Nhiều sự thất bại trên đời là do người ta không nhận ra người ta đang ở gần thành công đến mức nào khi họ từ bỏ.

Thomas Edison

 
 
 
 
 
Tác giả: Dave Barry
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Big Trouble
Dịch giả: Việt An
Biên tập: Việt An
Upload bìa: Lin Hal
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2022-04-16 15:18:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ến dân đi máy bay sành sõi nhất cũng dễ loạn phương hướng với Phi Trường Quốc Tế Miami. Biển người cuồn cuộn sóng sau dồn sóng trước, và hình như nó được thiết kế cốt sao cho tất thảy hành khách, dù muốn ra hay muốn vô, đều buộc phải thúc chỏ vào nhau. Nhà ga chính là sự kết hợp giữa một hội chợ quốc tế và trại tị nạn. Đủ các nhóm người tứ xứ hội tụ – các nhóm du lịch theo đoàn, đám học sinh đi dã ngoại, các ban nhạc salsa, các đội bóng đá, những đại gia đình – tất cả đang ngắc ngoải chờ những chuyến bay sẽ không khởi hành trong vài giờ, có khi là vài ngày nữa. Ghế ít mà đít thì đông, nên bà con đành nằm lăn lóc vạ vật trên mấy tấm thảm hôi rình, bao quanh là đống hành lí chất cao như chân đồi Appalachian, gồm các va-li cỡ đại chỉ chực bung ra vì nhét ráng, cùng búa xua những hàng tiêu dùng mua ở Nam Florida để chuyển ngược lại Nam Mỹ như TV, loa, đồ chơi, đồ gia dụng và lốp xe nguyên bộ. Nhiều món đồ kể trên được gói lại thành những vỏ kén plastic xanh xanh để phòng ngừa chôm chỉa, đó là một trong những ngành kỹ nghệ chính yếu ở phi trường, cùng một thứ khác gọi là “những cải tiến” không ngừng – chủ yếu là việc lắp đặt những biển báo mà ở đó, họ cầu xin công chúng lượng thứ cho những bất tiện trong thời gian cải tiến phi trường.
Phi trường hoăng một mùi nhiệt đới ẩm và rữa mốc, và được lấp đầy bởi muôn vàn các thứ tiếng – Tây Ban Nha, Pháp, Italy, và, om sòm nhất: đám Hành Khách Tàu Du Lịch. Các nhà du hành vừa đến bao giờ cũng tươi rói trong những bộ cánh phượt mới nhất, xăng xái sắp hàng hàng đi theo tụi hướng dẫn viên tay giơ cao những tấm bảng đề tên hãng. Họ chuyện trò rôm rả về những chuyến hải trình khác đã từng kinh qua, cười hô hố mỗi khi ai đó kể chuyện hài – cứ cách bốn lăm giây là sẽ có người kể chuyện hài – này họ đã uống bạo ra sao, này đã cờ bạc, mua sắm tẹt ga thế nào. Các nhà du hành trên đường về lại toát lên vẻ lặc lè nhẫn nhục – họ mệt mỏi, cháy nắng, say xẩm, bụng trương sình lên vì phải ráng nuốt hết mười một bữa ăn trong ngày bất chấp có đói hay không, bởi lẽ... có trong gói hết mà, bỏ uổng! Nhiều phụ nữ còn hứng chí tết tóc bím rồi đính cườm lựu hà rầm lên đó, đâu biết kiểu này chỉ hạp với mấy bé gái vùng Ca-ri-bê thôi, còn với đa phần phụ nữ trên mười sáu, chỉ khiến các nàng trông vừa khôi hài vừa đáng sợ. Bạn thấy những hành khách khệ nệ bê các tác phẩm “nghệ thuật dân gian” sản xuất đại trà – dễ thấy nhất là mấy khúc gỗ to đùng, kém thẩm mỹ và hoàn toàn vô dụng, và làm sao thiếu các thùng đựng chiến lợi phẩm lớn nhất mà họ thu được qua cuộc hải trình: rượu giảm giá! Hơi sức nào bận tâm đã ném bao nhiêu nghìn đô vào kỳ nghỉ này: Họ cười tít mắt vì lẽ đã tiết kiệm được mười đô cho một chai scotch và brandy và rượu mùi mà mình sẽ chẳng bao giờ nhấp môi tới, xách linh khinh lang khang ra sân bay, từ máy bay này qua máy bay khác, mong ngóng ngày về đặng có thể lôi chiến quả đó ra khoe với khách khứa đến chơi nhà trong những năm tháng sắp tới (“Chai này ở Virgin Islands có hai mươi ba đô rưỡi à! Biết ở đây nó bán nhiêu hông?”)
Vào cái đêm mà Snake và bầu đoàn của nó kéo vào với trái bom hạt nhân, phi trường còn bát nháo ác nữa. Chicago đang báo có thời tiết xấu, nên cố nhiên mọi chuyến bay đến Tây Bán Cầu, tính luôn việc phóng tàu con thoi, đều bị đình lại. Rồi giờ đến các hãng hàng không kêu trời vì máy bay của họ không nhận được huấn lệnh cất cánh, dù Đài Kiểm Soát Không Lưu chẳng công bố lý do nào. Rồng rắn trổ ra từ các quầy vé hàng không là những hành khách mặt mày hằm hằm, cố chen bằng được đến quầy vé để nói chuyện phải quấy với tụi nhân viên cũng đang sùng gan không kém. Cảnh sát vừa được triệu đến để gô cổ một hành khách tàu du lịch trên đường về, người đã đe dọa nhân viên bán vé với khúc gỗ lưu niệm của ông ta.
