Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Chương 12
C
ó mẹ con Dần, ngôi nhà hoang vắng bỗng trở lại tấp nập đông vui bởi vì bà con làng Thông ai đau ốm, trẻ nhỏ sổ mũi nhức đầu đều phải đến nhờ Dần. Thấy mẹ con vất vả mỗi người lo giúp một việc. cuộc sống của mẹ con Dần mau chóng ổn định. Vợ chồng người anh trai cũng thở phào, riêng chỉ có lão Bình Động là im lặng. Lão im lặng một phần vì cái thế của Dần, một phần lão ân hận và sợ hãi những thông tin về lão rò rỉ ra làng xã thì mất mặt. Thế là lão đành mạnh bạo đổi mới tư duy và quyết tâm sửa chữa. Chiều nay ở trụ sở ủy ban về lão ghé qua ngôi nhà của mẹ con Dần. Chuyện cũng thật hữu tình, Dần đang khám bệnh cho đứa cháu họ của lão. Lão niềm nở:
- Chà, cháu nhà tôi nó có làm sao không chị?
- Không sao đâu bác ạ! Em nó đang tuổi lớn, do ảnh hưởng của nội tiết nên mụn nhọt nó đùn ra thôi. Bảo em về cứ lấy cây ngải cứu đun lên rửa mặt thường xuyên là khỏi.
- Cám ơn chị...
- Có gì đâu bác...
- Nhưng....
- Không sao bác ạ, cái việc ở ngoài trạm xá cháu quên rồi, cháu làm thầy thuốc thời gian nghĩ việc chữa chạy cho người bệnh nó quên nhanh lắm. Mà bác cũng thế, bác làm lãnh đạo bác cũng phải quên ngay đi để có thời gian nghĩ việc lo cho làng, cho xã ấm no hạnh phúc chứ. Bây giờ hòa bình độc lập rồi mà làng xã đói nghèo cái tội ấy còn to tầy đình đấy bác ạ!
Vừa nói Dần vừa nở nụ cười tươi rói. Lão Bình Động cảm thấy những vệt rách rưới trong lòng được khâu vá lại. Lão cúi đầu cảm ơn Dần rồi cắp cặp cùng đứa cháu xin phép ra về.
Nhìn theo lão Dần thấy lòng dạ nhẹ tênh, Dần tin mình đã chữa cho lão khỏi căn bệnh tha hóa. Dần ngước nhìn lên bàn thờ, chả biết Dần có mộng mị? Nhưng rõ ràng một viền mây đang bay ngang rồi ngưng lại chỗ bát nhang quận những vòng tròn bám vào các chân nhang, phút chốc ngôi nhà lụp xụp bỗng nguy nga trắng toát, có đầy đủ phương tiện và giường bệnh cho bệnh nhân. Dần sung sướng reo toáng lên, viền mây cứ thế bồng bềnh bay tít lên cao để một mình Dần trơ trọi giữa căn nhà. Bấy giờ Dần mới biết mình mộng giữa ban ngày. Dần cứ đứng lặng vậy, bao nhiêu kỷ niệm trong ngôi nhà này lại hiện ra. Những cái chai đựng đom đóm, cái nong rách bọn dần cùng Hữu học bài, bó roi cật nứa lão Bành dùng để đánh Hữu sau mỗi cơn say ruợu vẫn để xếp gọn gàng trên cái chõng tre lão bành nằm những ngày đau ốm!... Và hình ảnh Hữu ở trạm phẫu Trường Sơn những ngày binh lửa cùng với bao thương vong, chết chóc của đồng đội, gương mặt bỉ ổi của tay bệnh viện trưởng, lão Bình Động lúc lão định giở trò với Dần cứ như lưỡi dao, lưỡi hái cứa vào lòng Dần! Dần đứng lặng nhận ra thân phận con người sinh ra trên mặt đất này tất cả đều ở trong cái bể khổ mà kẻ làm dân thường lại là số đông và càng khốn cùng hơn! Dần thấy việc ngày xưa khi mới có vài cái chữ trong đầu, trước khi ra lính Hữu giao cho Dần phải học thành bác sĩ để chữa bệnh cho dân thường là đúng. Những ngày từng trải Dần càng thấy đúng. Nhưng Hữu ơi! Cái bể khổ của con người đâu chỉ nguyên phần thể xác, phần tâm hồn còn quằn quại đau đớn hơn gấp bội! Hữu thật sướng hơn Dần vì Hữu chỉ được sống những ngày tuổi trẻ đầy lí tưởng còn Dần lại phải chịu đựng thêm cả những ngày bát cơm manh áo! Khổ thay bây giờ chúng mình lại có thêm thằng cu Nghị nữa. Nó là tâm hoa của mối tình huyền thoại trong khói lửa, là giọt máu của Hữu được sinh sôi trong cái bọc hồng của Dần thế mà nó vẫn phải côi cút, phải nghi ngờ. Dần sợ kiếp luân hồi lắm! Sợ, nên Dần phải sống, sống để dìu con như những ngày dìu Hữu thoát khỏi những trận đòn cật nứa của lão Bành! Định mệnh bắt Dần phải thế rồi! Hữu ơi, bố bầm cả hai bên ơi, bà lang đồng Mụng ơi, cả lão Bành nữa!... Các người sống khôn chết thiêng hãy phù hộ để con bé Dần mảnh mai này được sống, được làm một thầy thuốc chữa bệnh cho đồng loại khổ đau nhé!... Dần vừa lầm rầm cầu nguyện vừa khấn vái. Bỗng có tiếng người lao xao ngoài cổng, Dần bừng tỉnh nhìn ra thực tại. Một cái cáng từ đường cái lớn đang rẽ vào nhà Dần. Chủ nhân của cái cáng mặt tái mét cắt không ra máu, giọng cứ run lên bần bật:
- Chăm sự nhờ bác sĩ, nhờ chị Dần cứu giúp. Nó mà chết thì nhà tôi mọt tù!...
