Books serve to show a man that those original thoughts of his aren't very new after all.

Abraham Lincoln

 
 
 
 
 
Tác giả: Shin Kyung Sook
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4296 / 254
Cập nhật: 2015-08-17 19:50:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12: Tôi Đã Về Đây! 4
gày nào nó cũng khóc lóc thảm thiết, năn nỉ anh chị cho đi học. Mặc dù
chiến tranh đã qua đi mấy năm nhưng hoàn cảnh lúc đó vẫn thật khủng
khiếp. Nhà ông nghèo đến không thể tin nổi. Đôi khi ông vẫn nghĩ về thời
kỳ đó như một cơn ác mộng. Ông đã sống sót kỳ diệu sau khi bị cái xiên
tre đâm vào cổ họng, nhưng ông rơi vào tình cảnh tuyệt vọng khi phải
gánh vác trách nhiệm nuôi cả đại gia đình vì ông là con trai trưởng
trong một gia đình không có người lớn. Có lẽ đó là lý do khiến ông nhiều
lần muốn chạy trốn khỏi ngôi nhà này, trách nhiệm đó quá nặng nề và khó
khăn đối với ông. Thời kỳ ấy đến kiếm miếng cơm bỏ vào miệng còn khó,
nói gì tới việc cho cậu em trai đi học. Khi ông và chị gái ông không
buồn nghe nữa, Kyun quay sang năn nỉ vợ ông. “Chị dâu ơi, chị cho em đến
trường đi. Hãy cho em tiếp tục học cấp hai. Nếu được đi học, cả đời này
em sẽ biết ơn chị.”
Vợ ông bảo với ông, “Kyun mong mỏi như vậy thì chúng ta cũng nên tìm
cách gì đó cho nó đi học chứ ông?”
“Tôi cũng có được đến trường đâu! Ít ra nó còn được học hết cấp một đấy
thôi,” ông vặn lại vợ mình.
Ông không được đến trường là bởi bố ông. Bố ông là thầy thuốc Đông y,
sau khi mất đi hai đứa con trai lớn vì bệnh truyền nhiễm, bố ông không
bao giờ cho ông tới chỗ đông người dù đó là trường học hay gì đi nữa.
Hai bố con thường quỳ đối diện nhau để bố ông dạy chữ Hán cho ông.
“Bố Hyong-chol này... hay mình cho chú Kyun đến trường học đi,” vợ ông nói.
“Lấy gì cho nó đi học chứ?”
“Mình bán mảnh vườn đi là được chứ gì.”
Nghe thấy những lời nói đó của vợ ông, chị ông bảo, “Cô này định bán hết
của cải nhà người ta đi đấy hả!” rồi chị đuổi vợ ông về bên nhà mẹ đẻ.
Mười ngày sau, một buổi tối, ông uống rượu say khướt và khật khưỡng đi
đến nhà vợ. Ông đi xuống con đường núi rồi khi đến túp lều nhà vợ, ông
dừng bước trước cửa sổ gian phòng hướng ra sân sau um tùm tre pheo. Ông
không nghĩ đến đây để đưa vợ về. Chính men rượu đã đưa ông đến đây, bữa
rượu ông được mời sau khi giúp một người hàng xóm cày ruộng. Mặc dù ông
không phải là người đã đuổi vợ mình về nhà mẹ đẻ nhưng ông cũng không
thể cứ thế bước vào nhà vợ như không có gì xảy ra, thế nên ông cứ đứng
yên đó. Tiếng vợ ông và người mẹ vợ già vọng ra ngoài. Mẹ vợ ông to
tiếng với vợ ông, “Đừng có quay lại cái xó nhà đó nữa, về dọn dẹp đồ đạc
rồi đi khỏi nhà đấy đi!”
Vợ ông sụt sịt, khăng khăng, “Có chết thì con cũng phải về nhà ấy con
chết. Đó cũng là nhà của con, tại sao con lại phải ra đi chứ?” Ông đứng
dựa vào tường cho đến khi ánh bình minh xuyên qua rừng tre. Ông chộp lấy
vợ khi vợ ông ra khỏi phòng đi làm đồ ăn sáng. Vì khóc suốt đêm nên đôi
mắt vốn trong sáng, to và đen nhánh của vợ ông lúc này sưng húp và nhỏ
như lá răm. Cho dù vợ ông có mở to đôi mắt vì ngạc nhiên thì đôi mắt vẫn
bé như sợi chỉ. Ông nắm tay vợ kéo đi qua rừng tre, trở về nhà. Khi đi
qua rừng tre, ông bỏ tay vợ ra và bước lên trước. Những hạt sương sớm
rơi ướt cả quần ông. Vợ ông, tụt lại phía sau, vừa thở hổn hển bước theo
vừa nói, “Ông đi chậm một chút có được không!”