Eddie qua cửa sân bay trước tiên, kế đến là Puggy xách va-li, rồi đến thằng Snake, một bàn tay giấu dưới áo nỉ và tay còn lại bấu riết cánh tay Jenny. Cũng như Eddie và Puggy, Snake chưa có dịp vào MIA lần nào, và trong một khoảnh khắc chứng kiến đám đông cuồng loạn, nó đã nghĩ đến việc quay đầu bỏ chạy. Nhưng rồi nó lại siết chặt con chó lửa, cây đũa phép của nó, và nỗi xáo động ấy tức khắc tiêu biến. Quay đầu về đi lụm tiền lẻ nữa chắc? Chết sướng hơn!
“Ta đang đi đâu đây?” Eddie cất tiếng hỏi, ngơ ngác nhìn cảnh tượng sân bay. Nó chưa bao giờ có cảm giác lạc quẻ rõ rệt với nơi nào đến thế, mà Eddie vốn đã là cái đứa luôn cảm thấy lạc quẻ ở bất cứ nơi nào nó đặt chân đến.
“Lối kia,” Snake chỉ tay hú họa về phía một dãy quầy vé. Nó chọc khẩu súng bọc áo nỉ vào lưng Puggy và hằm hè, “Cứ đi thủng thẳng, chớ có dang khỏi tao nửa bước.” Cả bọn lững thững di chuyển qua đám đông – đi đầu là Eddie, kế đến là Puggy xách va-li, xít rịt sau nó là Snake, bước khập khiễng bên cạnh Jenny, người đang kéo lê đôi chân trên sàn và mắt nhìn trừng trừng ra trước, in hệt một zombie. Hãng bay thứ nhất chúng ghé hỏi có cái tên Snake không đọc nổi, cùng danh sách các chuyến khởi hành đến những thành phố Snake chưa từng nghe tới; mấy đứa trực quầy đang nói rặt tiếng Tây Ban Nha. Snake hất đầu ra hiệu Eddie đi tiếp. Chúng bỏ lại thêm nửa tá hãng bay vẫn với những tên gọi mà Snake không thể cắt nghĩa, đoạn tốp lại ở một quầy vé nhỏ, với chỉ một nhân viên và lèo tèo ba bốn ngoe đang đứng chờ trong hàng. Trên quầy đặt một tấm biển màu cam, đề:
AIR IMPACT!
Cửa Ngõ Đến Bahamas Của Bạn
Khởi Hành Theo Lịch Trình Hàng Ngày
Một linh cảm tốt dậy lên trong Snake. Bahamas đây chứ đâu! Nó ra hiệu thằng Eddie bước vô hàng. Cả bọn tà tà di chuyển lên, Snake vẫn giữ tay Jenny và không quên nhắc nhớ Puggy về khẩu súng sau lưng nó. Sau mười phút, băng Snake đã đến trước mặt quầy.
Nhân viên quầy là một bà mẹ đơn thân tên Sheila, người đã làm việc liên tục suốt mười bốn tiếng, bởi hai đồng nghiệp của nàng đã rủ nhau bỏ việc đúng ngày hôm đó. Air Impact! không mạnh trong chuyện giữ chân người làm của mình, bởi các phiếu lương của nó thường đến chậm như chính các chuyến bay của nó vậy, tức là chậm như rùa. Sở hữu Air Impact! là hai anh em đến từ Bắc Miami Beach, những người đã mần ăn rất khá trong lĩnh vực kiểm soát sâu bệnh. Họ lập hãng hàng không với mục đích lấy cớ đi công tác chính đáng để phới đến Bahamas, đánh bạc và ngủ với những phụ nữ trên giấy tờ không phải vợ họ. Hãng hàng không đã bước vào năm thứ hai hoạt động, và hai anh em càng ngày càng tập trung vào mục bù khú ở Bahamas, còn những mục làm ăn như lương bổng, lịch trình bay, hay chiêu mộ nhân viên có năng lực thì gần như bỏ thí.
Cục Quản Lý Hàng Không Liên Bang bắt đầu lưu tâm đặc biệt đến Air Impact!, sau khi ghi nhận sự gia tăng đột biến những than phiền của hành khách về việc hoãn và hủy bay. Những cặp lông mày đã nhướn lên vào hai tuần trước, khi một chuyến bay Air Impact! từ Miami đến Nassau, dưới sự điều khiển của những phi công bị nghi xài bằng giả, trên thực tế đã hạ cánh xuống Key West, nơi khỏi cần là phi công cũng biết nó ở về hướng đối nghịch vài trăm dặm. Có lời đồn FAA đang rục rịch đóng cửa Air Impact!, và sĩ khí của những nhân viên chưa nghỉ việc đang xuống rất thấp. Riêng với Sheila thì nó đã chạm đáy; ngoài việc phải chôn chân cả ngày trời để đương đầu với những hành khách bất mãn, nàng lại vừa nhận được cú phôn từ cô giữ trẻ - người mà nàng lao đao lắm mới trả lương nổi - báo với nàng đứa con gái hai tuổi của nàng đang nôn thốc nôn tháo. Và giọt nước tràn ly là cú phôn từ thợ sửa xe, thông báo chiếc Taurus 1987 của nàng, thứ vốn luôn cần gì đó, đang cần đại tu bộ truyền số.
