Tôi chưa từng biết ai phải khổ sở vì làm việc nhiều quá. Chỉ có rất nhiều người khổ sở vì có tham vọng nhiều quá mà lại không có đủ hành động.

Dr. James Mantague

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Auster
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3351 / 199
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
rong hầu hết phần đời trưởng thành của mình, anh kiếm sống bằng cách dịch sách của các tác giả khác. Anh ngồi tại bàn đọc cuốn sách bằng tiếng Pháp rồi cầm bút lên và viết ra chính cuốn sách ấy bằng tiếng Anh. Nó vừa là chính cuốn sách ấy vừa không phải là cuốn sách ấy, và sự kỳ lạ của hành động ấy không bao giờ thất bại trong việc khiến anh kinh ngạc. Mỗi cuốn sách là một hình ảnh của sự cô độc. Đó là một vật thể hữu hình người ta có thể cầm lên, đặt xuống, mở ra đóng lại, và những từ ngữ thể hiện lại sự cô độc của một con người trong nhiều tháng, nếu không phải nhiều năm, vì thế mỗi từ ngữ người ta đọc trong một cuốn sách có thể nói với họ rằng họ đang đối diện với một mảnh của sự cô độc ấy. Một người đàn ông ngồi cô đơn trong phòng và viết. Cho dù cuốn sách nói về nỗi cô đơn hay sự đồng hành, nó vẫn cần phải là một sản phẩm của cô độc. A. ngồi xuống trong căn phòng của chính mình để dịch cuốn sách của một người khác, và như thể anh đã bước vào sự cô độc của người đàn ông ấy và biến nó thành của mình. Nhưng chắc chắn điều đó là không thể. Vì một khi sự cô độc bị xâm phạm, một khi nỗi cô độc đã được người khác tiếp sức, thì đó không còn là nỗi cô độc nữa, mà trở thành một sự đồng hành. Thậm chí khi chỉ có một người đàn ông trong phòng, thì ở đó vẫn có hai người. A. hình dung mình như một bóng ma của người đàn ông kia, người vừa ở đây vừa không ở dây, và người có cuốn sách vừa giống hệt vừa không giống hệt với cuốn sách mà anh đang dịch. Vì thế, anh tự nhủ, ta có thể vừa đơn độc vừa không đơn độc trong cùng một khoảnh khắc.
Một từ trở thành một từ khác, một điều trở thành điều khác. Cách ấy, anh tự nhủ, cũng là cách ký ức hoạt động. Anh hình dung ra một tòa tháp khổng lồ bên trong anh.
Có một văn bản, và nó tự dịch mình sang vô số các ngôn ngữ khác. Câu cú trào ra khỏi người anh cùng với tốc độ của suy nghĩ, và mỗi từ đến từ một ngôn ngữ khác nhau, một ngàn cái lưỡi cùng kêu la bên trong anh, sự hỗn loạn của chúng vọng qua mê cung của những căn phòng, hành lang, cầu thang của tòa nhà cao hàng trăm tầng. Anh nhắc lại. Trong không gian của ký ức, tất cả mọi thứ vừa là chính nó vừa là một thứ khác. Và rồi anh đột ngột nhận ra rằng tất cả mọi điều anh cố gắng để ghi lại trong Sách của Ký ức, tất cả những gì anh đã viết, không là gì khác hơn việc diễn dịch lại một hay hai khoảnh khắc trong đời anh – những khoảnh khắc anh từng sống qua trong đêm Giáng sinh 1979, trong căn phòng tại số 6 phố Varick.
* * *
Khoảng khắc bừng sáng soi dọc bầu trời của cô độc.
Pascal trong căn phòng mình đêm 23 tháng Mười Một, 1654, khâu vật kỷ niệm vào gấu quần áo, vì thế ở bất cứ khoảnh khắc nào, trong suốt cuộc đời ông, ông có thể thấy dưới bàn tay mình sự ghi chép lại của phút xuất thần ấy.