Vừa về đến nhà, Kyun đã chạy bổ đến chỗ vợ ông và reo lên, “Chị dâu ơi!”
“Chị dâu ơi, em không đi học nữa đâu, từ giờ chị đừng có bỏ nhà đi như
thế nữa nhé!” Mắt Kyun long lanh nước, nó rất khổ tâm vì phải từ bỏ giấc
mơ đến trường. Không thể đi học được nữa, Kyun chăm chỉ làm việc nhà
giúp đỡ vợ ông. Mỗi khi cùng vợ ông làm việc trên cánh đồng ở sườn đồi,
nếu đi vào những đám kê rậm rạp mà không nhìn thấy vợ ông đâu, Kyun sẽ
gọi toáng lên, “Chị dâu ơi!” Khi vợ ông trả lời, “Sao thế em?” thế nào
Kyun cũng cười vang và gọi tiếp, “Chị dâu ơi!” Kyun cứ gọi và vợ ông lại
trả lời, rồi Kyun lại gọi và vợ ông lại trả lời. Hai chị em cứ người gọi
người trả lời như thế cho đến khi làm xong việc trên cánh đồng trên núi.
Kyun thực sự là người bạn đồng hành chung thủy của vợ ông trong những
ngày ông bôn ba đây đó. Khi Kyun cường tráng hơn, nó dắt bò đi cày ruộng
vào mùa xuân và cắt lúa trên đồng vào mùa thu sớm hơn bất cứ người nào.
Vào cuối mùa thu, để chuẩn bị muối kim chi, nó đi ra vườn rau cải từ
sáng sớm để thu hoạch toàn bộ rau cải. Hồi ấy, mọi người thường trải
chiếu trên ruộng để đập lúa với cây đòn. Phụ nữ trong làng ai cũng có
một cây đòn, hôm nào có nhà ai đập lúa thì tất cả phụ nữ sẽ tập trung
trên cánh đồng nhà ấy, mang đòn ra đập giúp một tay. Họ đập lúa cho đến
tận khi mặt trời lặn. Một năm, Kyun đi làm ở nhà máy bia trong thị trấn.
Khi nhận được thù lao, Kyun mua một cái đòn mới về nhà đưa cho vợ ông.
“Cái đòn này là gì vậy?”
Kyun mỉm cười. “Cái đòn đập lúa của chị dâu cũ nhất làng này rồi... Bây
giờ, chị có dựng lên chắc gì nó đã chịu đứng.”
Vợ ông vẫn bảo với ông là cái đòn đập lúa đã cũ thành thử khi đập lúa bà
phải tốn sức hơn những người phụ nữ khác, thế nên bà muốn một cái mới.
Lời của bà chưa kịp vào tai phải của ông thì đã lọt ra tai trái. Ông
nghĩ, cái đòn đập cũ vẫn còn dùng được thì mua cái đòn mới làm gì? Cầm
cái đòn đập lúa Kyun vừa đưa, đột nhiên vợ ông nổi nóng với Kyun, mà có
lẽ đúng hơn là nổi nóng với ông. “Chú mua cái đòn đập mới thế này để làm
gì? Anh chị còn không thể cho chú đi học được cơ mà!”
“Chị thật là, có gì đâu cơ chứ!” Kyun nói rồi đỏ bừng cả mặt.
Kyun rất nghe lời vợ ông. Có lẽ nó coi vợ ông như mẹ. Sau khi mua cái
đòn đập lúa, hễ có tiền là nó lại mua bao nhiêu thứ về cho gia đình. Tất
cả đều là những thứ vợ ông cần. Kyun còn mua về một cái chậu inox. Nó
hơi xấu hổ, tủm tỉm cười nói, “Các bà các cô nhà người ta đều dùng đồ
này hết rồi, có mỗi chị dâu nhà mình vẫn dùng cái thùng cao su nặng
trịch thôi.” Vợ ông làm bao nhiêu kim chi trong cái chậu đó, rồi còn cho
cơm trưa vào đấy để mang ra đồng. Sau khi dùng xong, bà lại lau chùi cho
sáng loáng rồi đặt lên kệ. Bà dùng cái chậu cho đến khi lớp mạ tróc hết
cả và cái chậu biến thành màu trắng.
