Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Chương I - Thời Thơ Ấu - Phần 11
C
ụ đồ An bị ốm. Ông Sắc xuống làng Chùa ở trong thời gian cụ đồ ốm nặng để thăm bệnh, chạy chữa cho mẹ vợ.
Côn, hằng ngày đi học, về ở dưới làng Chùa với bà ngoại trong những ngày bà ốm. Côn đã từng đau đớn về nỗi ông ngoại chết, mẹ chết, em chết. Lần này bà ngoại ốm nặng, Côn càng sợ hãi, lúc nào cũng cám thấy cái chết chực sẵn bên giường bà.
Chị Thanh, anh Khiêm thường sợ ma lúc tối trời. Côn không biết sợ ma. Côn mắc võng đay nằm gần giường bà để cùng với chị Thanh đêm đêm theo dõi bệnh tình của bà. Tuy ốm nặng, cụ đồ vẫn thèm trầu. Côn nhai trầu cho bà. Cụ đồ vừa nhai trầu vừa nói thều thào với cháu ngoại:
– Ngày cháu mới lọt lòng, bà đã mớm cơm cho cháu. Giừ bà rụng hết răng thì cháu lại nhai trù (trầu) cho bà.
– Bà ơi! Bà thèm ăn thứ chi bà cứ việc nói để chúng cháu làm. Bà cứ coi chúng cháu ở bên bà như mẹ chúng cháu đang còn sống, bà ạ.
– Cháu Côông ơi! Bà được ấm tuổi già chính là ở cha cháu, ở các cháu. Bà không nghĩ cha cháu là con rể mà còn hơn cả con trai nữa kia. Các cháu, nhất là cháu, hợp tính bà lắm. Cháo cháu nấu bà ăn mát lợi. Thuốc cháu sắc, đun nhỏ lửa, lấy nước vừa đúng với lượng thuốc, không loãng quá hoặc đặc quá, dễ uống. Cháu ít tuổi mà ngủ ít, giống bà. Cháu ăn không gắp nặng đũa, nhường nhịn kẻ trên người dưới. Cháu sớm có lòng thương người, thương từng con vật nuôi trong nhà.
– Cháu làm được đôi việc nho nhỏ ấy là bà dạy, cha mẹ cháu dạy cho. Vậy mà chị Thanh, anh Khiêm cháu cứ biểu cháu là đứa cứng đầu, bướng, nghịch trổ trời, hay “lý sự” đó bà ạ.
– Cháu sáng ý, cháu lanh tay, nhạy miệng, khác với những đứa cùng lứa tuổi cháu.
Cụ đồ nói tiếp, giọng rất mệt:
– Bà… rầu héo ruột gan về mẹ cháu. Bà… yên yên cái bụng được đôi phần về các cháu đã qua kỳ trứng nước, sớm biết đường ăn ở. Nhưng bà rất áy náy về cha cháu ở cái tuổi “trẻ chưa qua, già chưa tới” mà… mà đã thất nội trợ! Cháu ơi… người ta thường nói: “Trai thất nội trợ, gái lỡ nhân duyên” là bất hạnh, ấy là… xấu số lắm lắm, cháu ạ.
Nghe bà bộc bạch nỗi lo âu, Côn nằm lặng. Tiếng chim cuốc ngoài đồng sen vọng vào. Nghe tiếng chim đêm, Côn cảm thấy ơn ớn lạnh, nhớ đến tiếng chim cú kêu giữa đêm mẹ ốm tại kinh đô Huế. Giọng Côn lắng sâu:
– Bà ơi, tiếng chim cuốc kêu đêm thì lành hay dữ, hả bà?
– Chim cuốc là giống chim lành, cháu ạ. Không một loài chim nào có tiếng kêu như nó. Hồi ông ngoại cháu còn sống, ông thường kể: “Vua Đỗ Vũ nước Thục, hiệu là Vọng Đế, bị mất nước, vua đã sầu muộn đến chết hóa thành con chim cuốc. Mỗi tiếng kêu của nó là một giọt máu từ trong tim nhỏ ra…” Bà cũng nghiệm thấy tiếng cuốc kêu khắc khoải như từng giọt máu nhỏ đều đều suốt cả mùa hè. Cháu cứ thử nghiệm mà coi.
Côn lắng cả tâm hồn vào âm thanh đêm hè. Và trước mắt Côn một vầng đêm tối mịt mù đang thấm đọng những giọt quốc… quốc…
o0o
Một buổi sáng mùa xuân, Côn được cha giao cho đơn thuốc và tiền đi xuống hiệu thuốc bắc ở Vinh cân thuốc cho bà.
Đi từ lúc chưa tỏ mặt, xuống đến Vinh, hiệu thuốc bắc chưa mở cửa, Côn ngồi dưới cây bàng trước cửa hiệu chờ, lòng bồn chồn. Tiếng chim chào nắng sớm trên hàng cây đã tắt. Từng đoàn người gánh gồng, mang xách đi chợ Vinh phiên chính. Những người thợ nhà máy diêm đi làm ca đêm đã về. Những ông công chức đi làm cho tòa xứ, cho các công ty hòa trong dòng người đi trên đường phố buổi sáng. Côn thấy có hai đám người khác biệt nhau: đám thợ thuyền gầy gò, rách rưới và mặt mày chân tay lem luốc; các thầy công chức làm ở tòa xứ, ở các công ty thương mại của Pháp thì người nào cũng béo đẹp, mặc sang trọng. Thỉnh thoảng có ông quan người ta, người Tây nằm ngả dài trên chiếc xe người kéo.
Cân được thuốc cho bà, lòng Côn lâng lâng nghĩ đến cái ngày bà khoẻ dậy. Bà sẽ chọn những quả trứng gà ấp không nở được cho hai anh em luộc ăn. Bà dẫn Côn ra vườn chỉ những trái chín, Côn sẽ trèo lên hái xuống và đem vào bàn thờ mẹ thắp hương. Thú vị nhất là được bà sai ra đầm sen lội mò hái ngó về cho chị Thanh nấu mẻ. Lúc bà ngồi ngắt ngó sen, bà thường ngâm câu Kiều:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Côn thấy nhẹ bước, đi như chạy. Dưới ánh nắng cuối xuân, Côn đi một mạch từ Vinh về tới cầu Hữu Biệt thì thấy anh Khiêm đang chạy hối hả về phía mình. Côn hơi chột dạ. Côn chạy dấn lên được mấy bước nữa thì nghe tiếng anh Khiêm vừa gọi vừa khóc: “Côn ơ..i! Bà… bà ch…ế…t… rồi!”
Côn khựng lại, hai tay Côn ôm lấy mặt. Nấc! Nấc! Khiêm đỡ lấy em vào vòng tay mình để khỏi ngã. Một đám mây như dải băng trắng trôi qua ngọn núi Độc Lôi, che khuất mặt trời. Bóng râm trùm xuống một vùng xâm xẩm tối. Hai anh em Khiêm, Côn bước nặng nề trong vùng bóng râm ảm đạm giữa cánh đồng chiêm mênh mông. Côn nấc từng tiếng: Bà… ơi! Ông ngoại cháu chết! Mệ… cháu… chết! Em cháu… chết! Giờ lại đến lượt bà… chê… ết! Bà… ơi!