Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Chương 12 - Hình Và Tướng
L
ịch sử mang tính bất ngờ sẽ chuyển động theo hướng nào, hỡi ông Hêghen vĩ đại?
Trong vòng tay ấm áp và bổi hồi của nhau, nhìn ra trời đêm, nghe tiếng hạt mưa kết đọng thành cục nhỏ, hòn lớn, quật liên tiếp xuống mặt đất, cả Thiêm và Seo Mùa đã vượt qua được cơn lao lung, đã hoàn toàn vững lòng trước cái biến thể, dị thường của sự kiện. Nhưng gần sáng, mưa tạnh hẳn, hai người chạy ra bãi đá, tay trong tay dò dẫm, ngã lên ngã xuống, họ đứng lại ở đầu thôn, bỗng rùng mình kinh hãi giữa những tiếng kêu cầu hốt hoảng vừa nổi lên trong các căn nhà cỏ hoe hoe ánh lửa trong thôn.
Một tuần liền sau trận mưa, trời lạnh buốt, mặt đất trắng băng. Thống kê sơ bộ cho biết, riêng thôn trung tâm, đổ ụp hoàn toàn mười căn nhà. Mười lăm căn nhà khác lủng mái, gẫy đòn tay, tường sập. Mười tám con trâu bị đá đập trúng đầu chết tươi ngoài rừng. Toàn bộ đậu tương đang kết quả, bắp đang trổ cờ, lúa đang đóng hạt trên nương bị mưa dập tan nát.
Hố pẩu ôm mặt kinh hoảng:
- Ta đã làm gì sai trái mà trời nổi giận bắn đá trắng xuống hại ta?
Tuần lễ sau, đá nước bắt đầu tan chẩy. Các khe lạch tăng lượng nước. Con mương dài bốn cây số trầy trật mãi vẫn chỉ là một nét sơ thảo, giờ vỡ toang từng mảng bờ, nơi lở nơi sụt, mất biến tăm dạng. Lại có tin, cỗ máy thuỷ luân ba kết hợp quá nặng so với vai người còn vứt ở làng Tày bị nước suối dâng cuốn trôi vô tăm tích.
Thất kinh trong cảm giác mất mát đến vô lý và tâng hẩng như đứa trẻ mắc tội bị bắt quả tang phải quở phạt, nhưng nhìn nhau mọi người lại thấy tẽn tò, hoá ra tất cả đều như là kẻ bị mắc lừa.
Hố pẩu nhợt nhạt mặt mày, rên rỉ:
- Trời coi ta như rơm củi nên vừa giận ta đã ra oai rìu búa. Ta thiếu địa nhân, ta thiếu thiên nhân hay sao?
Ý nghĩ con người như dòng chảy tràn bờ, càng lúc càng loang xa tới các vùng hoang dã, nơi ý thức chưa hình thành, còn mịt mờ hỗn độn.
Hố pẩu mở cúng.
Ông đốt hương. Ông gieo quẻ xin âm dương. Ông lầm nhầm khấn vái. Rồi lại như hồi cúng ma chữa bệnh cho Thiêm sau hôm Thiêm địu cái kẻng vành xe ô tô về, ông leo lên mình con tuấn mã quen thuộc là chiếc ghế băng phủ tấm chăn dạ đỏ, tay đeo chùm nhạc đồng, nách cắp súng kíp, tức tốc phi xuống âm phủ truy tìm con ma ác? Ma này là ma gì mà ăn tàn phá hại đến thế! Ông hò hét, quát tháo. Súng nổ đánh đoàng tưởng đổ sập cả căn nhà. Kiệt sức, ông gục xuống lưng ngựa, thiêm thiếp ngủ. Tỉnh dậy, ông ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, một hình sắc não lòng hiền lành, thông tỏ.
- Hạt gieo đúng thời vụ, hố pẩu nói, trời sẽ tiếp nối công việc của người. Lúc ấy, hạt giống được ươm, được nẩy mầm tươi tốt, một hoá thành ngàn hạt. Còn bây giờ…
Cuộc sống như leo dốc. Dấn một bước, tưởng là nhích lên, hoá ra lại tụt lui. Mùa màng thế là mất trắng. Đến cỏ cho trâu ngựa ăn cũng bị băng giá đốt cháy, đỏ cặn mầu sắt gỉ. Trời trống trếnh như mặt người xa lạ. Đất phẳng giống tờ giấy trải. Đứng ở đâu giờ cũng thấy trơ vơ tráo váo, không có chỗ vịn tay. Cái đói đã ở nhãn tiền. Nửa làng ta, phần là bọn trai trẻ, ngay sau hôm tan băng đã địu dỏ mây, vác dao cuốc xuống bờ sông Chẩy phá rừng, gieo ngô ba tháng, bất chấp các điều cấm kỵ, các nghị quyết của tổ đội, hợp tác xã, các hội ăn ước, ăn thề. Số còn lại, ngày đêm lẩm thẩm nghĩ tới những cuộc thiên di; ngồi ở đây mà hồn đã đi tới những vùng đất ở phía Tây, bên kia sông Hồng.
