Dịp may ưu ái những ai can đảm

Publius Terence

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Fortunate Pilgrim
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4846 / 165
Cập nhật: 2015-09-20 13:29:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
háng ba. Chiều chủ nhật. Octavia đứng trong bếp, ngó xuống phía sau những căn nhà cho mướn này là một khoảng sân rộng, chia thành nhiều mảnh bằng những hàng rào.
Octavia ngắm nhìn khoảng đất lởm chởm gạch đá. Ai đó nhớ "quê xưa" dùng một cái thùng, với chút đất, trồng cái cây khẳng khiu, lưa thưa mấy cái lá vàng vọt. Trong ánh sáng bàng bạc buổi chiều đông, một chậu bông trống rỗng màu đỏ nổi bật trên nền xi măng. Trên khoảng không, chằng chịt dây phơi quần áo được giăng từ cửa sổ tới những cọc cây cuối sân.
Octavia cảm thấy mệt mỏi khủng khiếp. Có lẽ tại trời lạnh, mùa đông kéo dài, không chút nắng và cũng có thể vì những giờ làm việc dài đằng đẵng. Kinh tế khủng hoảng, giờ làm tăng, lương lại bớt. Đêm đêm mấy mẹ con còn phải nhận việc đính khuy áo lẻ vào vỉ cạc tông để kiếm thêm tiền. Ngặt nỗi mấy thằng em cô chê tiền công bèo quá, "một xu một vỉ" nên ít khi chịu làm. Cô đành cười trừ với chúng.
Cô cảm thấy toàn thân nóng hổi, đầu, ngực nhức buốt. Tâm trí lo lắng. Mất khoản tiền chu cấp của Larry làm sao lo nổi cho mấy đứa nhỏ đây? Mấy tuần nay, cô phải đi rút tiền tiết kiệm. Vậy là ước mơ dành dụm để làm chủ một mái nhà tiêu tan hết.
Nhìn xuống quang cảnh tiêu điều, chỉ có con mèo đang đủng đỉnh bước trên ngọn hàng rào, Octavia nghĩ tới Gino và Sal. Hai thằng nhỏ đang lớn lên để rồi lại trở thành những con người lao động ngu dốt, thô lỗ, tục tằn, sống chui rúc trong khu ổ chuột, nuôi bầy con nheo nhóc trong cảnh nghèo hèn. Một mối lo tràn ngập trong lòng cô, kéo theo cơn buồn nôn, choáng váng. Cô như thể cảnh các em khúm núm, luồn cúi xin xỏ sự bố thí như cha mẹ chúng phải xin miếng ăn để sống còn.
Cô quá bần thần khi nghĩ tới tương lai không sáng sủa của thằng Vincent. Nó sẽ phải đi làm sớm để giúp chị và các em. Nhất định là không còn cách nào khác hơn. Còn thằng mất dạy Larry nhè đúng lúc gia đình cần sự giúp đỡ của nó thì nó lại tách ra. Vậy mà nó vẫn trơ tráo lết xác từ lầu hai lên ăn. Đàn ông mà bần tiện vậy đó. Thoáng hiện trong cô hình ảnh một thằng đàn ông trần truồng, lông lá xồm xoàm như con khỉ đột, cái giống to đùng cứ cương lên. Đúng là chân dung đàn ông. Mặt cô nóng đỏ, mệt đến không còn đứng nổi, trở vào ngồi trên cái ghế trong bếp, Octavia cảm thấy tức ngực đến ngộp thở và thật sự khiếp đảm khi nhận ra mình bị bệnh thật rồi.
Chính Gino là người đầu tiên về nhà bắt gặp chị nó đang gục đầu sợ hãi, khóc lóc, phun trên khăn trải bàn những đốm máu. Octavia thì thào:
- Sang bà Zia Louchee gọi mẹ cho chị.
gino sợ hãi chạy như bay xuống cầu thang.
Hai mẹ con về tới. Octavia đã ngồi ngay ngắn trên ghế. Cô định lau chùi dọn dẹp để mẹ cô khỏi thấy vết máu nhưng sợ mọi người tưởng cô làm bộ bệnh trong lúc gia đình đang khó khăn.
