Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 10
Đình định đi vào nhà của mấy ông phái viên nhưng thấy họ còn đang họp nên đi thẳng, vờ như như mình vô tình đi qua. Ông Sắc nhìn theo Đình:
- Tay Đình trông dáng điệu công tử quá nhỉ. Lúc nào cũng ăn mặc chải chuốt.
- Trông bề ngoài thế thôi nhưng bên trong là một người rất cứng rắn về lập trường giai cấp. Kiên định với đường lối. Anh ta với ông Kim giống như nước với lửa – Bao nói.
- Không hiểu sao tôi chẳng có một chút cảm tình nào với anh ta.
Ông Ẩn biết ông Bao và ông Sắc đã mở miệng ra nói về một chuyện gì đó thế nào cũng tranh luận dằng dai nên ông vỗ nhẹ tay xuống bàn bảo:
- Thôi, ta tiếp tục trao đổi nhé. Tôi thấy việc đánh giá tình hình của Yên Lộc vừa rồi của đồng chí Sắc chưa thật chính xác lắm đâu. Theo tôi việc một số Hợp tác xã sút kém không phải do cơ chế của chúng ta lỏng lẻo mà do trình độ cán bộ Hợp tác xã quá kém và rất thiếu trách nhiệm với công việc. Tôi chỉ lấy ví dụ Hợp tác xã Yên Chính. Ở Hợp tác xã này tay chủ nhiệm Hợp tác khoán trắng công việc cho đội trưởng sản xuất. Tay đội trưởng sản xuất làm việc cũng rất à uôm. Hắn tập trung xã viên lại bảo nhóm này làm ruộng này, nhóm kia làm ruộng kia rồi bỏ đó đi làm việc nhà, không hề đoái hoài đến việc xem xã viên làm ăn đến đâu, chất lượng công việc như thế nào. Làm ăn như thế bảo sao Hợp tác xã không sút kém.
- Tôi vẫn giữ quan điểm nhận định của mình – Ông Sắc nói từ tốn – Về mặt trình độ và trách nhiệm của cán bộ của Hợp tác xã tôi đồng ý như ý kiến của anh Ẩn. Nhưng về mặt tổ chức sản xuất chúng ta có khá nhiều lỗ hổng. Ví dụ khoán. Đội trưởng sản xuất chỉ khoán công việc cho xã viên mà không khoán thời gian phải hoàn thành và chất lượng công việc. Vì chỉ khoán việc chứ không khoán thời gian và chất lượng, nên xã viên vừa làm vừa chơi, còn đội trưởng sản xuất thì rảnh rỗi thời gian để tranh thủ làm việc nhà. Thứ hai là cho công điểm vô tội vạ. Người làm tốt, người làm dối nếu cùng làm trong một thời gian, một công việc đều được công điểm như nhau. Người làm tốt không được khuyến khích về vật chất, kẻ làm xấu không bị phạt, khiến bản tính tích cực cần cù của người nông dân ngày một phai mờ và tạo ra căn bệnh lười biếng khá phổ biến trong các Hợp tác xã. Tôi chỉ lấy mấy ví dụ như thế thôi cũng đủ thấy nguyên nhân dẫn đến sự sút kém của các Hợp tác xã không phải chỉ do trình độ non yếu của cán bộ.
Ông Bao lật mấy trang cuốn sổ để trước mặt theo thói quen chứ không nhìn vào đó, nói trơn tru như được bôi mỡ:
- Tôi thấy các Hợp tác xã hiện nay đang đi đúng hướng chỉ đạo. Đó là điều cơ bản nhất. Còn chỗ này chỗ kia còn có thiếu sót, đều là do trình độ của cán bộ chứ không phải do cơ chế hay do những nguyên nhân khác. Lê-nin nói: Tổ chức, tổ chức và tổ chức. Có nghĩa là con người cán bộ quyết định tất cả. Cán bộ nào phong trào ấy. Từ trước đến nay Đảng ta rất coi trọng vấn đề này. Hợp tác xã là một mô hình tập thể hóa Xã hội Chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì thế vai trò của cán bộ cực kỳ quan trọng…
Ông Sắc đưa tay bưng mũi rồi hắt hơi một cái thật mạnh, bắn nước mũi ra cả mặt bàn và cả mặt của Bao. Bao đưa bàn tay lên lau mặt và cằn nhằn:
- Cái tay Sắc này thiếu lịch sự bỏ mẹ. Hắt hơi sao không quay mặt đi chỗ khác mà hắt cả vào mặt người ta là thế nào.
- Xin lỗi, buồn hắt hơi quá nên không kịp quay mặt đi.
Ông Ẩn ngồi tủm tỉm cười.
Đình quay trở lại. Thấy mấy ông phái viên đang ngồi uống nước liền bước vào:
- Các anh họp xong rồi à?
- Xong rồi – Ông Ẩn bảo – Ngồi uống nước.
Ông Sắc nhìn Đình bằng đôi mắt châm biếm:
- Hình như anh có chuyện gì muốn trao đổi với chúng tôi có phải không?
- Sao anh biết?
- Tôi ngồi họp thấy anh đi qua đi lại với dáng vẻ sốt ruột nên đoán vậy.
Đình có ý ngượng:
- Định vào chơi với các anh và có câu chuyện cần trao đổi nhưng thấy các anh bận họp, tôi đi dạo một lúc chứ có gì đâu mà sốt ruột.
Ông Ẩn hỏi:
- Anh định trao đổi với chúng tôi về chuyện gì?
- Chắc các anh còn nhớ lần trước tôi có báo cho các anh biết tại xã Hồng Vân huyện Vĩnh Hòa, Hợp tác xã đã trả lại ao chuôm cho xã viên nuôi cá để bán và chia đất cho nông dân trồng ngô chứ?
- Có. Chúng tôi đã yêu cầu tỉnh ủy chấn chỉnh việc làm vô nguyên tắc kia rồi.
- Tôi cũng đã mấy lần đề nghị họp thường vụ để xem xét việc làm này và xem ai là người chịu trách nhiệm, nhưng vẫn chưa họp được. Hiện nay anh Kim và một vài đồng chí trong thường vụ đang có chủ trương lấy Hợp tác xã Hồng Vân làm thí điểm một vài phương pháp khoán mới để đem ra áp dụng trong toàn tỉnh.
Bao giãy lên:
- Sao cái ông Kim này liều thế nhỉ. Ông ấy định thiết lập tỉnh Phước Vĩnh này thành một vùng trời riêng hay sao?
Ông Ẩn hỏi:
- Anh có nắm được tình hình hiện nay ở Hợp tác xã Hồng Vân như thế nào không?
Đình tỏ vẻ lúng túng:
- Tôi cũng định xuống đó kiểm tra tình hình xấu đến đâu để về báo cáo lại với ban thường vụ để chấn chỉnh nhưng chưa đi được. Có điều này, tôi biết chắc chắn anh Kim cử đồng chí Thường xuống đó trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu một số cách thức khoán mới, nhằm thay thế phương thức khoán hiện nay. Tôi không loại trừ việc chia lại đất đai có thể diễn ra. Ngoài đồng chí Thường đi Hồng Vân ra còn có đồng chí Côn được cử đi Tam Bình cũng nhằm mục đích như đồng chí Thường.
Bao lại kêu lên:
- Loạn rồi!
Ông Sắc tỏ vẻ khó chịu:
- Ông làm gì mà giãy lên như bị ong châm thế? Chưa vội kết luận loạn hay không loạn. Có thể ông Kim và những người khác trong tỉnh ủy Phước Vĩnh đang mày mò tìm lối ra cho sự bế tắc của một số Hợp tác xã hiện nay thì sao?.
- Không thể nói như thế được. Hợp tác xã quy mô là một mô hình làm ăn tập thể chỉ có tính ưu việt của chế độ Xã hội Chủ nghĩa mới có được. Mô hình ấy đã được định hình bằng đường lối chủ trương của Đảng ta. Nó là bước quá độ trên con đường tiến lên Xã hội Chủ nghĩa và cao hơn là Cộng sản Chủ nghĩa. Đi chệch, dù chỉ là một li thôi thì cái mô hình ấy sẽ bị đổ nghiêng, giống như con tàu đi chệch đường ray. Mà đã chệch khỏi đường ray thì con tàu sẽ đổ, đó là điều chắc chắn…
Ông Sắc lại hướng về phía Bao bịt mũi và hắt hơi liền mấy cái. Bao đưa tay xoa mặt và cằn nhằn:
- Sao ông thiếu lịch sự thế. Nói một lần ông phải biết suy nghĩ để rút kinh nghiệm chứ.
- Xin lỗi. Cái mũi của tôi rất nhạy cảm nên hay bị dị ứng mỗi khi có bụi bặm hay một mùi gì đó là lạ xộc vào.
- Có khi anh bị cảm đấy – Đình không biết tính hài hước của ông Sắc nên nói vẻ chân thành.
- Vâng. Có lẽ thế. Anh Đình này. Vì sao những việc đó anh không đưa ra bàn với nhau trong Ban thường vụ mà đi báo cáo với chúng tôi? – Ông Sắc hỏi với giọng mỉa mai.
- Là ủy viên thường vụ tỉnh ủy, tôi đã đấu tranh quyết liệt với đồng chí Kim về việc này rồi, nhưng tôi thấy mình có trách nhiệm thông báo với các anh một vài hiện tượng vi phạm đường lối Hợp tác hóa để các anh nắm được. Có khi các anh nên trực tiếp đi xuống Hợp tác xã Hồng Vân xem sao. Nếu đúng là có hiện tượng trên như phản ánh của quần chúng, các anh cũng nên báo cáo kịp thời cho Ban bí thư biết để chấn chỉnh.
- Cám ơn anh đã phản ánh kịp thời những hiện tượng sai trái của Hợp tác xã Hồng Vân cho chúng tôi. Có lẽ chúng tôi phải xuống đó xem sao. Nếu để hiện tượng trên lây lan thì hết sức nguy hiểm.
Nghe ông Ẩn nói vậy, Đình thấy trong người phấn chấn hẳn lên. Ngồi nói chuyện tào lao một lát Đình ra về. Thấy ông Kim từ trong phòng mình đi ra, Đình hỏi:
- Anh tìm tôi à?
- Tôi tìm ông để bảo ông cho cậu Hoàng sáng mai đi cùng chị Thường xuống Vĩnh Hòa công tác mấy hôm.
