Số lần đọc/download: 266 / 35
Cập nhật: 2020-07-19 20:14:21 +0700
Chương 11 - Bí Mật Gác Trọ
C
hạy khỏi những con đường ngoằn ngoèo, chiếc xe hơi sơn đen gớm ghiếc lái vào một ngõ cụt, le lói vài ngọn đèn điện 5 "oát" ngái ngủ...
Đó là nơi Văn Bình thuê phòng. Chàng không nhớ tên đường, chỉ biết đó là một trong những hẻm tối cùa khu Wanchai, khu ái tình, mà du khách ghé đảo ban đêm không thể nào quên.
Phòng của chàng ở lầu hai. Tầng dưới là tiệm ăn từ rạng sáng đến quá nửa đêm thực khách ra vào tấp nập, điếc tai vì tiếng rao thức ăn và tiếng băm thịt phầm phập. Lên lầu chỉ có cầu thang gỗ duy nhất. Mỗi khi về khuya, khách trọ phải bấm mũi giầy mới khỏi trượt ngã trên vỏ chuối, và bãi đờm bẩn thỉu....
Alen mở cửa xe, nhìn đảo một vòng. Tiệm ăn đã đóng kín mít. Ngọn đèn treo trước nhà trọ lắc lư trước gió.
Hắn hất hàm hỏi Văn Bình:
- Ở đây?
Văn Bình gật đầu. Một miệng súng tì mạnh vào hông chàng. Chàng lặng lẽ nhảy xuống. Hai tên hộ pháp đi kè kè bên chàng. Chàng nghe rõ tiếng thép của khẩu tiểu liên đập lách cách vào khóa thắt lưng bằng đồng của gã bên trái. Vừa đi, Văn Bình vừa nghĩ kế thoát thân.
Chàng chỉ cần hoành tay là chẹt được cổ họng hai đứa, hoặc ít ra cũng tặng mỗi đứa một phát atémi làm chúng bất tỉnh.
Nhưng còn Alen?
Thọc tay vào túi quần, Alen thận trọng theo sau. Hắn đã nếm tài của chàng nên không còn dám lè phè như trước.
Đến cầu thang, Văn Bình dừng lại,nói với Alen:
- Tiền khách hậu chủ.
Alen bĩu môi:
- Không dám, tiền chủ hậu khách...
Văn Bình nhún vai trèo lên lầu. Bực thang cũ kỹ kêu ọp ẹp dưới sức mạnh của bốn người đàn ông lực lưỡng. Hết cầu thang đến một hành lang thăm thẳm, mỗi bên là một dãy phòng. Văn Bình nghe tiếng rì rầm. Giờ này, những cặp tình nhân đã bế môn tỏa cảng, và tắt hết đèn. Chàng phiêu dạt đã nhiều, song ít thấy nơi nào khách sạn và nhà ngủ lại đầy ứ đàn ông, đàn bà, không phải là vợ chồng như ở Hồng Kông.
Phòng chàng thuộc hạng sang, ở cuối hành lang. Bốn người bước qua một cánh cửa gỗ được khép hờ. Phía sau là bốn phòng ngủ đối diện nhau. Đặc điểm của loại phòng đắt tiền này là vách tường không làm bằng ván cây mà là bằng gạch, bên trong có đủ tiện nghi vệ sinh. Văn Bình thuê phòng lớn nhất, gồm hai gian ăn thông với nhau, gian ngoài là xa-lông, gian trong là phòng ngủ..
Văn Bình lúi húi mở khóa cửa.
Suýt nữa chàng thốt tiếng kêu ngạc nhiên. Khi chàng rời phòng, chàng đã khóa cẩn thận, và trước khi đi, chàng cũng không quên lay cửa xem đã khóa chặt chưa. Chàng còn nhớ miệng cười đĩ thóa của cô gái Tàu mặc sường sám mỏng dính uỡn ẹo bước qua, cố tình đụng bộ ngực vĩ đại vào vai chàng. Cô gái nói, giọng lẳng lơ:
- Cho em mượn chìa khóa một lát, 15 phút thôi.
Khi ấy chàng giả vờ lay cửa thêm lần nữa. Do đó, chàng biết chắc là cánh cửa đã được khóa chặt. Thế mà bây giờ nó lại mở hé.
