You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Doãn Quốc Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2671 / 62
Cập nhật: 2015-12-18 11:23:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Iii Giã Từ Chương I Người Anh Trở Về
Một buổi trưa oi nồng ăn xong ai nấy mồ hôi mồ kê ướt đẫm trở về giường nằm mong cố chợp mắt chút ít cho lại sức. Miên lẳng lặng trở xuống bếp lấy hai cặp ống bương đi gánh nước.
Ông Lợi, trưởng ban cấp dưỡng, một người đàn ông nhà quê đã trên bốn mươi tuổi, mắt kém, tính tình chất phác, thấy vậy bèn lên tiếng ngăn:
- Thôi cô Miên ạ, hãy nghỉ trưa một tí, nước thổi nấu bữa chiều cũng đã tạm đủ.
Miên đáp giọng vui:
- Nước ăn thì đủ, nhưng nước uống thì chưa có, ông Lợi có thấy đúng không?
- Đã đành rằng thế nhưng...
- Nhưng tôi đi gánh cho ông yên chí, nóng thế này cũng chẳng ngủ được.
Khi nàng vừa gánh ống bương ra tới ngõ, nàng bỗng đứng sững, tựa như có lùi lại chút xíu. Có thật vậy không? Chỉ thoáng thấy bóng người ấy, cảm giác nóng bức bỗng nhường cho cảm giác dịu mát, thứ dịu mát mênh mông khiến Miên thấy như chính nàng được hòa biến vào trong đó. Người đứng trước cửa là Hiển! là Hiển! Quả thực là một giấc mơ, nàng không sao thốt lên được một tiếng kêu vui.
Hiển cười thoạt buồn rầu chắc vì thấy nàng gầy và xanh rớt, nhưng rồi nụ cười tươi ngay lên. Miên sung sướng quá, anh nàng vẫn còn ở bên này của cuộc sống tình cảm, vẫn còn là... người.
Hiển nói, vẫn giọng nói ấm cúng và âu yếm của anh nàng khi xưa:
- Anh đến xin phép cho cô về nghỉ ba ngày.
Miên hỏi:
- Anh còn nghỉ nhà ba ngày?
Hiển mỉm cười:
- Ừ, ba ngày.
Miên theo anh tiến vào nói tiếp:
- Bà Quản bị cô lập anh biết chưa?
Hiển đáp nhanh:
- Anh chưa biết vì anh đã về làng đâu.
- Thế còn "ba lô" của anh?
- "Ba lô" của anh đã có một anh bạn ngồi ở đầu đường kia giữ hộ.
- Còn một anh bạn nữa hở anh?
Hiển không trả lời câu hỏi ríu rít đó vì đã đến bàn giấy cơ quan quân y. Anh cán bộ phụ trách còn nhớ Hiển là anh Miên. Việc xin phép cho Miên nghỉ ba ngày không có gì trở ngại, ai cũng biết Miên đã tận lực làm việc.
Khi ra ngoài sân Hiển bảo Miên:
- Cô gói hết quần áo về vì còn ở nhà ba ngày.
Miên ngoan ngoãn vâng lời. Năm phút sau nàng đã theo anh ra cổng, mắt sáng và đen láy, khuôn mặt vẫn gầy nhưng màu da tựa như có hồng hào lên nhiều.
- Ấy chết! - Miên kêu khẽ.
Hiển dừng vội lại:
- Gì thế, cô?
Miên cười chỉ hai cặp ống bương lăn lóc bên tường:
- Em vừa định ra suối gánh nước thì gặp anh, để em mang vào trả ông Lợi.
- Thôi, đi cho nhanh cô ạ.
- Không được, thế không tiện.
Miên cúi nhặt hai cặp ống bương vội vã tiến về phía nhà bếp. Khi nàng trở lại Hiển vừa rảo bước vừa nói khẽ:
- Phải tạt về thăm bà Quản cái đã.
Miên hỏi lại:
- Ô hay, chẳng về đấy thì đi đâu hở anh?
Hiển đã tới quãng quẹo đầu đường. Một người ngồi đấy đợi. Miên không chú ý tới người đó vì còn mãi nghĩ đến câu nói vừa rồi của anh.
Từ cơ quan quân y về làng Hạc Thủy đi thong thả mất một giờ đường, nhưng theo nhịp bước của Hiển như thế này chỉ mất nửa giờ hay hơn một chút. Miên bám sát lấy anh, "người kia" đi sau cùng. Dọc đường Hiển có hỏi Miên vài câu về bà Quản rồi lại suy nghĩ.