Bà mẹ chạy vội vào, nhìn con gái đang mệt mỏi thẫn thờ và những đốm máu trên khăn bàn. Bà bật khóc:
- Lạy Chúa tôi!
Thằng Gino cũng lảm nhảm:
- Lạy Chúa lòng lành!
Màn biểu diễn tình cảm làm Octavia nổi sùng. Nhưng chỉ một thoáng bà mẹ bình tĩnh lại ngay. Bà dắt con gái vào buồng, đặt lên giường. Bà quay lại quát thằng Gino:
- Chạy đi mời bác sĩ Barbato ngay.
Cảm thấy mình rất quan trọng, thằng Gino chạy thoăn thoắt xuống bốn tầng lầu.
Chờ cho Octavia nằm yên trên giường, Lucia mới đi lấy chai dầu nóng, xoa lên trán, lên mặt con gái. Nhìn vẻ căng thẳng rầu rĩ của mẹ, Octavia ráng nói đùa:
- Đừng lo mẹ ơi, con không sao đâu. Con chưa đến nỗi không chồng mà chửa. Con vẫn là đứa con gái Ý ngoan ngoãn đó.
Nhưng những lúc như vầy, Lucia Santa chẳng thể nào cười nổi. Đời đã dạy cho bà nhiều bài học số phận bị chơi khăm.
Ngồi bên con, đợi bác sĩ đến, bà cố động não đoán thử đây là căn bệnh gì, tai hoạ gì sắp xảy ra đây? Sao mà tai hoạ dồn dập vậy, bệnh chồng nặng tới mức phải chuyển đi xa, con trai mới chút tuổi đầu đã lấy vợ, bây giờ con gái lại ốm đau. Bà cố bình tĩnh. Rõ ràng đây chẳng còn là bất hạnh của một cá nhân, mà cả gia đình đang bị lâm nguy. Cả nhà đang tuột dốc thê thảm.
Bác sĩ Barbato cùng Gino vào phòng. Lúc nào hắn cũng mày râu, quần áo bảnh bao. Hôm nay đã sửa soạn để đi xem hát, vé mua rồi, nên bác sĩ định từ chối, và bảo Gino đến bệnh viện miễn phí Bellevue. Nhưng thấy vẻ đau khổ của Gino, bác sĩ Barbato không nỡ từ chối.
Khi thấy cô gái và nghe khai bệnh, hắn biết đã mất thời gian vô ích. Con bé này cần vào bệnh viện thôi. Nhưng hắn cũng ngồi xuống bên giường. Rõ ràng vượt e ngại khi ông bác sĩ khám cho bệnh nhân còn quá trẻ lại thêm bà mẹ cứ ngồi trợn mắt nhìn từng cử chỉ của anh thầy thuốc. Hắn ghê tởm nghĩ "Cái đám người Ý này cứ tưởng lúc nào đàn ông cũng sẵn sàng đè một cô gái ra ngay trên giường bệnh chắc". Hắn ráng bình tĩnh bảo:
- Nào, thưa bà, bây giờ tôi phải khám cho cô ấy. Bà bảo thằng nhỏ ra ngoài đi.
Bà quay lại thấy Gino, tát cho nó một cái nên thân:
- Đi. Tao cho phép đi chơi một lát đó.
Tưởng được khen vì sốt sắng với chị, chẳng ngờ bị tát tai, Gino hậm hực bỏ vào nhà bếp.
Bác sĩ Barbato đặt ống nghe lên ngực bệnh nhân, mắt đăm đăm vào khoảng không đúng vẻ thầy thuốc. Hắn thật sự ngạc nhiên. Con bé ốm quá, nhưng mông to, hông nở. ốm yếu như vậy mà mặt mày vẫn đầy đặn, chẳng chút tiều tuỵ. Đôi mắt nâu to, sũng nước của cô nhìn hắn đầy lo lắng. Anh thầy thuốc, lòng không chút vẩn đục, ghi nhớ vào tâm khảm cái thân thể chín mùi cho tình yêu. Trông cô chẳng khác gì bức tranh khoả thân hắn đã từng chiêm ngưỡng khi được sang Ý ở kỳ tốt nghiêp. Cô thuộc típ cổ điển, kiểu đàn bà vượng phu ích tử. dù bệnh tật hay không, cô bé này cần nên lấy chồng cho sớm.
