Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 11
C
ơn bão của sự xung đột giữa binh sĩ và học sinh tàn dần. Những học sinh ở tỉnh khác trở về nhà ăn Tết, còn học sinh tại Thành Ðô thì bắt đầu ôn lại bài cho kỳ thi. Cuộc bãi khóa của học sinh kéo dài, tràn qua kỳ nghỉ mùa đông. Nhà trường làm xong công việc của khóa học, và sửa soạn mừng năm mới. Ít nhất bề ngoài học sinh có vẻ như chiến thắng.
Trong giai đoạn này, Giác Dân tiếp tục đến nhà bà cô để kèm Ngọc Cầm về môn Anh văn. Giác Tuệ tiếp tục quanh quẩn trong nhà và đọc báo. Những tờ báo có đầy những mục mà Giác Tuệ không thích đọc. Những tin tức nói về cuộc tranh đấu của học sinh giảm dần cho đến lúc không còn tin gì nữa. Vào lúc ấy, Giác Tuệ đã không còn muốn đọc báo nữa.
Chàng thường tức giận kêu lên, "Người ta gọi đây là đời sống! Một tù nhân trong cái chuồng hẹp!" Chàng đôi khi cáu kỉnh đến nỗi không còn muốn gặp một người nào trong gia đình. Thêm vào sự rắc rối của chàng, Minh Phương đường như cố ý tránh né chàng. Chàng hầu như không có cơ hội nói chuyện riêng với nàng.
Như thường lệ, sáng tối nào chàng cũng phải tới thăm và bày tỏ lòng tôn kính với ông nội. Chàng không thể trốn tránh nhìn khuôn mặt tối tăm mệt nhoài của ông nội, và bộ mặt chát bự phấn của Trần Di Thái. Ngoài ra chàng thường phải gặp những bộ mặt không cảm giác. Giác Tuệ cảm thấy sẵn sàng bùng nổ. Chàng lẩm bẩm, "Hãy chờ đấy. Ngày đó sẽ đến..."
Chuyện gì sẽ xảy ra khi cái ngày ấy cuối cùng tới thì chàng không chắc lắm. Chàng chỉ biết rằng mọi thứ sẽ bị lật đổ, mọi thứ sẽ bị phá hủy. Chàng nhìn lại những tờ tạp chí Tân Thanh Niên và Sóng Mới. Chàng đọc một bài báo "Cảm Tưởng Của Một Gia Ðình Cổ" và những lời tấn công sắc bén làm chàng vô cùng thích thú; dường như chàng đã chiến thắng trong một cuộc trả thù.
Nhưng niềm vui của chàng chỉ bùng lên trong chốc lát, bởi vì khi chàng liệng bỏ tờ tạp chí xuống và bước ra khỏi phòng, chàng lại gặp phải những thứ chàng không thích. Cô đơn và buồn chán, chàng lại quay trở về phòng riêng.
Cứ thế chàng để ngày tháng trôi qua. Tuy Giác Dân ở chung phòng với Giác Tuệ, nhưng chàng lúc nào cũng mê mải với chuyện tình của mình. Ngay cả khi chàng ở nhà, chàng chỉ ngồi đọc sách báo ngoài hoa viên. Chàng cũng quá bận rộn chỉ dậy cho Ngọc Cầm. Giác Tuệ không muốn quấy rầy chàng.
Giác Tuệ thường thở dài một mình trong phòng, "Ở đây cô đơn quá." Chàng không đọc báo trong mấy ngày liền, vì đã mất hứng thú; đọc báo còn làm chàng cảm thấy cô đơn hơn nữa. Chàng lười biếng lật từng trang nhật ký của chàng. Ðã lâu chàng không viết thêm được một hàng chữ nào. Chàng cầm bút và bắt đầu viết:
"Sáng nay tôi đến thăm ông nội. Ông nội ở trong phòng, chỉ bảo chú Khắc An viết một đôi câu đối chào mừng sinh nhật mà chú Khắc Ðịnh đã viết ra, để gửi cho ông già Phùng Quý Thân là người sắp làm lễ thượng thọ lục tuằn. Sau khi chú Khác An ra về, với một nụ cười trên bộ mặt tăm tối mệt nhoài, ông nội đưa cho tôi một cuốn sách và nói, "Con phải đọc cuốn sách này cẩn thận." Tôi trả lời "Vâng ạ". Trên đường về, tôi trông thấy Trần Di Thái ở phòng bên cạnh đang chải đầu. Tôi bỏ đi thật nhanh. Tôi bao giờ cũng cảm thấy dễ chịu hơn một khi bước ra khỏi phòng của ông nội. Tôi không biết tại sao, nhưng căn phòng ấy gợi tôi nhớ đến cái phòng thẩm vấn của một ông quan.