- Thì các bác cứ đưa bệnh nhân vào nhà đi.
Dần bình tĩnh. Cái cáng cũng được đẩy vào trong nhà. Bệnh nhân là một cháu gái chừng mười ba mười bốn tuổi mắt trợn trắng phốc, nằm duỗi đượt, bụng trướng phềnh. Nhìn là Dần biết con bé đang trúng độc. Dần lấy bơm sục nước vào và gây nôn, chỉ một lát con bé tháo ra ồng ộc. Cái bụng trương phềnh xẹp xuống, mắt nó khép lại. Dần lại sục nước lần nữa rồi tiêm thuốc trợ sức. Con bé ngọ nguậy rồi nằm im như ngủ. Dần bảo:
- Được rồi, mọi người đừng lo, cháu nó ăn phải bả độc...
- Dạ cảm ơn chị, cảm ơn bác sĩ. Đúng thế ạ. Quầy hàng nhà có bán kẹo bả chuột, cháu nó mua thế là đưa nhầm, may nó mới chỉ ăn có một cái, lại gặp thầy gặp thợ không thì tôi hết nghiệp mà còn ăn năn suốt đời vì cái tội làm chết người nữa... Đội ơn chị, đúng là ông giời đưa chị về làng là để làm phúc cho người thật! Hết bao nhiêu tôi cũng đáp ứng chị.
Dần nhìn chủ nhân nở nụ cười tươi rói:
- Không có gì, cứu cháu thoát nạn là mừng rồi. Mình là người làng xã với nhau tiền nong mà chi. Ông bà khỏi bận tâm. Có điều làm gì mình cũng phải cẩn thận nhất là việc buôn bán những loại thuốc này...
- Cảm ơn, chúng tôi tạc lòng nhớ lời chị, nhớ lời bác sĩ.
Chủ nhân ôm lấy Dần vừa cười vừa khóc và tự vợ chồng họ lại thấy ân hận vì những ngày qua chị cũng hay buôn chuyện của Dần với các ông lãnh đạo xã, bây giờ chị ấy lại giúp mình thật vô tư! Đúng là người được ăn, được học họ cao cả thật... vợ chồng chủ nhân vừa cười vừa khóc cứ thế vái sống Dần và xin phép đưa con về nhà.
Ngôi nhà của mẹ con Dần mỗi ngày một to đẹp khang trang, nó được xây lên bằng chính sự nỗ lực của Dần cộng với sự đóng góp giúp đỡ tích cực của bà con làng xóm với mong muốn chung là để làm chỗ dựa chăm lo sức khỏe cho bà con làng xã. Mẹ con Dần cũng cố gắng để không phụ lòng mong muốn đó. Trạm xá của Dần ngày càng có uy tín vì có nhiều con bệnh hiểm nghèo đã được Dần cứu sống mà người bệnh cũng không phải giấy tờ phiền phức và tốn kém bao nhiêu. Với tấm lòng nhân hậu sinh ra từ đồng đất quê nhà lại được trải nghiệm gió nắng và bom đạn ác liệt của những ngày chiến tranh ác liệt cộng với trí thông minh trời bẩm ban, sự cần cù trong tình yêu nghề nghiệp, bằng những kiến thức học được trong nhà trường, những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế và bí mật gia truyền bà Lang Đồng Mụng phú cho Dần đã trở thành một bác sĩ đông tây y có tiếng tăm khắp vùng sơn cước. Người nhức đầu sổ mũi, kẻ lâm bệnh hiểm nghèo đều tìm về ngôi nhà này. Dần luôn mở rộng cửa và hết lòng phục vụ người bệnh. Một đêm cuối mùa đông, trời rét đậm Dần đang chong đèn nghiên cứu cách để phục hồi cho những người bị dị bệnh như câm điếc, khèo chân tay không đi đứng đươc dễ dàng thì có tiếng người rên hừ hự ở ngoài thềm nhà, Dần khêu to ngọn đèn và hé cửa nhìn, một người mặc quân phục đã bạc màu, trên vai đeo cái ba lô lộn đang vịn tay vào cái cột hè vừa rên, vừa thở. Thấy cánh cửa mở người đàn ông lập cập nói:
- Đêm hôm khuya khoắt phải phiền gia chủ là chuyện bần cùng nhưng cũng đành vì làng xóm đã tắt đèn cả, thấy đây còn người thức tôi đến nhờ cậy...
Nghe giọng nói và gương mặt hiền hiền lộ dưới đèn Dần mạnh dạn mở to cánh cửa, giọng ân cần:
- Mời ông vào nhà đi.
Người đàn ông rón rén bước theo Dần vào nhà. Dần khép cửa, người đàn ông đặt nhẹ cái ba lô lộn vào cái ghế ở góc nhà đưa mắt nhìn quanh, ông chưa kịp nói gì thì Dần bảo:
- Ông cứ ngồi nghỉ, tôi lấy cốc nước nóng để ông uống cho nó ấm bụng...
- Cảm ơn chị!
Ông lặng nhìn Dần rồi lại hỏi:
- Thế chị có một mình?
- Dạ, em có hai mẹ con, cháu nó ngủ ở phòng trong.
- Vâng, thế thì tôi đỡ ngại.
- Ngại chi bác! Dần đổi cách gọi. - Bác uống nước rồi vào giường ngủ với thằng cu nhà em, cháu nó cũng lớn rồi....
- Tôi nghỉ ở cái ghế này cũng được, đang cơn sốt, nằm với trẻ không tiện.
- Bác sốt?.... - Dần lại gần khẽ đặt bàn tay lên trán ông- Bác sốt cao lắm, để em lấy thuốc.
Nói rồi Dần nhanh nhẹn mở tủ lấy ra liều Quinin. Mắt người đàn ông sáng lên. Ông vội vỗ mấy viên thuốc vào miệng rồi uống cạn cốc nước. Uống xong ông thong thả nói:
- Được cái thuốc này là tôi khỏi ngay thôi, sốt rét tái phát đấy chị ạ!
