Số lần đọc/download: 6470 / 152
Cập nhật: 2015-09-11 11:51:22 +0700
Trò Dối
1
. Tôi hỏi, cố nhìn thẳng vào mắt em: "Hai em dùng gì?". "Một sữa tươi không đường không đá - rồi quay sang đứa bạn, em hất cằm - Còn mày?" xong thờ ơ nhìn tiếp ra đường.
Em đến đây đã một tuần nay, hầu như chiều nào cũng vậy, thường là với một nhỏ bạn 18, 19 như em; con bé tóc ngắn như con trai lúc nào cũng loay hoay ngang ngửa. còn em, tôi không hiểu sao một dạng bất cần như em lại nuôi và đợi được một mái tóc dài đến thế.
Tháng Mười Hai, mới 6 giờ, trời đã tối, em đã mặc áo len màu xám xắn tay và phanh ngực, tôi cũng không hiểu, như vậy thì che được cái lạnh nào cho em?
2. Em gọi: "Cho tôi mượn list băng nhạc anh đang mở", tôi cố chù chừ, may ra em sẽ nhìn vào mắt tôi chăng. "List mờ lắm". Không nói gì, em cau mày khó chịu nhìn ra đường, con bạn ngay lập tức cũng cau mày khó chịu nhìn tôi. Tôi phì cười, chui vào quầy tìm đến cái điều em muốn, một cái list photocopy có ba cô gái ngồi trên một tảng đá trên bờ biển, em "à" lên vui vẻ, hào hứng đọc đọc, dò dò... rồi thờ ơ trả lại, điệu bộ lạnh như băng. Tôi nghĩ "Ai mà chịu được cái của này!"
3. Tôi quyết định làm quen theo cái lối đơn giản nhất mà không ai làm. Một chiều, em ngồi ở hàng ghế ngoài hè, tay quấn tròn cái áo len; hôm ấy trông em thật phong phanh, giống như một cành cây dễ gãy. Tôi kéo một cái ghế ngồi đối diện, cố giữ một bộ điệu thoải mái nhất, bất cần nhất. Em vẫn ngả lưng sau ghế, hờ hững nhìn ra đường, bộ tịch như muốn cho tôi hiểu rằng: "Quán của anh thì anh ngồi chớ! Ngồi trước mặt tôi hay sau lưng tôi thì cũng vậy thôi!" Chỉ con bạn của em, nó loay hoay trong cái ghế, giương mắt nhìn tôi chờ đợi. Tôi hỏi: "Trời lạnh, sao hôm nay em không mặt áo len?". Em cười, vẫn không nhìn ai, bằng cái lối như đã quen từ lâu lắm. "Ờ, hôm nay tự nhiên không lạnh!..." Con bạn em, loay hoay rút từ trong túi ra mấy cái kẹo, em đưa tôi một cái tự nhiên như thể từ lâu lắm rồi vẫn mời kẹo tôi. Tôi phì cười: "Nhưng em tên gì?" "Lam, còn anh?" và em nhìn tôi, một cái nhìn lạnh lùng, không nói được điều gì. Tôi chỉ tay lên bảng quán: "Tên anh" trên đó có mấy con thạch sùng đang rình bắt thiêu thân.
4. Tôi tạm hài lòng với những điều biết về em. Một khách hàng với thức uống ngồ ngộ, một người đã nghỉ học ngồi nhà, đợi chiều xuống, khi trăng đã mờ, sao đã sắp sửa lộ ra...thì đến quán. Tôi hỏi: "Một ngày chỉ có vậy sao?" Em cười: "Vậy thôi!" Con bạn tóc ngắn cũng lặp lại: "Vậy thôi" một cách máy móc. Em cung cấp những chi tiết đủ để tôi tưởng tượng ra khu vườn đầy trẻ con. Trẻ con ở đây là lũ cháu của em, chúng đuổi nhau quanh những nọc tiêu cho đến khi mồ hôi đầm đìa thì vào nhà đòi ăn cơm, tắm rửa. Buổi sáng, em chở một xe đầy trẻ em, thả từng đứa trước cổng trường. Buổi trưa, trong cái nắng gây gây lạnh như người sốt, em đón tụi nhỏ về, và nghe ậm ừ những chuyện con nít. Con người cần mẫn ấy chỉ có buổi tối cho mình, em cười, vỗ vỗ gáy nhỏ bạn: "Đây là cháu lớn của em" Nhỏ bạn cười, trông tinh quái không có vẻ gì là cháu.
