Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa.

Oprah Winfrey

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Cầm
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1318 / 34
Cập nhật: 2016-04-30 17:35:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ầu tháng 12 năm 1965 khi chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng kết thúc, Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho sư đoàn 9: Phát huy chiến thắng đợt một, cần gấp rút chuẩn bị củng cố đơn vị theo hướng đánh lớn, buộc địch co lại giảm bớt sục sạo vào vùng sâu của ta.
Thay mặt Bộ tư lệnh sư đoàn, tôi đề nghị Miền xin được chuyển địa bàn để có điều kiện đánh địch góp phần giữ vững vùng sâu, bảo vệ thế trận có lợi cho ta.
- Ở đâu - Bộ chỉ huy Miền hỏi.
- Đông đường 13 - Tôi trả lời.
- Đồng ý - Bộ chỉ huy Miền chuẩn y và nhấn mạnh - Trước mắt sư đoàn về đứng chân ở suối Nhung để tranh thủ củng cố đơn vị, sẵn sàng đánh địch trên đường 13, 16 nếu địch nống ra khu vực này.
Trong khoảnh khắc yên tĩnh ngắn ngủi, gần như chưa có trận đụng độ nào giữa các đơn vị chủ lực Miền với quân viễn chinh Mỹ, nhưng bầu trời và mặt đất Đông Nam Bộ đặc quánh những âm thanh nặng nề của chiến tranh. Thường xuyên chúng tôi được cơ quan tham mưu Miền thông báo máy bay B.52, cường kích, pháo bày đánh phá liên tục, ác liệt các căn cứ
Dương Minh Châu, Bời Lời, Long Nguyên, Củ Chi, Chiến khu Đ Xuyên Mộc, Hát Dịch. và những nơi chúng nghi có chủ lực ta trú quân. Tình hình đang thực sự trở nên khẩn trương. Đối mặt với sư đoàn 5, sư đoàn 9 chúng tôi là các đơn vị sừng sỏ của Mỹ vừa đặt chân lên chiến trường miền Đông (1) đang hối hả chuẩn bị cho cuộc hành quân lớn. Cuộc "chiến tranh cục bộ" trên quy mô lớn đã và đang trở thành hiện thực.
Ba ngày sau, khi sư đoàn đã tạo dựng được cơ ngơi ăn ở ổn định, bắt tay vào việc chấn chinh tổ chức, củng cố đơn vị, tôi được điện của Bộ chỉ huy Miền gọi về báo cáo kết quả chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng và nhận nhiệm vụ mới.
Cuộc họp có mặt đầy đủ các anh trong Bộ chỉ huy Miền, diễn ra trong không khí phấn khởi vì chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng kết thúc thắng lợi.
Theo gợi ý của các anh trong Bộ chỉ huy Miền, tôi báo cáo ngắn gọn, tổng hợp diễn biến, kết quả và chủ yếu là rút ra những bài học về chỉ đạo chiến dịch, chỉ huy chiến đấu.
Nghe xong, các anh trong Bộ chỉ huy Miền đều nhất trí với đánh giá thắng lợi của sư đoàn và chỉ thị sư đoàn cần tổng hợp gấp nhưng đầy đủ những kinh nghiệm đánh Mỹ trong chiến dịch này, phối hợp với tác huấn Miền biên soạn thành tài liệu bài bản hoàn chỉnh để phổ biến nhanh xuống các lực lượng vũ trang ba thứ quân trước khi bước vào đợt hoạt động mới.
Tiếp theo anh Trà thay mặt Bộ chỉ huy Miền phổ biến nhiệm vụ.
Trên cơ sở quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 11, 12, Nghị quyết Bộ Chính trị, Nghị quyết Quân uỷ Trung ương và kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, được Trung ương Cục, Quân uỷ Miền phê chuẩn, Bộ chỉ huy Miền thông qua kế hoạch hoạt động quân sự đợt II cho toàn chiến trường B2, trọng tâm là chiến trường Đông Nam Bộ, nhằm phát huy thế chủ động, tiếp tục tấn công các cuộc phản công của quân Mỹ trong âm mưu "bẻ gãy xương sống Việt cộng" của tướng Oét-mo-len trong mùa khô này.
