Số lần đọc/download: 389 / 41
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Chương 12 - Những Chi Tiết Về Núi Non
N
hư các nhà du hành đã ghi nhận, hướng bay của đầu đạn sẽ đưa họ về phía Bắc bán cầu này của Mặt Trăng. Những nhà du hành sẽ đi xa cái điểm trung tâm mà đáng lý ra họ sẽ đến nếu lộ trình của họ không bị lệch đi không phương cứu chữa như vậy.
Lúc ấy là không giờ ba mươi phút. Barbicane ước lượng khoảng cách giữa họ và Mặt Trăng là một ngàn bốn trăm kilômét, khoảng cách lớn hơn bán kính của Mặt Trăng một chút và nó sẽ giảm dần khi đầu đạn tiến về cực Bắc. Lúc ấy đầu đạn không nằm bên trên đường xích đạo nhưng đang bay ngang đường vĩ tuyến số mười và từ đường vĩ tuyến này trở lên đến cực Bắc, Barbicane và hai người bạn đồng hành có thể căn cứ trên bản đồ một cách cẩn thận để quan sát Mặt Trăng trong những điều kiện tốt nhất.
Thật ra, với ống kính viễn vọng thì khoảng cách một ngàn bốn trăm kilômét này rút lại chỉ còn mười bốn kilômét, tức bốn dặm rưỡi. Kính thiên văn ở Núi Đá còn đưa Mặt Trăng đến gần hơn nhiều, nhưng bầu khí quyển làm giảm đi rất nhiều độ phóng đại của nó. Tuy nhiên đứng trong đầu đạn nhìn qua ống nhòm Barbicane có thể nhận ra những chi tiết mà những nhà quan sát trên Trái Đất không thể nào thấy được.
- Các bạn ạ – ông chủ tịch nói với một giọng nghiêm trang – tôi không biết chúng ta sẽ đi tới đâu, tôi không biết chúng ta có trở về được địa cầu không. Dù vậy, chúng ta hãy tiến hành công việc như thể những công trình này sẽ phục vụ nhân loại của chúng ta trong một ngày nào đó. Đừng bận tâm làm gì. Chúng ta là những nhà thiên văn học. Quả đạn này là một bộ phận của Đài quan sát Cambridge được phóng vào không gian. Chúng ta hãy quan sát đi nào.
Nói xong, công việc được tiến hành thật chính xác và ông ghi nhận tỉ mỉ địa hình Mặt Trăng ở những khoảng cách thay đổi của đầu đạn đối với thiên thể này!
Lúc ấy, quả đạn đang bay trên đường 10° vĩ Bắc và hình như nó bay theo đường 20° kinh Đông.
Ở đây cần lưu ý về tấm bản đồ đang dùng để quan sát. Trong những tấm bản đồ Mặt Trăng, vì theo ống kính toàn bộ vật thể bị đảo ngược nên hướng Nam ở trên và hướng Bắc ở dưới và dĩ nhiên hướng Đông sẽ ở bên trái và hướng Tây ở bên phải. Tuy nhiên điều đó không có gì quan trọng. Nếu tấm bản đồ được quay lại đúng như Mặt Trăng và ta vẫn nhìn thấy thì hướng Đông ở bên trái và hướng Tây ở bên phải, ngược lại với những bản đồ Trái Đất. Đấy chính là điều bất thường. Những nhà quan sát đứng ở Bắc bán cầu, ở Châu Âu, chẳng hạn, sẽ nhìn thấy Mặt Trăng ở hướng Nam so với họ. Và khi họ quay lưng về hướng Bắc thì vị trí ngược lại so với vị trí khi họ xem một tấm bản đồ Trái Đất. Vì họ quay lưng về hướng Bắc nên hướng Đông sẽ ở bên trái và hướng Tây sẽ ở bên phải. Đối với những nhà quan sát đứng ở Nam bán cầu. Ở Patagonie chẳng hạn, hướng Tây của Mặt Trăng ở bên phải, vì hướng Nam ở sau lưng họ.
Vì sự đảo ngược những phương hướng này nên cần phải chú ý khi theo dõi những quan sát của ông chủ tịch Barbicane. Với tấm bản đồ Mặt Trăng Mappa selenographica của Beer và Moedler, những nhà du hành có thể nhận ra phần Mặt Trăng nằm trong tầm của ống kính.
