Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Chương 9
C
hỉ một ngày sau các khối đã ổn định đâu vào đó. Khối 2, hậu thân của khối 10 vẫn do Trương Thành Trai làm khối trưởng với Nguyễn Ngọc Đỉnh làm khối phó. Tổ A.3 vẫn do Quách Tứ làm tổ trưởng. Quản giáo vẫn là tên quản giáo Cư từ trại cũ theo sang. Nền nếp sinh hoạt nơi đây cũng không khác gì bên L4T1. Các tổ thay phiên nhau ứng trực nấu bếp một ngày. Mỗi ngày nhân số trực tiếp lao động phải bảo đảm 90 phần trăm. Hàng ngày sau những giờ lao động, vào lúc 6 giờ chiều, phải tiến hành những cuộc họp khối rồi họp tổ để phân tích, mổ xẻ, phê bình, kiểm thảo, đấu tranh sai trái và đề ra phương hướng khắc phục mọi điểm yếu, phát huy các điểm mạnh của từng cá nhân trong ngày. Căn bản lý luận trong đấu tranh sai trái về mặt lao động sẽ là: Mỗi người gian lận 5 phút lao động, 5 phút ấy đem nhân với 50 triệu người trong cả nước sẽ biến thành một số lượng thời gian khổng lồ. Và Tổ quốc xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ bị chậm lại trên con đường phát triển so với các nước văn minh tiên tiến khác là 476 năm. Nếu mọi người chỉ gian lận nửa tháng thì nước ta sẽ chắc chắn thụt lùi về tới thời đại đồ đá! Khẩu hiệu: Lao động là thước đo lòng yêu nước của mỗi người! Khẩu hiệu này phải được dán khắp nơi. Nhưng chỗ được kẻ và dán nhiều nhất phải là trong trái tim và trong khối óc của mỗi cải tạo viên. Mọi người phải nhắc nhở đến khẩu hiệu ấy như một kinh nhật tụng. Tất cả các cải tạo viên phải tự thực hiện một lời hứa nho nhỏ có tên chung là bản "Hạ quyết tâm" gắn trên đầu chỗ nằm. Bản hạ quyết tâm tiêu biểu có thể như sau.
Tôi không bao giờ quên rằng tôi là kẻ có tội với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân. Tôi cũng không quên rằng Đảng đã khoan hồng tha tội chết cho tôi, lại tập trung tôi lại, tạo điều kiện cho tôi học tập cải tạo để trở nên người công dân lương thiện. Để đền ơn Đảng, tôi, Trần Văn X, tổ viên tổ A.3, khối 2, trại L4T3, nhất trí
HẠ QUYẾT TÂM:
1. Tích cực học tập cải tạo lao động tốt. 2. Giải phóng mọi tình cảm gia đình yếu đuối và tình nguyện ở lại trại học tập lao động cho đến khi nào được Cách mạng công nhận tiến bộ cho về phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân.
3. Trong thời gian học tập tại trại, tôi phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi nội quy quy định. Khắc phục mọi khuyết điểm tồn tại. Đấu tranh sai trái để thủ tiêu mọi mặt yếu của các bạn cải tạo khác, hầu biến trại ta trở thành trại cải tạo tiên tiến về mọi mặt.
4. Tố giác kịp thời với Cách mạng bọn xấu trong và ngoài trại (nếu biết) đang còn tiếp tục ý đồ chống phá Cách mạng.
5. Tuyệt đối tin tưởng vào đường lối khoan hồng trước sau như một của Cách mạng.
Trại mới với những huấn thị mới của khung đem xuống là như thế. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào lao động, một khâu quan trọng bậc nhất không được phép bỏ qua: Màn khai lý lịch được tái diễn.
Hai ngày, một thời gian tương đối rộng rãi, Cách mạng ưu ái dành cho những kẻ có tội với Đảng, với nhân dân được nghỉ lao động nằm nhà làm bản tự khai thêm một lần nữa. Nhờ kinh nghiệm của lần trước, lần này tương đối đa số đều thoát qua vòng đầu của việc làm bản tự khai một cách êm ả, ngoại trừ vài trường hợp cá biệt gặp chút trở ngại như ông Thiệu của khối 2 không biết viết, anh chàng Thân của khối 4 điên điên khùng khùng nhất định không làm tự khai vì theo anh nói: Anh chẳng có tội với thằng đếch nào cả!
Khi bản tự khai đã được thu nộp lên ban chỉ huy, bọn tù lại quay trở lại với công tác chính dọn nơi ăn chốn ở, sửa lại các hầm cầu tiêu, đắp lại bếp, phát quang những cỏ lau chung quanh trại, dọn sạch các connex chứa súng đạn của chế độ cũ, vét giếng, đào mương, sửa hội trường và phải thực hiện một tấm bảng thật lớn treo ngay trước hội trường với một câu nói của Hồ Chí Minh: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi!...