Chỉ nhìn cái tựa của cuốn sách ông nội đưa cho là tôi muốn nhức đầu rồi: "Bàn Về Ðạo Hiếu Và Diệt Dục." Tôi liệng cuốn sách lên bàn và bước ra hoa viên để đi dạo.
Tôi trông thấy Ðại tẩu trong vườn mai, hái hoa cùng với Hoàn Trân, thằng con trai của chị; nó chưa được bốn tuổi. Tôi bỗng cảm thấy dễ chịu khi nhìn thấy khuôn mặt dịu dàng khả ái và đôi mắt long lanh hiền từ của chị.
Tôi nói với chị, "Ðại tẩu, sáng nay chị ra vườn sớm quá. Nếu chị muốn có hoa, tại sao chị không sai Minh Phương hái cho chị?"
Chị bẻ một cành hoa khác và mỉm cười với tôi, "Ðại ca của chú thích hoa mai lắm. Chú không để ý đến phòng của anh ấy ư? Có nhiều bình cắm hoa. Chị nghĩ chị nên tự lấy hoa cho anh hơn là sai Minh Phương làm việc này. Chị sợ cô ta không chọn được đúng hoa anh ấy thích."
Ðại tẩu bảo thằng Hoàn Trân chào tôi. Nó rất là thông minh và vâng lời nữa. Nhưng rồi một ý tưởng đến với tôi và tôi nói:
"Ðại ca bao giờ cũng yêu thích hoa mai."
Mặt hơi ửng đỏ, chị trả lời, "Chị đã vẽ một bông mai để thêu cho cánh màn giường ngủ. Chú phải tới coi." Chị hảnh diện cười, và hai má lúm đồng tiến. Giọng của chị rất ấm mỗi khi chị nhắc đến Ðại ca. Tôi biết chị yêu anh lắm, nhưng tôi cũng bắt đầu lo lắng cho chị. Nếu chị biết tại sao anh yêu hoa mai, và hoa mai tượng trưng cho cái gì thì hẳn chị sẽ đau lòng lắm.
"Tam đệ, chú trông không được vui. Chị biết mấy ngày qua thực là khó cho chú. Người ta khóa nhốt chú trong nhà không cho ra ngoài. Nhưng lúc này ông nội chắc là đã hết giận rồi. Chú sẽ được tự do một hoặc hai ngày nữa. Ðừng quá phiền muộn. Suy nghĩ nhiều quá sẽ làm chú bệnh đấy."
Ở đây chị cố gắng an ủi tôi, trong khi lúc nào tôi cũng nghĩ, "Chính bởi vì chị mà tôi buồn chán. Chị yêu Ðại ca hết lòng, nhưng không biết Ðại ca đang tương tư một người đàn bà khác! Một người đàn bà mà tên có nghĩa là hoa mai!" Nhưng nhìn khuôn mặt bình tĩnh có cảm tình của chị, tôi không có can đảm cho chị biết.
Chị cầm tay Hoàn Trân và nói, "Chị phải về luộc trứng cho Ðại ca." Chị mỉm cười với tôi và nói tiếp, "Thỉnh thoảng chú lại chơi và chúng ta chơi cờ với nhau. Tôi biết chú buồn lắm, phải ở nhà cả ngày." Tôi gật đầu và nhìn chị bước đi. Tôi cảm thấy rất yêu quý chị.
Giác Dân thì chỉ biết đến với Ngọc Cầm thôi; anh ấy bảo tôi như vậy. Nhưng theo lời anh ấy thì dường như anh ấy vẫn chưa ngỏ lòng với Ngọc Cầm. Gần đây anh ấy có vẻ hơi kỳ lạ, không bao giờ có một ý nghĩ nào cho gia đình. Sáng ra anh đi rất sớm để đến nhà Ngọc Cầm và không về nhà ăn cơm tới. Tôi sợ rằng sớm muộn những kẻ ngồi lê đôi mách ở đây sẽ để ý."
Bất cứ khi nào anh ấy nói chuyên với tôi, thì bao giờ cũng là về Ngọc Cầm. Anh ấy cho cảm tưởng là Ngọc Cầm là của riêng anh ấy. Hà, đây không phải là việc của tôi. Anh ấy cũng không quan tâm đến cuộc tranh đấu của học sinh nữa. Ngọc Cầm dường như là tất cả thế giới của anh ấy. Anh ấy đang quá hạnh phúc. Tôi sợ rằng anh ấy sẽ vấp té, nhưng tôi thực tình hy vọng chuyện ấy sẽ không xảy ra.
