Số lần đọc/download: 4312 / 69
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Mùa Ăn Chơi
D
ã có mưa bụi. Về buổi sáng, từng cơn mưa nhỏ rây bụi nước bay vân vân, phủ mờ mịt trong cánh đồng. Cỏ xanh rười rượi. Cây lên ngút ngàn. Mùa xuân mới đã sang rồi.
Bấy giờ đã ngoài rằm tháng Giêng. Những đám bà già lũ lượt đi hội chùa đã vãn. Bắt đầu vào các hội đình. Một buổi sớm đầu tháng Hai, một toán khách lạ đi vào trong làng. Có đến bảy tám người. Ai cũng chít khăn lượt, bận áo the dài. Trong nền áo, lòe xòe túm thắt lưng lụa đỏ, hoặc thắt lưng nái vàng khè. Mấy ông đứng tuổi đi trước. Cánh tay khoác lõng thõng cái ô. Những bác con trai, bác nào cũng đeo trên lưng một khăn gói nhỏ. Khách có dáng ở nơi xa tới. Đi đến cửa đình thì mọi người đứng lại. Một ông trong bọn đón một người đàn bà đi chợ qua, hỏi thăm:
- Bác cho tôi hỏi thăm nhà ông lang Thái.
- Nhà ông lang Thái ạ? Các ông cứ đi hết đường gạch này, đến chỗ bờ ao có bụi cúc tần, thì trông thấy cái cổng tán cạnh ba cây xoan. Nhà ông lang Thái đấy.
Bọn khách đã đi khỏi, người đàn bà đứng ngó theo. Những ai lạ đi vào xóm, bao giờ người làng cũng hay nhìn, ngắm tò mò như thế. Và không biết ở ngõ nào đã có mấy đứa trẻ con cõng em ngật ngưỡng lóc cóc chạy ra. Chúng hỏi:
- Người ta vào nhà ai thế, hả bác Niệng?
- Nhà ông lang Thái.
Chúng reo vu vơ:
- Anh em ới! Vào nhà ông lang Thái.
Có những đứa trẻ khác đã lẽo đẽo theo sau bọn khách, hợp thành một cái đuôi lôi thôi rách rưới. Cũng có đứa nhanh nhảu đã lon ton chạy đến cổng nhà ông lang Thái để gọi hộ.
Trong những hàng rào dâm bụt sau nhà, người ta đứng ngó đám khách lạ. Chó các nhà thi nhau sủa loạn làng. Một người, vẻ thông thạo, đoán:
- À, người đến đấu võ hội tháng Hai làng ta đấy mà.
o O o
Năm ấy, làng vào đám tháng Hai. Đám cũng đám lệ, không có hội hè gì. Làng mổ một con lợn, một con bò, cắt phần việc cho bốn giáp. Cửa đình mở từ sáng sớm hôm mùng mười. Bên sông Lịch, một lá cờ được kéo lên đầu cột. Trong đám lá xanh đậm, màu cờ nhuộm một sắc đỏ chói lọi. Giữa sân bầy một chiếc long đình.
Đôi bên cắm hai hàng cờ đuôi nheo. Phấp phới, hỗn độn những màu xanh đỏ tím vàng vẫy nhau trong gió. Gần đấy, đặt nghiêng một chiếc trống cái. Trẻ con giạng cẳng, thả sức nện trống suốt ngày. Bên góc sân, phía gốc đa, đã dựng lên một rạp chèo. Bốn cái cọc tre, đỡ một nền sàn bằng ván gỗ vuông vắn, trên phủ một lá cót, che mưa nắng. Đêm đêm, có hát chèo. Ngày mười một, các cụ trong làng phủng sắc vào một cái long đình, gõ chuông côông côông, rước loanh quanh thôn này qua thôn khác. Đám rước lệ, lèo tèo có vài bô lão đi guốc, áo thụng bạc phếch, và một lũ rất nhiều trẻ con. Trẻ con trong làng đổ theo cái long đình, sau mấy bô lão, bám như cái đuôi. Ba hôm việc làng, rước xách, trong các xóm, khung cửi nào cũng nghỉ dệt. Người ta nghỉ ngơi, ăn uống và tối lũ lượt ra cửa đình xem hát chèo.