- Xưa bác có đi Trường Sơn không?
- Tôi ở chiến trường Quảng Trị.
- Chỗ cái cối xay thịt đấy bác nhỉ!
Câu nói vô tình của Dần làm người đàn ông ngơ ngác. Ông lặng nhìn Dần từ đầu đến chân:
- Chị cũng biết thế à?
- Ấy là em nghe người ta nói vậy, thế bác từ đâu đến đây?
- Tôi người tỉnh này nhưng ở trên Sơn Thượng. Tôi về nghỉ phục viên sau năm 1975. Giờ có tuổi sinh lẩn thẩn mới khoác ba lô đi tìm đồng đội, tìm những người đang còn sống.
Giọng ông như gợi về một miền xa vắng. Dần chân thật:
- Bác tên gì ạ?
- Tôi là Thăng, lính 304 đấy - Giọng ông vẫn như gợi về một miền xa vắng - Có cuộc đi này cũng xuất phát từ những dòng nhật kí của anh bạn cùng đại đội. Ngày vào đánh thành cổ hắn là đại đội trưởng, tôi là chính trị viên, hắn hơn tôi một tuổi, hai đứa thương nhau như ruột thịt nhưng lại hay trái ngược nhau về quan điểm thời cuộc, Hắn thông thái, đánh nhau lại gan lì nhưng cứ tỷ tôi chỉ biết sống một chiều, ngay trong lúc khói lửa hắn vẫn dám nói thật, những điều hắn nói thật lại đúng đến tận bây giờ mới lạ chứ. Chuyện là thế này: Cách đây mấy hôm, tôi có đến một cơ quan nọ xin việc cho con cháu của anh bạn, nó mới tốt nghiệp đại học, mấy tay cán bộ tổ chức cứ khất lần, khất lần mãi. Tôi bực mình bẳn lên, mấy ông bà đi cùng đấy cứ nói xơi xơi: “Ông ơi, thời buổi này không nói miệng được đâu, bước đầu cũng phải đầu tiên đấy. Cũng phải vài ba bốn lượng việc này mới xong!... " Nói rồi họ cười hô hố rất thản nhiên. Mấy tay cán bộ mặt vẫn lạnh như tiền, coi như không nghe thấy những lời lẽ ấy, lạ thế. Thực tình tôi không sao hiểu được, về nằm đêm trằn trọc không sao nhắm được mắt. Tôi vùng dậy lục cái ba lô lộn, thấy quyển sổ của anh bạn vẫn nằm gọn dưới đáy ba lô, lôi nó lên và chong đèn đọc. Những dòng chữ của hắn làm ruột gan tôi cứ rối bời, đau đớn!...
- Bác có nhớ được đoạn nào không?
- Không những nhớ mà có đoạn còn thuộc lòng, bởi đấy là máu thịt, hắn viết ra từ tâm gan lại ở giữa vòng bom rơi, đạn nổ mà. Tôi đọc cho chị nghe một đoạn hắn viết cho vợ hắn nhá: “Đám cưới của chúng mình như một định mệnh ông trời sắp đặt thế. H. nghĩ đây là một hôn lễ có một không hai. Phòng tân hôn của chúng mình là cái hang đá, không có màn rèm nhưng lại đầy hương cỏ của Trường Sơn. Giây phút thiêng liêng chúng mình trao cho nhau là định mệnh của trời đất, trời đất đã se tết mối tình của chúng mình từ cọng rơm quê nồng nàn mồ hôi cha mẹ, bạn bè mà xòe nở tinh hoa như thật, như huyền thoại giữa núi non Trường Sơn chất ngất. Huyền thoại sẽ sinh ra đứa con có thật bằng xương bằng thịt nhưng nó sẽ phải bơ vơ côi cút! Có lẽ nó là tập hai của bố nó! Chính vì thế D. phải sống, phải khảng định nó là con người, con người được sinh ra ngay tại chỗ mà kẻ thù ngày đêm đang tìm mọi cách để tiêu diệt con người... Là con người nó sẽ khổ thôi! Bởi vì ngay sau đêm tân hôn bố nó lại xông vào tuyến lửa!... Ngày mai! Tất nhiên sẽ hòa bình độc lập nhưng nếu cha nó không về!... Mẹ con sẽ lại phải bơi trong bể khổ trần ai!... " Vân vân và vân vân những dòng tương tự như thế. Nói thật với chị lúc còn ở cùng nhau với cương vị là chính trị viên đại đội, tôi hay phê phán hắn vậy nên hai thằng cứ khục khặc, khi đuối lí hắn thường văng một câu rất lính: "Ôi dào, mồm cá chép, mép chính trị viên... " rồi lại cười xòa với nhau. Bây giờ không có hắn, đọc lại những dòng ấy tôi mới thấy hắn là thằng thông thái, tiên tri...
Thăng ngừng lời, mắt dán vào ngọn đèn và khẽ đưa tay lau mắt. Có lẽ là Thăng khóc! Dần bồi hồi nhưng vẫn phải ghìm lòng để khai thác câu chuyện cho đến ngọn ngành:
- Thế sau đấy hai anh?
- Chiến tranh mà chị.