- Có việc gì dưới Vĩnh Hòa mà anh điều Hoàng xuống đó?
- Ông biết rồi còn vờ hỏi làm gì.
- Anh có báo trước việc điều phó ban của tôi đi công tác Vĩnh Hòa làm việc gì đâu mà anh bảo tôi đã biết.
- Thôi được rồi. Nếu ông bảo ông chưa biết điều cậu Hoàng đi cùng chị Thường xuống Vĩnh Hòa làm gì thì tôi nói luôn. Tôi đang định lấy Hợp tác xã Hồng Vân làm thí điểm một số phương pháp mới về khoán và quản lí lao động.
- Sao không thấy anh đưa vấn đề này ra bàn trong thường vụ trước khi làm?
- Tôi rất coi trọng vai trò tập thể, nhưng không sử dụng nó như một công cụ để dựa dẫm. Việc cho cậu Hoàng đi cùng chị Thường xuống Vĩnh Hòa thế là xong nhé. Bây giờ đến việc thứ hai. Tại sao việc gì trong cơ quan tỉnh ủy ông cũng đưa đi làm quà cho người ngoài là thế nào?
- Anh nói gì tôi không hiểu?
- Chuyện gì ông cũng hiểu, cũng biết cả, nhưng lúc nào cũng làm bộ ngơ ngác tôi không biết, tôi không hiểu. Nếu ông không hiểu thì tôi nói cho nghe vậy. Việc tìm cách tháo gỡ những bế tắc trong sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề đau đầu của mọi người có trách nhiệm. Ông Quốc là chủ tịch tỉnh, phó bí thư tỉnh ủy, tôi không nói làm gì. Còn chị Thường, ông Dần, ông Côn, đều là những trưởng ban như ông, nhưng họ trăn trở với công việc chẳng thua kém gì tôi. Ông Côn đang lăn lộn dưới cơ sở để tìm ra những nguyên nhân nào dẫn đến sự yếu kém hiện nay của các Hợp tác xã nông nghiệp để giúp cho tỉnh ủy chỉ đạo. Còn ông, không những vô tâm mà còn muốn thọc gậy bánh xe.
- Anh nhận xét về tôi hơi quá lời rồi đấy – Giọng Đình đã cao lên vài bậc.
- Tôi không quá lời đâu. Việc làm của tôi đang ở giai đoạn tìm tòi, có thể có chỗ đúng, có thể có chỗ chưa thật thích hợp. Nếu ông thấy chỗ nào chưa đồng ý, sao ông không nói thẳng ra với tôi mà đi phản ánh với tổ phái viên của Trung ương?
- Tôi làm tất cả những gì cần làm để bảo vệ chủ trương đường lối của Đảng.
- Như vậy tôi và các ủy viên thường vụ khác làm sai đường lối, chỉ có một mình ông đúng?
- Tôi không nói những việc khác. Riêng việc anh đang tìm cách thay đổi cơ chế của Hợp tác xã nông nghiệp là sai lầm.
- Sai lầm ở chỗ nào? – Ông Kim thấy mặt mình đã nóng lên.
- Đưa Hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô là một chủ trương lớn của Đảng ta, nhằm tạo ra một nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa. Nó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành. Trong thực tế của mấy năm qua, các Hợp tác xã nông nghiệp đang đi đúng hướng mà Đảng ta đã vạch ra. Nhiều Hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Bình, Thanh Hóa và một số địa phương nữa đã trở thành mô hình tiên tiến trong lối sản xuất theo phương hướng Xã hội Chủ nghĩa. Nông dân ở các nơi đó không những thoát ra khỏi sự nghèo khổ mà đang dần dần trở nên khá giả. Điều đó không đủ chứng minh sự đúng đắn và chính xác khi đưa các Hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô hay sao. Theo tôi mọi thay đổi làm cho các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay đi chệch hướng đều là sai lầm.
Cơn tức giận của ông Kim qua đi và thay vào đó là sự khinh miệt. Ông nói giọng châm biếm:
- Anh có khả năng tổng kết. Vậy anh thử đếm cho tôi hay hiện nay trên miền Bắc có bao nhiêu Hợp tác xã nông nghiệp như Thành Công ở Thanh Hóa, như Đại Phong ở Quảng Bình? Và có bao nhiêu Hợp tác xã nông nghiệp sống dưới mức nghèo khổ? Theo tôi, sai lầm không thuộc về những người đang tìm cách tháo gỡ những bế tắc trong sản xuất nông nghiệp hiện nay mà là ở những người cố dồn sức dồn của, xây lên vài cái tượng đài rồi ra sức thổi phồng nó lên, tô vẽ nó lên thành những hình ảnh đẹp đẽ để tuyên truyền. Tôi nói thật với ông, nếu dồn tiền bạc vật tư vào để xây dựng nên một mô hình để tuyên truyền thì tôi sẽ biến một Hợp tác xã nông nghiệp nào đó trong tỉnh ta thành một nông trường tập thể còn đẹp đẽ gấp mấy cái Hợp tác xã đang ngày nào cũng làm rùm beng trên báo chí.
- Anh không tin vào cơ quan ngôn luận của Đảng?
- Tôi tin vào sự thật.
Đô đi lại phía ông Kim và Đình đang đứng:
- Anh đứng đây mà em tìm khắp nơi.
- Tìm tớ có việc gì?
- Đồng chí Hiếu chủ nhiệm phòng không của tỉnh muốn báo cáo tình hình thiệt hại của các trận đánh phá ngày hôm qua và xin hướng chỉ đạo khắc phục.
- Ông Hiếu qua báo cáo trực tiếp hay gọi điện thoại?
- Gọi điện thoại ạ.
- Thế thì bảo ông Hiếu lát nữa gọi lại, tớ còn bận việc.
Ông Kim quay sang tiếp tục câu chuyện với Đình:
- Bây giờ ông cứ nói thẳng thắn ý kiến của ông ra đi. Cái gì tôi nghe được thì nghe. Cái gì không nghe được thì ông và tôi, ta trao đổi thẳng thắn trên tinh thần của người Cộng sản.
- Anh đã nói thế thì tôi xin nói với anh như thế này. Việc anh thao túng và khuyến khích cho một số Hợp tác xã nông nghiệp ở Vĩnh Hòa, Linh Sơn, Tam Bình và Yên Lộc chuyển đổi một số hình thức khoán và trả lại ao chuôm cho các hộ gia đình, cũng như chia đất sau khi gặt cho xã viên làm vụ xen canh là việc làm không đúng. Phá vỡ mô hình làm ăn tập thể và những quy chế đã ban hành đối với các Hợp tác xã nông nghiệp. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì đây là tiền đề để nông dân trở về với lối làm ăn riêng lẻ của chủ nghĩa tư bản.
Ông Kim hỏi giọng mỉa mai:
- Còn tội gì nữa không?
- Tôi đâu dám kết tội anh. Nhưng những việc làm của anh, theo tôi là không đúng. Đi ngược lại với đường lối hợp tác hóa của Đảng.
- Tôi hoan nghênh sự thẳng thắn của ông. Tôi nói thật lòng đấy. Có gì ông cứ nói sổ toẹt ra như vậy để tôi biết mà tranh cãi với ông để tìm ra chân lí của sự việc còn hơn là đem đi phản ánh với người khác, khi sự việc đúng sai chưa ngã ngũ. Bây giờ tôi sẽ nói ý kiến của tôi về những việc ông vừa phê phán. Trước hết, đối với việc làm của một số Hợp tác xã nông nghiệp ở các huyện, tôi cho rằng những hiện tượng đó cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng chứ không nên vùi dập nó. Cái mới này sẽ nảy sinh ra cái mới khác. Đó là quy luật của sự vận động. Biết nắm bắt, nâng niu chắt lọc nó mới là thái độ đúng đắn của những người Mác-xít. Nông dân là người trực tiếp sản xuất. Hơn ai hết họ biết phải làm gì để cái bụng mình được no và đóng góp cho Nhà nước được nhiều hơn. Sản xuất phải thực sự gắn bó với quyền lợi của họ thì họ mới gắn bó với ruộng đồng. Vì sao năng suất lúa của tỉnh ta ngày càng giảm? Phải trả lời cho được câu hỏi đó mới tìm ra được phương hướng khắc phục, đưa năng suất trở lại như những năm trước đây hoặc hơn. Ông thử trả lời câu hỏi ấy cho tôi nghe thử.
- Theo tôi là do tình hình có chiến tranh. Một số lao động trẻ khỏe khá lớn được điều đi bộ đội và thanh niên xung phong. Vật tư cung cấp cho nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu để chạy máy bơm không đủ dùng. Cộng với những năm qua thời tiết rất khắc nghiệt và sâu bệnh phát triển do không có thuốc trừ sâu để diệt. Đó là những nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất sụt giảm.
- Những điều ông nói đều đúng, nhưng đó chỉ là nguyên nhân khách quan. Còn nguyên nhân chủ quan, có ý nghĩa quyết định thì ông chưa nhắc tới. Trong chiến đấu hoặc sản xuất và làm bất cứ việc gì thì yếu tố con người mới là yếu tố quyết định. Khi người nông dân không còn quyền tự chủ về kinh tế thì việc người ta không gắn bó với công việc ruộng đồng, làm được chăng hay chớ là lẽ tất nhiên. Ông có hiểu những điều tôi vừa nói không?
- Những điều anh vừa nói là có, nhưng đó chỉ là những hiện tượng cá biệt chứ không có tính phổ biến. Theo tôi, Hợp tác xã hiện nay đang đi đúng hướng. Vì thế làm biến đổi mô hình đã định hình của nó chỉ có thể tạo nên sự rối loạn, khiến năng suất càng xuống thấp.
- Tôi nghĩ ông nên rời bốn cái chân bàn, chân ghế của mình để đi xuống các Hợp tác xã nông nghiệp xem tình trạng làm ăn của xã viên hiện nay ra sao mới giải đáp được cho ông câu hỏi vì sao xã viên một số Hợp tác có hiện tượng xé rào.
Ông Kim nói xong bỏ đi về phòng làm việc của mình lấy cái điếu cày đem ra hiên ngồi xổm rít thuốc lào. Ông châm đóm rồi lại dập đóm đến mấy lần, vẻ mặt trở nên khắc khổ, bức xúc. Đô ngồi trong nhà thấy thế bước ra hỏi:
- Anh vừa cãi nhau với anh Đình đấy à?