Ông bất ngờ đứng dậy đi xuống bếp. Ông mở cánh cửa sau của nhà bếp và
nhìn lên cái kệ đựng đồ làm từ mấy cây cọc dựng trong nhà kho. Những cái
bàn ăn đã gập chân đặt ngay ngắn ở kệ trên. Kệ dưới cùng là cái chậu
inox từ bốn mươi năm trước nằm im ở đó...
Khi vợ ông sinh đứa con trai thứ hai, ông không có nhà. Chỉ có Kyun ở
bên cạnh bà. Về sau ông đã được nghe chuyện xảy ra lúc đó. Khi ấy đang
độ mùa đông rét buốt nhưng trong nhà không còn chất đốt. Kyun đã chặt
cây mận già ngoài sân, chẻ thành củi để sưởi cho chị dâu vừa sinh cháu
mà phải nằm trong căn phòng lạnh giá. Kyun cho củi vào lò sưởi phía dưới
phòng chị dâu rồi nhóm lên. Nhìn thấy thế, bà chị ông mở toang cửa phòng
vợ ông và quát ầm lên, “Mợ không nghe người ta nói rằng nếu chặt cây
trong nhà một cách bừa bãi thì thế nào trong nhà cũng có người chết hay
sao mà dám làm như thế hả. Mợ điên rồi à!” Kyun hét toáng lên, “Em làm
đấy! Sao chị lại mắng chị dâu!” rồi cãi nhau với bà chị gái. Chị gái ông
tóm lấy cổ họng Kyun mà gầm lên, “Chị dâu mày bảo mày chặt có phải
không? Cái thằng này! Mày hỏng thật rồi!” Kyun không chịu thua, đẩy vợ
ông qua một bên và nói, “Thế chị muốn để chị ấy vừa đẻ con xong đã chết
cóng trong căn phòng lạnh lẽo chắc?”
Cây mận đã bị chặt ấy hồi trước đứng ở chỗ này. Chuyện đó có lẽ xảy ra
khoảng hai mươi ngày kể từ hôm Kyun trở về sau khi bỏ nhà đi kiếm tiền.
Lúc Kyun về nhà, vợ ông là người vui nhất. Khoảng thời gian xa nhà, Kyun
đã thay đổi rất nhiều. Nó thậm chí không cười cả với vợ ông. Ông chỉ
nghĩ chắc nó đã gặp phải chuyện gì khó khăn ngoài đời. Một hôm, vợ ông
hớt hải chạy đến trước cửa hàng trong thị trấn nơi ông đang chơi trò
Yut, khuôn mặt bà trắng bệch. Dù bà nói Kyun trông lạ lắm, ông phải mau
mau về nhà xem thế nào, ông vẫn mải mê với trò Yut nên bảo vợ cứ về
trước đi. Vợ ông cứ đứng ngây ra một lúc, hồn xiêu phách tán, rồi đột
nhiên lật úp chiếc thảm rơm bày những que gỗ của trò Yut và hét lên,
“Chú ấy sắp chết rồi kia kìa! Ông có nhanh lên không nào!”
Hành động của vợ ông thật kỳ lạ khiến ông linh cảm thấy có gì không ổn
nên bèn chạy vội về nhà.
“Ông nhanh lên! Nhanh nữa lên!” Vợ ông giục giã, chạy trước cả ông. Đó
là lần đầu tiên vợ ông chạy trước ông. Kyun co rúm người nằm đúng chỗ
cây mận đã bị chặt. Nước bọt phì ra trong khoang miệng và cái lưỡi thè
cả ra ngoài.
“Có chuyện gì xảy ra với nó thế này?” Ông nhìn vợ nhưng vợ ông đã thẫn
thờ như người mất hồn.
Là người phát hiện ra Kyun trong tình trạng đó, vợ ông bị cảnh sát gọi
lên đồn vài ba lần. Trước khi nguyên nhân cái chết được làm rõ, tin đồn
rằng chị dâu cho em chồng uống thuốc sâu đã lan sang tận làng bên. Chị
gái ông hai mắt đỏ ngầu, luôn mồm chửi rủa vợ ông, “Cái con dã nhân, mày
hại em tao.”
Vợ ông hết sức điềm tĩnh khi cảnh sát thẩm vấn. “Các ông nghĩ tôi đã
giết chú ấy thì không cần dài dòng gì nữa, cứ giam tôi vào cho xong.”