Thiêm vẫn dậy sớm như thường khi. Kẻng gọi học dóng dả ba hồi vang trong thanh vắng, nghe như chuông gọi hồn. Cảm thấy tiếng kẻng như rơi vào chốn mông quạnh, Thiêm khua một hồi tiếp nữa. Rồi lại một hồi tiếp nữa. Nhưng, số trẻ con đi học tụt xuống chỉ còn một nửa. Giữa lớp, Thiêm đốt một đống lửa lớn cho học trò sưởi. Anh dạy ngày ba buổi để bù thời gian mưa đá gián đoạn việc học. Tan lớp, Thiêm vội vã tìm đến nhà các em học sinh vắng mặt. Trở về, mặt như người mất máu, anh lo sợ đến bần thần. Khác hẳn những lần đã trải, lần này Thiêm linh cảm thấy sức mình có vẻ khó đương cự nổi.
Hố pẩu đang ngồi như tượng bên bếp lửa, nhìn ra thấy Thiêm vừa qua cửa bước vào, liền gầm mặt, đưa mui tay chùi đuôi con mắt. Thiêm ngồi xuống chiếc ghế rơm, giọng lạnh buốt:
- Từ nay hố pẩu đừng gọi tôi là dở sấu nữa nhé. Tôi xấu hổ quá rồi.
Không ngước dậy, mắt chớp chớp, ông già đáp buồn rầu:
- Tôi biết lòng thầy. Thầy đừng nghĩ xấu cho tôi. Thầy không giống với kẻ nhìn tưởng là đầy đặn mà hoá ra là trống không. Thầy thuộc loại người có mà như không.
Thiêm lên giọng, xót xa:
- Thế hố pẩu có còn coi tôi là người La Pan Tẩn không?
- Trước thế nào, nay vẫn thế thôi.
- Thế thì tôi nói thế này. Ông nội tôi nói: phải dẫm lên dấu chân hổ mà đi. Đường đi vốn lắm dốc, nhiều đèo. Ta không nên than thở, không nên than van. Đừng như thân mồ côi nhìn mặt trời khóc, nhìn mặt trăng khóc. Mưa đá. Băng giá. Lũ lụt. Đó là việc của trời. Muốn làm được việc của mình, con người phải mạnh hơn. Vì vậy, tôi vẫn quyết định thực hiện kế hoạch xây dựng Toà lâu đài văn hoá La Pan Tẩn. Dù rằng có kéo dài thời gian thêm vài năm nữa là mười lăm năm. Bây giờ, tôi ở đây đã hơn mười ba năm rồi.
Hố pẩu nhơm nhớm nước mắt, ngàn ngạt:
- Biết là khó nhưng không ngờ khó đến thế!
Thiêm tiếp:
- Tôi nói rồi. Có hai cái không ai cho ai được. Một là sức khoẻ. Hai là cái tài. Cái tài là của mỗi người. Muốn có tài phải học. Một dân tộc không muốn yếu kém là một dân tộc phải chịu khó học hỏi.
- Tôi nhớ.
Thiêm liếm môi, nhìn quanh, hạ giọng:
- Tôi nói riêng để hố pẩu biết thôi. Giàng Tếnh, chồng Seo Mùa bảo tôi: “Thầy giáo còn có ý định bảo vợ tôi đi tỉnh học văn hoá, tôi bắn thầy giáo đấy!”
- Hỗn!
- Tôi không đặt điều nói sai.
- Khổ thân tôi! Sao tôi đẻ ra nó mà nó không là con tôi.
- Hố pẩu phải bảo nó. Nó nói xằng bậy lắm. Nó bảo, lập hợp tác xã, đào mương làm thuỷ lợi là không hợp ý trời. Nó nói, trời làm mưa đá, diệt hết sâu bọ để vua Mèo lên ngôi. Tôi biết, ước mong có vua là ước mong có người tài giỏi đứng đầu bộ tộc mình là hợp lẽ. Nhưng không thể nói xằng, rằng vua Mèo từ trên trời, cưỡi một con ngựa trắng sắp bay xuống hạ giới. Rằng lúc ấy, không cần phải làm cũng có ăn có mặc. Lúc ấy, lá chuối biến thành vải, cỏ gianh biến thành lúa, lau lách biến thành bắp. Chưa hết! Tếnh còn khoe, nó mọc chín cái sừng ở lưng, chín con mắt ở bụng rồi. Mỗi cái đủ mười thì nó sẽ thành phó vương. Hung tợn hơn, nó còn dám nói, nó đã có rất nhiều súng đạn. Muốn lấy cái mạng của ai cũng được. Nó vẫn hay chửi mắng, đánh đập, hạ nhục, có lần còn doạ giết Seo Mùa.
- Đau lòng lắm, thầy Thiêm ơi!
- Hố pẩu phải gọi nó lại, dậy bảo nó.
- Thầy ơi, tôi có ngờ đâu như vua Nghiêu, vua Thuấn đại hiền mà lại sinh ra Đan Chu, Thương Quân đại ác. Thôi, thầy đừng nhắc đến tên nó nữa.
Thiêm cắn môi. Hố pẩu xụt xịt, tiếp:
- Tôi buồn lắm, thầy Thiêm à. Con dại cái mang đã đành là vậy. Nhưng nghĩ đi cũng nên nghĩ lại, nguyên do cũng một phần là do ta. Ta vẽ được cái hình, nhưng cái hình của ta không có tướng, không có thần.
Bừng hai con mắt, Thiêm lắc đầu dứt khoát:
- Không đúng! Chẳng lẽ cái trường học của tôi, học sinh của tôi hàng ngày đến trường chỉ là cái hình rỗng không?
