Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Giải Phẫu Một Cuộc Đảo Chính
T
rích từ cuốn sổ tôi ghi chép ở Lagos năm 1966: Thứ Bảy ngày 15 tháng Giêng, quân đội đã tiến hành đảo chính ở Nigeria. Vào lúc 1.00 sáng tất cả các đơn vị quân sự trên toàn quốc được lệnh báo động. Các sư đoàn được chỉ định bắt đầu thực hiên nhiệm được giao. Khó khăn của việc thực hiện thành công đảo chính là phải tiến hành nó đồng thời tại năm thành phố: ở Lagos, thủ đô liên bang, và ở thủ phủ bốn vùng khác của Nigeria - ở Ibadan (Tây Nigeria), Kaduna (Bắc Nigeria), Benin (Trung –Tây Nigeria) và Enugu (Đông Nigeria). Trên đất nước rộng gấp ba lần Ba Lan có 56 triệu người sinh sống, cuộc đảo chính được thực hiện bởi quân đội chỉ có vỏn vẹn tám nghìn lính.
Thứ Bảy, 2.00 giờ sáng.
Lagos: các đội quân tuần tra (lính mũ sắt, quân phục chiến đấu, mang súng tự động) chiếm sân bay, đài phát thanh, tổng đài điện thoại và bưu điện. Theo lệnh của quân đội, sở điện cắt điện ở các quận của người châu Phi. Thành phố ngủ say, các đường phố vắng vẻ. Đêm thứ bảy tối đen, nóng nực và ngột ngạt. Mấy chiếc xe jeep dừng lại trên King George V Street. Đây là một phố nhỏ ở cuối đảo Lagos (tên đảo được lấy để đặt cho cả thành phố). Một bên là sân vận động. Bên kia – có hai biệt thự. Một cái là dinh thự của thủ tướng liên bang, sir Abubakar Tafawa Balewa. Bộ trưởng tài chính sống trong biệt thự thứ hai, chief Festus Okotie-Eboth. Quân đội bao vây cả hai biệt thự. Một nhóm sĩ quan đi vào dinh thự của thủ tướng, đánh thức ông và dẫn ra. Nhóm thứ hai bắt bộ trưởng tài chính. Những chiếc xe đi khỏi. Vài giờ đồng hồ sau, thông cáo chính thức của chính phủ cho biết thủ tướng và bộ trưởng “đã bị đem đến một nơi không rõ”. Số phận tiếp theo của Balewa cho đến nay vẫn không rõ. Người ta đồn rằng ông bị giam trong các doanh trại. Nhiều người khẳng định ông đã bị giết. Người ta xác nhận rằng Okotie-Eboth cũng đã bị thủ tiêu. Họ nói nhiều lần là hắn không bị bắn mà “bị đánh bằng dùi cui đến chết”. Cách giải thích này có thể không sát với thực tế mà phần nhiều thể hiện thái độ của dư luận về con người này. Đólà một con người vô cùng thù địch, tàn ác, tham lam. To béo khủng khiếp, nặng nề, ục ịch. Hắn đã kiếm được một số của cải nhiều không kể xiết nhờ tham nhũng. Đối với mọi người, hắn khinh rẻ tới mức độ cao nhất. Balewa là sự tương phản của hắn – ông dễ mến, giản dị, điềm tĩnh. Cao, gầy, theo đạo Hồi, gần như khổ hạnh.
Quân đội chiếm cảng và bao vây quốc hội. Các toán quân đi tuần quanh những đường phố của đô thành còn đang ngủ say.
3.00 sáng.
Kaduna: Ở ngoại vi thủ phủ Bắc Nigeria có dinh thự hai tầng với tường bao quanh của thủ tướng vùng này – Ahmadu Bello. Ở Nigeria, nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa là dr.Nnamdi Azikiwe. Người đứng đầu chính phủ là Tafawa Balewa. Nhưng người thực sự nắm quyền cai trị quốc gia là Ahmadu Bello. Suốt ngày thứ Sáu Bello bận tiếp khách. Chuyến viếng thăm cuối cùng, vào lúc 19.00 giờ, là của nhóm người Fulani. Sáu giờ đồng hồ sau, từ trong đám bụi rậm đối diện dinh thự, một nhóm sĩ quan dựng lên hai khẩu súng cối. Chỉ huy nhóm này là thiếu tá Chukuma Nzeogwu. Vào lúc ba giờ sáng, một khẩu súng cối nã đạn. Đạn trúng mái nhà dinh thự. Đám cháy bùng lên. Đó là tín hiệu tấn công. Trước tiên, các sĩ quan ồ ạt tấn công phòng lính gác của dinh thự. Hai người bỏ mạng khi chiến đấu với quân bảo vệ thủ tướng, những người còn lại vào được dinh thự đang cháy. Họ bắt gặp Ahmadu Bello từ phòng ngủ vừa chạy ra ngoài hành lang. Bello gục xuống vì trúng một viên đạn vào thái dương.