5. Quán cà phê của tôi nằm trên một con đường mới mở. Những tấm đan vỉa hè còn chưa sứt, những ngôi nhà cửa sổ, cửa cái còn xanh đỏ buổi đầu.
Em nhìn tôi tất cả rồi phán: "Sạch dễ sợ". Tôi thuê một phòng lớn và mở quán, treo những bức tranh hoa cỏ giả vờ nguệch ngoạc lên tường, kê những chậu kiểng lòa xòa giữa lối đi, trên gắn những bóng đèn con chớp tắt, chớp tắt. Bạn bè hỏi: "mày bán cà phê thật sao?" rồi nhìn tôi với cái nhìn có vẻ ghê gớm lắm. Tôi cười ờ ờ qua chuyện, chẳng lẽ lại nói rằng "tao không muốn vừa thất nghiệp vừa không có xu như bọn mày". Các bạn của tôi đến vào những giờ không lường được, về vào những giờ không định được, ngồi những tư thế thoải mái nhất và nói những điều cao siêu nhất, những điều không nảy ra tiền. Em ngồi đằng trước, tách biệt hoàn toàn như một thế giới khác, không thèm biết và không hề biết có những kẻ biết mình và chỉ trỏ sau lưng.
Người ta bảo rằng em có một cái tên khác, một căn nhà khác, một căn nhà với hai ba người già sống lặng lẽ cạnh nhau, em có một lớp học và những bài thi bận rộn, em có một đám bạn ở trường để nói cười ồn ào. Người biết em bảo: "Ở đây, sao thấy nó lạ quá", rồi nhìn tôi: "Mày bị bịp rồi". Tôi ngơ ngác, chẳng lẽ cái bộ điệu say mê khi kể về trẻ con của em cũng là để bịp tôi, cả cái vườn tiêu có một lũ nhóc chạy vòng quanh cũng là bịp nốt?
6. Tôi nhớ ai đó đã bảo: "Để giáo dục một tên ăm trộm, hãy giao cho nó canh kho bạc". Tôi đem chai sữa đến cho em, em ngồi bới tóc, tóc lòa xòa quanh gáy, em bảo nhỏ bạn: "Phải uốn tóc trước Noel". Vội vàng tôi càng: "Đừng", rồi sực nhớ ra, biết đâu cũng là một câu nói dối, tôi mỉm cười, em cũng mỉm cười: "Vậy hả?". Nhỏ bạn của em ngọ nguậy nhìn quanh rồi nhận xét: "Quán của anh chưa có cây thông". Ừ, đúng rồi, một cây thông với đèn màu, với những tấm thiệp xanh đỏ treo lủng lẳng, trong ghi những lời chúc không bao giờ thực hiện nổi. Tôi cười: "Anh còn để ở nhà". "Vậy đây không phải nhà anh?" Em trợn mắt ngạc nhiên rồi ngửa cổ uống chai sữa. Tôi đặt tất cả lên bàn, một chứng minh nhân dân có địa chỉ, một thẻ sinh viên đã cũ, một tờ giấy chứng nhận đã đóng lệ phí giao thông, mấy cái tem thư quăn góc... Em hỏi: "Để làm gì vậy?" "Cho em tin", và tôi muốn nói thêm: "Và để em đừng nói dối nữa. Với một người thật đến nỗi này, em nỡ lòng nào nói dối, phải không?". Em ngồi xem mấy tờ giấy, xếp lại cẩn thận đưa tôi rồi ngả lưng nhận xét: "Trong hình nhìn anh như thằng ngố". Tôi bảo: "Anh ngố lắm, hay bị bịp lắm". Em móc từ cánh tay áo len xăn lại, lấy ra một vật bằng gỗ nho nhỏ: "Cho anh" một cái pipe để gắn thuốc, em bảo làm thế này, thế này... rồi em hút thử cho tôi xem. Tôi hỏi: "Em cũng hút nữa à?" "Ồ, không, em sợ thuốc lắm". Sau làn khói em cố tình cười tinh quái.