Hắn đứng lên, đắp tấm khăn trải giường lên người lại cho cô rồi bảo:
- Bệnh cô mau khỏi thôi.
Hắn ngớ người khi nghe Octavia nói, lúc hắn ngoắc bà mẹ ra một góc:
- Bác sĩ cần nói gì xin nói trước mặt tôi. Dù gì thì mẹ tôi cũng cho tôi biết. Mẹ tôi không biết xoay trở ra sao đâu.
Hắn cũng đã từng nghe nói, đối với loại người quê mùa này chẳng phải giữ tế nhị nghề nghiệp nên nói luôn:
- Cô bị sưng màn phổi. Không nặng lắm, nhưng vẫn phải đi bệnh viện để an dưỡng và chụp hình phổi. Cô ho ra máu không phải chuyện chơi đâu. Phổi có vấn đề.
Hắn thoáng nghĩ đến vở hát sắp xem tối nay. Nhân vật chính trong cơn hấp hốI vì bệnh lao phổi khóc than dưới ánh đèn rực rỡ, vì mất người yêu, mất cả lạc thú trên đời. Liên tưởng đến điều này, bác sĩ thành thật bảo:
- Bà đừng lo. Dù có bị phổi thật nhưng chưa đến nỗi nào đâu. Tình trạng xấu nhất thì cô ấy cũng chỉ phải nằm bệnh viện vài tháng thôi. Ngày mai đưa cô ấy vào Bellevue. Tôi cho cô ấy ít thuốc uống đỡ đêm nay.
Hắn lấy một lọ thuốc mẫu, do các hãng bào chế gửi tặng quảng cáo, đưa cho bà mẹ, rồi dặn thêm:
- Nhớ phải cho vào viện sáng mai. Căn hộ này lạnh quá, trẻ con lại ồn ào, mà cô ấy cần tĩnh dưỡng. Bà nhớ làm theo lời tôi và đừng lo lắng quá.
Bác sĩ ra khỏi nhà, vừa tự bằng lòng vừa bất mãn. Thay vì hai đô quèn, hắn có thể moi được mười lăm đô nếu kéo dài chữa trị cho cô đến tuần sau, bắt cô đến phòng mạch của hắn để chụp X quang và bày ra đủ thứ lỉnh kỉnh khác nữa. Hắn thấy nhà nghèo quá, nhưng cũng phải chém đẹp. Công lao học hành tốn kém mà ăn công bèo quá khác nào phụ bao công lao dưỡng duc của ông già sao. Cũng may cô gái không phải con nhà Panettiere. Nếu cô là con lão chủ lò bánh, hắn sẽ vớt thẳng tay đến sập tủ sắt. Mà lại rất đàng hoàng, chẳng phải biện minh hay gian lận gì hết. Gia đình người bệnh còn ơn nghĩa hắn nữa chớ. Hắn mong mỏi một ngày kia sẽ mở phòng mạch ở một vùng dân cư giàu có. Hắn sẽ làm giàu với một lương tâm thanh thản.
Bác sĩ Barbato thuộc loại người không thể chịu nổi từ cái mùi đến cảnh nghèo khổ. Đôi khi yếu lòng, hắn bất ngờ làm những hành động nhân từ để rồi mấy ngày sau vẫn còn đau khổ. Vì bác sĩ Barbato luôn nằm lòng rằng lòng tốt chỉ có hại, chẳng hay ho gì.
Trong nhà bếp, Sal và Vincent đi xem phim về, lặng lẽ ăn bánh mì khô chấm dầu dấm. Gino ngồi nơi góc bàn làm bài tập ở nhà.
Bà mẹ buồn rầu nhìn mấy đứa con rồi bảo Gino:
- Này, mẹ cho mày một hào, mở bóp mẹ mà lấy, rồi chạy xuống gọi anh Lorenzo lên đây ngay.
Gino đứng phắt dậy, nhanh nhẹn làm theo lời mẹ. Lucia thấy thương nó, vì trong lúc bối rối chiều nay, bà đã đánh oan nó.
