Love is one long sweet dream, and marriage is the alarm clock.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 15
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XI - Con Chó
hời tiết xấu kinh khủng, mưa gió quất vào khách qua đường, xuyên vào đường làm ngập lụt và bốc cả đường lên.
Đi phục dịch xong, tôi trở về chỗ trú quân ở đầu làng. Qua màn mưa dày đặc, quang cảnh buổi sáng hôm đó trông vàng bẩn, trời đen thui như phủ đá đen. Mưa quất đồm độp vào máng uống nước của súc vật. Dọc theo những dãy tường, những bóng người thu mình lại, gập lưng xuống như hổ thẹn, bì bõm bước mau.
Mặc mưa, mặc trời lạnh, gió buốt, một đám đông tụ tập trước đường ngầm ở bờ thành của cái trại nơi chúng tôi tạm trú. Họ xúm xít, lưng tựa lưng, trông xa như một miếng bọt biển khổng lồ lúc nhúc. Những anh ngó được qua vai người khác, và qua các khe đầu, giương to mắt, nói:
- Thằng cha gan thật.
- Kể thì nó liều thật, không biết sợ.
Rồi những anh tò mò tản ra, mũi đỏ, mặt ướt đầm trong mưa quất và gió buốt, hai tay hồi nãy giơ lên trời vì kinh ngạc giờ lại để rơi xuống và thọc vào túi.
Đứng ở giữa, dưới làn mưa như rạch vào người, Fuiat mình trần, đang dội nước tắm. Gã là nguyên nhân của sự tụ tập.
Thân hình gầy như con mắm, đôi cánh tay dài mảnh khảnh vung mạnh, gã hăm hở soàn soạt xát xà phòng và dội nước lên đầu, lên cổ, lên ngực, lên cả cái lồng xương sườn gồ ghề của gã. Má gã hóp như cái phễu, vì cọ sát mạnh đã nổi lên một mớ râu bọt trắng như tuyết, và trên đỉnh đầu cũng kết lại một đống bọt lầy nhầy, nước mưa rơi xuống làm lỗ chỗ.
Vì thiếu thùng, cái anh chàng kiên gan ấy dùng ba cà-mèn đựng đầy nước không biết đã múc được ở đâu trong cái làng không có nước này. Trong cảnh khắp nơi mưa trên ngập dưới này, không có lấy một chỗ sạch để đặt bất cứ cái gì, gã đành giắt khăn mặt khi dùng xong vào thắt lưng quần, và đút ngay xà phòng vào túi, sau mỗi lần cọ xát.
Những anh em còn đứng lại đấy khâm phục cái cử chỉ anh hùng giữa cảnh trời mưa gió, lắc đầu nhắc đi nhắc lại:
- Thật hắn mắc phải cái bệnh ở sạch.
- Cậu biết không, nghe đồn hắn sắp được biểu dương về vụ chiến đấu ở hố đại bác cùng với Vônpat.
- Ấy, ông bạn lợn ỉ ạ, biểu dương nó là đáng lắm.
Và vô tình người ta lại lẫn lộn hai thành tích, thành tích ở chiến hào và thành tích ở đây. Anh em coi gã như người anh hùng của ngày nay, còn gã thì cứ thở phì phò, khịt mũi, hổn hển, gầm gừ, khạc nhổ, cố mà lau khô thân thể từng nhát thật nhanh và đột ngột dưới trời mưa tầm tã, rồi, cuối cùng, gã mặc lại quần áo.
Tắm xong, gã mới thấy rét.
Gã xoay mình tại chỗ rồi đứng thẳng người ở cửa kho rơm, hai anh em tạm trú. Gió mùa đông giá buốt quất vào, làm nham nhở bộ mặt gầy hóp sạm nắng, khiến nước mắt gã trào ra loang lổ trên đôi má xưa từng bị gió phương Nam hun cháy. Mũi gã cũng chảy nước, giỏ giọt.
Không chịu nổi luồng gió rét thấm thía nó quất vào tai, vào bắp chân, dầu đầu đã quấn khăn quàng cổ, dầu đôi “cẳng gà” đã chằng chịt xà cạp vàng, gã đành chui vào buồng chứa rơm, nhưng lại trở ra ngay, mắt trợn tròn dữ tợn, miệng lầu bầu những “mẹ kiếp!” với “đồ kẻ cướp”. Giọng gã là giọng người sinh trưởng cách đây hàng nghìn cây số, tận chỗ góc trời xa xăm, mà chiến tranh đã bắt buộc gã phải rời khỏi.
