Nguyên tác: 海辺のカフカ Umibe no Kafuka - Kafka on the Shore
Số lần đọc/download: 11581 / 1048
Cập nhật: 2015-10-06 23:32:10 +0700
Chương 9
K
hi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm như một khúc gỗ trên đất ẩm giữa bụi rậm. Trời tối quá, tôi chẳng nhìn thấy gì.
Dựa đầu lên bụi mâm xôi tua tủa gai, tôi hít một hơi thật sâu và ngửi thấy mùi cây, mùi đất lẫn với mùi cứt chó khăm khẳm. Tôi nhìn thấy trời đêm qua những cành cây. Vắng trăng sao, nhưng trời sáng một cách kỳ lạ. Mây như tấm bình phong phản chiếu tất cả ánh sáng từ bên dưới. Xa xa, tiếng còi xe cấp cứu rền rĩ, lại gần hơn rồi nhỏ bặt dần. Lắng tai nghe thật kỹ, tôi có thể nhận ra tiếng bánh xe chạy rào rạo trên đường. Tôi đoán mình hẳn đang ở một chỗ nào đó trong thành phố.
Tôi cố tĩnh trí lại và gom lượm các mảnh của bản ngã tôi vương vãi khắp xung quanh như những miếng rời của một trò chơi ghép hình. Đây là lần đầu tiên mình ở trong hoàn cảnh thế này, tôi nghĩ. Hay là không phải? Tôi đã có cái cảm giác này ở đâu đó, trước đây. Nhưng vào thời điểm nào? Tôi lục lọi trí nhớ, nhưng sợi chỉ mỏng manh ấy liền đứt phựt. Tôi nhắm mắt lại và để mặc thời gian trôi qua.
Tôi giật nảy mình hoảng hốt khi chợt nhớ đến chiếc ba lô. Tôi đã để nó ở đâu nhỉ? Không thể để mất nó được: tất cả những gì tôi sở hữu đều ở trong đó. Nhưng làm sao tôi có thể tìm ra nó trong đêm tối? Tôi ráng đứng dậy, nhưng chân tay tôi đã kiệt lực, rã rời.
Tôi cố giơ bàn tay trái lên - sao đột nhiên nó lại nặng thế? - và gí chiếc đồng hồ vào sát mặt, dõi mắt vào nó thì đọc thấy: 23g26 ngày 28 tháng Năm. Tôi nghĩ đến cuối nhật ký của mình. 28 tháng Năm... tốt - vậy là tôi đã không mất ngày nào. Tôi đã không nằm đây lạnh lẽo nhiều ngày. Cùng lắm, tôi mới chỉ bất tỉnh mấy tiếng đồng hồ. Có thể độ bốn giờ, tôi đoán.
28 tháng Năm... một ngày như bất kỳ ngày nào khác, vẫn y xì cái thông lệ ấy, chẳng có gì bất thường. Tôi đến phòng tập thể dục, rồi đến Thư viện Komura. Tập trên các thiết bị như mọi khi, đọc Soseki vẫn trên chiếc ghế bành ấy. Ăn tối ở gần ga xe lửa, tôi còn nhớ là ăn cá hồi với xúp miso và sa-lát, hai lần xới cơm. Sau đó... sau đó, tôi không biết điều gì đã xảy ra.
Vai trái tôi hơi đau. Cảm giác hồi lại, cái đau cũng thức giấc. Chắc tôi đã đâm sầm vào một vật gì khá rắn. Tôi đưa tay phải xoa xoa chỗ đau. Không thấy vết thương hoặc sưng tấy gì. Có lẽ tôi bị đụng xe chăng? Nhưng quần áo tôi không bị rách và chỗ đau duy nhất là ở vai trái. Có lẽ chỉ là một vết bầm.
Tôi rờ rẫm quanh trong bụi rậm, nhưng chỉ thấy cành nhánh cứng đơ và cong queo như trái tim những con vật nhỏ bị hành hạ. Chẳng thấy ba lô nào cả. Tôi lục hết các túi quần. Đội ơn Chúa, ví hãy còn đây. Trong đó có chút tiền mặt, chìa khóa khách sạn, một thẻ điện thoại. Ngoài ra, tôi còn có một túi tiền xu, một mùi soa, một bút bi. Trong chừng mực tôi có thể nhận biết trong đêm tối, thì không thiếu gì cả. Tôi đang mặc một chiếc quần vải bông màu kem, một chiếc áo phông trắng cổ chữ V bên trong một chiếc sơ mi bò dài tay cộng thêm đôi giày Topsiders màu xanh nước biển. Riêng chiếc mũ bóng chày mang tên đội New York Yankees đã biến mất. Tôi nhớ là có đội nó khi ra khỏi khách sạn, nhưng bây giờ thì không. Chắc tôi đã đánh rơi nó hoặc để quên ở chỗ nào đó. Không quan trọng lắm. Thứ này một đồng một tá, mua đâu chả có.
Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy cái ba lô của mình. Nó dựa vào một thân cây thông. Quái quỷ làm sao mà tôi lại để nó đấy rồi đâm đầu gục ngã trong cái bụi rậm này? Tôi đang ở cái chỗ quái ỷ nào đây? Trí nhớ của tôi đông cứng lại rồi. Dù sao, điều quan trọng là tôi đã tìm thấy nó. Tôi lấy chiếc đèn pin mini ở túi cạnh ra soi để kiểm tra bên trong. Xem ra không thiếu gì cả. Đội ơn Chúa, toàn bộ tiền của tôi ở trong đó cả.
Tôi khoác ba lô lên vai và bước khỏi bụi rậm, gạt những cành nhánh chắn lối, cho đến khi ra tới một chỗ quang hơn. Ở đây có một con đường nhỏ và tôi cứ theo vệt sáng của cây đèn pin đến một khoảng có chút ánh sáng. Đó có vẻ là khuôn viên của một miếu đường Shinto. Thì ra tôi đã bị ngất trong một cánh rừng nhỏ đằng sau tòa chính của miếu đường.
Một ngọn đèn thủy ngân trên một cây cột cao soi sáng cả khu miếu đường rộng, rọi một thứ ánh sáng lạnh lẽo lên hòm đựng đồ cúng tế cùng các bài vị bên trong miếu đường. Bóng tôi trên lớp sỏi nom dài đến độ quái dị. Tôi thấy tên của miếu đường trên một bảng tin và ghi nó vào trong bộ nhớ. Không có ai khác ở quanh đây. Thấy một phòng vệ sinh gần đó, tôi bước vào; hóa ra nó khá sạch. Tôi cởi ba lô và rửa mặt, rồi kiểm tra hình ảnh của mình phản chiếu trên tấm gương mờ xỉn bên trên bồn rửa mặt. Tôi chờ đợi thấy mình xấu xí nhất và tôi đã không thất vọng - nom tôi thật gớm ghiếc. Một bộ mặt tái nhợt với đôi má hóp đang trừng trừng nhìn lại tôi, cổ đầy bùn, tóc tua tủa chĩa ra khắp phía.
Tôi chợt nhận thấy một cái gì đen đen phía trước áo phông của tôi, tựa như con bướm lớn xòe cánh. Tôi phủi nó đi nhưng nó vẫn bám chặt. Tôi sờ vào nó, thấy tay mình dính nhớp. Tôi cần phải bình tĩnh lại, cho những tôi cố tình dềnh dàng, chậm rãi cởi cả hai chiếc áo đang mặc. Dưới ánh đèn nêông, tôi nhận ra đó là một vết máu - khá nhiều máu còn tươi và ướt, nhưng đã đen lại khi thấm vào vải. Tôi đưa lên mũi ngửi, nhưng nó không có mùi gì. Máu cũng vấy sang cả áo sơ mi bò, nhưng ít thôi và không lộ rõ trên nền vải xanh thẫm. Vệt máu trên áo phông thì khác - rõ mồn một trên nền trắng, không thể lầm lẫn được.
Tôi giặt chiếc áo phông ở bồn rửa mặt. Máu hòa vào nước, nhuộm đỏ chất sứ của bồn. Mặc dù tôi ra sức vò, vết hoen vẫn không đi. Tôi đã toan quẳng chiếc áo phông vào thùng rác, song lại thôi. Nếu phải vứt bỏ thì nên tìm chỗ khác tốt hơn. Tôi vắt kiệt rồi nhét nó vào một túi ni lông cùng với những đồ đã giặt, và tống tất cả vào ba lô. Tôi dấp nước lên tóc, gỡ cho khỏi quá bù rối. Rồi lấy xà phòng trong túi đựng đồ vệ sinh ra, rửa tay. Tay vẫn còn hơi run, nhưng tôi cứ nhẩn nha, rửa thật kỹ các kẽ ngón và dưới móng. Tôi lấy khăn ướt chùi sạch chỗ máu thấm vào ngực. Rồi mặc chiếc sơ mi bò vào, cài cúc đến tận cổ, nhét vạt vào trong quần cẩn thận.
Tôi không muốn người ta nhìn mình nên phải chỉnh trang lại, ít ra nom cũng gần như bình thường.