- Ông đang nhìn thấy gì thế? – Michel hỏi.
- Phần phía Bắc của Biển Mây – Barbicane đáp. – Chúng ta ở quá xa nên không thể xác định được bản chất của nó. Những đồng bằng này có cấu tạo bằng đất cát khô cằn như các nhà thiên văn trước đây nghĩ không? Hoặc chúng chỉ là những cánh rừng ngút ngàn như ý kiến của ông Waren de la Rue, người cho rằng Mặt Trăng có một bầu khí quyển rất thấp, nhưng rất dày, những điều đó chúng ta sẽ biết sau. Chúng ta đừng khẳng định việc gì cả trước khi có thể khẳng định được.
Biển Mây này hơi khó định ranh giới trên bản đồ. Người ta cho rằng vùng đồng bằng mênh mông này có những khối dung nham do những ngọn núi lửa bên cạnh như Ptolémée, Purbach, Arzachel của phần bên trái phun ra. Nhưng khi đầu đạn tiến đến gần thì những đỉnh núi bao quanh ranh giới phía Bắc của cái biển này hiện ra ngay. Một ngọn núi rực rỡ sừng sững trước mắt, đỉnh núi dường như chìm ngập trong ánh sáng Mặt Trời.
- Đó là…? – Michel ngập ngừng hỏi.
- Ngọn Copernic – Barbicane trả lời.
- Hãy nhìn ngọn Copernic kìa!
Ngọn núi này nằm ở 9° vĩ Bắc và 20° kinh Đông, cao hơn mặt đất ba ngàn bốn trăm ba mươi tám mét. Ở Trái Đất, người ta thấy nó rất rõ và những nhà thiên văn học có thể nghiên cứu kỹ về nó, nhất là trong khoảng thời gian giữa tuần trăng cuối và tuần trăng mới, bởi vì lúc đó bóng của nó trải dài từ Đông sang Tây nên có thể đo được chiều cao của nó.
Ngọn Copernic này là ngọn sáng nhất trên Mặt Trăng sau ngọn Tycho nằm ở Nam bán cầu. Nó đứng sừng sững lẻ loi như một ngọn hải đăng khổng lồ trên Biển Bão và toả sáng cả hai đại dương cùng một lượt. Đó là một quang cảnh không thể so sánh được với những tia sáng rực chói lúc trăng tròn và những tia sáng này vượt qua những dãy núi lân cận ở phía Bắc để rồi mất hút trong Biển Mưa. Vào lúc một giờ sáng của Trái Đất, đầu đạn bay ngang ngọn núi hùng vĩ ấy như một quả khí cầu bay trong không gian.
Barbicane có thể xác định được những vị trí chính. Copernic là một trong những ngọn núi miệng tròn cao nhất nằm trong những đai vòng lớn. Cũng như Képler và Aristarque, những ngọn núi cao nằm ở Biển Bão, đôi khi ngọn Copernic hiện ra như một điểm sáng sau lớp ánh sáng màu xám và được xem như một ngọn núi lửa đang hoạt động. Nhưng đây chỉ là một ngọn núi lửa đã tắt, cũng như tất cả những ngọn núi khác trên bề mặt nguyệt cầu. Vùng hoạt động của nó có đường kính khoảng hai mươi hai dặm. Ống kính cho thấy những lớp dung nham chồng chất lên nhau sau những vụ bùng nổ liên tiếp, rải rác chung quanh có nhiều mảnh đá núi lửa, một vài mảnh còn nằm trong miệng núi lửa.
- Có nhiều loại đai vòng trên mặt nguyệt cầu – Barbicane nói – và ta dễ dàng nhận thấy rằng ngọn Copernic có hình nan quạt. Nếu chúng ta đến gần hơn, chúng ta sẽ thấy bên trong sẽ có những hình chóp nón khác, trước đó mỗi hình chóp nón là một miệng núi lửa. Điều rất lạ và đặc biệt trên Mặt Trăng là mặt đất bên trong những đai vòng này thấp hơn mặt đất phía bên ngoài, trái ngược với hình thể của những miệng núi lửa ở Trái Đất. Kết quả là độ cong của đáy những đai vòng này là độ cong của một hình cầu đường kính nhỏ hơn đường kính của Mặt Trăng.