Rồi gã đứng ở ngoài, chơ vơ hơn bao giờ hết trong khung cảnh bắc phương này. Gió về, thổi vào người gã, rồi lại về, cứ giật từng cơn, lay chuyển và hành hạ cái thân hình khô đét, nhẹ bỗng như người rơm.
Vì cái kho rơm mà chúng tôi được phân phái đến ở trong thời gian nghỉ ngơi này – ác nghiệt làm sao, trời! – là nơi hầu như không thể nào ở được. Nó sâu thẳm, tối om, ướt át và chật hẹp như một cái giếng. Cả một nửa bị ngập nước – chuột nổi lềnh bềnh – còn bên nửa kia thì anh em chúng tôi chen chúc. Tường làm bằng những thanh nan gắn với nhau bằng bùn khô đã gãy từng đoạn, nứt nẻ, thủng lung tung khắp chung quanh, nhất là ở phía trên, lỗ lại càng rộng hoác. Lúc mới đến, anh em đã suốt đêm đến sáng bịt tạm những kẽ nứt vừa tầm tay, nhét vào đấy những cành còn nguyên cả lá và những mẩu phên. Những lỗ ở trên cao và những mái nhà thì luôn luôn toang hoác. Vì vậy trong khi ánh sáng yếu ớt, đành bất lực chơi vơi ở ngoài, gió, trái lại, cứ ùa vào hết tốc lực, thổi thốc từ tứ phía vào, và cả tiểu đội cứ phải liên hồi chịu cảnh gió luồng.
Thế là khi vào buồng, người ta phải đứng ngay như cột, trong bóng tối mờ hỗn độn, mà sờ soạng, run bần bật và rên rỉ.
Fuiat, mò vào một lần nữa, vì rét cứ như kim đâm vào người, hối hận đã trót tắm. Gã đau lưng và sườn. Gã muốn làm một việc gì, nhưng biết làm gì?
Ngồi ư? Không được. Vì bẩn quá thể: đất và gạch đầy bùn, còn rơm rạ trải ra để nằm thì ướt sũng vì nước thấm và bê bết những vết chùi chân. Hơn nữa, ngồi thì bị cóng, mà ngả lưng vào ổ rơm thì đến bực vì mùi phân và hơi nước tiểu… Fuiat đành nhìn cái chỗ của mình mà ngáp đến trẹo quai hàm, cái quai hàm đã dài lại dài hơn vì bộ râu cằm nếu ngày sáng sủa thấy đã điểm sương.
Mactơrô nói:
- Những anh em và những thằng ông mãnh khác, đừng tưởng chúng sung sướng hơn gì chúng ta đâu. Sau bữa ăn chiều, tớ đã đi tìm một chú ở đơn vị mười một, trong trại ấp, gần y xá. Phải trèo qua tường bằng một cái thang quá ngắn.
Mactơrô, người vốn ngắn ngủi, nhận xét thêm:
- Bước soạc cẳng mới qua được. Khi vào được cái thứ chuồng gà và chuồng thỏ ấy, thì bị hết thằng này đến thằng khác xô đẩy, va vấp, còn mình thì cũng vấp, cũng đẩy lại từng thằng. Thật không biết đút đầu vào đâu. Tớ đành phải bò ra.
Côcôn nói:
- Tớ thì tớ định chén xong lủi ngay vào nhà lão thợ rèn mua cái gì nóng sốt để tọng thêm. Hôm qua lão ấy bán cà-phê, nhưng sáng nay bọn cảnh binh vừa vào thăm thế là lão sợ run và đóng chặt cửa hàng rồi.
Fuiat đã gặp hai anh chàng vừa nói tiu nghỉu trở về, nằm phịch xuống chân ổ rơm.
Lamuydơ ra sức thử lau súng của mình. Nhưng không thể lau súng ở đây được, dầu đã ngồi bệt xuống đất, gần cửa, dầu đã vén tấm vải lều ướt át, cứng quèo và lạnh ngắt treo ở phía trước như một thạch nhũ: Trời tối quá.
- Mà này cậu ạ, nếu cậu đánh rơi một đinh ốc thì tìm thật là nguy khốn, nhất là trời rét, chân tay đờ đẫn ra.
- Tớ, tớ còn phải khâu vá ít nhiều, nhưng chịu thôi! Chỉ còn một cách: ngả mình lên ổ rơm, lấy khăn mùi xoa hay khăn mặt phủ lên đầu để các mùi khai thối nồng nặc của rơm rạ lên men, và ngủ. Fuiat hôm nay không phải phụ dịch, cũng không phải phiên gác, được hoàn toàn tự do, đã định tâm làm thế. Gã thắp nến, lục trong mớ đồ đạc, gỡ ra cái khăn quàng lòng thòng như khúc ruột và trong bóng tối viền quanh, cái hình thù da bọc xương của gã co lại rồi duỗi ra.