- Đàn gảy tai trâu. Đúng là đàn gảy tai trâu – Nói xong ông Kim châm thuốc và rít cật lực.
- Hôm nay không có việc gì hay sao mà hai thầy trò ngồi ngắm cảnh và rít thuốc lào đấy? – Ông Sắc đến đứng trước mặt ông Kim và hỏi.
- Vừa nói chuyện với tay Đình xong, bực không thể chịu được. Đúng là cái tủ sách di động. Mời anh vào nhà uống nước.
- Sáng mai chúng tôi xuống Vĩnh Hòa đấy, tôi qua báo cho anh biết.
- Đã có chương trình làm việc gì chưa?
- Buổi sáng làm việc với bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện về chủ trương của huyện ủy cho phép Hợp tác xã Hồng Vân dùng ao của Hợp tác để thả cá và chia đất cho nông dân làm vụ xen canh. Buổi chiều sẽ xuống làm việc với lãnh đạo xã và Hợp tác xã Hồng Vân.
- Anh có dám đứng ra bênh vực việc làm của lãnh đạo huyện Vĩnh Hòa không? – Ông Kim hỏi đột ngột khiến ông Sắc lúng túng. Ngẫm nghĩ một lát, ông Sắc bảo:
- Anh đặt cho tôi câu hỏi khó trả lời quá.
Ông Kim cười:
- Tôi hỏi đùa cho vui thôi chứ biết ở cương vị là phái viên của Ban nông nghiệp Trung ương, mỗi lời anh nói ra là phải hết sức thận trọng. Vì nó gắn liền với đường lối chủ trương của Đảng.
- Sáng mai anh có định xuống Vĩnh Hòa không?
- Mấy giờ các anh đi?
- Chắc là ăn cơm sáng xong thì đi.
Ông Kim lặng yên suy tính rồi nói với ông Sắc:
- Để tôi bàn với ông Quốc và chị Thường xem có nên xuống hay không. Nếu có xuống thì chúng tôi sẽ xuống sau các anh một ít.
- Theo tôi thì anh và chị Thường nên xuống để làm chỗ dựa cho lãnh đạo Vĩnh Hòa. Như tôi đã nói với anh rồi đấy. Anh Ẩn là người rất cứng rắn trong việc giữ gìn các nguyên tắc. Về mặt nào đó thì rõ ràng việc làm của lãnh đạo Vĩnh Hòa và Hồng Vân là vi phạm những nguyên tắc tổ chức Hợp tác xã. Mặc dù nguyên tắc ấy có rất nhiều điểm không hợp lí. Nhưng trong khi chưa có chủ trương sửa đổi của Trung ương, thì đó là những nguyên tắc cần phải chấp hành một cách nghiêm túc.
- Anh nói như vậy có nghĩa là những tìm tòi đổi mới của lãnh đạo Vĩnh Hòa và Hồng Vân phải dẹp bỏ?
- Đấy là tôi nói trên nguyên tắc. Còn trong thực tế, vượt qua nguyên tắc thế nào cho khéo, vừa được việc, vừa không ai nói gì được mình.
- Có được một người bạn như anh, làm cho tôi thêm vững tin rất nhiều vào những việc mình làm.
- Phần tôi tuy tiếp xúc với anh chưa nhiều, nhưng qua những việc làm của anh và những lời nói tốt đẹp của mọi người dành cho anh, tôi cũng hết sức quý trọng anh. Làm người lãnh đạo của một tỉnh trong giai đoạn này thật là khó. Vừa lãnh đạo sản xuất vừa lãnh đạo chiến đấu. Vừa lo cuộc sống của người ở hậu phương lại phải lo cơm gạo áo tiền cho người ở ngoài mặt trận.
- Rồi cũng vượt qua được hết anh ạ. Có khó khăn nào bằng khó khăn những năm đầu tiên bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tiền thiếu, gạo thiếu, súng đạn cũng thiếu. Bạn bè bên cạnh không có ai. Dân còn, dân tin là còn tất cả. Lãnh đạo dù có tài ba đến mấy mà dân không tin thì cũng chẳng làm được cái gì.
- Anh nói đúng. Làm cho dân tin là yếu tố quyết định mọi thành công.
- Tôi đang lo việc tìm tòi đổi mới cách làm ăn của Hồng Vân mà bị dẹp bỏ sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường anh ạ. Phải tìm cách nâng niu nó như nâng niu một cái chồi non vừa mới nhú ra khỏi cái cây sắp héo úa. Tôi mong anh khéo léo lựa lời chống đỡ cho nó.
- Anh lại làm khó cho tôi nữa rồi.
Ông Kim cười:
- Có khó tôi mới nhờ, chứ dễ thì tôi tự làm lấy chứ nhờ anh làm gì.
2
Liên tục trong ba ngày, hàng chục lượt máy bay Mỹ bắn phá các cầu cống, nhà ga chạy dọc trục đường từ tỉnh Phước Vĩnh lên tới Phú Thịnh. Một đoàn tàu chở hàng viện trợ đỗ ở ga Phú Ninh chưa kịp sơ tán hàng bị dính bom. Quần áo, giày dép, đường sữa, mì chính, thịt hộp bắn tung tóe khắp nơi. Tỉnh Phú Thịnh phải điều hàng chục dân quân ra canh giữ ngăn chặn dân ở quanh khu vực nhà ga gồng gánh ra nhặt hàng rơi vãi. Ga Trung Văn và cầu đường sắt, đường bộ Gia Liễn, nơi đơn vị cao xạ của Phong và trận địa của các cô dân quân Đạo Thắng bảo vệ cũng bị bắn phá nhưng chỉ hư hại nhẹ. Một quả bom làm sạt mố cầu đường sắt đang được khẩn trương khắc phục. Sáng nay bầu trời bỗng nhiên yên tĩnh lạ thường. Có thể nghe rõ cả tiếng vo ve của những con ruồi đang bay ở trong lán. Tự nhiên Phong thấy bồn chồn không yên. Anh hết đi ra chỗ khẩu trọng liên lại đi vào lán. Bích thấy thái độ của Phong lấy làm lạ hỏi:
- Có việc gì mà anh cứ lượn đi lượn lại như thằng F105 vậy?
- Chẳng hiểu sao anh thấy bồn chồn trong người lạ lắm.
- Có phải ba lần chúng em bắn nhau với máy bay Mỹ mà chẳng bắn trúng được chiếc nào không?
Phong cười:
- Hễ bắn nhau là hạ ngay máy bay Mỹ thì chúng nó sản xuất thế nào kịp.
Mơ nói:
- Chúng mình toàn bắn vuốt đuôi còn lâu mới trúng. Nó mà bổ nhào xuống chỗ chúng mình xem. Chỉ cần loạt đạn đầu tiên là tao hạ gục nó ngay.
Thược trề môi:
- Nói phét. Có cái mục tiêu ngồi sát nách mà còn chưa hạ được, bảo hạ máy bay Mỹ ngay loạt đạn đầu.
Đảo đang ngồi cạnh Mơ nghe Thược nói vậy liền đứng lên định bỏ đi. Mơ nắm tay Đảo kéo lại:
- Anh định đi đâu. Ngồi xuống đây mặc cho chúng nó nói.
Đảo giật tay mình ra khỏi tay Mơ và luống cuống đến ngồi cạnh Phong. Phong hất Đảo ra:
- Cậu làm ô danh con nhà lính cao xạ pháo. Về ngay chỗ em Mơ mà ngồi.
Nói xong Phong đứng lên kéo tay Đảo dắt lại chỗ Mơ. Đảo vùng vẫy rút được tay ra khỏi tay Phong rồi bỏ chạy ra khỏi lán. Các cô gái thấy thế đua nhau cười ầm ĩ. Bích bảo Phong:
- Anh Đảo nhát gan. Anh đừng trêu anh ấy mà tội.
- Cái Bích nói thế là nó muốn anh trêu nó đấy anh Phong ạ – Thược bảo.
- Anh không dám trêu con gái Đạo Thắng.
- Con gái Đạo Thắng thì sao nào? – Bích hỏi.
- Con gái Đạo Thắng còn hung hơn máy bay Mỹ.
Mơ trêu:
- Trông anh, em tưởng là gan dạ lắm, hóa ra cũng biết sợ máy bay vỉ ruồi.
Các cô gái đấm lưng nhau cười. Bích mắng Mơ:
- Cái con này ăn nói quá đáng.
- Lại bênh nhau rồi.
- Anh Phong bịt tai lại, đừng có nghe cái Mơ, cái Thược nói.
Mơ đứng lên đi đến cạnh Đảo đang ngồi một mình trên đám ruộng cạnh khẩu trọng liên. Thấy Mơ đến, Đảo đứng lên chui tọt vào ụ súng. Mơ lẽo đẽo đi theo. Tiếng vỗ tay đuổi theo hai người. Mơ đến đứng cạnh Đảo nói nhẹ nhàng:
- Chúng nó trêu mặc chúng nó, sao anh cứ tìm cách tránh em thế?
Đảo lúng túng đưa tay xoa đi xoa lại nòng súng.
Mơ cười:
- Súng bẩn hay sao mà anh lau mãi thế?
Đảo cười và cúi mặt xuống:
- Mơ này.
- Anh Đảo bảo gì cơ?
- Giá như không có đánh nhau nhỉ.
- Thì sao?
- Biết đâu chúng mình mới quen nhau chưa được bao ngày đã xa nhau vĩnh viễn.
- Anh chỉ được cái dại mồm.
- Thật đấy. Mới hai tháng đánh nhau mà Đảo đã mất hai thằng bạn thân rồi. Biết đâu…
Mơ đưa tay bịt miệng Đảo:
- Anh không được nói tiếp nữa đâu đấy.
Đảo để yên tay Mơ trên má mình. Một cảm giác bàng hoàng xao xuyến mơn man khắp người Đảo. Đảo quay đầu lại và bắt gặp cái nhìn đắm đuối của Mơ.
Ở trong lán, Bích ngạc nhiên khi thấy chị Phấn đưa cơm ra sớm hơn mọi ngày:
- Sao hôm nay chị đưa cơm cho chúng em sớm thế?
- Mấy hôm vừa rồi cứ đến bữa ăn của các em là chúng nó đến nên các em ăn miếng cơm cũng không yên. Hôm nay chị đưa cơm ra sớm để các em có thì giờ ăn cho ngon miệng.