- Tôi muốn nói việc khác kia. Ông Quốc Thanh ấy - Hố pẩu nhột nhạt - Quốc Thanh nó khác thầy. Thầy không bị ngoại vật nhuốm tạp. Nói ví dụ, việc thầy địu cái vành xe ô tô về làm kẻng so với việc Quốc Thanh bắt dân khiêng cái máy thuỷ luân ba kết hợp về, khác nhau lắm. Việc của thầy là việc của ông thánh vô tư. Việc của Quốc Thanh là của kẻ phàm vị kỷ. Thầy là chân đi, tay nắm, tai nghe, mắt nhìn, cử động không cần tính toán, tự nhiên như trời đất, như chim bay cá lội. Còn Quốc Thanh, nó không có cái căn cốt ấy, nó chỉ có tính dục bốc lên nên hăng xằng tức khí hão, ở bì phu, bên ngoài, lại cậy thế, hiếu thắng. Thầy và Quốc Thanh khác nhau, thầy sáng láng, Quốc Thanh u mê đắm chìm. Quốc Thanh chỉ có cái hình, còn tướng nó rỗng không. Nó không phải là người đảng viên Cộng sản thật sự đâu; tôi nghi lắm, nói riêng với thầy vậy, thầy nghĩ có đúng không?
- Hố pẩu à. Tôi nghĩ thế này: Việc của tôi, tôi làm, tôi không chịu để ông ấy bó buộc làm sai hình lạc tướng đâu.
- Nhưng Quốc Thanh nó là tướng cầm đầu. Nó mê chấp, cùn nhụt mà tưởng mình sắc bén. Một người bình thường mà thế thì hại một nhà, lụy một dòng họ. Một người làm tướng mà như thế thì hại cả giang san. Quốc Thanh tâm địa ra sao, nhìn qua tôi biết ngay. Nó chỉ cần có cái hình vẽ ra thôi. Có hình mà không có thần tướng thì khác chi người đói chỉ được nghe nói chuyện ăn mà không được ăn, nên rốt cuộc vẫn đói. Quốc Thanh bắt dân tôi đào mương. Việc thổ mộc liên tục mấy tháng trời liền, lời kêu tiếng than nỗi khổ, không kể hết, mà có ích gì đâu. Giả dụ không bị trời bắn đá trắng xuống phá, mương đào xong thì nước cũng không chảy về được. Dân tôi lập nghiệp ở đây đã bao đời, sao không biết! Nhưng, biết vậy mà không ai nói. Nói khác đi, nó bảo bàn lùi, bảo là theo thằng phỉ, thằng phản động, thằng biệt kích. Động một tý là nó thét: Bỏ tù! Bỏ tù! Nó bắt mọi người làm con ngựa cho nó cưỡi để đi nhanh đến đích là như thế!
Ngưng lời đột ngột, ông già như lên cơn phẫn khích, đứng phắt dậy, mắt nở tròn trừng trừng nhìn Thiêm:
- Thầy đừng bênh nó. Trẻ con nó bảo: ông phái viên đọc công văn, thư từ phải mấp máy môi, nói thì díu câu, dính chữ. Ông ấy là loại người cơm ăn cả rá, cá ăn cả vẩy, rượu uống cả vò, chó ăn cả con. Bộ tộc tôi không ngu, không chịu để kẻ có quyền cưỡng lý đâu. Tôi chỉ lo rồi đây không giữ được yên bình vì bao kẻ xấu nó đang ghét ông, ghét lây cả cách mạng, nó đang ngấp nghé chờ thời.
Trận mưa đá tàn hại xẩy ra ở La Pan Tẩn lúc ông Quốc Thanh đang họp tổng kết bước hai cuộc vận động sản xuất ở huyện. Trong cuộc họp, ông Quốc Thanh được phó bí thư Đường Xuân Ân chỉ định lên báo cáo điển hình. Báo cáo của ông phái viên thoạt đầu mang cái tựa đề dài dằng dặc: La Pan Tẩn tràn đầy khí thế tiến công cách mạng, vươn lên giàu có, xây dựng chủ nghĩa xã hội từ ngày có phái viên. Sau, ông phó bí thư góp ý nên bỏ bớt năm chữ: từ ngày có phái viên và lộn ngược lại trật tự cụm từ cách mạng tiến công, vì “nói như cũ thì có nghĩa là tiến công vào cách mạng à?”
Việc thành lập tổ chức chính trị, xác lập quyền lãnh đạo của giai cấp thông qua nhân vật phái viên, công cuộc đào con mương dài bốn cây số (không cần biết hiệu quả) đó là hai cú hích lịch sử, chữ dùng của ông Ân - được ông Quốc Thanh kể lể dài dòng suốt cả một buổi sáng. Vì ông vừa trần thuật vừa có ý rút ra bài học kinh nghiệm. Chẳng hạn, ông nói: Lúc đầu tôi định tổ chức kết nạp cho ba đồng chí Lở - Sùng - Chẩn vào đêm rằm tháng bảy, sau nghiên cứu kỹ phong tục tập quán dân tộc, thấy tết trung nguyên là tết lớn của đồng bào, nên quyết định cho lui buổi lễ vào tuần sau.