Ngoài cửa, một hình người đội mũ mấn, cất tiếng oang oang:
- Các chú trong ấy ơi, đi phụ dịch gọt khoai.
Đó là viên đội Henriô. Anh ta dễ dãi và hóm hỉnh. Vừa bông đùa một cách thô tục mà dễ thương, anh ta đốc thúc anh em đi ra cho hết, không một ai ỳ trốn được. Bên ngoài, trong cơn mưa bất tận, trên con đường lai láng, trung đội thứ hai đang lần bước. Họ cũng vừa bị viên quản đến thúc và dẫn đi làm. Hai trung đội đi lẫn vào nhau. Anh em leo lên đường phố, trèo lên đồi đất sét trên đó cái bếp lưu động đang nhả khói.
- Nào, các chú, mỗi người một tay, tất cả cùng làm thì không lâu đâu… Này, chú kia, còn kêu ca cái gì nữa? Kêu cũng vô ích thôi.
Hai mươi phút sau, mọi người sồng sộc chạy về. Trong kho chứa rơm, sờ soạng thì chỉ gặp những đồ vật và hình người sũng nước, ẩm ướt lạnh ngắt. Mùi hăng của loài vật bị ướt pha lẫn với mùi nước phân ủ trong ổ rơm.
Anh em tụ tập đứng quanh những đống ván dày chống trần buồng, quanh những tia nước từ lỗ mái nhà vọt thẳng xuống – như những cái cột lờ mờ trên cái bệ lờ mờ vấy bùn.
Anh em reo lên:
- Bọn nó đây rồi.
Hai thân hình lần lượt che kín khung cửa, sũng nước giỏ giọt. Vốn là Lamuydơ và Bacơ lúc nãy đi kiếm một cái hỏa lò than. Họ trở vè, hoàn toàn tưng hửng, cau có và nom dữ tợn: “Chẳng thấy bóng vía một cái hỏa lò nào hết. Với lại củi than cũng đếch có, bỏ cả gia tài ra mua cũng đếch có”.
Không tài nào có lửa.
Bacơ hãnh diện một cách chính đáng, vì đã có hàng trăm thành tích, nói:
- Việc mua hỏa lò, thế là tong. Tớ mà đã chịu thì chẳng mặt nào mua được.
Anh em đứng yên, rồi từ từ đổi chỗ trong tí chút không gian có được, lòng rầu rĩ vì bao nhiêu cơ cực.
- Tờ báo này của ai đây?
Bêcuwơ nói:
- Của tớ đấy.
- Báo nó tán cái gì thế. À, rõ khỉ. Tối thế này, đọc thế nào được.
- Chúng nó viết thế này: trong giờ phút này, binh sĩ đã được chăm sóc đầy đủ, đã được sưởi ấm trong những chiến hào. Họ có đầy đủ thức ăn cần thiết, nào đồ len, nào áo lót, nào hỏa lò, lò sưởi đầy ắp than củi. Và chính ngay ở chiến hào tiền tuyến cũng như thế đấy.
Mấy anh trong số tù nhân khốn nạn của kho chứa rơm, càu nhàu.
- Dào! Mẹ kiếp!
Rồi họ giơ nắm đấm ra khoảng không bên ngoài và vào tờ báo.
Nhưng Fuiat không bận tâm nghe anh em trò chuyện. Trong bóng tối, gã gấp cái thân hình xanh dợt, xương xẩu, lênh khênh như thân Đông Kysôt và vươn cái cổ gầy gò, nổi gân chằng chịt như những giây đàn vi-ô-lông. Dưới đất có cái gì đấy làm cho gã phải chú ý.
Đó là Labri, con chó của tiểu đội bạn. Labri, con chó becgiê lai, lông bông, đuôi cắt cụt nằm vo tròn trên một ổ nhỏ tí bằng rơm vụn.
Gã nhìn nó và Labri cũng nhìn gã.
Bêcuwơ lại gần, và bằng giọng ngân nga của vùng ngoại ô thành Linlơ, nói:
- Nó bỏ cơm không ăn. Nó ốm đấy, con chó con này. Ê, Labri, mày sao thế con? Bánh của mày đây này. Thịt của mày đây này. Ăn đi. Các thức trong cà-mèn ngon đấy… Nhưng này, nó chán đời, nó đau khổ. Một ngày gần đây, người ta sẽ thấy nó chết lẻ loi.