Nhưng tôi vẫn sợ chết khiếp, răng vẫn đánh đàn. Dù cố hết sức, tôi cũng không sao kìm được. Tôi xòe tay ra nhìn. Cả hai tay đều hơi run, nom như tay người khác chứ không phải tay mình. Như hai con thú nhỏ có đời sống độc lập. Gan bàn tay nhoi nhói như vừa nắm phải một thanh sắt nóng.
Tôi tì hai tay lên thành bồn rửa mặt, ngả người về phía trước, áp đầu vào gương. Tôi cảm thấy muốn khóc, nhưng cho dù tôi có khóc, cũng sẽ chẳng có ai đến cứu tôi. Chẳng có ai...
Chà, làm sao cậu dính đầy máu trên người thế? Cậu làm cái quái quỷ gì vậy? Nhưng mà cậu chả nhớ gì sất, đúng không. Tuy nhiên, trên người cậu không có vết thương nào, thế cũng đỡ. Cũng không đau đớn gì thực sự - trừ chỗ nhói buốt ở vai trái. Vậy chắc là máu của ai khác, chứ không phải của cậu. Máu của một người nào khác.
Dù sao chăng nữa, cậu cũng không thể ở lại đây mãi. Nếu như tình cờ một chiếc xe tuần tra phát hiện ra cậu ở đây, người đầy máu, thì rắc rối to đấy, bạn trẻ ạ. Cố nhiên, quay về khách sạn có thể không phải là một ý hay. Biết đâu chả có người đã rình sẵn ở đấy, sẵn sàng chộp cậu. Thận trọng mấy cũng không thừa. Có vẻ như cậu bị dính vào một tội ác nào đó, một vụ gì mà cậu không nhớ nổi. Có khi chính cậu là thủ phạm cũng nên. Biết đâu đấy?
May sao, cậu vẫn còn tất cả đồ đạc bên mình. Cậu đã khá cẩn thận, luôn luôn tha mọi thứ mình sở hữu theo trong cái ba lô nặng như cối đá này. Thế là tốt. Cậu đã làm những gì cần làm, không việc gì phải áy náy. Đừng sợ. Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Nên nhớ: cậu là trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất hành tinh, đúng không nào? Hãy tự chủ! Hít mấy hơi thật sâu và vận dụng trí não đi. Mọi sự sẽ tốt đẹp. Nhưng cậu phải rất cẩn thận đấy. Chúng ta vừa nói đến máu, máu thật chứ chẳng chơi đâu, máu của một người khác. Mà không phải là một vài giọt. Biết đâu trong khi chúng ta đang nói chuyện đây, người ta đang truy lùng cậu cũng nên.
Tốt nhất là lên đường đi. Chỉ có một việc duy nhất cần làm, một nơi duy nhất cần đến. Và cậu biết đó là nơi nào.
Tôi hít vài hơi thật sâu để trấn tĩnh lại, rồi xách ba lô, ra khỏi phòng vệ sinh. Dưới ánh đèn thủy ngân, tôi giẫm trên sỏi lạo xạo, cố khởi động bộ não. Bật công tắc, vặn tay quay cho suy nghĩ vào guồng. Nhưng nó không chịu chạy - ắc-quy không đủ điện để phát động mô-tơ. Tôi cần một nơi nào ấm áp và an toàn để trốn tạm và tĩnh trí lại. Nhưng nơi nào? Nơi duy nhất tôi có thể nghĩ ra là thư viện. Nhưng Thư viện Komura lại đóng cửa cho đến mười một giờ trưa mai, và tôi cần có chỗ để ẩn náu cho đến lúc đó.
Tôi đi đến một phương án. Tôi ngồi xuống một chỗ kín và lấy chiếc điện thoại di động trong ba lô ra. Kiểm tra thấy nó vẫn kết nối với tổng đài trung tâm, tôi lục ví tìm số điện thoại của Sakura rồi bấm số. Ngón tay tôi vẫn còn lóng ngóng nên phải mất mấy lần mới bấm đúng và đầy đủ số. Đội ơn Chúa, cô không để máy trả lời tự động. Sau mười hai hồi chuông, cô cầm máy. Tôi xưng tên.
"Kafka Tamura," cô nhắc lại, không phấn khởi gì cho lắm. "Cậu có biết bây giờ là mấy giờ khuya rồi không? Mai mình lại phải dậy rất sớm."
"Tôi biết, tôi xin lỗi đã gọi muộn thế," tôi nói, giọng căng thẳng. "Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi đang gặp rắc rối và chị là người duy nhất tôi có thể nghĩ tới."