Nét mặt Văn Bình vẫn không biến đổi, tuy trống ngực chàng đập nhanh. Trong phòng tắm chàng giấu cái điện đài tối tân, gói kỹ bằng giấy dầu. Như thường lệ chàng cất trong cái giật nước.
Cửa hé mở, tức là có người lạ lẻn vào lục lọi trong khi chàng đi vắng. Chàng hy vọng là trộm. Gian phi bẻ khóa cửa phòng trọ, nẫng trộm hành lý và tiền bạc của khách là chuyện xảy ra như cơm bữa trên đảo.
Tuy nhiên, nếu là nhân viên của Xi-lốp? Hay là...? Văn Bình phấn khởi hẳn. Chàng phải tìm cách chuyển bại thành thắng trước khi vào phòng. Vì phòng trọ chật chội, với ba tay súng giàn thành cánh cung để canh chừng, chàng khó thể vùng vẫy được.
Chàng sẽ không đánh điện cho ông Hoàng ngoài khơi. Bức điện của chàng sẽ giúp Fu-Chun phăng ra nơi tàu ngầm bỏ neo. Nhận được điện của chàng, ông Hoàng nằm dưới đáy biển phải phúc đáp, phải nhô tiềm vọng kính khỏi mặt nước.
Trong thế chiến, nhiều tai nạn tương tự đã xảy ra. Tiềm vọng kính nổi lên, lựu đạn đặc biệt được thả xuổng. Tàu ngầm phát nổ, thủy thủ bị chết đuối...
Chàng cần sống. Chàng phải sống để gặp Y-von. Chàng hăm hở xô cửa. Alen gạt phắt:
- Không được. Anh vào sau cùng.
Hắn ra lệnh cho một thuộc viên:
- Mày xem trong phòng có ai không.
Một tên hộ pháp xăm xăm tiến vào. Văn Bình nghe gót giầy đóng cá sắt của hắn gõ cồm cộp trên nền gác bằng gỗ.
Bớt được một đứa, lực lượng địch chỉ còn hai. Khẩu tiểu liên chĩa sát xương sống, chàng có thể cảm thấy hơi thép lành lạnh.
Alen chống nạnh trước mặt chàng, môi phì phèo điếu thuốc thơm cháy gần hết.
Kìa, Alen đưa tay lên miệng lấy mẩu thuốc còn lại. Thời cơ thuận tiện đã đến với Văn Bình. Nín thở, chàng vung hai tay.
Bàn tay phải của chàng đập giữa nòng súng tiểu liên của tên ở sau lưng. Mục đích của chàng là làm lệch đường bắn của địch. Đến khi hắn sửa lại nòng súng cho ngay ngắn thì chàng đã có đủ thời giờ phóng atémi.
Đồng thời bàn tay trái của chàng nhằm khẩu súng lục vắt vẻo trong tay Alen. Bị phản công bất ngờ, Alen lảo đảo, khẩu súng tuột khỏi hổ khẩu, rớt xuống sàn gác.
Văn Bình quay lại 90 độ. Gã hộ pháp chưa kịp lấy lại thế quân bình thì miếng đòn hí truyền của chàng đã từ trên cao bổ xuống.
Hắn vẹo sang bên, nhưng sống bàn tay của chàng đã phập xuống bả vai. Dầy công tập luyện cũng bị đứt lìa, phương chi hắn chỉ là tên khổng lồ bằng giấy.
Bắp thịt vai là nơi giấu hai yếu huyệt. Huyệt trên cổ bên phải là matsukazê, nằm ngay trên mạch máu dẫn lên óc. Huyệt bên cổ trái là murasamê. Bị đánh trúng hai huyệt này, nạn nhân sẽ bất tỉnh tức khắc, hoặc tắt thở không kịp trối.
Cây thịt nặng nề của gã hộ pháp gieo phịch vào cánh cửa. Cửa phòng mở toang. Chính vì cửa phòng mở toang nên hy vọng thoát hiểm của chàng tan ra mây khói.
Alen cúi xuống lượm súng. Văn Bình phóng chân vào tay hắn. Hắn ngồi thụp, túm chân chàng, giật mạnh. Alen đã dùng một thế nhu đạo tài tình hòng làm chàng mất thăng bằng. Song Alen không biết Văn Bình có tài giữ thăng bằng, nhờ giỏi cước pháp, nhất là môn song phi. Khi một chân bị địch kẹp chặt, chân kia sẽ rún cao, phóng ra ngọn cước cực kỳ lợi hại. A-len ngất ngư vì mũi giầy của Văn Bình đã quẹt trúng miệng hắn. Máu đỏ tuôn ra, Văn Bình toan bồi thêm đòn nữa thì nghe có tiếng súng nổ.