Labri chẳng được sung sướng. Anh lính được giao nuôi nó, đối với nó ác nghiệt, hay ngược đãi và có chăm sóc gì nó đâu. Nó bị cột suốt ngày. Nó rét, nó khó chịu, nó bị bỏ rơi. Nó không được sống cái đời sống của nó. Thỉnh thoảng thấy người ta rộn rập quanh mình, nó cũng hi vọng được ra ngoài. Nó vươn lưng, nhỏm dậy, hơi phe phẩy đuôi. Nhưng chỉ là ảo mộng. Nó lại nằm xuống, cố ý không nhìn vào cái cà-mèn gần đấy của nó. Nó buồn rầu không thiết sống nữa. Dầu nó có tránh được viên đạn hay mảnh trái phá mà cũng như chúng tôi, nó rất dễ bị, thì cuối cùng nó cũng đến chết ở đây thôi.
Fuiat đặt bàn tay gần còm lên đầu con chó. Chó lại ngước mắt nhìn gã. Hai cái nhìn giống nhau, chỉ khác ở chỗ là một bên từ trên nhìn xuống, một bên từ dưới lên.
Fuiat đành ngồi xuống ở góc nhà – ra sao thì ra! – tay thu vào nếp áo ca-pôt, chân dài khép lại như giường xếp.
Gã mơ tưởng, đôi mắt nhắm nghiền dưới hàng lông mày hơi xanh. Gã thấy lại quá khứ. Đó là một trong những lúc, nơi xa xôi kia, quê hương mà gã đang cách trở, khoác những vẻ dịu dàng của tạo vật. Vùng Hêrôn thơm tho và tươi thắm, những đường phố ở Xettơ. Gã thấy rõ lắm, gần lắm, tưởng như nghe được tiếng thuyền máy trên sông đào miền Nam, tiếng dỡ hàng ở kho cảng. Và những tiếng quen thuộc ấy như cất tiếng rõ ràng gọi gã.
Phía trên đường cái, ngạt ngào mùi hoa dạ hương và cúc vạn thọ, thơm đến nỗi mùi hương vương cả vào miệng, tưởng như nếm được, ngay giữa ánh nắng rực rỡ, trong làn gió nhẹ hiền hòa thơm phức và ấm áp tựa như ánh mặt trời vỗ cánh bay, trên núi Xanh-cle, ngôi lán nhỏ của gã hiện ra giữa hoa tươi, lá thắm. Từ đấy trông xuống được cả hồ Thồ xanh rêu giao nhau với biển Địa trung hải màu biếc da trời, và thỉnh thoảng trên nền trời màu lam, thấy được cả hình ảnh lờ mờ lởm chởm của rặng Piarênê.
Chính tại đó, gã đã ra đời, đã lớn lên, sung sướng, tự do. Gã đã chơi đùa trên nền đất ánh vàng và đỏ hoe, và cũng đã chơi giả làm lính. Cái say sưa được hươi thanh kiếm gỗ làm đỏ bừng đôi má tròn, đôi má giờ đây đã hom hem và như đầy sẹo. Gã mở mắt, nhìn xung quanh, lắc đầu và thấm thía tiếc cái thời gã còn có những tình cảm trong sạch, say sưa, tươi sáng đối với chiến tranh và sự vinh quang.
Gã đưa tay che mắt, như để giữ lại những hình ảnh trong lòng.
Giờ thì lại đến cảnh khác.
Cũng trên cao đó, cũng chính nơi ấy, về sau, gã đã gặp Clêmenxơ. Lần đầu nàng đi qua, lộng lẫy ánh mặt trời. Nàng ôm một lượm rơm, gã trông nàng óng ánh vàng đến nỗi cạnh đầu nàng, màu rơm như ngả sang màu hung hung. Lần thứ hai nàng cũng đi với một cô bạn gái. Cả hai đều dừng lại ngắm gã. Gã nghe hai người thì thào và gã quay đầu nhìn lại. Thấy bị lộ, hai cô nàng ù chạy, quần áo sột soạt, tiếng cười giòn giã như tiếng chim đa đa.
Và cũng chính chỗ đó, về sau hai người đã dựng nhà ở đấy. Phía trước, một hàng nho chạy dài, đông cũng như hạ, gã đội mũ rơm ra chăm bón. Ở cổng vườn là một cây hoa hồng mà gã quen thuộc lắm, và cây hồng đó như cũng chỉ dùng gai để cố níu gã lại tí chút lúc gã đi qua.