Để thực hiện yêu cầu trên, Bộ chỉ huy Miền quyết định:
- Ở hướng bắc, tây-bắc sẽ do các đơn vị chủ lực tại chỗ, bộ đội địa phương và dân quân du kích đảm nhiệm, đặc biệt chú ý các trọng điểm Củ Chi, Hố Bò, Bến Cát.
Ở hướng bắc, đông-bắc sẽ do Sư đoàn 9 đảm nhiệm gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Bình Dương, Chiến khu Đ; Sư đoàn 5 làm nhiệm vụ đánh địch từ đông-bắc đến đông-nam Sài Gòn gồm các tỉnh Long Khánh, Biên Hoà, Bà Rịa. Dồn chủ lực về hướng này vì ở đây có khả năng đánh lớn khi quân Mỹ mở các cuộc hành quân "tìm diệt" chủ lực ta, đánh phá các căn cứ trong đó có các mục tiêu chủ yếu là Chiến khu Đ, và mở rộng vùng kiểm soát trên hai trục đường 13 và 15, uy hiếp hành lang Phước Long - nơi đoạn cuối của đường mòn Hồ Chí Minh đã được nối thông, đang phát huy tác dụng; ở đó chúng ta đã tiếp nhận hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, hàng nghìn tấn vũ khí đạn dược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Đông Nam Bộ. Với đặc điểm rừng núi ở hướng này hiểm trở, liên hoàn có chiều sâu, một thế tự nhiên thuận tiện để thực hiện buộc địch phải theo cách đánh của ta.
- Ở hướng Trung và Tây Nam Bộ, theo kế hoạch của Bộ chỉ huy Miền, các trung doàn chủ lực Quân khu 8 và 9 dồn về đứng chân ở U Minh, Đồng Tháp vừa làm nhiệm vụ giữ căn cứ giải phóng, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đánh phá bình định ở đồng bằng, vừa thọc sâu tiến công địch trên đường số 4, buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo điều kiện cho Đông Nam Bộ là chiến trường chính chiến đấu có hiệu quả các cuộc phản công mùa khô của địch. Quanh các căn cứ của Mỹ như Bắc Hà (Củ Chi), Lái Thiêu, Bến Cát, chúng ta đang có kế hoạch củng cố các tổ đội du kích bám căn cứ, đánh tiêu hao, quấy rối địch và từng bước hình thành nên những vành đai diệt Mỹ.
Với cách bố trí trên đây, chúng ta hình thành thế trận đánh địch tại chỗ, đánh chính diện bên sườn và cả sau lưng địch, buộc Mỹ phải bị động, phân tán, không phát huy được thế mạnh quân đông, vũ khí nhiều và hiện đại.
Với vẻ lạc quan, tự tin, giọng nói sôi nổi quen thuộc mà tôi bắt gặp lần đầu ở chiến dịch Biên Giới (Thu Đông 1950), anh Thanh thay mặt Quân uỷ Miền nói tiếp:
- Mặc dầu vừa bị thua đau ở Đất Cuốc, Bầu Bàng, Căm Se nhưng Mỹ đang còn rất sung sức, chúng đang còn rất chủ quan ngạo mạn về sức mạnh trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại, nhất là mục tiêu "tìm diệt" Sư đoàn 9 chưa thực hiện được nên quân Mỹ còn hung hăng. Các trận phản công sắp tới của chúng chắc chắn có quy mô lớn cả về không gian và thời gian, với nhiều thủ đoạn chiến thuật, biện pháp kỹ thuật hiểm hóc, tinh vi. Vì vậy, chúng ta phải có tinh thần chiến đấu cao, dũng cảm phi thường, phải có chí khí anh hùng và quyết tâm dời non lấp biển, đạp bằng bất cứ trở lực nào, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, đánh bại bất cứ kẻ thù nào (Nghị quyết Trung ương 12).
Cuối cùng anh chỉ thị:
- Để thực hiện tốt đợt hoạt động này, ngoài quyết tâm cao, Sư đoàn 9 cần gấp rút xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, nhưng không nên tham, mà phải tùy theo sức mình, "bảo đảm sao cho tiến công địch mạnh và tự vệ mình tốt" (thư Bộ Chính trị).