- Chị sợ chúng em chết thì thành ma đói cả lũ chứ gì? – Thược cười nói với chị Phấn.
- Phỉ phui cái mồm của em đi – Chị Phấn mắng.
- Em nói thế chứ còn lâu chúng em mới chết nhé.
Lanh nhìn vào mâm cơm chị Phấn đang dọn hỏi:
- Hôm nay không có thịt gà hả chị?
- Mỗi tuần chỉ được ăn thịt gà hai lần thôi. Hôm nay chị làm cho các em món cá mè hầm tương gừng ngon lắm.
Bích nói với Phong:
- Không hiểu sao hôm nay em cảm thấy người bồn chồn rất lạ anh Phong ạ.
- Anh cũng có cái cảm giác ấy. Trời hôm nay trong thế này, có thể chúng nó đánh ác liệt đây. Nếu chúng nó đánh thẳng vào trận địa của mình, em nhớ bình tĩnh chỉ huy chị em đánh trả cho tốt nhé.
Thược đứng dậy nhìn ra ụ súng gọi to:
- Cái Mơ tâm sự đã đầy bụng chưa, vào ăn cơm kẻo chúng tớ ăn hết bây giờ?
Đảo nghe Thược gọi, giục Mơ:
- Mơ vào ăn cơm đi.
- Anh không ăn à?
- Em vào trước anh sẽ vào sau. Đi cùng anh ngại lắm.
- Anh cứ đi với em. Chúng nó trêu chán lại thôi ngay mà. Anh không đi thì em đứng luôn đây với anh mặc cho chúng nó trêu. Nào, có đi không thì bảo.
- Ừ thì đi. Nhưng đi xa nhau ra.
- Thế cũng được.
Thấy Đảo và Mơ vào đến nơi, Thược nói:
- Anh chị tâm sự những gì dai như đỉa đói thế?
Mơ cười:
- Quanh đi quẩn lại vẫn chuyện phải thật bình tĩnh khi đối đầu với máy bay giặc Mỹ.
- Nói phét. Mày tưởng bọn tao không nhìn thấy anh Đảo cầm tay mày ấp vào má đấy phỏng.
Mọi người vừa ngồi vào mâm cơm thì tiếng chuông điện thoại réo giục giã. Phong đứng lên chạy đến chỗ chiếc điện thoại dã chiến treo ở góc lán. Nghe xong, Phong gỡ luôn chiếc điện thoại đem đến đưa cho Đảo:
- Các em vào vị trí chiến đấu ngay. Trên thông báo có nhiều tốp máy bay giặc Mỹ đang bay về hướng không phận của tỉnh ta.
Mọi người lấy mũ rơm đội lên đầu rồi chạy theo Phong. Chị Phấn đổ dồn thức ăn vào một nồi rồi bê tất cả nhảy xuống cái hố cá nhân cạnh lán. Chỉ lát sau tiếng máy bay phản lực gầm rú như muốn xé nát bầu trời. Phong đứng lên thành công sự gào to với các cô gái:
- Các em chú ý. Hôm nay chúng đánh vào giờ này, thế nào chúng cũng bổ nhào từ hướng mặt trời xuống để cắt bom và phóng rốc-két. Việc bắt mục tiêu sẽ gặp khó khăn vì bị chói ánh nắng mặt trời. Các em nhớ phải tập trung cao độ để bắt cho được mục tiêu trước khi nổ súng…
Từng tốp máy bay nối đuôi nhau cắt bom và phóng rốc-két xuống hai chiếc cầu nằm trên đường sắt, đường bộ, nhà ga và trận địa cao xạ. Tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng bom nổ, tiếng súng cao xạ bắn trả tạo nên âm thanh hỗn tạp khiến đầu óc như muốn vỡ bung ra. Từng cột khói bốc lên cao. Khẩu trọng liên của các cô gái dân quân không ngớt nhả đạn. Và hình như bọn phi công Mỹ đã nhận ra cái lưới lửa tầm thấp lợi hại thọc vào cạnh sườn của chúng mỗi khi chúng bổ nhào cắt bom. Hai chiếc F4 tách khỏi đội hình để đối chọi với khẩu trọng liên của các cô gái. Một loạt rốc-két phóng xuống cách ụ súng không xa. Mùi thuốc súng khét lẹt xộc vào mũi các cô gái. Phong biết cuộc đối đầu sẽ diễn ra quyết liệt, anh đứng hẳn lên thành công sự gào to:
- Các em nhớ bắn khi chúng đang bổ nhào thật thấp xuống trận địa chứ đừng có bắn vuốt đuôi.
Đảo đứng cạnh bảo Mơ:
- Em nhớ bình tĩnh kéo cò cho dứt khoát, bắn loạt nào ra loạt ấy. Cứ bắn trực diện là bọn chúng hốt nên cắt bom và phóng rốc-két không chính xác đâu.
Tốp F4 lại bổ nhào lần thứ hai. Loạt rốc-két lần này sát ngay với ụ súng của các cô gái. Thược đang đứng tiếp đạn bỗng loạng choạng.
Mơ hét lên:
- Cái Thược bị thương rồi Bích ơi. Gọi con Lí lên thay cái Thược đi.
Đảo bế xốc Thược chạy về phía mấy chiếc hầm cá nhân. Bích gọi to:
- Cái Lí đâu, lên thay cái Thược tiếp đạn.
Đảo vừa chạy về đến gần ụ súng thì bị ngay một loạt rốc-két hất tung lên. Mơ nhìn thấy thế liền hét lên một tiếng: “Anh Đảo!” rồi bỏ mặc vị trí bắn súng của mình nhảy lên khỏi ụ súng lao về phía Đảo.
Bích gọi:
- Mơ. Sao lại bỏ vị trí chiến đấu.
Phong bảo Bích:
- Em xuống thay vị trí Mơ, để anh chỉ huy cho.
Cuộc oanh tạc kéo dài đến ba mươi phút mới chấm dứt. Xung quanh trận địa rốc-két cày xới nham nhở. Cái lán bằng rơm mọi ngày trúng ngay một quả rốc-két bị xé ra từng mảnh, rơm rạ, cột kèo ngổn ngang. Bát đĩa vung vãi một nơi một cái. Lần đầu tiên đối mặt với máy bay Mỹ, thần sắc của các cô gái sau trận chiến đấu xơ xác như gà phải cáo. Nhất là khi trông thấy Mơ ôm lấy thi thể của Đảo vừa lay vừa gào khóc thảm thiết: “Anh Đảo ơi! Sáng nay đứng với nhau em bảo anh nói với em câu gì đó nhưng anh không nói mà chỉ nhìn em. Bây giờ thì anh nói đi. Nói đi anh Đảo ơi! Anh bảo em đừng trêu anh vì tính anh hay xấu hổ. Em hứa là không trêu anh nữa sao anh lại bỏ em mà đi anh Đảo ơi! Từ nay còn ai đứng cạnh em để hướng dẫn cho em bắn máy bay của chúng nó nữa anh Đảo ơi!…” Bên cạnh đó Thược nằm yên không động đậy. Máu thấm ướt đẫm chiếc quần của Thược. Tình thế quá bất ngờ khiến Phong lúng túng. Anh hết động viên các cô gái lại giục Bích lo giải quyết hậu quả. Phong lấy băng cá nhân của mình băng tạm cho Thược và bảo Bích:
- Có khi em phải chạy về báo cho Hợp tác biết và xin họ cử người cáng Thược lên bệnh viện ngay chứ để máu ra thế này rất nguy hiểm.
Bích chưa kịp đi thì từ phía xa Luận, Noãn và một số bà con nông dân chạy tới. Trong đó có Dậu, Tế và Ngô, bí thư chi bộ Gia Đạo.
Luận nhìn Thược rồi nói với Noãn:
- Vết thương nặng đấy, phải cho đi viện ngay thôi. Tổ y tế trực chiến làm gì mà chưa thấy ai ra đây cả là thế nào.
Trong khi mọi người đang vây quanh Thược và Đảo thì tổ y tế của xã đến. Các cô lao ngay vào công việc. Cô thì đưa tay bắt mạch, cô thì lần mò tìm vết thương.
Luận hỏi:
- Tình hình có nguy cấp lắm không các em?
- Máu ra nhiều quá nên bị choáng cô ạ. Còn vết thương ở đùi không biết có làm ảnh hưởng gì đến xương hay không, chúng cháu chưa biết. Bây giờ chúng cháu tạm ga rô để cầm máu và nẹp tạm để đề phòng nếu có bị gãy xương thì xương khỏi bị lệch rồi chuyển nhanh lên bệnh viện huyện mới biết mảnh bom có trúng xương hay không.
Tế đứng cạnh bảo:
- Nhà tôi có cái võng đay để tôi chạy về lấy. Ông nào cùng về chặt lấy một đoạn tre làm đòn khiêng.
- Để tôi cùng về với ông – Dậu đứng cạnh nói.
Luận đi đến ngồi xuống cạnh thi thể của Đảo. Mơ vẫn ôm lấy Đảo khóc nỉ non. Luận đưa tay lên vuốt tóc cho Đảo, nói nghẹn ngào trong nước mắt:
- Em còn trẻ quá. Sao vội đi sớm thế hả em?
Mơ ôm chầm lấy Luận:
- Em thương anh ấy quá cô ơi!
Noãn quay sang bảo với Hiển, phó chủ tịch:
- Anh cử người đưa đồng chí bộ đội hy sinh về hội trường ủy ban đợi đơn vị đồng chí ấy đến tính sau.
Nửa tiếng sau Chi tất tưởi đạp xe về. Cô vứt xe đạp ở rìa làng rồi cứ thế băng đồng chạy bộ đến chỗ trận địa các cô dân quân.
3
Ban thường vụ huyện ủy Vĩnh Hòa và Kỳ, bí thư đảng ủy xã Hồng Vân tập trung rất sớm để chờ làm việc với tổ phái viên.
- Không biết các ông thế nào chứ tôi lo lắm các ông ạ. – Kỳ nói – Nghe nói trong số phái viên ấy có một ông là ủy viên Trung ương dự khuyết, phó ban nông nghiệp Trung ương. Ông này rất nguyên tắc. Lần đầu tiên tiếp xúc với một ủy viên Trung ương Đảng, hốt lắm.
Mích nói:
- Ông nào cũng là người cả chứ có phải hổ báo đâu mà sợ. Mình cứ làm đúng thì mình chẳng sợ đếch gì anh nào.