Phải chi Sheila đang ở trong tâm trạng tốt hơn, nàng đã có thể quan tâm đúng mức đến bộ tứ trước quầy – một cô gái thất thần đứng cùng ba thằng người ngợm dơ dáy bẩn thỉu. Song Sheila đã đạt tới cảnh giới không màng đến thế tục nữa rồi.
“Vâng?” nàng đưa mắt nhìn Snake.
“Cho bốn vé đi Bahamas, một chiều, chuyến kế tiếp,” Snake nói.
“Nassau hay Freeport?” cô hỏi.
Snake nhíu mày. “Bahamas,” nó nói.
“Nassau và Freeport nằm ở Bahamas,” Sheila nói, đồ ngu, nàng thầm bổ sung.
Snake bặm môi suy nghĩ.
“Freeport,” nó nói, nó thích âm thanh của từ đó.
“Chuyến bay mười giờ mười,” Sheila nhìn đồng hồ, đang là chín giờ mười lăm. “Tổng cộng bốn vé một chiều là” – cô gõ gõ bàn phím máy tính – “ba trăm sáu mươi đô la.”
Snake tạm buông Jenny để rảnh tay mò túi. Nó lôi ra xấp giấy bạc dày cộm đã tịch thu của Arthur Herk ở căn nhà, để hết lên quầy trước mặt Sheila, rồi vẫn với một tay, nó khởi sự đếm những tờ hai mươi đô bằng cách đọc ê a “... hai mươi, bốn mươi, sáu mươi...” Tới 120, đầu óc nó trở nên mơ huyền – số học không phải thế mạnh của nó – và thế là phải đếm lại từ đầu. Nó đếm lại tới lần thứ hai, đoạn buột miệng “đ.mẹ” rồi hất xấp tiền khỏi quầy, mớ giấy bạc rơi qua bàn phím của Sheila.
“Coi thử nhiêu đó đi,” nó bảo.
Sheila sắp đống giấy bạc lại thành cọc, cảm nhận được sức nặng của nó, coi, đống tiền chù ụ này lại nằm trong túi một thằng dốt tới nỗi không biết cách đếm nó. Sheila bóc ra 360$. Thế rồi, khẽ đưa mắt liếc chừng Snake, kẻ đang nhìn quanh quất với vẻ lấm lét, nàng bóc thêm 480$ - chỗ nàng cần để đại tu bộ truyền số, rồi thêm 140$ - chỗ nàng thiếu nợ cô giữ trẻ tuần trước. Xong xuôi, nàng để chỗ bạc còn lại lên quầy. Snake sinh nghi, tính ý kiến ý cọt gì đó nhưng ngại rầy rà nên thôi. Với nó nghĩ mình vẫn còn rủng rẻng chán. Thêm cái va-li ma túy kia nữa chi. Mà hổng chừng là ngọc lục bảo.
“Cho tôi xin họ tên hành khách,” Sheila vừa nói vừa gõ phím.
Một thoáng ngần ngừ, rồi Snake nói, “John Smith.”
Sheila ngước nhìn lên trong một giây, đoạn trở lại với bàn phím.
“Các hành khách còn lại ạ?” nàng hỏi tiếp.
“John Smith,” Snake nói.
Sheila lại ngước lên, ngó lần lượt Eddie, Puggy, Snake và Jenny. “Bộ John Smith hết hả?” nàng hỏi.
“Hết luôn,” Snake đáp.
“Tôi cần xem giấy tờ tùy thân có ảnh,” Sheila nói.
Snake huơ một nắm giấy bạc và thảy chúng qua bàn phím của nàng.
“Giấy tờ đó,” nó hất hàm nói.
Sheila nhìn xuống chỗ bạc. Coi, sương sương cũng hai trăm đô.
“OK, của ông xong rồi, thưa ông Smith,” nàng tươi tỉnh nói.
MONICA VỪA ẤN còi vừa cho con Kia vọt qua một trạm xe trung chuyển trên khúc đường vào sân bay.
“OK, nghe này,” cô nói. “Ta đang tìm một xe cảnh sát. Ai thấy nó thì hô lên nghen?”
“OK,” Matt và Eliot đồng thanh. Anna nín thinh. Nina đang cầu nguyện.
“Ngay khi thấy cái xe,” Monica nói – bụng bảo dạ: lạy trời, làm ơn cho con thấy cái xe – “nếu không thấy ai trong đó, ta sẽ vào nhà ga để tìm. Sẽ có cảnh sát ở đó để giúp ta. Mọi chuyện sẽ ổn thôi, bà Herk.”
Dưới băng sau, Anna vẫn câm lặng.
Monica dậm ga cho con Kia leo lên khỏi đoạn dốc, đến dưới tấm biển Cửa Khởi Hành. Họ đang tiến chầm chậm vào nhà ga. Monica, Matt, và Eliot quét mắt vào rừng xe cộ trước mặt. Là Matt phát hiện ra chiếc xe tuần tiễu đang nằm trong một ga-ra dang dở.
“Đằng kia,” nó chỉ tay.
Monica rẽ trái vào ga-ra, phanh rít lại sau chiếc xe tuần tiễu. Cô đã ào khỏi con Kia trước khi nó ngừng rung lắc. Không thấy ai ở trong, cô đấm bốp vào cốp xe, quay phắt lại và co giò chạy, lách người thoăn thoắt giữa đám xe cộ lổn ngổn trên lòng đường vào nhà ga. Bám sát gót cô là Matt, tiếp đến là Eliot, đang cầm tay Anna.
