Số lần đọc/download: 1873 / 41
Cập nhật: 2016-07-13 10:15:17 +0700
Chương 12
Ông Thần Tốc đọc xong mười hai truyện trinh thám ngoại quốc thì nghe nhức đầu như có ai lấy gọng kềm mà kẹp vào hai thái dương của ông. Ông buông quyển truyện cuối cùng mà kết luận là người ngay được thoát nạn, lòng không mừng rỡ, không hy vọng một tí nào khi liên tưởng, so sánh phận mình. Ông mệt đừ vì thuốc điếu hút hết điếu nầy sang điếu khác, và vì đọc truyện liên tiếp, ngoài các giờ ăn ngủ.
Ông thở dài, thấy rằng ông tù túng hơn là nằm trong khám. Ở đây mỗi lần nghe tiếng động bất thường là ông giựt nẩy mình.
Ngồi tù, thỉnh thoảng còn được xuống sân chạy nhảy. Có khi lại được đi làm cỏ huê. Ở đây thì khỏi. Từ trên lầu xuống đến buồng ăn là gặp chỗ tuyệt đạo. Ngồi nơi bàn ăn, dạ không bao giờ yên, cứ lấm la, lấm lét nhìn ra cửa buồng, và hễ mỗi lần có khách là sợ hãi, vội thoát lên lầu, mà cũng chẳng dám leo thang hối hả lắm, sợ tôi tớ nó sanh nghi.
Ông dư nhiều thì giờ quá và giết nó được bằng truyện hấp dẫn, không dè truyện hấp dẫn lại giết lần giết mòn ông. Ông dự đoán, nếu đọc như thế một hai tuần lễ chắc ông chết mất.
Vụ của ông lại rắc rối thêm, mặc dầu nạn nhân còn sống. Nếu y chết, người ta đã lấy dấu tay trên cổ y, và không chừng truy ra thủ phạm nhờ thế. Y sống, chẳng những y phi tang cả cho lời vụ vu cáo của y, mà y còn bày điều đặt chuyện thêm để đánh lạc hướng nhà điều tra. Phận sự của trạng sư, khó lắm rồi, càng khó hơn nữa.
Tuy nhiên tất cả những rắc rối ấy cũng không làm mờ được sự bất ổn trong gia đình ông, nó làm ông đau xót từng phút, tùng giây.
Ông còn đang nghĩ vẩn vơ thì Lệ lên báo tin vợ cũ ông đến và muốn gặp mặt ông.
Bà nguyên Thần Tốc đến đây ngày một, không vì tình cũ nghĩa xưa, lời nguyền cũ đã bị thời gian xóa phai rồi, bà đã quen với tình mới rồi. Nhưng ông là một bóng mây mờ có thể che lấp hạnh phúc hiện thời của bà nên bà năng đến như để thăm xem có việc gì nguy hơn xảy ra hay không? Nếu không, nếu ông cứ được ở an trong bóng tối ngày nào là bà yên lòng ngày nấy.
- Ông vẫn được mạnh chớ?
Đó là câu hỏi cổ điển, ngày nào bà cũng lặp y trở lại như thế. Ông Thần Tốc không đáp, mà làm cho bà đỡ lo ngay bằng câu sau đây:
- Không có gì lạ hết.
Nhưng hôm nay, ông nói chuyện chớ không làm thinh mà nhìn nhau như những lần trước.
- À, tôi cũng nóng lòng gặp bà để hỏi thăm một việc. Bà có nhớ mối thù độc nhứt và to nhứt của gia đình Ta - gia đình Ta ngày trước, chớ bây giờ là gia đình Tôi - hay không?
- Nhớ, tôi nhớ lắm. Và hổm nay tôi chờ đợi câu hỏi nầy của ông vì tôi biết sớm muộn gì ông cũng hỏi về hôn nhân của con Lệ.
Nhưng sở dĩ tôi bằng lòng như vậy, là vì tôi đã theo câu tục ngữ của ta: "Đạp gai lấy gai mà lể". Ta đã bị họ cướp của mà không la làng được, cũng chẳng kiện thưa gì được thì có phải chăng là khôn khi tìm cách cướp lại phần nào mớ của cải đã mất? Hai Hoài chỉ có hai đứa con, và thằng ấy sẽ hưởng một nửa gia tài của ta. Đó cũng như là mình chia sở cao su cho con Lệ một cách gián tiếp vậy mà!
Nghe xong lời giải thích nầy, ông Thần Tốc cười khan lên rất lâu khiến bà chưng hửng không hiểu nổi cảm nghĩ của ông mà bà đoán là không ăn khớp với cảm nghĩ của bà.
Giây lâu ông mới nói được:
- Thật là hợp lý trí, mưu mẹo của bà. Bà khôn ngoan quá. Nhưng tôi thì không dùng thủ đoạn như vậy mà yên lòng được. Thù nhà, tôi phải trả, dầu với giá nào, chớ không phải bắt tay với kẻ nghịch để mong gỡ gạc. Tôi không dè bà đặt cái lợi lên trên hết cả, thật tôi không dè. Không rõ là con của ta nó thừa tự tánh ý của bà hay là của tôi. Nếu chúng nó thừa hưởng tánh ý của bà thì chúng nó hãy xin sửa hộ tịch theo họ mẹ thì phải hơn.
Nói xong, ông Thần Tốc lại cười dài. Ông không còn theo kịp nhịp sống của thời nay nữa. Thời nay, người ta điên đầu vì quyền lợi nên lắm khi ngươi ta dẹp cả tình cảm để mềm dẻo thái độ cho khỏi thiệt hại về lợi quyền. Ông Thần Tốc mười mấy năm nay vẫn sống trên đời, nhưng sống lớp tài xế, tức là bên lề những cuộc tranh giành đoạt lợi của bạn hữu và của chính vợ ông nên ông bị biến chuyển nói trên bỏ sót lại rất xa; ông là người của mười lăm năm trước, cũng biết tranh sống, nhưng tranh nhè nhẹ thôi, chưa đến đỗi ác liệt, nghiệt ngã như bây giờ.
Bà Thần Tốc bị mắng xéo, chỉ khóc mà trừ. Đàn bà thì vào dịp nào họ cũng khóc cả, và khó lòng biết đích xác họ khóc vì cái gì. Có lẽ bà khóc vì uất hận cũng nên. Làm sao khỏi uất hận khi mà bà nghĩ mình đã khôn khéo cứu vãn quyền lợi gia đình phần nào, đã không được lấy một lời khen ngợi lại còn bị mắng.
Nếu như trong tình thế thường thì bà đã cự lại ông rồi. Nhưng dầu sao bà cũng thương xót con người giờ phút nầy đang sợ, sợ tất cả không dám nói lớn tiếng, nếu có ai nhục mạ y. Con người ấy đã mất hết, và có thể sẽ mất cả tự do trong mấy năm, nếu không thoát được nỗi oan Thị Kính.