Anh vừa nghiêm túc khi giao nhiệm vụ vừa thân mật động viên Sư 9 kiên trì ở hướng đó, vừa khẩn trương triển khai lực lượng sẵn sàng đánh địch, vừa chuẩn bị cho đơn vị ăn Tết ở đấy.
Cuộc họp tuy nhiều nội dung nhưng chỉ làm gọn trong vòng hai giờ.
Tôi trở lại sư đoàn ngay sau đó, vào lúc mặt trời lặn, chỉ còn hắt lên chân trời phía tây một ráng đỏ đậm rồi tắt nhanh, báo hiệu ngày mai nắng càng gắt, như đổ lửa xuống mảnh đất nơi chúng tôi đang trú quân dã ngoại.
Các anh trong Bộ tư lệnh sư đoàn phấp phỏng chờ tin. Vì vậy khi tôi về đến nơi là cuộc họp được bắt đầu. Tôi báo cáo toàn bộ kế hoạch của Bộ chỉ huy Miền về đợt hoạt động quân sự mới, trong đó có nhiệm vụ cụ thể của Sư 9; nói cả tinh thần thư của Bộ Chính trị đề ngày 6-4-1965 gửi Trung ương Cục và Khu uỷ 5 mà tôi được phổ biến trong cuộc họp: Khi Mỹ thêm nhiều lực lượng và phương tiện vận chuyển cơ động, chắc chắn chúng sẽ mở nhiều cuộc tiến công vào chiến trường rừng núi, với quân Mỹ là chính, có kèm theo quân nguỵ và quân chư hầu để cố giành chủ động, cố đạt một số thắng lợi để gây ảnh hưởng về chính trị, hòng đẩy ta vào thế bị động. Do đó nếu ta không dùng hình thức phản công chiến lược, phản công chiến đấu để tiêu diệt quân Mỹ và quân nguỵ, thì ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội và có thể lâm vào bị động.
Chủ động và khẩn trương phải đi liền với nhau, tự nhận thức đó chúng tôi đã thống nhất một số việc cần làm ngay trong đếm: điều đơn vị trinh sát rời suối Nhung đi về phía tây-nam đến tả ngạn sông Bé thuộc địa phận huyện Tân Uyên, nơi đang có một số đơn vị Mỹ thuộc sư 1 nống ra cách đây bốn ngày để nắm ý đồ và hình thái đóng quân của chúng; đồng thời toàn sư đoàn cũng chuẩn bị chuyển dịch đội hình về hướng này.
Đúng như nhận định của trên, từ đầu tháng 2 năm 1966, địch chuyển trọng tâm hoạt động sang mũi tên thứ hai - bắc, đông-bắc Sài Gòn, thuộc địa bàn đứng chân của Sư đoàn 9.
Từ đây chúng tôi mới thực sự bước vào thực hiện kế hoạch quân sự của Bộ chỉ huy Miền chống lại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất với mục đích "tìm diệt" mà tướng Oét-mo-len, tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ ở Nam Việt Nam cho rằng bây giờ mới là thời điểm để thực hiện(2).
Mở đầu của mũi tên thứ hai bắn sang hướng bắc, đông-bắc là cuộc hành quân mang tên "Đá lăn" vào giữa tháng 2 năm 1966.
Đây là cuộc hành quân nằm trong kế hoạch chung của cuộc phản công chiến lược, là mũi trọng yếu trong hai mũi tên ở miền Đông Nam Bộ, nhằm mở rộng kiểm soát đường 7, chia cắt chiến khu Đ, "bình định" khu vực Bông Trang - Nhà Đỏ, Bình Mỹ, giải toả áp lực của ta ở bắc Sài Gòn. Từ mục đích có ý nghĩa chiến dịch này, tướng Oét-mo-len phải điều lữ 1 (sư đoàn bộ binh số 1), hai chi đoàn thiết giáp, một tiểu đoàn úc vào cuộc hành quân. Ngoài ra địch còn đưa một tiểu đoàn công binh đi trước làm đường tỉnh lộ 2 Bình Dương - Phước Vĩnh, nhằm mở rộng vùng kiểm soát, uy hiếp các vùng giải phóng của ta.
