Số lần đọc/download: 11814 / 469
Cập nhật: 2016-06-20 21:07:12 +0700
Chương 10: Song Tấu (10)
Một cú đánh sau gáy khiến ông choáng váng. Cơn đau làm từng bầy đom đóm bay loạn xạ trong mắt ông. Chủ tịch choàng dậy, mở cửa bước ra phòng ngoài và thấy cậu lính béo đang ngồi trước chiếc chao đèn thuỷ tinh vỡ nát:
« A, cậu bé đánh vỡ chiếc chao đèn. »
Ông nén tiếng thở phào, bảo chàng chai:
- Vỡ rồi thì thôi. Mai bảo văn phòng thay cái khác!
Rồi nhìn thấy bộ mặt đỏ nhừ vì hổ thẹn của cậu ta, ông cười:
- Cứ bảo tôi đánh vỡ. Già rồi cũng phải được quyền run chân run tay. Làm sao mà nhanh tay nhanh mắt như trai tơ được?
Chàng lính mạnh dạn nhìn ông:
- Xin chủ tịch thứ lỗi.
- Đấy không phải lỗi mà là sự lỡ tay. Tôi đã bảo chú rồi. Phải biết dùng danh từ cho đúng.
- Dạ...
- Nhiều rầy quá phải không?
- Dạ, quét không xuể ạ.
- Côn trùng tiết xuân mà. Chú dọn đi rồi cho tôi xin ấm trà.
- Dạ.
Ông nhìn chàng trai lui cui hót những mảnh thuỷ tinh vỡ, bất giác đưa tay ra phía sau xoa đầu. Bao nhiêu lần ông đã có cảm giác mình bị đập vào trung tâm điểm của hộp sọ phía sau?....Lần nào cũng đúng vào điểm ấy. Chỉ một điểm ấy thôi:
« Chỉ một chầy thôi, chưa bao giờ phải dùng đến chầy thứ hai để đốn một mạng người. Cho dù đối thủ cao một thước tám mươi và nặng ngần ấy cân số lẻ. »
Đó là bảng thành tích của Tám một chầy, thủ hạ đắc lực của Quốc Tuỳ, bộ trưởng bộ nội vụ. Không ai nói với ông là gã đã hạ sát nàng, ngay cả Vũ. Nhưng ông biết điều đó, qua những giấc mơ. Qua những giấc mơ, ông biết chắc chắn nàng đã bị bóp cổ. Qua những giấc mơ, ông biết chúng đã hạ sát nàng bằng cách chúng vẫn hạ sát những thành viên quốc dân đảng thời xưa. Tám một chày đã nổi danh từ những ngày ấy. Ông chưa từng giáp mặt y, nhưng đôi lần Sáu mô tả tên lâu la này một cách trắng trợn trong thời gian xung đột giữa các thế lực kháng Pháp. Sự mô tả ấy hàm chứa niềm tự hào không giấu giếm. Sau này, khi cách mạng đã thành công không mấy khi thấy Sáu nhắc đến tên lâu la này nữa, nhưng ông biết Tám một chầy đã được bổ nhiệm làm tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát và những cái chết bí ẩn của những kẻ thù nghịch lẫn những người bất đồng ý kiến với Sáu diễn ra như cơm bữa. Tất cả, trong im lặng. Không một ai dám nhắc đến điều này, trừ Vũ...Phải chăng chính vì sự công khai đó nên Sáu phải chừa Vũ ra? Biết bao nhiêu người đã thầm thì bàn cãi về chuyện ấy. Quan hệ giữa y và Vũ vẫn còn là ẩn số. Mọi người đều biết tính nết Sáu. Cái chết của người em trai út của y, Lê Đinh, mới gần đây, vẫn còn là thời sự nóng hổi chốn triều đình.