Vừa lao động được hai ngày chưa kịp dãn xương cốt thì mọi người lại được lệnh ngừng mọi lao động để thông qua các bản tự khai của mình trước khối. Từ 5 giờ sáng các khối trưởng đã dựng mọi người dậy bắt gấp chăn mùng mền xếp cho ngay ngắn. Tổ trực phải quét nhà quét sân thật sạch. Tổ trực bếp lên lửa nấu cơm liền. Nói chung mọi công tác vệ sinh ăn ở cá nhân và tập thể phải xong trước 8 giờ. Quãng 8 giờ thiếu 10, khối trưởng Trai đã cho tập họp mọi người trước khối. Theo đúng chương trình và sự sắp xếp của quản giáo, Trai cho chia khối thành hai bán khối. Bán khối 1 sẽ ngồi đọc bản tự khai và thảo luận trong nhà. Bán khối 2 sẽ làm việc với nhau bên hông phải của căn nhà dưới những tấm bao cát lớn được giăng ngang từ mái hiên xuống tới bếp. Chỗ này cũng là "phòng ăn" của cả khối, có những dãy bàn dài được kê bằng những tấm PSP trên các cọc sắt ấp chiến lược.
Đúng 8 giờ quản giáo Cư xuống tới khối, đi theo hắn còn có một tên khác nữa. Sau những màn hô hoán nghiêm nghỉ để chào đón ông quan Cách mạng mọi người được an vị. Tên quản giáo Cư sau khi nhìn ngang liếc dọc để lượng định sự tiến bộ của bọn tù trong nền nếp ăn ở, hắn dõng dạc tuyên bố.
- Theo Trên quy định, hôm nay tôi và đồng chí Thịnh sẽ xuống làm việc với các anh về bản tự khai.
Nói tới đây hắn quay sang đồng chí Thịnh của hắn, vỗ tay làm cò mồi. Bọn tù chậm hiểu nên cứ trố mắt ngồi nhìn. Thấy không ai vỗ tay hưởng ứng, tên Cư vừa vỗ dồn dập vừa nói. Khối 2 chúng ta vỗ tay chào mừng đồng chí Thịnh đi chứ!
Thế là vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt, nghe chán như những cái rắm của bọn nhà nghèo đói bụng từ đám tù nổi lên để góp phần chào mừng đồng chí Thịnh của đồng chí Cư. Như để đáp ứng sự chào mừng mình của đám tù, tên quản giáo mới tằng hắng lấy giọng và cất tiếng.
- Xin tự giới thiệu với các anh tôi là quản giáo Thịnh. Chấp hành lệnh thủ trưởng, tôi với đồng chí Cư sẽ hướng dẫn và kiểm tra buổi sinh hoạt của khối 2 hôm nay. Qua bản tự khai các anh đã nộp và Trên đã nghiên cứu, ban quản giáo thấy rằng tuyệt đại đa số đã đấu tranh tư tưởng tốt, lời khai phù hợp với thực tế. Có nhiều anh thành thực một cách xuất sắc, đã kê khai chi li những tội ác mình đã phạm với Cách mạng, với nhân dân. Có cả những anh đã thú nhận mình giết đến trên 500 chiến sỹ Cách mạng... Rồi đây những cái gương sáng của sự thành khẩn khai báo ấy sẽ được công bố trước trại để biểu dương trước tập thể. Hôm nay, thay mặt khung, tôi biểu dương chung cả khối về thành quả rất đáng ghi nhận trong lần làm bản tự khai vừa qua. Tuy nhiên nói đi thì phải nói lại. Tôi cũng cần cho các anh biết trong khối ta vẫn có một thiểu số chưa thành thật lắm trong lời tự khai. Những kẻ ấy chắc chắn sẽ còn phải làm việc với Trên nhiều nữa. Nói tới đây tên quản giáo Thịnh nhìn Cư như dò hỏi một điều gì. Khi thấy Cư gật nhẹ đầu, hắn tiếp. Sáng nay thì là Trên cho các anh nghỉ lao động để tự đọc bản tự khai của mình trước tập thể. Đây là một thủ tục quen thuộc trong xã hội ta. Tập thể quyết định mọi việc. Do đó, các anh phải làm quen với lề lối này và không nên có những ý nghĩ sai trái này kia kia nọ. Các anh cứ biết rằng bất cứ cái gì chưa có quyết định tối hậu của tập thể đều vô giá trị trong xã hội ta, kể cả những bản tự khai. Vậy thì theo đúng lề lối ấy, bản tự khai của các anh sẽ có giá trị hay không là ở chiều nay, sau khi nó đã được chính các anh đọc lên, kế đó được tập thể cùng nghiên cứu, bổ khuyết và thông qua nếu bản tự khai thực sự đã đạt yêu cầu.
Tên quản giáo Thịnh nói tới đây thì ngừng lại như để lấy hơi và cũng để nhớ lại bài bản. Một lúc hắn tiếp. Hẳn ở đây thế nào cũng có những anh dây mơ rễ má với nhau từ thời Mỹ ngụy. Có thể là bạn học của nhau. Có thể gia đình từng quen biết nhau. Có thể là láng giềng của nhau. Có thể đi lính cùng khóa hoặc ở cùng đơn vị trong thời gian thi hành tội ác lùng diệt Cách mạng, bắn giết nhân dân. Thế nên, nếu như nhận biết được bạn mình có gì lấn cấn trong bản tự khai thì phải thẳng thắn lên tiếng sửa sai liền. Các anh đừng nghĩ rằng đó là những hành động không tốt. Bây giờ đổi đời rồi, các anh phải học theo các nguyên tắc sống của Cách mạng. Phải nhớ rằng đối với Cách mạng, mọi nguyên tắc về đạo đức, về lòng thương yêu, về những mối quan hệ giữa người với người... hoàn toàn đã ly khai với những nguyên tắc lạc hậu lỗi thời của chế độ cũ. Phải nhớ rằng chủ nghĩa Cộng Sản đem con người tới mức tiến bộ như ngày nay chính nhờ bởi những nguyên tắc mới, những ý niệm mới cấu thành tư tưởng mới hiện thực và ưu việt. Bây giờ tôi chưa có thì giờ lên lớp với các anh nhiều về vấn đề này. Mai đây, khi sống lâu ngày dưới xã hội mới tốt đẹp này các anh dần dần rồi sẽ nhận ra. Tôi chỉ tóm tắt, để đạt yêu cầu trong lần thông qua bản tự khai hôm nay, tôi nhắc nhở các anh hết sức phấn đấu tránh nhận định bản chất và hiện tượng dựa trên những nguyên tắc cũ. Sẽ sai bét bè be cả. Đấu tranh sai trái, thú nhận cái lỗi của mình, vạch ra cái lỗi của người trước tập thể là nghĩa vụ cao quý của mọi người. Nó chẳng những giúp cải thiện chính ta, cải thiện thêm một người bạn, mà còn góp phần tích cực xây dựng những con người mới của xã hội xã hội chủ nghĩa cho ngày mai như Bác hồ đã dạy.
Thật bất ngờ, vừa nói tới đây tên Thịnh chỉ ngay vào một người ngồi gần hắn, hỏi. Anh, anh tên gì?
Người vừa được hỏi là khối phó Nguyễn Ngọc Đỉnh. Đỉnh vội trả lời.
- Dạ tôi là Đỉnh.
- À, anh Đỉnh! Thế anh có nắm vững những lời tôi vừa nói hay không? Anh có biết nguyên tắc là gì không?
Đỉnh cố nén bực mình.
- Thưa tôi chỉ hiểu sơ sơ!
Tên quản giáo bỗng giơ hai tay ôm lấy đầu.
- Hiểu sơ sơ là chưa đạt yêu cầu. Trong xã hội ta, một khi đã nói hiểu là phải hiểu thật vững vàng, không thể hiểu một cách lơ vơ lờ vờ như người say thuốc lào được. Tôi nói thêm để các anh nắm vững vấn đề. Trong xã hội ta, khai báo sự sai trái của một cá thể hay của cả một tập thể nếu ta biết được là một nghĩa vụ của mọi người. Ngày xưa các anh cho đó là hành động xấu xa, là đi guốc vào đời tư người khác vân vân và vân vân. Đấy chẳng qua là các anh bị nhiễm độc bởi một một nền giáo dục ngu dân, ích kỷ, coi cá nhân chủ nghĩa như là một cứu cánh tối hậu cho đời sống. Ngày nay nền giáo dục ấy đã cáo chung. Ta tiến bộ chưa đủ, ta còn có nghĩa vụ giúp cả cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè, láng giềng của ta cùng tiến bộ nữa mới được. Muốn như thế ta phải can đảm, phải thẳng thắn, phải sẵn sàng đấu tranh sai trái và phải thấm nhuần ý nghĩa câu nói mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Thốt nhiên mọi người đều kinh ngạc vì trong đám tù bật lên một câu hỏi khá lớn.
- Thưa anh, nếu như tôi phát hiện được sự sai trái của quản giáo hay bất cứ một cán bộ chiến sỹ Cách mạng nào, tôi có được phép đem ra đấu tranh sai trái trước tập thể không?
Mọi người điếng hồn vì câu hỏi. Cả hai tên quản giáo cùng tê tái trước câu hỏi quá bất ngờ của một tên tù. Tên Thịnh vội hỏi.
- Anh tên gì nhỉ?
Người vừa hỏi thản nhiên trả lời.
- Dạ tôi tên là Nguyễn Văn Hảo.
Mọi người đều lo cho cái nhà chị Hảo này. Hảo là một sỹ quan cấp thiếu úy, người miền Nam, tính tình thật thà và nhu mì như con gái. Ở với nhau một thời gian anh em đặt vấn đề Hảo có lẽ bệnh lại cái. Từ dáng đi, cách ăn nói... nữ tính nhiều hơn nam tính. Nhất là sống trong tập thể tù, mọi cái đều phải chạy đua theo tiếng kẻng, riêng Hảo vẫn luôn luôn thong thả, khoan thai như một cô gái thứ thiệt. Đặc biệt những lúc "chị" đi tắm! Buổi chiều lao động về, mọi người đều nhào ra giếng trần truồng đứng tắm với nhau. Riêng chị Hảo thì khác. Chị len lén tìm đến một cái giếng ít nước không ai thèm tắm, múc lên và gạn từng miếng nước trong đổ vào một cái thùng đạn đại liên trống. Chị xách thùng đại liên nước cất dấu vào đầu chỗ nằm. Khi màn đêm đã buông xuống, chị mới xách thùng nước ra cái connex gần hàng rào tắm thật kín đáo. Bọn tù khối 2 đã nhiều đứa từng rình nàng tắm. Một ngày kia, một tên đã nhìn thấy được trọn vẹn tấm thân nàng. Hắn công bố với mọi người: Nó có đầy đủ tất cả và coi mòi còn... kiện tướng hơn cả của tao!Thằng này không phải lại cái, chắc nó đồng tính luyến ái...
Khi lời công bố ấy được lan truyền ra, Hảo bỏ luôn cơm chiều, rúc vào một góc tối ngoài chái nhà khóc thút thít như một cô gái bị hạ nhục. Chả hiểu hôm nay chị cao hứng thế nào mà lại nhét ngay một cái... xú cheng vào họng tên cán bộ quản giáo như thế!
Dù sao thì câu hỏi của Hảo đã như một mũi tên cắm sâu vào lỗ tai của hai thằng quản giáo không cách gì nhổ ra được nữa. Trong khi hai tên quản giáo ngỡ ngàng thì vẻ hiền hòa, chân chất của một người miền Nam thuần túy vẫn được giữ nguyên vẹn trên nét mặt của thiếu úy Nguyễn Văn Hảo.
Tên Thịnh liếc nhìn tên Cư như ngầm hỏi ý. Tên Cư hơi nhíu mày, bẻ bão tay rồi ậm ừ cất tiếng.
- Anh Hảo hỏi như thế cũng có lý của anh ấy. Tuy nhiên nhân đây tôi cũng nhắc nhở các anh thêm một điều. Các anh cần phải ý thức cho đúng vị trí của mình. Hiện tại các anh chỉ mới là những cải tạo viên, có nghĩa là chỉ mới có nhiệm vụ phấn đấu học tập lao động cải tạo tốt, giúp đỡ bạn bè chung quanh cùng học tập lao động cải tạo tốt. Kỳ dư, những cái khác các anh sẽ đương nhiên có quyền khi đã hoàn toàn tốt, được Cách mạng công nhận, được phục hồi quyền công dân, được cho về phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Lúc ấy, các anh mới được hưởng quyền làm chủ tập thể, có nghĩa là được hưởng quyền phê phán các thành phần quản lý, tức là các thành phần cán bộ viên chức nhà nước.
Tên Cư chợt ngừng nói, hắn nhìn đám đông mỉm một nụ cười khó hiểu rồi nhìn về phía Hảo, hỏi. Anh Hảo, anh đã nhất trí chưa?
-.....!
- Thôi được, rồi chúng tôi sẽ làm việc riêng với anh sau, bây giờ chúng ta bắt đầu đi vào công tác chính của ngày hôm nay. À, thế tổ trực hôm nay đã lo cơm nước sẵn sàng chưa đấy, anh khối trưởng?
- Dạ đã xong cả.
Tên Thịnh chợt quay sang bàn nhỏ gì đó với tên Cư, một lát sau hắn quay lại nói với bọn tù.
- Như quản giáo Cư đã gợi ý cho khối trưởng, chúng ta sẽ chia khối làm hai bán khối. Bán khối 1 từ tổ 1 đến tổ 6. Bán khối 2 từ tổ 7 đến tổ 12. Bán khối 1 sẽ đọc bản tự khai trong nhà. Bán khối hai sẽ làm việc ngoài sân. Trước khi bắt tay vào việc, tôi nhắc lại mục đích yêu cầu của buổi thảo luận sáng nay để các anh nắm cho vững. Vậy thì mục đích sáng nay là thông qua các bản tự khai của các anh trước mặt tập thể. Yêu cầu là các anh phải có thái độ nghiêm túc, thành thật, thẳng thắn và tích cực trong thảo luận. Các anh phải ý thức cho đúng tầm mức tối quan trọng của công việc làm sắp tới đây. Nó ảnh hưởng cụ thể đến sự ở sự về của các anh trong những ngày tới. Các anh có nghe rõ cả không?
- Rõ!
- Thế thì tốt. Bây giờ như tôi vừa quy định, các anh hãy tự động chia đôi khối và ổn định theo bán khối của mình. Khẩn trương và im lặng. Bọn tù đứng hết lên. Kẻ chạy ra người chạy vào. Kẻ lấy giấy người lấy bút. Năm phút sau đâu đã vào đó. Khối phó Đỉnh trụ trì bán khối bên trong nhà. Khối trưởng Trai trụ trì bán khối bên ngoài nhà. Hai tên quản giáo đi tới đi lui kiểm soát cuộc bới móc đấu tố nhau được ngụy trang dưới mỹ từ của Cộng sản: thông qua bản tự khai trước tập thể!
Giọng bác sỹ Đỉnh.
- Bây giờ ta theo thứ tự từng tổ. Yêu cầu anh tổ trưởng tổ 1 đọc bản tự khai trước.
Tổ trưởng tổ 1 tên Khải. Anh này cao và gầy như một cây sào. Sự khôn ngoan của một người có cấp bằng cử nhân khoa học, sỹ quan biệt phái về bộ giáo dục, đã giúp cho bản tự khai của anh có thứ tự lớp lang từ đầu chí cuối, không có gì đáng mổ xẻ khi anh khẳng định rằng.
- Tôi sinh trưởng ở miền Bắc nhưng lớn lên ở miền Nam. Từ bé chí lớn tôi chỉ lo học hành. Vừa học xong thì bị lệnh tổng động viên chi phối sau lần Cách mạng tiến công vào Sài Gòn dịp tết Mậu Thân như hầu hết các bạn hiện diện ở đây. Tôi rời quân trường một thời gian ngắn thì được biệt phái về dạy học. Tôi chỉ dạy toán, ngoài ra tôi không dính dáng gì đến các môn văn sử địa. Bố tôi là công nhân hãng bia. Mẹ tôi may vá. Ông bà tôi chết từ hồi tản cư vì Tây dội bom...
Tiểu sử của một anh nhà giáo thực tế không có gì quá hấp dẫn đối với hai tên quản giáo, do đó Khải được thông qua tương đối dễ dàng.
Giọng khối phó Đỉnh lại cất lên.
- Mời anh kế tiếp.
- Tôi tên là Trúc, sinh ngày tháng năm tại,..., cấp bậc thiếu úy, làm việc tại Cục mãi dịch.
Như cốt cho hai tên quản giáo hiểu được cục mãi dịch là gì để tránh sự thắc mắc tuyệt nhiên không có tí lợi nào, Trúc vội đi một đường dông dài diễn giảng. Cục mãi dịch là nơi lo tổ chức sắp xếp những cuộc đấu thầu, mua bán linh tinh cho quân đội ngụy những hiện vật ngoài thị trường tự do. Riêng tôi, dù làm ở cục mãi dịch nhưng tôi không giữ chức vụ nào liên quan tới những chuyện đó. Tôi chỉ phụ trách mỗi việc lo mời ca sỹ hát hò mỗi khi có lễ lạc ở đơn vị.
Tên quản giáo chợt len vào.
- Thế ra anh là sỹ quan chiến tranh chính trị?
Trúc giẫy nẩy.
- Ấy thưa không. Tôi xuất thân trường chính...
Trong lúc hơi hoảng, Trúc tính phun ra câu tôi xuất thân trường chính trị kinh doanh, nhưng vì sực nhớ ra có chữ chính trị trong đó nên anh ngưng ngay lại. Anh vội chữa. Tôi vốn xuất thân trường kinh doanh, có nghĩa là dạy về cách tính toán tiền bạc, buôn bán... đại khái như kế toán ấy mà. Vợ tôi là Lệ Thủy đào hát cải lương, nhờ đó tôi quen biết nhiều trong giới hò hát ở Sài Gòn. Tên cục trưởng của tôi thấy vậy cho tôi cái chân chạy liên lạc ca sỹ. Cô A hát hai bài mình phải trả bao nhiêu? Anh B hát một bài mình phải trả bao nhiêu?... Miễn sao cuộc lễ lạc được tổ chức tốt và sự tiêu pha của đơn vị được hợp lý và không quá tốn kém.
Với lối lý luận con cà con kê, thêm vào đó bản tính Trúc hiền lành, không ân oán với ai, thành thử Trúc qua mặt được hai tên quản giáo ngu dốt và được tập thể tù thông qua mau lẹ.
- Mời anh kế tiếp đọc bản tự khai.
- Tôi tên là Tứ, Quách Tứ. Sinh ngày tháng năm tại Bình Định. Cấp bậc trung úy. Chức vụ hoa tiêu trực thăng huấn luyện...
Vĩnh đếm thầm và thấy còn vài người nữa tới phiên mình.
Thốt nhiên anh em trong phòng, trừ người đang phát biểu, đều im phăng phắc lắng nghe bên ngoài.
Chúng nó đang giết nhau!
Mọi người đều đang nghe thấy giọng Trương Thanh Long. Long từng nói anh là giáo sự biệt phái, dù rằng sống một thời gian với nhau, chẳng mấy người còn tin anh có gốc mô phạm. Dĩ nhiên không phải ông thầy nào cũng có tư cách, nhưng ít ra sống trong tập thể, thường những nhà giáo vẫn giữ được một phong thái riêng như ôn hòa, lặng lẽ và thủ kín hơn bọn lính tráng thuần túy. Long hoàn toàn thiếu những cái đặc tính ấy. Anh ồn ào kể chuyện tục tĩu, biển lận vì lợi dụng bà con với khối trưởng Trai ăn cắp gạo của bếp, áp phe vặt vì sớm móc nối được bọn vệ binh, mua bánh kẹo về bán lại cho anh em với giá cắt cổ... Đặc biệt hơn, Long cũng là tay duy nhất của khối 10 thường xuyên léng phéng mò sang khối nữ tù, khi trở về phòng phóng đại nhiều chuyện nhảm nhí. Do những cái tính xấu ấy, anh em trong khối đều đồng loạt gọi anh bằng một cái tên mới: Long giáo gian!
Hiện tại Long giáo gian đang bắn phá Trần Trọng Minh.