Đầu dây đằng kia không thấy trả lời. Hình như cô đang phân tích, cân nhắc giọng nói của tôi trong ý nghĩ.
"Chuyện có... nghiêm trọng không?" cuối cùng, cô hỏi.
"Tôi chưa thể nói chắc được, nhưng tôi nghĩ đó là chuyện nghiêm trọng đấy. Chị phải giúp tôi. Chỉ một lần này thôi. Tôi xin hứa sẽ không quấy rầy chị lâu."
Cô nghĩ một lúc. Không, không phải là cô do dự hay thế nào đâu, cô chỉ suy nghĩ thôi. "Vậy cậu đang ở đâu?"
Tôi nói tên của miếu đường.
"Có phải ở thành phố Takamatsu không?"
"Tôi không dám cô hắc hoàn toàn, nhưng tôi nghĩ thế."
"Thậm chí cậu không biết mình đang ở đâu?" cô sửng sốt hỏi.
"Đây là một câu chuyện dài."
Cô buông một tiếng thở dài. "Cậu hãy bắt taxi, đến cửa hàng Lawson. Nó ở góc phố gần chung cư mình đang ở, có treo biển rất to, không thể lọt khỏi mắt được." Cô chỉ hướng cho tôi. "Cậu có tiền đi taxi chứ?"
"Có," tôi nói.
"Tốt," cô nói và gác máy.
Tôi ra khỏi cái cổng rách nát của miếu đường và đi về phía đường cái để vẫy taxi. Cũng không phải chờ lâu. Tôi hỏi người lái có biết cửa hàng Lawson ở đâu không và anh ta nói có. Hỏi có xa không, anh ta bảo chỉ một cuốc xe mười "đô" thôi.
Xe đậu bên ngoài cửa hàng Lawson. Tôi trả tiền người lái xe, tay vẫn chưa hết run. Tôi khoác ba lô vào trong cửa hàng. Tôi khẩn trương đến nỗi Sakura còn chưa kịp tới. Tôi mua một bịch sữa, hâm nóng lên trong lò vi ba và chậm rãi nhấp từng ngụm. Sữa nóng trôi qua cuống họng, làm dịu dạ dày tôi đôi chút. Khi tôi bước vào cửa hàng, người gác gườm gườm nhìn cái ba lô của tôi, cảnh giác đề phòng bọn giả làm khách hàng để ăn cắp đồ, rồi sau đó chẳng ai chú ý đến tôi nữa. Tôi đứng ở ngăn báo, tạp chí, giả vờ chọn, kỳ thực để rà soát lại hình ảnh mình phản chiếu trên tủ kính. Tuy đầu óc tôi hãy còn hơi bù rối, nhưng khó ai có thể nhận ra vết máu trên chiếc sơ mi bò. Mà ví dụ có ai để ý thấy, chắc họ cũng nghĩ đó chỉ là một vết vấy bẩn. Lúc này, chỉ cần tôi đừng run nữa.
Mười phút sau, Sakura tới. Đã gần một giờ sáng. Cô mặc áo choàng dài tay và quần jeans bạc màu. Tóc đuôi ngựa, mũ lưỡi trai New Balance màu xanh nước biển. Vừa thấy cô, răng tôi hết đánh đàn. Cô tiến đến bên tôi và nhìn tôi từ đầu đến chân như xem xét hàm răng một con chó mà cô định mua vậy. Cô thốt ra một âm thanh nửa như thở dài nửa như rên rẩm, rồi khẽ vỗ vai tôi hai cái. "Đi nào," cô nói.
Căn hộ của cô ở cách cửa hàng Lawson hai khối nhà. Một ngôi nhà hai tầng tồi tàn. Cô lên cầu thang, lấy chìa khóa trong túi, mở cánh cửa gỗ màu xanh lá mạ. Căn hộ gồm hai phòng cộng với bếp và buồng tắm. Tường mỏng, sàn kêu cót két và có lẽ ánh sáng tự nhiên duy nhất nơi này có được vào ban ngày là khi nắng quái chiều hôm rọi vào. Tôi nghe thấy tiếng xả nước ở một căn hộ khác, tiếng đóng cửa tủ kèn kẹt đâu đó. Xoàng xinh, nhưng ít ra cũng đem lại cảm giác là có những con người thật đang sống những cuộc sống thật. Bát đĩa chồng đống trong bồn rửa ở bếp, những chai nhựa không, những số họa báo đọc dở, những đóa hoa tuy líp tàn úa, một bảng kê những thứ cần mua sắm dán trên tủ lạnh, những chiếc tất dài vắt trên thành ghế, một tờ báo trên bàn giở ra ở trang chương trình tivi, một cái gạt tàn, một hộp thuốc lá điếu mảnh Virginia Slims. Vì một lý do kỳ lạ, cái cảnh này lại làm tôi thư giãn.