Ông Quốc Thanh báo cáo xong, buổi chiều đến lượt ông Đường Xuân Ân phó bí thư lên diễn đài. Ông Ân hơn hẳn ông Quốc Thanh về mặt lợi khẩu. Tuy cùng thất học, nhưng chịu khó và thông minh hơn nên ông Ân đã có bằng lớp 7 bổ túc văn hoá. Ông Ân đầu nghênh, cổ vẹo, nói giọng rất hùng hồn: “Tôi rất tâm đắc với báo cáo của đồng chí Quốc Thanh. Chúng ta nên thông cảm đồng chí Quốc Thanh ít học nên nói năng không khúc triết mạch nạc. Vậy tôi xin bổ sung thêm mấy bài học từ thực tế Na Pan Tẩn như sau: một nà, không cần có văn hoá vẫn cứ có chủ nghĩa xã hội. Tâm sự riêng để các đồng chí biết nhé. Tôi, phó bí thư nhưng thực chất đang gánh vác trọng trách bí thư là Đường Xuân Ân đây, khi gia nhập đoàn thể, một chữ bẻ đôi không biết. Được chưa? Bài học thứ hai. Chúng ta nà những nhà cách mạng thì mở mắt ra nà phải đấu tranh giai cấp rồi. Thắng nợi ở Na Pan Tẩn nà thắng nợi của chuyên chính vô sản. Thứ ba, chúng ta sẽ Na Pan Tẩn hoá toàn huyện. Tôi, tôi cũng học tập đồng chí Quốc Thanh. Mười năm tháng này, tôi sẽ điều ba cái máy kéo 75 mã nực từ hạ huyện, đi một trăm cây số lên huyện nỵ này cầy ba héc ta ruộng dốc ở Na ảng. Để cho bà con các dân tộc thấy thế nào nà chủ nghĩa xã hội. Việc này ta quyết tâm nàm. Thực ra nói quyết tâm nà nói nhẹ. Phải nói nà kiên quyết, sử dụng cả chuyên chính, để nàm. Bởi vì, có kẻ chống đối ngầm đưa ra nập nuận rằng: máy kéo đi xa như thế nà không kinh tế. Cái máy kéo chứ có phải cái vany đâu mà xách đi đâu cũng được. Ruộng dốc nhỡ máy đổ thì sao? Ha! Đổ! Đổ trước hết ở tư tưởng anh đấy, anh ạ. Xin nỗi anh nhé: Dù có đổ tôi cũng quyết đưa máy nên!”
Tất nhiên nhiều người không tin rằng báo cáo của một người nhân cách có nhiều điều tiếng như Quốc Thanh là đúng sự thực, cũng như nhiều người hiểu ngầm rằng: ông Ân lâu nay ấm ức vì không được bổ nhiệm lên chức thay ông bí thư già mới ốm chết, nên lần này quyết khuếch trương thành tích chỉ đạo của mình để gây sức ép với cấp trên. Nhưng, biết thế mà vẫn cứ vỗ tay, vẫn cứ vô tình xác nhận. Sau đó, sự việc còn để lại ấn tượng sâu sắc hơn vì ông Ân bất ngờ mời ông Quốc Thanh lên nhận tặng phẩm: một chiếc áo dạ Mông Cổ ngoại cỡ để”ấm nòng người chiến sĩ giai cấp xông pha sương tuyết.”
Hào hứng tràn trề, ông Quốc Thanh trở về xã, nhưng ở lại miết dưới Bản Ngò. Dư luận xôn xao rằng dạo này ông ăn ở công khai cùng cô giáo Thúy, ở ngay trường học.
Bảy ngày sau, ông Quốc Thanh mới lên thôn trung tâm. Vẫn là giầy da, mũ cát két dạ cũ, nhưng bây giờ trông ông lực lưỡng hơn, ở cái thế thượng phong rõ rệt hơn, vì ông có thêm cái áo da dài thượt lượt, với cái thắt lưng thòng lòng ở lưng áo, to bằng cái bơi chèo.
Vừa thấy bóng Thiêm ở trước trường, ông phái viên đã khoặm mặt, chèm chẹp miệng: “Anh Thiêm, anh lên trụ sở, tôi có việc cần gặp anh.” Không một lời rào đón, đưa đẩy, vừa thấy Thiêm bước vào phòng ông đã nhìn anh chằng chằng, nhe nhe răng, rồi bất thình lình rút từ túi áo da ra một tờ giấy gấp tư, đập chạt xuống mặt bàn:
- Cái gì đây?
Trên mặt bàn là một tờ giấy có hình vẽ. Hình vẽ một con ngựa mang bộ mặt người, trên lưng có một người cưỡi. Bên trái con ngựa là hình một khẩu súng kíp đang nhả một đường đạn vào người đang ở trên mình ngựa. Lề trang giấy có một dòng chữ xiêu vẹo: “Quốc Thanh, sức mày thồ được mấy viên đạn?”
- Nét vẽ nét chữ này là của thằng nào con nào hay là của chính anh đấy anh Thiêm, hừ thằng nào con nào vẽ và cả gan dán bức tranh này ở cạnh cửa buồng cô giáo Thúy, anh Thiêm anh phải trả lời tôi ngay!
Không để Thiêm kịp hỏi, ông đã nghiến răng chèo chẹo và liên tiếp hạ nắm đấm xuống mặt cái bàn, tiếp:
- Tôi là tôi không lạ gì bản chất anh cả, hoặc là anh xúi bẩy hoặc là anh ném đá giấu tay, ngấm ngầm nối giáo cho giặc, hừ càng có văn hoá càng phản động có đúng không, anh đừng tưởng có thể qua mặt được tôi, tôi biết hết rồi, biết cả cái thằng nó nhạo báng tôi hôm tôi nói chuyện ở công trường thuỷ lợi rằng là nước ta giàu đẹp vì là có nhiều cỏ gianh và con chó để làm thịt, nướng chả, nấu thắng cố kia!