Sáng hôm sau Lucia Santa quyết định làm một việc mất lòng tất cả chòm xóm, những người đang xót xa cho hoàn cảnh bất hạnh của bà. Đến cả bác sĩ Barbato ăn nói rất đàng hoàng từ khi bước chân vào trường thuốc cũng phải văng tục bằng tiếng Ý. Mụ già Zia Louchee cũng luôn miệng rủa Lucia. Lucia Santa chơi nổi mà ngu? Thật ra chỉ vì bà quá thương con. Bà bắt Larry lái xe đưa bà và chị nó chạy thẳng một mạch đến bệnh viện Pháp trên đường Số Ba Mươi, thay vì đến nhà thương thí Bellevue. Bệnh viện Pháp tất nhiên tốn kém nhiều hơn, được cái là vui vẻ, sạch sẽ, y tá lịch sự, bác sĩ ân cần, y công tận tuỵ. ở đây khỏi phải chờ đợi nhiều giờ trong những hành lang tăm tối. Con gái bà được đối xử đúng như một con người, một thành phần xã hội có khả năng chi trả.
Mà thật ra chính Lucia Santa mới là người ngạc nhiên vì quyết định của mình nhất. Đấy chính là bước điên rồ kỳ quặc để vét sạch hết tiền dành dụm suốt bấy nhiêu năm. Đây không phải là hành động của người chắt chiu cơm áo cho gia đình, mà là hành động kiêu căng đầy ngạo mạn, trong lúc gia đình đang túng thiếu.
Nó có những lý do làm bà mẹ suốt đêm không hề chớp mắt. Bà như nhìn thấy đứa con gái xinh đẹp bị giam hãm trong cái nhà thương thí đó. Lạc lõng trong những hành lang buồn thảm, bị người ta mắng chửi tệ hại hơn con vật. Rồi còn điều dị đoan: chồng bà vào đó không biết bao giờ có ngày trở lại. Đó là nhà xác, đâu phải nhà thương. Con gái bà sẽ chết mất. Người ta sẽ mổ xẻ con bà thành từng miếng nhỏ, đem ngâm vào những bình thí nghiệm.
Vậy là Lucia Santa bỏ ngoài tai lời khuyên của họ hàng, bạn bè chòm xóm. Bà âm thầm lặng lẽ khóc. Rồi quyết định đưa con gái đi sớm, không để ai nhìn thấy khuyên lơn. Bà khóc vì trên đời này chẳng có ai đầy đủ nghị lực để mà trông cậy. Mà bà thì không muốn cầu xin lòng trắc ẩn. Buổi sáng ra khỏi giường, bà đã bình tĩnh lại, mạnh mẽ và rất tự tin.
Sau khi tụi nhỏ tới trường, Larry và mẹ trùm kín mền cho Octavia, dù cô đã được mặc áo ấm. Hai mẹ con đưa cô xuống xe. Chui vào xe rồi bà mới kêu Larry:
- Mày chạy thẳng tới bệnh viện Pháp nhé.
Octavia vừa định phản đối, bà quát ngay:
- Im đi! Con cái không được cãi!
Thủ tục nhập viện mau chưa từng thấy. Octavia được đưa vào một buồng dễ thương, yên tĩnh, sạch sẽ cùng một cô gái nữa. Bệnh viện mà trên tường còn treo cả tranh ảnh nữa. Tuy luôn cảm thấy ganh với chị, Larry cũng bảo mẹ: mỗi tuần sẽ phụ với bà năm đô la, cho tới khi Octavia đi làm trở lại. Bà mẹ đặt tay lên người nó một lúc rồi nói:
- Con ngoan lắm.
Nghe giọng bà, Larry biết nó không được bà tin cậy. Nó không được bà yêu quý săn sóc như Octavia. Nếu nó ở địa vị Octavia, nó sẽ không bao giờ để quỵ ngã vì bệnh tật.
Như vị tướng bị vây trong cơn nguy khốn, Lucia Santa nát óc suy nghĩ đắn đo công việc gia đình. Phải sắp đặt kế hoạch chiến thuật, chiến lược, tính toán thu nhập, đo lường tình cảm đồng minh…
Vì Octavia sẽ vắng nhà khoảng sáu tháng, có thể sẽ nghỉ làm một năm, vậy là mất đứt một năm tiền lương. Lorenzo mỗi tuần đưa năm đô la, thỉnh thoảng đưa thêm vài ba đô nữa. Thằng Vincenzo làm bên lò bánh được năm đô mỗi tuần, cộng với khoản bánh mì không phải trả tiền. Thằng Gino là thằng vô tích sự, Sal và Lena còn nhỏ quá.