Khi qua làng Thạch Trục "người kia" cất giọng nói với Hiển:
- Hiển này, ngày xưa tôi học Luật ở đây.
- Trường Luật đóng ở đây à? - Hiển hỏi trong khi Miên đưa mắt quan sát "anh chàng".
- Phải trường Luật trước đóng ở đây - "anh chàng" đáp.
Miên muốn quan sát "anh chàng" thế vì chợt nhớ đêm nào khi trở về cơ quan, nàng đi vào bóng thông dưới trăng và tiếng một sinh viên phê bình khẽ: "Nàng tiên đi dước trăng". Thoáng một chút suy nghĩ, Miên tung lời tìm hiểu với "anh chàng":
- Ngày xưa tôi có chị bạn quen đi qua đây và có một anh gọi đùa là "nàng tiên đi dưới trăng".
- Ấy chính tôi! - "anh chàng" nói như cướp lời. Miên dấu nụ cười đắc ý. Cả ba lại im lặng miết mải bước. Hiển luôn luôn dẫn đầu.
II
Tới Hạc Thủy, rồi tới cổng nhà bà Quản có hai người du kích đứng canh. Hiển và Miên tiến lại.
Theo nguyên tắc ai tới thăm địa chủ thì lúc vào cũng như lúc ra đều bị khám. Sự thực cũng rất ít người dám đến thăm. Anh du kích xã biết Hiển thuộc cấp chỉ huy quân đội, lại thấy anh có anh chàng ngồi coi "ba lô" đằng xa, anh vội mở cửa ngay cho Hiển và Miên vào.
Bà Quản đã gần lòa hẳn. Bà gầy như chiếc que, lưng còng nữa. Bà ngồi thu hình vào một góc nhà nghe ngóng vì bà biết có bước chân người lạ tiến vào.
- Lạy bà ạ!
- Ấy chết tôi không dám, ai đấy?
- Con đây, con là Hiển.
- Và con là Miên nữa.
Bà Quản thoáng vẻ vui nhưng bà kiềm chế được ngay. Bà cất tiếng nói khẽ:
- Hiển, Miên các con đấy ư?
Hai tiếng "các con" thốt ra ở miệng bà khi ấy làm Miên se lòng, rõ ra là lời nói của người thèm được ban phát tình cảm và ao ước được nhận tình cảm.
Hiển nói rất ngắn và gọn:
- Chúng con biết là bà bị đem ra kiểm thảo trước để uy hiếp tinh thần cụ cử Hứa còn chôn dấu của cải. Trong một địa phương người ta chỉ cần trừng trị nặng một người thôi!
Bà Quản biết ý Hiển muốn nói người ra đấu trường sau này để lãnh án tử hình là cụ cử Hứa.
Hiển tiếp:
- Chúng con đến thăm bà, biếu bà lọ thuốc sốt rét có chừng hai chục viên ký ninh vàng và một số tiền nhỏ.
Hiển khẽ cúi xuốn lanh lẹ ấn những thứ đó xuống dưới chiếu chỗ bà Quản ngồi, trong khi Miên hỏi nhỏ:
- Thưa bà anh Tài con không về?
Bà Quản thở dài:
- Trông mong gì ở nó hở cô?
- Chị Nẵng, chị Nhơn ra sao? - Vẫn lời Miên hỏi.
- Chúng nó cũng đứt từng khúc ruột nhưng chẳng dám làm gì...
Hiển nói:
- Thôi chuyến này chúng con đi công tác hơi xa, chúng con đến chào bà. Bà yên lòng, rồi mọi việc ổn thỏa. Ngộ tết chúng con không về kịp, bà trông nom hai phần mộ giúp chúng con.
Miên không sao cất lời chào bà Quản được nữa vì nàng thấy bà Quản chợt gục đầu lên gối, hai vai gầy rung động.
Bà Quản khóc, trong thâm tâm bà vừa đau khổ vừa sung sướng, đau khổ vì hoàn cảnh của bà, sung sướng vì bà cảm thấy rõ trên đời không bao giờ thiếu những người tốt. Tấm lòng vàng như mạch nước mát rợi không biết tự đâu chảy đến thấm qua khe đá chảy mãi, chảy mãi không bao giờ ngừng không bao giờ hết.