Thăng khẽ vò tay lên trán và tiếng thở dài đầy lên khắp gian nhà khuya. Trước mặt Thăng lại hiện ra một vùng đất trắng nham nhở bom đạn. Giọng Thăng khản đặc:
- Chiều hôm ấy trời miền Trung như ở trên cái chảo lửa, sau trận pháo kích dữ dội thì địch ùn lên, đám xe tăng cứ lừ lừ tràn qua các chiến hào. Tổ hỏa lực của ta quyết chiến. Xe tăng của địch bốc cháy đỏ một bãi. Chúng không chịu lui. Có một thằng tay lái khá cừ, nó tăng tốc độ bung qua đám cháy vượt sát chiến tuyến, mấy xạ thủ B41 bị thương, bộ binh của nó cũng tràn lên như kiến cỏ. Súng nổ bốn phía không còn biết chỗ nào là ta, là địch nữa. Chiếc xe tăng của nó thì cứ lừ lừ tiến đúng vào sở chỉ huy đại đội. Tôi chưa biết xoay sở cách đối phó kiểu gì thì thấy hắn và cậu Huy liên lạc bật lên khỏi chiến hào. Hắn trườn đến ụ hỏa lực và giằng khẩu B41 từ bàn tay bê bết máu của thằng Chung A phó tỳ lên ụ đất. Quả bắp chuối từ đấy phóng ra một luồng lửa đỏ giữa mịt mù bụi khói, chiếc xe tăng bốc cháy. Đám bộ binh của địch tản ra nhưng hỏa lực của chúng từ các phía đổ xuống trận địa như mưa bão. Ta bị địch đẩy lùi về phía bờ sông. Hỏa lực địch dội theo, bờ sông bị băm nát nham nhở một vùng đất trắng. Một quả cối rơi gần hất tôi và hắn xuống sông. Tôi bị trọng thương vào cánh tay máu thấm đỏ nước. Hắn bặm môi dìu tôi vào bờ rồi nhoai người theo mấy cái xác đồng đội đang bị dòng nước đẩy xuôi, được một khúc sông thì thấy một cột nước dựng lên, khói bom trùm xuống mù mịt. Tôi cũng ngất lịm đi vì máu chảy nhiều quá. Đến khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm ở trạm phẫu. Lúc ấy đêm cũng khuya lắm rồi. Hình ảnh hắn hiện lên dưới cột sóng đen ngòm giữa khúc sông và nó thành kí ức cứ ám ảnh tôi suốt đời! Đến bây giờ lại càng nguyên vẹn và đậm nét!... Cũng may tôi còn giữ được quyển sổ của hắn! Tôi giữ nó như là một báu vật của đời mình. Là kẻ sống sót sau chiến tranh, mỗi khi đời sống gặp trắc trở khó khăn tôi lại lấy nó ra soi để mình luôn còn nguyên là mình! Và cũng để yên tâm sống cho đến lúc chết!...
- Anh có mang theo quyển sổ đây không?
- Tôi cất cùng chỗ huân huy chương ở nhà.
- Tiếc quá nhỉ!
- Có gì mà tiếc hả chị, bây giờ người ta coi những thứ đó như huyền thoại thôi mà. Nếu chị cần khi có điều kiện tôi sẽ phô tô cho một bản.
- Vâng, nhưng em sẽ tìm đến quê bác...
Câu chuyện của họ cứ thì thầm trong đêm vừa huyền thoại vừa hiện thực cứ lôi kéo tâm trí họ về những miền kí ức xa ngái, mãi đến khi ánh trời nhòe lên đầu núi đổ những ánh vàng óng ánh xuống thềm sân mới dứt.
***
Họ chia tay và gặp lại nhau giống như kết cục của những câu chuyện cổ tích chỉ khác một điều họ là con người thật. Giữa đường phố nườm nượp người, một cái cáng thui thủi vừa đi vừa chạy, theo sau cái cáng là người đàn ông với bộ quân phục đã bạc màu, vai khoác cái ba lô lộn cui cúi bước theo. Dần phóng xe vượt ngang cái cáng. Nhận ra người quen, Dần hồi hộp:
- Người nhà bệnh tình hả anh Thăng?
- Con cháu Trầm nhà tôi bị xuất huyết não, bệnh viện ở đây bó tay, phải đưa cháu tìm về bệnh viện trung ương thôi!...
- Để em xem.
Nói rồi Dần tiến sát cái cáng mở tấm chăn nắm vào cổ tay bệnh nhân. Mạch vẫn đập, da tay nóng chỉ có điều không co duỗi được. Dần vạch mí mắt ra xem. Dần chẩn có khi bị viêm não chứ không phải xuất huyết. Dần nói với anh Thăng:
- Thuê tắc xi về phòng bệnh của em...
- Xa thế...
- Anh yên tâm, còn nước còn tát.
Nói rồi Dần vẫy tắc xi, dong xe máy dẫn đường. Xe chạy hỏa tốc xế trưa thì về đến nơi. Dần giục mọi người đưa con bé vào phòng bệnh. Dần mau cho lấy tủy để tìm xem có vi khuẩn không. Quả thật con bé bị viêm não chứ không phải bị xuất huyết, nên tay chân cứ co quắp và giật thế kia. Bệnh viện điều trị sai hướng nên tay chân bệnh nhân co cúm lại. May, còn nhẹ. Dần cho bệnh nhân thở ô xi để hồi sức, rồi nhanh chóng tiêm kháng sinh mạnh và liều cao vào. Đến tối thì con bé mở được mắt. Dần chỉ vào Thăng. Con bé đưa mắt nhìn, giọng ngọng ngịu:
- Boó....
Cả nhà cùng reo lên. Dần bảo:
- Cứu được nhưng phải tốn nhiều công của đấy... Anh Thăng cứ lo gạo tiền đi...
- Cứu được cháu tôi sẵn sàng bán hết cửa nhà trang trại, vì cả nhà chỉ có mình cháu, năm nay nó lại thi tốt nghiệp lớp 12 rồi thi đại học nữa... Tất cả nhờ chị, qua được cầu này tôi đội ơn chị đời đời!...
- Gia đình cứ yên tâm...
- Thế cái phòng bệnh này?...
- Em tự bỏ vốn gây dựng.
- Là bác sĩ sao chị không vào bệnh viện nhà nước?