Có lần cảnh sát đã phải đưa vợ ông về nhà vì bà từ chối không rời khỏi
đồn, lại còn yêu cầu cảnh sát nhốt mình vào tù. Khi trở về nhà, vợ ông
cứ vò đầu giật tóc rồi đấm ngực thình thịch. Bà mở tung cửa, lao ra
ngoài trời mưa, chạy đến bên giếng vục mặt vào nước lạnh cóng. Còn ông,
ông hoàn toàn suy sụp. Trong lúc vợ bị thẩm tra, cả ngày ông vừa chạy
như điên khắp núi non, đồng ruộng vừa gọi tên người em đã chết, “Kyun
ơi! Kyun ơi!” Trong lồng ngực ông như có lửa đốt, cơ thể ông nóng hầm
hập không sao chịu nổi. Có một thời khi người chết ra đi không nói được
một lời thì người sống hóa điên hóa dại như thế.
Vợ ông thật đáng thương. Giờ ông mới nhận ra mình đã hèn nhát chừng nào.
Cả đời ông lúc nào cũng trút mọi nỗi đau lên vợ mình. Lẽ ra người cần
được an ủi nhiều nhất là vợ ông nhưng vì ông cứ im lặng nên đã dồn vợ
ông vào chân tường.
Mặc dù đau đớn đến mụ mị, nhưng lúc đó chính vợ ông đã nhờ người chôn
cất Kyun. Nhiều năm trôi qua, nhưng ông không bao giờ hỏi xem Kyun được
chôn ở đâu.
Thỉnh thoảng vợ ông lại hỏi, “Ông không muốn biết chú ấy được chôn ở đâu
thật à?”
Ông không nói gì. Quả thật, ông không muốn biết.
“Ông đừng giận chú ấy vì đã ra đi như thế nữa... Ông là anh của chú ấy,
chú ấy không còn cha mẹ nên ông phải tới thăm chú ấy chứ... Tôi ước gì
chúng ta có thể đưa mộ chú ấy về một nơi tử tế trong khu nghĩa trang tổ
tiên nhà ta.”
“Sao tôi lại phải biết bà đã chôn cái thằng hư đốn ấy ở đâu chứ?” ông
gào lên với vợ.
Một lần, khi hai vợ chồng đang đi dọc một con đường, đột nhiên vợ ông
dừng bước mà hỏi, “Mộ của chú Kyun ở gần đây, ông không định ra đấy à?”
Nhưng ông làm ra vẻ không nghe thấy gì. Tại sao ông lại trút gánh nặng
cho vợ mình như thế chứ? Đến tận hai năm trước, cứ vào ngày giỗ Kyun, vợ
ông lại làm cơm rồi mang ra mộ Kyun. Mỗi lần từ trên núi trở về, thế nào
miệng bà cũng sặc sụa mùi rượu Sochu, hai mắt thì đỏ ngầu.
Vợ ông thay đổi nhiều từ sau chuyện xảy ra với Kyun. Từ một con người
vốn rất lạc quan, bà hầu như không bao giờ cười nữa. Nếu có cười thì đó
cũng chỉ là nụ cười nhạt nhẽo, vụt qua nhanh chóng. Trước đây chỉ cần
đặt lưng xuống sàn nhà là bà ngủ say như chết, mệt nhoài với công việc
vườn tược đồng áng, nhưng từ dạo đó nhiều đêm dài bà cứ thức chong
chong. Mãi cho tới khi đứa con gái thứ của ông trở thành dược sĩ và kê
đơn thuốc ngủ cho vợ ông thì bà mới lại ngủ sâu giấc được. Vợ ông thật
đáng thương, đến giấc ngủ cũng không yên. Có lẽ mấy viên thuốc ngủ người
vợ mất tích của ông uống chưa kịp tan hết đã tích tụ cả lại trong não
bà. Căn nhà cũ đã được xây lại hai lần từ sau khi Kyun mất. Mỗi lần xây
lại nhà, ông lại bỏ những thứ đồ cũ chất thành đống trong một góc nhà ra
chỗ khác. Mỗi lần như vậy, vợ ông lại tự mình cất giấu chiếc chậu inox,
không cho ai động vào. Có lẽ vợ ông sợ nếu để cái chậu lẫn vào mọi thứ
khác thì sẽ không bao giờ tìm thấy được nữa, nên chiếc chậu là thứ đầu
tiên bà đưa vào cái lều tạm họ sống trong khi xây nhà. Khi nhà xây xong,
bà luôn mang chiếc chậu đặt lên cái kệ trong ngôi nhà mới trước tiên rồi
mới làm gì thì làm.
