Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Chương 4
C
ăn nhà gỗ cũ kỹ, lún sâu ở một góc của bà lang Matrêna Iliukhina sáng đèn lửa và được sưởi ấm. Ngay từ trưa bọn con trai đã khuân đầy củi đến, mượn được của bác chủ quán hai cây đèn dầu tây, lôi ở rừng về những cành linh sam thơm nức. Đám con gái dọn dẹp trong nhà, cọ sạch sàn, lau rửa những cái ghế băng. Căn nhà gỗ cũ kỹ, hoang vắng bỗng chốc trông tươi vui hẳn lại. Các góc nhà, thấm qua sàn gỗ mục nát, hơi lạnh vẫn tỏa ra, ở các cửa sổ trống hốc trống hoác các lỗ thủng, nhưng cái bếp lò bằng sắt đã được nhóm lên, tỏa ra hơi ấm. Trong nhà không khí hơi ngột ngạt vì cái bếp lò, mà đặc biệt vì những tấm thân hôi hổi ấm lên của các anh con trai, những cô con gái.
Cả căn nhà đầy người, những chiếc ghế dài chật ních, những ai không đủ chỗ thì chen nhau ở các góc nhà và bên cửa ra vào. Vất vả lắm Timôphây Tsernốp mới duy trì được cái vòng tròn ở giữa lòng nhà. Không có vòng tròn thì tối vui đâu còn là tối vui. Phải có chỗ rộng rãi cho những người nhảy, đôi khi biểu diễn điệu «Cô tiểu thư», điệu đối vũ, chơi trò rút thăm. Vả chăng trong một tối vui thì thiếu gì trò có thể bày ra! Không phải vô ích mà tốn bao nhiêu công sức bận rộn và tổ chức. Thêm vào đấy còn phải chi phí nữa chứ. Căn nhà mượn phải trả tiền, hai cây đèn dầu tây - cũng vậy, đến cả anh chàng chơi đàn phong cầm cũng đòi trả công. Những tay chơi đàn phong cầm của làng mất dần hết cả rồi - chiến tranh không thương xót ai hết. Đành phải cử người tới ấp Lukianốpca, nói khó với anh chàng chân ngắn chân dài Philip Pêtukhốp - tay chơi đàn phong cầm lão luyện còn lại duy nhất trong khắp cả huyện. Gã Philip đòi phải trả công cao, đòi xe đến đón gã, rồi sau đó đưa gã trở lại ấp, cứ như một đức ông địa chủ hay một quan ngài hầu cận hoàng đế không bằng.
Tối vui đang lúc sôi nổi nhất. Anh Timôphây đưa Masa và Kachia vào ngồi ở chiếc ghế dài trong góc nhà. Masa không phải lần đầu đến dự tối vui như thế này. Mọi người đều đã biết cô, và cô cũng biết mọi người. Còn Kachia thì trước đó chưa có dịp đến dự các buổi hội hè của trai gái nông thôn. Cái gì, cái gì ở đây cô cũng thấy thích thú! Cặp mắt sáng lên vì hiếu kỳ, gương mặt ửng hồng, đầy vẻ ngạc nhiên, Kachia theo dõi mọi việc diễn ra ở chỗ vòng tròn giữa nhà.
Hai anh con trai thi tài nhảy múa. Trong lúc người nhảy thứ nhất biểu diễn những động tác quay đầu gối khéo léo, đòi hỏi một sự lanh lợi khác thường của tất cả cơ thể, người nhảy thứ hai nhìn anh ta vẻ hoàn toàn lãnh đạm. Sau đó người biểu diễn dừng lại, bộ điệu trong giây lát đầy vẻ thách thức và nhìn đối thủ cũng với vẻ lãnh đạm như anh kia. Nhưng nếu như những người nhảy làm ra bộ chẳng có gì làm họ xúc động, thì thái độ những người có mặt trong căn nhà lại khác hẳn. Mỗi động tác đẹp của người nhảy lại gây ra tiếng trầm trồ hứng khởi. Không một động tác mới nào mà người ta lại không nhận thấy ngay. Và chẳng bao lâu trở nên rõ ràng ngay là anh nào trong hai người nhảy trội hơn về sức lực và khéo léo.
- Rôđiôn mười lăm vòng quay, còn Xêmiôn có mười hai thôi, - Timôphây lên tiếng và, dong dong đôi nạng xuống sàn, dẫn hai anh con trai lại bắt tay nhau thân ái.
Hai người nhảy nam người hừng hực nóng vừa chen vào góc nhà, bốn cô gái liền ra giữa vòng tròn.
Philip Pêtukhốp kéo rộng lớp xếp của cây đàn gió, các ngón tay lướt nhanh trên phím đàn màu trắng. Các cô gái nhất loạt nện gót chân xuống sàn, vung những tấm khăn choàng lên cao trên đầu, tản ra từng đôi một.
Bằng những giọng lảnh lót các cô cất tiếng hát các ca khúc dân gian Nga. Đôi nọ đối với đôi kia. Kachia chăm chú nghe, cố hiểu xem các cô gái thi nhau về điểm nào. Về điệu nhảy? Tất nhiên như vậy rồi. Các cô gái gieo những tiếng gõ ròn rã. Kachia không thể nào hiểu nổi được làm sao mà các cô chân đi ủng dạ lại có thể dận được những tiếng ròn rã đến thế. Nhưng lát sau cô thấy ra là mấy cô gái lại ít quan tâm đến điệu vũ hơn cả. Điều chủ yếu là ở trong nội dung khúc hát dân ca.