Gã rồi có trở về với những cảnh đó không? Chao ôi! Gã đã nhìn quá sâu vào dĩ vãng nên không thể không thấy tương lai trong cái rõ ràng khủng khiếp của nó. Gã nghĩ tới, trung đoàn mỗi lần thay phiên là mỗi lần hụt đi một phần người. Gã nghĩ tới những trận nặng nề đã phải chịu và sẽ còn phải chịu, nghĩ tới cả những bệnh tật, sự hao mòn sức khỏe…
Gã đứng dậy, vung vẩy tay chân như để xua đuổi những việc đã qua và cả những việc sẽ tới. Gã lại rơi vào giữa bóng tối giá lạnh, gió buốt, giữa những con người ngổn ngang và ngơ ngác ngồi mò trong đêm. Gã trở về với hiện tại và tiếp tục run lẩy bẩy.
Cất bộ chân dài bước hai bước, gã vấp phải một nhóm anh em đang thì thầm tán chuyện ăn uống để tiêu khiển và tự khuây khỏa.
Một người nói:
- Ở nhà tớ làm những chiếc bánh lớn lạ lùng, những chiếc bánh tròn to như bánh xe ấy, cậu ạ!
Và gã vui vẻ thao láo đôi mắt thật to ra như để nhìn những chiếc bánh của nhà.
Gã thảm hại người Phương Nam[39] xen vào:
- Ở vùng tớ, những bữa tiệc ngày lễ kéo dài quá, đến nỗi lúc đầu bánh còn nóng giòn, cuối bữa đã ỉu xìu.
- Có một thứ rượu ngon ngon… Mẽ thì cũng thường thôi, nhưng này, ông bạn ạ, mà cái thứ rượu ở vùng tớ ấy, nếu không đủ đến mười lăm độ thì không được coi là rượu.
Fuiat liền nói đến một thứ vang đỏ thẫm, hầu như là tím, pha thêm nước vẫn cứ ngon, hình như nó sinh ra để uống pha với nước.
Một gã người xứ Bêac nói:
- Vùng tớ thì có rượu Juranxông, thứ chính hiệu ấy, chứ không phải cái thứ vẫn bán lấy tên là Juranxông nhưng lại chế ở Pari. Tớ, tớ chính có biết một thằng chủ rượu này.
Fuiat nói:
- Nếu cậu qua vùng tớ, nhà tớ có rượu vang ngọt đủ loại, đủ các màu, cậu xem lắm màu như là màu hàng vải lụa. Cậu cứ ở chơi nhà tớ khoảng một tháng, tớ sẽ cho cậu mỗi ngày nếm một loại, không loại nào giống loại nào, người anh em ạ.
Anh lính, lòng đầy biết ơn nói:
- Túy lúy biết bao nhỉ!
Thế là Fuiat xúc động khi đi sâu vào những kỷ niệm về rượu, nó cũng gợi lại cho gã cái hương vị dậy mùi tỏi của bữa ăn nơi xa xôi. Mùi rượu mạnh và rượu ngọt lắm vị thanh nhã như bốc lên đầu gã giữa cơn dông tố chậm chạp và buồn thiu đang dày vò trong lẫm chứa rơm.
Gã sực nhớ trong làng tạm trú quân đây có cửa hàng rượu của một người nguyên quán ở Bêdiê. Manhac đã từng bảo gã: “Anh bạn ạ, cứ đến tớ chơi một hôm nào đấy. Chúng mình sẽ uống rượu quê nhà. Mẹ kiếp! Tớ, tớ có vài chai, cậu nếm sẽ biết”.
Mối hy vọng đó, đột nhiên làm Fuiat lóa mắt. Một niềm rạo rực khoái trá chạy suốt từ đầu đến chân, gã như đã tìm được con đường đi của mình… Uống rượu nho miền Nam, lại cái miền Nam đặc biệt của gã, và uống rõ nhiều… Thế là lại sẽ thấy cuộc đời nhuốm hồng, sướng biết bao, dầu là chỉ một ngày thôi! Ừ, đúng, gã đang cần rượu, gã mơ ước được say sưa.
Lập tức gã bỏ mặc anh em chuyện trò để đi luôn đến đánh chén ở nhà Manhac.
Nhưng vừa ra tới cửa, gã đụng phải viên cai Broayê đương chạy rong ngoài phố như anh bán hàng rong, đến mỗi cửa lại réo lên:
- Ra nghe báo cáo!
