Love is one long sweet dream, and marriage is the alarm clock.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyên Hương
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1348 / 7
Cập nhật: 2015-12-09 21:37:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chị Hai
ôi sinh ra sau chị Hà một năm, vậy là hứng chịu đủ thiệt thòi. Chị được may quần áo mới. Còn tôi phải mặc lại áo quần của chị. Sách học cũng là sách của chị năm trước. May là giầy dép nhanh bị đứt chứ không tôi cũng không được mang giày dép mới.
Ba má nói nhà nghèo phải tập tính tiết kiệm, nhà có giàu cũng nên tập tính tiết kiệm từ nhỏ. Tôi không muốn quen thói quen này, lại càng không thể xem đây là thói quen tốt. Nhất là dịp Tết chị Hà được má đưa đi chợ sắm quần áo, còn tôi luôn là “Chà, cái áo của Hà năm ngoái, mặc có ba ngày rồi cất giờ còn mới tinh, Thủy mặc vừa y”. Ba thêm “Dáng Thủy mặc áo này đẹp hơn cả Hà”.
Cứ vậy mà tôi hay tìm cách gây sự với chị Hà. Ăn cơm xong, việc của tôi là quét nhà, chị Hà rửa chén. Tôi cố ý bày ra thật nhiều chén.
- Nhà có bốn người, dọn làm gì đến sáu bảy chén hả Thủy?
- Đó là chén em đựng chanh để vắt nước rau, đây là chén nước mắm em ăn riêng, chén kia có ớt em ăn không được.
- Sao hôm nọ thấy ăn ổi chấm muối ớt?
Tôi ú ớ... Rồi tôi làm mặt muốn khóc “Người ta không ăn cay được mà cũng bắt bẻ”. Từ cái xe lăn của mình, ba ho một tiếng. Cả hai im lặng.
Ngồi học chung bàn, tôi bày sách vở thật nhiều, lấn sang phần bàn của chị Hà. Có khi chị không nói gì, rồi có khi chị cũng lấy sách vở ra bày lên trên sách vở của tôi, vẻ như vô tình. Thấy chị cắn bút suy nghĩ bài toán, tôi phồng môi phồng má lấy vở sử vở địa đọc ra rả.
- Học thầm đi Thủy?
- Em phải đọc lớn mới thuộc bài được.
- Nhưng mày làm tao phân tâm.
- Người ta học mà cũng bắt bẻ - Tôi sụt sịt.
Ba dừng tay đánh máy, cau mày nhìn tới. Má thở ra:
- Hai chị em đứa tuổi mặt trăng đứa tuổi mặt trời.
Hôm sau thấy tôi làm toán, chị Hà cũng lấy vở sinh vật ra học như tụng kinh.
- Sao chị không học thầm?
- Học thầm lâu thuộc lắm.
- Sao mấy hôm chị học thầm được?
Ba quát lên:
- Đứa nào cần viết bài thì ngồi ở bàn, đứa nào học bài thì đi vào phòng đóng cửa lại mà la hét tùy ý.
Chị Hà ôm sách vở đứng lên, nước mắt rơm rớm.
Tối ngủ, chị Hà quay mặt ra ngoài, tôi quay vào tường. Chợt cửa sổ quên cài chốt bị gió thổi bật ra kêu cót két, hai đứa quay lại ôm nhau chặt cứng.
Chị Hà lên cấp ba, trường xa nhà hai cây số. Ba má mua cho chị một chiếc xe đạp. Tôi cười - Lần này thì chị cũng phải sử dụng đồ cũ của người khác - Xe đạp cũ mua lại của người hàng xóm. Ba má chỉ đủ tiền trả trước một nửa, nửa còn lại chị Hà phải phụ má may hàng gia công để trả dần. Vậy là tối tối chỉ còn mình tôi trước tivi.
Ban đầu chị Hà tập đơm nút làm khuy, tôi cứ nghe chị xuýt xoa ngậm ngón tay trỏ vào miệng. Rồi má dạy chị ráp áo quần bảo hộ, tiếng đạp máy cọc cạch chìm trong giấc tôi ngủ lơ mơ...