"Đây là căn hộ của con bạn mình," cô giải thích. Trước nó cùng làm với mình trong một salon ở Tokyo, nhưng năm ngoái nó phải trở về Takamatsu, quê nó. Thế rồi nó bảo nó muốn đi du lịch Ấn Độ một tháng và nhờ mình đến trông nhà hộ. Mình làm thay công việc của nó trong khi nó đi vắng. Nó cũng là thợ uốn tóc. Mình nghĩ đây là một dịp tốt để thay đổi không khí, ra khỏi Tokyo một thời gian. Nó thuộc loại New Age, nên mình ngờ là nó sẽ không chỉ ở lại Ấn Độ có một tháng thôi đâu."
Cô bảo tôi ngồi vào bàn ăn và mang cho tôi một lon Pepsi lấy từ tủ lạnh, không kèm theo cốc. Bình thường, tôi không uống loại này: quá ngọt và hại răng. Nhưng tôi đang chết khát, nên nốc cạn cả lon.
"Cậu muốn ăn gì không? Mình chỉ có mì ăn liền, có được không?"
"Tôi không đói," tôi nói.
"Trông sắc diện cậu thật khiếp, cậu biết không?"
Tôi gật đầu.
"Vậy đã xảy ra chuyện gì?"
"Giá mà tôi biết được!"
"Cậu không có ý niệm gì về điều đã xảy ra. Cậu thậm chí không biết mình đã ở đâu. Và đó là một câu chuyện dài," cô nói, liệt kê gọn các dữ liệu. "Nhưng rành là cậu đang gặp rắc rối."
"Rành là thế," tôi đáp. Tôi hy vọng là chí ít cô cũng tin vậy.
Im lặng. Trong khi đó, cô cau mày nhìn tôi chằm chằm. "Cậu thực sự không có bà con họ hàng ở Takamatsu, phải không? Cậu trốn nhà đi hoang."
Tôi lại gật đầu.
"Một lần, hồi bằng tuổi cậu, mình đã trốn khỏi nhà. Mình nghĩ mình hiểu những gì cậu đang trải qua. Vì thế mình mới cho cậu số điện thoại di động của mình. Mình nghĩ có thể cậu cần nó."
"Thành thực cám ơn chị," tôi nói.
"Gia đình mình ở Ichikawa thuộc tỉnh Chiba. Mình xung khắc với cha mẹ và không thích đi học, nên mình lấy trộm của gia đình một số tiền và bỏ trốn, cố đi thật xa. Hồi ấy mình mười sáu tuổi. Mình đến tận Abashiri, trên mạn Hokkaido ấy. Mình tạt vào một cái trạm tình cờ trên đường, xin làm việc ở đó. Mình sẽ làm bất cứ việc gì - mình nói với họ thế - và mình sẽ làm hết sức, không cần trả lương chừng nào họ cho mình ăn đầy đủ và một mái nhà che đầu. Bà chủ ở đó nhã nhặn mời mình ngồi dùng trà. Em chờ đây một chút nhé, bà nói vậy. Điều tiếp theo mình kịp nhận ra là một chiếc xe tuần tra xịch đến và cảnh sát lôi mình về nhà. Đó không phải là lần đầu bà chủ trại gặp chuyện như thế này. Bấy giờ mình mới nảy ra ý nghĩ là phải học một nghề gì đó, để rồi đây dù đi đến đâu cũng có thể kiếm được việc làm. Thế là mình bỏ trường trung học, chuyển sang một trường học nghề và trở thành thợ uốn tóc." Cô nhếch mép, khẽ mỉm cười. "Cậu có thấy đó là một cách lành mạnh để tiếp cận sự đời không?"
Tôi đồng ý với cô.
"Này, cậu có muốn kể cho mình nghe đầu đuôi câu chuyện không?" cô vừa nói vừa châm một điếu thuốc lá. "Đằng nào đêm nay mình cũng chả ngủ được mấy nữa, cho nên mình sẵn sàng nghe hết."
Tôi giải thích tất cả cho cô nghe, từ lúc bỏ nhà đi. Tuy nhiên, tôi bỏ qua phần liên quan đến điềm báo. Điều đó, tôi không thể kể cho bất kỳ ai, tôi biết thế.