Số lần đọc/download: 2620 / 13
Cập nhật: 2017-09-21 20:02:31 +0700
Chương 12
Đ
ể thay đổi cuộc đời, để cuộc sống bớt tẻ nhạt cô đơn, bà gia nhập đội du kích. Quãng đời làm du kích vào sinh ra tử, chiến công là những sáng kiến, những âm mưu tiêu diệt kẻ thù. Bà tôi chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt quân thù không kém đàn ông. Trong những thành tích chiến công ấy, có một chiến công ám ảnh bà, bám theo bà suốt quãng đời còn lại. Dư âm của chiến tranh, ám ảnh của tội lỗi, hồn ma kẻ bị bà giết khiến bà không chỉ hay mơ đêm mà thường xuyên nói mơ cả khi còn thức. Những năm già yếu cuối đời, hồn ma kẻ bị bà giết cứ lừng lững hiện về ngồi đối diện, đấu khẩu tay đôi với bà.
Bà tôi mất rồi, hồn ma vẫn không mất. Hồn ma, chất độc của chiến tranh đã ăn vào cơ thể mẹ tôi, đã trú ẩn trong tâm hồn mẹ tôi, con gái của bà tôi. Mẹ tôi trở về già, ký ức ấy, chất độc ấy, hồn ma ấy ám ảnh mẹ ngày một dữ dội hơn, sâu sắc hơn.
Đêm, người già khó ngủ, lũ mèo gào gọi bạn tình thảm thiết thê lương, trẻ sơ sinh khóc dạ đề nằng nặc canh khuya; ngày, tiếng lao xao trong buổi sớm mai bắt đầu ngày mới, tiếng gà gáy trưa lưa thưa đây đó, tiếng khóc nỉ non trẻ nhà ai trong hoàng hôn nhớ mẹ... Tất cả, tất cả, ngày lại ngày, năm vẫn năm, dậy lên trong mẹ cảm giác buồn xao xác, xót xa. Mẹ bảo ký ức như một thứ dịch vị, ngửi thấy mùi là tứa ra, là nhớ lại, là hiện về mới nguyên như là vừa mới xảy ra, như là đang hiện hữu.
Năm ấy Thắm, mẹ tôi lên mười.
Chuyện xảy ra vào một buổi sáng.
Một buổi sáng mặt trời chưa tỉnh ngủ, nhưng bầy chim đã hát loạn trong vườn, làm thức dậy thói quen bản năng con trẻ của Thắm. Thắm quờ tay tìm mẹ để được mẹ yêu, để được ấp ủ, để được gối đầu tay, để được vỗ về. Thắm thấy bên này, những gối những chăn như thể người lớn để chặn cho con trẻ sơ sinh khỏi giật mình. Thắm sợ hãi khi nhận ra, hình như suốt đêm ngủ không có mẹ! Thắm run rẩy gọi “Mẹ ơi!”. Không thấy tiếng mẹ trả lời. Thắm bật dậy khỏi giường, bước ra bậu cửa. Ban mai còn vương lớp màng của đêm, lằng nhằng ảo ảo. Thắm dụi mắt đi quanh nhà tìm mẹ. Thắm đi xuống bếp, dụi dụi đôi mắt, rấm rứt: “Mẹ, mẹ ơi, mẹ đâu rồi...”. Nghe tiếng gọi của con, phản xạ của tình mẫu tử, từ trong chuồng trấu mệt mê man, bà bật dậy ùa ra, ôm con. Tóc tai xũ xượi, vỏ trấu bám đầy người, trông ngoại như một con ma dại.
Thắm hét to:
- Bà ba bị!
Bà ôm chặt Thắm. Mùi tanh của bùn, mùi tanh của máu bốc ra từ bà ba bị khiến Thắm rùng mình ôm mặt. Bà nghẹn ngào trấn an con:
- Mẹ. Mẹ đây con…
Thắm thấy những vết xước bờ giậu rào mây cào chằng chịt như những con cuốn chiếu hằn trên má bà. Tóc bà són lại từng lọn, rối bời. Thắm không nhận ra mẹ mình. Gương mặt sợ hãi của con gái khiến ngoại bộc phát thốt lên:
- Tên phản bội khốn kiếp!... - Bà khóc.
Đứa trẻ hãi quá, thấy mẹ khóc cũng khóc to thành tiếng:
- Mẹ, mẹ ơi, mẹ đâu rồi, hu hu hu.