Thành phố đang ngủ say, các đường phố vắng vẻ.
3.00 giờ sáng.
Ibadan: Dinh thự thủ tướng Tây Nigeria chief Samuel Aktintola nằm trên một trong số những ngọn đồi thoai thoải, nơi cái thành-phố-làng với những ngôi nhà một tầng này trải ra, “làng lớn nhất thế giới”, với một triệu rưỡi dân. Từ ba tháng nay, trong vùng xảy ra những cuộc chiến đẫm máu, thành phố thiết quân luật, dinh Akintola được canh giữ cẩn mật. Quân đội bắt đầu tiến công ồ ạt, cuộc đọ súng nổ ra, sau đó là đánh tay bo. Một nhóm sĩ quan lọt vào được trong dinh. Akintola chết trên hàng hiên, trúng mười ba viên đạn.
3.00 giờ sáng.
Benin: quân đội chiếm đài phát thanh, bưu điện và các điểm quan trong khác, chặn hết các lối ra của thành phố. Một nhóm sĩ quan tước vũ khí của đội cảnh sát bảo vệ dinh thự thủ tướng Trung –Tây Nigeria – chief Dennis Osadeba. Không một phát súng nổ. Thỉnh thoảng một chiếc xe jeep màu xanh lục chở vài người lính đi qua phố.
3.00 giờ sáng.
Enugu: dinh thự thủ tướng Đông Nigeria, dr. Michel Okpara, bị bí mật bao vây trong yên lặng. Bên trong, ngoài thủ tướng, còn có khách của ông đang ngủ - tổng thống Cyprus, tổng giám mục Makarios. Chỉ huy quân đảo chính bảo đảm cho cả hai vị chức sắc được tự do đi lại. Cuộc cách mạng ở Enugu rất lịch sự. Các nhóm quân sự khác chiếm cứ đài phát thanh, bưu điện và đóng các đường ra khỏi thành phố vẫn còn đang ngủ.
Cuộc đảo chính được thực hiên thành công đồng thời ở năm thành phố của Nigeria. Trong vòng vài giờ đồng hồ, một quân đội nhỏ trở thành người nắm quyền thực sự của đất nước vĩ đại này – cường quốc của châu Phi. Trong một đêm, cái chết, việc bắt giam hay cuộc trốn chạy vào rừng đã kết thúc hàng trăm sự nghiệp chính trị.
Thứ Bảy – sáng, trưa, tối.
Lagos thức dậy, không biết chuyện gì hết. Một ngày mới của đô thị bắt đầu – các cửa hàng mở cửa, mọi người đi làm. Ở ngay trong trung tâm không thấy bóng quân đội. Nhưng ở bưu điện, người ta nói với chúng tôi rằng liên lạc với thế giới bị tạm ngắt. Không thể đánh điện tín. Các tin đồng đầu tiên bắt đầu lan đi trong thành phố. Nhiều nhất là tin Balewa đã bị bắt, tin quân đội đã tiến hành đảo chính. Tôi đi xe đến các doanh trại ở Ikoyi (một quận của Lagos). Các toán quân tuần tra đi xe jeep ra khỏi cổng doanh trại, được trang bị súng tự động và súng máy. Đối diện cổng có một nhóm người tụ tập, bất động, im lặng. Những người phụ nữ sống bằng nghề nấu và bán các món ăn đơn giản ngoài đường phố đang giăng ra một cái trại nghi ngút khói.
Quốc hội đang họp ở đầu kia thành phố. Trước tòa nhà có nhiều lính. Họ soát người chúng tôi khi vào cổng. Chỉ vỏn vẹn ba mươi ba người trong số ba trăm mười hai nghị viên quốc hội đến họp. Chỉ có một bộ trưởng xuất hiện – R.Okafor. Ông đề nghị hoãn họp. Các nghị sĩ có mặt đòi được giải thích: chuyện gì đã xảy ra? Chuyện gì đang xảy ra? Để trả lời, một toán quân bước vào phòng – tám người lính, họ giải tán những người đến họp.
