Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả: Luigi Pirandello
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Quỳnh Dung
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2020-11-02 22:25:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ON RÙA
Thật là lạ, nhưng ngay đến ở Mỹ cũng có những người tin rằng loài rùa đem lại may mắn. Tuy nhiên có thể nói một cách hoàn toàn quả quyết rằng, bản thân những con rùa không hề ngờ rằng chúng lại mang đến cho ai hạnh phúc.
Ông Miscâu có một người bạn hoàn toàn tin chuyện ấy. Ông bạn này chuyên đầu cơ chứng khoán. Và buổi sáng, trước khi ra sở chứng khoán, ông đều đặt con rùa của ông trước một cái thang nhỏ. Nếu con rùa cố leo lên thang, ông tin tưởng chắc chắn rằng, những tờ chứng khoán mà ông định kiếm chác hôm nay sẽ tăng giá. Nếu con rùa rụt cổ lại, thu chân vào dưới cái mai thì những tờ chứng khoán sẽ giữ nguyên giá. Nếu con rùa quay đầu đi chỗ khác, giá chứng khoán chắc chắn sẽ hạ. không bao giờ sai.
Một lần, sau khi khoe với ông Miscâu như vậy, ông ta rẽ vào cửa hàng bán động vật, mua một con rùa, ấn vào tay bạn:
- Bạn cứ thử sẽ thấy ngay.
Miscâu là người rất nhạy cảm. Trên đường về nhà (khốn khổ!), con người tròn xoe và năng động kia run lên, có thể là do thích thú, nhưng cũng có thể do ông hơi ngài ngại ghê ghê. Ông hoàn toàn không để ý đến những người đi ngược chiều ngạc nhiên ngoái đầu lại nhìn con rùa trên tay ông. Ông run rẩy khi nghĩ nghĩ rằng, con vật trông giống như hòn đá bất động và lạnh lẽo kia lại hoàn toàn không phải hòn đá. Dưới cái vẻ ngoài ấy, là một con vật bí hiểm, bất cứ lúc nào cũng có thể, thò bốn cái chân sần sùi cong queo trên bàn tay ông và cả cái đầu nhăn nhúm giống như đầu của bà tu sĩ già. Chúng ta hy vọng con rùa sẽ không làm cái trò ấy. Ông Miscâu rất có thể sẽ quẳng ngay con vật xuống đất và run bắn người lên.
Không thể bảo rằng cô Elen và cậu Giôn thích thú gì đặc biệt khi thấy bố đặt con rùa giống như một hòn đá lên tấm thảm trải ngoài phòng tiếp khách.
Thật khó mà tưởng tượng được hai cặp mắt của hai đứa con ông Miscâu lại có vẻ già nua đến như thế nếu đem so với cặp mắt của ông bố.
Hai đứa trẻ ném một cái nhìn cau có của hai cặp mắt mầu chì nhìn con rùa nằm bất động như một viên đá trên tấm thảm. Sau đấy chúng nhìn sang ông bố, tin tưởng tuyệt đối rằng ông không thể kiếm được một lời giải thích lọt tai về cái vật quái gở kia. Sau khi đặt con vật lên tấm thảm trải ngoài phòng khách, ngay đến ông Miscâu tội nghiệp cũng sa sầm mặt mũi, đưa hai bàn tay lên một cách tuyệt vọng, miệng nở một nụ cười lúng túng và tự an ủi rằng, nói cho cùng thì đây cũng chỉ là một con vật hoàn toàn vô hại, ít nhất cũng có thể nuôi để chơi.
Như để chứng tỏ rằng bao giờ ông cũng vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên, tinh nghịch, ông chống hai tay xuống thảm, thận trọng đẩy nhẹ con vật từ phía đuôi, bắt nó phải thò bốn bàn chân và cái đầu ra để bò. Khốn nỗi, lạy Chúa tôi, quả thật cũng đáng tốn công sức để tự thuyết phục mình rằng, cái ngôi nhà đẹp đẽ chỗ nào cũng toàn những kính và gương, ngôi nhà mà ông đem con vật kia về, mới vui vẻ làm sao. Bỗng nhiên cậu con trai Giôn của ông tìm được một cách, tuy không được tế nhị lắm nhưng hiệu nghiệm hơn, buộc con rùa phải từ bỏ tư thế hòn đá mà nó cứ khăng khăng giữ lấy cho đến giờ. Cậu dùng mũi giày hất ngửa con vật, và thế là nó đành ngoe nguẩy bốn chân, cố sức nghển cái đầu lên để quay lại tư thế tự nhiên quen thuộc của nó.