Mọi hôm có hai chị em cùng coi ti vi, cùng vỗ tay la ó, cùng trầm trồ tán thưởng, hoặc có bất đồng ý kiến cũng có người để cãi cọ! Tôi thức khuya đến mấy cũng được, thường là má phải nhắc đi ngủ để sáng mai khỏi trễ học. Giờ một mình, cái tivi bỗng đơn điệu làm sao.
- Dạo này Thủy hay ngủ gục trước tivi vậy? - Má hỏi.
- Cái ti vi đen trắng nhà mình dạo này mờ mờ ảo ảo lắm rồi mà - Chị Hà trả lời thay tôi - Buồn ngủ là đúng thôi.
Ba tắc lưỡi, bàn tay đang gõ trên phím chữ ngừng lại, rồi ba nhìn xuống đôi chân bất lực trên xe lăn.
- Chị em mày đòi mua ti vi màu phải không?
Quả là có lúc tôi và chị Hà ước trúng số để mua ti vi màu.
Đến một ngày, chị Hà đứng lên vươn vai:
- Hoàn thành nhiệm vụ rồi - Chị xòe tay đếm - Bốn mươi sáu cái áo và mười hai cái quần, đủ tiền trả nợ rồi Thủy ơi.
Chị nhảy cò cò quanh nhà một cách vui vẻ, tựa như cái máy may đã giam giữ chị suốt bấy lâu. Tôi cũng vui, dạo này chị bận may tôi phải rửa chén bát, nhưng tôi vui không phải chỉ vì vậy.
- Chị Hà nè, tối nay ti vi chiếu lại trận chung kết đã phát hôm chủ nhật tuần trước.
- Vậy hả? Mấy giờ? - Chị vẫn tiếp tục nhảy lò cò, bước nhảy nhộn nhịp hơn. Chị là cổ động viên cuồng nhiệt nhất của... tất cả các đội. Chị nói thể thao là vô tư, cứ đội nào đá hay là vỗ tay.
Tôi không vậy, mỗi khi hai đội xuất hiện, ngay lập tức tôi chọn hoặc đội áo xanh, hoặc đội áo đỏ và cầu mong đội mình chọn thắng trận, đừng hòng tôi vỗ tay cho đội kia. Vì điều này mà mỗi khi ti vi có đá banh, tôi hay hục hặc với chị Hà.
Đá banh mà biết trước thì không hứng thú mấy nhưng sao hôm nay tôi vẫn ngồi chăm chú. Vai chị Hà sát vào vai tôi như thường lệ và khi chị vỗ tay, vai tôi cũng bị lắc theo. Trước kia tôi hay nổi cáu, nhưng hôm nay thì không. Và khi trái banh bay tung lưới đội tôi ủng hộ, chị Hà nhảy lên “Đẹp quá!”, tôi ngần ngừ một giây rồi cũng reo to “Tuyệt vời!”
Mai là chủ nhật. Tôi trải chiếu, lấy hai cái gối, định bụng tối nay hai chị em coi đến hết chương trình mới thôi. Nhưng sau trận đấu, chị Hà đứng lên:
- Chị may đây.
- Chị đủ tiền trả người ta rồi mà?
- Phụ má cho vui. Ngồi may một mình buồn ngủ lắm. Chị làm rồi nên chị biết.
- Sao con không coi ti vi với em? - Tôi nghe má hỏi nhỏ.
- Dạ... tự nhiên con hết thích tivi rồi. Má để con may cho.
- Hôm nay hết hàng rồi. Đây là cái cuối cùng.
- Vậy để con đơm nút. Chỉ màu xanh phải không má?
Tôi nhìn lưng chị thật thẳng cạnh lưng má lom khom, đuôi tóc chị đen nhánh cạnh búi tóc má lốm đốm trắng. Rồi tôi cuốn chiếu, tắt phụt ti vi.
- Chị Hà bày em đơm nút với.
Má cười. Chị Hà cười. Ba ngừng tay gõ, nhìn tôi qua cặp kính trắng “Chê ti vi trắng đen thật hả?”