Bây giờ vợ Larry lại có bầu, có lẽ chẳng nên trông cậy gì vào khoản tiền của thằng Larry nữa.
Không, phải tính cách khác thôi. Ba năm nữa Vincenzo mới hết trung học. Có cần thiết phải cho nó tốt nghiệp không? Còn Gino, thằng đầu bò, đầu bướu này, lâu nay được nuông chiều, phải cho vào khuôn phép, bắt nó phụ giúp gia đình.
Chưa bao giờ bà thấy vai trò của Octavia trong gia đình quan trọng đến vậy. Ngoài vấn đề tiền bạc, chính cô là người dạy dỗ các em học hành, đưa chúng đến phòng răng miễn phí. Dù eo hẹp ra sao, cô vẫn lo đủ cơm áo cho cả nhà, vẫn dư giả it nhiều gởi tiết kiệm. Chính Octavia đã truyền thêm nghị lực cho bà. Octavia là chỗ dựa của bà, hỗ trợ bà trong những thời khắc suy sụp nhất.
Bây giờ bà phải tranh đấu một mình. Nhưng không như người đàn bà goá trẻ này xưa, tuyệt vọng và lo âu khủng khiếp. Bây giờ, bà đã già, dạn dày kinh nghiệm. Bà như một cựu chiến binh, cứng rắn đối với những tai ương, không còn yếu mềm vì những ước mơ vớ vẩn thời son trẻ. Bà phải đấu tranh quyết liệt để sống còn.
Lucia Santa quyết định xin tiền cứu trợ để nhẹ gánh lo cơm áo gia đình. Dầu Lucia Santa biết rằng sẽ có nhiều trở ngại.
Trở ngại không phải vì vấn đề lương tâm hay chút ít quà cáp cho quan chức. Sinh ra và lớn lên ở trên xứ sở mà nhà nước và nhân dân như kẻ thù với nhau, bà quá biết cách cư xử sao cho đẹp. Nhưng ngặt là nó còn những lý do khác nữa.
Cái thứ nhận tiền từ thiện có khác gì muối xát vào vết thương. Đau xót lắm. Nhà nước bố thí như mấy anh nhà giàu phải chi cho tụi tống tiền. Kẻ nhận đồng tiền bố thí là đối tượng bị nguyền rủa, nhục mạ đủ điều. Đến độ cánh nhà báo cũng nhập cuộc. Đưa ra những trường hợp đám người lì lợm xin của bố thí chứ không chịu làm lụng nuôi con. Đúng phóc là có những kẻ dùng đủ mánh khoé để moi tiền cứu trợ. Có những kẻ cả gan đâm kim vào bụng, nuốt miểng chai tạo đau ốm, thương tật để nhận bố thí. Nhưng nói chung về tình người, nhận tiền từ thiệ, người nghèo cảm thấy chua xót, mất tự trọng, thật sự khổ tâm.
Larry thu xếp để điều tra viên tới nhà. Larry tránh mặt trong buổi đó. Nó tách ra khỏi việc này. Nó cảm thấy sĩ diện thằng con trai bị thương tổn. Bà mẹ thì vội vàng giấu mấy thùng dầu đắt tiền, nhập từ bên Ý. Xin cứu trợ mà chơi sang vậy à?
Xế chiều, anh chàng điều tra viên mới đến. Đó là một thanh niên vẻ mặt nghiêm túc, trông rất khôi hài vì hai mắt tròn xoe, cặp chân mày rậm đánh thành nửa vòng tròn, mí mắt dưới thâm quầng thành nửa vòng nữa, trông anh ta như một con cú vọ. Tuy nhiên anh ta cũng lịch sự, gõ cửa đàng hoàng trước khi vào, xin lỗi gia chủ rồi mới mở tủ, kệ, đánh một vòng khắp nhà, cứ như người sắp đến thuê nhà, chớ chẳng giống thanh tra chút nào. Hắn gọi Lucia Santa bằng bà. Hắn tự giới thiệu cái tên có hơi hướm con nhà quyền quý: La Fortezza.