Đến trước khi vợ ông bị lạc, ông chưa khi nào thoáng nghĩ rằng chính sự
im lặng của mình trong chuyện Kyun đã khiến vợ ông phải chịu bao đau khổ
trong cuộc sống. Ông chỉ nghĩ nói lại chuyện đã qua cũng chẳng ích gì.
Ngay cả khi cô con gái ông kể lại, “Bác sĩ hỏi liệu có chuyện gì làm mẹ
con bị sốc không? Có việc gì mà con không biết không nhỉ?” thì ông chỉ
lắc đầu. Rồi khi cô con gái nói, “Bác sĩ bảo nên đi tư vấn tâm thần xem
sao bố ạ,” thì ông đã cắt lời và gắt toáng lên, “Tư vấn cái gì, tâm thần
cái gì, vớ vẩn…” Ông luôn nghĩ khi tuổi già đến mình cần phải quên
chuyện của Kyun đi, và giờ đây có vẻ như ông đã thực sự quên hẳn người
em trai rồi. Ngay cả vợ ông từ sau khi bước sang tuổi năm mươi cũng
thường nói, “Tôi chẳng thấy Kyun về trong mơ nữa. Có lẽ giờ chú ấy có
thể lên thiên đường rồi.” Thế nên ông nghĩ chắc vợ ông cũng đã dần quên
mọi chuyện, y như ông vậy. Mấy năm gần đây tự nhiên vợ ông lại bắt đầu
nhắc đến chuyện của Kyun, mặc dù ông cứ tưởng bà đã quên.
Có một đêm vợ ông lay ông dậy. “Chú Kyun ấy ông, nếu mình cho chú ấy đi
học thì chắc chú ấy đã không làm thế đâu nhỉ?” Vợ ông lẩm bẩm như thể
nói với chính mình. “Kể từ khi về làm dâu ở cái nhà này, chú Kyun là
người đối đãi với tôi tử tế nhất... Tôi là chị dâu của chú ấy mà lại
không thể cho chú ấy đi học cấp hai mặc dù chú ấy rất khao khát được đến
trường. Tôi lại thấy chú Kyun trong giấc mơ. Tôi nghĩ rằng, chú ấy vẫn
lưỡng lự chưa đi đâu được.”
Ông chỉ “Hừ” một tiếng rồi lại quay lưng đi, nhưng vợ ông vẫn nói tiếp.
“Sao lúc đó ông lại như thế chứ? Sao ông lại không cho chú Kyun đến
trường? Chú ấy đã khóc lóc thảm thiết vì rất muốn đi học, thế mà sao ông
không động lòng cơ chứ? Chú ấy đã bảo chỉ cần cho chú ấy nhập học thì
bằng giá nào chú ấy cũng tự lo được, vậy mà…”
Ông không muốn bàn luận với bất cứ ai về Kyun. Bởi với ông, Kyun cũng
chính là một vết thương trong lòng. Dù cây mận không còn ở đấy, nhưng
ông vẫn nhớ rất rõ nơi Kyun chết. Ông biết vợ mình vẫn hay thẫn thờ nhìn
vào chỗ đó. Ông không hề muốn động đến vết thương ấy. Cuộc đời này có
nhiều chuyện còn khủng khiếp hơn.
“Hừm hừm,” ông đằng hắng.
Chỉ sau khi vợ mất tích, ông mới nghĩ lẽ ra đêm hôm đó mình nên dành
chút thời gian nói chuyện thẳng thắn với vợ về Kyun. Hình ảnh của Kyun
vẫn luôn ở trong lòng vợ ông. Có nhiều đêm, vợ ông đột nhiên vùng dậy,
chạy vào phòng tắm ngồi nép xuống bên cạnh bệ xí. Hai tay bà giơ ra như
đang đẩy ai đó, miệng gào lên, “Không phải tôi, không phải tôi!” Nếu ông
hỏi xem có phải vợ ông gặp ác mộng không, bà sẽ chớp chớp mắt và lơ đễnh
nhìn vào khoảng không, như thể bà đã quên mất mình đang làm gì. Chuyện
đó xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.