7. Tôi đã kể em nghe về tôi, về thời khóa biểu của tôi, về những người bạn cũ. Em ngồi nghe, hiền lành, nhỏ bạn tóc ngắn cũng hiền lành ngọ nguậy trong ghế. Tôi đánh giá: tạm ổn. Vậy là em đã phần nào cảm thấy thân thiết với tôi đủ để nói "Hồi trước em đùa đấy".
Chiều sớm, em từ đâu về ghé quán cùng nhỏ bạn. Em ôm một chậu phong lan nhỏ hoa vàng và khoe: "Nhìn này, lan vũ nữ đẹp chưa". Trên cành, một đoàn vũ nữ vằn vện vàng nâu nhảy múa. Trông em háo hức như trẻ con, tôi cười: "Này Lam, em tên thật là gì?" Em lạnh như tiền, nhìn: "Là Lam". Nhỏ bạn em ngay lập tức cũng nhìn tôi thách thức. Trò chơi không diễn ra vui vẻ như dự định, tôi bị động nói ra những điều biết được về em, lòng cầu trời sao cho em quay lại cười xuề xòa hối lỗi. Em hờ hững nhìn ra đường rồi nhướng mắt nhìn đứa bạn đồng lõa: "Đúng đấy, ai kể cho anh vậy?", em nói câu đó bằng cái giọng thờ ơ nhất, dễ làm người ta nỗi cáu nhất. Tôi hỏi: "Em nói dối anh làm gì vậy?" "Để vui", rồi chậm rãi, em quay đầu nhìn tôi, xa lạ như buổi đầu đến quán. Con bạn em đắc thắng nhìn tôi... Tôi thấy cái cười ấy thật lố bịch, cả em nữa, ngồi thừ ra vài phút, tôi đốt một điếu thuốc rồi đi vào. Em cười: "Sao anh không ngồi lại?", cả cái câu này tôi cũng thấy dễ ghét, tôi nhìn mông lung ra đường: "Có mấy người kia đang đợi anh".
8. Em băn khoăn hỏi tôi: "Sao dạo này anh không ra ngồi chơi?". Tôi hơi buồn cười, em có vẻ lọc lõi lắm mà, chả lẽ lý do đơn giản nhất mà em cũng phải hỏi sao? Để thử lại xem uy quyền của mình còn hay mất, em bảo: "Thay cho em băng nhạc khác đi". Tôi thay băng nhạc em yêu, một giọng nữ khàn khàn buồn bã, mấy đứa bạn lườm tôi: "Đồ quỷ". Tôi ngồi lại bên quầy, xếp những vỏ băng gọn ghẽ và nhìn ra ngoài. Ở đó, em loay hoay chờ đợi, rồi thiếu kiên nhẫn, em quay lại gọi tôi: "Em về". Tôi lặp lại: "Em về" rồi cần mẫn thu dọn bình trà ly nước. Nhỏ bạn hậm hực đạp máy xe và em ngồi sau, nhỏ bé, tôi nhìn theo hai cái bóng tí tẹo ấy, lần nào trong đầu cũng hiện ra hai chữ "tội nghiệp".