- Mình làm đúng nhưng cấp trên bảo sai thì sao?
- Theo tớ chẳng ai soạn ra đường lối nhằm làm cho dân đói cả. Nhưng mọi lí thuyết ở đời bao giờ cũng có khoảng cách ít nhiều với thực tế. Đến khi thực hiện do tác phong quan liêu, máy móc, khiến cái khoảng cách giữa lí thuyết và thực tế càng lớn.
Kỳ thách:
- Tôi đố ông Bằng lát nữa đưa những điều ông Mích vừa nói ra nói trước mặt các ông phái viên xem.
- Tôi sợ gì mà không nói. Người cách chức bí thư huyện ủy của tôi là do các ông đề nghị và thường vụ tỉnh ủy ra quyết định chứ có phải mấy ông phái viên có quyền cách chức tôi đâu mà tôi sợ. Có điều này tôi nhắc các ông. Hôm qua bí thư tỉnh ủy gọi điện cho tôi bảo các phái viên nói gì để cho họ nói. Cứ ngồi im lắng nghe rồi lựa lời tìm cách bảo vệ cho được những gì đang làm. Đừng chống đối căng thẳng dẫn đến hỏng việc.
- Các ông ấy đã đến rồi kia kìa – Mích nhìn ra thấy chiếc xe Mốt-cô-vích chạy từ từ vào sân trụ sở huyện ủy nói với mọi người – Sao không thấy bí thư tỉnh ủy cùng đi nhỉ?
- Hôm qua bí thư gọi điện cho tớ bảo sẽ xuống sau các ông phái viên chừng một tiếng.
Ông Ẩn bắt tay từng người ra đón.
- Chắc các đồng chí chờ chúng tôi lâu lắm rồi phải không?
Bằng đáp:
- Báo cáo anh, chúng tôi cũng vừa mới tới thôi ạ.
Bằng đưa mọi người vào phòng khách. Ông Ẩn hỏi:
- Thường vụ huyện ủy đều có mặt đông đủ cả chứ?
- Vâng ạ.
- Huyện các đồng chí thu hoạch vụ chiêm xong chưa?
Mích trả lời:
- Gặt được ba phần tư diện tích rồi ạ.
- Năng suất lúa thế nào?
- Hợp tác đạt cao nhất là Hồng Vân cũng chỉ được trên hai tấn trên một héc-ta. Còn phần lớn có khả năng chỉ đạt từ tấn sáu trở xuống.
- Theo chỗ tôi biết thì đất của huyện Vĩnh Hòa tốt nhất so với các huyện khác của tỉnh Phước Vĩnh, vì sao năng suất lại thấp như thế?
- Vụ nào chúng tôi cũng chỉ đạo rất chặt chẽ từ khâu giống má cho đến kỹ thuật canh tác, nhưng không hiểu sao năng suất lúa không sao tăng lên được. Thậm chí đang có chiều hướng giảm xuống.
Ông Sắc hỏi:
- Có phải do khâu quản lí lao động không chặt chẽ và hợp lí dẫn đến việc làm ăn dối trá, cốt làm để lấy công điểm chứ không quan tâm đến lợi ích của Hợp tác xã không?
Bằng cười:
- Đồng chí cũng biết điều đó ạ?
Ông Sắc:
- Tôi có nắm được ít nhiều tình trạng trên diễn ra ở một số Hợp tác xã trong tỉnh Phước Vĩnh.
- Không riêng gì ở tỉnh Phước Vĩnh đâu đồng chí ạ. Đây là tình trạng chung đang diễn ra ở nhiều nơi. Quê vợ tôi ở huyện Khoái Châu tỉnh Hải Hưng. Vừa rồi cô ấy về thăm quê lên kể lại tình hình các Hợp tác xã ở dưới đó be bét lắm. Công lao động của một vụ không đủ nấu cháo để ăn. Vì vậy tôi nghĩ tình trạng ở Phước Vĩnh là tình trạng chung của tình hình nông nghiệp của miền Bắc hiện nay.
Bao phản ứng ngay trước câu nói của Bằng:
- Đồng chí là bí thư huyện ủy sao ăn nói hồ đồ thế. Làm gì có chuyện công lao động của một vụ không đủ nấu cháo. Rõ ràng đây là luận điệu xuyên tạc của bọn chiến tranh tâm lí hòng gây hoang mang trong quần chúng, đồng chí thiếu cảnh giác nên mắc phải luận điệu phản động của địch.
Nghe Bao nói, ông Sắc chỉ hắt hơi như phản ứng. Ông Ẩn vào cuộc:
- Thôi, ta bắt đầu công việc nhé. Các đồng chí có được văn phòng tỉnh ủy báo cho biết hôm nay chúng tôi xuống làm việc không?
- Báo cáo có ạ. Văn phòng thông báo cho chúng tôi biết từ chiều qua nên chúng tôi đã triệu tập các đồng chí trong thường vụ huyện ủy sáng nay có mặt để đón các đồng chí – Bằng trả lời.
- Chúng tôi cũng chỉ nhờ văn phòng báo cho các đồng chí thôi chứ việc xuống đây chúng tôi không báo cho anh Kim biết. Nội dung làm việc sáng nay là tôi muốn nghe các đồng chí báo cáo tình hình ở Hợp tác xã Hồng Vân. Cụ thể là chủ trương trả lại ao cho hộ gia đình tự do nuôi cá và chia đất cho nông dân làm màu. Đồng chí bí thư huyện ủy báo cáo trước đi.
- Vì các đồng chí xuống đột xuất quá nên tôi không có thời gian chuẩn bị để báo cáo với các đồng chí bằng văn bản. Tôi xin phép nhớ đến đâu nói đến đó. Chỗ nào các đồng chí cần hỏi thì cứ việc hỏi. Nếu tôi không trả lời được thì các đồng chí trong ban thường vụ huyện ủy giúp tôi trả lời các đồng chí. Trước hết tôi xin trả lời câu hỏi những việc làm của xã Hồng Vân do chủ trương của ai. Đó là chủ trương của dân chứ chẳng có ai trong chúng tôi chủ trương cả.
- Dân có phải là một tổ chức chính trị đâu mà có chủ trương đường lối? – Bao bắt bẻ.
- Vừa rồi tôi nói đó là chủ trương của dân là muốn nói những việc làm ở Hợp tác xã Hồng Vân là do tự phát của dân chứ huyện ủy chúng tôi không chủ trương giao ao cho dân thả cá và chia ruộng để làm vụ xen canh. Để các đồng chí hiểu cụ thể, tôi xin nói rõ việc này như sau. Như một số xã khác trong huyện Vĩnh Hòa, tại xã Hồng Vân có hàng trăm cái ao. Dù to nhỏ có khác nhau, nhưng nhà nào cũng có một cái ao vừa để tắm giặt khi đi làm đồng về, vừa nuôi cá để ăn. Nếu cộng lại, những cái ao trong các hộ gia đình có thể trên vài héc-ta diện tích mặt nước. Sau khi lên quy mô, ao của các hộ gia đình trở thành tài sản chung của Hợp tác xã. Nhưng Hợp tác không quản lí nổi nên tất cả ao chuôm trong các hộ gia đình đều bị bỏ hoang. Một số gia đình thấy tiếc của liền mua cá giống về thả chui. Hợp tác xã phạt, người ta vẫn làm. Thấy một nhà làm được nhiều nhà làm theo. Đứng trước tình thế ấy, đảng ủy và ban quản trị Hợp tác xã Hồng Vân bàn bạc và quyết định cho các hộ dọn sạch ao chuôm, Hợp tác sẽ cung cấp giống, các hộ gia đình chăm sóc cá, đến khi thu hoạch chia theo tỉ lệ năm mươi, năm mươi. Quyết định hợp với lòng dân nên được dân hưởng ứng. Lát nữa xin mời các đồng chí xuống tham quan ao cá của các hộ gia đình.
- Như vậy việc để cho xã viên sử dụng ao của Hợp tác xã để nuôi cá có chủ trương của đảng ủy và Ban quản trị, sao đồng chí bảo không ai chủ trương?
Bằng trả lời cứng cỏi:
- Chúng tôi không coi đó là một chủ trương mang tính chất lâu dài mà chỉ là biện pháp tình thế vừa có lợi cho Hợp tác xã vừa có lợi cho dân.
- Đó chỉ là những lời ngụy biện – Bao dằn giọng – Đem tài sản của tập thể giao cho nông dân làm giàu là các đồng chí phạm phải một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Muốn hay không thì các đồng chí đang từ bỏ con đường làm ăn Xã hội Chủ nghĩa để đi theo con đường Tư bản Chủ nghĩa. Các đồng chí nhận thức hết sức mơ hồ về cuộc đấu tranh giữa hai con đường.
Ông Sắc đứng lên vờ định bỏ đi ra ngoài để hắt hơi nhưng không kịp. Ông hắt hơi liên tục mấy cái liền. Bao lại đưa tay lên xoa mặt và cằn nhằn:
- Đã phê bình bao nhiêu lần mà sao ông vẫn không bỏ được cái thói hắt hơi tùy tiện thiếu lịch sự ấy đi. Ngồi trước mặt các quan chức địa phương, muốn hắt hơi thì phải đi ra ngoài chứ.
- Ông không thấy tôi định bỏ ra ngoài để hắt hơi nhưng không kịp đấy à?
Ông Ẩn liếc mắt nhìn Bao và Sắc tỏ ý không vừa lòng rồi bảo Bằng:
- Bây giờ tôi đề nghị đồng chí bí thư huyện ủy báo cáo tiếp việc chia đất cho nông dân làm vụ màu xen canh.
Trong khi Bằng giải trình về việc chia đất cho xã viên làm vụ xen canh, Bao nhấp nhổm như ngồi phải đống gai. Đến khi nghe Bằng bảo việc tận dụng vụ xen canh đã đưa đất Hồng Vân từ hai vụ lên thành ba vụ chỉ có lợi cho dân mà Hợp tác xã vẫn tồn tại và phát triển chứ chẳng có gì là sai, Bao gần như chồm lên:
- Đường lối chủ trương của Đảng ta là tập thể hóa toàn bộ tài sản khi lên quy mô. Chỉ để lại cho nông dân năm phần trăm diện tích đất đai sử dụng là nhằm hạn chế việc phát triển tư bản của nông dân. Bây giờ bỗng nhiên nông dân có năm mươi phần trăm diện tích ao, có một trăm phần trăm đất để làm vụ xen canh, cộng với năm phần trăm đất được chia, tài sản tập thể còn gì mà đồng chí bảo Hợp tác xã vẫn tồn tại. Đó chẳng qua là cái xác không hồn mà thôi. Là mở đầu cho lối làm ăn theo Tư bản Chủ nghĩa, đồng chí có hiểu không.