Sáu là anh cả trong một gia đình hào phú. Dưới y còn hai đứa em trai nữa.Tất thảy đều là những gã đàn ông cao to, béo mượt như y, cùng ham ăn ham gái và ham quyền lực. Nhưng trong hai đứa em đó, người em thứ chịu nhường nhịn y hơn, dẫu rằng trước khi đi theo cách mạng, y đã từng là kẻ sát nhân trong một cuộc sát phạt cờ bạc. Y bỏ làng trốn đi theo ông anh làm cách mạng để tránh cái trát truy lùng tội phạm của nhà chức trách. Nương dưới ống tay áo của ông anh, trước tiên y tránh được kiếp tù đầy khi cách mạng còn trong bóng tối, rồi ngày vinh quang đến, lại được hưởng mọi thứ quyền lợi tót vời so với bộ não lừa của y. Do đó, y một lòng thần phục người anh cả. Còn người em út, vốn tính ngang tàng thẳng thắn, cũng lại chưa chịu án giết người nên không tự buộc mình phải tuân theo mọi chỉ định của bậc huynh trưởng. Cái truyền thống: Quyền huynh thế phụ không lọt vào lỗ tai anh ta. Nhiều lần, anh ta công khai tuyên bố:
« Cơm ai người nấy ăn, việc ai người nấy làm. Phận sự của ai, người nấy chịu trách nhiệm. »
Vào một bữa giỗ cha, ba anh em tụ họp. Họ bàn bạc cãi cọ rất nhiều chuyện, trong đó đương nhiên có những chuyện quốc gia, bởi cả ba đều là bậc lương đống triều đình; thấp kém nhất là Lê Đinh cũng chiếm được ghế bộ trưởng bộ công nghiệp. Giỗ cha của các bậc lương đống, ắt hẳn phải có rượu ngon, lợn béo và đủ thứ sơn hào hải vị cho dù đất nước chiến tranh và lương dân phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng rượu vào, lời phải ra. Đến lúc nào đó, tâm tư được bộc lộ. Người em út chỉ vào mặt ông anh mà hét:
- Anh ác vừa vừa thôi. Nếu không sau này thiên hạ sẽ đào mả bố lên. Mà bố là bố chung. Ông cụ không chỉ đẻ ra một mình anh. Ông cụ còn đẻ ra tôi nữa...
- Câm mồm.
Sáu đáp, với giọng khẽ khàng. Y không muốn những người xung quanh nghe được câu chuyện của họ, cho dù ba anh em đã ăn riêng mâm, trong một phòng biệt lập, nhưng lời qua tiếng lại vẫn có nguy cơ vọng ra bên ngoài. Vả chăng, còn đám gia nhân phục dịch khi lấy rượu, lúc thay nước dùng, hoặc mang những món ăn mới.
- Tôi bảo chú câm mồm.
- Tôi không câm.
Người em trai càng hét to hơn nữa:
- Tôi không muốn bố tôi bị bật mả quăng thây vì những tội lỗi của anh.
Quyền cao chức trọng anh hưởng, sơn hào hải vị anh xơi, ông cụ nằm dưới đất chưa được miếng nào.
Tới đó người em thứ can thiệp. Hai bà chị khác từ phòng bên cũng bước vào van xin Lê Đinh để anh ta hạ giọng cho... Sáu không nói thêm một lời. Hơn một tháng sau, Lê Đinh dẫn theo hai tuỳ tùng vào Thanh Hoá săn thú. Anh ta có một thú vui không bao giờ quên, cũng không bao giờ chán là đi săn. Nhiều lần anh ta bỏ cả các cuộc họp hội đồng bộ trưởng khi cuộc săn dang dở. Con người này là tay săn thú thượng thặng. Có lẽ trời sinh ra anh ta trước hết là để trở thành đao phủ của thú rừng. Trong bộ sưu tầm kiêu hãnh của nghề săn, anh ta có năm con hổ, hơn hai chục con gấu ngựa. Còn lợn lòi, hươu nai hoẵng và những loài vặt vãnh khác thì không kể xiết.
Lần đi săn ấy, Lê Đinh chết ngay trong xe hơi, trên đoạn đường giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá. Người ta thông báo là anh ta ngứa tay giở súng ra lau, rồi không may súng bị cướp cò...
Cậu cần vụ đi ngang sân chùa, khay trà trên tay; gương mặt tròn xoe đỏ dừ, mồ hôi vã đầy trán. Leo hết mấy bậc thềm, anh chàng lấy chân đá cho cánh cửa mở rộng rồi kính cẩn đặt khay trà trước mặt ông:
- Dạ, mời chủ tịch dùng trà. Con chuẩn bị hơi lâu vì ấm điện bị hỏng, phải đun nước nhờ bếp nhà chùa.