Ném con dao xuống đống tro tàn, bà ôm chặt con gái:
- Mẹ xin lỗi. Mẹ xin lỗi. Mẹ là mẹ của con thật mà. Đêm qua con gái mẹ ngủ một mình. Mẹ xin lỗi! Mọi chuyện xong rồi. Mẹ xin lỗi, mẹ sẽ không như thế nữa...
Thắm ôm mẹ.
- Hu hu hu. Mẹ bị làm sao thế? Ai đánh mẹ đau thế này! Hu hu hu. Con đi lấy dầu xoa cho mẹ.
- Không. Mẹ không sao. Mẹ đi rình bắt ông ba bị, mẹ phải giả vờ giống ba bị đấy mà...
Hai mẹ con chìm trong giấc ngủ muộn.
Mặt trời xé toạc màn sương đêm mỏng như the tự lúc nào, ánh nắng tuôn trào chứa chan từng lối ngõ, hai mẹ con vẫn say ngủ. Tiếng bước chân người nhộn nhịp ngoài đường cùng những tiếng xôn xao náo động, bà ngỡ mình mơ ngủ:
- Khủng khiếp quá.
- Một nhát dao phi trúng yết hầu.
- Phải là tay giết người chuyên nghiệp
- Sao? Ai giết ai? Ai bị giết?
- Lão Hiểu bị giết đêm qua.
- Chập tối, tôi vẫn nhìn thấy lão trên đường cái cơ mà.
- Chết thì làm sao mà biết trước được.
- Hắn có thù oán với ai nhỉ?
- Thời loạn. Biết ai giết ai bây giờ...
- Chả biết ra làm sao nữa. Thật là rùng rợn!
- Chắc Việt Minh nhà mình ra tay. Nghe đồn đâu đó, tay Hiểu làm chỉ điểm.
- Khe khẽ cái mồm thôi. Tội vạ gì đến nhà ông...
- Chẳng lẽ bọn chỉ điểm giết hại nhau?
- Lão Hiểu đĩ lắm. Hay rình bóp vú đàn bà. Vô phúc quờ quạng phải nữ du kích bị dính chưởng là cái chắc...
Nữ du kích. Rành mạch từng câu từ ngoài đường cái giội vào tai bà. Bà bật dậy, chạy xuống bếp đốt lửa đùng đùng cho bớt run. Bà ném bộ áo quần tanh máu vào lửa. Lửa tắt. Bà lấy cái gậy kều lửa, kều lên, ngọn lửa trội dậy, bùng to, bập bùng, bập bùng, xua đi hãi hùng, xua đi bóng tối, xua đi tiếng xôn xao, xua đi bóng ma, xua đi sợ hãi ẩn nấp trong lòng bà. Mùi thơm của nồi cám lợn hòa lẫn mùi cháy xém của đít nồi quyện vào khí quyển bay ra đường lẻn vào nhà chòm xóm. Cháy nồi cám lợn. Bà lôi nồi ba mươi treo trong chuồng trấu ra đun. Thường mỗi năm người ta chỉ dùng nồi ba mươi có một lần vào dịp tết để luộc bánh chưng, bà tôi lôi ra đun nước tắm. Bà thoăn thoắt phát lá mây, phạt cỏ mần trầu bên bờ ao ném vào nồi ba mươi nước đang sôi sùng sục. Lá bưởi, cỏ mần trầu, lá mây ngùn ngụt bốc hơi lan tỏa như sương, như khói, mùi hương dễ chịu vô cùng. Bà sợ. Sự sợ hãi khiến bà không làm chủ được hoạt động của mình. Bà xông khói, bà tắm truồng ngay trong bếp. Nước lá mây, cỏ mần trầu pha thêm nước lạnh, bà dội xối xả lên thân thể, tràn xuống nền đất bếp. Đất sủi bọt màu nâu túa ra thềm, chảy thành dòng xuống cái sân gạch, bò ra ngõ. Tắm gội xong, bà túm gọn mớ tóc ướt rối xù lên đỉnh đầu. Bà bưng nồi cám lợn ra chái bếp, mở vung cho bớt nóng. Đàn lợn thính mũi eng éc đòi ăn. Chúng đớp cám nóng tờm tợp, tờm tợp, bỏng, chúng dí cái mõm xuống sàn chuồng, eng éc kêu, tiếng kêu làm nhòe tiếng người nhốn nháo ngoài đường vọng lại.