Đại đội tập hợp thành hình vuông trên cái đồi đất sét, chỗ lò bếp lưu động đang phun khói đen ra ngoài mưa.
Fuiat tự nhủ:
- Báo cáo xong, sẽ đi đánh chén.
Và cứ mải nghĩ về chuyện đó, gã nghe đọc báo cáo một cách lơ đãng. Nhưng dù lơ đãng đến đâu, gã vẫn còn nghe viên chỉ huy đọc: “Tuyệt đối cấm không được ra khỏi nơi trú quân trước mười bảy giờ và sau hai mươi giờ”, và viên đại úy không thèm đếm xỉa đến tiếng lầm rầm lan vòng quanh của binh sĩ, giải thích lệnh trên.
- Đây là Đại bản doanh của Sư đoàn. Các anh còn đóng ở đây thì đừng có ló mặt ra. Phải tránh mặt đi. Nếu Trung tướng Sư đoàn trưởng mà trông thấy các anh ngoài phố thì Ngài lập tức bắt phạt các anh đi lao công. Ngài không muốn trông thấy một chiến sĩ nào. Các anh phải ẩn suốt ngày ở nơi tạm trú. Muốn làm gì thì làm, miễn là đừng để người ta trông thấy các anh, đừng một ai trông thấy cả.
Và anh em lại chui vào kho chứa rơm.
o O o
Hai giờ rồi. Chỉ trong ba tiếng nữa, khi trời đã tối om mới có thể đánh liều ra ngoài mà không bị phạt.
Trong khi chờ đợi, ngủ ư? Fuiat không buồn ngủ nữa; sự thèm rượu đã lay động gã. Với lại, nếu ngủ ngày thì đêm sẽ không ngủ được. Cái đó chớ! Đêm đến mà cứ thao láo mắt thì còn khổ hơn là ngủ mà đầy ác mộng.
Trời càng thêm u ám. Mưa gió càng tăng, bên ngoài cũng như bên trong…
Thế thì làm gì bây giờ? Không thể đứng yên, không thể ngồi, không thể nằm, không thể đi lại, không thể làm việc được, thì biết làm gì?
Một nỗi thống khổ, mỗi lúc một tăng, đè nặng lên đám binh sĩ mỏi mệt và lạnh cóng ấy, đang đau khổ tận thịt xương và thực sự không biết dùng thần xác của họ để làm gì bây giờ?
- Mẹ kiếp! Khổ quá đi mất!
Những con người bị bỏ rơi đó kêu lên như thế như một lời than van, như một tiếng cầu cứu.
Rồi, tự nhiên họ bắt đầu làm cái công việc duy nhất mà ở đây họ có thể làm được là đi bách bộ tại chỗ để khỏi tê xương, cóng da.
Thế là họ đi đi lại lại rất nhanh, hết dọc đến ngang trong cái buồng bé xíu chỉ ba bước chân là hết! Họ đi vòng quanh, chạm trán nhau, lướt vào nhau, đầu nghiêng về phía trước, tay đút túi, gót giầy nện xuống đất. Những con người đó bị gió lạnh mùa đông quất vào đến tận trong ổ rơm, trông như một bọn cùng dân đọa lạc của thành thị, dưới bầu trời thấp trệt mùa đông, đang chờ cửa nhà tế bần nào đó mở. Nhưng cửa sẽ không mở cho họ đây, có chăng là phải bốn ngày nữa, hết hạn nghỉ, vào một tối nào đó để họ lại ra chiến hào.
Côcôn ngồi xổm, lẻ loi một xó. Gã bị rận cắn, nhưng kiệt sức vì rét và ướt át, gã không đủ can đảm thay quần áo, đành ngồi ỳ ra đấy, ủ rũ, không cựa quậy, mặc cho rận nó làm thịt.
Càng gần đến năm giờ chiều, mà thế nào rồi chả đến, Fuiat lại bắt đầu say sưa với cái mộng được uống rượu. Gã chờ đợi với nguồn ánh sáng ấy trong lòng.
- Mấy giờ rồi nhỉ?... Năm giờ kém mười lăm… Năm giờ kém năm… Nào, đi nào!
Gã đã ra ngoài, trong đêm tối, bằng những bước nhẩy nhót làm bắn nước lên. Gã tiến thẳng đến cửa hàng của Manhac, con người hào hiệp và liến thoắng quê ở Bêdiê. Trong đêm mưa gió tối như mực, gã khó khăn lắm mới tìm được cửa. Rõ khỉ, nhà chẳng có đèn lửa gì cả! Khỉ ơi là khỉ! Cửa lại đóng chặt! Gã bật diêm, lấy bàn tay to tướng và gầy khô che lại như cái chao đèn, soi thấy cái biển số kiếp: “Cửa hàng cấm quân đội”. Manhac mắc cái tội vi lệnh gì đó, đã bị đầy trong bóng tối, không được hoạt động nữa!