Năm của Kiêu hãnh 1654
Ngày Thứ Hai, 23 tháng Mười Một, bữa tiệc của Saint Clemen,
Đức Cha và những kẻ tử vì đạo,
và những người khác trong danh sách những kẻ tử vì đạo, và trong phút lâm chung của Saint Chrysogomus và những kẻ tử vì đạo khác.
Từ khoảng mười rưỡi đêm cho đến mười hai rưỡi.
Lửa.
“Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Jacob,” không phải là của các triết gia và nhà khoa học
Chắc chắn. Chắc chắn. Cảm giác. Hạnh phúc. Yên bình.
•••
Sự vĩ đại của linh hồn con người.
•••
Hạnh phúc. Hạnh phúc. Hạnh phúc. Nước mắt hạnh phúc.
•••
Ta sẽ không quên lời của họ. Amen.
* * *
Băn khoăn về sức mạnh của ký ức.
Mùa xuân năm 1966, không bao lâu sau khi gặp người vợ tương lai, A. được cha cô (một giáo sư ngành ngữ văn Anh tại đại học Columbia) mời tới căn hộ của gia đình ở đại lộ Morningside ăn tối, uống cà-phê. Khách mời cho bữa tối bao gồm Francis Ponge và vợ ông, và bố vợ tương lai của A. nghĩ rằng chàng thanh niên A. (mới chỉ mười chín tuổi vào lúc đó) có thể lấy làm vui sướng khi được gặp nhà văn nổi tiếng. Ponge, thi sĩ bậc thầy về những vật thể, có lẽ đã phát minh ra thứ thi pháp tồn tại chắc chắn ở thế giới ngoại biên hơn bất cứ ai khác, đang dạy một khóa tại Columbia trong kỳ học ấy. Vào lúc đó A. đã có thể nói tiếng Pháp khá lưu loát. Vì Ponge và vợ ông không nói được tiếng Anh, gia đình nhà vợ tương lai gần như không nói tiếng Pháp, A. đã tham gia vào cuộc trò chuyện nhiều hơn mức anh tưởng, khi anh có bản tính e thẹn và thiên hướng giữ im lặng mỗi khi có thể. Anh vẫn nhớ về Ponge như một người đàn ông sống động đầy kiêu hãnh với đôi mắt xanh lấp lánh.
Lần thứ hai A. gặp Ponge là vào năm 1969 (cho dù đó cũng có thể là vào năm 1968 hoặc 1970) tại một bữa tiệc tôn vinh Ponge do G., một giáo sư tại đại học Barnard, người dịch tác phẩm của ông, tổ chức. Khi A. bắt tay Ponge, anh giới thiệu bản thân rằng có thể ông không nhớ, nhưng họ đã từng gặp nhau tại New York nhiều năm trước. Trái lại, Ponge đáp, ông vẫn nhớ khá rõ buổi tối hôm ấy. Ông nói về căn hộ đã từng diễn ra bữa tối ấy, miêu tả lại từng chi tiết, từ khung cảnh bên ngoài cửa sổ, cho tới màu của chiếc ghế bành và cách sắp xếp nội thất trong mỗi căn phòng. Một người nhớ chính xác mọi thứ ông ta chỉ mới thấy một lần, những thứ chẳng có vai trò gì trong cuộc sống của ông ngoài một khoảnh khắc thoáng qua, khiến A. kinh ngạc như thấy một hành động siêu nhiên. Anh nhận ra rằng Ponge không có sự phân biệt giữa thế giới của viết lách và thế giới của quan sát. Không có từ nào được viết ra mà không có sự quan sát từ trước, và vì thế để tìm lối hiện lên trang giấy thì nó trước hết phải là một phần của cơ thể, một sự tồn tại hữu hình mà người ta từng sống theo đúng cách người ta sống với trái tim, dạ dày, bộ não của mình. Ký ức, vì thế, không hẳn là quá khứ tồn tại bên trong chúng ta, mà là một bằng chứng cho thấy cuộc đời chúng ta trong hiện tại. Nếu một người đàn ông thực sự tồn tại giữa những thứ xung quanh, ông ta chắc hẳn không thể suy nghĩ về chính mình, mà về những thứ mình thấy. Ông ta phải quên đi bản thân để được tồn tại ở đó. Và từ sự lãng quên ấy sức mạnh của ký ức trỗi dậy. Đó là cách sống một cuộc đời để không thứ gì bị mất đi.