Tôi đi dạo trong vườn một lúc lâu và Giác Dân đến nói chuyện với tôi một lúc. Sau khi anh ấy đi rồi, tôi ở lại ngoài hoa viên cho tới lúc Minh Phương gọi tôi về ăn trưa.
Tôi không hiểu tại sao gần đây nàng dường như tránh né tôi. Chẳng hạn như hôm nay, khi thấy tôi nàng quay lại và đi lối khác. Tôi chạy theo và hỏi, "Tại sao em trốn tránh ta?"
Nàng đứng lại và e lệ nhìn tôi, nhưng ánh sáng trong mắt nàng rất ấm áp. Rồi nàng cúi đầu xuống và khẽ nói, "Em sợ...em sợ Bà và người khác sẽ biết chuyện."
Rất cảm động, tôi nâng mặt nàng lên, mỉm cười và lắc đầu, "Ðừng sợ. Không có gì phải xấu hổ cả. Tình yêu rất trong sạch." Tôi để nàng đi. Cuối cùng bây giờ tôi hiểu.
Sau bữa trưa tôi trở về phòng và bắt đầu đọc bản dịch cuốn Phục Sinh mà Giác Dân mới mua. Bỗng nhiên tôi trở nên hoảng sợ và không thể tiếp tục đọc tiếp được nữa. Tôi sợ rằng cuốn sách sẽ trở thành hình ảnh của tôi, mặc dù hoàn cảnh của nhân vật rất khác với hoàn cảnh của tôi. Gần đây tôi hay mơ mộng nhiều lắm, tự hỏi những gia đình như gia đình tôi sẽ chấm dứt như thế nào.
Tôi quá cô đơn! Nhà chúng tôi là một bãi sa mạc, một cái lồng chật hẹp. Tôi cần hoạt động, tôi muốn đời sống. Trong gia đình tôi, tôi không thể tìm được người để có thể nói chuyện.
Cuốn sách mà ông nội cho tôi - cuốn Bàn Về Ðạo Hiếu Và Diệt Dục - vẫn còn nằm trên bàn. Tôi cầm lên và đọc lướt qua. Toàn thể cuốn sách chỉ là những bài học để cư xử như một kẻ nô lệ. Ðầy rẫy những câu như thế này "Một ông quan mà không sẵn lòng chết theo lệnh của vua là bất trung; một người con trai không sẵn sàng chết theo lệnh của cha là bất hiếu," và "Trong tất cả tội ác, lòng dâm là sấu xa nhất; trong các đức tính, hiếu là đức tính tốt đẹp nhất." Càng đọc tôi càng giận hơn, cho tới lúc tôi nổi điên và xé cuốn sách thành từng mảnh. Bớt đi một cuốn sách như thế trên đời này, thì sẽ bớt một người bị tổn hại vì nó.
Tôi cảm thấy cực kỳ chán nản. Mọi thứ trong phòng đều buồn tẻ và vô vị; bên ngoài cửa sổ của tôi cũng vậy, lúc nào cũng đen tối. Tôi ước mong có thể mọc cánh bay đi, nhưng căn nhà lặng lẽ bao trùm tôi như một ngôi mộ. Tôi gieo mình xuống giường và bắt đầu rên rỉ.
"Tam đệ, chú có lại chơi cờ không?" tiếng của Ðại tẩu vang lên từ tòa nhà bên cạnh.
Tôi trả lời, "Ðược rồi, em sẽ qua ngay." Tôi không phải là người không thích chơi cờ, nhưng tôi biết chị đang cố gắng làm tôi vui lên, và tôi biết ơn chị. Vài phút sau tôi sang nhà chị. Tôi say mê cờ đến nỗi tôi quên đi tất cả mọi chuyện khác. Ðại tẩu chơi cờ hay hơn Ðại ca, nhưng chị ấy không bằng tôi. Tôi hạ chị ba ván liền. Chị không quan tâm chút nào - lúc nào cũng vui cười.
Người vú em bồng Hoàn Trân vào, và Ðại tẩu chơi đùa với nó, trong khi vẫn tiếp tục chuyện trò với tôi. Trong lúc tôi đi lại trong phòng, tôi trông thấy chiếc màn giường thêu hoa mai.