Cuộc đến thăm chỉ lâu chừng ba phút. Dáng đi hiên ngang của Hiển làm hai người du kích xã không chút nghi ngờ gì cả và Miên đã hiểu anh sắp đưa mình đi đâu. Lần này đến chổ để ba lô, Miên có dịp chú ý nhiều hơn đến "anh chàng". Đó là một chàng thanh niên trạc tuổi Hiển, khuôn mặt đăm chiêu kín đáo như cố giữ không cho thoát lộ tình cảm, như luôn luôn đượm chút nghi kỵ. Nhưng khi anh chàng ngẩng lên nhìn thẳng về phía Miên.... chạm phải đôi mắt ấy Miên có cảm giác rờn rợn, vừa lạ lùng vừa êm ái. Miên lại đi sát bên Hiển, để mặc anh chàng đi sau cùng.
- Cô hiểu rồi chứ? - Hiển hỏi.
- Em hiểu - Miên đáp - Thực em không ngờ, em sung sướng quá!
Ra tới đầu làng Hạc Thủy, cùng trên đường đi, Hiển dẫn đầu rẽ sang bên phải theo đường bạc ruộng khu thung lũng đi lên dần tới mộ cha mẹ.
Không khí xung quanh vắng lặng, hoang vu, Hiển cúi xuống dùng hai tay lực lưỡng nhổ cây mua hao tím trên mộ mẹ. Miên chạy tới thửa ruộng mới cấy gần đấy, lễ mễ khiêng lại tảng đất lớn đắp lên khoảng hoắm của cây mua vừa bị nhổ bật rễ.
Hiển nói:
- Cũng may anh em mình đã cho xây gạch quanh một từ mấy năm trước.
Rồi Hiển rút trong ba lô ra thẻ hương và bao diêm. Rõ ràng chàng đã có ý sửa soạn từ trước.
Khói hương bốc lên mỏng mảnh và âm thầm.
Ba người tiếp tục theo đường lên núi, Miên còn ngoái cổ ngắm lại làn khói hương trên mộ cha mẹ một lần nữa như để vĩnh viễn chụp lấy vào tâm tưởng mình. Lát sau cả ba đã tới đỉnh, đúng khoảng trước đây Miên thường leo lên để ngắm vạn vật xuất hiện dưới tia nắng đầu tiên của vừng đông hay dưới ánh nắng hấp hối của chiều tà.
Thốt nhiên Miên quay phắt lại:
- Hãy dừng lại anh, cho em nghỉ một chút thôi, đi một mạch lên đỉnh núi em mệt!
Sự thực Miên không mệt. Nàng nhìn thẳng về phía núi xa, nơi trước đây có khoảng lay động màu xanh cẩm thạch. Màu xanh cẩm thạch không còn, nhưng vẻ dạt dào uyển chuyển vẫn như xưa.
Miên hỏi Hiển:
- Sao màu xanh cẩm thạch của khu rừng lau trên núi Sáng nay lại thấp thoáng chuyển sang màu tím hoa cà hở anh?
Tuy còn giữ nguyên vẻ vội vã, Hiển cũng đứng lại để thở, nhìn về phía khu rừng lau và suy nghĩ về câu hỏi của Miên.
- Bây giờ đương mùa hoa lau cô ạ - "anh chàng" vừa ngồi xuống vừa nhìn thẳng về khu rừng lau vừa trả lời = hoa lau màu tím phớt, đúng như thế kia đó.
Rồi anh chàng quay lại, không nhìn Miên ( Miên cũng không muốn anh ta nhìn mình, nàng sợ!) nhưng nhìn ngón tay út của nàng, ngón tay có đeo chiếc nhẫn saphir màu đỏ. Anh chàng hơi nghiêng đầu chú ý ngắm, thành thử trông anh bỗng ngộ nghĩnh như con chim khuyên sắp mổ hạt thóc. Khi anh nhìn về phía cũ - phía khu rừng lau xa - đôi mắt anh chăm chú, đôi lông mày hơi nhíu, răng bậm lấy môi dưới suy nghĩ, vẻ mặt dịu hẳn xuống. Miên yên lòng kín đáo theo dõi. Sự khám phá ra "thủ phạm" lời nói đùa "nàng tiên đi dưới trăng" cộng thêm sự hiểu biết về hoa lau của chính kẻ đó càng khiến Miên muốn tò mò quan sát anh chàng kỹ hơn. Kỳ dị thay Miên nhận thấy đặc biệt khuôn mặt trái soan của anh chàng có ánh vẻ lãng mạn của màu tím hoa lau. Anh chàng bỗng cất tiếng ngâm hai câu lục bát, lúc đó anh như chẳng thèm biết có ai quanh mình, nội dung hai câu thơ ngẫu hứng đó có nhắc đến màu tím hoa lau:
Tình ta thức trắng tinh cầu
Hồn ta tím ngát một màu hoa lau.