- Chuyện này dài dòng lắm, khi nào cháu khỏi em sẽ kể anh hay. Mà chả giấu anh nữa, em chính là người trong quyển sổ nhật kí anh đang giữ đấy. Em cần những dòng chữ trong quyển sổ ấy lắm vì thằng cu Nghị nhà em năm nay cũng lớn rồi. Tất nhiên cái chủ nghĩa lí lịch bây giờ cũng chả quan trọng gì nhưng bổn phận của em với Hữu lại quan trọng vì cháu là người duy nhất của dòng họ, em phải có trách nhiệm với cháu và với vong hồn của Hữu! Bọn em gắn bó với nhau từ thuở ấu thơ, anh cứ tìm hiểu những cái chai đèn và bó roi cật nứa kia thì mới thấy thằng cu Nghị nhà em là báu vật của chúng em được sinh ra như thế nào. Nó vừa như thảo cỏ mà lại mãnh liệt, thiêng liêng bí ẩn như huyền thoại, người trần mắt thịt không nhìn thấy được đâu. Chính vì cháu mà em đã từ bỏ mọi hư danh để có cái phòng bệnh này. Em đang thực hiện tâm nguyện của Hữu đấy. Chắc Hữu phù hộ nên công việc của em luôn luôn được mọi người ủng hộ. Kẻ muốn ngăn cản cũng phải bó tay vì em chỉ làm nghề chữa bệnh cho dân thường.
Giọng Dần buồn buồn như kéo về ngôi nhà này cả khoảng ngày thơ ấu, trong mắt Dần lại thấy hình ảnh Hữu lặn lội giữa bãi tha ma gò Hồn tìm bắt đom đóm bỏ vào cái chai để làm đèn học bài và bóng dáng những cơn say rượu lão Bành quật roi cật nứa vào hai bắp chân Hữu cùng với những ngày đầy kỷ niệm vui buồn của bộ tứ quậy: Tùng, Phú, Hữu, Dần ở ngôi nhà bà cụ Vuông những năm học cấp ba sơ tán ở xóm cây Nhội vùng Sơn Thượng!... Từ lúc nằm chung cái nong học bài đến ngày gặp nhau ở trạm phẫu ngoại ô vùng đất trắng của chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Lý trí, hành động, tâm hồn Hữu luôn nhất quán và thông tuệ với sự dự đoán đầy biện chứng về thân phận con người nhất là của những người lính sau chiến tranh. Hữu bảo: Sinh ra làm con người thì phải sống ở chỗ con người, gắn bó với vui buồn, đau khổ của con người thì sẽ mãi mãi được thanh thản và sẽ được con người đùm bọc!... Ngẫm từ những điều đã trải Dần thấy đúng. Nước mắt Dần tự nhiên cứ rơi ra. Nhìn Dần, Thăng đang định nói câu gì để an ủi thì từ ngoài cổng lại có mấy người nhếch nhác đưa bệnh nhân đến. Đời thật lại xóa đi những kí ức của một thời xa ngái đang kéo về với hai người ở căn phòng bề bộn công việc. Dần nhẹ tay lau ngang mắt và lấy thuốc cho cháu bé uống rồi tất tả đến bên bệnh nhân mới đến. Lại một căn bệnh nữa, cháu bé bị cảm hàn. Chủ nhân cứ vây quanh Dần:
- Trăm sự, mười sự nhờ bác sĩ!...
Sự tin tưởng của bệnh nhân làm cho Dần càng thấy trách nhiêm của mình thật to lớn. Dần tất bật vào công việc. Thăng ngồi lặng, mấy người bệnh nhân thỏ thẻ:
- Cháu nhà ông cũng đang điều trị tại phòng khám của bác sĩ Dần?
- Dạ...
- Làng tôi thật có phúc và cũng tự hào có chị ấy về ở gắn bó với dân xóm chứ không ở cái chỗ khỉ ho cò gáy này mỗi khi bệnh tật, khiêng nhau đến được bệnh viện Phú Thọ, Việt Trì hoặc lên tỉnh Tuyên mình cũng nhược, lại còn đám dân nghèo túng chúng tôi thì tiền nong đâu. Có chị Dần bà con làng xã và dân trong vùng yên lòng lắm. Chị Dần chữa bệnh vừa trách nhiệm lại vừa rẻ tiền, có người nghèo còn được miễn phí. Thời buổi chỉ tiền là tiền mà vẫn có người tốt như thế mới thích chứ. Ấy vậy nhưng đời riêng của chị Dần cũng nhọc nhằn lắm ông ạ!
Mấy người bệnh cùng thở dài. Thăng hỏi gặng:
- Về chồng con hay việc công tác?
- Chúng tôi quê mùa thấy thế nào thì nói vậy, ông nghe chơi. Về việc công tác thì chả nói làm gì, chả làm ở bệnh viện nhà nước thì làm bệnh viện nhà riêng, cốt là chữa được bệnh cho người là người yêu, người kính. Cả làng Thông chúng tôi và dân chúng hai ven sụng Lô này ai chả phải ơn và ai cũng yêu kính chị. Việc này cũng làm chị bớt đi nhọc nhằn nhưng chỉ khổ, thời gian chị ấy đi chiến trường B, C gì đó trong thời chiến tranh, trời phật se tết thế nào lại gặp anh Hữu, cái người mà chị ấy gắn bó từ lúc tóc còn để chỏm. Họ cưới nhau ở trong ấy và đẻ được thằng cu. Giá như anh Hữu không hy sinh thì chả có chuyện gì. Đàng này chỉ có hai mẹ con dắt nhau về. Điều ra tiếng vào đủ nhẽ. Thế là chị ấy bỏ hết, tự lực nuôi con. May mà chị ấy làm thầy thuốc giỏi chứ không còn cực nữa!...
Mấy người chép miệng. Thăng ngồi lặng, kí ức về những ngày chiến tranh hai thằng ở với nhau lại giống như những màn múa hát nhảy nhót trước mặt. Cái quả đồi hình mặt thớt lỗ chỗ những hố đạn, hố bom, lúc nhoạng chiều sau khi đẩy lùi đám Mỹ, ngụy khỏi chốt. Hữu toài lên mặt công sự còn khét lẹt mùi khói bom đạn. Hắn lục túi tìm được điếu Tam Đảo quăn queo châm lửa hút. Thăng trườn lên ngồi cạnh. Hắn lạnh lùng đưa điếu thuốc đang cháy dở cho Thăng. Thăng cầm điếu thuốc kéo một hơi dài rồi đưa lại điếu thuốc cho Hữu giọng bùi ngùi:
- Người chết nhiều quá!