Thiêm buồn hơn là giận ông phái viên.
Hoá ra ông chỉ nghĩ đến ông, chỉ tức tối vì cá nhân bị động chạm. Ông chẳng hề quan tâm, lo lắng về hậu quả của trận mưa đá, chẳng biết đến cái lo lắng, cái đói khổ, cái vận bĩ của đám chúng sinh. Trong giây lát, như có một tấm màn che vừa được bóc ra khỏi mắt Thiêm. Trực giác đã có lần mách bảo, tư duy đã đào xới, đã hình thành rồi lại nhãng đi, giờ đây anh đang cố lần tìm trở lại, và phấp phỏng vì một ý tưởng trang nghiêm đã có, đã khuất chìm, lúc này rõ ràng là đang tái hiện tuy là còn mập mờ.
Có lẽ là nhận ra vẻ trầm tĩnh của Thiêm chứa ẩn một thái độ xét đoán nên đang vung tay hùng hổ, ông Quốc Thanh bỗng giật người, thõng tay rồi khẽ khàng ngồi xuống trước Thiêm, trán nhíu lại và đôi môi thưỡi ra tím bầm vẻ hằn học:
- Tôi vẫn bình tĩnh đây anh Thiêm ạ, tôi không nóng đâu mặc dầu tôi mệnh hoả, tích lịch hoả, tiện đây cũng nói để anh rõ anh đừng có đội váy nát mẹ, thằng Quốc Thanh này không phải là thằng xoàng đâu, ngay từ hồi còn nhỏ hễ thằng này thọc tay vào hang cua thì một là nó tóm được con cua, hai là nó bóp chết ngay con rắn ở cửa mà, thằng này là thế, một là làm tướng, hai là làm giặc, anh hiểu chưa?
Một hiểu biết mới nữa vừa vỡ ra trong Thiêm. Thiêm chỉ hơi ngạc nhiên: sao hôm nay ông phái viên lại tự phơi bày mình một cách sỗ sàng và thành thật như thế. Mỗi người quả là một gánh nặng của chính mình, chẳng ai có thể che khuất được bản thể nhân tính mình là vậy.
Chiều đông, trần mây thấp, u mặc. Đá toả hơi lạnh. Sương lửng lơ những đám bụi li ti như tro xám. Rất xa vẳng lại tiếng Seo Mùa gọi đàn lợn con về ăn bữa chiều, nôn nao biết bao là thương nhớ. Tiếng một con ngựa hí đơn lẻ xiết một vệt mờ u uẩn vào không gian bảng lảng ánh hoàng hôn. Ngoảnh mặt nhìn ra ngoài khuôn cửa, tâm trí Thiêm như vừa bật lên một lời từ khước, trôi dạt vào mỗi tình tiết của buổi chiều đông đơn sơ một thanh điệu buồn thanh nhã.
- Bây giờ, anh nghe tôi nói đây, anh Thiêm.
Đột ngột, ông Quốc Thanh đứng dậy. Chính Thiêm cũng không ngờ, vừa như bị thôi miên, vừa như chủ động, Thiêm cũng bật ngay lên:
- Ông định nói gì?
- A!
- Ông hãy nghe tôi nói trước đã, ông Quốc Thanh! Ông đã làm hỏng nhiều việc lớn, bây giờ, ông phải làm lại!
- Cái gì!
Miệng ngoác rộng, thốt lên một tiếng kêu kinh hoàng, ông phái viên sững lại một giây, rồi chồm ngay tới trước Thiêm. Thiêm hiểu: thế là đã động chạm tới một vấn đề hệ trọng, anh không nhúc nhích, môi nhệch một nét cười bình thản:
- Ông có muốn nghe sự thật không, ông Quốc Thanh?
- Sự thật?
- Đúng thế!
- Sự thật! Ừ… nói đi, cho nhà ngươi nói đấy!
Ông phái viên gằn từng tiếng, hai mắt đỏ ngầu ngầu.
Thiêm nhận ra mình đã chẳng còn như hồi nào đầy mặc cảm tự ti và bị ức chế trong niềm kính nể như một di sản tự nhiên buộc phải kế thừa. Giờ đây, sau những suy ngẫm và trải nghiệm, anh đã là một thực thể độc lập và tự do, anh đã là một nhân cách tự ý thức được mình và khôn lớn.
- Ông Quốc Thanh ạ, lý tưởng mà chúng ta đang theo đuổi là cao đẹp. Và động cơ bên trong của mỗi hoạt động của ông cứ cho là tốt lành đi - Không e dè đắn đo, Thiêm dằn từng tiếng - Thì cũng phải tính đến một điều: mỗi người bao giờ cũng là mỗi người, mỗi gia đình vẫn là mỗi gia đình, thiên tính là không thể coi thường, không thể áp đặt. Hơn nữa, làm ăn mà không tính toán, chỉ vụ hình thức, kết cục là lương thực không có mà ăn thì còn gì là tốt đẹp, công bằng! Do đó, tôi yêu cầu quyền điều khiển phải thuộc về tay người hiểu biết công việc, ông phái viên ạ. Điều đó đơn giản như muốn dạy học thì phải thật sự là ông thầy đã.
- Giỏi, giỏi lắm, anh nói tiếp đi!
- Nhiệt tình mà không có chân lý thì nguy hiểm chẳng kém gì chân lý mà không có nhiệt tình, ông ạ.
- Khá lắm, cứ nói tiếp đi!
