Số lần đọc/download: 28364 / 471
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:24 +0700
Chương 12
T
ừ trong một cái "Snack bar" rẻ tiền, Trần Đại ngồi uống bia nhìn ra. Những khuôn mặt công nhân hằn lên nỗi hận thù. Họ vẫn đình công vì yêu sách của họ không được giải quyết thỏa đáng. Cai thầu Lưu cờ Phúc, tên cáo già của bến tầu, kẻ chuyên môn sống bằng mồ hôi nước mắt của công nhân, dễ chi chịu mất miếng mồi ngon. Dựa vào thế lực của Liên đoàn, cậy nhiều tiền tung ra đấm mồm cơ quan này, cơ quan khác, cai thầu Phúc không hề nao núng trước cuộc vùng lên đấu tranh đòi cơm áo và công bằng của công nhân kho 18.
Bỉ ổi hơn, cai thầu Phúc còn mướn du đãng hành hung công nhân cấm không cho công nhân đình công. Khí giới của người lao động trong nước dân chủ là đình công. Chính phủ không dám ngăn cản, thế mà cai thầu Phúc đã dám dựa vào thế lực của cái Liên đoàn của hắn, dựa thế lực của cơ quan an ninh địa phương, tung du đãng vào cuộc, đàn áp công nhân.
Chính mắt Trần Đại đã trông thấy cảnh đàn áp bỉ ổi này. Bọn du đãng Khánh Hội, dưới quyền chỉ huy của Năm Lửa sinh sự và đánh đập công nhân, Trần Đại đã nghiến răng nuốt giận hờn. Sự thực ra như ban ngày. Trần Đại không còn ngần ngại gì nữa. Hắn sẽ ăn thua với cai thầu Phúc dù hắn chẳng có chút uy thế gì và cũng chẳng hưởng lợi lộc gì. Trần Đại và anh em hắn chỉ có tấm lòng và sự hận thù.
Lòng tên du đãng se lại khi nhin những khuôn mặt hằn lên những nét tủi nhục, phẫn uất của anh em kho 18. Đã sống chui rúc trong cái xóm nghèo, đã có đàn em loại Năm Hòa Hưng và nhiều đàn em khốn nạn khắc. Trần Đại hiểu và chua sót cho kiếp sống bần hàn của giai cấp thợ thuyền.
Hắn biết, giờ phút này, khi anh em công nhân đang ngồi trước cửa kho 18 đình công để đòi sự công bình và tiêu diệt chế độ cai thầu bốc lột thì tại những khu xình lầy hôi thối như cầu Tân Thuận, Cầu Móng, Kho Năm, chợ Xóm Chiếu, dưới những mái nhà lá lụp sụp tồi tàn, vợ con của anh em mỏi mắt chờ tin tức. Chủ sẽ đuổi chồng con mình? Thì sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp, đói cơm, đói sữa. Chính phủ sẽ bênh vực chồng mình? Thì đời sống đỡ bị bóc lột, bát cơm đầy hơn, ngọn đền dầu sáng hơn...
Trần Đại mường tượng ra cảnh thất nghiệp. Hắn nghiến răng ken két. Cô chiêu đãi viên nhìn hắn rất lạ lùng. Cô ả gạ chuyện:
- Giận ai đó?
Trần Đại nóc cạn ly rượu bia:
- Giận tất cả.
- Tất cả là những ai?
- Là những thằng người, nhất là những thằng cai thầu!
Cô chiêu đãi viên tái mặt đi:
- Anh nói khe khẽ chứ...
Trần Đại vờ say:
- Khe khẽ cái gì, cai thầu là cái thớ gì...
Cô chiêu đãi viên lảng lơ bịt miệng Trần Đại lại:
- Thương anh lắm em biểu anh nói khẽ chứ đó. Khu này là khu của Lưu cờ Phúc. Nó làm cha khu này mà. Lính thân với nó lắm. Hó hé một chút, nó kêu lính xúc đi, đánh tơi người. Thả ra chỉ có nước bể phổi.
Trần Đại giả đò sợ sệt:
- Lưu cờ Phúc là ai đó cô em?
- Là cai thầu.
- Nó ba đầu sáu tai hở?
- Đâu có, nó nhiều bộ hạ lắm. Thằng nào thằng ấy đâm người không biết gớm. Mấy bữa rày, anh em phu khuân vác làm reo không đi làm, nó mướn bọn du đãng. Năm Lửa tới đánh phu khuân vác có người hộc máu mồm. Trần Đại ôm ngang bụng cô chiêu đãi viên, nghịch ngợm:
- Cưng này!
- Chi đó anh?
- Cưng chỉ dùm anh xem bọn lố nhố bên kia đường có thằng nào là du đãng không?
- Vô khối anh à!
- Thằng nào là cai thầu Phúc?
- Nó không có ở đây đâu.
- Nó ở đâu?
- Nó ở phòng gắn máy lạnh, đi xe Huê Kỳ chứ đâu thèm đứng đây.
- Cai thầu mà hách thế cơ à?
- Các thầy xếp mã tà còn ngán nó đó anh ạ?
Trần Đại buông cô chiêu đãi viên ra. Hắn nhin thẳng vào mặt cô ả:
- Em sợ cai thầu Phúc không?
Cô chiêu đãi viên lắc đầu:
- Em ghét nó thì có.
Trần Đại ngắm kỹ cái "Snack bar" nghèo nàn, tồi tệ đến nỗi Mỹ chê, Tây ngán. Và "Snack bar" này biến thành quán cà phê túi. Rượu nặng nhất là bia. Trần Đại hỏi:
- Quán này của em hay em làm thuê?
- Của em.
- Em có muốn giết bọn Năm Lửa không?
- Tụi nó phá em quá anh ơi! Đứa nào cũng có dao con chó sợ muốn chết, nghĩ gì chuyện hại nó.
Trần Đại suy tính một lát rồi nói:
- Anh định mượn cái quán của em để "chơi" cai thầu Phúc. Nhưng thôi, để em buôn bán.
Cô chiêu đãi viên nghe Trần Đại nói, toát mồ hôi. Cô ả thẫn thờ run cầm cập, há hốc miệng nhìn Trần Đại lầm lũi bước sang bên kia đường.