ở Vácsanốpsky từ trước chiến tranh. Mẹ tôi và hai anh em tôi.
Các nhà ga lướt qua, loáng thoáng như trong phim. Những cánh đồng đứng yên rồi chuyển động quay từ từ theo cửa sổ toa tàu. Đồng mùa thu đã bắt đầu được ủ rơm. Mai kia, tuyết xuống, hạt thóc giống nằm trong băng suốt mùa đông cho đến sang xuân, cây lúa nhú lên khi băng tan, cùng với những đóa hoa chọc tuyết nở, mặt đất còn loang lổ băng vỡ và những mảng nước chảy rả rích. Những cảnh ấy, cảnh làm ăn trên vựa thóc U-krai-na rộng nhất, phì nhiêu nhất từ Trung Âu đến đây. Bức tranh yên tĩnh: cánh đồng, hàng bạch dương đầu thị trấn, dưới gốc cây kê chiếc ghế bằng khúc gỗ và những cụ già ngồi nhìn theo con tàu.
Không còn thấy đâu vết tích chiến tranh và tàn phá của chiến dịch Kuốc trên đồng bằng xoải cánh đến ngợp mắt này. Trận Kuốc đứng ngang các trận bảo vệ Lê-nin-grát, Mát-xcơ-va, Xê-bát-tô-pôn với Stalingrát anh hùng. Nhưng chiến tuyến Kuốc dài nhất, cả nghìn cây số đồng bằng, đến tận Gian Côi và bãi lầy bờ biển Cátpiên.
Suốt đêm chập chờn, cửa sổ loáng ánh điện các ga nhỏ - nghĩ như con tàu vũ trụ bay thoáng qua các vì sao. Trời vừa rạng sương, lại vẫn chỉ thấy cánh đồng và làng mạc thị trấn giống hôm qua. Hai ngày tàu ròng rã mà chưa tới được đuôi đồng.
Vẫn chưa đến Gian Côi. Chúng tôi vẫn đi giữa chiến trường của ngót năm mươi năm trước. Trên đất nước Liên Xô giàu có, hùng cường và bình yên hôm nay phảng phất hình bóng cuộc chiến đấu khốc liệt đã qua - những nét mở chồng gắn bó không bao giờ phai mờ.
Gian Côi, Gian Côi đây. Cái ga nhỏ ở Gian Côi, quê cô Galinga, nhân viên trông coi toa tàu số 3 của chúng tôi. Một cái ga nhỏ, giống bất cứ ở đâu, những lằn cột đen trắng, đen xanh, đen vàng dưới làn dây tải điện trên nóc đầu máy, trước mặt bà gác barie giơ cờ đường cho đoàn tàu chạy thông luôn. Về đến ga quê, cô Galina đội mũ, đeo phù hiệu hỏa xa chỉnh tề, đứng nhìn xuống thị trấn và cô kể hôm nào tàu trở lại, cô sẽ được về nhà nghỉ ba ngày, mỗi sau chuyến Mát-xcơ-va - Simphêrôpôn. Chắc là cô bé Galina hai mươi tuổi xinh tươi, không thể hiểu cảm tưởng của tôi qua Gian Côi. Tôi đương nghĩ đến ga xép Gian Côi đầu mút mặt trận Kuốc long trời lở đất và, không chịu nổi trận đọ sức quyết định sau chót ấy, phát xít Đức tan vỡ chạy khỏi nước Nga, quân đội Xô Viết đã thừa thắng đánh đuổi chúng vào tận hang ổ cuối cùng ở Béc-lin.
Dư vang những ngày cũ, không trông thấy, mà thấy. Chẳng bao lâu chúng tôi đã đến bờ Bắc Hải. Thành phố cảng Ianta kia rồi.