Ngày 22 tháng 2, địch bắt đầu đổ quân xuống khu vực Bình Cơ, Bà Đá, Ván Hương đánh vào chiến khu Đ.
Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 không bất ngờ trước hành động của địch.
Chúng tôi càng thấy tính nghiêm túc của nhiệm vụ được giao.
Chiến khu Đ với trung tâm lúc đầu là vùng Đất Cuốc ngày càng được mở rộng bao gồm phần đất ở đông quốc lộ 13, bắc quốc lộ 20 (sau đó được gọi là khu A), có độ cao trung bình 100 mét. Chiến khu Đ ở vào vị trí lưng dựa cuối cùng của tất cả các chiến khu miền Đông và là chiếc cầu nối B2 với đường mòn Hồ Chí Minh, rất thuận lợi cho ta mở hành lang chiến lược, bố trí kho tàng, tập trung cơ động lực lượng. Nơi đây vừa có thể đứng tự nhiên vững chắc, vừa có thể đánh thẳng vào đầu não địch.
"Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất", đó là điều kẻ thù lo sợ nhưng không sao tránh nổi.
Phải đánh bại âm mưu địch! Đó là điều khẳng định. Cái khó nêu ra chỉ để suy nghĩ, tìm biện pháp khắc phục. Đó là điều chúng tôi thống nhất trong buổi họp ban đầu, khi cuộc hành quân của địch bắt đầu trở thành hiện thực.
Kẻ địch đang còn sung sức, kèm theo cả cay cú khi bị thua trong đợt phóng mũi tên thứ nhất vào hướng tây, tây-bắc Sài Gòn, nên càng hung hăng. Chúng có đầu óc thực tế, chịu rút kinh nghiệm sau thất bại trận Bầu Bàng, sau cuộc hành quân "Cái bẫy"(3). Lực lượng dồn vào cuộc hành quân "Đá lăn" gồm 13 tiểu đoàn (ít hơn 5 tiểu đoàn so với cuộc hành quân "Cái bẫy"), nhưng thủ đoạn thì xảo quyệt hơn nhiều. Điều này thấy rõ trong quá trình chuẩn bị, hình thành thế bố trí.
Ngày 15 tháng 2, lực lượng địch nống ra đóng quân dã ngoại ở sở Cao su Nhà Đỏ(4) trong khu tam giác Lai Khê - Phước Vĩnh - Tân Uyên kẹp đầu mút đường 16 nối với tỉnh lộ số 2 (Thủ Dầu Một - Đồng Xoài).
Địch ra xa căn cứ đóng dã ngoại dễ đánh! Nhưng đánh vào đâu và kế hoạch cụ thể thì chưa có câu trả lời dù chỉ là chung chung, vì địch ngày hoạt động nống ra càn quét, đêm co về không cố định ở đâu.
Để trả lời câu hỏi trên, sau khi thống nhất công việc trong Bộ tư lệnh Sư đoàn, tôi và anh Thế Bôn đến tận nơi khảo sát, mất hàng tuần vẫn chưa phát hiện được địa điểm đóng quân cố định của địch là đâu. Phải chăng sự kiện Bầu Bàng dược lặp lại ở đây Nhưng ngày ấy - như trên đã trình bày cùng bạn đọc - chỉ qua một đêm là chúng tôi phát hiện ra chúng. Còn ở đây cũng thế, ngày địch càn quét đánh phá khu vực xung quanh như
Cống Xanh, Bình Mỹ, đồng thời yểm trợ cho hai tiểu đoàn công binh làm đường, đêm rút về đóng dã ngoại bên dòng suối Bông Trang, cụ thể ở điểm nào thì chưa rõ.
Không có phép thuật nào, nhưng quả là địch xảo quyệt. Chúng tôi không nản, bằng nhiều cách tổ chức bám sát theo dõi, cũng phải mất 15 ngày mới tìm được mục tiêu. Đêm địch co cụm vẫn trong khu vực Nhà Đỏ - Bông Trang, nằm ở đầu đường 16 nối với tỉnh lộ số 2. Điểm đóng quân dã ngoại của địch được chia thành cụm hình vòng, liên kết với nhau được sự chi viện hoả lực của pháo binh và không quân nếu bị đối phương tiến công.