Hắn lắng nghe bà chủ nhà kể khổ. Hắn ghi ghi chép chép. Hắn gật gù lẩm bẩm theo, ra vẻ rất thông cảm xót xa cho sự bất hạnh của bà. Hắn nói thứ tiếng Ý của dân có học nhưng cũng dễ nghe, dễ hiểu.
Đến phần trả lời những câu hỏi trong hồ sơ. Bà bảo chẳng có đồng nào gửi ngân hàng, con cái chẳng có tiền, chẳng tài sản gì, tiên đâu mà mua bảo hiểm. Nữ trang thì chỉ độc nhất cái nhẫn cưới đây. Anh điều tra viên bảo nhẫn cưới không được tính đến.
Lập hồ sơ xong, La Fortezza nghiêng mình về trước, tay bám mép bàn, hai mắt tròn xoe nhìn bà lom lom:
- Thưa bà Corbo, tôi rất áy náy phải báo để bà biết việc này. Ba người con lớn của bà đều có tiền ký thác vì tai nạn của người cha. Nói trắng ra thì số tiền đó phải tiêu tan rồi mới được hưởng trợ cấp. Luật là luất. Nếu tôi không báo cáo số tiền này, tôi sẽ bị vướng, mất việc như chơi.
Hắn lõ mắt nhìn bà. Lucia giật mình kinh ngạc. Thì ra cái thằng trông có vẻ hiền lành này, người Ý nữa chứ, đã hành động như một tên gián điệp, dò la hàng xóm để lấy tin rồi. Phát tức vì bị sập bẫy, Lucia chua chát bảo:
- Được, vậy để tôi quăng số tiền đó qua cửa sổ vậy.
Hắn cười cười chờ đợi. Lucia Santa còn đủ tỉnh táo, hỏi:
- Cậu có cách nào giúp được không nhỉ?
Cái nhìn của hắn hơi bối rối, như con cú đang nuốt trôi con chuột vẫy vùng.
- À thưa bà, một cây làm chẳng nên non đâu….
Rồi vẫn hơi bối rối, hắn giải thích là sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi dính vô những vụ lem nhem như thế này. Nhưng hắn sẽ liều để bà có thể lĩnh hai tuần mười sáu đô la. Vụ này có thể làm hắn mất việc. Nên đổi lại, mỗi khi hắn đem ngân phiếu tới, bà cho hắn ba đô la. Vì đáng lý ra bà không được hưởng khoản trợ cấp này, nhưng hắn xé luật để giúp bà, vân vân và vân vân. Hai bên thoả thuận. Thay vì mời ly cà phê cũng chứng tỏ lòng hiếu khách, Lucia đem cả bánh ra mời để tỏ lòng biết ơn. Nhấm nháp cà phệ anh điều tra viên mới có dịp ôn nghèo kể khổ. Bố mẹ hắn cũng là những người nghèo khổ như bà, đã phải hy sinh biết bao hắn mới qua khỏi trường luật. Ra trường rồi không tìm được việc làm, phải chấp nhận công việc thấp kém này của thành phố. Làm sao để đền đáp công ơn của cha mẹ đây? Phải làm liều như vầy để bù thêm vào đồng lương chết đói. Mà lại hai bên cùng có lợi. Chỉ vậy là khi chia tay, anh điều tra và bà chủ nhà đã trở nên thân thiết.
Hai tuần một lần, La Fortezza đem ngân phiếu tới. Mỗi lần như vậy, thằng Gino liền tung sang cửa hàng thực phẩm để trả nợ và lấy tiền mặt về. Khỏi phải nói là lần nào nó cũng mua vài lạng dăm bông Mỹ đỏ hồng được bao quanh bằng lớp mỡ trắng nõn, béo ngậy và mấy khoanh bánh mì Mỹ. Lại cả phô mai cũng Mỹ luôn. Vì cậu điều tra viên yếu bụng, không ăn được đồ ăn Ý.