“NGÓ KHÔNG ỔN rồi,” Seitz làu bàu, giương mắt nhìn những ánh đèn phanh bất động rồi tắt ngúm phía trên hướng bắc Le Jeune Road.
“Mặc may rẽ phải lên chỗ kia được,” Baker nói, “ông có thể bắc qua Douglas, rồi đi lên theo đường đó.”
“Xem bố đó có chịu để tôi rẽ không đã,” Seitz chỉ về phía một con Humvee trên phần đường bên phải cạnh chiếc xe thuê của họ. Humvee khá thịnh ở Miami. Chúng đặc biệt được ưa chuộng trong giới đu-theo-xu-hướng thừa tiền dư bạc, thích diễu phố trong mấy con xe quân sự giả cầy, in hình đang chờ lệnh tấn công thành Baghdad. Trong con Humvee cạnh chiếc xe thuê của FBI là ba gã thanh niên đầu húi cua, đang giật giũ theo tiếng bass như sấm rền phát ra từ cái loa to bằng chuồng chó choán hết phần sau xe. Gã lái xe vừa nhận được con xế hai ngày trước như một quà mừng sinh nhật thứ mười chín từ ông già hắn, một nhà nhập khẩu cocaine thành đạt và đáng trọng trong vùng.
Bọn Humvee không có vẻ gì nghe thấy tiếng còi của Seitz, Greer bèn hạ cửa sổ và phất tay kêu gọi sự chú ý của gã lái xe. Chặp hắn nhìn qua, Greer gập tay ra hiệu muốn ôm cua. Gã lái xe hạ cửa sổ; tức thì cả Greer, Seitz, Baker cùng nhăn mặt.
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Mắt hấp háy trước âm thanh như tiếng gào từ địa ngục, Greer ra dấu hiệu thỉnh cầu gã Humvee lui xe cho mình rẽ qua. Gã Humvee đáp lại Greer bằng dấu hiệu “đù má mày”, đoạn kéo cửa sổ lên và cười ngả nghiêng cùng các chiến hữu.
“À, tuổi trẻ,” Greer chắt lưỡi.
“Để tôi cho chúng xem huy hiệu nghen?” Baker đề nghị.
“Khỏi,” Greer đáp gọn rồi chui ra khỏi xe.
“Ông đã bao giờ nghe về Lệnh Hành Pháp Đặc Biệt 768 gạch ngang 4 chưa?” Seitz hỏi Baker.
“Chưa hề,” Baker lắc đầu. “Nó là gì vậy?”
“Thì cũng như thượng phương bảo kiếm ấy,” Seitz nói.
Greer gõ gõ các đốt ngón tay của y lên cửa sổ chiếc Humvee. Gã lái xe ngó qua và thêm lần nữa chìa ngón giữa vào mặt Greer, rồi lại cười lăn lộn cùng chúng bạn. Các thanh niên ngừng cười khi Greer, với bàn tay phải, tọng báng súng của y xuyên qua cửa sổ, đoạn thọc tay trái vào túm lấy cổ áo chiếc sơ mi Tommy Hilfiger của gã lái xe, lôi xoành xoạch hắn từ cửa sổ xuống đường cái. Gã lái xe ụp hai bàn tay lên mặt đường, cấp kì chồm dậy và chạy xịt khói vào trong rừng xe cộ, không một lần nhìn lại. Hai thanh niên còn lại, ngó cái mửng giúp đỡ này hổng ham, tự giác nhấc đít khỏi ghế hành khách. Greer leo vào trong ghế tài, rút chiếc CD ra, tắt loa và cho con Humvee leo lên vỉa hè vào trong bãi đỗ một tiệm Burger King, dọn đường cho Seitz. Đoạn y leo khỏi con Humvee, thả cái CD xuống vỉa hè, đạp lên nó, rồi cất bước trở lại chiếc xe thuê.
“Để tôi cho chúng xem huy hiệu cũng được mà,” Baker nhỏ nhẹ góp ý.
“Mệt,” Greer nói.
Seitz, với hỗ trợ đắc lực của những người lái xe xung quanh, vừa mục sở thị pha hành động của Greer và không muốn bị coi như thiếu tinh thần hợp tác, cho xe rẽ phải và tiến đến một nút giao lộ, rồi theo hướng đông phới đến đường Douglas. Khi chiếc xe lại bon bon về hướng bắc một lần nữa, Baker nói, “Các ông nghĩ thằng này sẽ làm gì? Ý tôi là, hà tất gì nó phải ra sân bay?”
“Tôi đoán,” Greer nói, “trên kinh nghiệm đấu tranh chống tội phạm xưa rày, nó sẽ nhất quyết lên máy bay cho bằng được.”
“Bằng cách nào?” Baker nói. “Còn an ninh sân bay chi?”
Nghe tới đó Seitz khịt mũi một cái thật to.
KHI SNAKE VÀ đám tùy tùng ủ dột của nó đặt chân đến nhà chờ cho chuyến bay của hãng Air Impact!, trước mắt cả bọn là con rết người đang chờ để bước qua chốt kiểm soát an ninh.
“Khoan,” Snake nói, giật tay Jenny lại. Nó muốn xem thử đây là trò gì.
