Số lần đọc/download: 2305 / 19
Cập nhật: 2015-07-16 13:43:59 +0700
Chương 12 Cánh Chim Sẻ Trong Vườn
T
hế là tôi lại trở về đây, thành phố miền núi này. Tôi đứng trên đỉnh dốc dẫn xuống đèo Prenn phía dưới kia, con đường nhựa sạch bong chạy ngoằn ngoèo khuất dần sau các hàng thông lá vẫn xanh rì rào, vỏ vẫn nâu vân vân từng đường nhỏ. Mười lăm năm về trước tôi đã từng đứng nơi đây đón gió núi lành lạnh, lang thang quanh những luống hoa cánh bướm tím trắng mấp máy, tâm hồn phơi phới mở rộng với cuộc đời, với tất cả. Hồi ấy tôi hai mươi tuổi, mới hai mươi tuổi. Cái gì cũng đẹp, cái gì cũng là ẩn hiện một tương lai. Cánh hoa rung thì như một đôi môi mềm tươi của một người lý tưởng sẽ đến, con đường lên cao xuống thấp khuất sau hàng thông như dẫn tới một tương lai bất tận, và mây trôi trên trời như trôi tới những nước xa lạ tôi sẽ có ngày đặt chân tới.
Bây giờ tôi lại đứng nơi đây, vẫn con đường trải dài chạy xuống đèo, vẫn thông xanh nâu, những bông hoa cánh bướm vẫn lung linh, tóc tôi không còn xanh nữa nhưng chưa hề một sợi tóc bạc, chân tôi vẫn đủ dai, tay tôi vẫn đủ mạnh, mắt tôi vẫn còn nhìn về tương lai… Nhưng vẫn có một cái gì đã đổi thay đâu đây, một nỗi buồn tiềm ẩn dai dẳng trong tâm hồn, lẩn khuất như một giấc mơ buồn không sao nhớ được. Có phải tại vì tôi đã già rồi chăng.
Nhưng thế nào là già? Mười lăm năm, biết bao tháng ngày qua, tôi đã làm đủ việc tôi ước mơ. Có việc hoàn toàn như ý, có điều không. Tôi đã đi học đại học, đã xuống đường, đã xuất ngoại, đã đấu tranh cách mạng, đã đi lính, đã viết văn, đã hoạt động văn hoá, đã yêu với tất cả nhiệt tình của lãng mạn và đam mê cuồng nhiệt của nhục thể… Cuộc đời kể như đã ưu đãi tôi và tôi cũng biết điều để không đòi hỏi hơn thế. Cho tôi đi lại từ đầu, tôi cũng không chắc là mình sẽ đi khác con đường đã chọn lựa. Nhưng…
Tôi đi trở lại con đường dẫn về hồ, đêm còn xa mới tới nhưng trời đã hết nắng từ bao giờ. Không gian đìu hiu trong lạnh giá với một tiếng động cơ xe ba bánh rồ ga lên dốc ở một nơi xa. Tôi sợ nhất những buổi trưa như thế này của Đà Lạt: trời không nắng không gió, không gian cứ hiu hắt và thời gian như bất động. Con người cứ như chảy mềm ra, tiêu tan. Tiêu tan vào đâu, đi đâu? Một người bạn thân cư ngụ ở thành phố này đã có lần kêu lên: những buổi chiều như thế này, tôi không còn cảm thấy tôi sống nữa…
Tôi kéo cao cổ áo blouson, bước ra hiên ngoài của thủy tạ, gọi một chai bia thật lạnh, châm điếu thuốc đen. Mặt hồ phẳng lặng và tôi chỉ có một mình. Và tôi bằng lòng với tình trạng ấy cho tới khi uống hết chai bia thứ ba và bóng tối đang chậm rãi lan trên mặt nước. Các tiếng ồn ào của bè bạn, của tập thể từ một nơi nào văng vẳng trong quá khứ. Những thảo luận, những đôi co, những đêm không ngủ, những giọt mồ hôi gắng sức những ngày nào như xuất hiện theo men rượu bọt bốc lên. Vì cớ gì tôi trở về đây một chiều cuối năm Âm lịch trong cô đơn. Những người bạn đồng chí đồng hành của tôi đâu cả và lý tưởng xây dựng một xã hội mới cho miền Nam đang ở nơi nào…
Vị bia chai thứ tư hình như đắng hơn mức thường hay tại tôi đang cay đắng, tôi không biết nữa. Nhưng liệu tôi không có quyền cay đắng hay sao? Trong biết bao năm, tôi đã nhiệt tình làm việc, thanh liêm thanh bạch đến mức độ nổi tiếng là gàn, đã đọc thư đến mờ cả mắt trong khuya và mồ hôi khó nhọc thì thôi khỏi cần phải tính phải đếm đến nữa. Để rồi đến một ngày nào đó bạn bè dần dần rời bỏ và tôi chợt chơ vơ giữa đô thị đông đảo đầy rác bụi dưới đồng bằng nắng chói dưới kia, không tiền bạc và không có đến cả một mái nhà trú mưa che nắng. Còn lý tưởng đột nhiên vọt lên cao, ra xa tầm tay với… Hơn nữa làm sao mà nói tới lý tưởng khi tôi nghèo đến mức chưa bao giờ có tiền ăn dự trữ quá mười lăm ngày trong một thời gian kéo dài.