Nhìn thấy thế, cô Elen, cặp mắt vẫn không thay đổi, giữ nguyên vẻ già nua cũ, phá lên cười, tiếng cười giống như tiếng nghiến của cục sắt han gỉ trong bộ cần kéo nước ngoài giếng, lúc chiếc gầu bị buông cho rơi mạnh xuống.
Chuyện rùa đem lại may mắn không hề gây ấn tượng gì cho mấy đứa con, điều ấy cũng dễ thấy. Ngược lại, thái độ của chúng rõ ràng chứng tỏ rằng, chúng có thể chịu được sự có mặt của con rùa ở cái nhà này chỉ vì một lý do: chúng có thể tha hồ dùng mũi giày hất ngược hất xuôi coi như như hất một thứ đồ chơi tầm thường nhất. Nhưng thái độ ấy lại làm ông Miscâu hết sức khó chịu. Ông đưa mắt nhìn con rùa, lúc này đã trở về được tư thế tự nhiên và lại bắt đầu giữ nguyên dáng hình của một hòn đá như cũ. Ông nhìn vào mắt các con và đột nhiên khám phá ra sự giống nhau thầm kín giữa vẻ già nua trong những cặp mắt chúng với vẻ bất động vốn có của con vật nằm trên thảm. Ông hoảng sợ thấy sao mình đa cảm một cách thơ ngây đếm như vậy trong cái thế giới này, cái thế giới đang thú nhận là nó già nua, qua việc bộc lộ ra sự giống nhau kỳ lạ và bất ngờ giữa những sự vật và hiện tượng. Ông hoảng sợ nhận thấy rằng, mình đang chờ đón một điều gì đó không bao giờ xảy ra được, chờ đón mà không biết, bởi vì trên cái thế gian này, trẻ con lọt khỏi lòng mẹ đã già nua không khác gì con rùa kia.
Ông lại cố gượng một nụ cười bối rối, một nụ cười chưa bao giờ nhợt nhạt đến như thế. Và ông không đủ dũng cảm thú nhận nguyên nhân nào đã khiến người bạn tặng ông con rùa.
Ông Miscâu ít hiểu đời đến mức khó tưởng tượng nổi. Đối với ông, cuộc đời là thứ gì hết sức mờ ảo và những điều ai cũng biết không hề có ý nghĩa gì đối với ông. Với ông, rất có thể xảy ra hiện tượng như thế này: một buổi sáng đẹp trời nào đó, cởi hết áo quần ra để tắm, vừa thò một chân vào bồn nước, ông bỗng sửng sốt nhìn bóng mình hiện ra trên mặt nước, thì ra suốt bốn mươi năm ông không hề nhìn thấy dáng hình của ông! Đó là lần đầu tiên ông nhìn thấy bản thân mình. Thân thể con người, cầu Chúa tha tội, là thứ không thể phơi bày ra dưới hình dạng trần truồng, dù chỉ là trước mắt của bản thân người đó. Tốt nhất và lịch sự nhất là không nhìn thấy thân thể mình trần truồng bao giờ. Nhưng lúc này ông Miscâu phát hiện ra một điều cực kỳ quan trọng mà trước kia ông không hề nhận ra, đó là ông đã mang tấm thân loã lồ kia, tất nhiên được che đậy bằng đủ kiểu áo quần, đi lại trong cuộc đời suốt bốn mươi hai năm trời nay. Không! Không! Không hiểu tại đâu, không hiểu thế nào, nhưng không thể như thế này được. Biết đâu đấy, rất có thể, ông vẫn di chuyển từ vật thể này sang vật thể khác thì sao? Bởi vì từ thưở nhỏ đến giờ ông đã đụng chạm với bao nhiêu vật thể. Mà ngay thưở nhỏ, thân thể ông cũng hoàn toàn khác như hiện giờ. Mà quả thật ông thấy đau khổ, thậm chí có phần sợ hãi, thấy mình không giải thích nổi nguyên do gì khiến thân xác mình lại cứ phải thế này mà không thế khác? Tốt nhất là đừng nghĩ đến chuyện ấy. Bây giờ, trong lúc đang tắm, ông lại cố nở một nụ cười bối rối, quên bẵng mình đã ngồi thu lu trong bồn từ khá lâu rồi. Chà, tấm màn che cửa sổ bằng sa mỏng mới trong suốt làm sao! Nó tung bay nhẹ nhàng và duyên dáng quá. Làn gió nhẹ thổi vào khiến nó như bay lướt từ trên những ngọn cây ngoài vườn xuống. Ông đang dùng khăn lau khô tấm thân không lấy gì làm mỹ miều. Tuy vậy ông vẫn phải thừa nhận cuộc đời là đẹp. Ông hoàn toàn có thể hưởng thụ cuộc sống, cho dù phải nấp trong cái vỏ thân xác này, cái thân xác đã chấp nhận nổi sự gần gũi thân tình với một người đàn bà khó hiểu đến như bà Miscâu, vợ ông.
Lập gia đình đã chín năm rồi nhưng cho đến nay ông vẫn không tìm ra nguyên nhân nào khiến ông lại có thể làm chồng bà Miscâu. Cuộc hôn nhân thật không thể tưởng tượng nổi.
Chưa bao giờ ông dám di chuyển bất cứ theo hướng nào mà không cảm thấy rụt rè trong mỗi bước đi, tiến một bước lại hồ nghi có nên tiến thêm một bước nữa không? Cuối cùng ông thấy da thịt như kiến bò. Ông vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi, sao mình vẫn cứ nhích lên mặc dù đã chậm chạp và thận trọng như thế. Cần phải suy nghĩ thật kỹ xem như thế nghĩa là sao?
Và rồi, vào một ngày đẹp trời, mặc dù bản thân chưa tin ông vẫn thấy mình là chồng của bà Miscâu.
Bà ta, ngay cả bây giờ, sau khi cưới đã chín năm, vẫn là một pho tượng bằng sứ xinh đẹp, vẫn sống tách biệt, cô đơn và khép kín trong cái lớp men bọc ngoài, khiến người khác không sao hiểu nổi. Ông ngạc nhiên sao một phụ nữ như thế lại có thể gắn bó cuộc đời với một người bằng xương bằng thịt như ông. Nhưng chính vì thế mà không có gì lạ, khi cuộc hôn phối giữa hai người đã sinh ra những đứa trẻ cằn cỗi đến như vậy. Phải chăng nếu khi còn là bào thai, không phải sống trong bụng một con búp bê bằng sứ tráng men như vậy mà trong bụng của ông, mấy đứa trẻ ấy sẽ khác đi chăng? Nhưng người mang chúng trong bụng lại chính là bà Miscâu, mỗi đứa chín tháng! Thế rồi, ngay khi lọt lòng, những đứa con ấy đã tỏ ra cằn cỗi, như thể qua thời gian nằm trong bụng pho tượng bằng sứ kia, chúng đã già đi mất rồi, già đi trước khi ra khỏi bụng mẹ.
Trong suốt chín năm chung sống, điều dễ hiểu là ông luôn luôn trong tình trạng hoảng hốt, lỡ một câu nói vụng về hay một cử chỉ thiếu chín chắn có thể bị bà Miscâu kiếm cớ đòi ly hôn chăng? Ngày đầu tiên sau khi cưới là ngày khủng khiếp nhất đối với ông Miscâu. Ông hoàn toàn chưa tin bà Miscâu biết được rằng ông phải làm gì để trở thành người chồng thật sự. May thay bà Miscâu biết. Nhưng rồi bà không lần nào để lộ ra cho ông hiểu rằng bà còn nhớ cái đêm đầu tiên ấy. Bà luôn làm ra vẻ như bà không chủ động gì hết. Và mặc dù ông đã chiếm được thân thể bà, bà cũng chẳng nhớ lại chuyện ấy làm gì. Nhưng rồi đứa trẻ thứ nhất, con bé Elen ra đời. Sau đến đứa thứ hai là con trai, thằng Giôn. Nhưng họ cũng chẳng nói với nhau điều gì hết. Không hề báo gì cho chồng biết. Cả hai lần bà đều lặng lẽ tự đến nhà hộ sinh, rồi sau đấy tháng rưỡi bà về nhà. Lần đầu với đứa con gái sơ sinh và lần sau với đứa con trai. Cả hai đứa đều có bộ mặt già nua, không đứa nào thua đứa nào. Đành chịu vậy thôi. Cả hai lần bà đều dứt khoát cấm ông không được vào nhà hộ sinh. Cho nên cả hai lần ông đều không biết gì hết, không biết bà vợ có thai cũng như không chứng kiến lúc bà sinh con. Rốt cuộc trong nhà vẫn có thêm hai sinh vật, như thể hai con chó bà nhặt được ở đâu đem về. Thậm chí ông cũng không hoàn toàn chắc chắn rằng hai đứa trẻ ấy do bà đẻ ra và chúng là con ông.
Tuy nhiên có một điều ông Miscâu không hề hồ nghi, thậm chí còn tin tưởng chắc chắn, đó là sự xuất hiện của hai đứa trẻ chứng tỏ hai lần rằng, trong cuộc chung sống với ông, bà Miscâu đã hưởng một sự đền bù nào đó, về việc đã phải chịu nỗi đau đớn khi sinh hai đứa con.
Bởi vậy khi vợ ông đến thăm mẹ của bà ấy nghỉ ngoài khách sạn và đang sửa soạn trở về nước Anh, lúc quay về nhà, bắt gặp chồng đang chống hai tay xuống thảm, trước con rùa và dưới ánh mắt giễu cợt, lạnh lùng của hai đứa trẻ, bà không hề nói một lời, quay gót trở lại ngay khách sạn với mẹ, rồi một tiếng đồng hồ sau đấy, gửi đến cho ông một mảnh giấy với lời lẽ giống như kiểu tối hậu thư: Một là ông giữ con rùa ở nhà, hai là bà sẽ theo mẹ về nước Anh sau đấy ba ngày. Tất cả những tình hình ấy làm ông choáng váng.
Đến khi hoàn hồn, lấy lại được khả năng tư duy, ông hiểu ra ngay rằng, con rùa trong trường hợp này chỉ là cái cớ. Nhưng là cái cớ thô thiển, độc ác. Nhưng chính vì thế mà yêu sách của bà khó từ chối hơn cả so với việc giả sử bà đòi ông thay đổi hình dạng bên ngoài, chẳng hạn vứt cái mũi đi thay bằng cái mũi khác hợp với quan niệm thẩm mỹ của bà hơn.
Nhưng ông không muốn mất vợ. ông đáp lại rằng bà cứ yên tâm trở về nhà, còn con rùa thì ông sẽ tìm được cho nó một chỗ khác, thích hợp với nó hơn. Ông nhấc con rùa lên, bởi vì bạn ông bảo nó đem lại hạnh phúc, đem lại may mắn. Nhưng ông nghĩ, mình không trẻ trung gì nữa, lại có người vợ như bà Miscâu, thêm hai đứa con như thế kia thì ông còn cần tìm hạnh phúc làm gì nữa?
Thế là ông bước ra đường phố, con rùa lại nằm trên tay. Ông tính sẽ đặt con vật tội nghiệp ở một chỗ nào đó thích hợp với nó hơn là ở nhà ông. Trời đã bắt đầu tối. Ông ngạc nhiên, sao bây giờ mình mới nhận ra như thế. Mặc dù đã quen với quang cảnh của cái thành phố quái đản và to lớn này nhưng ông vẫn giữ được khả năng mỗi lần lại ngạc nhiên, kèm theo một cảm giác u buồn, bởi vì tất cả những công trình kiến trúc đồ sộ bền vững đang nhô lên từ bốn phía kia, thực ra chỉ là những trang trí nhất thời cho một đám hội rộng lớn với thứ ánh sáng sặc sỡ và bất động của hằng hà sa số những ngọn đèn đủ mầu sắc gợi ông một nỗi buồn man mác, nỗi buồn khi con người cứ đi mãi trong đó, giữa những vật thể di chuyển nhanh và yểu mạnh đến như vậy.
Bước chân trên đường phố, ông quên bẵng là mình đang ôm con rùa. Nhưng rồi đột nhiên ông nhớ ra và ông nghĩ, tốt nhất là thả nó ngay ở vườn hoa gần nhà, chẳng mất công đến tận cái cửa hàng bán động vật, nơi bạn ông đã mua nó, cửa hàng hình như ở phố số 49 thì phải.
Nhưng ông vẫn cứ đi, trong bụng tin chắc rằng vào giờ này cửa hàng kia chắc chắn đã đóng cửa. Nhưng nỗi u buồn và mệt mỏi như thể buộc ông phải đi đến tận nơi để nhìn thấy cánh cửa đã đóng chặt.
Bây giờ ông đã đến. Cửa hàng đóng cửa thật. Và ông hết nhìn lên cánh cửa lại nhìn con rùa trong cánh tay. Làm thế nào bây giờ? Một chiếc xe tắcxi chạy ngang qua, ông bước lên. Gặp chỗ nào thuận tiện ông sẽ bảo tài xế đỗ rồi ông bước ra để mặc con rùa nằm lại trong xe.