Chàng rạp xuống sàn gác. Kẻ bắn là tên hộ pháp được Alen sai kiểm soát trong phòng.
Hắn nghiến răng ra lệnh:
- Giỏi thật! Giơ tay lên, kẻo vỡ sọ.
Alen đã lồm cồm bò dậy. Nếu cánh cửa không bị đẩy ra, Văn Bình đã có thể hạ nốt Alen rồi biến vào bóng tối.
Alen trợn mắt, như sắp xé xác Văn Bình:
- Văn Bình? Sát nhân phải giả tử! Giết đàn em của tôi, anh phải chết!
Văn Bình cười nhạt:
- Ồ, có cái chuyện trẻ con ấy mà nhắc đi, nhắc lại mãi!
Gã hộ pháp ở bên trong quát vọng ra:
- Đừng kiêu ngạo rởm! Khẩu súng này không tha đâu!
Văn Bình nhổ bẹt nước bọt xuống sàn nhà:
- Vậy anh bạn thử coi có trúng đích không?
Chàng dọa già vì biết chắc chúng chưa dám hại chàng. Cho đến lúc chàng đánh điện ra khơi cho ông Hoàng, chàng làm gì bọn Alen cũng phải bấm bụng chịu. Dĩ nhiên, sau đó chúng sẽ băm chàng ra hàng trăm hàng ngàn miếng.
Alen nói, giọng bớt hăm dọa:
- Thôi, việc qua rồi đừng nhắc lại nữa. Từ giờ trở đi, mong anh sẽ có thái độ đúng đắn hơn để tránh chuyện đáng tiếc.
Văn Bình cười mũi:
- Gớm, anh tử tế với tôi quá!
A-len cười gượng:
- Ông chủ ra lệnh cho chúng tôi phải hết sức nhã nhặn với anh. Vì anh là bạn, không phải thù.
Không đáp, Văn Bình ngồi phịch xuống ghế, móc thuốc hút. Quang cảnh căn phòng vẫn y nguyên như khi chàng khóa cửa ra đi.
Ngất ngưởng giữa phòng là bộ xa-lông kiểu Tàu gỗ trắc đen. Kê sát góc là cái độc bình đồ sộ tua tủa những bông hoa thược dược bằng giấy vụng về và nhạt màu.
Alen hỏi Văn Bình:
- Điện đài anh cất đâu?
Văn Bình vặn lại:
- Cất đâu, anh hỏi làm gì?
Alen trố mắt:
- Lạ quá, mới đó anh đã quên.
Văn Bình nhún vai:
- Quên sao được. Hồi nãy, tôi hứa với ông chủ của anh. Bây giờ, tôi đổi ý kiến. Và tôi đổi ý kiến, thì các anh đừng hòng. Cậy răng, tôi cũng không nói.
Alen rít the thé:
- Đồ lật lọng! Trước mặt ông chủ, anh không có can đảm chối từ, chờ đến phút này anh mới phản phúc...
Văn Bình cười phá:
- Nếu tôi là đồ lật lọng thì các anh là đồ ngu. Lẽ nào tôi đánh điện ra khơi để các anh phăng ra tọa độ neo tàu của ông Hoàng! Phiền anh trình ông chủ của anh rằng cái thủ đoạn ấu trĩ ấy không phỉnh gạt được Z.28 đâu.
Alen hăm doạ:
- Được, mày sẽ biết tay!
Hắn rút trong túi ra một cuộn dây thừng. Dây ni-lông nhỏ xíu nhưng rất bền. Bị trói bằng dây ni-lông thì khó có hy vọng gỡ thoát..
Dưới áp lực của khẩu súng đã nạp đạn luôn luôn chĩa ngang ngực, Văn Bình đành ngồi yên cho Alen trói quặt vào cái ghế gỗ gụ khảm xà cừ, nặng như cái cối xay. Trói chàng xong, Alen gằn giọng:
- Gấp rút lắm rồi. Tôi không thể chờ thêm được nữa. Nếu anh không chịu đánh điện, buộc lòng tôi phải dùng cực hình. Anh nên nhớ tôi là chuyên viên về cực hình. Tôi có cách khiến anh phải nói...Bắt đầu là tẩm xăng vào ngón chân anh rồi châm lửa đốt.