Tại sao ông không bao giờ nghĩ tới chuyện vợ mình đã nhiều lần phải đến
đồn cảnh sát vì chuyện của Kyun? Chuyện vợ ông bị người ta đồn là kẻ
giết em chồng? Tại sao đến tận bây giờ ông mới nghĩ ra rằng chuyện của
Kyun có liên quan trực tiếp đến chứng đau đầu chết người của vợ mình? Lẽ
ra ông phải nghe vợ mình nói chuyện, ít nhất là một lần. Ông nên để cho
bà nói những gì bà muốn nói. Những tháng năm thắt nghẹn, kìm nén không
được giải tỏa! Sự câm lặng của ông, thậm chí không cho vợ mình nhắc về
chuyện đó, đã biến thành nỗi đau giằng xé vợ ông. Càng ngày ông càng hay
thấy vợ mình ra đứng ngẩn ngơ thất thần ở đâu đó. Khi ấy vợ ông sẽ nói,
“Sao tôi lại quên mất mình định làm gì rồi thế này?” Cho dù có những lúc
đầu đau đến mức không lết nổi chân, vợ ông vẫn nhất quyết không đến bệnh
viện. Bà còn bắt ông tuyệt đối không được nói cho các con biết về bệnh
đau đầu của mình. “Nói với chúng thì giải quyết được gì chứ? Chúng nó đã
túi bụi với công việc của mình rồi còn gì?”
Khi con cái phát hiện, vợ ông lại dập đi, “Hôm qua thì đau thôi, chứ giờ
thì mẹ khỏi rồi!” Có hôm nửa đêm đang ngồi thẫn thờ một mình, chợt bà
hỏi ông với khuôn mặt lạnh lùng, “Sao ông lại sống với người như tôi
trong ngần ấy năm làm gì cơ chứ?” Thế nhưng, vợ ông vẫn tiếp tục làm
mắm, đi hái mơ rừng làm nước mơ. Có những ngày Chủ nhật, bà có thể ngồi
sau xe máy để ông đèo đến nhà thờ, và đôi khi bà còn gợi ý ra ngoài đi
ăn ở một nhà hàng có nhiều món vì bà muốn ăn một bữa cơm do người khác
nấu. Thế rồi, khi mọi người trong gia đình bàn là nên gộp tất cả các
ngày lễ lạt vào một ngày cho tiện, vợ ông nói rằng khi nào cô con dâu
trưởng tiếp quản công việc cúng đơm thì bà sẽ làm thế, nhưng vì bà đã
làm cỗ cả đời rồi nên chừng nào còn sống thì bà vẫn cứ tổ chức các ngày
lễ riêng rẽ. Nhưng khác với trước kia, vợ ông thường quên cái này cái nọ
lúc chuẩn bị cỗ thành thử phải ra thị trấn bốn năm lần liền để mua thêm
đồ. Khi đó ông chỉ nghĩ già rồi thì ai cũng như thế cả thôi.
Tờ mờ sáng chuông điện thoại đã reo vang, Ai gọi vào giờ này thế nhỉ?
Ông khấp khởi hy vọng, chộp ngay lấy ống nghe.
“Bố ạ?”
Thì ra là cô con gái lớn.
“Sao mãi bố mới nghe điện thoại thế? Sao bố không nghe di động?”
“Có việc gì thế con?”
“Hôm qua gọi điện cho anh cả, con thấy lo quá... Sao tự dưng bố lại về
quê thế? Nếu có đi thì bố cũng nên nói với con vài lời chứ. Về quê như
thế mà bố cũng chẳng nghe điện thoại là sao?”
Có vẻ như đến giờ cô con gái mới biết chuyện ông về nhà.
“Bố ngủ nên không để ý.”
“Ngủ ấy ạ? Bố ngủ suốt từ khi ấy đến giờ sao?”
“Ừ, có lẽ vậy.”
“Bố ở đấy có một mình làm gì?”
“Biết đâu mẹ mày lại về đây.”
Cô con gái ông im lặng một lúc. Ông nuốt nước bọt, cổ họng khô rang.
“Con về với bố nhé?”
Trong mấy đứa con, cô con gái lớn có trách nhiệm nhất trong việc tìm vợ
ông. Có thể một phần vì nó chưa lập gia đình. Ông dược sĩ ở phố Yokchon
là người cuối cùng gọi để báo có trông thấy một người giống vợ ông. Con
trai ông đã đăng thêm mấy tin quảng cáo trên báo, nhưng chẳng có ai chỉ
dẫn gì nữa cả. Ngay cả cảnh sát cũng nói họ đã làm mọi việc có thể và
giờ họ chỉ còn biết đợi người ta gọi đến báo tin nữa thôi, vậy mà cô con
gái lớn của ông đêm nào cũng đi từ phòng cấp cứu của bệnh viện này tới
bệnh viện khác để tìm xem trong số những bệnh nhân vô gia cư có ai là mẹ
mình không.