Côngxtăngtin Pautốpxky đã viết:
“Vẻ đẹp phương nam của bán đảo Crimê thấm vào, đọng lại trong ta rồi ở lại mãi. Ai đã đến Crimê đều giữ trong tim mình một bâng khuâng như khi ta nhớ lại tuổi thơ…”
Bảy mươi cây số thành phố dọc biển, cả vùng Crimê thu nhỏ lại tập trung vào Ianta. Từ trong các thung lũng lên sườn núi, xanh bao la những cánh đồng nho và mùa hạ đến, rực rỡ hoa hồng hoa anh đào rồi trở lại gặp chớm thu vàng hây, thế là mùa hái nho lại tới. Núi cũng chạy ra tới bờ biển, chen nhau với những đại lộ dưới bóng cây thông, cây sến, cây bách lụ khụ thường gặp ngoài bờ Địa Trung Hải. Ở đây, cây sến nào cũng nghiêng về phía nam, như nhớ mình quê biển khác. Rồi núi lội cả xuống bể, đứng sững trong nước ven những thành phố vệ tinh của Ianta.
Từ sự tích nguyên sơ đất này đã là hình ảnh của yên lành. Chuyện xưa kể có một đoàn tàu đánh cá Hy Lạp ra khơi bị bão. Bao nhiêu ngày sóng gió cạn kiệt thức ăn nước uống, những người sống sót lênh đênh chết dần trên mảnh ván thuyền vỡ. Bỗng một người cố ngóc đầu dậy rồi kêu lên: Yalô! Yalô! (Bờ biển! Bờ biển - tiếng Hy Lạp).
Thế rồi thành tên Ianta, tiếng của sự sống - thành phố của niềm hi vọng sau cùng gặp được.
Quả nhiên, vẻ đẹp Crimê đến mỗi người mỗi khác, nhưng tự nhiên như không, cứ liễm vào lúc nào không biết. Chưa gặp bao giờ, mà trong chốc lát đã cảm thấy như gần gũi. Người nhàn tản dọc dài mép nước, đôi khi ngọn sóng hắt lên cả chân. Xuống tắm hay ra ngồi câu cá, hay vào quán ăn, hay bởi vội đi chỉ đứng nhá một miếng “ Săng uých”, thế nào cũng được. Ở bãi cát, trên mỏm đá, bên cầu cảng, Hắc Hải xanh bát ngát cả buổi chiều, những ngày giữa đông cũng y nguyên màu xanh biển kỳ lạ ấy. Bởi vậy, cũng như mọi thành phố bờ biển, ở Angiê hay ở Nha Trang, người Ianta có phong tục sáng sớm tắm biển, cả trong những ngày tuyết xuống.
Và biển đấy, núi đấy. Lên núi Karagun, gặp suối Nước Bay lưng chừng thác gieo một trăm thước xuống đá thành trận mưa bụi quanh năm. Chỗ cây số 10 rẽ vào hồ Đen giữa rừng thông. Quán ăn vách gỗ, chuyên món thịt nai. Mùa hè năm ấy, vợ chồng Côngxtăngtin Simônốp và chúng tôi đã đến đây. Bắt chước những người thợ săn, dừng chân bên hồ nước cạnh rừng nướng thịt con thú mình vừa hạ được.
Chỉ vài bước lên phố dốc đã vào rừng cạnh đường, ngồi nghe rõ tiếng sóng lượn dưới kia và tiếng gà gáy, chó sủa lưng núi. Những nếp nhà núp dưới vườn táo. Trên một đống gỗ, mấy chú mèo con đương giỡn nhau. Mèo mẹ nằm dưới, trên đệm cỏ. Bất chợt, một làn mây vướng vào đỉnh rừng chóp núi Magali, thế là mưa bóng mây loáng thoáng lưa thưa xuống, lũ mèo con trong đống gỗ tụt vào nhô ra, như rỡn với hạt mưa…
Đứng ở chỗ nào trông ra biển cũng thấy núi Mèo, núi Gấu trước mặt. Núi Gấu sừng sững giữa sương mù, cạnh trại hè thiếu nhi quốc tế Arơtếch thị trấn Guốcdúp. Con gấu cúi đầu uống nước. Ai đã khéo nghĩ ra câu chuyện tình thơ mộng và đau khổ về trái núi Gấu này. Xưa có chiếc thuyền bị bão đắm, chỉ sống sót mỗi một người con gái dạt vào bờ. Người con gái đã ở lại với đàn gấu. Rồi một ngày kia, có một chàng trai tới. Người con gái xuống thuyền ra đi với chàng.