Văn Bình đáp, giọng hài hước:
- Trời gần sáng hơi lạnh, được lửa đốt chân càng ấm.
Alen quát:
- Mỡ trong thân thể sẽ cháy sèo sèo, khét lẹt, anh không biết sao?
- Tôi vốn khoái mùi mỡ nướng chả...
Chẳng nói, chẳng rằng, Alen mở cái bật lửa rút nùi bông thấm xăng ra. Văn Binh thản nhiên ngó hắn đắp miếng bông ướt vào ngón chân cái của chàng.
Chàng biết Alen nói là làm. Chịu cực hình là món cơm bữa của nghê do thám, và đây không phải lần đầu chàng bị kẻ thù đốt ngón chân, ngón tay. Mọi lần, chàng nghiến răng chịu đau, phó mặc cho may rủi và cho Thượng đế. Chàng tin số chàng còn dài, sớm muộn chàng sẽ được tiếp cứu. Nhưng nếu không được tiếp cứu cũng chẳng sao.
Chàng đã nếm hết vị chua ngọt của đời, chàng không còn thèm thuồng gì mấy. Về tiền bạc chàng đã tiêu pha như ông hoàng của xứ ngàn một đêm lẻ. Chàng đã hưởng hết từ khoái của con người. Thú đệ nhất, thú ái tình, chàng lại là tay thành thạo. Dừng chân ở đâu trên thế giới, chàng cũng lưu tình lại đấy, Chàng chết đi, hàng chục giai nhân sẽ đỏ hoe con mắt. Như thế đã là quá sướng, còn sướng hơn quốc táng giành cho các vị anh hùng.
Không hiểu sao lần này, chàng lại linh cảm là chưa được quyền chết. Xuống dưới kia, chàng sẽ mang theo niềm hối hận ngàn đời. Y-von đã hy sinh cho chàng. Hiện nàng đang nằm trong tay địch. Chàng có bổn phận trả ơn nàng. Vì thế,chàng phải sống.
Chàng bèn lớn tiếng:
- Alen?
Alen cười nửa miệng;
- Thế nào. bằng lòng rồi hả?
Văn Bình gật đầu. Alen hỏi:
- Điện đài cất ở đâu. Chỉ chỗ cho tôi lấy.
Văn Bình đáp:
- Tôi cần thương lượng thêm với anh. Nếu điều kiện này được anh chấp thuận, tôi sẽ điện ngay cho ông Hoàng.
- Đừng dùng kế hoãn binh nữa, vô ích.
- Anh bác bỏ thì thôi.
Thái độ quyết liệt của chàng khiến Alen xuống nước. Hắn chắl lưỡi:
- Anh đưa ra điều kiện nào?
- Phóng thích Y-von.
- Muộn rồi. Anh đánh điện trước, rồi tôi dẫn anh về nơi giam Y-von.
Văn Bình bĩu môi:
- Hừ, sau khi tôi đánh điện anh sẽ tặng tôi phát đạn vào gáy. Thà chết trong gian phòng ấm cúng này còn hơn phơi xác trên bãi biển. Alen, tôi cương quyết từ chối. Anh bắn tôi đi.
Alen nói, giọng hầm hầm:
- Tôi đếm từ một đến ba. Quá ba, nếu anh không đổi ý, tôi sẽ bắn què chân.
- Sao không nhắm vào tim?
- Hà, hà, vào tim anh sẽ chết ngay.
Văn Bình định nói, song nín bặt. Chàng vừa nghe một tiếng động khả nghi. Rồi từ phòng bên vẳng ra giọng nói quen thuộc cải tử hoàn sinh:
- Cẩn thận. Z-28!
Mọi người cùng quay lại. Bụp một tiếng nhẹ, một phát đạn bay ra trúng bá súng lục trong tay Alen. Khẩu súng rớt xuống.
Người lạ mặt có một thân hình gày guộc, và cao lêu nghêu. Mặt y choắt lại, nhưng cặp mắt rất tinh ranh. Trên tay, khẩu súng lục nòng dài, lắp ống hãm thanh cao su, còn nghi ngút khói.