Đài phát thanh phát đi các bản nhạc. Không một thông cáo. Tôi đến chô thông tín viên của AFP, David Laurell. Cả hai chúng tôi đều gần như phát khóc. Đó là những khoảnh khắc bất tận của các nhà báo: có trong tay những tin tức mang tằm quốc tế, nhưng không thể chuyển đi được. Chúng tôi cùng đi ra sân bay. Nó được sư đoàn thủy quân canh giữ. Vắng tanh, chẳng có hành khách, chẳng có máy bay. Trên đường về, chúng tôi bị một đồn quân kiểm soát giữ lại: họ không muốn cho chúng tôi vào thành phố. Một cuộc tranh luận dài bắt đầu. Những người lính lịch sự, lễ độ, bình tĩnh, một sĩ quan đến và cho phép chúng tôi đi tiếp. Chúng tôi trở về qua những khu phố chìm trong bóng tối dày đặc: vẫn chưa có điện. Chỉ có những người bán hàng thắp nến hoặc đèn dầu bên các quầy hàng, khiến đường phố từ xa trông như những con đường nơi nghĩa trang trong ngày lễ tảo mộ. Ngay cả vào buổi đêm, trời vẫn ẩm và ngột ngạt đến khó thở.
Chủ nhật – chính quyền mới.
Những chiếc máy bay trực thăng lượn lờ trên thành phố, nhưng ngoài ra thì ngày rất bình yên. Kế hoạch của các cuộc đảo chính quân sự như thế này (chúng mỗi lúc một nhiều hơn) thường là tác phẩm của một nhóm nhỏ sĩ quan sống trong các doanh trại quân đội mà dân thường không vào được. Họ hoạt động tuyệt đối bí mật. Nhân dân sẽ biết mọi thứ khi sự đã rồi, mà thường chỉ là theo đồn đại hay suy đoán.
Nhưng lần này mọi sự sáng tỏ rất nhanh. Ngay trước nửa đêm, người đứng đầu nhà nước mới phát biển trên đài: thiếu tướng Johnson Thomas Aguiyi-Ironsi, vị chỉ huy quân sự bốn mươi mốt tuổi. Ông nói rằng quân đội “đã đồng ý nắm chính quyền”, rằng hiến pháp và chính phủ sẽ bị đình chỉ. Chính quyền sẽ nằm trong tay Hội đồng Quân sự Tối cao. Luật pháp và trật tự trong nước sẽ được thiết lập lại.
Thứ Hai – nguyên nhân đảo chính.
Niềm vui ngập tràn trên các đường phố. Những người Nigeria tôi quen vỗ vai khi gặp tôi và cười lớn, họ đang trong một tâm trạng tuyệt vời. Tôi đi qua quảng trường – các đám đông nhảy múa, một chàng trai gõ nhịp lên các thùng tôn. Một tháng trước, tôi đã là nhân chứng của cuộc đảo chính tương tự ở Dahomey - ở đó phố phường cũng chào mừng quân đội. Làn sóng đảo chính quân sự gần đây ở châu Phi rất được lòng dân, làm người ta phấn chấn.
Các tuyên bố ủng hộ và chân thành với chính quyền mới đầu tiên đã đến Lagos: Nghị quyết của một trong các đảng địa phương, UPGA (United Progressive Grand Alliance, Liên minh Lớn về Tiến bộ Thống nhất) tuyên bố: ngày 15 tháng Giêng đi vào lịch sự nước cộng hòa vĩ đại của chúng ta như là ngày mà lần đầu tiên, chúng ta giành được tự do thực sự, mặc dù Nigeria đã độc lập từ năm năm nay. Cơn lũ làm giàu điên cuồng của các chính sách nước ta đã làm nhơ cái tên Nigeria trên trường quốc tế… Tầng lớp cầm quyền ở nước ta đã lớn lên, họ đặt nền tảng quyền lực của mình trên cơ sở gieo rắc hận thù, đẩy những người anh em chống lại anh em, thanh toán tất cả những ai bất đồng chính kiến với họ… Chúng ta chào đón chính quyền mới như thể họ được Chúa cử đến để giải phóng dân tộc khỏi những tên đế quốc đen tối, khỏi chế độ chuyên chế và bất khoan dung, khỏi sự lừa dối và những tham vọng tai họa của những kẻ tự cho rằng mình đại diện Nigeria… Tổ Quốc của chúng ta không thể trở thành nơi dành cho những con sói chính trị, những kẻ cướp bóc đất nước”.