“Không cần... Chỉ cần nghe được gì thì gọi cho bố ngay.”
“Bố, khi nào bố không muốn ở một mình nữa thì lên trên này ngay bố nhé.
Hay là bố bảo bác sang ở cùng.”
Ông nghe giọng của cô con gái lạ quá, cứ như nó đã uống rượu. Giọng nói
có vẻ líu nhíu.
“Con uống rượu phải không?”
“Có mấy chén thôi ạ,” cô con gái ông trả lời lí nhí.
Nó đã uống rượu đến tận sáng ư? “Chi-hon,” ông gọi giật lại khi thấy cô
con gái định ngắt điện thoại. Cô con gái trả lời với giọng yếu ớt,
“Vâng.” Bàn tay đang cầm ống nghe của ông ướt đẫm mồ hôi. Chân ông như
chuội đi nên ông phải ngồi uỵch xuống sàn nhà.
“Hôm đó, mẹ con không đủ sức để lên Seoul. Lẽ ra bố mẹ không nên đi
Seoul mới phải... Từ hôm trước, mẹ con đã kêu đau đầu, bà ấy phải đổ đá
vào chậu rửa mặt rồi rúc đầu vào đấy. Mẹ con đau đến mức không thể nghe
được tiếng người khác gọi mình... Ban đêm, bố phát hiện mẹ con đứng
trước tủ lạnh và cho đầu vào ngăn lạnh. Chắc mẹ con đau đớn lắm. Mặc dù
quên cả nấu cơm sáng, mẹ con vẫn đòi lên Seoul. Mẹ con nói rằng các con
đang mong bố mẹ. Nhưng lúc đó bố lại không ngăn mẹ. Giờ bố già rồi nên
đầu óc cũng không minh mẫn nữa hay sao ấy. Một phần bố cũng nghĩ thôi
thì nhân thể lần này mẹ con lên Seoul, phải bắt bà ấy vào viện khám xem
bệnh tình thế nào… Thế nhưng, lẽ ra lúc đưa người đang trong tình trạng
đau ốm như thế lên Seoul, bố đã phải để ý tới mẹ con hơn... Vậy mà, bố
chẳng nghĩ mẹ con là bệnh nhân, xuống ga Seoul một cái là ngay lập tức
bố đi trước mẹ con... vẫn cái thói quen cũ ấy mà... Vậy nên sự việc mới
đến nước này.” Những lời mà ông không thể nói khi ngồi trước mặt các con
mình giờ đây tuôn ra ào ạt.
“Bố...” Tiếng cô con gái ông như nghẹn lại.
Ông lắng nghe.
“Con nghĩ mọi người đã quên mẹ rồi. Không có ai gọi điện. Bố có biết vì
sao hôm đó mẹ con lại đau đầu như vậy không? Bởi vì con là một đứa con
hư. Mẹ đã bảo thế đấy.” Giọng của cô con gái ông nhịu lại.
“Mẹ nói với con vậy ư?”
“Vâng... Con nghĩ mình không đến tiệc sinh nhật bố mẹ được nên con đã
gọi điện từ Trung Quốc về hỏi xem mẹ đang làm gì, mẹ bảo đang rót rượu
vào chai để đưa lên cho cậu út. Bố cũng biết là nó thích uống rượu rồi
đấy. Con cũng không biết nữa. Chuyện đó thì có gì đâu, nhưng tự dưng con
lại nổi cáu. Cậu út đáng ra phải bỏ rượu mới phải... Mẹ thì lại thấy cậu
ấy thích uống rượu nên cứ mang cho cậu ấy thôi. Thế nên con mới bảo mẹ
đừng mang thứ nặng nề ấy lên làm gì, nó uống say rồi quấy phá thì mẹ có
chịu trách nhiệm được hay không? Sao mẹ không chịu nghĩ cho kỹ chút nào?