Văn Bình phải bặm môi đế khỏi buột ra một tiếng khoái trá:
- Lê Diệp.
Phải, người lạ mặt là Lê Diệp, điệp viên thứ nhì của ông Hoàng, đang tiến đến sau lưng Văn Bình.
Lê Diệp là bạn tri kỷ của Văn Bình.
Lê Diệp nghiêng đầu chào:
- Kính chào các bạn. Tôi là đặc phái viên của ông Hoàng. Tôi chờ các bạn từ lâu ở phòng bên.
Mắt Alen như lòi bật tròng trắng trong sự kinh hãi tột độ. Hắn chôn chân trên sàn gác, da mặt trắng bệch như tờ giấy.
Lê Diệp ra lệnh cho Alen:
- Cởi trói cho người ta, còn chờ đợi gì nữa?
AIen còn trù trừ thì bụp phát thứ hai. Viên đạn vèo qua đầu Alen, hớt xém một mảng tóc. Alen rùng mình. Hai phát súng vừa qua chứng tỏ đối phương là thần xạ.
Hắn đành vâng lệnh, mở trói cho Văn Bình. Trong đời Văn Bình đã trải qua nhiều phen chuyển bại thành thắng lạ lùng, nhưng có lẽ năm thì, mười họa mới có trường hợp bất ngờ như thế này. Chàng đinh ninh Lê Diệp vẫn ở Sài gòn. Ngờ đâu anh chàng sếu vườn đã có mặt chềnh ềnh trên đảo.
Tại sao Lê Diệp biết chàng bị nạn mà can thiệp?
Tại sao Lê Diệp biết địa chỉ phòng ngủ của chàng, một lữ quán tối tăm, vô danh, khuất trong ngõ cụt của khu đàng điếm Wanchai?
Tại sao Lê Diệp đã núp sẵn bên trong lại không chạm trán với tên hộ pháp được Alen sai vào lục xét?
Bí mật. Toàn là bí mật. Nghĩ đến những bí mật này, Văn Binh muốn nát óc.
Chàng bèn đứng dậy, duỗi tay chân cho khỏi đọng máu. Lê Diệp hất hàm với Alen:
- Tất cả sang phòng bên.
Lê Diệp đi trước. Văn Bình đi sau cùng. Alen và gã hộ pháp tuân lời một cách ngoan ngoãn.
Bốn người tiến vào phòng ngủ. Phòng này chỉ gồm cái giường sắt kê gần bàn đêm. Và cái tủ đựng quần áo.
Lê Diệp mở tủ. Kinh ngạc xiết bao: bên trong là cánh cửa ăn thông sang phòng bên, đèn bật sáng quắc. Văn Bình từng mở tủ và cất va-li vào trong. Khi ấy, chàng không ngờ vách tủ lại là cánh cửa bí mật.
Căn phòng phía sau được trang hoàng giản dị, vẻn vẹn cái bàn và giãy ghế gỗ. Ngồi sau bàn là một ông già nhỏ bé, đôi mắt hấp háy sau lớp kính cận thị.
Alen đứng sững. Lát lâu, hắn mới bật được mấy tiếng lí nhí:
- Cha mẹ ơi! Ông Hoàng.
Ông tổng giám đốc Mật vụ mỉm cười chào tất cả bằng bộ điệu hiền từ. Trông miệng cười phúc hậu của ông, đố ai dám ngờ chính ông đã đích thân bố trí những vụ kinh thiên, động địa.
Gặp ông Hoàng, Văn Bình có cảm tưởng như được chắp cánh. Nhưng ngược lại là chàng nhận thấy mình quá tầm thường.
Ông Hoàng là ma xó, chứ không phải là người thường. Vì có là ma xó mới biết nơi chàng ở, và biết chàng lâm nạn mà sai Lê Diệp tới.
Chỉ ghế, ông Hoàng nói:
- Mời các ông ngồi.
Alen rón rén đặt đít. Bình sinh hung hãn, Alen bỗng trở nên hiền lành như con cừu non trước mặt ông Hoàng. Dường như ông lão già nua, cũ kỹ này có một luồng điện thầm kin bắt những kẻ bướng bỉnh và kiêu căng nhất phải quỳ mọp đầu hàng.