Trần Trọng Minh, trung úy phi công A.37. Anh ruột của Minh cũng là một trung tá phi đoàn trưởng của không quân Việt Nam. Theo Minh nói, Vĩnh được biết anh là vai chú của Trần Trọng Thức, chồng cô kịch sỹ bánh nhè Kim Cương. Minh tính nóng nảy, phổi bò, thích giải quyết những xung đột với anh em bằng quả đấm. Thế nên Minh, trong giai đoạn đầu, ít được anh em thương mến. Cái tên Tí Quạu mà anh em đặt cho Minh đã diễn tả được một phần nào cái nóng tính của anh ta. Cũng vì cái tính nóng ấy, tránh sao khỏi có lần Minh đụng chạm với Long! Ân oán chẳng qua vài chuyện nhỏ nhặt...
Ở bên ngoài, không hiểu Trần Trọng Minh đọc bản tự khai của anh ra sao, mọi người bên trong hiện chỉ nghe thấy giọng sửa sai của giáo gian Long mà thôi.
- Tôi nằm gần anh Minh. Anh Minh đã có lần nói với tôi như thế này: Mỗi chiều tao đứng nhìn núi Bà Đen tao cứ sôi gan lên. Mới ngày nào tao đánh A.37 ở đó tụi nó banh xà rông xấp lượt. Từ trên cockpit nhìn xuống, tao thấy tụi nó thằng phơi xác, thằng chạy như vịt. Phi vụ cuối tao đánh sáng 28 tháng 4, ít lắm tao cũng thịt tụi nó hơn trăm... Sau khi kể lại một cách đầy đủ những câu tâm sự của Minh trước mọi người, Long tiếp tục tố giác. Thế mà bây giờ trong bản tự khai vừa đọc lên, tôi không hề thấy anh Minh đả động gì đến điều này.
Anh em ngồi trong lẫn ngồi ngoài đều thầm oán hận sự độc ác của Long.
Giọng Đính bỗng thầm thì bên tai Vĩnh.
- Anh em có giận chém nhau đằng sống, ai nỡ chém nhau đằng lưỡi như thế?!
Vĩnh cũng thấy sùng trong bụng.
- Thằng giáo gian ấy mà anh em với ai!
Bên ngoài giọng tố khổ của Long vẫn đều đều.
- Anh Minh còn phát ngôn linh tinh nhiều điều phản động hơn thế. Anh ấy từng nói rằng anh ấy không sợ thằng nào trên đời này cả. Thằng Trần Văn Trà mà gặp anh ấy, anh ấy thoi vỡ mặt...
Cả hai tên quản giáo thấy câu chuyện coi mòi nghiêm trọng đều chạy ra ngoài bán khối 2 đứng coi. Bên trong không có quản giáo, anh em bán khối 1 tranh thủ một dịp bằng vàng, chỉ không hơn 5 phút đã thông qua được 3 người.
Bên ngoài tên quản giáo Cư chợt lên tiếng.
- Sinh hoạt như thế này mới là sinh hoạt! Đầy khí thế đấu tranh! Cách mạng rất biểu dương những người trung thực và can đảm như anh Long. Riêng anh Minh, nếu anh có khuyết điểm, anh cũng cứ yên tâm. Nói cho cùng các anh ngồi đây ai mà chả có tội. Nếu có xử bắn thì tội nhẹ như anh Long cũng phải một viên, còn tội nặng như anh Minh thì năm bảy viên, mười viên... Nhưng Cách mạng đã quyết không xử tội chết các anh mà chỉ tập trung các anh lại để cải tạo, vậy các anh cứ yên tâm và làm đúng theo yêu cầu của Cách mạng là tốt. Nói tới đây hắn quay sang Trần Trọng Minh. Bây giờ anh Minh cầm bản tự khai của anh lên tiểu đoàn và làm việc riêng với tôi. Chúng ta sẽ bàn đến những thiếu sót trong bản tự khai đó. Còn các anh khác cứ tiếp tục sinh hoạt đọc bản tự khai dưới sự kiểm tra chung của đồng chí quản giáo Thịnh.
Trước khi quay lại nói nhỏ với tên Thịnh vài điều và bỏ đi về phía cổng trại, tên Cư ráng dặn dò bọn tù một câu cuối: Các anh nhớ tiếp tục phát huy cái trung thực và can đảm trong đấu tranh sai trái như của anh Long mới là đạt yêu cầu của Cách mạng!
Minh cũng đứng dậy. Anh không biện bác một lời. Tay cầm tờ tự khai, Minh lẽo đẽo đi theo thằng quản giáo Cư về phía tiểu đoàn.
Không khí của cả khối bỗng dưng chìm xuống như cùng chịu tang một điều gì! Rồi thì công tác đọc bản tự khai cũng phải tiếp tục tiến hành. Lúc tên Thịnh trở vào quan sát bán khối 1 thì đến lượt khối phó Đỉnh đọc bản tự khai của anh ta. Vừa dợm giọng đọc, Đỉnh đã bị Nguyễn Văn Tô tự Ba Tô giơ tay xin có ý kiến, lúc hắn thấy tên quản giáo vừa ngồi xuống gần bệ cửa.
- Tôi có ý kiến. Để noi gương tích cực đấu tranh sai trái của anh Long, tôi đề nghị chúng ta đọc lại bản tự khai từ anh Bính. Khi nãy tôi nhận thấy chúng ta đã thông qua vài người một cách rất tiêu cực, lấy lệ.
Cả đám đều chửi thầm trong bụng vì sự lấy điểm cực kỳ trắng trợn và mất dạy của thằng Ba Tô. Riêng tên quản giáo lấy làm lạ vội quay hỏi Đỉnh.
- Anh trụ trì bán khối này, khi nãy vắng mặt tôi, anh làm việc ra sao để anh em phải kêu ca như thế?
Khối phó Đỉnh bình tĩnh trả lời.
- Thưa anh tôi không rõ anh Tô muốn đọc lại bản tự khai của một số người vì lý do gì!? Từ đầu đến giờ anh em trong này đều làm việc có thứ tự và rất nghiêm túc. Mỗi người đọc bản tự khai của mình xong, tôi đều hỏi trước tập thể có ai phát hiện được gì sai trái thiếu sót không? Và rồi tất cả đều đồng ý cho thông qua...
Vì Thịnh là quản giáo mới chưa biết Ba Tô là gà của Cư, nên hắn quay sang Ba Tô hỏi với giọng bực mình.
- Anh đã biết là không tốt, tại sao từ nãy anh không phản đối? Đợi qua đến ba bốn người rồi mới kêu ca là làm sao?
Nguyễn Văn Tô ú ớ không biết trả lời thế nào. Tên quản giáo thấy bộ mặt thằng Ba Tô vừa trơ vừa bóng có lẽ cũng không có cảm tình cho lắm, thành thử hắn chiếu tướng Ba Tô luôn. Thôi được, bây giờ anh đọc bản tự khai của anh cho tôi nghe xem nào!
Nguyễn Văn Tô như mèo bị cắt tai. Hắn cầm bản tự khai lên, thoáng liếc quanh một vòng xem có ánh mắt nào hận thù mình không, rồi mới bắt đầu đọc.
- Tôi là Nguyễn Văn Tô, sinh ngày tháng năm tại Quảng Ngải. Cấp bậc trung ý trợ y. Đơn vị... Cha tôi chết vì đi làm Cách mạng chống Tây. Ông tôi chết vì đi làm Cách mạng chống Tây... Vợ tôi và gia đình vợ tôi đều thuộc thành phần nông dân...
Nguyễn Văn Tô làm một hơi dài. Không một chi tiết nào trong tiểu sử đời hắn mà hắn không cố nhét vào tí hơi hám Cách mạng, tí giai cấp bần cố. Đọc xong một quá trình được kê khai một cách chi li dài gần 10 phút, Nguyễn Văn Tô liếc nhìn tên quản giáo, đoạn ngó mọi người rồi hạ giọng khiêm nhường. Thưa các anh, đó là tiểu sử đầy tội ác với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân của tôi. Tôi biết tôi là kẻ có tội. Tôi đã phản bội lại con đường oanh liệt của cha ông, đi làm tay sai cho Mỹ ngụy. Một tiểu sử đầy tội ác như thế, dù tôi có cung khai thành khẩn nhưng hẳn thế nào, cũng có những sai sót. Tôi thành thật xin được tập thể nghiên cứu và bổ khuyết cho bản tự khai của tôi được hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu của Cách mạng.
Bộ mặt hèn hạ của Nguyễn Văn Tô chẳng ai muốn đếm xỉa đến làm gì. Nó muốn nói hưu nói vượn gì thì cũng mặc kệ cha nó. Thế nhưng trong tập thể không thể tránh được một vài người tiểu tâm, không nghĩ đến chuyện vạch áo cho người xem lưng là chuyện chẳng tốt đẹp gì, mà chỉ nghĩ rằng: mày đã chơi ông thì có dịp ông chơi lại cho mày biết tay...
Một trong thiểu số ấy đã lên tiếng: Trần Văn Tuấn tự Tuấn chuột.
Tuấn là một sỹ quan trẻ, rất trẻ, tuổi độ 21 hoặc 22. Trông cu cậu không ai có thể tin được cu cậu từng là một sỹ quan! Từ vóc dáng cho đến tính tình đều nhỏ mọn và loắt choắt như một con chuột. Bản tính Tuấn dù sao, không phải là một bản tính ác độc. Nó có vẻ hơi điên điên thì đúng hơn. Nhưng chính cái hơi điên điên ấy mới là khổ cho anh em. Hễ cứ thấy chướng tai gai mắt là nó đem anh em ra bổ tận tình trong những buổi họp khối mỗi chiều. Tai hại hơn nó bổ luôn Cách mạng khi cao hứng. Khối trưởng Trai và khối phó Đỉnh rất là phiền hà về nó. Nhớ dạo bọn chỉ huy trại bắt mỗi khối phải cử một người cầm càn tập hát những bài Cách mạng cho anh em, Tuấn đã ngang nhiên phát biểu: Ở đây có ai làm Cách mạng đâu mà biết bài hát Cách mạng!?
Hôm nay cột ăng ten Ba Tô vô phúc bị Tuấn chuột hỏi thăm sức khỏe.