- Không sao. Chú để đấy cho tôi.
- Thưa người, đây là bánh đậu mới. Tỉnh uỷ Hải Dương vừa gửi biếu.
- Cảm ơn.
Người lính gác lui ra, lưng áo đẫm mồ hôi. Chắc chắn cậu ta đã khổ sở lắm khi phải chui vào gian bếp bé tí bé tẹo của nhà chùa. Vì to béo, cứ gần hơi lửa là anh chàng đổ mồ hôi ròng ròng như tưới. Ông nhớ mùa hè năm trước khi cậu ta tháp tùng ông làm một chuyến dạo chơi khu núi quanh chùa trong khi chờ Lễ và chuyên gia « phun thuốc muỗi », mồ hôi anh chàng không chỉ thấm ướt sũng lưng mà còn ướt sũng cả phần quần che đôi mông to béo cong như mông đàn bà. Mồ hôi cũng chảy không ngừng trên trán, trên mặt. Cậu ta phải vắt trên vai một chiếc khăn bông to đùng để lau. Lúc đó, ông bảo:
- May mà tôi là chủ tịch nước Việt. Nếu tôi sinh ra ở châu Phi ắt hẳn cậu không sống sót được vì nóng.
- Được chứ ạ. Bảo vệ chủ tịch thì dù đến nơi nào con cũng đi!
Anh chàng trả lời ngay tức khắc. Sau đó, họ không nói thêm lời nào nữa cho tới lúc quay lại chùa. Nhưng ông nhớ cái kỉ niệm cỏn con ấy. Trong đời ông không thiếu những kỉ niệm đẹp, cũng chẳng thiếu người ngưỡng mộ thậm chí sùng bái ông. Nhưng không hiểu vì sao ông luôn nhớ tới những kỉ niệm vặt vãnh với cậu lính phốp pháp này. Phải chăng chốn núi non quạnh vắng khiến lòng người cần hơi ấm đồng loại? Phải chăng vì ông đã quá già và với tuổi già tính dễ xúc động ấu nhi lại quay về? Hoặc phải chăng vì sau bao nhiêu thăng trầm, nếm trải bao nhiêu phản trắc, ông cần bấu víu vào một hình ảnh nào đó mang phần tốt lành của thế nhân để những năm tháng cuối cùng của cuộc đời bớt đi phần đớn đau khốc liệt? Ông không biết nữa. Ông cũng không còn nhu cầu phân tích mọi sự một cách rạch ròi. Nhưng bằng linh giác, ông biết con người này có thiên lương cư mệnh, xứng đáng để cho ông tin tưởng. Bằng linh giác, ông tìm thấy hơi ấm khi gã trai xồ xề sởi lởi ấy đứng bên mình. Dường như xung quanh anh ta không gian được sưởi ấm bằng một thứ ánh sáng vô hình; thứ ánh sáng của lòng tốt bẩm sinh, sự trung thành bẩm sinh, tình trìu mến bẩm sinh.
- Chú đã nếm thử bánh đậu chưa?
- Mời chủ tịch. Chúng con sẽ có phần vào bữa ăn cuối tuần.
- Chờ đến cuối tuần thì lâu quá. Hãy nếm trước một nửa đĩa bánh hôm nay. Cổ nhân dậy:Việc hôm nay chớ để ngày mai. Ăn uống cũng như vậy.
- Không đâu ạ! Con không dám...
- Đây là chỉ thị của tôi. Chú phải gánh bớt nửa phần trách nhiệm vì nếu tôi ăn hết đĩa bánh này chắc chắn tôi sẽ bỏ cơm chiều hoặc uống thuốc xổ.
Ông đưa cho anh chàng nửa phần bánh và nhìn cậu ta đi sang bên kia sân. Phiên gác đêm cần có hai người, nhưng ban ngày chỉ một là đủ. Ông chọn cậu ta gác phiên ngày vì thi thoảng ông cần phải rời căn phòng, tự giải thoát bằng cách đi quanh quẩn trên những lối mòn bao quanh chùa, dẫn vào khu rừng phía sau hoặc ngọn núi bên kia vực.