“Tình trạng vô chính phủ lan rộng và sự thất vọng của quần chúng – tuyên bố của tổ chức thanh niên Zikist Movement khẳng định – đã khiên cuộc đảo chính này trở thành cần thiết. Trong những năm độc lập, các quyền căn bản của con người đã bị chính phủ chà đạp tàn nhẫn. Nhân dân bị tước mất quyền sống trong tự do và tôn trọng lẫn nhau. Họ không được phép có chính kiến. Chủ nghĩa gangxto chính trị có tổ chức và chính sách lừa dối đã biến mất mọi cuộc bầu cử thành trò hề. Thay vì phụng sự dân tộc, các chính khách chỉ bận ăn cắp tiền bạc. Thất nghiệp và bóc lột tăng lên, còn một nhóm nhỏ những kẻ phát xít phong kiến cầm quyền thì hành hạ nhân dân không biết giới hạn”.
Nhiều quốc gia châu Phi trải qua giai đoạn thứ hai trong lịch sự hậu chiến ngắn ngủi của mình như thế. Giai đoạn thứ nhất là quá trình phi thực dân hóa nhanh chóng, giành độc lập. Tinh thần lạc quan, sôi nổi, hạnh phúc ngất ngây ngự trị khắp nơi. Người dân tin rằng tự do có nghĩa là có một mái nhà tốt hơn trên đầu, là bát cơm đầy hơn, là đôi giày đầu tiên trong đời. Rằng sẽ có phép màu – bánh mì, cá và rượu sẽ nhân lên. Chẳng có chuyện gì như thế xảy ra hết. Ngược lại – dân số tăng lên đột ngột, thiếu thức ăn, thiếu trường học và việc làm cho họ. Sự lạc quan nhanh chóng bị nỗi thất vọng và bi quan thế chỗ. Tất cả cay đắng, giận dữ và thù hận trong nhân dân giờ đây trút ngược lên giới tinh hoa của chính họ, những người chỉ mải ních nhanh cho đầy túi tham. Ở một đất nước không có khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, các đồn điền thuộc về người ngoại bang, còn các ngân hàng là sở hữu của tư bản nước ngoài, con đường duy nhất để làm giàu là sự nghiệp chính trị.
Tóm lại – sự nghèo khổ và vỡ mộng của những người bên dưới, lòng tham lam vo vét của những kẻ ở trên tạo ra một không khí không ổn định và độc hại mà quân đội đã cảm nhận được, tự xem mình là người bảo vệ cho những kẻ bị chà đạp và làm hại, họ xuất quân ra khỏi các doanh trại và nắm lấy chính quyền.
Thứ Ba – những tiếng trống xung trận.
Tin tức từ Đông Nigeria đăng trên nhật báo phát hành ở Lagos The Daily Telegraph:
Enugu. Khi tin tức về việc bắt giam thủ tướng Đông Nigeria dr. Michel Okpara lan về vùng Bende quê ông, trong khắp các làng ở đây - ở Ohuku, Ibeke, Igbere, Akyi, Ohafia, Abiraba, Abam và Nkporo – những cái trống trận bắt đầu được đánh lên, gọi các chiến binh bộ lạc ra trận. Người ta nói với các chiến binh rằng đồng hương của họ dr. Okpara đã bị bắt đi. Ban đầu, các chiến binh cho rằng đây là hành động của các tay sai của liên minh cầm quyền và họ quyết định khai chiến. Những ai có xe đều đưa cho các chiến binh sử dụng. Trong vòng vài giờ, thủ phủ Đông Nigeria – Enugu – đã bị đội quân của các chiến binh bộ lạc vũ trang bằng kiếm, giáo, cung tên và khiên đến tận chân trăng tràn vào. Các chiến binh hát quân ca. Khắp thành phố vang lên tiếng trống tam-tam. Trong tình hình ấy, các thủ lĩnh của các đoàn chiến binh được giải thích rằng quân đội đã tiếp quản chính quyền, và dr. Okpara còn sống nhưng bị quản thúc tại gia. Khi hiểu ra những điều người ta nói với họ, các chiến binh biểu lộ nỗi vui mừng và bắt đầu trở về các làng quê của mình.
Thứ Năm, 20 tháng Giêng – chuyến đi Ibadan.
Tôi đi Tây Phi để tìm hiểu xem người dân nói gì về đảo chính. Ở các trạm chắn của Lagos đến Ibadan là 150 cây số đường bộ xanh mướt chạy giữa những ngọn đồi thoai thoải. Những tháng cuối, trong thời gian nội chiến, nhiều người đã chết trên con đường này. Không bao giờ có thể biết được người mình sẽ gặp sau khúc quanh sắp tới. Những chiếc xe cháy rụi nằm trong hào, thường là những chiếc limousine lớn mang biển số chính phủ. Tôi dừng lại bên một chiếc xe – những mảnh xương cháy thành than vẫn nằm trong đó. Tất cả các thị trấn ven đường đều mang dấu vết của những trận chiến. Xác nhà bị thiêu rụi hay những ngôi nhà bị san phẳng, những lỗ trống hoác của cửa hàng bị khoét rỗng, đồ gỗ bị đập, xe tải chổng bánh lên trời, những đám tro tàn. Vắng tanh, người ta đã chạy trốn, ly tán.