Mỗi cụm lấy cơ giới làm nòng cốt, tuyến ngoài có bộ binh làm nhiệm vụ cảnh giới, tuyến trong là các cụm nhỏ kết hợp với bộ binh và cơ giới. Nếu tuyến bộ binh bên ngoài bị chọc thủng, bộ binh tuyến trong sẽ dựa vào cơ giới và phát huy hoả lực của cơ giới chống lại đối phương. Ban ngày chúng phòng ngự tương đối rộng, đêm đến thu hẹp đội hình để giữ bí mật, bất ngờ, bảo vệ cho nhau khi bị ta tiến công.
Khác với Bầu Bàng, ở Nhà Đỏ - Bông Trang địch đóng dã ngoại có thời gian chuẩn bị (trên dưới một tuần), địa hình nơi đây bằng phẳng nhưng phức tạp, có nhiều bụi tre gai dày. Địch dựa vào đó đặt tăng, thiết giáp, kèm theo rào kẽm gai tạo thành vật cản chống lực lượng xung kích của ta. Tuy không thật kiên cố, vững chắc nhưng không thể coi thường, mà cần phải có biện pháp khắc phục, vì đó chính là thủ đoạn chiến thuật cụm dã ngoại của địch được áp dụng trong điều kiện cụ thể địa hình.
Ngày hôm sau Bộ Tư lệnh sư đoàn họp thông qua quyết tâm chiến đấu, và trước khi thực hiện phải báo cáo Bộ chỉ huy Miền xin được tiến công.
- Biện pháp đánh địch đóng quân dã ngoại có chuẩn bị như thế nào? - Bộ chỉ huy Miền hỏi.
- Đánh phục kích - Tôi trả lời.
- Tại sao? - Bộ chỉ huy Miền hỏi tiếp.
- Điều địch ra ngoài công sự để đánh - Tôi trình bày Bộ chỉ huy Miền chuẩn y nhưng nhấn mạnh - Phải khẩn trương, tổ chức tiến công sớm, không cho địch có thời gian chuẩn bị tăng viện cho lữ 173 ở Phước Vĩnh đánh vào chiến khu Đ. Giống như trận Bầu Bàng, dùng đội hình toàn sư đoàn tiến công, nhưng phương châm có khác: Tập kích kết hợp với phục kích.
Trước hết phải dụ địch ra ngoài công sự theo kế hoạch của bộ phận tác chiến sư đoàn chuẩn bị được chúng tôi nhất trí thông qua. Cử một đồng chí trung đội trưởng trinh sảt thâm nhập sát hàng rào kẽm gai, có mang theo sơ đồ dựng sẵn các vị trí cụm quân, vị trí tăng, pháo, các mũi tiến công của ta. khi trở ra bỏ lại túi đựng tài liệu (trong đó có bản đồ) quai bị đứt để địch tin là ta vào trinh sát trận địa chuẩn bị tiến công, sẽ phải thay đổi vị trí đóng quân dã ngoại.
Song song với việc làm trên, chúng tôi cho di chuyển đội hình sư đoàn nhích gần về hướng địch. Các đơn vị triển khai theo nhiệm vụ cơ bản được phân công: Trung đoàn 1 làm nhiệm vụ chủ yếu từ đông-bắc đánh lên; Trung đoàn 2 làm lực lượng dự bị chặn đường Phước Vĩnh, đề phòng lữ 173 phản kích. Sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình khi địch buộc phải xê dịch đội hình khi kế hoạch nghi binh "điệu hổ ly sơn" của ta đạt kết quả.
Chúng tôi đang hồi hộp theo dõi, thì được tin đồng chí trung đội trưởng trinh sát của ta khi trở ra chẳng may bị vướng mìn hy sinh! Vừa thương tiếc vừa lo lắng. Rất có thể trận đánh không thành, cuộc hành quân "Đá lăn" của địch được thực hiện.
Trong lúc chúng tôi đã nghĩ tới "thua keo này bày keo khác", thì được tin: túi đựng bản "sơ đồ trận đánh" vẫn còn. Địch viết thư kèm theo thi thể đồng chí trung đội trưởng được chúng đưa ra đường 16 trao trả ta. Như vậy là thế nào? Chắc chắn kế hoạch nghi binh không lộ, nhưng sao địch lại trao trả cho ta.