Nhưng đám tháng Hai năm nay hơi khác mọi năm. Rước xách vẫn nhạt nhẽo vậy. Đêm đến, cũng phường hát chèo. Năm nào, phường Bắc cũng nhớ ngày tới xin đám. Song đám năm nay khác, đám lớn hơn thường khi. Chèo hát ồn ã liền những tám đêm. Ban ngày, ngoài cuộc thường niên kia, lại có nhiều cuộc vui khác. Đánh cờ bỏi, chọi gà bên bãi Cơm Thi. Diễn võ trên rạp chèo. Leo cầu noi, lại có trò vui bắt chước hội Tây: bắt vịt dưới ao làng. Đám hội năm nay, ngoài sự lấy lệ, còn có tính cách một hội khánh thành cầu mới. Chiếc cầu quét vôi trắng xóa một nhịp ngang con sông nhỏ đã cạn dòng gần hết nước. Bởi thế, người ta gọi là hội cầu. Hội cầu làng Nghĩa Đô.
Suốt buổi có đánh cờ bỏi. Với đàn trẻ, trò này nhạt quá. Đâu chỉ có mươi ông râu đai đứng ngẩn ngơ bên những rào nứa cắm lỗ. Đánh gà chọi còn thú hơn. Hai con gà, da ức đỏ gay, nhảy lên đá nhau bịch bịch. Nhưng khoái nhất là xem đấu võ.
Ai cũng thích võ. Người lớn ham xem. Ông già lại càng ham nữa. Thời xưa, kẻ nào xoàng hạng bét cũng có thể vỗ đùi một cái, nhảy qua được một bờ rào xương rồng. Cái ngày dụng võ của thuở những ông cụ tám mươi ấy, còn in dấu vết nhiều trong đầu mọi người. “Ngày xưa, làng ta có cụ tám Lừ hét một tiếng vượt rút nóc nhà... Trước, bác cả Chửng làng ta, chân tay không mà đánh ngã được mười tên cướp... Cái độ loạn Cờ Đen bà Khảng lừa mẹo chặt cụt tay một thằng giặc Khách...” Câu chuyện ngày xưa, cái hồi giặc Cờ Đen sang ta... được kể trong những đêm mọi nhà tụ họp dưới ánh đèn. Chao ôi, ngày xưa ấy, người ta giỏi võ quá. Ai cũng ưa xem võ. Từ hôm đoàn các lò võ lục tục đến thì cả làng rộn rịch, nháo lên. Các nhà võ thì ăn chực nằm chờ, đợi ngày đấu. Người ta ngong ngóng đi xem.
- Hôm nào nhỉ?
- Mai.
- Nhớ rủ tớ nhé.
Đến đàn bà, con gái cũng náo nức:
- Mai chị rủ em đi xem đấu võ nhé!
o O o
Hôm đó, từ buổi sớm, sân đình đã đông ngộn, ghê người lên. Người đứng chen nhau, đen ngòm. Không một chỗ hở đủ cho đưa được một bước chân. Nghẹt quá, không thở được, trẻ con khóc inh ỏi như một đàn lợn bị chọc tiết. Rồi chúng trèo tường đình, chúng leo lên gốc đa. Bám thèo đảnh như con nhái bén. Một chân bôông bêênh, một chân bíu rễ đa, đầu nghếch dòm vào trong rạp chèo. Cứ kiểu lạ ấy mà chịu khó đứng được mãi.