- Ông đừng doạ tôi - Thiêm gay gắt lên giọng. Ông hãy tìm gặp ông thợ cả trong đám thợ mộc, bảo ông ấy đọc lại cho nghe một câu nói nổi tiếng của Kác-Mác: Mọi cuộc cách mạng đều phải biết tự phê phán, phải biết tự giễu cợt, phải làm đi làm lại cho đến lúc hoàn thiện, cho đến lúc có thể nói: hoa hồng rồi đây, nhẩy múa đi! Học tập một lý thuyết, nhận chân được nó khó hơn nhiều so với việc chỉ nhập được cái thô của nó. Nhưng thôi, tôi muốn nói điều thiết yếu hơn. Ông có biết, người dân tộc họ Giàng ở đây gọi ông là gì không? Cái hình rỗng không!
- Gừ ừ…
Một tiếng gầm bật ra từ cổ họng Quốc Thanh đã là dấu hiệu cấp báo: ông phái viên không thể chịu đựng hơn được nữa. Đã quá ngưỡng và dẫu có là kẻ ngu đần, thất học, Quốc Thanh cũng thừa hiểu rằng Thiêm đã lớn tiếng phê phán cái cốt tử nhất trong toàn bộ công việc và hành vi của ông. Tuy vậy, vẫn dừng lại ở trình độ tư duy thô giản của phép tam đoạn luận, ông không cần biết gì hơn. Ông chỉ cần biết: Thiêm đã phản đối ông và phản đối ông tức thị là chống lại tiến bộ, chống lại cách mạng, vậy thôi. Phần Thiêm, Thiêm hoàn toàn hiểu nội dung mỗi câu nói của mình. Anh biết thế là giờ đây anh đã đối đầu với ông, với cả một khuynh hướng, một thế lực, một niềm tin, một thói quen. Và đó là lẽ tự nhiên mà đã là lẽ tự nhiên thì làm sao anh có thể cưỡng lại được. Chỉ có điều anh không hề mảy may nghĩ tới là: anh đã thành thật và đã không lường trước vì cung cấp cho con người vừa kém cỏi về hiểu biết vừa lắm thủ đoạn đê hèn này những chứng lý để ông có thể trút hết mọi tội lỗi của ông lên đầu anh, đặc biệt là ở sự kiện bi thảm sau này, cuộc nổi phỉ gây phản loạn ở bản Mèo La Pan Tẩn.
Quả nhiên, Thiêm nhận thấy, Quốc Thanh đang căng ứ tưởng như sắp bùng nổ, bỗng lui lại một bước và như một quả bóng xì hơi, ông xẹp xuống, thả xuôi hai vai và buông chùng tất cả các cơ bắp. Đã tóm được một cơ may rồi, khôn ngoan nhận ra thế mạnh của mình, ông liền xả một tiếng cười ngạo mạn, rồi gật gật đầu, mổ ngón tay vào trước mặt Thiêm.
- Này, giáo Thiêm! Cứ liệu hồn! Cứ liệu hồn! Chó khôn tha cứt ra bãi. Chó dại tha cứt về nhà. Hiểu chưa!
Ông phái viên rành mạch hơn bao giờ hết. Não bộ đã chạy hết công suất, xúc động cực độ phá vỡ tập quán tư duy tối mò kinh niên. Câu chữ nhả ra trật tự, mạch lạc, khác hẳn lối nói năng bất cần lề luật giao tế tối sơ hàng ngày, tuy vẫn là thói lỗ mãng và huênh hoang quen thuộc.
- Nói để anh biết nhé, giáo Thiêm. Anh không là cái gì đâu. Anh tưởng mắt tôi mù, tai tôi điếc chắc? Tôi vẫn bình tĩnh đây, anh ạ. Anh coi thường thằng này quá đấy. Thiên tai như vừa rồi. Chống đối như anh, như lão già hố pẩu. Rập rình xưng vua. Rồi đế quốc Mỹ đang xâm lược miền Nam, đang bắn phá miền Bắc. Rồi có thể có cả bọn biệt kích nhẩy dù xuống kích động bọn phỉ cũ như thằng Tếnh và bọn bất mãn gây bạo loạn nữa. Tôi thách tất. Thách ráo. Tôi sẽ cho tất cả vào rọ. Tôi sẽ tóm cổ tất. Sẽ tống tất cả vào nhà đá. Sẽ chặt đầu tất. Anh nên nhớ, chúng tôi có thể tấn công cả trời kia, có thể làm cả trái đất này ngừng quay kia. Hừ, anh hiểu chưa?
Ngừng lại như để Thiêm thấm thía lời cảnh báo, ông phái viên mới lại chậm rãi nhả từng lời tiếp:
- Bây giờ, giáo Thiêm hãy nghe đây! Giấy bút đây. Viết cho tôi mười cái công văn gửi xuống tất cả các thôn xóm. Nghe rõ chưa! Hẹn, mười hai giờ đêm mai là hẹn cuối cùng, tất cả vũ khí cá nhân, từ súng kíp, tên nỏ, đến dao găm, đều phải đem đến trụ sở chính quyền xã, nộp cho tôi. Nộp tất. Quản lý tất. Nghe rõ chưa? Hừ, mỗi người là mỗi người để các ngươi làm loạn, hả?
Thiêm đã lại có một bước nhảy vọt theo sự phát triển nhân cách âm thầm tiệm tiến hàng ngày ngay lúc đó. Bừng sáng trong tâm não, anh như nhận ra một điều vô cùng hệ trọng, vượt ra khỏi cái khung hạn hẹp, những trở lực cản lối vô hình, trở nên đáo để, sắc sảo khác thường.