- Tại sao lại có hình thể đặc biệt này? – Nicholl hỏi.
- Không sao biết được – Barbicane đáp.
- Thật là huy hoàng – Michel lặp lại – người ta khó có thể thấy một quang cảnh nào đẹp hơn!
- Anh sẽ nói sao, nếu tình cờ chúng ta lại được đưa đến phía Nam bán cầu này? – Barbicane hỏi.
- Lúc ấy tôi sẽ nói nó còn đẹp hơn thế này – Michel Ardan đáp.
Lúc bấy giờ đầu đạn bay ngang bên trên đai vòng. Vòng đai của ngọn Copernic là một hình tròn gần như đều đặn và những bờ thành dốc đứng của nó nổi bật lên. Người ta phân biệt rõ hai lần tường vây quanh. Chung quanh là một đồng bằng màu xám, hoang dã, trên đó nổi lên những địa hình màu vàng, ở đáy những đai vòng là hai, ba ngọn núi lửa lấp lánh như những viên ngọc nằm trong một hộp nữ trang, về hướng Bắc, những tường thành thấp dẫn xuống mở một lối vào bên trong miệng núi lửa.
Khi bay ngang bên trên đồng bằng lân cận, Barbicane có thể thấy rất nhiều ngọn núi thấp khác và giữa những ngọn núi đó có một ngọn núi nhỏ miệng tròn, tên là Gay Lussac, rộng hai mươi ba kilômét. Về phía Nam, đồng bằng có vẻ rất phẳng không nhấp nhô, gập ghềnh chút nào. Về phía Bắc, trái lại, chỗ tiếp giáp với Biển Bão, mặt đất giống như mặt nước dậy sóng vì một cơn bão, những đỉnh nhọn và những chỗ nối phồng lên trông giống những đợt sóng bất thình lình bị đông cứng lại. Nhìn toàn thể và từ mọi hướng những vệt sáng quy tụ lại ở đỉnh của ngọn Copernic. Có những vệt sáng bề ngang rộng ba mươi kilômét và bề dài không thể tính được.
Những nhà du hành thảo luận về nguồn gốc của những vệt sáng kỳ lạ này và không hơn gì những nhà quan sát ở dưới Trái Đất, họ không thể xác định được gì về bản chất của chúng.
- Nhưng tại sao những vệt sáng này không phải chỉ là những dãy núi nằm ngang phản chiếu ánh sáng Mặt Trời nhỉ? – Nicholl đưa ra giả thuyết.
- Không – Barbicane đáp – nếu như thế trong những điều kiện của Mặt Trăng hiện nay, ắt sẽ có những cái bóng của sườn núi chứ. Thế mà ở đó lại không có.
- Đúng là những vệt sáng này chỉ xuất hiện lúc Mặt Trời ở vị trí đối vị với Mặt Trăng và chúng biến mất khi những tia sáng chiếu nghiêng.
- Nhưng người ta có nghĩ đến việc giải thích những vệt sáng này không – Michel hỏi – vì tôi không thể nào tin được rằng những nhà bác học lại chịu thua không giải thích được?
- Có – Barbicane trả lời – Herschel có một ý kiến nhưng ông không dám quả quyết.
- Không sao. Ý kiến ấy như thế nào?
- Ông ta nghĩ rằng những vệt sáng này là những dòng dung nham đông cứng lại, chúng rực sáng lên khi Mặt Trời chiếu thẳng vào chúng. Có thể là như thế nhưng không có gì chắc chắn cả. May chăng khi bay ngang gần Tycho hơn, chúng ta sẽ có thể tìm ra được nguyên nhân của sự chói sáng này.
- Các bạn có biết đồng bằng này từ trên cao nhìn xuống giống cái gì không? – Michel lại nói tiếp.
- Không – Nicholl đáp.
- Những khối dung nham dài như những con suối thế này giống một trò chơi khổng lồ nhấc que vứt lộn xộn. Chỉ còn thiếu một cái móc để nhặt chúng lại từng cái một.
- Đứng đắn một chút nào! – Barbicane không hài lòng.