Cả đàn gấu nhìn theo. Một con gấu không biết đâu bờ đâu nước, đuổi theo. Đến lúc nước ngập ngang mặt, gấu há miệng hớp nước. Gấu quyết uống cạn nước Hắc Hải, để chạy ra được tới thuyền, để chiếc thuyền dừng lại. Con gấu si tình đứng uống nước mãi mãi, đời đời.
Câu chuyện tưởng tượng đẹp và buồn đến thế! Năm 1820, A-lêch-xăng Pus-kin đã ở thị trấn Guốcdúp. Pus-kin viết bài thơ “ Suối Nước Mắt Bachisaru ” và nhà thơ lớn ấy đã bắt đầu chuyện thơ “ Êpghênhi Ônêghin ” ở đấy. Pus-kin viết cho Antôn Đơvi, một nhà thơ bạn:
“Ở Guốcdúp, tôi tưởng như trong mộng, suốt ngày ngâm mình trong biển và ăn nho. Tôi đã quen ngay, yêu thích thiên nhiên và thời tiết phương nam. Nửa đêm thức giấc, nghe sóng biển, lắng nghe sóng biển từng giờ. Cạnh nhà, có một cây bách cổ thụ. Mỗi buổi sáng, tôi ra thăm cây bách, như một người bạn thân”.
Cây bách cổ thụ ấy bây giờ hãy còn xanh tươi, thân cây cằn cỗi như ông lão không có tuổi. Thế mà cây cũng bị hút chết. Cái năm phát xít Đức đến Crimê, đã đặt mìn phá đổ nhà bảo tàng Pus-kin. Chúng định hạ nốt cây bách trên lưng có tấm biển đồng “Cây bách Pus-kin”. Nhưng ông lão làm vườn nhanh trí đã bí mật gỡ tấm biển, đóng sang một cây thông khác. Phát xít Đức đã chặt cây thông Lê Lai cứu chúa ấy để lấy củi sưởi!
Không phải chiến trường Kuốc dừng lại ở phía Gian Côi. Những câu chuyện về sự tích nơi yên lành thế này cũng ngập trong hình thù tội ác. Dấu vết thương đau vẫn hiển hiện không bao giờ được quên.
Di tích lâu đài Bachisarai ở bên kia núi. Thế kỷ thứ 16 các khan Hung Nô thống trị bán đảo. Kiến trúc sư thiên tài Ôme người Iran đã xây lâu đài và sáng tạo ra con suối, đặt tên là suối Nước Mắt để cho bạo chúa Krim Gira trông thấy mà nhớ người vợ đã chết. Một dòng suối được bắt vào giữa sân điện, nước len qua đá, rồi nhỏ xuống từng giọt, làm nước mắt rơi.
Chỗ đỉnh núi đá tai mèo Epêtri sang lâu đài Bachisarai có một nhóm tượng đài kỉ niệm. Tháng Chạp 1941, một trận đánh lớn của quân du kích bán đảo Crimê đã xảy ra ở đấy. Cả đến bài thơ “ Suối Nước Mắt ” và cây bách bạn bè của Pus-kin hai trăm năm trước, cũng vẫn có trong những trang lịch sử và quang vinh cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.
Tiếng gà eo óc lưng núi và tiếng sóng thì thầm trong đêm đã khiến tôi nảy ý nghĩ trở lại nhà lưu niệm Sê-khốp, xem hai bức tranh bờ cỏ và suối phong cảnh Nga của Lêvitan, treo trong phòng làm việc của Sê-khốp. Nhưng không hiểu sao, đến sáng ra, tôi lại xuống bờ biển, tới gian phòng xanh trong lâu đài Livađin. Cái ghế tổng thống Mỹ Ruđơven ngồi với chiếc xe đẩy vẫn đặt cạnh ghế của nguyên soái Stalin đối diện với thủ tướng Anh Sơcsin.