Tôi nâng ly bia lên uống mà mỉm cười. Tôi cười tôi và cười tất cả. Tôi cười vì nhớ lại mới gần đây thôi, để giải quyết sinh kế – hay để giải quyết cái gì nữa nào đâu có biết – tôi đã rủ một người bạn thân lang bạt có tiếng xin đi làm lính đánh thuê nước người. Tôi chiến đấu bằng súng đạn khá giỏi và dù muốn hay không tôi vẫn còn là lính. Làm lính thường, tôi đói rách. Tại sao lại không thể làm mercenaire lương nhiều. Đằng nào cũng thứ ngân sách chiến tranh ấy của ngoại bang ấy đài thọ lương bổng. Mang danh chiến sĩ hay lính đánh thuê da vàng nào có khác chi. Chẳng qua một danh từ và một số lương chênh nhau bên mười bên một và tôi khá thực tiễn để hiểu rằng những nhà thầu chiến tranh Việt Nam đã ăn chặn ra sao. Bớt trung gian, loại cặp rằng đi, đâu phải là điều đáng để ân hận. Tôi đã lôi đôi giày vải đi rừng đi bùn ra ngắm nghía kiểm soát lại: đại đội lính đánh thuê da vàng sẽ đặt dưới quyền tôi ấy đang hành quân ở một tỉnh bên kia biên cương có rất nhiều sình lầy và đất lún. Nếu giờ này tôi không lêu bêu vác M16 xua quân mà đi mà bắn thì chỉ vì một lý do ngoài ý muốn. Cấp chỉ huy sẽ mướn tôi đã cho biết theo chỉ thị mới nhất phát xuất từ bên kia đại dương thì No more Vietnamese!
No more Vietnamese! Thôi không tuyển người Việt Nam nữa, nhiều người Việt Nam quá rồi! Tôi cùng người bạn đã phá lên cười rồi kéo nhau đi uống bia mừng cho hoàng hôn. Hoàng hôn của nhiều thứ, hoàng hôn của chiến tranh Đông Dương, hoàng hôn của một đế quốc mạnh nhất thế giới và hoàng hôn của nhiều thứ nữa – nhưng chắc chắn không phải là hoàng hôn của bạo lực trên phần đất của miền Đông Nam châu Á này.
Một vài tuần sau, trong khu vườn hoang tàn của thành Nội cạnh nền nhà đổ nát vì chiến cuộc Mậu Thân, giữa những con đom đóm bay lập lòe, những người bạn xưa đã ở trong tập thể của tôi đã căn vặn hỏi tại sao tôi lại nghĩ đến việc đi làm lê dương da vàng như thế. Phí anh quá! Sao anh không đi với chính quyền, không làm compromis! Sao anh không ra ứng cử làm dân biểu, ngay ở cố đô này anh cũng có thể đắc cử! Sao anh không để chị ấy đi làm sở Mỹ giúp đỡ! v.v.
Tôi đã mất khá nhiều thời gian trong đêm để trình bày, để bênh vực chọn lựa đã có của tôi. Trước hết, làm sao chính quyền lại có thể cho những người như tôi gia nhập. Họ, cực hữu và tôi thì tả khuynh. Họ muốn duy trì hiện trạng như thế này, tôi muốn đổi mới, xây dựng một xã hội mới. Còn làm compromis, liệu tôi đánh lừa thế nào được những TƯTB, ANQĐ, TNCSGQ, CIA, CID… Không phải là bà già kẻ cắp gặp nhau nữa mà chỉ còn là một thứ đệ đơn xin làm gia nhân cho cả bà già lẫn kẻ cắp. Và tôi, tôi không thể làm gia nhân. Cứ cho rằng có thể làm gia nhân đi nữa, để chờ thời cơ, để đợi thuận tiện, để mượn phương tiện mà xây dựng tập thể riêng. Rất khó. Ngay là tôi đi, hai năm trong quyền bính – quyền hành và quyền lợi – đi xe Mercedes, ở nhà máy lạnh, ăn ngon ăn nhiều, tiền rừng bạc bể gái đẹp đầy vòng tay ôm, liệu tôi còn là tôi nữa không. Một khi da tôi đã hồng hào lên chứ không đen đủi như bây giờ, một khi bụng tôi đã phệ ra nặng nề, dám tôi sẽ nhìn một cơn mưa thôi đã thấy ngại ra ngoài sương gió ngoài kia. Biến tính của người cách mạng, tôi biết nó thế nào lắm. Còn ra làm dân biểu, những kẻ mệnh danh là đại diện dân ấy, họ ở đâu mà ra, làm những ma-nớp gì mà thành… Còn cho vợ, cho Thi của tôi đi làm sở Mỹ, tôi đã có lần nghĩ đến nhưng rồi gạt bỏ giải pháp này. Nếu trong gia đình có cần một người đi làm bồi bếp hay làm sở ngoại kiều, đó là tôi, người đàn ông trong gia đình – thế mới là hợp lý.