- Vâng thì đứng đắn – Michel yên lặng rồi lại tiếp tục nói – Thay cho những que nhấc chúng ta hãy đặt những cái xương, cả cánh đồng này lúc bấy giờ là một đống hài cốt khổng lồ của hàng ngàn thế hệ đã nằm chết ở đó. Ông thích lối so sánh này hơn chứ?
- Không cái nào hơn cái nào.
- Quỷ thần! Ông khó tính thế!
- Ông bạn ạ – ông Barbicane thực tiễn lại nói – không cần biết nó giống cái gì, hiện nay người ta không biết đó là cái gì.
- Hay đó – Michel reo lên – Tôi cũng đang lý luận với các nhà bác học chứ chơi đâu.
Trong khi đó, đầu đạn bay với một vận tốc gần như vận tốc đều ngang qua Mặt Trăng. Người ta dễ dàng tưởng tượng rằng những nhà du hành không nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi lấy một lúc. Mỗi phút trôi qua quang cảnh trước mắt họ sẽ trôi đi mất. Vào lúc một giờ rưỡi sáng, họ thoáng thấy đỉnh của một ngọn núi khác. Barbicane đối chiếu với bản đồ và nhận ra đó là ngọn Eratosthène.
Đó là một ngọn núi hình vòng tròn cao bốn ngàn năm trăm mét, một trong vô số đai vòng trên vệ tinh này. Nhân dịp Barbicane nhắc lại các bạn đồng hành nhớ đến ý kiến lạ lùng của Képler về việc hình thành những đai vòng. Theo nhà toán học nổi tiếng đó thì những lỗ có hình miệng núi lửa này do bàn tay con người tạo nên.
- Với ý định gì? – Nicholl hỏi.
- Với ý định rất tự nhiên! – Barbicane đáp – Người nguyệt cầu đã làm nên những công trình to lớn này, họ đã đào những cái lỗ to tướng ấy để trú, tránh những tia sáng Mặt Trời chiếu trên họ trong suốt mười lăm ngày liền.
- Những người nguyệt cầu này kể cũng không đến nỗi ngốc đấy chứ! – Michel nhận xét.
- Ý kiến lạ đấy! – Nicholl đáp – Nhưng chắc là Képler không biết được kích thước thật sự của những đai vòng này, bởi vì để đào những cái lỗ ấy phải là người khổng lồ mới làm được, còn người nguyệt cầu thì không tài nào làm được!
- Tại sao lại không làm được nếu trọng lực ở bề mặt nguyệt cầu nhỏ hơn ở Trái Đất tới sáu lần? – Michel hỏi.
- Nhưng nếu người nguyệt cầu nhỏ hơn sáu lần thì sao? – Nicholl vặn lại.
- Và nếu không có người nguyệt cầu thì sao? – Barbicane thêm vào.
Và thế là chấm dứt cuộc tranh luận.
Ngọn Eratosthène biến mất ngay sau đó ở chân trời, đầu đạn không đến đủ gần để có thể quan sát cặn kẽ được. Ngọn núi này nằm giữa dãy Apennins và dãy Karpathes.
Trong khoa nghiên cứu địa hình Mặt Trăng, người ta biết rằng phần lớn những dãy núi nằm ở Bắc bán cầu, chỉ có một số ít nằm ở Nam bán cầu.
Đây là danh sách những dãy núi từ Nam đến Bắc với vĩ độ và chiều cao của những đỉnh cao nhất của chúng:
Dãy Doerfel 84° vĩ Nam 7603 mét
Dãy Leibnitz 65° vĩ Nam 7600 mét
Dãy Rook 20° đến 30° vĩ Nam 1600 mét
Dãy Altaï 17° đến 28° vĩ Nam 4047 mét
Dãy Cordillères 10° đến 20° vĩ Nam 3898 mét
Dãy Pyrénées 8° đến 18° vĩ Nam 3631 mét
Dãy Oural 5° đến 13° vĩ Nam 838 mét
Dãy Alembert 4° đến 10° vĩ Nam 5847 mét
Dãy Hoemus 8° đến 21° vĩ Bắc 2021 mét
Dãy Karpathes 15° đến 19° vĩ Bắc 1939 mét
Dãy Apennins 14° đến 27° vĩ Bắc 5501 mét
Dãy Taurus 21° đến 28° vĩ Bắc 2746 mét
Dãy Riphées 25° đến 33° vĩ Bắc 4171 mét
Dãy Hercyniens 17° đến 33° vĩ Bắc 1170 mét
Dãy Caucase 32° đến 41° vĩ Bắc 5567 mét
Dãy Alpes 42° đến 49° vĩ Bắc 3617 mét
Trong số những dãy núi ấy, dãy Apennins quan trọng nhất, nó trải dài một trăm năm mươi dặm, độ lớn kém xa núi non của quả đất. Dãy Apennins chạy dài từ phía Đông của Biển Mưa và được nối tiếp ở phía Bắc bởi dãy Karpathes, dãy này dài khoảng một trăm dặm.