Giọng ngâm đắm đuối của anh tỏa ra man mác cùng gió và nắng, giọng ngâm như biến thành mũi tên êm ái, tim Miên bị thương trong vắng lặng. Tiếng ngâm dứt, âm thanh còn vang vang, anh chàng bỗng quay sang trao đổi một vài ý kiến với Hiển. Miên biết thêm tên anh chàng là Kha. Khi trao đổi ý kiến, đôi mắt anh chàng hoặc chiếu thẳng vào người đối thoại hoặc chiếu thẳng vào khoảng không nhưng bao giờ cũng man mác sinh lực, đượm tính chất siêu hình, khoáy sâu vào bản thể sự vật vào hồn người. Khi phát biểu xong ý kiến đôi môi anh thường mím lại nhưng hơi rung động như cánh bướm còn đập nhẹ khi vừa đậu vững trên hoa, vì vậy lời nói của anh tuy có vẻ cương quyết nhưng vẫn đượm chút duyên tinh nghịch. Miên nhắm mắt ôn lại trong trí lời ngâm của anh chàng đồng thời nàng cũng thấy xuất hiện khuôn mặt trái soan ấy, lời nói đôi môi hơi rung động ấy, cái nhìn man mác sinh lực siêu hình ấy... tất cả tổng hợp lại toát ra một sức mạnh man rợ. Sức mạnh man rợ đó thuộc tinh thần thuần túy nên có làm điên đảo đối phương - (Miên quên rằng đối phương đấy chính là nàng) - nhưng là thứ điên đảo gây kỳ thú, chứ chẳng hề gây lo âu, dằn vặt.
- Xuống núi thôi! - Hiển nói qua tiếng thở phào làm Miên giật mình, mở choàng mắt ngẩng lên bất chợt anh chàng đang chăm chú nhìn chiếc nhẫn saphir ở ngón út của nàng, dường như chiếc nhẫn saphir có gợi lên trong tâm tưởng anh một kỷ niệm, một thắc mắc nào. Miên không hiểu anh chàng ngắm nhẫn saphir (và cũng là ngắm nàng vào lúc nhắm mắt) như thế đã bao lâu.
Miên sực nhớ ra điều gì, nang hỏi:
- Anh Kha có quen anh bạn nào tên là Tân không nhỉ?
Đôi mắt Kha chiếu thẳng vào đôi mắt nàng suy nghĩ một giây rồi gật đầu lia lịa:
- Có, có, tôi gặp Tân ở đồn điền Lợi ký và chia tay ở bờ sông Hồng!
- Thôi đúng là anh Tân ấy rồi - Miên thốt, không dấu được vẽ vui mừng - tôi gặp anh Tân ở một đơn vị hậu cần quân y cách đây ngót hai năm...
- Phải, Tân học quân y - Kha nói - dạo đó Tân rủ tôi học Thuốc mà.
Miên mỉm cười, nàng còn nhớ lời Tân kể chính Kha rủ Tân học thuốc rồi bỏ rơi câu chuyện đi biệt tích phương nào. Nàng hỏi giọng tính nghịch:
- Anh Tân rủ anh hay chính anh rủ anh Tân?
Đáp câu hỏi nhiễm vẻ riễu cợt của Miên, Kha đáp lại thực thà:
- Tôi không nhớ rõ tôi rủ Tân hay Tân rủ tôi nữa.
Nhưng Miên không chú ý đến lời Kha đáp, nàng cúi nhìn chính bàn tay của nàng đương vân vê một lá cỏ, nàng nhớ lại câu người xưa thường nói "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Nàng bỗng thấy cuộc đời đáng sống và rất dễ thở, hầu như càng chịu nhiều đau khổ hạnh phúc càng trong sáng, trong sáng đến thành muốn yêu... đau khổ!
- Đi ngay thôi chứ cô Miên? - Chính Kha nhắc nàng.
- Vâng đi! Miên vừa đứng dậy vừa đáp.
Kha né mình nhường lối cho nàng đi và chàng vẫn đi sau cùng.
Ba Sinh Hương Lửa Ba Sinh Hương Lửa - Doãn Quốc Sỹ Ba Sinh Hương Lửa