Nhưng dĩ nhiên là tôi không đi làm sở Mỹ được và cũng chẳng thể đi buôn, làm áp phe. Vừa không vốn vừa nhiều ma giáo quá. Vậy sao tôi lại không dùng ngay nghề tay trái của tôi là nghề lính chiến. Người ta đã huấn luyện tôi làm chiến binh từ bao năm, tại sao lại không dùng khả năng ấy và dùng trực tiếp. Đằng nào cũng đánh cho đánh mướn luôn! Mà đi ra ngoài biên cương làm lê-dương-vàng như thế có một cái gì hào hùng và đẹp – dù là đẹp trong tuyệt vọng và hào hùng trong vô vọng. Chí lớn trong thiên hạ đã không đủ tài đủ đức mà làm, thì là làm lê dương vàng còn hơn cài bút lên tai, xoa tay vào nhau mà xin đi theo giai cấp mới.
Bóng tối đã tràn ngập không gian, chỉ còn bầu trời và mặt nước là sáng, tôi gọi thêm chai bia nữa, chai thứ mấy? Tôi kéo cổ áo lên cao hơn nữa để ngăn gió đêm lạnh từ tứ phía và tôi mỉm cười khi nhớ lại tất cả những luận cứ của chán nản và phẫn uất, kiểu một hiệp sĩ thời xưa, một samouria lâm thế bĩ. Hiệp sĩ? Có người đã phê bình về tôi như thế trong một buổi họp đông người cấp lãnh đạo của một hệ phái Việt Quốc đang dự trù mời tôi làm một thứ quân sư. Tôi đã mất bao đêm ngày suy nghĩ mới viết xong một kế hoạch “chỉnh đảng cứu quốc” và hội đồng lãnh đạo gồm chín trung ủy đã biểu quyết sau khi nghe thuyết trình: bảy phiếu chống hai phiếu thuận. Người trung ủy thứ hai ủng hộ dự án của tôi đã tới quán cà phê cho biết kết quả và phê bình một câu: Anh hiệp sĩ quá, làm sao anh em họ chấp nhận được. Đêm khuya hôm đó tôi đã ngồi đọc lại từng hàng kế hoạch để xem chỗ nào viễn mơ, lý tưởng quá hay không để rồi sau cùng nhận ra người trung ủy bạn tôi kia đã có lý. Cả một kế hoạch dài hạn và thực tiễn như thế mà không có một chương nào hứa hẹn mang lại quyền lợi thiết thực cho bản thân bất cứ ai. Chỉ toàn những nỗ lực tiến tới một quốc gia tốt đẹp hơn, khá xa vời trong tương lai… Trong thời buổi này của miền Nam, trong nền chính trị hiện tại, thế là “hiệp sĩ” quá thật.
Tôi châm một điếu thuốc mới và thoáng thấy nước hồ như đổi chỗ cho bầu trời. Tôi bắt đầu ngà ngà say. Người xưa phương Đông có nói rằng: Rượu uống ngà ngà say mới thú. Tôi gọi thêm chai nữa, chai nữa và khi rời quán trở về nhà mẹ qua những con đường lên cao xuống thấp, tôi hai tay đút túi quần, dầu cúi xuống là khói thuốc lá từ miệng bay lên, hiểu rằng mình thất bại là phải. Lỗi tại tôi cả. Tài sơ trí thiển đức mọn gan mềm mà cứ đòi làm những chuyện kinh thiên động địa, cánh chim sẻ chỉ nên bay trong vườn nhà và ngoài cánh đồng lúa lại cứ tưởng là cánh chim đại bàng chim hồng chim hộc trên bầu trời cao.