Đáng tiếc con vật lúc nào cũng thu mình lại trong cái vỏ cứng, chẳng có chút đầu óc tưởng tượng gì hết. Nếu không chắc chắn nó phải thấy thú vị: Một con rùa được ngồi xe ôtô dạo chơi khắp đường phố của Niu Yooc.
Không, không được. Ông Miscâu thấy hối hận. Làm như vậy độc ác quá. Ông bước ra khỏi xe. Quãng đường gần đến Đại lộ Pac Avơnny, nơi có những bồn hoa chạy liên tiếp ở giữa bao quanh là hàng rào thấp. Ông định đặt con rùa trong một bồn. Nhưng ông vừa đặt xuống đất thì bỗng từ trong bóng tối hiện ra hình dáng của người cảnh sát trông coi trật tự tại góc đường phố 50, dưới bót gác to tướng bên cạnh toà nhà Uônđooc Axtôri. Viên cảnh sát muốn biết ông Miscâu định đặt cái gì vào trong bụi cây. Một trái bom chăng? Mà không phải là bom. Ông Miscâu bèn mỉm cười giải thích cho viên cảnh sát biết rằng ông đâu có gan làm cái chuyện tày đình ấy. Chỉ là một con rùa. Nhưng viên cảnh sát ra lệnh ông phải đem con rùa đi khỏi đây ngay. Có lệnh cấm không được thả súc vật trong các bồn hoa. Nhưng khốn nỗi đây có phải súc vật đâu? Nó chỉ giống như một hòn đá, ông Miscâu cố gắng trình bày. Con rùa ở đây sẽ không ảnh hưởng gì hết. Với lại, gia đình ông không muốn giữ con vật này ở nhà. Nhưng đến giờ thì viên cảnh sát lại nghĩ ông khách này giễu cợt mình. Thế là anh ta chuyển sang giọng thô bỉ. Ông Miscâu vội vã nhấc con rùa ra khỏi khóm cây, lúc này nó vẫn bất động như hòn đá.
- Nghe bảo rùa đem lại hạnh phúc, - ông mỉm cười gượng gạo nói. - Hay ông cảnh sát muốn đem về nuôi không? Tôi xin biếu ông.
Viên cảnh sát giận dữ nhún vai và yêu cầu ông khách rời khỏi chỗ này ngay.
Con rùa lại nằm trên tay Miscâu và ông hoang mang đến cực độ. Lạy Chúa tôi, tại sao mình không đặt nó ngay giữa đường này, ông nghĩ bụng, ngay sau khi đi khuất khỏi tầm mắt của viên cảnh sát. Anh ta giở giọng thô bỉ với mình bởi vì anh ta không tin vào lời mình nói về hoàn cảnh gia đình. Đến đây đột nhiên ông Miscâu nảy ra một ý nghĩ. Tất nhiên chuyện con rùa chỉ là cái cớ vợ ông viện ra. Mất cớ này bà ta sẽ kiếm ra cớ khác. Nhưng bà ta khó tìm ra cái cớ nào vô lý và khó chấp nhận được bằng cái cớ này. Toà án cũng như tất cả mọi người đều sẽ chỉ nhìn rõ bà ta hơn. Tại sao ông không khai thác luôn cơ hội này nhỉ? Thế là rốt cuộc ông ôm con rùa về nhà.
Ông thấy bà đang ở ngoài phòng khách. Không nói một lời, ông cúi người, đặt con rùa vẫn bất động như một hòn đá, xuống thảm ngay trước mặt vợ. Bà Miscâu nhảy lên, bước về phòng riêng của bà rồi từ đó bước ra, đã đội mũ.
- Tôi sẽ kể với Toà rằng ông thích sống với rùa hơn với vợ.
Rồi bà bước ra khỏi nhà.
Như thể hiểu được lời của bà chủ, còn rùa đột nhiên ruỗi bốn chân ra khỏi cái mai, rồi đến đuôi và đầu. Cuối cùng nó vừa lắc lư như múa vừa bò quanh phòng khách.
Ông Miscâu không còn biết làm gì khác, ngoài việc lấy làm thích thú trước thái độ của con vật, mặc dù niềm thích thú của ông còn dè dặt. Ông khẽ vỗ tay, rồi mắt nhìn con rùa, ông thấy phải thừa nhận một điều, mặc dù chưa thật tin vào đấy hoàn toàn.
- Hạnh phúc đấy chứ còn gì nữa!
Anh Chồng Của Vợ Tôi Anh Chồng Của Vợ Tôi - Luigi Pirandello Anh Chồng Của Vợ Tôi