Gino trợn tròn mắt ngắm cảnh tượng xảy ra sau đó. Mấy miếng thịt hồng và bánh mì vàng tươm, cùng bình cà phê lớn đặt trịnh trọng trên khay. Anh chàng La Fortezza ưỡn người trên ghế, gác hai chân sưng tấy lên một ghế khác, huyên thuyên chuyện pháp đình và những nỗi khổ của hắn. Bà chủ nhà lắc đầu lấy làm thương hại. Chẳng là con người khốn khổ này đã phải leo biết bao thang gác, để cãi nhau với đám người Ý cùng đinh. Những kẻ này không những giấu giếm chuyện con cái có công ăn việc làm, lại chửi hắn là đồ Do Thái, nên mới không giúp đỡ đồng hương. Chẳng người Ý nào lại về phe của nhà nước để chống lại đồng bào.
Rồi hắn thở than:
- Ôi! Chẳng lẽ ba mẹ cháu tằn tiện từng xu, ngày nào cũng ăn toàn bột với đậu, để ngày giờ này cháu làm mửa mật mà chẳng đủ ăn sao?
Bà chủ nhà vừa nghe vừa chặc lưỡi thương hại.
Đôi mắt cú buồn rười rượi. Hắn không được khoẻ. Bốn năm đại học vất vả, bây giờ nắng mưa gì cũng phải ra đường suốt.
- Bà ạ, cháu chẳng giỏi giang thông minh lắm đâu. Gia đình cháu là dòng dõi nông dân thất học cả nghìn đời rồi, bây giờ cháu không phải lao động chân tay, ba mẹ cháu cũng đủ mừng rồi.
Tém hết thịt và phô mai, hắn đứng dậy ra về. Lucia Santa đưa cho hắn ba đô. Bà phải cầm tay hắn giúi tiền vào, cứ như nếu bà không cố ép thì chắc chắn hắn sẽ khước từ. Nhưng hắn cũng đẩy đưa qua lại, rồi thở dài, ra điều "hoàn cảnh" lắm hắn mới đành nhận.
Hai người quý mến nhau thật sự. Hắn quý bà vì tính lịch thiệp, bà còn quan tâm tới nỗi niềm của hắn. Lúc nào hắn đến cũng được uống cà phê, ăn bánh. Phần Lucia, bà thật tình tội nghiệp anh chàng luôn ủ dột này. Bà thầm cám ơn Chúa, lũ con bà đứa nào cũng vui vẻ sống. Do đó, bà không thắc mắc gì khi mỗi tuần cho chàng trai này ba đô la và ly cà phê.
Mấy tuần sau La Fortezza xoay sở cho bà được mười lăm đô la tiền phụ cấp thuê nhà. Bà lẳng lặng dúi vào tay hắn năm đô, thay vì ba như những lần trước.
Thêm vào đó mỗi lần hắn ra về, Lucia lại tiễn chân bằng một túi đầy nửa ký thịt, một chai rượu nhà làm, uống cho dễ tiêu.
Lúc này Larry đã có được một cái xe cà tàng, những khi không đi làm, lại hí hoáy sửa chữa, nên bà sai nó đánh xe đưa La Fortezza về tận phố Arthur.
Larry, La Fortezza và Gino cùng ngồi trên cái xe thổ tả nhảy chồm chồm len lỏi giữa đám ngựa, xe, tàu điện. Gino thấy anh nó luôn tỏ ra lịch sự, nhưng thỉnh thoảng vẫn đùa cợt xỏ xiên gã luật sư trẻ tuổi. La Fortezza không ngờ hắn bị đem làm trò đùa, cứ liên tục lảm nhảm kể khổ, nào là đồng lương quá bèo, nào là bố mẹ quá già không còn sức lao động nữa, hắn phải lo cấp dưỡng, đến nỗi phải cầm cố căn nhà mua trả góp. Nói đến nhu cầu tiền bạc, giọng hắn run rẩy, khiếp đảm thật sự làm Gino phải thắc mắc. Vì La Fortezza giàu có đàng hoàng. Hắn có tới hai căn nhà riêng, mùa hè nào gia đình hắn cũng đi nghỉ mát. Có ai trong khu này, làm việc cật lực suốt bốn mươi năm, mơ được đời sống như hắn chưa?
Khi hắn bước xuống xe, ôm khư khư gói quà, Larry nháy mắt với em, thằng nhóc Gino cũng nháy lại, ra điều hiểu biết.
Đất Khách Quê Người Đất Khách Quê Người - Mario Puzo Đất Khách Quê Người