Đó là một hoạt động an ninh sân bay tiêu biểu, nghĩa là hình như nó được vẽ ra chỉ để xách nhiễu những hành khách tuân thủ pháp luật một cách vừa đủ để trấn an họ, đồng thời không cung cấp bất cứ một lá chắn bảo vệ nào trước những tội phạm có IQ cao hơn rau cần tây. Hành khách đặt hành lý của họ lên một băng chuyền chạy qua một máy X-quang; và để điện thoại, chìa khóa, máy nhắn tin, và các vật dụng kim loại khác trên một giá đỡ lưu động nhỏ; sau đó bước qua một máy dò kim loại. Hoạt động này được giám sát bởi các nhân viên nhìn không chút sinh khí, kiểu miễn sao giữ cho cái băng chuyền còn chạy là được.
Snake, kẻ chưa bao giờ mục kiến một chốt kiểm soát an ninh sân bay, mất cỡ hai phút để nghĩ ra kế tuồn súng qua. Nó đang có tới ba khẩu súng trên người, một đang cầm trong tay và hai khẩu còn lại nằm hai bên túi. Nó nghĩ đem hết qua chắc được, nhưng sau cùng quyết định cả mô quá cũng không tốt. Nó lùa đám tùy tùng của mình lại chỗ một thùng rác, rồi sau khi nhìn láo liên để chắc mẩm không ai để ý, nó thả hai khẩu Glock của Monica và Walter xuống đó. Nó đợi một phút nữa, cho đến khi bắt gặp một doanh nhân đeo trên vai một túi đựng laptop đang nhập vào hàng người chờ kiểm tra. Chừng gã doanh nhân bước qua, Snake đẩy Puggy vô hàng, đứng ngay sau hắn ta. Vừa bước lên, Snake vừa lầm bầm với Puggy và Jenny:
“Khi lên tới đó, mày” – nó huých khủy tay vào Puggy – “đặt va-li lên cái băng đó rồi bước qua. Bé, mày bước qua ngay sau đó. Tao ở ngay sau lưng tụi bây. Chót chét một tiếng thôi là tao bùm liền, rõ chưa?”
“Snake,” Eddie nói. “Tao thấy ngó bộ hổng xuôi đâu. Máy móc tùm lum kìa mày.”
“Im mồm,” Snake gắt. Nó phát bệnh với thái độ của thằng Eddie.
Cả bọn đã sát sườn chốt kiểm tra. Ngay phía bên kia máy dò kim loại là một gã béo quay có phận sự, như hành động của hắn tự nói lên, là xua hành khách đi qua càng nhanh càng tốt.
“Vui lòng bước qua,” hắn nhai đi nhai lại câu đó, đưa tay phẩy phẩy bà con qua lẹ.
Gã doanh nhân đứng trước Puggy đặt túi laptop của mình lên băng chuyền, tên mập ra hiệu cho hắn qua, rồi tiếp tục ra hiệu cho Puggy qua. Bị thúc bởi khẩu súng bọc trong áo nỉ của Snake, Puggy đặt va-li lên băng chuyền rồi lững thững bước qua máy dò kim loại. Đúng lúc đó, người đàn bà chạy máy X-quang phát hiện chiếc laptop của gã doanh nhân, liền la lên: “Kiểm tra máy tính!” Tại các chốt an ninh sân bay, họ đặc biệt cảnh giác với những chiếc máy tính.
Tên mập xoay về phía một mụ có gương mặt sắt đá ngồi ở cái bàn cuối băng chuyền, hét ông ổng: “Kiểm tra máy tính!” Mụ mặt sắt ra hiệu cho gã doanh nhân tiến lại chỗ mình. Kế đến mụ sẽ lệnh cho hắn bật máy tính lên. Đó là nhiệm vụ tối quan trọng trong nghề nghiệp của mụ: bắt mọi người bật máy tính của họ lên. Trong thế giới của những trạm kiểm soát an ninh, việc một chiếc máy tính có thể khởi động nghiễm nhiên là bằng chứng cho thấy chúng không phải là bom.
Vào đúng tích tắc mà tên mập quay mặt đi thì Snake, trong cùng một chuyển động, vừa đẩy Jenny qua máy dò kim loại vừa đặt khẩu súng trong áo nỉ lên giá đỡ lưu động. Đoạn nó bước thoăn thoắt qua máy dò kim loại, đến sau lưng Jenny và nhặt cái áo nỉ lên; toàn bộ thao tác ấy mất chưa tới hai giây. Lúc tên mập quay đầu lại thì Snake chỉ còn là cái bóng lướt qua, hắn lại tiếp tục phần sự của mình với hành khách tiếp theo.
“Vui lòng bước qua!” hắn nói.
“Kiểm tra túi xách!” Mụ X-quang nói, chỉ vào cái va-li kim khí. “Kiểm tra túi xách!” tên béo hô gióng về phía mụ mặt sắt, người đang quan sát gã doanh nhân bật máy tính. Chừng đã xong việc với hắn ta, mụ trỏ vào cái va-li kim khí nằm cuối băng chuyền, cất tiếng hỏi Puggy, “Cái này của anh phải không?”
“Của tôi đó,” Snake lên tiếng. Nó đang đứng ngay sau Puggy, chích súng nhắc chừng.
“Vui lòng đem lại đây và mở ra hộ,” mụ nói.
“Làm đi,” Snake huých Puggy.
Puggy đặt va-li lên bàn, mở hết bốn chốt rồi giở nắp lên. Mụ mặt sắt săm soi bên trong, thấy một vật hình ống bằng kim loại, một hộp đen có ghi tiếng của nước nào lạ hoắc, và một dãy công tắc.