Hình như ai đó gọi cổng:
- U cái Thắm ơi, ngủ ngày kỹ thế. Ông Hiểu, bố thằng Hạnh chết rồi đây này. Bình chân như vại. Hàng xóm láng giềng sang xem thế nào chứ.
Tiếng ai đó như phép màu điểm huyệt, bà như chết lặng, mặt vàng bệch như sáp, tim ngừng đến vài giây. Hít một hơi thật sâu, bà nắm chặt cái cột bếp để đứng được vững hơn. Lửa vẫn cháy đùng đùng trong bếp, mồ hôi vã đầm đìa, chân tay bà bủn nhủn. Bà câm lặng, ôm cột như chết đứng.
Trực cảm xuất thần trong giấc ngủ như tỉnh như mơ, Thắm bật dậy.
- Mẹ! Nhà Hạnh làm sao, Hạnh bị làm sao, mẹ?
Từ dưới bếp bà nói vọng lên nhà:
- Mẹ không biết. Chắc là ông ấy bị cảm.
- Con sang nhà Hạnh. Mẹ cho con sang nhà Hạnh!
Tiếng ngoại thất thanh:
- Không, con đừng đi.
Tiếng ngoài đường vọng lại:
- Ông ấy chết thương tâm quá. Tội nghiệp thằng bé mồ côi mẹ, giờ lại mồ côi nốt cả cha.
Rời bỏ cái cột bếp, như sợ cướp giật, bà chạy vút lên nhà, ôm chặt cô con gái:
- Mẹ xin con, con đừng đi.
Thắm gỡ tay mẹ, lao ra ngõ. Bà nhoài tay túm trượt vạt áo, mất đà, Thắm ngã sõng soài.
- Con không được sang lúc này. Trẻ con không được nhìn người chết.
- Mẹ bỏ con ra!
Tiếng khóc của Hạnh trộn trong tiếng ồn ào. Thắm lắng nghe, mắt buồn ngân ngấn nhìn bà. Bà bối rối, trốn ánh nhìn của con mà lẽ ra, lúc này, như bao người mẹ yêu thương con, sẽ ôm con vào lòng an ủi, vỗ về.
Tiếng khóc của Hạnh thảm thiết át cả tiếng ồn ào. Thật không thể tin nổi, sau một đêm ngủ dậy Hạnh thấy cha nằm bất động trong vũng máu ngoài hiên.
- Cha, cha ơi, cha làm sao? Cha làm sao thế này?
Thằng bé quỳ gối ôm bố, áp tai vào ngực bố:
- Các bác ơi cứu bố cháu với, tại sao bố cháu lại bị thế này!
- Nín đi, nín đi cháu. Khổ thân thằng bé quá.
- Các bà kéo nó ra, đừng để nước mắt nó rơi vào người ông ấy.
- Thằng bé làm gì nên tội! Chịu cảnh bố con gà trống nuôi nhau, giờ lại cảnh thương tâm thế này!
- Bố làm bố chịu, giết người ta thì cũng phải nghĩ đến con người ta chứ, nó còn bé thế này, nó làm sao sống được một mình.
Thắm sợ hãi, ôm chặt mẹ. Chuyện như ma quỷ. Thắm đứng lập cập bên ô cửa sổ mở ra đường nhìn sang bên ấy. Người run như một cái lò xo. Những câu hỏi cứ liên tiếp được đặt ra trong ý nghĩ: Tại sao, tại sao? Trọn đêm qua, cả làng không có tiếng ồn, không một tiếng súng, cớ làm sao có chuyện mẹ Thắm bị ai đó đánh bầm dập xác xơ, còn cha Hạnh bị ai đó đâm lén chết trong vũng máu giữa thềm nhà? Tại sao tại sao hai chuyện kinh hoàng lại xảy ra cùng một lúc trong một đêm? Tại sao lại xảy ra với hai đứa hai nhà đối diện, chơi thân với nhau? Tại sao? Tại sao?
Tiếng khóc của Hạnh im bặt. Tiếng mọi người trong nhà Hạnh cũng được gom lại, lặng im bên thi thể người bị hại.
Thắm bật khóc:
- Mẹ, mẹ cho con sang nhà Hạnh.
Ngoại nhìn con, ánh mắt nhìn như van xin, như hối hận:
- Con đừng buồn, mẹ con mình sẽ giúp bạn ấy.
Hai mẹ con ôm nhau nức nở như hai người đàn bà cùng chung một nỗi đau...