Những nhà du hành chỉ thoáng thấy được đỉnh của dãy Apennins nằm dài từ 10° kinh Tây đến 16° kinh Đông, nhưng dãy Karpathes nhìn thấy khá rõ từ 18° đến 30° kinh Đông nên họ có thể xác định được rõ ràng vị trí của dãy núi này.
Một giả thuyết được chứng minh vì trên dãy Karpathes rải rác có những hình tròn và những đỉnh núi nên họ kết luận rằng trước kia dãy núi này gồm những đai vòng lớn. Những vòng núi này một phần bị phá vỡ do Biển Mưa tràn vào. Về hình dạng dãy Karpathes lúc ấy giống những đai vòng Purbach, Arzachel và Ptolémée, nếu một tai biến xảy ra làm đổ bức tường bên trái của nó và biến chúng thành một dãy núi liên tục. Dãy Karpathes này cao trung bình ba ngàn hai trăm mét, chiều cao đó có thể so sánh với một vài ngọn núi của dãy Pyrénées, đèo Pinède chẳng hạn. Triền núi phía Đông dốc đứng dựng xuống Biển Mưa.
Vào lúc hai giờ sáng, Barbicane cho biết họ đang ở bên trên vĩ tuyến hai mươi của Mặt Trăng. Khi đến gần ngọn Pythias, cao một ngàn năm trăm năm mươi chín mét, đầu đạn chỉ cách Mặt Trăng không quá một ngàn hai trăm kilômét, nhìn qua ống kính nó chỉ còn cách hai dặm rưỡi.
Biển Mưa, Mare Imbrium, hiện ra trước mắt những nhà du hành như một vùng đất thấp, rộng mênh mông mà người ta mới chỉ biết rất ít về chi tiết địa hình ở đó. Ở bên trái là ngọn Lambert cao chừng một ngàn tám trăm mười ba mét, và xa hơn, giáp với Biển Bão, nằm ở 23° vĩ Bắc và 29° kinh Đông là ngọn núi hình nan quạt Euler chói sáng. Ngọn núi này chỉ cao hơn bề mặt của Mặt Trăng một ngàn tám trăm mười lăm mét, là đề tài của một công trình lý thú của nhà thiên văn Schroeter. Nhà bác học này trong khi tìm hiểu nguồn gốc của những ngọn núi ở trên Mặt Trăng đã tự hỏi phải chăng thể tích của miệng núi lửa luôn luôn gần bằng thể tích của những bờ thành chung quanh. Vì luôn luôn có tỷ lệ này nên Schroeter kết luận rằng chỉ cần một vụ nổ kế tiếp sẽ phá bỏ tỷ lệ này. Chỉ có ngọn Euler là phủ nhận định luật phổ quát này, để tạo nên ngọn núi này, phải có nhiều vụ nổ kế tiếp, bởi vì thể tích miệng của nó lớn gấp hai lần thể tích bờ thành chung quanh.
Đối với những nhà quan sát ở trên mặt đất, vì không có đủ phương tiện nghiên cứu, nên những giả thuyết này có thể chấp nhận được. Nhưng Barbicane không thoả mãn về những giả thuyết đó, khi thấy đầu đạn tiến đều đặn đến gần Mặt Trăng, ông không thất vọng khi không đến được đó, vì ít ra ông cũng biết được nhiều điều bí ẩn về sự hình thành của nó.