Tôi trầm trồ nói, "Ðại tẩu, hoa thêu đẹp quá!" Tôi thực sự thích nét vẽ của bông mai, mặc dù tôi không biết nhiều về nghệ thuật hội họa. Tôi nghĩ đây là bức vẽ đẹp nhất của chị.
Một nụ cười hài lòng hiện lên mặt Ðại tẩu. "Tôi vẽ không giởi lắm, nhưng tôi cố gắng hết sức với tấm vẽ này. Ðại ca của chú năn nỉ tôi nhiều lần hãy làm một bức thêu hoa mai cho anh ấy. Tôi cũng rất thích hoa mai nữa."
Tôi chọc chị, "Chị muốn nói vì Ðại ca thích hoa mai nên chị cũng thích hoa mai?"
Má chị thoáng ửng hồng và chị mỉm cười. "Bây giờ chị không nói cho chú biết đâu. Khi chú có vợ, chú sẽ tự hiểu."
Tôi giả bộ ngỡ ngàng, "Em sẽ hiểu cái gì?"
"Ðừng bắt chị phải nói. Trong tương lai, chú có thể hỏi vợ chú."
Có những cành hoa mai trong mỗi bình hoa nhỏ trên bàn và một bình hoa lớn tại bàn giấy. Cái màu vàng của hoa mai làm mắt tôi đau. Tôi nghĩ đến bộ mặt buồn bã xinh đẹp của cô em họ Lệ Mai - Mai có nghĩa là "hoa mai". Tôi muốn nới với Ðại tẩu, "Xin chị hãy chăm sóc những bông mai này, và đừng lấy đi một phần nào tình yêu của Ðại ca," nhưng tôi không có can đảm nói thế.
"Ðã lâu lắn rồi chị không vẽ. Hai ba năm nay chị rất bận với Hoàn Trân, chị quên hết những gì chị đã học được." Ðại tẩu đang tìm chữ để diễn tả, mắt chị sáng lên với ký ức của những giấc mơ quá khứ.
Tôi tự hỏi chị có nghĩ đến những ngày trước hôn lễ của chị, những ngày đẹp như một chiếc cầu vồng. Dường như bề ngoài chị không thay đổi nhiều, phong cách của chị cởi mở hơn trước, và cái vẻ bẽn lẽn thẹn thùng tuổi con gái của chị cũng không còn nữa.
Tôi hỏi chị, "Chị có bao giờ nghĩ tới cái thời gian khi chị vẫn còn sống với cha mẹ không?"
Chị gật đầu. "Ðôi khi... bây giờ nó dường như là một giấc mơ. Lúc ấy mọi việc rất khác. Ngoài anh của chị, chị còn có một người chị gái hơn chị ba tuổi. Chị ấy và chị thường học vẽ và làm thơ cùng với nhau. Thân phụ chị lúc ấy làm quan huyện Quảng Nguyên và gia đình chị sống trong dinh của quan huyện. Hai chị em chị có một phòng trên lầu trông xuống một hoa viên rộng có rất nhiều cây dâu. Những cây hoa quế thường chõ cành vào, đánh thức hai chị em dậy vào buổi sáng với tiếng cành xào xạc."
"Ban đêm ánh trăng xuyên qua cửa sổ rất yên tĩnh. Mẹ chị bao giờ cũng đi ngủ rất sớm, nhưng hai chị em chỉ thích ngắm trăng, vì thế hai chị em thường thức rất khuya. Hai chị em thường mở cửa ra ngắm trăng, trong lúc chuyện trò hoặc làm thơ. Ðôi khi vào lúc đã khuya, hai chị em thường nghe thấy tiếng tù và ở đằng xa. Chú biết không, hồi đó công văn của nhà nước được gửi đi bằng những người giao thư đặc biệt, họ phải đổi ngựa tại mỗi trạm tiếp sức. Người ấy thường thổi tù và từ đằng xa để báo trước cho người tại trạm tiếp sức chuẩn bị sẵn sàng một con ngựa mới. Âm thanh của tiếng tù và nghe rất buồn tiếc. Nó thường đánh thức hai chị em dậy vào lúc nửa đêm, và không thể nào ngủ lại được nữa...
"Mẹ chị nuôi tằm và lũ con gái phụ giúp mẹ. Hai chị em thường cầm đèn lồng vào lúc đêm khuya xuống cầu thang tới chỗ nuôi tằm để xem tằm đã ăn hết lá dâu chưa, và có cần thêm nữa không. Lúc ấy chị vẫn còn nhỏ lắm, nhưng cũng gần đến tuổi lớn khôn rồi. Ðó là những ngày tuyệt vời của chị.