Tôi lắc đầu:
- Không phải, ba ơi!
Đơm được vài hột nút, tôi hiểu sao ngày đầu tập làm chị Hà hay kêu xuýt xoa rồi ngậm ngón trỏ vào miệng.
Sự hăng hái của tôi chỉ đến được làm khuy đơm nút rồi dừng lại. Còn chị Hà ngày càng may đẹp hơn, nhanh hơn và một hôm chị tuyên bố:
- May hàng gia công chán lắm. Ráp hết cái này đến cái kia, trăm cái giống nhau như một, tưởng như may cho rô-bốt mặc.
Chị lấy cái áo cũ của hai chị em (không thể gọi là áo cũ của tôi được), cắt cắt, pha màu, may may... Ba nhìn những mảnh vải màu mè mỉm cười “Chị em mày qua tuổi chơi búp bê rồi mà”. Má khen “Hà khéo tay quá”.
Những xấp vải rẻ tiền được mua về cùng với quyển tự học cắt may, sản phẩm đầu tiên là cái áo cổ lá sen dành cho tôi. Đây là cái áo đầu tiên tôi được đo theo ni người và vải mới đàng hoàng, tôi hồi hộp đợi. May được thân áo và một cái tay, chị Hà phải ngừng để ôn tập kiểm tra môn toán. Rồi chị bị cảm hai ngày. Rồi má may hàng gia công gấp nên máy không rảnh. Tôi chờ đúng một tháng mới nghe chị Hà reo lên “Xong rồi, Thủy ơi”.
Cổ áo giống một lá gì đó vừa giống lá sung, vừa giống lá sả, và cũng có thể là cái sừng thì phải, tôi không thể nào bẻ được hai lá cổ nằm êm hai bên vai. Còn tay áo thì có thể phất một cái mà hô “Quân sĩ đâu!” như kiểu vua chúa trên sân khấu. Thảo nào tôi nghe chị trả lời má “May rộng rộng để có gì còn sửa được chớ lỡ chật thì...” Tôi trong cái áo đứng trước gương như hình nộm. Chị Hà còn cười “Đây mới là may nháp thôi mà”. Tôi lườm lườm “Sao không nháp cho ai mà nhè em nháp?”
Mùa hè, má cho chị Hà đi học may ở một tiệm có tiếng. Bạn bè tôi đứa nào cũng được đi học một cái gì đó, hoặc anh văn vi tính, hoặc học nhạc hay hội họa... Tôi xin má học làm bánh, má lắc đầu. Tôi rơm rớm nước mắt “Sao chị Hà học may thì được?” Má không nói gì. Biết tị nạnh là xấu, nhưng như vậy làm sao tôi không tị nạnh?
Rồi tôi cũng được mặc áo mới khi vào lớp mười - Áo dài - Chị Hà may. Chị học có thầy dạy đàng hoàng nên lần này không nháp nhiếc gì cả, mặc thử cái áo tôi thấy tôi trong gương lạ hẳn. Muốn ôm chị Hà một cái nhưng thấy kỳ kỳ nên thôi. Đôi mắt thoáng quầng thâm của chị trong gương nhìn tôi cười cười “Thức đêm may áo dài cho bạn bè, kiếm tiền sơn lại cái xe đạp hai đứa mình đi chung”.
Khi chị Hà chở tôi, khi tôi chở chị Hà, khi cả hai túm áo dài lại đạp đôi. Bạn bè lớp chị Hà cũng như lớp tôi xì xào “Ít thấy hai chị em sàn tuổi nhau mà thân nhau như vậy”. Nghe nói, tôi thấy thích thích. Thật là thú vị khi vừa là chị em, vừa là bạn bè. Những gây gổ tị nạnh biến mất như chưa hề có. Để cho mọi người thấy chị em tôi thương nhau như thế nào, giờ ra chơi tôi hay qua lớp chị Hà, khi đưa chị trái ổi, khi là miếng chuối chiên... Lớp trưởng của chị la lớn khi nhìn thấy tôi từ xa “Chị Hà ơi, có ai cần gặp chị”. Cả lớp vỗ tay cười, tôi làm mặt lạnh như tiền, bĩu môi không nói năng. Nghe đâu có đến ba bốn tên con trai đòi làm em chị Hà, kiếm cớ mượn bài vở đến nhà hỏi thăm này nọ.