Và Fuiat quay lưng, bỏ cái hàng rượu nay đã thành nơi giam gã chủ quán cô đơn. Nhưng gã vẫn không từ bỏ ước mộng của mình. Gã sẽ đi nơi khác, sẽ uống thứ rượu thường, gã sẽ trả tiền, thế thôi.
Gã thọc tay vào túi sờ ví tiền. Cái ví còn đấy… Gã như có ba mươi bảy xu. Chẳng to tát gì lắm, nhưng… Nhưng đột nhiên, gã giật nẩy mình, dừng ngay lại và vỗ trán một cái. Bộ mặt dài ngoẵng của gã nhăn nhó ghê tởm trong bóng tối.
Không, gã đâu còn đến ba mươi bảy xu! Hừ, gã ngu thật! Gã quên tính cái hộp cá “xacđin” mới mua hôm qua vì cái thứ mì lốm đốm của cơm bữa làm gã phát ngấy. Gã còn quên những cốc bia đã thết bọn thợ đã đóng thêm đinh vào giầy cho gã.
Khổ quá! Gã đâu chỉ có khoảng mười ba xu.
Để được say sưa vừa ý mà trả thù lại cái cảnh sống hiện tại, gã cần đến một lít rưỡi mới vừa. Mà một lít thứ đỏ ở đây giá hai mươi mốt xu. Thiếu nhiều tiền quá.
Gã đưa mắt nhìn bóng tối quanh mình. Gã tìm một người nào đó. Có thể có một thằng bạn nào sẽ cho gã mượn tiền hoặc thết hẳn gã một lít.
Nhưng thằng nào, ai nhỉ? Không phải là Bêcuwơ, hắn ta chỉ có một bà mẹ nuôi cứ nửa tháng lại gửi cho ít thuốc lá và giấy viết thư. Không phải Bacơ, vì có bao giờ thằng cha ấy chịu cho mượn. Không phải lão Blerơ, vốn keo kiệt, sẽ không thông cảm. Cũng không phải Bikê vì hình như hắn đương bất bình với gã. Cũng không phải Pêpanh, bản thân thằng này cũng thường hay xin xỏ kẻ khác và ngay cả khi nó mời mọc anh em, nó cũng không chịu thò tiền ra trả. Ờ, nếu Vônpat còn ở đây!... Cũng còn Mexnin Anđrê đấy, nhưng chính gã còn đương nợ hắn ta nhiều chầu rượu. Còn tên cai Bectrăng. Thì nhân một lời nhận xét của hắn, gã đã tàn nhẫn gạt hắn ra và hiện giờ hai đứa vẫn gườm nhau. Còn Facfađê? Bình thường, gã không hề chuyện trò với hắn. Không, gã biết rõ không thể nhờ vả Facfađê điều đó được. Vả chăng, mẹ kiếp! Tội gì mà nặn óc tìm cho ra những vị cứu tinh? Giờ này thì cả cái bọn đó còn biết chúng ở đâu?
Chầm chậm, gã quay lại nơi tạm trú. Rồi như cái máy, gã lộn lại và bước ngập ngừng về phía trước. Cứ thử xem sao. Có thể, ngay tại chỗ, có những thằng anh em đang ngồi vào bàn… Gã đi đến khoảng giữa làng, đúng vào lúc đêm vừa đến vùi hẳn cảnh vật.
Những cửa chính và cửa sổ sáng trưng của các tiệm rượu hắt ánh vào bùn ngoài phố chính. Cứ vài chục bước lại một tiệm. Thoáng thấy những bóng nặng nề của binh lính, phần lớn thành từng tốp, đi xuống đường. Khi có chiếc xe hơi đi qua, người ta phải tránh ra để nó đi, quáng mắt vì ánh đèn pha, và bùn lỏng, mà bánh xe tung ra khắp mặt đường, bắn cả vào người.
Những tiệm rượu chật ních người. Qua những cửa kính mờ vì hơi phủ, thấy bên trong đầy ắp một đám đông chen chúc những người đội mũ cát.
Fuiat vào bừa trong một tiệm. Từ ngưỡng cửa, hơi ấm tiệm rượu, ánh sáng, mùi rượu và tiếng ồn ào làm gã mềm lòng. Cái bọn người đang chè chén ấy, xét cho cùng, là một mẩu quá khứ còn lại trong hiện tại.