"Rồi cuộc Cách mạng năm 1911 xảy ra, thân phụ chị từ chức quan của nhà Mãn Thanh, và đưa gia đình trở về Thành Ðô. Lúc đó chị em chị là những thiếu nữ đến tuổi rồi. Thân phụ chị nói những bức tranh của hai chị em vẽ không tệ lắm, và thu xếp kiếm việc làm cho hai chị em vẽ quạt cho một tiệm làm và bán quạt. Các chị dùng tiềm kiếm được để mua son, thuốc vẽ và một vài tập thơ.
"Về sau chị của chị lấy chồng. Hai chị em sống gần gũi nhau nay phải xa nhau nên rất đau đớn. Cái đêm trước khi chị của chị về nhà chồng, hai chị em khóc suốt đêm. Không đầy một năm, chị của chị xẩy thai và chết. Gia đình chị nghe nói mẹ chồng chị đối xử với chị ấy không tốt, và làm chị ấy rất tức giận. Chị ấy thường có tính khó chịu. Ở nhà, mẹ chị thường che chở và chiều làm hư chị ấy. Chị ấy không thể chấp nhận sự bắt nạt của gia đình chồng. Nó đốt cháy bên trong chị ấy, và cuối cùng giết chết chị ấy.
"Bây giờ nhìn lại những sự việc ấy, tất cả dường như xảy ra trong một giấc mơ." Ðại tẩu kết luận bằng một giọng buồn bã. Mắt chị rớm lệ.
Tôi sợ chị sẽ khóc, nhưng cái óc ngu xuẩn của tôi không tìm được lời gì để an ủi chị. Tôi chỉ hỏi, "Gần đây chị có nhận đưọc tin tức của mẹ và anh chị không?"
Mặt Ðại tẩu có vẻ rất đau khổ. "Anh chị cho biết hai người đều mạnh khoẻ, nhưng hai người không thể trở về Thành Ðô trong vòng hai năm nữa."
Chúng tôi nói chuyện một lúc nữa thì trời đã tối, và tôi cảm thấy lạnh. Tôi trở về phòng riêng. Cái ánh sáng lờ mờ của bóng đèn điện 160-watt trong phòng tôi không đủ làm ấm trái tim tôi. Tôi lại thấy ngột ngạt với sự buồn tẻ cuả đời sống gia đình. Ði lại trong phong, tôi nghĩ tới rất nhiều chuyện xảy ra bên ngoài. Tôi không thể chịu đựng được cuộc đời thế này hơn nữa. Chẳng có gì ngoài sự đè nén tôi trong ngôi nhà này. Tôi phải tranh đấu để chấm dứt.
Trong bữa tối, tôi nghe thấy kế mẫu của tôi và Ðại ca bàn luận về chiến thuật xung đột nhau của Thím Vương và Thím Thẩm. Mặc dù hai người nói một cách nghiêm trọng, tôi không thể nhịn cười được. Sau đó tôi nói với Ðại ca về lòng Hiếu trong phòng của anh. Anh ấy quá yếu đuối và có nhiều dè dặt. Tôi bất mãn với anh bởi vì mỗi ngày anh ấy lại thụt lui về phía sau. Ngay lúc cuộc bàn cãi đang hăng say, con nô tỳ Khiêm nhi của Thím Thẩm tới gọi anh chơi mà chược với các bà, và anh đồng ý mà không ngập ngừng gì cả.
Tôi khó chịu hỏi, "Như vậy là anh sẽ đi chơi mà chược?"
"Anh còn biết làm gì nữa?" Anh giản dị trả lời và bước ra với con Khiêm nhi. Ðây là chiến thuật chống đối của anh.
Tôi có hai người anh. Một người chơi mà chược để lấy lòng một số người; người anh kia thì ở nhà cô tôi suốt ngày để dậy Ngọc Cầm học Anh văn và chẳng thèm về nhà ăn cơm tối. Tôi sẽ không bao giờ trở thành giống họ.
Thật là một kiếp sống! Ðây là cách tôi sống qua ngày hôm nay. Nếu tôi cứ tiếp tục thế này, thì tôi sẽ phí phạm tuổi trẻ của tôi.
Tôi không chấp nhận như thế. Tôi phải chống lại, chống cái lệnh của ông nội tôi. Tôi phải ra khỏi đây.
Trên đây là những lời viết một ngày trong nhật ký của Giác Tuệ. Sáng hôm sau, quả thực chàng ra khỏi khuôn viên dinh cơ nhà họ Cao.