I divide all readers into two classes; those who read to remember and those who read to forget.

William Lyon Phelps

 
 
 
 
 
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12045 / 180
Cập nhật: 2016-07-13 10:17:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
12 — Con Chim Bã Trầu
HI quân ta đã làm chủ được thị trấn, chị du kích được lệnh trở lại làng mình. Người đàn bà da xanh mét, mặc áo dài vá quàng, tay cầm chiếc đòn gánh một đầu lủng lẳng một cuộn dây, tay nữa cắp một cái thúng, trong thúng có mấy lóng mia, mấy phong bánh in, tong tả về nhà với con. Chị vốn là người bán củi xe. Chẳng ai ngờ được chính chị là người đêm trước đã len lỏi xông xáo dẫn quân giải phóng đi bắt ác ôn trong thị trấn, chị chỉ quát một tiếng và bắt được tên võ sĩ Cối.
Chị đi lúp xúp như chạy, rộn cuống lên chắc sắp đến lượt địa phương mình. “Lần này, mạ sẽ nói hết với con cho con khỏi bỡ ngỡ. Thật ra mạ là du kích. Con cứ tưởng mạ đi hái củi trâm... Anh ơi, giờ em mới chắc chắn giao được nó vẹn toàn cho anh. Chút con trai chúng ta, giọt máu của anh, ôi, em nuôi nấng giữ gìn nó đã trần sanh!”.
Nhấc cánh cửa gai, chị đi vào ngõ, qua sân, vơ cái cọc ổi vẫn gác dựa vách, chống lên cái diềm lá kè.
Con chị vẫn còn ngủ.
Một sóng sáng trắng nhanh chân bước vội lên thềm, chạy trước vào trong nhà. Người mẹ cảm rõ hơi thở âm ấm ruột thịt của con tỏa ra ùa vít lấy mình. Đặt thúng xách xuống nền gạch, để chắc chắn hơn, chị rảo ngay đến bên giường, vẹt mạnh hai cánh cửa mùng giắt lên hai chiếc móc, đứng im nhìn ngắm con đã.
“Con anh đấy!”
Bây giờ chị mới khoan thai tháo chiếc khăn trùm đầu màu lục, ngửa mặt, đưa hai tay vuốt giữ đuôi tóc ngắn đằng sau, Để kẻ địch khỏi dòm ngó, chị đã làm xấu chị đi, mái tóc đen nhánh, cứ hơi dài ra một chút, chị lại cắt lại cạo. Chị giũ tóc mà tợ đang giũ tất cả mệt nhọc, căng thẳng và những nguy hiểm của một đêm chiến đấu vừa qua. Hôm nay, lúc này, chị có cái cảm giác mơ hồ rất lạ, chồng chị, người chồng đi xa, đang có mặt ở trong nhà, đang vui vẻ nhìn hai mẹ con chị. Sự thật, đối với chị, không bao giờ anh vắng. Cha ngồi kia, có tật hễ làm cái gì cần chú tâm một chút cũng phải bặm miệng lại, buồn cười đến chết được: cha đang hì hục cắt làm cho mạ cái đèn bằng hộp kẹo ho giờ mạ cho con đó. Chỗ cái cột tê, trước khi đi, cha ngồi bện mé-tré giúp mạ, hồi ấy mạ mới nghén con, con cứ bắt mạ buồn nôn ngày đến mấy chục lần. Sự có mặt của người chồng tản mác khắp nơi trong nhà, giống như những chiếc ảnh, vô hình nhưng mà nhìn thấy. Những chiếc ảnh bình thường im lịm, trong một buổi sáng vui, chợt cử động, phả quanh người thân một làn hơi ấm nóng.
“Em có xứng với anh không nạ?”
Mười hai năm đã qua, những nét vốn làm anh để ý và yêu quí chị, tất cả những nét ấy, ở chị, vẫn còn. Người chồng trở về nhà sẽ nhận ra lại ở vợ cái nết nhí nhảnh chị vốn có hồi mười tám tuổi.