« Ta cũng giống như thằng tù. Không ăn cơm hẩm, nhưng thứ corvée ta phải làm còn muôn phần khốn khổ hơn thứ corvee mà những người tù khổ sai khác phải gánh vác. »
Trong những cuộc dạo loanh quanh như thế, khi anh chàng béo kề cận, ông cảm thấy nỗi u uẩn vơi bớt đôi phần. Những gì đáng e dè ngờ vực với người khác, ông có thể san sẻ với cậu ta một cách đơn giản, hầu như không suy tính. Hôm qua, chính cậu ta đã xuống xóm Tiều Phu thăm thú gia đình người chết và quay về kể mọi chuyện cho ông. Thoạt kì thuỷ, ông đề nghị Lễ nói rõ là anh ta đã đặt bao nhiêu tiền vào chiếc phong bì ông đem viếng. Vẻ lúng túng của anh ta cho biết điều ông dự cảm hoàn toàn chính xác. Chiếc phong bì lớn nhưng món tiền lại quá còm. Ông yêu cầu anh ta chuẩn bị số tiền bổ sung, đưa cho chàng béo mang xuống xóm Tiều Phu.
Cậu lính đi rồi, ông mới nhận ra sự sơ xuất của mình: Người ta có thể đặt dấu hỏi cho sự quan tâm quá đặc biệt của ông với gia đình người tiều phu xấu số, bởi mỗi ngày có hàng ngàn người chết do chiến tranh, rủi ro, bệnh tật. Và ông, chủ tịch một quốc gia, ông phải có những mối quan tâm hàng đầu đối với lợi ích của dân tộc với vận mệnh của đất nước, vì duyên cớ gì chú tâm thái quá vào một cá nhân, điều này có vẻ như sự phi lý, như sự xuống cấp về tinh thần trách nhiệm, hoặc sự thoái hoá về khả năng suy nghĩ và quyết đoán. Một sự tò mò thái quá chỉ có thể là sản phẩm của một cuộc sống nhàn rỗi, lười biếng hoặc của một bộ óc vô năng. Một sự tò mò thái quá là khuyết tật cần phải loại bỏ ngay với những người đàn ông bình thường, huống chi với ông, lãnh tụ tối cao của một quốc gia?
Nhưng rồi tức khắc một cơn tức giận ập tới, hiển hiện dưới khuôn mặt xanh xao của một kẻ lữ hành. Một gã đàn ông luống tuổi, dường như lạ dường như quen, cau mày nhìn ông và lên tiếng:
« Có nghĩa gì? Tất thảy những nghi vấn khôn ngoan, những dè dặt cần thiết của một ông vua già trong hầm tối? Có nghĩa gì mọi che chắn cho một con tim thương tổn và một bộ não bị giam cầm? »
Và ông chợt nhận ra rằng kẻ lạ mặt đang đối diện không phải ai khác mà chính là ông, giờ đây đang cười nụ cười buồn rầu và cợt nhạo. Không nhìn gã, ông lớn tiếng đáp:
« Ông có lý! Ta khuất phục nỗi tò mò này vì chính ta muốn thế, vì cương vị chủ tịch nước không còn là con át chủ bài trong tâm hồn ta nữa, vì những đớn đau của kẻ làm cha buộc ta phải nhìn thẳng vào tội lỗi của mình, vì những hối tiếc của kẻ làm chồng buộc ta tìm kiếm người tiều phu kia như tìm một tấm gương chiếu rọi lương tâm. Ta có quyền được ăn năn, có quyền được sám hối, có quyền được yêu thương những người ta muốn yêu thương, và do đó những đòi hỏi của lương tâm là hợp lý. ».