“Cái này là cái gì?” mụ hỏi.
“Máy xay rác,” Snake đáp.
“Máy xay rác hả?” mụ mặt sắt nhíu mày. Bên huấn luyện an ninh làm gì đề cập đến thứ này.
“Nó là hàng hóa mang đi,” Snake trình bày.
Mụ mặt sắt bần thần một chặp, toan gọi thằng giám sát của mụ đến trợ giúp. Nhưng mụ sực nhớ lần mới đây nhờ nó tới xem hộ một thứ mụ cho là khả nghi: Tưởng gì là cái máy pha cà phê! Thằng giám sát đã chửi mụ té tát vì đã làm ùn ứ hàng đợi. Thằng giám sát đã nghe được từ giám sát của nó; rằng hành khách hồi này than phiền ghê lắm, người ta lỡ bay, hoặc suýt lỡ bay chỉ vì sự lề mề của cánh an ninh.
Mụ mặt sắt còn đang suy tư thì mụ X-quang đã nhao nhao, “Kiểm tra máy tính!” Một chiếc laptop nguy hiểm chết người khác đang chạy xuống.
“Kiểm tra máy tính!” giọng tên mập vống tới. Bà con vẫn lũ lượt bước qua máy dò kim loại. Khu vực kiểm tra đang ùn tắc.
Mụ mặt sắt đưa mắt nhìn dòng người, rồi đến cái va-li, rồi đến Snake.
“Phiền ông bật nó lên,” mụ nói.
Snake săm soi thiết bị trong va-li. Trên hộp đen cạnh vật hình ống bằng kim khí là ba cái công tắc, Snake nghĩ chắc nó như kiểu một hệ thống bảo mật, nhằm bảo vệ số ma túy hoặc ngọc lục bảo hoặc bất cứ thứ gì có trong hộp. Nó đưa tay xuống và bật cái công tắc đầu tiên. Không có gì xảy ra. Nó bật cái thứ hai. Chưa thấy gì luôn. Nó bật tiếp cái thứ ba. Những ánh đèn kỹ thuật số bắt đầu nhấp nháy dưới pa-nô đen ở góc dưới cùng bên trái hộp. Chúng hiển thị:
00:00
Mụ mặt sắt cau mày trước bốn con zero nhấp nháy, đoạn nhìn qua Snake.
“Nó có bộ hẹn giờ,” nó cắt nghĩa. “Như đầu máy video vậy đó.”
“Kiểm tra máy tính!” Mụ X-quang hô.
“Kiểm tra máy tính!” tên béo hô. Những chiếc laptop đang chất thành đống.
“OK,” mụ mặt sắt nói, phẩy tay ra hiệu cho băng Snake rời đi. Snake đậy nắp va-li, chẳng để ý lúc nó làm thế, những chữ số đã ngừng nháy và lúc bấy giờ đang hiển thị:
45:00
Rồi đến:
44:59
Snake khóa va-li, đoạn huých khủy tay vào Puggy, biểu, “Xách nó đi.” Puggy nhấc va-li lên rồi lững thững theo cả bọn xuống phòng chờ ra máy bay. Trong khi mụ mặt sắt ở phía sau hướng sự chú ý của mình vào hành khách tiếp theo, một chuyên gia định phí lương hưu đã sẵn sàng, khỏi đợi nhắc, khởi động máy tính của mình, hiểu rằng đó là cái giá mà xã hội tự do phải trả để đấu tranh với khủng bố.
43:47
Monica phi vù qua cánh cửa tự động vào ga chính, đảo mắt bốn phương tám hướng, mong chờ được thấy một bóng dáng cảnh sát. Nhưng họa vô đơn chí là có thật, toàn bộ cảnh sát sân bay khả dụng đã được điều động đến đầu kia của nhà ga hình bán nguyệt rộng lớn này, nơi rắc rối bùng phát tại quầy vé hãng Delta. Nó nảy sinh khi nhân viên Delta thông báo với một người từng-sắp-là-hành-khách rằng, ông ta không được phép mang con trăn dài bốn mét, Daphne, đang đu xà nẹo quanh người mình lên máy bay. Nôn nả chứng minh hạnh kiểm tốt của Daphne, vị hành khách này đã thả con rắn lên quầy vé. Vào cái lúc nhân viên Delta và những hành khách gần đó tá hỏa tam tinh dạt phắt ra, Daphne đã phát hiện, trên sàn nhà cách nó chừng một thước, một chuồng nhựa nhỏ vận chuyển thú cưng đang chứa hai con chồn Yorkshire có tên Pinky và Enid. Nhoáng một cái Daphne đã trườn khỏi quầy vé và lạng đến chỗ cái chuồng, giữa lúc các hành khách thất kinh dang ra để nhường đường cho trùm qua, và đập nhau loạn xạ với các hộp đựng rượu miễn thuế của họ.
Mất vài giây để Daphne bọc người nó quanh chuồng thú cưng, giờ nó đang tìm cách tiếp xúc thân mật với Pinky và Enid. Những tiếng yip yip hãi hùng của đôi chồn thúc giục vị chủ nhân tận tụy của chúng – một góa phụ bảy mươi tư tuổi với cái hông nhân tạo – chiến thắng nỗi sợ bò sát và đập bép bép vào thân mình săn chắc của Daphne bằng một tờ tạp chí Morden Maturity vo tròn, cho đến khi bà bị đốn ngã từ phía sau bởi chủ nhân của Daphne, vốn chẳng kém cạnh về khoản nuông chiều thú cưng và từng chơi ở vị trí hậu vệ thòng hồi ở trường cao đẳng.