Xen lẫn trong tiếng máy may cọc cạch đêm đêm là tiếng ho của má. Có khi má gập người ho rũ rượi, tiếng máy dừng lại thật lâu. Tiếng ba thở dài thật sâu. Ngày càng ít người đưa tài liệu đơn từ đánh máy, họ nói đánh vi tính đẹp hơn, rõ ràng hơn.
Bác sĩ nói má phải nhập viện trong một chế độ chăm sóc cách ly cẩn thận. Ba lăn xe từ nhà trên xuống bếp, từ bếp quay lên trên... từng vòng bánh xe bất lực bồn chồn đau đớn.
Tiền chợ, tiền thuốc, tiền học... những món chi tiêu sừng sững hiện ra mỗi sáng thức dậy. Từng đêm học bài xong gắng thức may, từng ngày chủ nhật tranh thủ may... Ngày tiếp ngày... Chị Hà nghiễm nhiên thay chỗ của má. Sáng sáng chở chị đi học, tôi có cảm giác chị nhẹ đi rất nhiều. Và có những buổi chiếc xe nhẹ tênh vì chị Hà nghỉ ở nhà để may hàng giao cho kịp ngày.
Má xuất viện với những toa thuốc và lời dặn dò của bác sĩ “Nghỉ ngơi, bồi dưỡng chu đáo”. Chị Hà nói má thôi đừng nhận may hàng gia công, làm nhiều mà ít tiền.
Rồi lớp trưởng của chị Hà đến, không phải để mượn bài vở mà là sơn dùm một tấm bảng nhỏ treo trước cửa “Nhận may quần áo. Giá phải chăng”.
Người ra người vào vải mới vải màu, áo kiểu này kiểu nọ. “Thợ may ăn giẻ”, tôi được chị may cho những cái áo cổ màu này tay màu kia...
Ba nhìn chị Hà với đôi mắt buồn ray rứt.
Tôi chợt hiểu vì sao ba má cho chị Hà đi học may. Làm bộ chăm chú sách vở, tôi giấu khuôn mặt mình rưng rưng nước mắt. Cố học xong thật nhanh, tôi đến gần chị phụ việc vặt. Ba húng hắng ho và xoa đầu tôi “Cố nghe con, ít ra thì cũng được một đứa vào đại học”.
Ngày tôi về thành phố học đại học, chị Hà đưa tôi lên bến xe. Lâu lắm rồi hai chị em mới lại chở nhau, chị Hà thở phì phò “Bữa nay Thủy nặng quá ta”.
Xe qua cổng, ông bảo vệ già la lên “Gửi xe ở đây”, chị Hà phì cười “Xe cũng theo đi luôn mà bác”.
Lơ xe cột cái xe đạp lên mui. Hai chị em tôi đứng dưới bến. Bến đầy người tiễn đưa, người ở lại mua thêm gói bánh nhét vào túi xách người đi, cha mẹ dúi thêm vào tay con ít tiền... Chị Hà ngần ngừ cho tay vào túi, tôi lắc đầu thật nhanh “Đừng mua gì nữa, em đủ rồi”.
Người lơ vỗ bồm bộp vào thùng xe “Mời quý khách...” Chị Hà đẩy vai tôi cùng cái túi xách lên xe. Người lơ nhìn chị “Sao không lên luôn, còn chần chừ gì nữa?” Chị lắc đầu. Mắt chợt hoe đỏ. Tôi muốn nhảy xuống ôm choàng lấy chị, nhưng chiếc xe đã nổ máy, tôi quay nhìn ra cửa kính. Giữa những bàn tay vẫy vẫy, bàn tay chị Hà nhỏ xíu, cái mũ rộng vành trên đầu như một cây nấm.
Hoa Rù Rì Hoa Rù Rì - Nguyên Hương Hoa Rù Rì