Gã nhìn hết bàn này đến bàn khác, bước lên đụng bàn đụng ghế, soát kỹ những khách ăn trong gian phòng. Chết nỗi! Gã không quen ai cả.
Nhìn chỗ khác cũng vậy. Thật không may cho gã. Gã đã hết sức vươn cổ ra, đưa mắt cuống cuồng sục sạo tìm lấy một mống quen biết trong số những kẻ mặc quân phục đó đương từng nhóm hoặc từng cặp vừa uống rượu vừa chuyện trò hay ngồi một mình viết lách. Gã giống như một thằng ăn mày chẳng được ai để ý tới.
Chẳng tìm được ma nào giúp đỡ, gã quyết định ít ra cũng tiêu hết số tiền trong túi. Gã len đến quầy trả tiền…
- Một chai nửa rượu vang, và hạng tốt ấy…
- Vang trắng?
- Ừ, trắng.
Mụ chủ quán đưa cho gã một chai nhỏ đầy rượu và một cái cốc, thu lấy mười hai xu, vừa nói:
- Cậu là người miền Nam đây.
Gã ngồi vào một góc bàn đã có bốn tay tửu đồ choán chỗ. Họ đương xoắn xuýt với nhau trong một canh bài. Gã rót đầy miệng cốc, uống cạn rồi lại rót đầy.
Một thằng cha mới đến, bận áo làm việc màu tím than, đôi lông mày kẻ một nét ngang rậm giữa khuôn mặt nhợt nhạt, cái đầu nhọn, hai tai kếch sù, réo vào tai gã:
- Nào, cùng nâng cốc chúc sức khỏe cậu. Khéo vỡ cốc!
Hắn là Haclingơ, lính quân giới.
Ngồi một mình với cốc rượu, trước mặt là người anh em đương tỏ ý khát, thật cũng chẳng danh giá gì. Nhưng Fuiat vờ như không hiểu cái ý muốn của anh chàng đương lắc lư trước mặt gã với một nụ cười làm duyên. Gã vội nốc cạn cốc. Thằng cha kia quay lưng, không quên càu nhàu rằng “những thằng phương Nam ít thảo mà lại tham ăn”.
Fuiat tay chống cằm, lơ đãng nhìn một góc tiệm rượu, nơi binh lính dồn đông lại, thích cánh nhau, chèn ép và xô đẩy nhau để đi qua.
Cái thứ rượu trắng này tất nhiên cũng khá đấy. Nhưng chỉ có mấy giọt ấy rơi vào cái sa mạc của Fuiat thì thấm vào đâu? Nỗi phiền muộn chưa tan được mấy lại kéo trở lại.
Gã người phương Nam đứng dậy, bước đi với hai cốc rượu trong bụng, một đồng xu trong ví. Gã còn có can đảm đi thăm một tiệm rượu nữa, đưa mắt vào dò, rồi bỏ đi, miệng lẩm bẩm để làm ra vẻ: “Mẹ kiếp! Cái thằng súc sinh ấy, không bao giờ là gặp được mặt nó!”
Rồi gã trở về nơi tạm trú. Nơi này, gió mưa vẫn luôn luôn rào rào từng cơn không ngớt. Fuiat thắp cây nến của mình; trong cái ánh lửa lập lòe của ngọn nến đang chập chờn một cách tuyệt vọng như muốn bay đi, gã lại thăm con Labri.
Tay cầm mẩu nến, gã ngồi xổm trước con chó khốn nạn có lẽ rồi đây sẽ chết trước gã. Con Labri ngủ, nhưng chỉ chập chờn thôi, vì nó bỗng mở ngay một mắt và vẫy đuôi.
Gã người thành Xettơ vuốt ve nó và bảo thầm:
- Không làm cách nào được. Chịu…
Gã không muốn nói thêm với nó, sợ làm nó buồn; nhưng con chó tỏ đồng tình, lắc lư cái đầu, trước khi nhắm mắt ngủ lại.
Fuiat đứng dậy, hơi khó nhọc vì khớp xương gã như han gỉ và gã đi nằm. Gã chỉ còn ước vọng một điều: nằm xuống ngủ được để cho tiêu tan cái ngày thê thảm này, cái ngày hư không này, cái ngày như hằng bao nhiêu ngày khác mà gã còn phải dũng cảm chịu đựng, vượt qua, trước khi đến ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh hoặc của cuộc đời của gã.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa