Số lần đọc/download: 549 / 41
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:13 +0700
Chương 11
C
húng tôi đuổi kịp Ursula Monkton trên bãi cỏ bên mấy bụi hoa hồng. Mụ ta đang cầm lọ mứt có lỗ giun vật vờ bên trong. Mụ ta trông rất kỳ lạ. Mụ ta giật cái nắp rồi dừng lại ngước nhìn lên trời. Rồi mụ ta lại nhìn lọ mứt.
Mụ ta chạy lại cây sồi có thang dây của tôi rồi lấy hết sức bình sinh ném lọ mứt vào thân cây. Nếu đang cố đập vỡ nó thì mụ ta đã thất bại. Cái lọ chỉ nẩy lên, rơi xuống đám rêu phủ gần hết mớ rễ cây chằng chịt rồi nằm đó, không suy suyển.
Ursula Monkton trừng mắt nhìn Lettie. “Tại sao chứ?”, mụ ta hỏi.
“Bà biết tại sao mà,” Lettie nói.
“Sao mi lại cho chúng vào?” Mụ ta bật khóc làm tôi cảm thấy lúng túng. Tôi không biết phải làm sao khi người lớn khóc. Đó là chuyện trong đời tôi mới thấy có hai lần: tôi đã thấy ông bà khóc khi cô tôi mất trong bệnh viện, tôi cũng từng thấy mẹ tôi khóc. Họ không có mẹ để dỗ dành mình.
Tôi tự hỏi Ursula Monkton đã bao giờ có mẹ hay không.
Mặt và cả đầu gối mụ ta dính bùn lem luốc, mụ ta đang than khóc.
Tôi nghe một tiếng động kỳ quặc và lạ lùng ở đằng xa: một tiếng tưng tưng khẽ như thể ai đó gảy sợi dây đàn căng.
“Không phải ta cho chúng vào,” Lettie Hempstock nói. “Chúng muốn đi đâu là cứ thế đi thôi. Thường thì chúng không đến đây vì không có gì cho chúng ăn. Giờ thì có rồi.”
“Cho ta về lại đi,” Ursula Monkton nói. Giờ thì tôi không nghĩ mụ ta có chút gì giống con người nữa. Mặt mụ ta không hiểu sao trông không ổn: nó là một sự lắp ghép ngẫu nhiên các đường nét làm người ta nghĩ đến mặt người, như mấy vòng xoắn xám xịt sần sùi và cục u trên thân cây sồi của tôi, hay mấy hoa văn trên tấm ván đầu giường ở nhà bà tôi mà nếu ta nhìn ngược trong ánh trăng thì sẽ thấy ông già ngoác miệng ra như thể đang gào thét.
Lettie nhặt lọ mứt dưới đám rêu xanh lên rồi vặn nắp. “Bà bỏ chạy làm cho nó kẹt lại mất rồi,” cô bé nói. Cô bé bước tới lối đi rải sỏi, lật úp lọ mứt lại cho nắp chúc xuống, cầm đáy lọ rồi gõ một cái thật tự tin lên mặt đá. Rồi cô bé lại lật lọ lên và vặn nắp. Lần này, cái nắp bung ra trong tay cô bé.
Cô bé đưa lọ mứt qua cho Ursula Monkton, mụ ta thò tay vào, rút ra cái thứ trong mờ đã từng là một cái lỗ trong bàn chân tôi. Nó ngọ nguậy, uốn éo và cong lại như thích thú khi mụ ta chạm vào.
Mụ ta ném nó xuống. Nó rơi xuống cỏ rồi mọc lên. Chỉ có điều, nó không thực sự mọc lên. Nó biến đổi: như thể nó trở nên gần sát tôi hơn là tôi tưởng. Tôi nhìn được xuyên qua nó, từ đầu này qua đầu kia. Tôi chạy xuyên qua cũng được nếu như đầu kia của đường hầm đó không dẫn tới bầu trời màu cam chói lọi.
Và khi tôi nhìn nó chằm chặp, ngực tôi lại đau buốt. Một cảm giác lạnh như đá, như thể tôi vừa ăn nhiều kem đến mức trong ruột lạnh buốt.
Ursula Monkton bước tới cửa đường hầm. (Sao cái ống lỗ giun bé tí lại là đường hầm được? Tôi không hiểu nổi điều đó. Nó vẫn là một cái lỗ giun có hai màu đen bạc, trong mờ, anh ánh, nằm trên cỏ, dài chỉ độ ba bốn phân. Tôi nghĩ việc đó như mình đã phóng to một thứ rất nhỏ lên. Nhưng nó cũng là đường hầm và ta dời cả một căn nhà qua cũng được.)
Rồi mụ ta dừng lại và than khóc.
Mụ ta nói, “Đường về.” Chỉ có vậy. “Không còn nguyên vẹn,” mụ ta nói. “Nó bị đứt mất rồi. Đoạn cuối của cánh cổng mất rồi...” rồi mụ ta nhìn quanh quất, trông lo lắng và bối rối. Mụ ta nhìn chăm chăm vào tôi - không phải vào mặt mà là ngực tôi. Rồi mụ ta nhoẻn miệng cười.
Rồi mụ ta rùng mình. Phút trước mụ ta còn là một người đàn bà trần truồng và dính bùn, phút sau mụ ta đã bung mình ra giống như cây dù có màu da thịt.
Và khi bung ra, mụ ta chìa tay chụp lấy tôi, nhấc bổng tôi lên tít trên cao nên bây giờ đến lượt tôi sợ hãi dang tay ra túm lấy mụ ta.
Tôi đang túm lấy da thịt. Tôi ở trên cao ngang bằng cái cây, cách mặt đất cũng cả năm mét.
Không phải tôi đang nắm lấy thịt da.
Tôi đang cầm sớ vải cũ, một tấm vải bố mục nát, thối rữa, và tôi sờ thấy được gỗ bên dưới nó. Nhưng đó không phải loại gỗ tốt mà là thứ gỗ để lâu ngày ta vẫn thấy nơi cây bị đổ ngã, thứ gỗ luôn có cảm giác ẩm ướt đến mức ta lấy ngón tay xé toạc ra được, thứ gỗ có bọ cánh cứng li ti, mọt gỗ và đầy nấm mốc mảnh như sợi chỉ bên trong.
Nó nắm lấy tôi và kẽo kẹt đu đưa.
MI BÍT MẤT LỐI ĐI RỒI, nó nói với Lettie Hempstock.
“Ta chưa bao giờ bít cái gì cả,” Lettie nói. “Mi đã bắt bạn ta. Bỏ cậu bé xuống đi.” Cô bé ở xa tít bên dưới, tôi thì sợ độ cao, sợ cả sinh vật đang nắm lấy tôi.
LỐI ĐI KHÔNG CÒN NGUYÊN VẸN NỮA. LỐI ĐI BỊ BÍT RỒI.
“Bỏ cậu bé xuống. Ngay lập tức. Thật cẩn thận vào.”
NÓ SẼ LÀM CHO LỐI ĐI ĐƯỢC NGUYÊN VẸN. LỐI ĐI Ở BÊN TRONG NÓ.
Bấy giờ, tôi cầm chắc là mình sẽ chết.
Tôi không muốn chết. Bố mẹ đã bảo rằng tôi sẽ không thật sự chết, chí ít là con người thật của tôi sẽ không chết: khi mọi người nhắm mắt xuôi tay thì không ai thật sự chết cả, rằng mèo con của tôi cùng ông thợ mỏ đá mắt mèo vừa mang lấy thân xác mới và sẽ sớm quay lại. Tôi không biết có đúng là vậy hay không. Tôi chỉ biết tôi đã quen là chính mình rồi, tôi yêu những cuốn sách của tôi, yêu ông bà và Lettie Hempstock, mà cái chết sẽ tước hết của tôi những thứ này.
TA SẼ XÉ TOANG THẰNG BÉ RA. LỐI ĐI BỊ ĐỨT ĐOẠN RỒI. NÓ VẪN CÒN Ở BÊN TRONG THẰNG BÉ.
Đáng ra tôi phải vung chân, nhưng lại không có gì để đá vào cả. Mấy ngón tay tôi cấu vào cánh tay đang nắm lấy mình, nhưng móng tay tôi lại cắm vào vải mục và gỗ mềm cùng thứ gì đó cứng như đá ở bên dưới; rồi sinh vật đó kéo tôi lại gần.
“Thả tôi ra!” tôi gào lên. “Thả! Tôi! Ra!”
KHÔNG.
“Mẹ ơi!” tôi gào lên. “Bố ơi!” Rồi, “Chị Lettie, bắt mụ ta thả em xuống đi.”
Bố mẹ tôi không có ở đó. Lettie thì có. Cô bé nói, “Skarthach. Bỏ cậu bé xuống. Lúc trước, ta đã cho bà một lựa chọn. Cho bà về nhà thì sẽ khó hơn bởi lẽ đoạn cuối đường hầm nằm bên trong cậu bé. Nhưng chúng ta làm được chuyện đó mà - nếu mẹ và ta không làm được thì bà của ta làm được. Vậy nên, đặt cậu bé xuống đi.”
NÓ Ở BÊN TRONG THẰNG BÉ. ĐÓ KHÔNG PHẢI ĐƯỜNG HẦM. KHÔNG PHẢI NỮA. KHI TẠO RA LỐI ĐI, TA ĐÃ GẮN CHẶT NÓ VÀO THẰNG BÉ, ĐẾN NỖI PHẦN CUỐI CỦA LỐI ĐI VẪN CÒN Ở BÊN TRONG THẰNG BÉ. ĐỂ ĐI KHỎI ĐÂY, TA CHỈ CẦN THÒ TAY VÀO NGỰC THẰNG BÉ, LÔI TRÁI TIM ĐANG ĐẬP RA, HOÀN TẤT LỐI ĐI VÀ MỞ CÁNH CỬA.
Cái thứ không có mặt mũi và đang đập phành phạch đó không nói thành lời mà nói hẳn vào trong đầu tôi, vậy mà trong lời lẽ của nó có gì đó làm tôi nhớ lại giọng nói du dương, dễ thương của Ursula Monkton. Tôi biết nó nói là làm.
“Bà dùng hết mọi cơ hội rồi,” Lettie nói như thể cô bé đang cho chúng tôi biết bầu trời có màu xanh lam vậy. Thế rồi, cô bé đưa hai ngón tay lên miệng huýt một tiếng dài ngọt ngào và cao vút.
Chúng kéo đến như thể nãy giờ vẫn chờ cô bé gọi.
Chúng ở tít trên bầu trời, thân đen kịt, đen nhánh, đen đến mức trông chúng như thể đốm bụi trong mắt tôi chứ không có thật gì cả. Chúng có cánh nhưng lại không phải chim. Chúng cổ xưa hơn chim, hàng chục hay có lẽ hàng trăm con bay vòng vèo xoắn xít, rồi từng con không phải chim nhưng đập cánh phành phạch đó cứ từ từ, từ từ sà xuống.
Tôi nhận thấy mình đang tưởng tượng ra một thung lũng đầy cả khủng long đã chết vì giao chiến hay vì bệnh dịch hàng triệu năm trước: trước hết, tôi tưởng tượng ra thân xác thối rữa, to còn hơn cả chiếc xe buýt của thằn lằn sấm, rồi đến kền kền của thời đại đó: xám đen, trụi lủi, có cánh nhưng không có lông vũ; tưởng tượng cả những khuôn mặt từ trong ác mộng - những cặp mắt đỏ hau háu đói khát cùng những cái mõm như mỏ chim với bộ răng nhọn hoắt chuyên mổ, xé và ngấu nghiến con mồi. Mấy sinh vật này thường sà xuống bên xác thằn lằn sấm khổng lồ và không để chừa lại gì ngoài xương.
Chúng to lớn, láng mượt, già cỗi và làm mắt tôi nhức nhối khi nhìn.
“Nào,” Lettie Hempstock nói với Ursula Monkton. “Bỏ cậu bé xuống.”