* * *
Câu “người có trí nhớ tốt sẽ không nhớ bất cứ thứ gì vì anh ta không quên bất cứ thứ gì,” mà Beckette từng viết về Proust cũng đúng. Và cũng đúng là người ta phải phân biệt giữa ký ức tự ở lại và không tự ở lại, như Proust đã làm trong suốt cuốn tiểu thuyết dày của mình về quá khứ.
Tuy nhiên, thứ mà A. cảm thấy mình đang làm, khi anh viết cuốn sách của chính mình, lại không thuộc vào một trong hai kiểu ký ức ấy. A. vừa có vừa không có trí nhớ tốt. Anh đã quên đi nhiều, nhưng anh cũng nhớ được nhiều. Khi anh viết, anh cảm thấy mình đang di chuyển vào phía trong (của bản thân) và cùng lúc ra phía ngoài (thế giới). Điều anh trải qua, có thể, trong mấy khoảnh khắc của đêm Giáng sinh năm 1979, khi anh ngồi một mình tại căn phòng trên phố Varick, là điều này: sự thức nhận đột ngột ụp lên anh rằng thậm chí cô đơn, trong sự tận cùng cô độc của căn phòng, anh cũng không cô đơn, hoặc, chính xác hơn, anh đã không chỉ còn là bản thân mình. Ký ức, vì thế, không đơn giản là sự tái khẳng định cho quá khứ của riêng ai, mà là sự đắm chìm vào quá khứ của người khác, điều có thể mô tả thành: lịch sử - thứ người ta vừa là một thành tố vừa là nhân chứng, vừa là một phần vừa tách rời ra. Tất cả mọi thứ, vì thế, đều xuất hiện trong tâm trí anh cùng lúc, như thể mỗi yếu tố lại phản chiếu lại ánh sáng của tất cả những yếu tố khác, và đồng thời tỏa ra vầng hào quang riêng biệt và không thể dập tắt của mình. Nếu có bất cứ lý do nào để anh ngồi trong căn phòng này bây giờ, thì đó là vì có một điều gì đó trong bản thân anh đang khao khát được nhìn tất cả mọi thứ trong một lúc, để tận hưởng sự hỗn loạn của tất cả chúng với nét nguyên sơ, đồng thời nơi chúng. Trong khi đó, việc kể lại chúng cần phải chậm, một nỗ lực tinh tế của việc cố nhớ lại những điều đã từng được nhớ. Chiếc bút sẽ không thể di chuyển đủ nhanh để viết xuống tất cả những từ ngữ được khám phá ra trong không gian của ký ức. Một thứ gì đõ đã bị mất đi mãi mãi, những thứ khác có thể sẽ được nhớ lại, và những thứ khác có thể mất đi và tìm thấy lại và lại mất đi. Không có cách nào để chắc chắn về bất cứ chuyện gì.
* * *
Lời đề từ có thể của Sách của Ký ức.
“Suy nghĩ đến một cách ngẫu nhiên, và đi một cách ngẫu nhiên. Không có cỗ máy nào giữ được chúng hay có được chúng. Một ý nghĩ đã trốn thoát: tôi đang cố gắng để viết nó ra, thay vào đó tôi lại viết rằng nó đã trốn khỏi tôi.” (Pascal)
“Khi tôi viết ra suy nghĩ của mình, đôi khi nó trốn thoát tôi; nhưng điều ấy làm tôi nhớ lại sự yếu ớt của chính mình, điều mà tôi lúc nào cũng quên. Nó dạy cho tôi nhiều như ý nghĩ đã bị lãng quên của tôi, vì tôi đấu tranh chỉ để biết được sự trống không của mình.” (Pascal)
Khởi Sinh Của Cô Độc Khởi Sinh Của Cô Độc - Paul Auster Khởi Sinh Của Cô Độc