Giang rộng hai cánh tay, Thiêm dõng dạc:
- Tôi yêu cầu không được làm thế! Không được phép làm thế!
Quốc Thanh há hốc mồm. Thiêm tiếp:
- Làm thế là rất nguy hiểm! Nguy hiểm đến sự bình yên!
- Anh im đi!
Quốc Thanh nghiến răng. Thiêm rít:
- Tôi yêu cầu không được làm thế. Làm thế là làm hại cho cách mạng. Làm thế là đổ dầu vào lửa, là mất lòng dân. Là sẽ bị lợi dụng. Là sẽ gây náo loạn trong thôn bản.
Ngừng một giây lấy hơi, Thiêm lại gay gắt dồn dập:
- Người Mèo La Pan Tẩn mỗi khi đẻ một con trai, việc đầu tiên là sắm cho nó một khẩu súng. Khi người đàn ông chết, trên nắp cỗ quan tài, có một cây nỏ, cây nỏ đi với linh hồn ở thế giới bên âm. Súng, nỏ, dao nhọn là vật bất ly thân, là vật sở hữu riêng, gắn bó với đời sống, trở thành tập quán của người ta. Đừng có tước đoạt sở hữu sinh hoạt của người ta. Hơn nữa, ông hãy là người ta, để hiểu rằng: đó là sức mạnh, sự bảo hiểm, năng lực tự vệ và vẻ đẹp nam nhi của họ, không một kẻ nào được quyền tước đoạt.
- Im đi!
- Tôi yêu cầu không được khinh suất!
- Tôi ra lệnh.
- Không được!
- Câm!
Tiếng quát lớn hết cỡ của Quốc Thanh đã chặn mạch nói của Thiêm. Hai mắt hất ngược lên dữ tợn, Quốc Thanh im lặng đến nửa phút, rồi như ở trạng thái tâm thần phân liệt, bất giác ông đờ ra giây lát, rồi bật cười hế hế:
- Giáo Thiêm! Đừng có đem ngáo ộp ra doạ con nít. Chó chúa định bắt nạt chó nhà đấy à? Tất cả lý sự về truyền thống tập quán, sở hữu con khỉ con tiều gì đó của anh đối với tôi là vô nghĩa. Chúng tôi coi thường hết quá khứ, đoạn tuyệt tất, cắt đứt tất. Chúng tôi không sợ gì mà không sử dụng vũ khí chuyên chính, tước đoạt cả. Dù có chết hết dân ở cái xã này thì cũng phải giữ vững nguyên tắc ấy. Mọi cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ. Còn anh, như tôi đã nói rồi đấy, tôi vốn lỳ, đừng có qua mặt tôi, nhưng khi xử lý tôi nặng về tình, xét anh có quá trình, có công lao, nên tôi cho anh một cơ hội để lập công chuộc tội. Giấy bút đây rồi. Viết!
Thiêm quay đi, hai bàn tay nắm lại thật chặt:
- Tôi không viết.
- Tôi cho anh nói lại!
- Tôi không viết.
- Một lần nữa!
- Tôi - không - viết.
- Tôi ra lệnh: anh phải viết!
- Tôi - không - viết!
- Hề! Ông phái viên gật đầu đánh khậc, nhệch một cái cười khinh ngạo - Thế thì rõ rồi. Sau này anh đừng có mà oán trách gì tôi nhé.
Nói rồi, ông bỏ ra cửa, nhằm nơi treo cái kẻng ở trường học, đi tới.
Thiêm đã làm việc dưới quyền một người điều khiển trực tiếp như thế nào? Thực tình là, với một bản lĩnh văn hoá mạnh mẽ, tuân thủ nguyên tắc sống thuận theo người mà không bỏ mình, Thiêm đã vui mừng tiếp nhận ông Quốc Thanh khi ông xuất hiện và giữ vị trí thủ lĩnh tối cao ở cái xã rẻo cao xa xôi này.
Mỗi thời đại đều thiết lập bảng giá trị riêng của mình và có xu hướng coi thời đại mình là duy nhất quan trọng. Với thành phần xuất thân và lịch trình công tác, dẫu có lúc này lúc khác, ông Quốc Thanh vẫn có thể dành được sự ngưỡng mộ chân thành của nhiều người. Và Thiêm, trong sự chi phối cảm quan thẩm mỹ của cả một thời đại, sẵn sàng đặt ông ở nấc thang cao nhất của các giá trị xã hội. Cuộc sống cho con người này bao nhiêu lợi thế. Ông Quốc Thanh ý thức được tất cả và hiểu rõ vai trò của mình. Thực tế cho ông nhiều kinh nghiệm. Một người lãnh đạo phải là một người có năng lực thực tiễn và có nhiều thủ đoạn. Và như vậy, ông Quốc Thanh thực sự đã làm được một số việc không phải là vô nghĩa.
Nhưng, sống và làm việc với ông Quốc Thanh một thời gian, dẫu đã phải ép mình, bắt mình ra khỏi những thành kiến riêng tư, Thiêm vẫn thấy rằng, ông đã trở nên bất cập với cuộc sống hiện thời. Thể tất cho ông. Lịch sử thật khe khắt. Cuộc kiếm sống nhọc nhằn, đấu tranh cách mạng gay gắt là môi trường đào tạo duy nhất của ông. Ông không có cơ sở căn bản để gạt bỏ cái thô, tiếp nhận cái tinh, bỏ qua cái tạm thời, tiếp nhận cái vĩnh cửu, vượt qua sự kiện để đạt tới tầm nhân văn lớn lao. Tham gia cách mạng từ một việc tình cờ, ông đứng vào hàng ngũ chiến sĩ không phải do từ một nhu cầu nội tại, đó cũng là một căn cứ để thông cảm với sự non kém về tư cách chiến sĩ của ông.