Trên sân khấu cao, chưa thấy bóng một nhà võ nào. Nhưng các đồ võ đã bày la liệt. Một cái giá bằng tre, cắm ối thứ đánh nhau, mà người ta bảo là những mười tám thứ khí giới. Một thanh siêu dài, lưỡi xám xịt, đầu khoằm cong, cao cùng hàng với chiếc côn, cái thương và thanh kích mũi sắt. Hàng dưới, đều một dãy, hai con cá gỗ đuôi nhọn, gọi là song hỷ, hai quả chùy to thô lố như hai quả dừa. Một lá chắn đan bằng mây để đánh lăn khiên. Lại thanh mã tấu lưỡi vạt sắc lém. Hai thiết lĩnh có xúc xích loăng quăng. Tất cả, bầy dàn một hàng dài cho mọi người ngắm nghía.
Bên cạnh giá khí giới, kê một chiếc trống cái lớn. Một bác trai tuần, áo the dài, khăn lượt chít, một tay chống nạnh mạng sườn, cúi lom khom, nghiêng tràn dột từng hồi ngũ liên.
Tùng tùng tùng... Tùng tùng...
Ba tiếng một, hai tiếng một. Những hồi trống ngũ liên rền rĩ vang lên như nước cuồn cuộn chảy, như khói lửa nhuốm lên, nghe như xô đẩy, thúc giục kêu gọi ráo riết. Đấy là những tiếng trống thảm thiết của những ngày nước lớn, những khi có lửa cháy trong xóm. Với những người khố đơn, nghe mấy tiếng trống đòi nợ này, ai cũng giật mình, nghĩ đến tháng Năm của mùa hè sưu thuế. Nhờ trời, đây chỉ là những tiếng trống oai hùng thúc giục người ta đấu võ cho khỏe, và làm nao nức những người đứng xem.
Tiếng trống liên miên càng thúc người xô đến nhiều nữa. Đứng trên rạp chèo trông ra, đầu người lô xô, man mác. Người ta ganh nhau, cố nhô được mũi lên để thở. Đông quá, ai cũng nhăn nhó. Bọn con gái trong làng đứng họp một tốp lớn trên thềm đình cũng càng ngày càng nghển cao cổ lên, mới trông được thấy rạp. Lần lần, người ta len đến càng nhiều. Những anh con trai lúc này hay lượn qua lượn lại chỗ ấy, bây giờ cũng chịu đứng im, hết lượn. Không còn chỗ mà lách được nửa bàn chân! Nhưng ai cũng chịu khó ngong ngóng đợi. Sắp đấu võ đến nơi rồi. Trẻ con hét lên như thế. Rồi một tiếng đồn lan rộng trong đám đông, bao nhiêu người thét rầm rĩ:
- Đã ra kia. Đã ra đấy, anh em ơi!
o O o
Các đoàn võ sĩ đi ra. Một bọn mấy người áo the khăn lượt đi guốc mộc là những người ở lò võ vùng Bạc. Các ông đi giữa, nhai trầu bỏm bẻm, mặt đỏ gay và tròng mắt cũng đỏ lịm. Đấy, đoàn võ bên Phú Gia. Đi sau cũng là các tay võ làng Nghĩa Đô và những nhà võ bên Bắc.
Tất cả mọi người lên đứng dàn phía sau rạp trò. Bên trên trò ràn rạn mấy thứ giải cuộc đấu. Hai cái gương tranh vẽ con diều hâu mỏ khoặm, đậu trên một hốc cây cụt, giương đôi cánh lớn. Hình Anh hùng độc lập. Phấp phới mấy vuông nhiễu điều thắm tươi. Lại có treo lủng lẳng hai bánh pháo.
Bây giờ bác trai tuần đã dừng tay thúc trống. Người ta đốt một bánh pháo để khai cuộc diễn võ. Tiếng pháo nổ tì toạch. Khói pháo bay mịt mù, phủ vào trong đám đông. Đến lúc khói pháo tan lên ngàn cây sân đình, rạp trò đã mở ra cảnh múa võ.