Theo phép "lịch sự" hay có ý gì đây? Dù thế nào ta cũng cần có phương án đối phó với tình thế bất trắc. Tôi nhắc anh em trong cơ quan sư đoàn phải bình tĩnh. Giữa lúc ấy tin trinh sát báo về: có triệu chứng địch bí mật giãn quân ra phía tây sở cao su Nhà Đỏ, đề phòng ta tiến công, nhưng lại gần nơi ta lót ổ sẵn, một thuận lợi ngoài dự tính - Kế hoạch nghi binh "điệu hổ ly sơn của ta có hiệu quả!".
Các đơn vị khẩn trương điều chỉnh đội hình, kịp đêm 23 rạng 24-2-1966 đồng loạt tiến công. Mở đầu là đạn súng cối, ĐKZ 75 bắn dồn dập vào các cụm quân địch, tiếp sau là các mũi bộ binh xung phong. Địch dựa vào hoả lực cơ giới chống trả quyết liệt. Trung đoàn 1 đánh phủ đầu, địch co cụm lại ở các búi tre gai, ta tiếp tục tiến công dùng hình thức tập kích đêm, vận động truy kích địch ban ngày. Các Trung đoàn 3, Trung đoàn 1 phải tổ chức lại đội hình, tiếp tục tiến công, chia cắt đội hình địch thành từng cụm nhỏ để diệt chúng. Đạn ta trúng cả sở chỉ huy nhẹ lữ đoàn 1 (thuộc sư đoàn l), đội hình địch bị rối loạn, lúng túng trước cảnh đánh gần không phân tuyến của ta, sự chi viện phi pháo của địch bị hạn chế.
Trận đánh ác liệt kéo dài từ 22 giờ cho đến 5 giờ sáng không dứt điểm, địch bị thiệt hại nặng. Số còn lại chúng dồn thành hai cụm chống trả quyết liệt khi được phi pháo yểm trợ.
Thời điểm kết thúc đã đến, chúng tôi lệnh cho các đơn vị nhanh chóng rút ra, về tập kết ở địa điểm đã có kế hoạch trước (bên bờ suối Bông Trang)
Như vậy là thủ đoạn chiến thuật cụm trú quân "vành đai thép" của Mỹ được hoàn chỉnh sau thất bại ở Bầu Bàng tháng 12 năm 1965 đã chứng tỏ kém hiệu lực.
Về phía ta, sau những tháng ngày thấp thỏm chờ đợi, sau thời gian chuẩn bị căng thẳng, công phu, và sau nhiều buổi dân chủ bàn bạc sôi nổi mà xây dựng, cuối cùng chúng tôi tìm được hướng đi, bằng trận đánh then chốt ở Nhà Đỏ - Bông Trang, Sư đoàn 9 đã góp phần trực tiếp đánh bại cuộc hành quân "Đá lăn" trên hướng phản công mà Oét-mo-len cho là trọng yếu ở hướng bắc Sài Gòn. Âm mưu đánh phá chiến khu Đ của Mỹ đã bị một đòn đau phủ đầu quan trọng, ảnh hưởng xấu đến các cuộc hành quân tiếp sau trong khuôn khổ mũi tên thứ hai phóng ra phía bắc Sài Gòn.
Ngày 7-8-1966, tướng Oét-mo-len tư lệnh quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam lại huy động lừ đoàn 2 thuộc sư đoàn 1 bộ binh, tiểu đoàn Úc ném vào cuộc hành quân "Thành phố bạc" tiếp tục âm mưu đánh phá chiến khu Đ.
Cuộc hành quân đầy tham vọng của địch được tiến hành sau khi chúng ta đã thành lập Bộ chỉ huy tiền phương thống nhất(5), đã có kế hoạch chiến đấu phối hợp cơ bản ba thứ quân bảo vệ chiến khu Đ nếu địch đánh vào vùng đất thánh này.