Cái thứ đang giữ tôi không có hành động nào nhằm thả tôi ra. Nó không trả lời, chỉ di chuyển thoăn thoắt như con tàu ngất ngưởng tả tơi, băng qua bãi cỏ tới đường hầm.
Tôi thấy được cơn giận trên mặt Lettie Hempstock, hai nắm tay cô bé siết chặt đến mức mấy khớp ngón tay trắng bệch ra. Trên đầu chúng tôi, tôi thấy lũ chim đói cứ bay vòng vòng, vòng vòng...
Thế rồi, một con trong bọn từ trên trời lao xuống, lao xuống còn nhanh hơn đầu óc ta có thể hình dung. Tôi cảm thấy một luồng khí bên cạnh, thấy một cái hàm đen, đen thui, đầy mũi kim nhọn và cặp mắt cháy rực như đèn hàn khí, rồi tôi nghe một tiếng xé toạc như có tấm màn bị giật rách ra.
Cái thứ bay lượn đó lại vụt lên bầu trời, quắp theo một khúc vải xám.
Tôi nghe thấy một giọng than khóc bên trong lẫn bên ngoài đầu mình, đó là giọng của Ursula Monkton.
Thế rồi, chúng sà xuống như thể cả đám chỉ chờ cho đứa đầu tiên trong bầy động thủ. Từ trên bầu trời, chúng sà xuống cái thứ đang giữ tôi rồi kéo những sợi vải đi, trông như ác mộng đang cấu xé ác mộng vậy, và qua tất cả mọi thứ đó, tôi nghe thấy tiếng Ursula Monkton gào thét.
TA CHỈ CHO BỌN HỌ CÁI BỌN HỌ CẦN THÔI MÀ, mụ ta nói, giọng hờn dỗi và sợ sệt. TA KHIẾN BỌN HỌ ĐƯỢC SUNG SƯỚNG MÀ.
“Bà khiến bố làm tôi đau,” tôi nói khi cái thứ đang tóm giữ tôi vùng vẫy giãy giụa chống lại bầy ác mộng đang cắn xé những sớ vải của nó. Lũ chim đói xé toạc nó ra, từng con một cứ lặng lẽ xé mấy sợi vải đi rồi nặng nề đập cánh về lại bầu trời, lượn vòng vòng trên đó để rồi lại sà xuống.
TA CHƯA HỀ KHIẾN ĐỨA NÀO LÀM GÌ CẢ, nó bảo tôi. Trong một thoáng, tôi tưởng nó đang cười cợt tôi, rồi tiếng cười trở thành tiếng thét to đến inh tai nhức óc tôi.
Thế rồi, như thể gió đã lìa bỏ những cánh buồm tơi tả, cái thứ đang tóm giữ tôi từ từ đổ sụp xuống đất.
Tôi rơi phịch xuống bãi cỏ, đầu gối và lòng bàn tay trầy trụa. Lettie kéo tôi lên, dìu tôi tránh xa đống tàn tích đổ tan tành của cái thứ từng tự xưng là Ursula Monkton.
Tấm vải xám vẫn còn đó, nhưng nó không phải là vải nữa: nó lăn lộn quằn quại trên nền đất quanh tôi, bị thổi tung bởi ngọn gió tôi không hề cảm thấy và trông như một đống giòi bọ lúc nhúc.
Bầy chim đói sà xuống nó như hải âu trên bãi biển có cá dạt vào, chúng xé xác nó như thể cả ngàn năm rồi chúng chưa được ăn nên giờ phải tọng cho đầy bụng vì có lẽ cả ngàn năm hay lâu hơn nữa chúng mới được ăn lại. Chúng mổ rỉa cái thứ màu xám đó, và trong đầu mình, tôi nghe nó gào thét suốt lúc bị bọn chim đói tọng mớ da thịt vải mục của nó vào dạ dày sắc nhọn của chúng.
Lettie nắm cánh tay tôi. Cô bé không nói gì.
Chúng tôi chờ.
Và khi tiếng gào thét im bặt đi, tôi biết rằng Ursula Monkton đã biến mất mãi mãi.