“Run rủi làm sao, chính em lại tìm thấy thằng Cối, chính em bắt được nó. Cái thằng vốn là bạn hàng xóm của anh hồi nhỏ, võ sĩ vô địch miền Trung, lúc nào cũng ở trần khoe ngực khoe bắp, vai khuỳnh khuỳnh đấm anh như đấm vào bao cát cho thằng khác tra đó nạ. Nó đang khư khư khẩu M. 16 chớ, rứa mà em quát ào một tiếng, nó như bị trời trồng. Buồn cười lắm, chết sững một lúc mới run, cậm cà cậm cập mãi mới lắp bắp được: “Em lạy bà... em lạy bà”.
“Anh thưởng cho em cái gì đi!”
Chị sè sẹ ngồi xuống giường, choàng lấy cái hơi ấm nóng của con.
Chị khẽ lay vai nó, nói nựng:
— Dào ôi, con chó con của mạ, Đông đánh, Đoài đánh, mà mình cứ ngủ khì, người ta vô khiêng đi đâu cũng không hay!
Bất giác, chị nói thêm:
— Cha về đây nì!
Những lúc lay mãi con không dậy, chị hay đánh thức con cách đó. Thằng bé mở choàng liền hai mắt đen như có tuyết, định phương hướng một chặp, hơi nghển cổ tìm quanh quất, đến lúc ấy mới tỉnh ngủ hẳn, mỉm cười bẽn lẽn rồi đưa một cánh tay tròn vắt qua cổ chị. “Mạ!” Tiếng reo cật ruột, tợ một cái quả, rơi rất khẽ trên ngực người mẹ trẻ. Chị húc mũi vào chiếc cổ thon trắng của con cười khúc khích. Đi đâu một ngày, một buổi, một chặp về, chơi với con như thế, chị có cảm giác như rũ sạch được hết những lo lắng, gay go vừa qua.
— Con ngủ mê quá, con ạ, con không biết — chị nói vỗ về. Quân giải phóng đêm qua về diệt hết bọn nó, đánh chiếm thị trấn rồi đấy. Bãi đóng quân cũa Mỹ kề đó, sân bay của nó kề đó mà nó chịu bó tay. Con xem: bà con các làng kéo lên đó hết, ai cũng muốn nhìn cho tường lá cờ giải phóng (ôi chao là to!) treo trên nóc nhà ga...
Một chiếc đài bán dẫn ở vườn bên, vừa lúc, rộ lên tiếp lời chị. Người mẹ cũng thốt lắng tai. Tựa hồ chị đang tìm bằng tai hình ảnh, hành động của chồng trong những câu chuyện nổi dậy ở đây ở đó đài đang kể. Một cơn bão nam đã thổi tới toàn miền. Đêm vừa qua, ở đây, trên thị trấn, cũng thế. Một vùng Thanh Khê Hà Khê, như trăm nghìn cột sóng ở biển kia ban ngày thật là xanh, bỗng dựng sừng sững, xô cát, ào tới, vít một cây số rừng trâm nằm xuống trên mặt đèo. Một đoàn xe lửa đen trủi chở đầy lính đập vào ghềnh đá, chiếc đầu máy đã chết vẫn còn phì phì hổn ha hổn hển. Mảnh đuy- ra máy bay, mảnh chắn pháo, mảnh xe tăng thôi thì tung tóe, bay thia lia khắp ngả trước khi chết lạnh trên những tấm phên dát thép. Ôi người, cả trăm ngàn vạn, ở đâu túa ra, bừng sôi, bùng nổ, hực lên màu cờ màu sao, thét lên khao khát và nghị lực sẵn sàng cảm tử cho tổ quốc quyết sinh.
“Biết đâu trong đơn vị ấy lại không có anh? Tài quá, cả trung đoàn qua sông, đi thẳng trong ánh đèn pha xối xả của bãi trù quân mà giặc Mỹ không hay biết gì hết. Anh có trông thấy em không? Em dẫn các đồng chí lùng hết ổ ác ôn trong các phố, bọn em tóm gọn một tiểu đội thám báo giả ăn mặc súng ống hệt như đằng mình, phát hiện được cả một cái nhà lao ngầm, giải thoát được mấy chục anh chị em. Chúng nó xây vách hầm nền hầm với cát trộn muối, trời tháng này mà trong hầm cứ hầm hập, càng chật, càng xót...”
Như chiều theo mong muốn của chị, sau khi kể chuyện những địa phương dũng sĩ, đài chuyển sang kể những cá nhân dũng sĩ, những anh hùng có tên hay không tên, vô vàn, tua tủa khí thế trên khắp miền đứng dậy hôm nay. Đài giúp họ diễu qua trước mắt ngưỡng mộ của mọi người, cho mọi người trông thấy họ, trông thấy nhau, soi thấy mình, chị biết rõ anh, anh biết rõ chị. Một cán bộ như anh, địch lùng sực mấy năm trời tưởng đã đi đâu, chính vẫn kiên trì công tác trong vùng, đêm đêm đi qua trước nhà vợ con mà cắn răng không ghé lại, không đánh tiếng. Một vùng quê hương, địch xúc, tát, quây lại thành ấp “chiến lược”, ấp “đời mới”, rào ba bảy lớp hào và hàng rào dây thép gai, nhưng đâu đó, giữa đó vẫn có một con người như vậy thì “ba sông bốn núi” gì rồi ra cũng bung. Hàng nghìn ấp, xã hàng vải tần tảo tầm thường ở chợ Đông Ba mà là bí thư chi bộ một khu phố cố đô đấy. Đêm khởi nghĩa, chị đi đến bến Vạn Lâu thì bị mảnh đạn vào phổi nhưng vẫn nín thinh lo cho bộ đội qua sông đến người sau chót.
“Đế đi tới đêm nay, nhiều nỗi éo le lắm, anh. Mọi thứ tra tấn nhục hình, dâng đèn sám hối, kiểm thảo ly khai... em đều trải qua hết. Tưởng chết bỏ con không gặp anh. Để nuôi miệng hai mẹ con, em bện mé-tré, dệt dây, dệt săm, hái củi xe, chà ớt bột, rót từng gáo nước chạt đổ lên nền nhà cũ để làm muối... Rốt cuộc em vẫn liên lạc được với đằng mình, nuôi được con và hoạt động...”.
Thằng con... Nó có đang nghe đài không? Nó ngủ hay thức? Bàn tay đang lục lạo trong tóc con, chị mơn ngược ra phía trước mặt, lấy một ngón sờ khẽ mi mắt nó. Thằng bé bị nhột, bất giác hất bàn tay mẹ, nhân đó xoay mình nhìn ra ngoài cửa sổ. Vào lúc nửa buổi, mảnh vườn nhỏ chín nẫu trong một màu bạc dát sáng lấp lánh. Bạc nước xối xả ướt rượt trên các tầu lá chuối non, trên vỏ da mập và xù xì các trái khổ qua, và trên hai cánh hai chân mảnh khảnh của con chim bã trầu — con chim của nó — giờ này thường lệ tới chuyền trên giàn hoa lý.
— Vắng vẻ và im lặng một cách lạ! chị phụ nữ nghĩ thầm. Như thế đấy rồi đột nhiên trời nổi tố. Mình có lệnh trở về là vì vậy. Mọi nơi mọi người đều phải sắp sẵn. Chốc nữa đài thôi đợt phát thanh, mạ sẽ kể với con những ngày này, đừng để con trẻ chúng nó tự hỏi sao cha mẹ chúng, bà con xóm làng chúng lại không làm như những người nói trong đài, hay những người trên thị trấn... Cũng phải sắp sẵn cho nó. Bà con quanh con cùng khổ lắm, hiền lành lắm, tưởng ai cũng đè ép được, thật ra gan ruột lắm, vĩ đại lắm đó con. Ngày mai, con mới biết hết được...
Giọng thanh sáng hực màu nắng miền nam của cô nói trong đài, vặn thấp đủ nghe một bề mặt nhỏ, lảy từng tiếng một xuống cái yên tĩnh ngọt lịm của mảnh vườn. Và cái yên tĩnh phập phòng của xóm làng, của một đoàn quân khi đang bố trí.
“Phải lấy sức để đợi. Có lẽ...”.
Thốt nhiên, xảy ra một việc. Nắng đang chấp chới chợt dừng cánh, lá cây nín thít. Con chim bã trầu rít lên một tiếng, bay vào đậu giữa hai song cửa sổ, ngước hai mắt tròn nhỏ nhìn lên. Hai mẹ con đồng ngồi dậy một lúc.
Đài phát thanh giải phóng hôm nay đầy gió và lửa, lút ngập dưới người và việc anh hùng, vừa chớm nói đến vùng họ. Sân bay dã chiến Xuân Thiều, mà người ta kháo một trung đoàn chủ lực đã đột nhập, sự thật bị phá hủy bởi chỉ hai em bé. Hai em bé chăn trâu tìm cách gỡ mìn địch, vượt hàng rào dây thép gai dày đặt của địch, bò vào sân bay, giật nổ một chiếc máy bay, chiếc đó cháy lan sang chiếc khác, đốt cả kho xăng, làm hỏng hết các chỗ đậu, đài nói. “Hèn chi ta đánh chiếm thị trấn, quân nó không dám lên đã đành, mà máy bay nó đến giờ này vẫn còn bí rị!” chị du kích nghĩ thầm. “Hoan hô các dũng sĩ tí hon, dòng máu của các chiến sĩ quân giải phóng anh hùng, đang cùng với nhân dân làm rung chuyển cao nguyên và đồng bằng miền Trung Trung Bộ!” đài lại nói sôi nổi.
Giọng nóng hổi của cô nói trong đài truyền sang mười ngón tay rần rật của chị du kích, chính chị vừa chiến đấu trở về. Có lẽ vì đài nhắc tới “các chiến sĩ giải phóng, cha anh của những đứa trẻ”. Hình ảnh chồng đúng là như thế, hình ảnh chồng đang tiến về và sự có mặt của hai em bé địa phương ( có lẽ đã cùng chị lên học tập ở căn cứ mà chị không chú ý) đánh một sân bay chẳng xa thị trấn bao nhiêu, càng khơi dậy mạnh hơn cái hơi thở vẫn phập phồng trong quả tim chị luôn luôn chờ đợi lệnh nổi dậy của chính làng mình, đánh vỡ đầu mấy cái lô cốt và bè lũ ác ôn kia.
Thằng con cất một tiếng cười lảnh. “Chết, nó cười gì?” Nó tuột xuống giường. Con chim nhỏ trông thấy nó không bay đi mà lại lúp xúp nhảy lên, chiêm chiếp thêm mấy tiếng nữa. Thằng bé chạy đi lấy cái bơ đựng sâu nó vẫn để ở chân bàn đến bên cửa sổ. Con bã trầu vẫn không bay đi. Con chim đứng đó ở cửa, dõi theo thằng bé, rít lên mấy tiếng như chào, như nói, như gọi, như một khách quen thường lệ vẫn đến đợi chủ nhà. “Đồ khỉ, mới sáng đã đói, ngậu sị lên!” bé mắng. Bé lây hai que dương làm đũa, thong thả gắp từng con sâu xanh co rúm và bón cho chim. Con chim háu ăn nhảy tới, cổ rướn một chút đớp mồi. Con nữa, lại con nữa... Sau rốt, bé ngửa bàn tay nhỏ xíu, dí bàn tay kề thanh ngang cửa sổ. Con chim nhỏ bước hẳn vào đậu giữa lòng tay trắng của bé, no nê rít lên mấy tiếng dài.
Bé lại cất lên một tiếng cười nữa. Và con chim bay đi. Nó trở ra chỗ lúc nãy, ngoài vườn, trên giàn hoa lý.
Con chim thằng con bắt từ lúc mới nở, nuôi tập như thế! Cái cảnh con chơi với chim, cho chim ăn, người mẹ quen mắt ngày ngày, cảnh ấy sáng nay bỗng làm chị bỡ ngỡ.
“Con không hỏi mạ cha có sắp về không. Con không hỏi mạ cái gì trên thị trấn mà đêm qua súng nổ nhiều thế, người ta kéo nhau đi xem thế. Con không hỏi: thị trấn ga giải phóng rồi phải không mạ? Mỹ chết nhiều không mạ? Bộ đội về đông không mạ? Con không hỏi qua nay mạ đi đâu”. Những điều nhận xét và phàn nàn ấy bất giác vằn qua tim chị.
Không, chị chưa nói vội. Đến lúc ấy nữa, chị vẫn không muốn tỏ ý không bằng lòng con. Chị níu lại xem xét một điều vừa mới vụt qua óc chị. Về cách giữ gìn nuôi dạy con cái của mình.
“Anh đừng mắng con — thầm thì tiếp tục trong lòng người đàn bà xa chồng lời độc thoại không bao giờ dứt. Chính là do em hết. Từ sáng mở mắt đến khuya, cả trong giấc ngủ nữa, em cũng chỉ lo làm sao giữ được con an toàn cho anh. Hoàn cảnh em, việc đó đã là khó lắm. Một mình mẹ nó vẫn cố hoạt động được đã là khó lắm”.
Chị bắt gặp mình bỗng đang phân trần cho mình: “Không! Một đứa bé, ở miền Nam, là con trai, hôm nay nghe những đứa đồng lứa với nó đánh Mỹ thế kia, mà nó không nghĩ ngợi gì hết, cứ mãi mãi bắt chim với lại trèo tra, cứ hồn nhiên như không, thế là không bình thường. Song không hề gì anh ạ, còn kịp anh ạ. Em sẽ cố để đến lúc chính xã mình nổi dậy, hai mẹ con em cùng đi với nhau”.
Chị lắng tai đợi ý anh. Cái mỉm cười rất hiền, rất yêu, rất quen thuộc của anh, mà chị mường tượng thấy, làm ướt ở khóe mắt chị một giọt nước.
— Ơ, sao mạ khóc;
Em bé vừa quay lại giường, kêu lên. Em vắt một cánh tay qua cổ mẹ, ngồi lên một bên đùi mẹ, nửa trêu nửa dỗ, nói không rõ ràng:
— Thích rứa lại còn khóc!
Để tỏ là mình dỗi, như mọi khi chị bắt đầu uốn nắn và dạy con cái gì, người đàn bà hất tay con ra, ngả ngửa lại xuống giường, che mắt và thút thít. Lần nào chị cũng làm thế, lần nào cũng có kết quả.
Em bé cuống lên, hoảng hốt, rối rít:
— Để con nói với mạ cái này... Để con nói với mạ cái này...
Giá ngay lúc đó, chị buông cánh tay che mắt ra, tỏ ra hết giận con, có lẽ em bé nói chuyện khác, còn chưa nói chuyện đó. Nhưng người mẹ vẫn thút thít.
Và đứa con đành thì thào thú thật với mẹ:
— Con giả vờ đấy mạ nờ! Mạ đi, con cũng đi. Con chỉ mới về lúc gà gáy...
Sự thật, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, nó là một trong hai em bé đánh sân bay Xuân Thiều. Hai đứa giấu mìn một nơi, mượn trâu đến đó tay không xem xét đã. Thấy ngon ăn, lùi lại lấy mìn sợ lỡ dịp, bọn con có sáng kiến gỡ ngay mìn Mỹ trên dây thép bùng của sân bay, đứa này gỡ gai cho đứa kia chui vào, đặt mấy quả mìn dưới các bảnh giấy gói thức ăn đang bay lê rất nhiều trên các đường băng. Một chiếc máy bay Mỹ hạ xuống, con dùng dây ni lông giật. Thế đấy... giặc hoảng kinh, phát hiện con trâu, bắn theo dữ quá. Những lúc ấy, chúng con phấn khởi hay sao mà khỏe thế. Thằng Tỵ bị thương mạ nạ. Con xốc nó lên lưng cõng. Đến cầu, mới gặp và giao nó cho bộ đội. Chắc nó không sao đâu. Chừ mạ chỉ giải quyết giùm con việc con trâu...
Thằng con năn nỉ:
— Các chú liên lạc với con đã lâu mà con giấu mạ. Mạ tha lỗi cho con. Con biết mạ cũng là người đằng mình. Nhưng con ngại mạ lo.
Người mẹ giật bắn người, ngồi dậy, chưa kịp mừng, chưa kịp bình tĩnh, chưa kịp hỏi tỉ mỉ, bỗng đã nghe một tiếng cười khanh khách rất dài. Tiếng cười làm sáng rỡ, rung lên bóng mát trong nhà. Ấy là tiếng cười quen thân của anh, trong trường hợp đó, anh, người chồng và người cha chiến sĩ thật ra không hề vắng.
1970 — 1971
Giữa Trong Xanh Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long Giữa Trong Xanh