- Chiến tranh mà ông! - Hữu thở dài rồi nói tiếp- Những thằng Mỹ nằm sấp ngửa dưới chân đồi kia nó cũng giống ta thôi!
- Ông nói gì mà lạ?
- Lạ gì, ông nhắm cái mắt chính trị viên lại sẽ hiểu điều tôi muốn nói.
- Ông đánh trận thì lì lợm, thông thạo nhưng cứ nói gì là mất lập trường, mất tính giai cấp. đến tai cấp trên, không phải chuyện thường đâu nhá!- Giọng Thăng có phần nhắc nhở, răn đe.
Hữu mỉm cười:
- Ông cứ đón chính ủy đến đây, tôi tay đôi với ổng ngay...
- Cần gì phải chính ủy, ông cứ tay đôi với tôi điều ông vừa thổ ra xem ai đúng- Giọng Thăng chuyển sang thế gay gắt.
Hữu phì cười rồi thủng thẳng nói:
- Những thằng Mỹ, thằng ngụy vừa bị tôi và ông đẩy lùi, nhiều thằng đang phơi xác dưới kia, họ đều là người cả, cũng giống ta thôi, trận nào thua, đồng đội mình cũng nằm phơi rứa!... Chiến tranh mỗi kẻ ở một chiến tuyến phải xả súng vào mặt nhau là tất yếu! Nhưng nói về cá thể một con người thì chua chát lắm vì con người ai cũng có cha mẹ, quê hương. Tại sao cứ phải xả súng vào nhau nhỉ?- Hữu thở dài rồi nói thêm - Xả súng vào nhau những thằng xấu số chết đi rồi coi mát mặt, còn những thằng sống sót sau cuộc chiến này chắc gì đã có cuộc sống tốt đẹp hơn, có thằng còn sám hối không kịp chứ! Có điều Mỹ mang bom, đạn đổ xuống đất nước ta, mang quân chiếm đóng đốt nhà đốt cửa của ta... ta phải làm bổn phận của kẻ mất đất.
- Lập trường của ông có vấn đề đấy Hữu ạ...
Thăng khảng định và đang định nói thêm điều gì nữa thì bất thần pháo chụp từ đâu cấp tập đến. Hữu kéo tuột Thăng xuống hầm văng tục:
- Lập trường cái con c... không nhanh thì vỡ gáo với nó rồi! Truyền cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Có thể chúng giở trò mới ngay bây giờ đấy.
Khắp lòng đất lại rậm rịch công việc của người lính. Hữu cứ cắp AK luồn khắp các công sự. Đồng đội nhìn vào Hữu lại thấy tự tin. Đánh nhau Hữu không bao giờ lùi bước nhưng cứ nghỉ ngơi, thanh thản một tí là nó lại đụng đầu với Thăng ngay. Điều sâu kín ở trong lòng Hữu quả thực lúc đó Thăng không cắt nghĩa được mặc dù có lần xem nhật kí của Hữu, Thăng rất cảm phục và còn nói với đại phó Đức những dòng chữ ấy là cái "mống bão"... nhất là từ khi cái cột nước giữa dòng sông trùm lên thân thể Hữu. Hữu đã chìm dưới dòng sông chỉ còn lại những dòng nhật kí trong quyển sổ dưới đáy ba lô Hữu gửi lại Thăng trước giờ nổ súng. Trong đầu Thăng lại ánh lên những dòng chữ ở trang cuối Hữu viết cho Dần. " Dần ơi! Giờ này Hữu đang nằm trên đồi Mặt Thớt. Hết những trận bom đạn địch đổ xuống băm nát cái thớt là những trận gió Lào mang theo cát trắng hầm hập. Chiến trận ác liệt thế này mà Hữu vẫn nhớ Dần. Giờ Dần đã thành bác sĩ rồi, Dần đã thực hiện được ước mơ của chúng mình. Dần còn nhớ tại sao Hữu thích nghề làm thầy thuốc không? Tất cả cũng từ những ngày ở với bà cụ Vuông ở Sơn Thượng, những chua xót khi đưa cụ ra viện lại không có sổ y bạ, đi mua lạng đường không có tem phiếu nên Hữu tính phải đi làm bác sĩ để chữa bệnh cho dân thường... Bây giờ việc đó đã thành hiện thực, nhưng đất nước lại chiến tranh, chúng mình đang ở cả ngoài mặt trận. Rất có thể cả hai chúng mình cùng hy sinh, điều ấy ai mà biết được. Nhưng nếu là kẻ sống sót, nhất định Hữu vẫn học làm bác sĩ và chúng mình sẽ mở cái bệnh viện tư nhân chỉ chữa bệnh cho người thường thôi Dần nhé... Hữu nói vậy bởi Hữu biết sau chiến tranh những người lính chúng ta cũng chỉ làm dân thường thôi mà dân thường thì bao giờ cũng nhọc nhằn gian khổ hơn ai hết! Còn việc đứa con của chúng ta, bây giờ nó đang là cái mầm sống trong lòng Dần, Dần phải có nhiệm vụ che trở, bảo vệ nó!... Nếu Hữu có ngã xuống đất này thì vẫn còn nó nhưng Dần sẽ khổ đau đấy. Dần sẽ phải vật lộn để vượt qua những định kiến ngặt nghèo cũ kỹ của cơ chế thời bình. Bởi sau cuộc chiến khi đất nước thanh bình thì việc tranh nhau ngôi thứ để có phần to, phần bé tuy không chảy máu rơi đầu nhưng rất man rợ và còn đầy nhẫn tâm nữa! Nhưng dù thế Hữu vẫn tin Dần vượt qua được vì Dần là thầy thuốc. Trên đồi Mặt Thớt này còn cam go nhiều. Nghĩ vẩn vơ ghi mấy câu này để an ủi nhau thôi, Hữu cất đi đây chả nhỡ tay Thăng chính trị viên đọc được lại gân cổ quy kết... Ôm hôn Dần và con của chúng ta thật nồng nàn!..."