Chiếc xe của ông Kim chạy vào sân. Cả Ban thường vụ huyện ủy thở phào. Mích đứng lên.
- Xin lỗi các đồng chí, tôi xin phép ra đón đồng chí bí thư tỉnh ủy.
Nói xong, Mích đi ra chỗ ông Kim và bà Thường. Ông Kim hỏi:
- Làm việc đến đâu rồi?
- Đồng chí Bằng đang trình bày những việc làm của Hồng Vân.
- Thái độ các phái viên ra sao?
- Mới có cái ông gì béo béo là vặn vẹo những lời lẽ nghe như đọc kinh, còn ông Ẩn chưa nói lời nào.
- Lão Bao. Lão ấy chỉ được cái lí luận suông, cứ để cho lão ta nói, đừng cãi cho tốn hơi.
Ông Kim và bà Thường vào nhà. Mích kéo ghế mời ông Kim và bà Thường ngồi. Ông Ẩn tỏ ra lúng túng trước sự xuất hiện bất ngờ của ông Kim và bà Thường:
- Hai đồng chí xuống Vĩnh Hòa sao không nói trước để cùng đi xe với chúng tôi có phải tiết kiệm được một ít xăng không?
- Chúng tôi không có chương trình đi xuống Vĩnh Hòa. Nhưng nghe đồng chí Sâm, chánh văn phòng tỉnh ủy bảo hôm qua các anh bảo đồng chí ấy gọi điện báo cho huyện ủy Vĩnh Hòa biết hôm nay các đồng chí xuống làm việc nên tôi và chị Thường bỏ kế hoạch đi Linh Sơn xuống đây xem các anh có chỉ thị gì cho lãnh đạo Vĩnh Hòa không để rồi còn bàn cách chỉ đạo thực hiện ý kiến của các anh.
- Chúng tôi muốn xuống tìm hiểu tình hình chia đất chia đai của Hợp tác xã Hồng Vân ra sao thôi chứ có chỉ thị gì đâu.
- Các anh đang nghe huyện ủy báo cáo à?
- Vâng. Đồng chí bí thư huyện ủy báo cáo đang báo cáo tình hình Hồng Vân.
- Các anh cứ làm việc theo chương trình của mình, tôi và chị Thường chỉ ngồi nghe thôi. Đồng chí Bằng báo cáo tiếp đi.
Bằng thấy vững tin khi có ông Kim ngồi trước mặt. Anh nói rành rọt:
- Vừa rồi đồng chí Bao phê bình chúng tôi giao ao cho xã viên nuôi cá, giao đất cho xã viên làm màu là mở đường cho nông dân làm ăn theo con đường Tư bản Chủ nghĩa. Cho rằng Hợp tác xã Hồng Vân chỉ là cái xác không hồn, tôi thấy rất khó chấp nhận những lời lẽ như vậy. Trong thực tế chúng tôi đang làm cho Hợp tác xã Hồng Vân thay da đổi thịt chứ không phải cái xác không hồn như đồng chí nói đâu.
Ông Ẩn đưa tay ra tỏ ý ngăn Bằng:
- Hãy khoan tranh luận đúng sai trong việc này. Tôi muốn hỏi với cương vị của một bí thư huyện ủy, đồng chí đã nghiên cứu kỹ các Nghị quyết của Trung ương về tổ chức Hợp tác xã nông nghiệp và các Nghị quyết khác liên quan đến phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp trong tình hình mới chưa?
- Báo cáo đồng chí, không riêng gì tôi mà tất cả các đảng viên trong đảng bộ huyện đều đã được quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Đảng về tổ chức Hợp tác xã nông nghiệp và các Nghị quyết khác liên quan về nông nghiệp.
- Vậy đối chiếu giữa các Nghị quyết đồng chí đã quán triệt với việc làm hiện nay có chỗ nào làm trái với các Nghị quyết đó không?
Bằng tỏ ra lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì Mích nói luôn:
- Báo cáo đồng chí. So với những điều chúng tôi được nghiên cứu trong các Nghị quyết thì thấy Nghị quyết không ghi tùy tình hình thực tế của từng địa phương mà vận dụng, làm cho nội dung của Nghị quyết thêm phong phú. Do đó cái sai của huyện ủy chúng tôi là đã làm những điều không ghi trong Nghị quyết.
Bao bắt bẻ:
- Có nghĩa các đồng chí đã coi các Nghị quyết của Đảng là mớ giấy lộn, chấp hành kiểu nào cũng được?
- Chúng tôi không đến nỗi vô nguyên tắc như vậy. Nhưng theo cách hiểu của chúng tôi, các Nghị quyết của Đảng đều nhằm mục đích đưa đến no ấm cho nông dân. Vậy tôi xin hỏi các đồng chí cấp trên, ao bỏ hoang để nuôi rắn rết và bèo, chúng tôi đã dọn sạch ao để nuôi cá vừa có cái ăn, cái bán cho bà con mà Hợp tác xã cũng có thêm thực phẩm để cung cấp cho Nhà nước. Ruộng bỏ hoang một vụ, chúng tôi đã cho nông dân trồng ngô đưa sản xuất nông nghiệp thành ba vụ. Vừa tăng thêm sản lượng nông nghiệp hàng năm, vừa sử dụng lực lượng lao động lúc nông nhàn. Vậy thì những việc làm của huyện ủy chúng tôi sai ở chỗ nào?
Ông Ẩn không mảy may lúng túng trước câu hỏi của Mích:
- Vận dụng sáng tạo Nghị quyết là một việc nên làm và Đảng khuyến khích chứ không hề ngăn cấm. Nhưng vận dụng phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản đã được ghi trong Nghị quyết. Nguyên tắc cơ bản của Nghị quyết về việc đưa Hợp tác xã lên quy mô là nhằm mở ra hướng làm ăn lớn trong nông nghiệp. Xóa bỏ tận gốc về mặt tư tưởng cũng như lối làm ăn nhỏ lẻ đã ăn sâu vào trong đầu óc của người nông dân từ bao đời nay. Việc công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất cũng nhằm cắt đứt mối liên hệ với việc làm ăn nhỏ lẻ đã trở thành tập quán của nông dân. Ngày nào người nông dân còn sở hữu một cái ao, con trâu, cái cày thì ngày đó đầu óc tư hữu còn có đất để tồn tại. Việc làm của huyện ủy Vĩnh Hòa nói chung, Hợp tác xã Hồng Vân nói riêng tỏ ra nhận thức của các đồng chí còn mơ hồ về quan điểm lập trường, chưa quán triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng trong việc quản lí Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và thực hiện ba cuộc cách mạng ở nông thôn. Các đồng chí hỏi tôi việc làm của các đồng chí sai ở chỗ nào? Sai ở chỗ các đồng chí không quản lí tốt tài sản của tập thể. Giao ao, giao đất cho nông dân bất kỳ dưới hình thức nào đều là việc làm hết sức sai trái, vô nguyên tắc. Các đồng chí chỉ nhìn cái lợi tạm thời trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài. Tôi biết có một số đồng chí trong tỉnh ủy của các đồng chí phê phán cơ chế của Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay. Một kiểu phê phán nặng về cảm tính, thiếu cơ sở khoa học. Muốn đưa nền nông nghiệp của miền Bắc nước ta lên sản xuất quy mô là phải tập trung cao độ tư liệu sản xuất. Bao gồm lực lượng lao động, công cụ lao động và ruộng đất. Đây là bước đầu tiên rất quan trọng, có tính chất quyết định để tiến đến sản xuất cơ giới hóa và điện khí hóa. Phân tán nhỏ lẻ thì khó mà thực hiện được ba cuộc cách mạng ở nông thôn là cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng về quan hệ sản xuất và cách mạng tư tưởng văn hóa. Trong đó cách mạng kỹ thuật đóng vai trò then chốt. Nội dung cơ bản của kinh tế Xã hội Chủ nghĩa là một nền kinh tế tập trung và sản xuất theo kế hoạch. Không thể mạnh ai nấy làm. Nghĩ thế nào làm thế ấy.
Ông Kim cảm thấy người mình như nổi gai trước những lời lẽ của ông Ẩn nên khi ông Ẩn vừa dứt lời, ông nói luôn:
- Cụm từ Xã hội Chủ nghĩa bản thân nó mang đầy tính nhân văn. Nhưng kiểu cách làm ăn tập trung như hiện nay của các Hợp tác xã vô hình trung chúng ta làm mất đi cái cốt lõi tốt đẹp ấy. Theo tôi, chúng ta đang biến các Hợp tác xã thành một trại lính. Mọi việc đều làm theo hiệu lệnh của tiếng kẻng. Tôi nói trại lính là nói theo nghĩa bóng chứ làm được như trại lính thì quá tốt. Bởi trại lính có quân phong quân kỷ, có các chế độ điều lệnh để tạo nên sức mạnh. Còn Hợp tác xã thì quân hồi vô phèng. Một tổ chức rời rạc, hình thức như vậy chỉ mang lại sự đói nghèo cho nông dân. Làm băng hoại truyền thống tắt lửa tối đèn có nhau đã có bao đời nay. Nói thẳng ra là quyền làm chủ mà thực chất là quyền làm người bị xâm phạm nghiêm trọng. Trung ương cử các anh về nghiên cứu tình hình các Hợp tác xã để giúp chúng tôi tháo gỡ sự trì trệ trong sản xuất nông nghiệp, đáng ra các anh phải cùng chúng tôi nghiên cứu hiện tượng một vài Hợp tác xã đang phá vỡ cách làm máy móc lâu nay để tìm ra con đường đi, nhằm phát triển kinh tế tập thể. Cái mới nảy sinh các anh không chịu nghiên cứu để ủng hộ nó mà đi phê phán nó là thế nào?
Những lời nói của ông Kim giống như gáo nước sôi dội xuống đầu ông Ẩn. Ông lặng đi giây lát để giữ bình tĩnh mới nói:
- Chúng tôi chỉ ủng hộ những cái mới đã được đúc kết để đưa vào nguyên tắc, đường lối chính sách của Đảng chứ không khi nào ủng hộ những đổi mới vô nguyên tắc – Giọng ông Ẩn chứa nỗi bực tức ở bên trong.