Trong vòng một phút, đầu Delta của nhà ga sân bay đã được ban bố tình trạng khẩn, với gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát phi trường đổ xô về đó, bộ đàm réo liên phanh. Bởi vậy mà vài phút sau đó, khi Monica đặt chân đến đầu bên kia của nhà ga hòng tìm viện binh, cô không thấy một mống cảnh sát nào.
“Bà nó,” Monica rủa, quay lại thì thấy Matt, Anna và Eliot đã ở ngay sau, Nina đang lúp xúp chạy qua cửa.
“OK,” Monica nói. “Phải chia nhau đi tìm thôi. Tôi đi phía này” – cô chỉ sang trái – “mọi người qua phía kia nghen. Nếu thấy họ, nhớ không được rời mắt nhưng cũng đừng tiếp cận. Matt, em chạy tìm tôi liền. Rõ chưa?”
Matt và Eliot gật đầu.
“OK,” dứt lời Monica liền rẽ trái và đâm bổ vào sóng người trong nhà ga. Matt vù chạy về phía tay mặt, Eliot và Anna xấp xãi theo sau, Nina thấy vậy co giò rượt theo. Mối bận tâm lớn nhất của Nina là làm sao để không bị tụt hậu. Bốn người còn lại, trong khi vừa chạy vừa quét mắt vào đám đông, đều quay quắt trong đầu những phiên bản khác nhau của một ý nghĩ: Có khi nào họ đã đến sai chỗ?
42:21
Chuyến bay 2038 của hãng Air Impact! đi Freeport là một máy bay cánh quạt hai động cơ với số ghế ngồi dành cho hai mươi hai người. Khỏi có tiếp viên hàng không hàng nước gì, và bởi nó quá nhỏ để bắc cầu tàu; nên để lên máy bay hành khách phải bước xuống một cầu thang từ cửa phòng chờ, rồi đi nốt đoạn đường lát nhựa hai mươi bảy mét đến chỗ máy bay.
Đáng nhẽ đã có hai nhân viên Air Impact! làm việc tại cổng sân bay chiều hôm đó, nhưng không ai trong số họ xuất hiện. Thế nên việc soát vé hành khách giờ được giao cho thằng bốc xếp hành lý, Arnold Unger, kẻ gia nhập Air Impact! sau khi bị đá đít khỏi hai hãng bay khác vì bị tình nghi trộm hành lý. Unger cũng chung cảnh làm việc không nghỉ hai ca liền như Sheila, nhân viên bán vé (triệt tiêu luôn tinh thần giật giải Nhân Viên Tháng của nàng). Unger giữ cho đầu óc tỉnh táo bằng chai rum Barcadi giấu dưới cầu thang mà nó khoắng của một hành khách mới du lịch biển về. Nó rù cho chuyến bay 2038, chuyến cuối cùng trong đêm của Air Impact!, khởi hành rốp rẻng để còn về đi nhậu.
Coi bộ là một chuyến bay nhẹ nhàng. Đa phần hành khách theo lịch trình đã lỡ chuyến bay kế tiếp vào Miami bởi thời tiết xấu ở Chicago. Unger chỉ phải bốc mười một túi hành lý lên máy bay. Khi leo thang vào phòng chờ và bấm xem list hành khách trên máy tính, nó thấy chỉ có tám cái tên, một nửa trong số đó, khá buồn cười, tên là John Smith. Phòng chờ lúc này chỉ có bốn hành khách: hai cặp vợ chồng – hai bác nhân viên bưu điện về hưu và vợ của họ, đều quê Ohio và đang sống ở Naples, Florida. Họ đã lái xe qua tiểu bang chiều hôm đó để chớp cơ hội vàng đi máy bay giá rẻ đến Bahamas của hãng Air Impact!, tính qua bển chơi lô tô cho biết. Phi Trường Quốc Tế Miami khiến họ chỉ muốn thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Họ chưa từng đặt chân đến chỗ nào lạ nước lạ cái đến thế, kể cả Italy, nơi có lần họ đã đến thăm thú với hội bưu điện về hưu.
Những khuôn mặt ngước lên đầy hi vọng khi Unger xuất hiện. Trong trang phục gồm quần soóc màu xanh đen lấm bẩn, sơ mi lao động ngắn tay màu lam, đôi ủng lao động và hai miếng đệm đầu gối, nó đứng vênh vang trước cánh cửa dẫn ra cầu thang. Nó nhấc ống nghe của chiếc phôn treo tường, nhập mã số, rồi nói oang oang: “Xin chào buổi tối, thưa các quí bà, quí ông. Chuyến bay Air Impact! số 2038 tới thành phố Freeport xinh đẹp hân hạnh chào đón những hành khách bước qua cánh cửa này. Chúng ta sẽ bắt đầu với...” – nó làm bộ ngó đông ngó tây cái phòng chờ trống trải đìu hiu, đoạn chỉ tay vào nhóm người hưu trí – “những CON NGƯỜI đáng yêu kia!” Hội bưu điện lững thững bước lên và đưa vé cho Unger. Nó biểu họ cứ theo cầu thang xuống rồi đi thẳng ra máy bay. Họ thắc mắc làm sao biết máy bay nào mà ra. Nó nói cứ ngó cái nào có chữ Air Impact! chình ình ở mặt bên là được. Cái giọng nó nghe bắt ghét.