Những dòng chữ nhảy múa lúc nhòa, lúc tỏ ở cuối quyển sổ của Hữu mà thời ấy Thăng cho là lệch lạc tại sao lại rất đúng với hiện thực bây giờ. Hữu đã chết rồi. Chính nó là thằng mát mặt hơn ai hết. Kẻ sống sót như Dần, như Thăng đang là nhân chứng của những dòng chữ ấy! Cuộc đời thật những ngày sau chiến tranh hoàn toàn phủ định lại những điều Thăng thường huấn thị trước hàng đại đội quân mà họ đều im phăng phắc lắng nghe! Nếu Hữu mà còn sống, Thăng sẽ quì xuống chân nó mà vái để tôn nó lên làm sư phụ!... Đầu óc Thăng tự nhiên cứ bù lên, quá khứ vẻ vang và hiện tại lập lờ đen trắng cứ làm cái đầu Thăng ngột ngạt. Thăng ngồi đờ đẫn, bỗng từ trong phòng bệnh giọng Dần tràn ra ngọt ngào:
- Người nhà có bệnh nhân cháu Niên đâu nhỉ?
- Dạ, dạ thưa bác sĩ có em đây ạ...
Vừa nói người đàn bà vừa lật đật chạy vào chỗ phòng bệnh. Dần nhìn người mẹ của cháu bé giọng ngọt ngào:
- Chị để cháu chơi nắng, lại tắm nước lạnh ngay, gây cảm hàn, quê nhà ta vẫn gọi cảm lạnh đấy. Biết thì chỉ cần nhánh gừng giã kĩ và cùng thìa đường hòa với nước sôi để nguội cho cháu uống là khỏi ngay. Xử lí được rồi. Chị đón cháu về, đừng cho cháu ra gió, nấu bát cháo hành thật loãng cho cháu húp là nó lại sức ngay...
- Đội ơn bác sĩ, đội ơn bác sĩ. Em gửi tiền công, tiền thuốc ạ!- Vừa nói người đàn bà vừa lần túi lấy ra tờ giấy bạc 2 đồng màu xanh biếc.
- Chị cất tiền đi, giúp cháu thôi mà, cái gì phải tiền em khắc bảo- Dần nở nụ cười nhân ái.
Người đàn bà ôm đứa con vào lòng mân mê tờ giấy bạc, tự nhiên nước mắt cứ chảy ra, giọng chị thút thít:
- Mẹ con em cảm ơn bác sĩ!...
- Chị khỏi băn khoăn, người làng xã mình chứ đâu xa lạ...
Dần lặng lẽ vào phòng bệnh, lại thân ái hết lòng với các bệnh nhân. Nhìn Dần bên các người bệnh Thăng lại càng tin vào con người hơn. Thăng lại sực nhớ có lần Thăng từng nói với Hữu: " Sau này không làm chính trị viên nữa có khi tớ đi học nghề viết văn... " và cũng chính vì câu nói nửa đùa, nửa thật đó mà Hữu đã trao quyển sổ nhật kí đầy riêng tư của Hữu cho Thăng mặc dù Hữu biết những dòng Hữu ghi trong ấy đều làm đảo ngược nhiệm vụ chính trị viên mà Thăng đang đảm nhiệm lúc ấy. Thăng cũng biết điều đó nhưng tại sao Thăng vẫn giữ được quyển sổ của Hữu đến tận bây giờ! Có phải đó là cái duyên và cũng là những kết cục của mỗi thân phận con người phải diễn ra ở một đất nước có hàng ngàn năm binh lửa!... Thăng thở dài. Mồ hôi anh vã ra. Anh phải tựa vào thành ghế mà vẫn thấy quanh mình như có gió gào, mưa giội. Ở trong phòng bệnh Dần vẫn thân ái bên các bệnh nhân. Có lẽ công việc đã giúp Dần hóa được quá khứ để tiếp cận và hòa đồng được với hiện tại mặc dù cái quá khứ ấy thật vàng son và cái hiện tại đang đầy ngổn ngang khó nhọc... Thăng ghi nhận những điều thằng Hữu ghi và từng tranh luận với Thăng trong chiến tranh là đúng! Đúng, cuộc chiến tranh rất vĩ đại, những người hy sinh trong chiến tranh là những anh hùng và họ là người mát mặt, hạnh phúc nhất! Còn những kẻ sống sót, cuộc sống sau cuộc chiến họ cũng chả hơn gì ai nhưng họ là kẻ phải chịu những bể khổ nếu như không tự hóa được mình! Hữu đúng, và chính Hữu đã là nhà văn rồi. Những dòng nó ghi trong trận mạc là máu, là xương của nó với dân tộc, với tổ quốc chính vì thế nó dám hy sinh và cũng dám tái tạo ra con người kế nghiệp nó mà con người ấy chính là mẹ con của Dần và cả Thăng nữa!...