Một căn buồng trong lâu đài di tích, biết bao nhiêu nơi tương tự thế trên bờ biển bán đảo Crimê. Nhưng ý nghĩa lịch sử trọng đại đã bao trùm tất cả. Lịch sử cuộc chiến đấu giằng co từ bấy tới nay giữa ánh sáng và bóng tối trên trái đất. Ý nghĩa to lớn đến từng bước, từng người thong thả ngồi câu bên sườn con tàu du lịch đỗ đợi khách ngoài cảng, đến tận chiếc thuyền buồm trên bãi cát của xưởng phim Mát-xcơ-va đang quay cảnh thủy chiến ngày xưa, ở một người đi nghỉ mát thư thái ngồi trông ra biển.
Trở lại Mát-xcơ-va, nửa đêm qua dưới đài Chiến Lũy. Đèn pha bốn phía hắt như những luồng sáng điện năm xưa săn máy bay địch, quét lên trời. Nhưng không, ánh sáng chạm vào những thanh bê tông sáng trắng như bọc tuyết. Chiến lũy lặng im trong sương mù.
Vlát kể:
- Hồi ấy, nhà tôi ở phố Vasanốpxky…
- Hôm nọ về nhà anh lấy sách, tôi có cảm tưởng nhà anh bỏ không.
- Thỉnh thoáng tôi mới về.
- Sao thế?
- Em tôi năm ấy đương học hóa. Cả thành phố ra đào chiến lũy bảo vệ Mát-xcơ-va, cả các trường đại học. Nó đã hi sinh ngay ở chiến lũy. Mẹ tôi cũng mất rồi… Một mình tôi… tôi không muốn trở lại nơi có những kỉ niệm ấy.
Ánh điện đêm đêm rọi lên những thanh xi măng đôi chốc lóe lên màu xanh rợn. Nhưng mà kỉ niệm vẫn cứ trở lại. Những ý nghĩ về cuộc chiến đấu sống còn bảo vệ Mát-xcơ-va làm cho tôi có ý muốn hôm nào tôi sẽ hỏi ông thợ giầy Ivan Nichêtốp về cái nạng và sự tích một bên chân ông đã để lại Stalingrát.
Cái phố nhỏ giữa bề bộn những chiếc xe húc dữ tợn quây quanh. Ai qua lại Mát-xcơ-va tất đã quen thuộc với những giàn giáo lắp ghép, những cần cẩu xoay bốn phía ngày ngày kéo lên những tòa nhà tám tầng và đầu tiên là việc đám xe húc xử sự với những dãy nhà, những ngôi nhà hàng trăm năm trước để lại. Những cụ già không biết từ đâu lặng lẽ kéo đến nhìn cảnh ấy.
Cụ ông đội mũ phớt, mặc áo tăng-quát xanh nhạt, ống quần lơ-vê gấu và đôi giầy cổ móc dây - kiểu ăn mặc thời các cụ. Cụ bà choàng khăn vuông len mỏng dài rộng bằng cả cái chăn trùm lên đầu. Các cụ tha thẩn không nói, đăm đăm nhìn những bức tường quỵ xuống. Một cụ bà đưa khăn tay lên chấm mắt.
Những người ấy xưa kia ở phố này, đã có kỉ niệm với những ngôi nhà. Các cụ nhìn lại lần sau cùng những ngôi nhà cũ. Thời gian không bao giờ còn trở lại, người ta thường lơ đễnh trước sự thật, mà chỉ đến lúc nhìn thấy cái xe húc hạ xuống những mảng tường, những cầu thang, những hốc mái cho chim bồ câu ẩn, mới thình lình nhận ra tiếng xích xe dửng dưng nhai ngấu nghiến, thời gian lạnh lẽo đến rùng mình biến vào cái ngoàm ấy.