Ông đưa mắt rõi theo cậu lính, mỗi lúc mỗi nhỏ dần trên con đường xuống núi, cho đến khi cậu ta hoàn toàn biến mất sau những mỏm đá nhấp nhô và những bụi sơn trà. Rồi những làn mây trắng mướt, mỏng manh như cánh bướm, dập dìu giăng mắc quanh các đỉnh núi che lấp một cách hững hờ mặt trời mùa xuân:
« Người yêu dấu, ta biết rằng mọi sự đã lỡ làng, rằng thuyền đã vỡ khôn hàn chắp những mạn ván bập bềnh trên sóng, rằng cây đã bị đốn không thể hồi sinh, người nơi chín suối không còn lối quay về. Nhưng ta vẫn muốn truy đuổi đến cùng tội lỗi của chính ta, trước vong linh nàng và trên mạng sống của hai đứa trẻ. Ta không thể và không cần đứng trước pháp đình nơi hạ giới, nhưng ta sẽ phải đối mặt nàng trước pháp đình của một cõi thiêng liêng. Ta biết nàng sẽ chờ ta nơi đó. »
Người đàn ông kia đã quay lại, đứng sừng sững trước mặt ông và đưa mắt nhìn ông một cách khinh bỉ. Lòng tự ái bị thương tổn khiến hai thái dương chủ tịch nóng bừng. Ông nhìn thẳng vào kẻ khiêu khích. Lần này ông thấy gã giống ông như hai anh em sinh đôi, tệ hại hơn, như hai giọt nước. Từ hình dạng, màu da sắc tóc, cử chỉ, trang phục cho đến ánh mắt. Chỉ có điều gương mặt gã dửng dưng, sự dửng dưng bất cần đời của trang hiệp sĩ sẵn sàng múa gươm dưới trăng cho thoả giấc mơ rồi chết:
- Vì sao ngươi mãi dùng dằng trong một nỗi hối tiếc muộn màng, trong một mối ăn năn không còn cơ giải thoát?
- Vì tôi cũng là một con người như muôn triệu kẻ khác. Tôi không thể thoát nổi nhu cầu yêu thương và muốn được yêu thương của một người cha, một người chồng. Quyền ấy là chính đáng.
- Nhưng chính ngươi đã chấp nhận khước từ những tình cảm bình thường ấy. Chính ngươi đã chấp nhận thiến hoạn cuộc sống của một người đàn ông để làm vui lòng các đồng chí của ngươi, những kẻ nhân danh uy tín Vị Cha già dân tộc mà sát hại vợ con ngươi, và cũng vì trong sự đồng thuận ấy, ngươi tìm thấy những tiện nghi cho vai trò vĩ đại của bậc gia trưởng toàn dân tộc.
- Không, không tôi không bao giờ chấp nhận điều đó. Mọi sự đều xảy ra phía sau lưng tôi, trong bóng tối. Tôi là kẻ bị phản bội.
- Nếu là kẻ bị phản bội, ngươi chỉ có thể rơi vào một trong hai trạng thái này: hoặc là quá cả tin, hoặc là thiếu khả năng phán đoán. Hai trường hợp đều có chung một cơ sở: sự thiếu thông minh, nói trắng trợn là ngu dốt.
- Có lẽ...Có lẽ tôi ngu dốt, ngu dốt thật sự. Có điều là nỗi nhục nhã ấy chỉ được nhận chân một cách muộn màng.
Ông nhấm miếng bánh để làm bớt đi vị đắng của ý nghĩ cuối cùng.
Miếng bánh đậu cổ truyền ngọt khé khiến ông phải chiêu vội bằng nước trà còn nóng bỏng. Rồi cái ý tưởng dùng vị ngọt của vật chất để làm giảm nỗi đắng cay trong tâm hồn khiến ông mỉm cười chua chát. Giờ ông hình dung lại những vương triều sụp đổ, vàng rơi ngọc nát, bao nhiêu mũ mãng cân đai, bao nhiêu xiêm y lộng lẫy rồi cũng mục rữa, cùng những thây ma làm mồi cho ròi bọ. Những kẻ sống nơi lầu son gác tía xưa kia, hẳn cũng đã từng nhiều phen mài ngọc trai hay sừng tê uống để tẩm bổ tấm thân mỹ lệ, hoặc để làm nguôi dịu đi vị chát trong tâm hồn? Bi kịch của quyền lực cũ như trái đất. Chỉ có điều khác biệt giữa những vua chúa xưa và ông ngày hôm nay là ở chỗ định danh: các vua chúa là những kẻ thừa hưởng quyền lực của tiền nhân cũng giống như thứ dân thừa hưởng gia tài do tổ tiên di tặng. Còn ông, ông không có một chút của thừa tự vật chất cũng như tinh thần, ông là kẻ tay trắng dựng ngôi, nước lã vã nên hồ. Vốn liếng duy nhất ông là sự cảm phục và yêu mến của dân chúng. Đó là vương miện của ông! Đó cũng chính là tù ngục của ông!