- Người ta nói sáng như mặt trời mà vẫn còn có vết – Ông Kim vẫn với giọng thong thả, điềm tĩnh – Chủ trương đưa Hợp tác xã lên hình thức quy mô là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Phù hợp với quy luật phát triển. Nhưng vì chúng ta nóng vội, máy móc, giáo điều trong việc học tập phong trào Đại Trại của Trung Quốc, trong khi trình độ quản lí của ta chưa đáp ứng được với yêu cầu, nông dân thì chưa khắc phục được thói quen sản xuất theo lối tự sản tự tiêu. Mặt khác chúng ta vội vàng phá bỏ những tập tục đã trở thành nét văn hóa làng xã. Khi mới lên Hợp tác xã quy mô, chúng ta trong đó có tôi chưa thấy điều này, nông dân cũng chưa thấy điều này. Nhưng qua mấy vụ sản xuất thì những điều trên đây bộc lộ ngày càng rõ. Công tác quản lí Hợp tác xã nặng về tập trung quan liêu bao cấp, cộng với hoàn cảnh cuộc chiến đấu chống Mỹ ngày càng diễn ra ác liệt, đòi hỏi miền Bắc phải chi viện sức người sức của cho tiền tuyến nên tình hình các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ suy sụp…
Ông Bao giãy lên như đỉa phải vôi:
- Tôi không hiểu đồng bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh đứng trên lập trường nào mà dám phê phán đường lối làm ăn tập thể Xã hội Chủ nghĩa của Đảng là máy móc, giáo điều? Đồng chí có biết Chủ nghĩa xã hội đang là xu thế phát triển tất yếu trong thời đại chúng ta không? Mao chủ tịch đã nói: Thời đại chúng ta là thời đại gió Đông thổi bạt gió Tây. Chủ nghĩa xã hội đang thành một hệ thống trên toàn thế giới. Đó là xu thế không thể đảo ngược được. Các anh đang tìm cách chặn đứng bánh xe lịch sử đang quay theo chiều của nó, thế nào cũng bị bánh xe lịch sử nghiền nát.
Ông Kim cười khẩy:
- Hay thật. Nếu ai nói trái một ý là bị quy chụp ngay quan điểm lập trường. Là đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại. Tôi và các đồng chí trong tỉnh ủy của chúng tôi đôi khi cũng bị mắc căn bệnh này. Có lẽ chúng ta được đúc cùng một khuôn mẫu nên mới giống nhau đến thế. Đồng chí Bao vừa hỏi tôi đứng trên lập trường nào để phê phán lối làm ăn tập thể Xã hội Chủ nghĩa có phải không? Tôi xin trả lời đồng chí. Tôi đứng trên quan điểm lập trường là làm sao cho nông dân được no. Không những đủ thóc ăn mà còn thừa thóc để cung cấp được nhiều cho chiến trường. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải thực sự cầu thị. Phải nhìn cho kỹ nông dân đang làm gì, đang nghĩ gì để cùng với họ tính kế làm ăn. Đừng cố bắt ép nông dân làm ăn theo khuôn mẫu đã viết sẵn trong sách vở. Các tổ chức Đảng phải xông vào tháo gỡ một mắt xích nào đó then chốt trong nông nghiệp mà khâu đột phá có tính chất quyết định là phải đổi mới cơ chế quản lí Hợp tác xã nông nghiệp. Quyền lao động phải đi đôi với quyền hưởng thụ. Tôi thấy đảng bộ Vĩnh Hòa đang mày mò tìm lối ra nên tôi hoàn toàn ủng hộ các đồng chí ấy.
- Tìm lối ra bằng con đường dẫn dắt nông dân trở lại với con đường làm ăn cá thể là một việc làm vô nguyên tắc anh Kim ạ – Ông Ẩn nói.
- Anh đã nói thế thì tôi cũng xin nói rõ quan điểm của tôi. Khi đưa Hợp tác xã lên hình thức quy mô, chúng ta phạm phải một sai lầm. Đó là xóa bỏ kinh tế hộ gia đình, một động lực không thể thiếu để tiến hành mọi cuộc cách mạng. Theo tôi, từng con người đơn lẻ tạo nên một gia đình. Nhiều gia đình tập họp lại mới lập nên được một cộng đồng dân cư làng xã. Và có làng xã mới có nước. Vì sao cứ nói đến Xã hội Chủ nghĩa là chúng ta phủ nhận cái đơn lẻ mà nhập nó lại thành một cục tập thể? Bắt nó phải nói, phải làm theo một khuôn mẫu định sẵn. Phủ nhận vai trò cá nhân cũng như phủ nhận hộ kinh tế gia đình, Hợp tác xã sẽ không còn sức sống. Nó chỉ còn là một hình nhân có đầy đủ áo mão cân đai, nhưng thực chất bên trong chỉ là những cái nan tre.
Ông Kim vừa dứt lời thì một anh nhân viên của ủy ban huyện đi vào phòng họp đến cạnh ông Kim:
- Thưa bí thư. Tỉnh đội vừa gọi lên báo cho bí thư biết, sáng nay máy bay giặc Mỹ đã đánh sập cầu đường sắt Gia Liễn. Chúng còn đánh vào cả khẩu đội phòng không của dân quân xã Đạo Thắng huyện Tam Bình.
Ông Kim hốt hoảng:
- Tỉnh đội có nói rõ thương vong như thế nào không?
- Dạ, ở khẩu đội phòng không của dân quân Đạo Thắng một anh bộ đội hy sinh và một dân quân bị thương nặng. Còn ở trận địa cao xạ pháo thì có hai anh bộ đội hy sinh, không thấy nói có bao nhiêu người bị thương. Đơn vị cũng bắn rơi tại chỗ một máy bay và bắt sống phi công.
Ông Kim đứng lên:
- Bộ đội và dân quân đánh nhau với máy bay Mỹ, người hy sinh, người bị thương. Còn chúng ta ngồi đây tranh cãi những chuyện chẳng đâu vào đâu. Chị Thường ở lại để nghe các đồng chí phái viên huấn thị, chiều đi nhờ xe các đồng chí ấy mà về. Tôi phải về để xuống đó xem tình hình ra sao.
Bà Thường chưa kịp nói gì thì ông Kim đã đi ra xe, chẳng chào hỏi ai. Bà Thường than vãn:
- Chẳng biết sinh vào cái giờ gì mà lúc nào cũng tất bật đến khổ – Nói xong bà Thường quay sang nói với ông Ẩn:
- Nông dân người ta nghĩ không như các đồng chí nghĩ đâu. Đối với họ vườn tược, ao chuôm, trâu bò và cả đất đai ngoài đồng là người bạn đã gắn bó với họ từ đời cha đến đời con. Tấc đất tấc vàng. Đó là câu nói truyền kiếp từ đời này qua đời khác để nhắc nhở con cháu phải biết quý trọng đất đai, vườn tược, ao chuôm của mình. Vậy vì sao bây giờ người ta không còn gắn bó với ruộng đồng, không còn thiết tha với việc sản xuất nông nghiệp? Phải có nguyên nhân của nó chứ. Tôi thấy cách nói của các đồng chí vừa rồi chẳng khác gì cả vú lấp miệng em. Cái gì cũng cho mình là đúng cả.
- Chúng tôi không khi nào cho mình là đúng tất, còn nông dân là sai – Giọng ông Ẩn đã có phần dịu lại – Nhưng trong từng sự việc cụ thể, phải bình tĩnh xem xét cái gì sai cái gì đúng. Việc làm của các đồng chí lãnh đạo huyện Vĩnh Hòa cũng như xã Hồng Vân phải khẳng định là sai. Chúng tôi biết Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay có một số nhược điểm. Nhưng không thể khắc phục nhược điểm bằng con đường trở lại với lối làm ăn riêng lẻ.
- Vì sao các đồng chí cố chấp như vậy? Có ai làm ăn riêng lẻ đâu mà các đồng chí cứ xoáy đi xoáy lại là Hồng Vân để cho nông dân làm ăn riêng lẻ. Vậy cứ để cho ao chuôm bèo hoang mọc, hơn ba tháng trời giao thời giữa vụ mùa và vụ chiêm đất để không, Hợp tác xã không có nghề phụ nên trong hơn ba tháng trời ấy chỉ ngồi ngáp vặt với cái bụng đói meo mới là làm ăn tập thể Xã hội Chủ nghĩa hay sao?
Bao vặn lại:
- Ao chuôm bỏ hoang là do ban lãnh đạo Hợp tác xã thiếu trách nhiệm trong việc quản lí tài sản Xã hội Chủ nghĩa chứ không thể đổ cho cơ chế của Hợp tác xã.
Bà Thường nổi cáu:
- Đồng chí xuống đây mà quản lí mấy trăm cái ao nằm rải rác khắp trong xã Hồng Vân xem có được không mà phê phán lãnh đạo Hợp tác xã Hồng Vân thiếu trách nhiệm. Tôi nói các đồng chí đừng giận. Các đồng chí ăn trắng mặc trơn, mỗi bước đi các đồng chí đều lên xe xuống ngựa nên các đồng chí quên nông dân rồi.
Ông Ẩn cười:
- Đồng chí nói quá lời. Tất cả những việc chúng tôi đang làm là vì cuộc sống của nông dân. Chúng tôi muốn nông dân có một cuộc sống khác chứ không muốn để nông dân tiếp tục cuộc sống con trâu đi trước cái cày đi sau mãi được.
- Đến khi nào thì các anh cho nông dân một cuộc sống khác để tôi bảo với họ cố ôm cái bụng đói mà chờ?
- Không lẽ đồng chí không biết chúng ta đang trong thời kỳ quá độ từng bước vững chắc đi lên Chủ nghĩa Xã hội hay sao mà đưa ra câu hỏi ấy. Muốn có cuộc sống tươi đẹp phải có thời kỳ thai nghén, giống như người phụ nữ phải thai nghén đủ chín tháng mười ngày, chứ đẻ ngay làm sao được – Bao nói giọng hùng hồn.
Bà Thường:
- Sản phụ không có gì ăn thì đẻ quái thế nào được.