Cuộc hành quân diễn ra đúng như phán đoán của ta, và ta đã có phương án chủ động phối hợp chiến đấu bảo vệ căn cứ. Sư đoàn 9 cơ động đánh địch ở vòng ngoài theo phương án phân công. Nhưng đánh địch vào đâu để diệt được địch, gây rung động chung đến cuộc hành quân, đó là những vấn đề chúng tôi suy nghĩ tìm biện pháp cụ thể. Từ những dự kiến đã có, từ nguồn thực hành trinh sát thực địa, Bộ tư lệnh sư đoàn quyết định tập kích quân địch ở sở cao su Phú Lương, ở dốc Bà Thức trên đường 16, và ở khu vực Bầu Sắn nơi địch cụm lại ngày 16 tháng 3. Các trận tập kích vào những vị trí trọng điểm ở vòng ngoài, đã đánh thiệt hại một tiểu đoàn Mỹ, một tiểu đoàn quân Úc, bắn rơi năm máy bay lên thắng; đồng thời hỗ trợ lực lượng vũ trang địa phương đánh địch từ vòng trong đánh ra, đạt hiệu quả như tại căn cứ quân y, các lực lượng bảo vệ khu loại khỏi vòng chiến đấu 60 tên Mỹ.
Cuộc hành quân "Thành phố bạc" của Mỹ không đạt được mục tiêu. Đây là một trong những thử nghiệm lớn đầu tiên về khả năng bảo vệ căn cứ của ta trước cuộc hành quân lớn của quân viễn chinh Mỹ.
Trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất, trên chiến trường Đông Nam Bộ, Mỹ phóng ra hai mũi tên "tìm diệt" thực hiện không đồng thời. Sau khi mũi tên một đánh ra tây-bắc Sài Gòn bị thất bại, Mỹ dồn lực lượng chuyển sang mũi tên hai đánh ra phía bắc Sài Gòn, nơi đây có các chiến khu lâu đời của Đông Nam Bộ, nơi có Sư đoàn 9, Sư đoàn 5 đang đứng chân theo ý đồ dàn thế, cài thế của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền, sẵn sàng đánh địch khi chúng liều lĩnh phản công.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo có tính toán chiều sâu và có tầm nhìn đi trước của cấp trên, Sư đoàn 9 đã chuyển quân theo trù tính trước, dừng lại ở những điểm chắc chắn sẽ xảy ra những trận đụng độ lớn, không rải mành mành, không chạy theo các đơn vị hành quân của địch, mà tập trung vào những nơi có giá trị chiến lược, chiến dịch, nhằm vào những đơn vị mạnh nhưng lại ở thế yếu, có sơ hở để thực hành tiến công.
Suốt tháng 1 đến hết tháng 3 năm 1966, chúng tôi triển khai đánh năm trận tiến công, trong đó biết tập trung vào đánh thắng trận then chốt Nhà Đỏ - Bông Trang, phá thủ đoạn chiến thuật nham hiểm của địch, cụm trú quân "vành đai thép", góp phần đánh bại một bước quan trọng cuộc hành quân trên khu vực mà Mỹ gọi là trọng yếu ở hướng bắc Sài Gòn; đồng thời tham gia thử nghiệm có hiệu quả về khả năng bảo vệ căn cứ của ta trước cuộc hành quân "Thành phố bạc" của địch với tham vọng diệt cơ quan đầu não miền Đông(6), phá nát vùng trung tâm chiến khu Đ.
Trước hết do chúng tôi quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền, có những tìm tòi trong vận dụng. Trong chiến đấu đã phát huy được tinh thần dũng cảm và mưu trí, biết phối hợp các lực lượng vũ trang địa phương, nhờ đó mà tập trung được lực lượng, thực hiện đánh lớn. Việc Sư đoàn 5 đứng quân ở hướng đông và đông-nam Sài Gòn với những hoạt động xuất sắc gây nhiều thiệt hại cho địch, làm phá sản kế hoạch giải toả đường 15, sông Lòng Tàu, hút một số lực lượng quan trọng của địch vào hướng này, tạo điều kiện thuận lợi cho Sư đoàn 9 đứng ở hướng bắc hoàn thành nhiệm vụ, được "Trung ương Cục, Quân uỷ Miền đánh giá cao thành tích đóng góp của công trường 9 (tức Sư đoàn 9). Cán bộ và chiến sĩ của công trường phải thấy hết giá trị của sự thành công này để quyết tâm, tin tưởng cao hơn trong nhiệm vụ sắp tới"(7).