Ông Thái là một tay võ làng này. Ông ăn mặc thực ra kiểu nhà võ. Đầu ông bịt vòng khăn, bỏ lửng một múi bên tai. Áo đen khuy tết may rộng thùng thình hai cánh tay, như áo chú Khách bán thuốc ê. Quần cũng màu đen. Hai đầu ống bó lại, nhét trong bít tất đen, quấn vòng ngoài một chiếc nịt cao su đỏ. Chân ông cũng dận một đôi giày đen. Khắp người ông toàn một màu đen tối xỉn lại. Chỉ trừ một dải lưng lụa bạch, thắt bỏ dài thõng hai múi xuống. Dải lưng trắng xóa, nổi bật trên nền đen tuyền. Ông Thái cầm dùi trống, gõ chậm chậm từng tiếng. Ông đứng cầm trịch. Trước hết, người ta biểu diễn qua tất cả các môn võ các lò với những khí cụ cắm trên giá. Lần lượt, các võ sĩ trèo lên sân đấu. Mỗi người đi một bài. Một ông chụp hai tay lên miệng làm loa, quay xuống đám đông, hô thực to:
- Võ sĩ Nành ở Phú Gia đi bài “Quý châu”!
Võ sĩ Nành trèo lên sân khấu. Võ sĩ Nành cởi trần, mặc quần nâu lửng. Đứng giữa rạp, võ sĩ thóp bụng lại, khoạng hai chân, xuống tấn trung bình đánh huỵch một cái. Hai tay cong lên, lấy gân. Rồi mắt, rồi mũi, rồi má, trợn trừng trợn trạo, võ sĩ loay hoay đấm đá, gạt đỡ linh tinh ra bốn phía. Tiếng trống thúc đều đều... Một lúc, võ sĩ Nành khom lưng, xuống chảo mã vòng khuỷu một tay, một tay xòe trước mặt, vêu cái cằm, tròn mắt nhìn ra mọi người. A, bái tổ, hết bài. Trẻ con vừa cười vừa kêu. Ngoài kia tiếng vỗ tay rầm lên như sấm động.
Cái ông làm loa ban nãy, lại hô:
- Võ sĩ Định ở bên Bắc đi bài “Hầu quyền”!
Võ sĩ Định lên đài, múa nhoay nhoáy một bài hầu quyền, chân tay thoăn thoắt như con khỉ trèo cây. Rồi khum người, bái tổ, lùi xuống. Ông “loa” lại quát:
- Võ sĩ Đại ở Phú Gia đánh bài “côn”!
Tiếp đến đánh côn, đánh song xỉ, lăn khiên, múa chùy. Đủ cả. Mỗi võ sĩ lên múa một thứ, ông “loa” lại nói cho mọi người được rõ. Tiếng vỗ tay rền lên. Người xem thích quá, mê tít, không biết mỏi chân, mỏi mắt. Mãi đến quá trưa, mới vào những cuộc đấu. Trước hết, ông “loa” mời người đứng xem ở dưới, ai có giỏi thì lên đấu quyền. Không ai giỏi, nên chẳng mãnh nào dám lên. Rồi ông “loa” lại mời những người đứng dưới, ai có giỏi thì lên đấu kiếm, hoặc đấu một thứ khí giới nào cũng được. Không ai nhúc nhích. Lũ trẻ con bám ngoài cọc rạp thì há miệng, tưởng tượng. Tưởng tượng giá ta biết võ mà được lên đài bây giờ, ắt đấu nhau phải khiếp lắm. Kể ra, mời mọc như thế, cũng chỉ là mời lấy lệ. Bởi ai người ta cũng chỉ cốt đi xem. Ai có võ, đã đứng ra đằng sau rạp rồi.
Thường lệ, không mấy ai đấu quyền với các lò lạ. Đấu quyền nguy hiểm. Nếu cố ý, có thể thoi những quả ngầm chết được người. Bởi vậy, sau mấy cặp đấu quyền biểu diễn, người ta vào cuộc đấu kiếm.