Sau cuộc chiến trở về với đời sống cơm áo gạo tiền cũng chính vì không hóa được lại lãng quên quyển nhật kí của Hữu nên Thăng cứ như con gà bị tóc rối quấn vào chân cứ quần quanh đi tìm mãi cái vòng nguyệt quế! Để rồi cho thiếu túng, khổ sở suốt đời! Bâygiờ gặp mẹ con Dần ở đây cái đám tóc rối ấy mới được gỡ ra! Phải tự thân mà vận động, vận động để vượt qua khổ nghèo, để không lấn bấn với hư danh! Mẹ con Dần đây, học cao nghề nghiệp giỏi, công tích trong cuộc chiến chói ngời bao tấm huân chương nhưng ở ngôi nhà nép dưới bờ con sông Lô tận cuối cái làng khỉ ho cò gáy này chỉ có cái phòng bệnh là được phô lên với dòng chữ đơn giản: Bác sĩ Trịnh Nhân Dân: Chuyên chữa bệnh cho dân thường. Và cái căn phòng ấy luôn đông đúc vì ở đây Dần đã loại trừ được những đối tượng xâm nhập tiêu diệt cuộc sống. Vậy nên cuộc sống sinh sôi và con người tụ về đông đúc, ấm cúng, chân thực! Có lẽ nhờ vậy mà Dần đủ đầy và thanh thản không phải lấn bấn với quá khứ, với hư danh! Chính Dần đã tự tìm ra được lối thoát cho bản thân mà chân lí của cái lối thoát ấy là dám sống dám tin vào chính khả năng, bản lĩnh của mình và tin chính vào con người. Sống vì con người thì con người sẽ bao bọc, phù hộ. Con Người mới là Đức Phật! Dần đã tu đúng đạo! Thăng tự kết luận, và trong lòng như có ánh lửa nhen lên soi cho Thăng tự tìm thấy con đường của những người lính về làm nông dân đi đến! Thăng reo toáng lên như người đi đường nhặt được của. Mọi người ngơ ngác, Dần cũng vội từ phòng bệnh chạy ra:
- Anh Thăng làm sao vậy?
- Dạ, dạ, không tôi mừng quá vì cháu gặp thầy gặp thuốc!... Cháu sẽ được làm người mà.
- Em còn mừng hơn, cứ như trời có mắt dắt bố con anh về đây vậy. Em sẽ cố gắng để cháu khỏi bệnh thật hoàn hảo. Mọi nguy hiểm đến tử vong xử lí được rồi bây giờ chỉ còn cách tìm mọi biện pháp để hoàn thiện các chức năng để cháu cử động dần dần trở lại bình thường! Tiếc ở đây phương tiện đông y thiếu thốn quá nhưng anh cứ yên chí, ta khắc phục từng bước vậy.
- Vâng, tôi cũng chỉ biết nhờ cậy vào Dần. Nú là gia tài của gia đình sau chiến tranh đấy. Con bé lại học hành rất giỏi Dần ạ. - Thăng nói như khoe.
Hiểu nỗi lòng Thăng, Dần bảo:
- Anh vào với cháu một tí.
Nói rồi cả hai người cùng đứng dậy đi vào chỗ phòng bệnh. Con bé Trầm mở mắt thấy bố gương mặt nó rộn lên, giọng thỏ thẻ:
- Con không chết đâu, cô bác sĩ bảo con sẽ khỏi, sẽ đi học được nữa mà.
- Con thấy trong người thế nào?
- Con thấy tỉnh táo rồi, chỉ có hai tay, hai chân con khó co duỗi quá, tay con mà không co duỗi được thì làm nào viết được chữ hả bố?
- Cháu đừng lo, cô sẽ có cách để cháu đi lại và viết chữ bình thường...
- Thật thế cô nhá...
- Con, cô Dần không nói rối đâu, cô sẽ chữa được cho con khỏi mà. Con phải tin vào cô thì nó mới chóng khỏe...
- Dạ!
Con bé lại nằm im và nhắm mắt thiu thiu ngủ. Dần kéo Thăng ra một góc phòng bệnh. Dần hỏi gia cảnh. Thăng bảo:
- Sau chiến tranh tôi về làng lấy vợ, làng xã khoác thêm cho cái chức bí thư. Còn ít sức lực lại vẫn cái tư duy như thời làm chính trị viên tôi dồn quyết tâm cho cái việc tổ chức làng xã thành những pháo đài. Ai ngờ các pháo đài ấy lại không thành, làng xóm lục đục, đói nghèo bám quanh các mái lá. Khi ruộng đất chia ra thì sức đã cùng kiệt, bệnh sốt rét từ những ngày chiến tranh lại xông ra, đứa con đầu lòng tự nhiên phát bệnh, da dẻ cháu vàng tái, mụn nhọt khắp người, những ngày sắp vĩnh biệt bố mẹ nó cứ ở trần đòi tắm nước, ai cũng xót nhưng đành bó tay. Bấy giờ tôi mới nhận ra cái tổ ấm ngôi nhà là quan trọng, buồn tìm lục quyển nhật kí của thằng Hữu ra đọc, thế mới có chuyến đi tìm đồng đội và gặp lại Dần và nhờ đó cháu Trầm được cứu sống. Trong chiến tranh mình còn sống sót là nhờ thằng Hữu, bây giờ đứa con gái lại nhờ Dần... Cuộc đời thật mà cứ như huyền thoại cổ tích ấy!...
- Lẽ đời là thế anh ạ. Dần rất cảm ơn cái chuyến đi tìm đồng đội của anh. Những chuyện đó ta nói sau, bây giờ phải đưa cháu đi đông y để họ phục hồi các chức năng cho cháu, phòng bệnh của em chưa có đủ các phương tiện này. Dần thở dài. Thăng tròn mắt:
- Đi ngay bây giờ sợ cháu còn yếu vả tôi cũng chả còn đồng nào trong túi, hay để tôi về...
- Anh chị khỏi lo. Mọi nguy hiểm đến tính mạng của cháu đến giờ đã không còn. Em sẽ giới thiệu cháu đến bệnh viện đông y của tỉnh, nơi ấy em có cô bạn thân, còn tiền anh chị khỏi lo.
Nói rồi Dần lặng lẽ mở tủ lấy tiền đưa cho Thăng. Thăng ngần ngại, Dần bảo:
- Đây là tiền đi B của anh Hữu những ngày trong chiến tranh, ông bà cụ nuôi Hữu giữ lại mua được những hai cây vàng, khi chết bà cụ giao cho mẹ con em và cả căn nhà này. Khi tu sửa cái phòng bệnh em phải bán đi một cây, làm xong còn ngần này, trước mắt cứ dùng vào chữa bệnh cho bé Trầm đã, sau này em mở to phòng bệnh sẽ "đòi nợ" anh chị gấp đôi!...
Dần cười, nụ cười của Dần làm Thăng không thể nói lời từ chối...