Con đã nói với mẹ như thế đấy... Nghe xong, mẹ nói với giọng yếu ớt,
‘Con nói cũng phải,’ rồi nói thêm, ‘Chắc mẹ phải ra thị trấn mua ít bánh
gạo...’ Năm nào đến sinh nhật bố là mẹ lại làm bánh gạo còn gì! Con lại
bảo, ‘Thôi thôi mẹ ạ, thật ra có ai ăn mấy thứ bánh đấy đâu, bọn con cứ
chia nhau vui vẻ như thế, chứ mang về nhà là lại vứt vào tủ lạnh để đấy
thôi.’ Con bảo mẹ không phải bày đặt mấy trò quê mùa ấy nữa, cứ lên tay
không là được rồi. Thấy con nói thế, mẹ hỏi, ‘Con vứt bánh tteok trong
tủ lạnh à?’ Con trả lời, ‘Vâng, thậm chí bánh mẹ mang cho con từ ba năm
trước vẫn còn trong tủ.’ Lúc ấy mẹ đã khóc. Con hỏi, ‘Mẹ khóc à?’ thì mẹ
nói, ‘Mày là đứa con gái hư!’ Con chỉ định bảo mẹ cứ lên tay không cho
đỡ khổ thôi vậy mà lại bị mẹ bảo là đứa con gái hư, nên lúc đấy con giận
lắm. Hôm đấy thời tiết ở Bắc Kinh cũng nóng kinh khủng. Căng thẳng quá
con mới đáp, ‘Vâng, mẹ đẻ ra đứa con hư như con thế này thì sướng quá
còn gì? Vâng, con của mẹ hư lắm,’ rồi con ngắt điện luôn.”
Ông im lặng.
“Con biết mẹ ghét nhất bị ai đó la hét... Mọi người đều đã gào vào mặt
mẹ rồi còn gì, phải không bố, tất cả chúng ta. Con đã định gọi điện lại
để xin lỗi mẹ nhưng rồi con quên mất vì còn mải cùng mọi người đi ăn
uống, ngắm cảnh, chuyện trò. Nếu con gọi điện lại để xin lỗi thì mẹ đã
chẳng bị đau đầu như thế... và khi đó, mẹ đã có thể theo kịp bố rồi.”
Cô con gái khóc òa lên.
“Chi-hon à!”
Cô con gái im lặng.
“Mẹ con tự hào về con nhất đấy!”
“Bố nói gì cơ ạ?”
“Nếu con xuất hiện trên báo, thế nào mẹ cũng gập tờ báo đó lại cất vào
trong túi xách, rồi cứ lấy ra ngắm nghía suốt... Mỗi khi đi vào trong
thị trấn, gặp ai mẹ con cũng lấy ra khoe với người ta đấy.”
Cô con gái im lặng.
“Nếu ai hỏi rằng con gái làm gì... mẹ con sẽ nói rằng con là nhà văn… Mẹ
con còn mang cả quyển sách con viết nhờ một cô ở Ngôi nhà Hy vọng của
trẻ mồ côi đọc cho nghe đấy. Con viết gì mẹ con đều biết hết. Cô gái đọc
sách ẹ con kể rằng, mỗi khi được nghe đọc sách, khuôn mặt mẹ con lại
rạng rỡ hẳn lên, còn cười nữa. Vì vậy, cho dù có việc gì đi nữa, con
cũng phải viết tiếp cho thật hay vào con nhé! Mọi điều đều có một thời
điểm thích hợp để nói ra... Suốt cả cuộc đời mình có khi bố đã không nói
với mẹ con, có khi để tuột mất thời cơ, có khi lại đinh ninh mẹ con đã
hiểu rồi. Giờ đây bố cảm thấy mình đã có thể nói ra mọi điều nhưng lại
không có ai nghe cả. Chi-hon à?”
“Vâng?”
“Nhờ con cả đấy... Mẹ con... Hãy nói với mẹ con.”
Không thể ngăn nổi mình nữa, cô con gái òa lên nức nở ở đầu dây bên kia.
Ông ghé sát điện thoại vào tai, lắng nghe tiếng khóc tuyệt vọng của cô.
Tiếng khóc của cô ngày càng lớn hơn. Nước mắt của cô như nhỏ xuống chảy
theo đường dây điện thoại. Khuôn mặt ông đẫm lệ. Cho dù tất cả mọi người
trên thế giới này có quên, cô con gái của ông sẽ vẫn nhớ. Rằng người vợ
của ông đã yêu thế giới này biết mấy, và rằng ông đã yêu vợ bao nhiêu
Hãy Chăm Sóc Mẹ Hãy Chăm Sóc Mẹ - Shin Kyung Sook Hãy Chăm Sóc Mẹ