Một nhà võ nhảy lên đài. Đầu húi ngắn, mặc áo nịt ngắn và quần cộc đen, tay xách chiếc kiếm gỗ, trèo lên sân khấu. Tiếng trống khua đều đều... Mỗi nhà đi một bài kiếm, trước khi đấu. Đường kiếm bắn ra xung quanh vun vút. Khi lên khi xuống, ngọn kiếm lia vù vù, thấp thoáng ẩn hiện.
- Võ sĩ Vị đấu với võ sĩ Tộ.
Bây giờ hai người đứng đối mặt nhau. Hai thanh kiếm so lại, dứ, rồi bắt đầu đánh. Tiếng song tiếng lụi đập chan chát. Chàng này xô thì chàng kia lụi. Một người đâm, một người đỡ. Những cái gạt xoèn xoẹt biến chuyển cùng với hai cánh tay rắn chắc, thịt nổi lên như những thớ đá.
Tiếng trống thúc đổ rền rền..., cuộc đấu càng ngày càng hăng và dữ dội. Người xem hồi hộp theo từng nhát kiếm vút.
Bỗng soạt một tiếng mạnh. Một thanh kiếm văng lên, rơi ra ngoài rìa ván gỗ. Võ sĩ Tộ, mặt tái mét, run run giơ cánh tay phải. Một dòng máu đỏ tươi, từ trong khe ngón nhuộm xuống lòng bàn tay. Kiếm của Tộ đã ăn một đòn mạnh quá của Vị, văng đi mất. Tộ bị toạc hổ khẩu, chảy máu. Tiếng vỗ tay dội lên. Nghe như thác nguồn đổ xói vào hốc đá. Võ sĩ Vị thắng cuộc.
Và cuộc đấu kiếm, cứ đôi một, kéo dài mãi. Mọi người xem mê mải. Cho tới quá trưa, đám võ mới thôi. Nhưng hôm nay mới là cuộc đấu loại. Ngày mai vẫn còn đấu loại. Ngày kia mới đấu thực ăn giải. Ai cũng đoán:
- Năm nay giải kiếm về bên Bắc mất.
o O o
Ba hôm sau, hết hội làng. Mọi khung cửi lại sắp bắt đầu dệt. Những cây hoa giấy xanh đỏ trồng trong các ngõ xóm đã rách tướp và rụng lả tả. Trẻ con buồn, tiếc ngẩn ngơ. Ngày vui thực là chóng tan.
Các đoàn võ sĩ cũng giải tán, đâu về đấy. Những khăn gói lại đeo lên vai. Đoàn bên Bắc vẫn tám người đầy đủ. Mấy ông áo the chùng, khăn lượt chít, cánh tay khoác ô đi trước. Vài bác con trai đi sau, tay nải nằm trên lưng. Có bác vác một cái gì như một chiếc mâm gỗ vuông, ngoài phủ vuông lụa đỏ. Nom tựa mâm đồ đi đám cưới. Không, không phải. Đó là cái giải kiếm, chiếc gương lớn vẽ hình Anh hùng độc lập. Kết quả của sự tài giỏi và những ngày ăn chực nằm chờ khó nhọc. Về đến nhà, lại tốn kém, chết vô khối gà vịt để ăn mừng. Nhưng giờ không ai bận nghĩ đến chuyện tốn kém. Ba tháng xuân hội hè, người ta ăn chơi.
Đoàn võ sĩ vác giải về tận bên Bắc. Thôi đường cánh đồng xa thẳm, đi hàng nửa ngày. Nhưng mọi người bước những bước vui. Bấy giờ trời đất vẫn còn cái u ám mát rượi của mùa xuân dịu dàng. Gió bay phần phật những dải thắt lưng lụa nhuộm điều, những dải thắt lưng nái vàng khè. Mưa sa phơi phới.
1943