Tuấn giơ cao tay ngay khi Ba Tô vừa dứt tiếng.
- Căn cứ trên bản tự khai của anh Tô, tôi có ba vấn đề đặt ra để xét lại sự thành khẩn tự khai báo của anh ấy.
Thứ nhất, anh Tô khai rằng anh là một sỹ quan trợ y thì điều này đã sai với lời anh nói với anh em hồi còn ở bên trại L4T1. Hồi ấy, như mọi người ở đây đều biết, trong một lần tự giới thiệu làm quen trước khối, anh Tô đã tuyên bố rằng anh là một bác sỹ quân y. Tại sao hôm nay anh lại tự hạ mình xuống chỉ còn là một sỹ quan trợ y? Nhìn qua sự kiện, tôi xin đào sâu vào vấn đề để phân tích cái nguyên do khai man của anh Tô như sau: Anh Tô muốn chạy tội! Anh thừa biết một ông bác sỹ quân y tội ác nặng hơn một sỹ quan trợ y. Cụ thể là anh Đỉnh khối phó của khối ta, tôi tin chắc trong quá khứ anh Đỉnh đã phạm muôn nghìn tội ác với Cách mạng nhờ vào cái thẩm quyền bác sỹ của anh ấy.
Khối phó Đỉnh bỗng giẫy nẩy khi bị Tuấn chuột tự nhiên lôi vào trận với lời buộc tội cực kỳ nặng nề. Mặt anh tái xanh vì giận nhưng cố kiên nhẫn chịu đựng. Tuấn quay ngay sang bác sỹ Đỉnh hỏi luôn: Tôi nhận định như thế đúng hay sai anh Đỉnh?
Đỉnh cáu điên người, tuồng như nếu không kẹt có tên quản giáo ngồi lù lù bên cạnh, chắc là anh đã nhảy xổ đến thoi vào mặt thằng oắt con mấy đấm rồi. Sau cùng, lấy hết bình tĩnh và khôn ngoan, Đỉnh trả lời.
- Tôi không có đủ thẩm quyền khẳng định tội ác giữa một bác sỹ quân y và một sỹ quan trợ y ai nặng hơn ai. Cái đó tùy ở sự xét xử của Cách mạng.
Tên quản giáo không góp ý mà chỉ gật gù.
Tuấn bỉu môi với giọng điệu thật ngang ngạnh.
- Thôi được, anh chưa tiến bộ nhiều nên chưa dám công khai nhận tội ác của mình. Tôi xin trở lại với vấn đề của anh Nguyễn Văn Tô vậy. Tại sao mới đầu anh Tô xưng là bác sỹ, bây giờ chỉ còn là trợ y? Đây là một điều gian dối có ý đồ, có tổ chức...
Thứ hai, anh Tô khai rằng cha ông anh đều chết vì chống thực dân Tây. Điều này lấy gì làm chứng? Trong bản tự khai không thấy nói cha ông anh chết trong trận nào, ngày tháng năm nào, cũng chẳng nói rõ mồ mả chôn ở đâu vân vân. Mập mờ như thế tôi thắc mắc lắm. Tôi vẫn có thể nghĩ rằng biết đâu cha ông anh lại chính là những người đã theo Tây chống phá Cách mạng và bị Cách mạng trừng trị!?
Thứ ba, anh khai vợ anh là một nông dân. Không bao giờ có chuyện này xảy ra ở miền Nam. Một bác sỹ như anh, hay như anh Đỉnh, anh Tuyên của khối này hoặc bất cứ một anh tu bíp nào của miền Nam trước đây mà lại có can đảm yêu đương và cưới làm vợ một cô nông dân chân lấm tay bùn cả. Man trá hoàn toàn. Anh khai như thế chẳng qua anh muốn thấy sang bắt quàng làm họ, muốn dây tí vô sản cao quý vào tiểu sử đầy tội ác của anh mà thôi.
Nói tới đây, Tuấn chuột nhìn tập thể và trang trọng đề nghị. Tôi yêu cầu tập thể khối nghiên cứu và buộc anh Tô phải làm lại bản tự khai từ đầu.
Nguyễn Văn Tô chết lặng người. Nhưng hắn làm gì được trước cái lập luận vững chắc ấy, dù hắn thừa biết thằng khốn nạn Tuấn chuột là thằng có tí máu điên trong người!?
Con gà của tên quản giáo Cư càng tê tái hơn nữa khi cả một nửa khối chưa ai lên tiếng, thì chính tên quản giáo Thịnh đã lên tiếng giùm.
- Tôi thay mặt khung biểu dương anh Tuấn và tôi xác nhận anh Tô đã man khai. Chúng tôi sẽ xét lại trường hợp của anh Tô. Bây giờ anh Đỉnh tiếp tục cho các anh khác lần lượt đọc bản tự khai.
Buổi trưa khi giờ phát cơm đến, mọi người chỉ có 15 phút để ăn. Ai cũng trợn trạo cố nuốt cho xong hai bát cơm hẩm với vài cọng rau muống già chấm nước muối. Một giờ trưa mọi người đã phải trở lại vị trí cũ để đi cho hết cái đoạn đường Núi Sọ của thời đại mới.