Cả cuộc họp cười rộ lên. Bao tự ái, mặt đỏ bừng. Bà Thường nói tiếp:
- Tôi nghĩ đồng chí Kim nói đúng. Chúng ta đưa ra khẩu hiệu Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ. Nhưng tình hình hiện nay xã viên không còn coi Hợp tác xã là nhà, xã viên cũng chẳng có quyền làm chủ. Về thực chất, quyền làm người bị xâm phạm nghiêm trọng. Suy nghĩ của xã viên không được tôn trọng. Ai nói khác với tiếng nói của lãnh đạo thì bị quy chụp là mất quan điểm lập trường. Dùng mấy tiếng quan điểm lập trường như một thứ vũ khí để đàn áp tư tưởng của quần chúng. Đáng ra các đồng chí xuống đây là phải ngồi chịu khó lắng nghe lãnh đạo Vĩnh Hòa và xã Hồng Vân nói gì. Xuống gặp từng người xã viên để hỏi xem lãnh đạo huyện Vĩnh Hòa và xã Hồng Vân làm như vậy đúng hay sai rồi hẵng về phê phán lãnh đạo Vĩnh Hòa. Các anh quên câu nói cách mạng là sự nghiệp của quần chúng rồi hay sao?
Ông Ẩn vẫn giữ được giọng bình tĩnh của mình:
- Những điều chị nói đều đúng. Hợp tác xã đang làm ăn ngày một sa sút. Quyền làm chủ của quần chúng bị xâm phạm nghiêm trọng. Trình độ quản lí của cán bộ Hợp tác xã non yếu. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của Hợp tác xã quy mô. Do đó phải từng bước nâng cao trình độ quản lí, rút kinh nghiệm để giải quyết đúng những vấn đề được đặt ra trong công tác quản lí Hợp tác xã. Không vì gặp khó khăn phức tạp hoặc bước đầu làm chưa tốt mà tự tiện thay đổi những điều lệ quy định của Hợp tác xã. Ta tạm thời dừng buổi làm việc hôm nay tại đây để dành thời gian cho chúng tôi đi xuống tiếp xúc với bà con xã viên ở Hồng Vân để tìm hiểu thêm nguyện vọng của bà con. Nhưng muốn hay không, các đồng chí trong thường vụ huyện ủy Vĩnh Hòa và đảng ủy xã Hồng Vân phải nghiêm khắc kiểm điểm những việc làm của mình. Sau khi các hộ gia đình thu hoạch cá xong phải trả ao chuôm lại cho tập thể quản lí và có kế hoạch khai thác. Việc chia đất cho nông dân làm xen canh phải được chấm dứt. Nếu muốn làm vụ xen canh thì Hợp tác xã đứng ra làm chứ không được chia đất cho xã viên tự làm rồi nộp các khoản chi phí cho Hợp tác xã.
Bà Thường vặn lại:
- Nếu chúng tôi cho rằng việc làm của các đồng chí ở huyện ủy Vĩnh Hòa và Hồng Vân không sai thì sao?
Ông Ẩn nói dứt khoát:
- Nếu các đồng chí thấy những việc làm đó không sai thì các đồng chí cứ viết báo cáo gửi cho Ban bí thư Trung ương Đảng.
4
Xe của ông Kim chạy thẳng vào ủy ban tỉnh. Đến phòng làm việc của ông Quốc thấy vắng vẻ, ông hỏi người ở phòng bên cạnh:
- Ông Quốc đi đâu?
- Dạ, bác Quốc đi xuống các khu vực bị đánh phá sáng nay rồi ạ.
Ông Kim vội vã đi ra xe bảo Hành:
- Xuống các trận địa bảo vệ cầu Gia Liễn.
- Kiếm cái gì ăn cho ấm bụng rồi đi bí thư ạ. Em thấy đói quá.
- Cậu có cầm theo tem phiếu trong túi không?
- Em bao giờ cũng phòng thân chứ không như anh đâu.
- Vậy cậu ghé vào cửa hàng nào đó mua hai cái bánh mì, ta vừa đi vừa ăn.
- Trên đường đi ở cuối phố Trưng Trắc có cửa hàng mậu dịch ăn uống. Có khi ghé vào đấy làm bát mì không người lái cho ấm bụng chứ ăn bánh mì nóng ruột lắm anh ạ.
- Mì không người lái có phải nộp tem phiếu không?
- Anh cứ như người từ trên trời rơi xuống. Cái gì dính dáng đến lương thực mà không phải cắt tem phiếu.
Ông Kim cười:
- Tớ tưởng mì đong sổ gạo mới tính vào tiêu chuẩn lương thực chứ mì đã cán thành sợi nấu bán cho mọi người sao cũng phải tính tem phiếu?
- Chuyện ấy thì em chịu. Lát nữa xuống đơn vị cao xạ pháo trước hay xuống Đạo Thắng trước ạ?
- Xuống đơn vị trước và xem cầu cống bị đánh sập kiểu nào. Ông Quốc chắc đã điều Trưởng ty giao thông cùng đi xuống đó rồi. Ở Đạo Thắng có cô Chi ở đó chắc đã giải quyết chuyện thương binh liệt sĩ đâu vào đó rồi.
Ông Quốc và Thông, đại đội trưởng cao xạ đón ông Kim tại trận địa. Ông Kim hỏi:
- Tình hình thiệt hại sau trận đánh thế nào?
- Báo cáo bí thư, có hai đồng chí hy sinh. Sáu đồng chí bị thương và một khẩu 37 li bị hỏng nhẹ – Thông báo cáo với ông Kim.
- Giải quyết thương binh liệt sĩ đến đâu rồi?
- Những đồng chí bị thương nặng đã cho xe kéo pháo đưa lên bệnh viện của quân khu ngay. Còn liệt sĩ thì ban chính sách của tỉnh đội đang chờ xin chỉ thị của quân khu.
- Vẫn để anh em nằm ở trận địa? Thế nhỡ máy bay địch quay lại đánh phá tiếp thì sao? Trưởng ban chính sách đâu rồi ông Quốc?
- Các cậu ở tỉnh đội đi qua Đạo Thắng rồi.
- Bên tỉnh đội anh nào xuống?
- Tay Minh đi họp ở quân khu, chỉ có tay Lộc, tỉnh đội trưởng và các cậu ở Ban chính sách.
Ông Kim đi đến chỗ hai liệt sĩ được đặt nằm ngay ngắn ở trong một cái lán. Ông ngồi xuống vuốt tóc từng người. Chúng nó chắc chỉ bằng tuổi của thằng Tuyên con ông. Nếu người nằm trước mặt ông là thằng Tuyên thì sao nhỉ. Chắc ông cũng đau đớn trước nỗi mất con như bố mẹ của hai liệt sĩ này. Nỗi khắc nghiệt nhất của chiến tranh có lẽ là chết chóc. Đó là sự mất mát không gì bù đắp được. Ông Kim đưa tay vuốt tóc của hai liệt sĩ lần nữa rồi ngẩng lên nói với ông Quốc:
- Lấy xe kéo pháo đưa anh em về để ở hội trường ủy ban tỉnh cho đàng hoàng ông ạ.
- Tôi cũng định thế. Chờ cậu Lộc qua Đạo Thắng trở lại sẽ cho đưa anh em về hội trường ủy ban, đồng thời cho xe đi đón gia đình của anh em lên.
Ông Kim quay sang hỏi Thông:
- Hai cậu này người huyện nào?
- Một đồng chí ở Thạch Sơn, một đồng chí ở Yên Lộc ạ.
Đi đến một khẩu đội, thấy một chiến sĩ băng ở trên đầu vẫn ngồi trên mâm pháo, ông Kim cười hỏi:
- Mảnh bom Mỹ đã hỏi thăm vẫn không sợ hay sao mà ngồi chờ đánh nhau tiếp đấy đồng chí?
- Cháu phải trả thù cho cậu Khương và cậu Cận bác ạ.
Thông nói với cậu chiến sĩ:
- Bác chủ tịch tỉnh khi nãy đến thăm, tớ đã giới thiệu với các cậu rồi. Còn đây là bác bí thư tỉnh ủy.
Ông Kim hỏi:
- Cháu quê ở đâu?
- Cháu ở xã Cao Sơn, huyện Linh Sơn ạ.
- Cháu là con thứ mấy?
- Cháu là con cả ạ.
- Các cháu hôm nay chiến đấu dũng cảm lắm. Đã bắn một máy bay Mỹ rơi tại chỗ, bắt sống được phi công. Bác sẽ nói với bác chủ tịch thưởng cho các cháu.
Các chiến sĩ vỗ tay hoan hô. Ông Kim thấy lòng mình nhẹ nhõm phần nào.
- Cầu đường sắt bị bom sập có nặng lắm không? – Ông Kim hỏi ông Quốc.
- Gần như sập hoàn toàn – Ông Quốc trả lời.
- Gay nhỉ. Cậu Phóng trưởng ty giao thông có mặt ở hiện trường không?
- Cậu ấy đi xe với tôi đang cùng các đồng chí bên đường sắt bàn cách khôi phục lại cầu.
- Cầu đường bộ thì sao?
- Một quả bom rơi gần sát mố cầu khiến cầu hư hại nhẹ.
Thông nói:
- Từ khi chúng cháu nhận nhiệm vụ bảo vệ cầu đến nay, chưa khi nào địch tập trung nhiều máy bay đánh phá ác liệt đến như vậy. Hết tốp này lại đến tốp khác thay nhau ném bom và phóng rốc-két liên tục gần nửa tiếng đồng hồ liền.
Ông Kim nói:
- Tình hình mỗi ngày càng thêm ác liệt. Anh em động viên nhau chiến đấu cho tốt. Trước mắt, tỉnh sẽ thưởng cho đơn vị hai con lợn một tạ để anh em bồi dưỡng sức khỏe.
- Vâng. Bí thư hãy tin ở đơn vị chúng tôi.
Ông Kim quay sang nói với ông Quốc:
- Ông qua Đạo Thắng xem tình hình ra sao và động viên anh chị em dân quân bên đó. Tôi đi ra ngoài cầu xem sao. Nếu cần có khi phải xin lực lượng công binh của quân khu chi viện. Cậu Thông lo giải quyết việc đưa hai chiến sĩ hy sinh về hội trường ủy ban và dùng xe tỉnh đội đi đón gia đình của anh em lên nhé. Đợi tớ và ông Quốc về sẽ bàn việc lễ tang và chôn cất anh em ra sao. Nếu gia đình muốn đưa về quê thì cũng phải tạo điều kiện tốt nhất, tổ chức đưa về cho chu đáo.