Bên gốc cây hoa tuyết mùa hè trong kia, ông Ivan ngồi ở trạm chữa giầy. Một hôm nào, xe húc chắc sẽ ngoạm đến chỗ ấy. Ông vẫn ngồi cắm cúi, mải miết kéo chỉ, cắt, giội búa. Những tòa nhà nhiều tầng đương mọc lên quanh ông. Biết bao nhiêu phố phường, cả một quận mới của Mát-xcơ-va đã thay đổi như thế, dường như ông đã quen mắt đến không để ý nữa.
Tôi hỏi:
- Ông người ở đâu về Mát-xcơ-va?
- Không, nhà tôi đến Mát-xcơ-va làm công nhân đã mấy đời rồi. Thuở bé, ngày nào đi mua bánh mì cũng qua ngõ này. Tôi thuộc từng cái cửa sổ thấp dưới đất. Trẻ con hay chơi nấp ở đấy.
- Thế mà ông chẳng nghỉ tay mà ra chào những ngôi nhà cũ một lần cuối. Có cụ khóc đấy.
- Tôi cũng khóc chứ. Những giọt nước mắt vui của tôi. Cái phố đổi đời rồi.
- Tôi không hiểu.
Ông Ivan trỏ tay:
- Đồng chí hãy trông ngôi nhà cuối ngõ kia.
Một ngôi nhà một tầng đứng một mình. Không biết nhà ấy ngày trước là nhà ở hay một công quán, một cửa hiệu - cái nhà cổ kiến trúc Nga. Ở các làng xóm xa xôi, đâu cũng thấy hình dáng ngôi nhà này. Những cây gỗ to một ôm xếp ngang lên làm vách. Cửa sổ sâu hoắm. Những phiến gỗ mái như đá đen.
Ông thợ giầy cười, ánh mắt lên:
- Nhà mới bốn bên cứ việc tám tầng, hai mươi tầng và cao hơn nữa, nhưng cái nhà gỗ kia, thành phố vẫn giữ như thế và nó sẽ là quán cà phê “tuyếc”, theo lối uống của người phương nam. Thế mới đúng Mát-xcơ-va!
Tâm sự và kỉ niệm của người già. Khoảnh khắc và không cùng… Những phố nhỏ trổ xa hai bên đại lộ, con đường yên tĩnh đến công viên, đến nghĩa trang vẫn thanh thả như từ bao giờ, không hề biết đến hai bên dưới đương sinh sôi những đường hầm xe điện chằng chịt ra trên hai trăm cây số trong lòng đất - mà sáu giờ cao điểm mỗi ngày có ngoài tám triệu người đi lại, một nửa con số trên đường Mát-xcơ-va. Những đường xe điện ngầm tối tân cửa trổ xuống 126 ga trang trí ốp lát đá hoa cương Uran trắng bạch xám sáng, đá Grudia đỏ hồng, đá Crimê vàng nhạt, đá đỏ từ hồ Ônêga, các ga Mát-xcơ-va đẹp nhất các ga xe điện ngầm trên thế giới.
Những dòng sông ở Mát-xcơ-va lại rưng rưng xanh mờ lên rồi. Làn sương mỏng mảnh, lóng lánh như ủ bóng, như soi gương. Hiện đại và quá khứ Mát-xcơ-va đan vào nhau, khác nào sông Mát-xcơ-va, dòng nước không phải chỉ một con sông bốc hơi muôn thuở. Không, bến cảng xinh xinh bên chân thành Kremli cũng từ một nhánh sông đào - công sức của bàn tay và khoa học. Trên các nhánh sông đào, sông máng của sông cái Mát-xcơ-va chi chít hơn hai trăm công trình đập nước, bơm nước, thủy điện, hệ thống đèn pha, các bến cảng, những cánh rừng thông, rừng bạch dương, những đồng lúa mì, đồng hoa mặt trời vàng rực, tất cả đổ vào hồ chứa nước dài trên trăm cây số được gọi bằng cái tên tự hào là “biển Mát-xcơ-va”. Hơi thu ẩn hiện trên thành phố mát rượi thiên nhiên hòa kỉ niệm với bao nhiêu huy hoàng bấy giờ.
Ký Ức Phiên Lãng Ký Ức Phiên Lãng - Tô Hoài Ký Ức Phiên Lãng