Số lần đọc/download: 2912 / 60
Cập nhật: 2015-09-12 20:59:16 +0700
Chương 10
M
ột tiếng nhạc chuông lớn chào đón tôi đến ngôi nhà đơn sơ của bố.
Không khó nhận ra đó là nhạc hiệu chương trình hài kịch trên tivi.
Bố là như vậy!
Tiếng chuông mang tôi về với thời thơ ấu, những tháng năm lớn lên dưới mái nhà và bên trong những bức tường này. Tôi nhớ cách mình nhận biết người viếng thăm qua cách họ bấm chuông trước cửa nhà. Những âm thanh ngắn, cà giật là bạn bè tôi. Những đứa trẻ hàng xóm nghịch ngợm thì còn quá thấp để với tới chuông, nên chúng nhảy lên để bấm, khiến tiếng chuông cứ rời rạc từng nốt.
Rồi âm thanh nhanh, nhẹ, ngắt quãng là bạn trai, đang khúm núm bên ngoài, rất sợ bị phát hiện sự hiện diện của mình, mặc dù bố tôi thì chẳng mấy quan tâm.
Đêm khuya, nhiều tiếng chuông liên tiếp là bố say khướt trở về nhà từ câu lạc bộ mà quên mang theo chìa khóa. Nhịp điệu hớn hở vui vẻ là người hàng xóm gọi đi lễ hội nào đó. Ngắn, lớn, liên tục như súng máy là những nhân viên bán hàng tận nhà. Tôi nhấn chuông một lần nữa, không phải vì đã 10 giờ sáng mà trong nhà vẫn yên ắng, tĩnh lặng. Đơn giản tôi chỉ muốn nghe lại, xem âm thanh tiếng chuông của mình tạo ra thì như thế nào.
Hối tiếc. Ngắn. Và đứt lịm như chẳng muốn cho ai nghe thấy. Nhưng thật sự nó đang cần người nghe. Tiếng chuông như muốn nói xin lỗi bố, xin lỗi đã làm phiền bố. Xin lỗi vì đứa con gái ba mươi ba tuổi mà từ lâu bố nghĩ đã thoát khỏi thì nay đã trở về sau một cuộc hôn nhân thất bại.
Cuối cùng, tôi nghe tiếng động bên trong và thấy bố khập khiễng đi về phía cửa, tạo nên cái bóng kỳ lạ, móp méo sau lớp cửa kính.
"Xin lỗi con!", ông mở cửa, "Bố không nghe con gọi ...". Ông nhìn tôi rồi bất thần nhìn xuống túi xách tôi để dưới chân.
"Cái gì vậy?".
"Bố ... bố cho con ở đây ít lâu ...".
"Hừm, con chẳng ở lại quá một giờ đâu ...".
"Ồ, con muốn ở lâu hơn vậy!".
"Đã lâu lắm rồi nhỉ!". Ông nhìn đâu đó ngoài khung cửa. "Vào đi, vào đi.
Conor đâu con? Có chuyện gì xảy ra ở nhà à? Có chuyện gì với mấy con chuột nuôi à? Mùa này phải chăm sóc chúng cho kỹ. Con phải nhớ đóng tất cả các cửa lại, cửa cái và cửa sổ. Bố cũng làm như vậy. Bố sẽ chỉ con cách chăm sóc khi con vào trong nhà. Conor cũng nên biết điều đó ...".
"Bố, con không đến đây đòi ở lại chỉ vì mấy con chuột ...".
"Mẹ con cũng thường làm vậy. Ghét mọi thứ. Bà ấy thường về nhà bà ngoại con ở vài ngày trong khi bố quanh quẩn ở đây giống như con mèo trong phim hoạt hình, cố đuổi bắt con chuột. Phim Tom và Jerry phải không con?". Ông nhắm nghiền mắt suy nghĩ, rồi mở mắt ra, nhưng kể cả khi mở, mắt ông cũng nheo nheo trông không lớn hơn khi nhắm là bao nhiêu. "Bố chưa bao giờ thấy sự khác biệt giữa bố và mẹ, nhưng có Chúa mới biết!". Ông vung tay lên, trong lúc nóng nảy, trong lúc đang suy nghĩ điều gì đó. Rồi ông bất ngờ dừng lại và xách cái túi xách của tôi lên, mang vào nhà.
"Bố?", tôi nói với giọng nản nản buồn buồn. "Con nghĩ bố hiểu khi con nói chuyện với bố trên điện thoại. Conor và con đã chia tay!".
"Chia cái gì?".
"Chúng con chia tay".
"Chia tay cái gì?".
"Chúng con chia tay nhau".
"Trời, con nói gì thế, Gracie?".
"Con là Joyce. Tên con là Joyce, không phải Gracie. Chúng con không còn ở với nhau nữa. Chúng con đường ai nấy đi!".