Alen giật bắn khi nghe ông Hoàng cất tiếng:
- Chào hai ông Alen và Peng-Tsi.
À ra gã hộ pháp là Peng-Tsi!
Tại sao ông Hoàng biết tên hắn là Peng-Tsi? Văn Bình ngây người. Alen há hốc miệng,trong thái độ sửng sốt vô biên.
Trong khi ấy Peng-Tsi dán lưng vào ghế, mặt tái mét không còn hột máu, ông Hoàng dụi tàn điếu thuốc xì-gà Ha-van quen thuộc xuống cái đĩa sứ:
- Peng-Tsi anh ngạc nhiên ư? Anh không biết tôi, song tôi biết về anh nhiều. Biết hết những bí mật của cuộc đời tình cảm và hoạt động của anh.
Alen vội la:
- Đừng nghe, Peng-Tsi. Ông ấy chẳng biết gi đâu. Ông ấy đang dụ dỗ mày đấy.
Không để ý đến lời Alen, ông Hoàng tiếp giọng trầm trầm:
- Nếu anh chưa tin, tôi sẽ nói hết anh nghe. Đoạn nào không đúng, anh cứ phản đối. Không những biết tên anh, tôi còn biết bí số của anh trong Tổ chức là N-15 và anh ăn lương của Fu-Chun vừa được 30 tháng, mỗi tháng 400 đô-la Hồng Kông.
Ông Hoàng cầm cái bặt lửa Ronson đốt bằng ga bu-tan để trên bàn, trao cho Peng-Tsi:
- Đây là cái quẹt máy Varaflame, kiểu Victor, giá bán ở Hồng kông 37 đô-la. Lương tháng của anh chỉ mua được 10 cái quẹt máy này trong khi Fu-Chun tiêu xài hàng ngàn đô-la mỗi ngày. Đem tính mạng đổi lấy 10 cái quẹt máy một tháng là đắt hay là rẻ?
Peng-Tsi, đã đến lúc anh bỏ họ mà về với tôi. Dầu sao số lương tôi sẽ trả cho anh cũng có thể mua được mấy chục chiếc Victor một tháng, vả lại, anh không bỏ họ, họ cũng thanh toán anh và ném xác anh xuống biển cho cá ăn thịt. Peng-Tsi run lẩy bẩy:
- Ông lầm. Fu-Chun đã cam kết thành tín với tôi.
Ông Hoàng rít hơi xì gà Ha-van:
- Phải, ông Fu-Chun đã cam kết với anh, nhưng người đàn bà ấy sẽ làm Fu-Chun nuốt lời cam kết.
Alen xía vào:
- Người đàn bà ấy là ai?
Ông Hoàng thở hơi khói thơm dịu lên trần nhà:
- Là bạn thân của Peng-Tsi mà anh không biết thì lạ thật! Chắc Peng-Tsi chưa kể với anh về chuyện căn gác ấm cúng gần nha cảnh sát.
Peng-Tsi đứng thẳng, giọng van xin:
- Lạy ông, ông đừng nói nữa.
Alen trợn mắt:
- Mày ghê thật! Dám đánh lừa cả ông chủ!
Ông Hoàng nói:
- Đúng, Peng-Tsi đã đánh lừa ông chủ. Một trong những cô gái thân mật nhất với Fu-Chun là vũ nữ hoa khôi ở khách sạn Ngôi Sao (Star Hotel). Peng-Tsi lái xe cho nàng đến nhà ông chủ nhiều lần. Y đẹp trai, lại trẻ tuổi hơn ông chủ nhiều. Kết quả là nàng sống chung với y một cách lén lút. Peng-Tsi? Hẳn anh đã biết tính Fu-Chun? Trên đời này, chưa có người đàn ông nào ghen tuông như ông ta. ông ta sẽ băm anh ra như cám, nếu biết anh làm bậy với cô hầu non vũ nữ.
Peng-Tsi quỳ xuống càu khẩn:
- Lạy ông ngàn lần. Ông đừng cho Fu-Chun biết. Ông bảo gì, tôi cũng xin nghe. Tôi sẽ không dám trái lệnh ông.
Ông Hoàng cười xòa:
- Biết mà! Tôi biết thế nào anh cũng quy hàng.
Peng-Tsi chắp tay trước ngực:
- Từ nay, tôi xin trung thành với ông.
Alen cướp lời:
- Mày là thằng phản bội. Anh em sẽ bắn mày tan xác.
Peng-Tsi hắt lại:
- Anh bằng lòng vậy. Tôi gian díu với nàng từ lâu. Nàng thông đồng với tôi để moi tiền ông chủ. Bề nào tôi cũng kẹt. Sớm muộn, ông chủ sẽ phăng ra và giết tôi. Thà tôi theo ông Hoàng, may ra còn được yên thân, và còn được sống.
A-len cười mũi:
- Mày ngây thơ như con nít. Người ta chiêu dụ mày để làm một việc, rồi
bỏ. Làm nghề này phải khôn ranh mới được, ông Hoàng chỉ coi mày như múi chanh, mày biết không? Vắt hết nước thì vứt.
Ông Hoàng gật gù:
- A-len, tôi thành thật ngợi khen sự gan dạ và trung thành của anh. Tuy nhiên, đức tính của người quân tử là biết mình, biết người. Nếu anh là kẻ ưu thời, mẫn thế, anh sẽ đoán được Fu-Chun không thoát khỏi tay tôi. Tôi chỉ giơ ngón tay là Fu-Chun mất mạng. Vả lại, Fu-Chun thường coi nhân viên như cỏ rác, hễ ai thất bại trong công tác là ra lệnh thủ tiêu không tiếc. Giá anh trốn khỏi nơi này an toàn, Fu-Chun cũng sẽ không tha thứ cho anh.
Anh ở trong tay tôi, sống chết chỉ là chuyện từng giây, từng phút. Song tôi sẵn sàng tha giết. Hơn nữa, tôi còn bố trí cho các anh rời đảo sang xứ khác..Tôi sẽ cấp cho mỗi anh hai ngàn đô-la Mỹ, và một sổ thông hành. Nếu anh muốn qua Sài gòn, tôi sẵn sàng thu dụng. Nhưng với điều kiện: các anh phải dẫn nhân viên của tôi đến căn hầm bí mật gần Aberdeen.
Peng-Tsi nhìn Alen, dò la phản ứng. Alen lắc đầu:
- Tôi không dám. Fu-Chun sẽ giết tôi.
Ông Hoàng cả cười:
- Anh không ưng thuận thì thôi, tôi không ép buộc. Còn Peng-Tsi, anh nghĩ sao?
Peng-Tsi đáp:
- Tôi xin tuân lệnh.
Nhìn đồng hồ, ông Hoàng nói:
- Đến giờ rồi. Cái ấy đâu? Lê Diệp.
Lê Diệp bưng lại một cái va li nhỏ. Mở ra, bên trong là diện đài. Lê Diệp vặn nút, kéo ăng-ten lên cao.
Ông Hoàng ra lệnh cho Alen:
- Anh lại đây, đánh cho ông chủ của anh một bức điện...
Alen chối đây đẩy:
- Thưa, tôi sợ lắm...
Ông Hoàng hỏi:
- Anh sợ chết?
- Thưa vâng.
- Hắn không còn sức giết anh nữa đâu. Vì bức điện này sẽ làm hắn tức uất và bệnh cũ tái phát. Sống lâu với hắn, anh phải biết hắn mắc chứng thổ huyết kinh niên.. Nếu bị trêu tức, Fu-Chun sẽ hộc máu và ít nhất phải vào bệnh viện điều trị một, hai tháng. Trong khi ấy, anh đã có đủ thời giờ trốn khỏi.
Alen kéo ghế lại sát điện đài. Ông Hoàng nói:
- Tôi cần dặn anh một điều: anh đừng dùng mật mã, mất thời giờ chuyển dịch vô ích. Tôi muốn Fu-Chun hiểu được ngay, sau khi nhận điện. Tôi được biết tổ chức của anh có một lối đánh điện không bằng mật mã, mà bằng ám ngữ, riêng một số nhân viên am tường cách đánh và cách hiểu.
Mục đích của tôi là khi Fu-Chun đọc bức điện này hắn phải biết do anh đánh ra, mặc dầu người đứng tên gửi là tôi.
AIen ngạc nhiên:
- Thưa ông, làm sao ông biết được Fu-Chun đang chờ một bức điện?