Khi mấy sinh vật đen kịt đã ngấu nghiến xong cái thứ trên cỏ cho đến khi không còn lại gì dù chỉ là một rẻo vải xám xíu xiu, chúng bèn quay qua chú ý đến đường hầm trong mờ đang quằn quại, uốn éo, co giật như một sinh vật có sự sống.
Vài con trong bầy dùng móng vuốt quặp lấy nó, cắp bay lên, lùa nó lên bầu trời cho những cái mồm đói khát của bọn kia mổ và ngấu nghiến cho bằng sạch.
Tôi tưởng rằng ăn xong chúng sẽ bỏ về nơi chúng ở, bất kể nơi đó là đâu, nhưng không, chúng sà xuống. Khi chúng đậu xuống, tôi cố đếm mà không xuể. Tôi nghĩ chúng có hàng trăm con, nhưng tôi cũng có thể nhầm. Có thể là hai chục con. Có thể cả ngàn con. Tôi không giải thích được điều đó: có lẽ chúng đến từ một nơi mà ta không thể áp dụng những thứ như vậy lên chúng được, đâu đó nằm ngoài thời gian và những con số.
Chúng đậu xuống và tôi nhìn chúng chằm chằm, nhưng không thấy gì ngoài những cái bóng.
Không biết bao nhiêu là bóng đen.
Và chúng đang nhìn chòng chọc vào chúng tôi.
Lettie nói, “Bọn bây làm xong cái việc đã kéo bọn bây đến đây rồi. Bọn bây đã có được con mồi. Bọn bây đã dọn dẹp sạch sẽ rồi. Giờ thì bọn bây về đi.”
Mấy bóng đen không nhúc nhích.
Cô bé nói, “Đi đi!”
Mấy bóng đen trên cỏ vẫn đứng yên tại chỗ. Có chăng thì dường như chúng đen hơn, thật hơn trước.
- Mi không có quyền gì đối với bọn ta cả.
“Có lẽ là ta không có,” Lettie nói. “Nhưng ta đã kêu bọn bây đến đây nên giờ ta bảo bọn bây về đi. Bọn bây đã ngấu nghiến Skarthach Ngục Tối. Bọn bây làm xong việc rồi. Giờ thì giải tán đi.”
- Bọn ta là những kẻ hốt dọn. Bọn ta đến để dọn sạch.
“Tốt, bọn bây đã dọn xong thứ cần bọn bây đến dọn rồi. Về đi.”
- Chưa phải mọi thứ, gió trong mấy bụi đỗ quyên rì rào và cỏ lao xao.
Lettie quay qua đứa hai tay ôm choàng lấy tôi. “Đi nào,” cô bé nói. “Nhanh lên.”
Chúng tôi băng thật nhanh qua bãi cỏ. “Để chị dẫn em xuống chỗ nhẫn thần,” cô bé nói. “Em phải chờ ở đó cho đến chừng nào chị đến đón. Đừng bỏ đi. Dù vì bất cứ lý do gì.”
“Tại sao không ạ?”
“Bởi vì có thể có chuyện không hay xảy ra với em. Chị không nghĩ mình đưa em về lại trang trại an toàn được, chị không lo liệu chuyện này một mình được. Nhưng em sẽ được an toàn bên trong chiếc nhẫn. Dù nhìn thấy bất cứ thứ gì, dù nghe thấy bất cứ thứ gì cũng đừng ra khỏi chiếc nhẫn. Cứ ở yên đó rồi em sẽ ổn thôi.”
“Nó đâu phải là nhẫn thần thật,” tôi bảo cô bé. “Đó chỉ là trò chơi của nhà em thôi mà. Đó là vòng cỏ xanh.”
“Nó chính là nhẫn thần đấy,” cô bé nói. “Không có thứ gì muốn làm hại em mà băng qua nó được. Nào, ở lại bên trong đi.” Cô bé siết tay tôi và dẫn tôi vào trong vòng cỏ xanh. Đoạn, cô bé chạy vào mấy bụi đỗ quyên và biến mất.