Hố pẩu nói: ông bị ngoại vật nhuốm tạp nhiều là có lý. Ông không đủ sức như nhiều người để ra khỏi môi trường sản sinh. Ông vô nghề, ông ở trong đám người tạp nham, ở gần dưới đáy xã hội, nơi ứ đọng các thói xấu cổ truyền. Không có văn hoá chế ngự, cải biến, số ít người này nhiều khi không thoát khỏi những ham hố tầm thường, những thói lệ thông tục, nhất là thói vụ lợi và tính bạo hành.
Ông Quốc Thanh chẳng đại diện cho ai. Như hố pẩu biểu tượng của sự minh triết dân gian. Ông là một cái thai đẻ non, tiên thiên bất túc, một thứ lộn sòng, là kẻ mạo danh điều cao cả. Ông là cái cá biệt nẩy nòi từ cái xô bồ, hỗn độn. Là cơn đam mê sắc dục, mộng mị quái gở, là thói háo danh, tự mê mình lố bịch. Ông là hạt sạn, là cái thất thiệt mà bất cứ phong trào nào cũng có và phải gánh chịu. Ông là cái hình rỗng không. Mạo nhận quyền lực, ông tự cho phép mình tuỳ tiện đặt ra các nguyên tắc vận hành một cuộc sống. Cuộc sống đâu có phải là trò chơi trong tay ông, cuộc sống là nghiêm chỉnh có phép tắc luật lệ.
Kềnh! Kềnh! Kềnh!…
Ra khỏi trụ sở uỷ ban, trên đường về trường, đang trong những suy nghĩ rối bời, Thiêm chợt nghe thấy tiếng chiếc dùi đập vào cái vành xe ô tô, mở đầu một hồi kẻng bất thường. Thiêm vội chạy thẳng về trường.
Ông Quốc Thanh lùng bùng trong cái áo dạ dài ngoại cỡ đang vung tay nện liên tiếp mấy dùi vào chiếc kẻng treo ở đầu hồi lớp học. Không bó buộc được Thiêm viết công văn thì ông đánh kẻng triệu tập cán bộ xã, các đầu ngành đầu giới các thôn để phổ biến chủ trương thu hồi súng đạn vũ khí.
Dừng lại ở sát lưng ông phái viên, Thiêm giật giọng trong hơi thở cồn:
- Ông làm cái gì thế, ông Quốc Thanh!
Quay lại, mũi nở căng hai cánh góc, phóng một cái nhìn nẩy lửa vào mặt Thiêm, ông lụng bụng một tiếng chửi tục ở trong miệng, rồi cúi xuống nhổ phịt phịt hai bãi nước bọt vào bàn tay cầm dùi, và tiếp tục vung tay.
- Bỏ ra! Bỏ ra!
- Ông không được phép làm thế! Người đảng viên không làm thế, ông Quốc Thanh.
Không còn có cách nào khác, Thiêm đã nhẩy bổ vào ông phái viên. Tay trái quàng cổ ông, tay phải tóm cổ tay cầm dùi của ông, Thiêm dồn toàn lực đẩy ông ra xa cái kẻng, miệng hào hển giải thích để ông biết rằng, làm như ông thì sẽ náo loạn, làm như ông là gây thêm căng thẳng cho tình hình, vì lúc này, sau thiên tai mưa đá tàn hại, bà con đang vô cùng hoang mang, buồn nản.
Bị bất ngờ, nhưng chỉ loạng choạng tí chút, ông Quốc Thanh đã kịp thời dạng chân tạo thế cân bằng và đánh một cái cút nhà nghề trúng bụng Thiêm, bắn Thiêm ra xa và quay mặt lại với cái dùi sắt trong tay. Hai người ở tư thế đối diện nhau. Như từ lâu rồi họ đã đối nghịch nhau. Giữa họ từ lâu rồi không có sự yên ổn. Giờ đây cả hai đều ngoan cường, mạnh mẽ, giàu bản lĩnh, đều tự tin vào mình. Thiêm thon gọn, dẻo dai sức trẻ hai tay không. Ông Quốc Thanh kềnh càng, thô mãng, hầm hầm một nét mặt hoang dã, lại có cây dùi làm vũ khí. Hai con người, hai cái xung năng, khát vọng đều ngùn ngụt mãnh liệt như nhau. Lại giống như hai kẻ tình địch vì xét về phương diện nào đó, người nào cũng có tình ý với người phụ nữ mà người kia có quan hệ. “Tiên sư mày thằng khốn, giờ thì tao biết cả cái tông ti họ hàng nhà mày và mày là cái thằng nào rồi.” Ông Quốc Thanh gầm ghè, cất tiếng chửi và bất thình lình đánh tia mắt lừa miếng quật cái dùi vào giữa mặt Thiêm. Rất nhanh, Thiêm né mặt tránh, động tác điêu luyện hệt nòi nhà võ. Mất đà, ông Quốc Thanh ngã dập xuống đất, cái dùi lăn lanh canh một hiệp âm khô lạnh trên mặt đá.