Ông đặt túi xách xuống cạnh bức tường có treo tấm hình lớn, nơi bất cứ người nào đi vào nhà cũng đều nhìn thấy. Trong hình là những diễn biến chính, những sự kiện trọng đại của gia đình. Bố, thời còn là một cậu thanh niên. Mẹ, thời còn là một cô thiếu nữ. Rồi hình bố và mẹ đến nhà thờ kết hôn. Rồi lễ rửa tội của tôi. Rồi tiệc cưới. Chụp hình, đóng khung, trưng bày. Thật là ngộ nghĩnh cái cách người ta đánh dấu cuộc đời. Nhũng sự kiện người ta chọn để đánh dấu thì rất ngắn, ngắn hơn bất cứ cái gì khác. Nhưng cuộc sống đã sinh ra chúng.
Trong tâm trí tôi, tất cả các sự kiện đều tuyệt đẹp. Tất cả như hiển hiện trong tôi và chỉ dành cho tôi mà thôi. Bố chẳng có vẻ bận tâm chút nào khi nghe tôi tiết lộ chuyện hôn nhân tan vỡ. Ông đi thẳng vào nhà bếp.
"Con uống trà nhé?".
Tôi đứng lại trong phòng khách, nhìn các tấm ảnh xung quanh và hít thở cái mùi của ngày xưa. Cái mùi tỏa ra hàng ngày từ sợi vải sau lưng áo bố. Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng đó là mùi các món ăn mẹ nấu, bay khắp phòng, thấm vào từng sợi vải, thấm vào cả giấy dán tường, dù mẹ đã mất mười năm. Có lẽ đấy là cái mùi từ mẹ. Có lẽ mẹ hãy còn quanh quẩn đâu đây.
"Con làm gì mà như đang ngửi bức tường vậy?".
Tôi giật mình bối rối vì bị bắt gặp. Tôi đi xuống bếp. Nhà bếp cũng chẳng thay đổi kể từ khi tôi sống ở đây. Nó sạch sẽ tinh tươm như cái ngày mẹ ra đi, không có thứ gì bị thay đổi. Tôi nhìn bố di chuyển chậm rãi, làm động tác ngồi xuống để lấy ly tách trong tủ đựng ly. Phía dưới, và sau đó ông đứng dậy thong thả để lấy đồ vật ở ngăn tủ phía trên. Ấm đun nước sôi kêu lớn đến mức chúng tôi không thể nói chuyện với nhau, và tôi vui mừng vì điều đó. Một cái muỗng nằm trong chiếc cốc trên tay trái ông, đặt gần hông. Nó làm tôi nhớ lại hình ảnh ông thường đứng đó với điếu thuốc lá trên tay bị ố vàng vì chất nicotine. Ông nhìn vào khu vườn yên tĩnh trong lành và nghiến răng. Ông giận, và tôi cảm thấy như mình trở lại là một đứa trẻ lần nữa.
"Bố nghĩ gì vậy bố?". Tôi hỏi ngay khi ấm đun nước hết kêu.
"Cái vườn", ông trả lời, quai hàm của ông bành ra, cắn chặt lại một lần nữa.
"Cái vườn?".
"Con mèo chết tiệt bên hàng xóm cứ hay qua phá mấy bụi hoa hồng của mẹ con", ông lắc đầu giận dữ.
"Thật sự bố đang nghĩ về điều đó à?", tôi hỏi một cách ngờ vực.
"Ồ không phải, con yêu ...", ông thú nhận và lấy lại bình tĩnh. "Bố đang nghĩ tới cây thủy tiên hoa vàng. Chẳng còn bao lâu nữa là tới mùa cây cối tươi tốt xum xuê đón xuân về. Và vài bụi nghệ tây ... Bố sẽ trồng thêm vài bụi hành đằng kia nữa ...".
Cuộc hôn nhân tan vỡ của tôi không phải là mối quan tâm hàng đầu của bố.
Cũng chẳng phải ưu tiên thứ hai. Nó xếp sau cả mấy bụi nghệ tây kia đấy.
"Và hoa giọt tuyết nữa ...", ông thêm vào.
Rất hiếm khi tôi ra vườn vào buổi sáng sớm. Thường, tôi phải đi giới thiệu các sản phẩm bất động sản cho khách hàng vòng vòng trong thành phố. Ở đây quá yên tĩnh đối với những người đi làm. Tôi ngạc nhiên tự hỏi bố làm gì trong sự yên tĩnh như thế.
"Bố đang làm gì trước khi con đến?".
"Ý con muốn hỏi bố đang làm gì cách đây ba mươi ba năm trước khi con sinh ra, hay hôm nay?".
"Hôm nay ạ". Tôi cố gắng không cười bởi vì tôi biết ông đang hỏi nghiêm túc.
"Bố giải câu đố". Ông gật đầu chỉ trên bàn ăn, nơi có tờ giấy đầy các ô chữ và số. Phân nửa đã được hoàn thành. Bố bị kẹt ở con số sáu. Đây này ...". Ông mang tách trà đến bàn, cố giữ để không làm trà sóng sánh rơi ra giọt nào dù những bước chân của ông cứ khập khà khập khiễng. Bất chấp sự khập khiễng.