Lúc bấy giờ là mười phút trước khi chuyến bay khởi hành theo lịch trình, và Unger đang tính đóng cửa thì Puggy, tay xách va-li, lộc ngộc bước vào phòng chờ, theo sau nó là Snake và Jenny, sau chót là Eddie. Nhìn như những khối sáp dính chùm đang di chuyển về phía Unger. Snake chìa cho Unger mấy cái vé.
“Á à,” Unger nói. “Các vị John Smiths đây mà.”
Snake ném cho Unger cái nhìn đừng-nhờn-với-tao. Unger đáp lại với cái nhún vai tao-đéo-quan-tâm. Nó có té vàng té bạc gì đâu mà quan tâm, dù tụi này có là ai đi nữa, xíu nữa thôi chúng chẳng còn là vấn đề của nó. Nó chỉ về phía cửa.
“Máy bay dưới cầu thang,” nó nói.
Nhóm người chụm rụm bước xuống cầu thang, Unger khép cửa và theo chân cả bọn ra đến đoạn đường trải nhựa. Nó chỉ về phía chiếc máy bay, nơi các cặp vợ chồng hưu trí đang vừa la làng vì không thấy ai giúp đỡ, vừa khổ ải trèo lên cái thang gấp con con đặt ở gần đuôi máy bay, như thể đang chinh phục mười lăm mét cuối cùng của đỉnh Everest.
Unger theo chân nhóm Snake đến chỗ máy bay. Đến nơi, nó nhướn tay về phía cái va-li, nói với Puggy, “Để tôi.”
Snake giằng tay Unger. “Cái này lên máy bay luôn,” nó nói.
“Thì tôi đem lên đó chứ đâu,” Unger nói. “Tới Freeport ông nhận lại.”
“Nó đi chung với tụi này luôn,” Snake nói.
“Í đâu được,” Unger phản đối. “To quá. Qui định FAA.”
Snake dò dẫm trong túi quần, móc ra một xấp bạc rồi nhận vào tay Unger.
“Thì cũng để tôi phụ một tay chớ,” Unger xởi lởi. Dưới cái nhìn gườm gườm của Snake, nó đỡ lấy cái va-li – nặng tổ mẹ – rồi hì hục đưa nó lên cái thang gấp. Vốn là một thằng mạnh cùi cụi, nhưng nó cũng chỉ gắng đưa được cái va-li lên tới đầu thang, rồi để nó nằm lù lù gần mép cửa.
Unger vừa thở hổn hển vừa leo xuống thang. Ánh mắt nó lướt qua Snake, tia về phía nhà ga sân bay.
“Ủa, bạn ông đi đâu vậy?” nó hỏi.
Snake quay phắt lại, chết cha, thằng Puggy mới sờ sờ đây giờ đâu mất tiêu! Snake tia mắt về phía nhà ga, thấy một hình người trùng trục lẩn biến qua cánh cửa.
“Thằng chó đẻ,” Snake tức khí gầm lên, bấu tay Jenny một cái thật hụng khiến cô la oai oái. “Thằng bú dù chó đẻ!” Nó quay lại Unger.
“Chừng nào bay?” nó nói.
“Bộ ông muốn quay lại tìm bạn hả?” Unger hỏi.
“Không, tao muốn bay liền, ngay bây giờ!” Snake nói.
“Thì bay liền chứ sao, ngay khi ông an tọa trên ghế và phi công kiểm tra xong xuôi,” Unger nói. “Năm mười phút nữa thôi.”
“Lên đi,” Snake biểu Eddie. Eddie nhìn lại nơi Puggy vừa khuất dạng.
“Snake,” Eddie ấp úng, “sao tao nghi quá...”
“Tao biểu mày lên máy bay lẹ,” Snake thúc khẩu súng trong áo nỉ vào người Eddie, hệt như đã làm với Puggy. Eddie lừ lừ quay lại, rồi lừ lừ trèo lên cầu thang. Snake huých Jenny, ra hiệu cô trèo lên sau Eddie. Họ phải nhoài người qua cái va-li để vào trong lối đi.
Unger vòng ra trước và làm hiệu cho phi công kéo tấm kính chắn gió mặt bên ra. Chừng nó được mở, Unger thông báo với viên phi công, “Đi được rồi đó.”
“Còn cha nội chạy về ga kia?” viên phi công hỏi. “Bộ hắn quên gì đó hả?”
“Không đâu,” Unger nói. “Chắc hắn đổi ý bất tử thôi.” Unger định thòng thêm một câu đại loại như, Ở sau kia có thằng quái đản lắm, nhưng rồi lại thôi. Tụi quán đản đi máy bay nó gặp suốt. Nam Florida nhan nhản bọn lập dị. Thằng này chắc đang mang theo ma túy hay thứ quỉ gì đó. Nhưng với Unger thì phận ai nấy lo. Trễ quá rồi, giờ này là giờ ăn nhậu, mà nó cũng đâu quen biết gì tụi phi hành đoàn này, những gã trai trẻ mới được thuê để lấp chỗ những gã trai trẻ cũ đã chịu hết nổi Air Impact! và cuốn gói. Bước lùi lại khỏi máy bay, Unger giơ hai ngón tay cái động viên chàng phi công.
Đại Rắc Rối Đại Rắc Rối - Dave Barry Đại Rắc Rối