Ông Hoàng khoát tay:
- Bởi anh tối dạ nên bị Fu-Chun lợi dụng. Fu-Chun đang chờ tôi ở ngoài khơi đảo Lan Tao. Hắn đinh ninh tàu ngầm của tôi phải nổi lên để liên lạc vô tuyến với Z-28. Té ra tôi lừa hắn. Bị lừa đau đớn, tất Fu-Chun sẽ thổ huyết, như Châu Du dưới thời Tam Quốc.
Alen hỏi, giọng khàn đặc, hòa lẫn sợ sệt với sửng sốt:
- Thưa ông, nội dung bức điện ra sao?
Ông Hoàng quay lại phía Lê Diệp:
- Đâu, anh đưa cho hắn.
Lê Diệp dí tận mắt Alen một mảnh giấy màu vàng trên đó được đánh máy sẵn một lá thư ngắn.
Đứng sau Alen, Văn Bình đọc qua vai hắn như sau:
Kính gửi ông Fu-Chun, ngoài khơi Lan Tao...
Rất cảm động vì ông đã quá bộ đến tận nơi đón tiếp. Nhưng ông đã chậm tay. Giờ này, cơ sở của ông đã bị phá vỡ, thuộc viên của ông đã bị bắt. Y-von đã được tôi giải thoát. Ông đừng buồn nhé! A-len, kẻ ông tin cẩn nhất lại phản ôrg. Tội nghiệp ông quá l Đọc xong điện này. xin ông lấy nước đá chườm ngực, kẻo lại thổ huyết như dạo nào tôi làm ông phải vào nhà thương gần nửa năm ở Nhật bản.
Nay kính
Hoàng.
Ông Hoàng ra lệnh:
- Alen đánh ngay cho kịp.
Alen xua tay:
- Tôi chịu thôi.
Ông Hoàng quay về phía Peng-Tsi:
- Tôi đã khoan hồng đến cực độ với Alen. Giờ đây, tôi phải có thái độ khác. Phàm trong nghề này, không dùng được thì phải giết. Để bạn anh sống, người ta sẽ phăng ra sự thay đổi hàng ngũ của anh. Tôi cho phép anh tự do xử trí với Alen.
A-len nhìn thẳng mắt Peng-Tsi:
- Mày định nghe họ để giết tao phải không? Mày không dám đâu! Dầu bị thất thế, tao vẫn có thể hạ thủ được mày.
Chẳng nói, chẳng rằng, Lê Diệp rút khẩu súng côn, tung nhẹ trên tay rồi đưa cho Peng-Tsi, giọng thân mật:
- Súng đấy.Tôi cho anh một phút để sửa soạn.
Peng-Tsi cầm súng, hai mắt sáng rực.
Đứng gần, Văn Bình không bỏ sót cử chỉ nào của Peng-Tsi. Chàng thấy da mặt hắn từ hồng hào chuyển sang tái mét, ngón tay run run, nắm khẩu súng không vững. Nhưng chỉ nửa phút sau, hắn đã phục hồi được bình tĩnh.
Bằng đuôi mắt, Văn Bình liếc ông Hoàng. Ông Tổng giám đốc vẫn bận bịu với điếu xì-gà Ha-van, tầm mắt lơ đãng như không để ý đến việc xảy ra trong phòng. Trong khi ấy, Lê Diệp thản nhièn bóc kẹo cao su và bỏ vào miệng, nhai ngấu nghiến.
Nếu ở vào hoàn cảnh của Peng-Tsi, Văn Bình phải tìm cách thoát thân. Nghĩ thế, chàng hơi nghiêng người về đằng trước, sửa soạn băng ra, chụp lấy khẩu súng của Peng-Tsi nếu hắn chĩa vào mình ông Hoàng.
Quả chàng đã đoán đúng.
Nhanh như chớp nhoáng, Peng-Tsi đảo một vòng, phát đạn đầu tiên nổ chát chúa. Peng-Tsi tỏ ra là tay bắn lành nghề. Viên đạn này khó thể trệch khỏi mặt ông Hoàng.
Trong khi ấy Alen nhảy đến ôm chầm Lê Diệp. Trong một phần mười tích tắc, Văn Bình lao đầu vào bàn tay cầm khí giới của Peng-Tsi. Phát thứ hai nổ vang.
Kỳ dị biết bao! Ông Hoàng vẫn ngồi yên trong ghế. Và ông đáp lại hai phát súng bằng chuỗi cười khanh khách.......