Chú thích:
(1) Sư đoàn bộ binh số 1 mang tên "Anh cả đỏ" thành lập năm 1917, quân số 17.530 tên, biên chế ba lữ đoàn, năm tiểu đoàn pháo binh 105 và 155 ly, một tiểu đoàn và hai đại đội không quân (cơ động đường không) đến Biên Hoà ngày 2-10-1965.
Sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 mang tên "Tia chớp nhiệt đới" thành lập năm 1941, tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai ở chiến trường Châu Á - Thái Bình Dương và chiến tranh Triều Tiên. Đây là sư đoàn được biên chế mạnh, gồm 12 tiểu đoàn bộ binh cơ giới, ba tiểu đoàn thiất giáp, sáu tiểu đoàn pháo 105 và 155 ly, một tiểu đoàn không quân và nhiều đơn vị bảo đảm khác. Quân số 17.665 người.
Lữ đoàn 173 không vận (cơ động bằng máy bay lên thẳng) biên chế 4 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo 105 ly, số quân 4.313 người, đến Biên Hoà ngày 5-5-1965.
(2) Các biện pháp chiến lược của Mỹ đã thực hiện trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam: Biện pháp chiến lươc "tìm diệt" áp dụng từ khởi đầu chiến lược "chiến tranh cục bộ " đến hết mùa khô lần thứ nhất, biện pháp chiến lược hai gọng kìm" được áp dụng từ cuộc phản công chiến lược "quét và giữ" được Abram thay Oét mo-len đề xướng áp dụng từ Xuân 1968. Các biện pháp chiến lược quân sự của Mỹ nhằm hai mục tiê u cơ bản: tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng và giành dân, chiếm đất.
(3) Ngày 8-1-1965, tướng Oét-mo-len huy động trên một vạn quân thuộc sư đoàn bộ binh số 1 "Anh cả đỏ", sư đoàn bô binh số 25 "Tia chớp nhiệt đới" cùng với 200 máy bay, 600 xe quân sự, 100 khẩu pháo yểm trợ mở cuộc hành quân "Cái bẫy" đánh vào bắc huyện Củ Chi, Hố Bò (Bến Cát) nằm trong khuôn khổ mũí tên thứ hai đánh ra hướng tây, tây-bắc Sài Gòn.
(4) Khi Pháp lập đồn điền cao su ở đây c6 xây dựng một căn nhà cho bọn quân lý giúp việc chủ ở. Ngôi nhà gạch lợp ngói đỏ nổi bật trong một khu vực rừng cây âm u, quanh đó chỉ là những túp lều, lán trại xiêu vẹo, lợp đủ thứ cỏ cây tạm bợ. Dân phu trong vùng theo màu sắc mà gọi là nhà đỏ, sau thành tên địa hình, mặc dầu đến nay ngôi nhà đó không còn nữa.
(5) Theo chỉ thị của Trung ương Cục, tháng 2 năm 1966, Bộ chỉ huy tiền phương thống nhất được thành lập: Hoàng Cầm chỉ huy trưởng, Lê Văn Tưởng chính uỷ, Hoàng Thế Thiện phó chính uỷ, Hồng Lâm (Quân khu 7) chỉ huy phó; chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang (sư đoàn 9, lực lượng vũ trang tập trung và du kỉch cơ quan Bộ tư lệnh Quân khu miền Đông, tiểu đoàn Phú Lợi) chiến đấu ở hướng bắc Sài Gòn, bảo vệ chiến khu Đ.
(6) Cơ quan Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đóng ở khu vực Cù Đinh thuộc địa bàn chiến khu Đ.
(7) Đánh giá của Trung ương Cục và Quân uỷ Miền về hoạt động của sư đoàn 9 trong mùa khô 1965-1966 - Tài liệu lưu trữ tại sư đoàn 9.
Chặng Đường 10.000 Ngày Chặng Đường 10.000 Ngày - Hoàng Cầm Chặng Đường 10.000 Ngày