Tôi đến dinh thự của Akintola. Nó nằm ở ngoại ô Ibadan, trong một khu biệt thự giữa rừng của các bộ trưởng, giờ đây đã hoàn toàn hoang phế. Những tòa biệt thự đường bệ, xa hoa và yểu điệu của các bộ trưởng đổ nát và trống rỗng. Thậm chí những người phục vụ cũng đã chuyển đi đâu đó. Một số các bộ trưởng đã bỏ mạng, những người khác bỏ trốn đến Dahomey. Trước dinh thự của Akintola có vài cảnh sát. Một người cầm lấy súng rồi đưa tôi đi xem biệt thự. Đó là một tòa biệt thự lớn và mới. Một vũng máu đã đông lại ngay cạnh cửa vào trên hàng hiên lát cẩm thạch. Bên cạnh vẫn còn bộ djellabah vấy máu. Một đống thư từ bị xé rách vương vãi và hai khẩu súng nhựa tự động bị vỡ thành từng mảnh – đồ chơi, có lẽ là của các cháu trai Akintola. Tường rỗ lỗ chỗ vì vết đạn, cả khoảng sân đầy kính vỡ, lưới trên cửa sổ bị quân lính cắt đứt trong lúc đánh chiếm dinh thự.
Akintola năm mươi lăm tuổi, là một người đàn ông to béo với khuôn mặt bè bè xăm hình kỳ dị. Những tháng gần đây hắn không bước ra khỏi dinh thự luôn luôn được cảnh sát canh gác – hắn sợ. Năm năm trước hắn là một luật sư trung lưu. Sau một năm làm thủ tướng hắn đã có hàng triệu. Đơn giản là hắn đã rót tiền từ tài khoản của chính phủ sang tài khoản riêng. Đi tới đâu cũng có dinh cơ của hắn: ở Lagos, Ibadan, Abeokuta. Hắn có mười hai xe limousine, chủ yếu để không, chỉ là hắn thích ngắm chúng khi ngồi trên bao lơn. Các bộ trưởng của hắn cũng làm giàu trong thời gian ngắn. Chúng ta đang ở trong thế giới của những món tiền như trong cổ tích kiếm được từ chính trị, chính xác hơn – từ chủ nghĩa gangxto chính trị, từ sự tan rã của các đảng, giả mạo kết quả bầu cử, giết đối thủ, bắn vào các đám đông đói khát. Phải nhìn tất cả những thứ này trên cái nền nghèo khổ cùng cực, trên nền của đất nước mà Akintola cầm quyền – chạy rụi, tan hoang, ngập trong máu.
Buổi chiều tôi quay về Lagos.
Thứ Bảy, 22 tháng Giêng – đám tang Balewa.
Thông cáo của Chính phủ Quân sự Liên bang về cái chết của cựu thủ tướng Nigeria-sir Abubakar Tafawa Balewa:
“Sáng ngày thứ Sáu những người dân vùng Otta ở gần Lagos báo tin họ tìm thấy trong rừng một cái xác trông giống Tafawa Balewa. Xác chết ở trong tư thế ngồi, dựa lưng vào thân cây. Thi thể được phủ bằng một chiếc áo djellabah trắng rộng, dưới chân có một chiếc mũ tròn. Ngay ngày hôm đó, thi thể đã được chuyên cơ mang về thành phố Bauchi quê hương ông (ở Trung Nigeria). Ngoài phi công và sĩ quan điện đài, trên máy bay chỉ có các quân nhân. Thi thể Tafawa Balewa được chôn cất ở nghĩa trang Hồi giáo trước sự có mặt của rất đông người.”
Nhật báo New Nigerian viết rằng người dân Bắc Nigeria không tin thủ lĩnh của mình Ahmadu Bello đã chết. Họ chắc chắn là ông đã trốn đến Mecca, dưới sự che chở của đấng Allah.
Hôm nay, một người bạn của tôi, anh sinh viên người Nigeria tên Nizi Onyebuchi nói: “Lãnh đạo mới của chúng tôi, tướng Ironsi, là một người siêu nhiên. Có kẻ bắn ông nhưng viên đạn chuyển hướng bay, thậm chí không chạm được vào ông”.