Luôn luôn vững vàng.
"Con nghe hình như có mùi gì?".
Ông ngồi thẳng lên, hít hít không khí như đang săn mùi.
"À, mùi bánh mì nướng. Bố nướng hơi sớm. Nướng lửa cao nên cháy. Hai lát cuối cùng ...".
Tôi lắc đầu. "Bố, hình của mẹ bố để ở đâu trong phòng khách?".
"Con hỏi hình nào? Mẹ có ba mươi tấm hình".
"Bố đếm à?", tôi nhe răng cười.
"Bố ghim nó lên đấy mà. Tổng cộng bốn mươi bốn tấm hình, cần bốn mươi bốn cây ghim. Bố đi ra cửa hàng mua một hộp ghim. Một hộp ghim chỉ có bốn mươi ghim. Báo hại, bố phải đi mua một hộp nữa mà chỉ cần thêm có bốn cây ghim thôi!".
Ông đưa bốn ngón tay lên và lắc đầu. "Vẫn còn ba mươi sáu cây ghim trong hộp. Ôi cuộc đời ...".
Bố đấy. Chẳng bao giờ quan tâm đến khủng bố hay sự ấm lên toàn cầu.
Chuyện quan trọng hơn cả những bằng chứng về sự suy thoái của thế giới, trong mắt ông, là ba mươi sáu cây ghim còn lại trong cái hộp.
"Nó ở đâu?".
"Nó ở ngay chỗ của nó", ông nói một cách không thuyết phục.
Cả hai chúng tôi nhìn về phía cửa nhà bếp đã đóng, hướng sang cái bàn ở phòng khách. Tôi đứng dậy và định đi kiểm tra. Đây là thứ bạn hay làm, tẩn mẩn kiểm tra khi có quá nhiều thời gian rỗi.
"Thôi ...", ông nắm tay tôi giật lại, "Ngồi xuống đây! Để bố đi lấy cho?".
Ông đóng cửa bếp lại sau khi bước ra, làm tôi chẳng thấy được cái gì ngoài phòng khách. "Mẹ con đây này!". Ông gọi tôi:
"Chào bà, Gracie. Con gái bà đang lo lắng cho bà đây. Mặc dù, con không thấy bà nhưng chắc chắn bà vẫn ở đó chứ, bà vẫn nhìn thấy nó ngửi ngửi bức tường, suy nghĩ về những mảnh giấy đang cháy trong lò sưởi chứ? Chắc con nó đang bực bội, bỏ chồng và bỏ công việc".
Tôi chưa bao giờ nói với ông về việc tôi bỏ việc! Điều đó có nghĩa là Conor đã nói với ông, nghĩa là ông biết một cách chắc chắn lý do tại sao tôi đến đây ngay từ khi ông nghe chuông cửa reo. Tôi phục ông, ông giã vờ ngây ngô rất tài.
Ông quay vào bếp và tôi nhìn lướt qua tấm hình trên bàn phòng khách.
"A!", ông nhìn đồng hồ đeo tay đang kêu tít tít. "Mười giờ hai mươi lăm! Đi vào trong này nhanh lên!". Ông đi nhanh hơn bất cứ lúc nào tôi nhìn thấy, chộp lấy cuốn chương trình truyền hình hàng tuần và tách trà rồi vào phòng có để tivi.
"Chúng ta xem gì hả bố?". Tôi đi theo ông vào phòng khách, nhìn ông mà thấy vui vui.
"Vụ án mạng, con biết nó chứ?".
"Con chưa xem bao giờ!".
"Ô, chờ chút con xem, Gracie. Phim đó nói về Jessica Fletcher đuổi bắt những kẻ giết người. Kênh kế tiếp, chúng ta xem Khám Phá Vụ Án Mạng, một vũ công phá án!". Ông lấy cây viết khoanh tròn trên trang chương trình tivi.
Tôi bị cuốn vào sự hứng khởi, sôi động của bố. Ông hát theo nhạc, làm tiếng kèn trompet bằng miệng.
"Đến đây, nằm trên cái ghế dài này và bố sẽ đắp cái này cho con ...". Ông nhặt tấm chăn sọc vuông đang phủ lên chiếc ghế dài nhung màu xanh lá và đắp lên người tôi, kéo nó sát vào người làm tôi không cử động được cánh tay. Đó là tấm chăn tôi hay cuộn tròn hồi còn bé. Đó là tấm chăn tôi hay đắp khi đi học nhớ nhà. Giờ thì tôi đắp nó xem tivi trên cái ghế dài này. Tôi nhìn bố với vẻ trìu mến, nhớ đến sự âu yếm ân cần ông dành cho tôi khi tôi còn trẻ, cảm giác như mình đã trở về sống với quá khứ một lần nữa. Cho đến khi ông đến ngồi phía cuối băng ghế với tôi.