Đôi cô gái thứ nhất ngâm nga mở đầu ca khúc. Đôi thứ hai phải lập tức đối đáp ngay. Nội dung các bài ca thay đổi liên tiếp. Thoạt đầu các cô gái hát về chiến tranh, về những tên giặc Đức. Sau đó họ hát về cuộc sống nông thôn của mình. Tiếp theo là những ca khúc trữ tình với những lời than thở về những người yêu thương, và cuối cùng họ cũng lại nhanh chóng chuyển sang những ca khúc bông đùa. Cả căn nhà cười rộ lên ròn rã. Tưởng chừng, trần nhà rung lên bần bật vì tiếng cười vui vẻ hòa hợp. Vôi tường lở ra rơi lả tả, những ngọn lửa đèn rung rinh, nhảy bần bật trong những cái thông phong phình to.
- Các cô góp vui khá lắm. Hai bên ngang tài nhau, - anh quản trò Timôphây công bố quyết định của mình. Anh lanh lẹn xoay xở đi lại trên đôi nạng, hiên ngang liếc nhìn về góc nhà chỗ Masa ngồi và từ đó đôi mắt thán phục của cô liên tiếp ngời sáng lên rọi ra.
- Piốt! lấy mũ đi thu các thứ đi. Bây giờ chơi rút thăm, - Timôphây công bố. Piốt đã sẵn sàng. Anh ta cầm cái mũ trên hai tay đi khắp căn nhà, len lỏi cả vào các ngóc ngách.
Người ta tùy theo khả năng mình, mỗi người để vào mũ một thứ: khăn tay, chiếc nhẫn, kẹp tóc, đồ nữ trang gài áo, giải băng, cái lược, túi đựng thuốc lá sợi, con dao nhíp, đạn súng săn còn sót trong túi. Chẳng bao lâu cái mũ của Piốt đầy ắp, trũng cả cái chỏm xuống.
Timôphây ngồi xuống chiếc ghế đẩu bên cạnh Philip. Piốt hai tay bưng cái mũ đứng sau lưng Timôphây.
- Nào, Timôphây, theo cái thăm này thì anh bảo phải làm gì? - Piốt hỏi, lôi ở trong mũ ra cái kẹp tóc của con gái làm bằng sừng.
- Phải hát bài «Dạo ấy theo con sông, dạo ấy theo dòng nước trôi nhanh», - Timôphây trả lời.
Một cô gái bước ra vòng tròn giữa nhà. Cô bé chỉ vừa mới bước vào tuổi con gái. Đôi vai và hai bên hông của cô còn chưa tròn lẳn. Gương mặt lộ vẻ bối rối, trán đổ mồ hôi, đôi mắt nhìn đi đâu vơ vẩn trên đầu mọi người. Nhưng sự việc đã rồi. Thời gian đã chín muồi, và cần phải tiếp nhận «trận đầu». Sau chuyện này mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn và đơn giản hơn. Cô gái hát giọng gượng gạo, căng thẳng, mặc dù cũng có cố gắng. Không ai chen ngang vào khi cô ta hát, mọi người đều lắng nghe chăm chú. Bản thân Timôphây tập trung chăm chú, nghiêm nghị và chỉ thỉnh thoảng mới ném về phía cô gái những cái nhìn bứt rứt. Thăm nhiều lắm, vì thế anh lo lắng làm sao phải kịp đi hết lượt mọi người, trước khi bước vào điệu nhảy đối vũ.
- Tốt, Vêra, tốt lắm. Cô sẽ là một cô gái tuyệt vời, - Timôphây cổ vũ cô gái. Cô ta đi về chỗ mình với các bạn gái, cô đã dạn dĩ ra và nhìn mọi người đã có chút ít tự hào kín đáo trong khóe mắt.
- Thế bắt được cái thăm này thì, thưa vị chúa tể cao cả, ngài ra lệnh phải làm gì? - đưa cao giải băng màu hồng lên khỏi đầu, Piốt làm ra bộ ngốc nghếch.
- Người này phải ra giữa vòng tròn và biểu diễn cho chúng ta điệu «Cô tiểu thư», - Timôphây ra lệnh. Và tức khắc một cô gái nhảy ra vòng tròn, còn Philip liền kéo cây đàn gió.
Thăm nhiều lắm, nhưng Timôphây cũng lại là tay nghĩ ra đủ thứ trò vui không bao giờ chịu bí. Anh bắt nhảy múa và hát, và không phải một mình nữa, mà đôi một, rồi sau đó thậm chí gộp ba và bốn thăm vào chung.
- Còn đây nữa, thưa vị chúa tể, ngài hạ lệnh cho cái thăm này phải làm việc gì rắc rối hơn một chút, - Piốt nói, đưa cho mọi người xem cái cặp tóc có gắn hạt thủy tinh lấp lánh dưới ánh đèn. Đây là cái kẹp tóc của Kachia.
- Cái thăm này thì phải ra giữa vòng tròn mà ngâm thơ, - Timôphây nói chậm rãi, nhưng cảm thấy rằng anh ra một việc khó, không phải dễ ai cũng có thể làm nổi, liền nói thêm:
- Nhưng cũng có thể kể chuyện gì đó, chuyện gì vui vui về cuộc sống sinh hoạt nông thôn của chúng ta... Chẳng hạn như chuyện ông Mêlêkha đi cưới con gấu cái làm vợ cho cậu con trai Nikônca, chẳng hạn...
Nhắc tới ông Mêlêkha liền làm bật lên tiếng cười rộ.
- Kachia, mạnh bạo lên, - Masa tiễn chân Kachia, nắm chặt bàn tay cô bạn gái.
Kachia đi ra giữa vòng tròn và mọi người liền im lặng. Việc Masa đưa cô bạn gái thành phố của mình đến dự tối vui, ai cũng nhận thấy, nhưng có ai lại nghĩ là cô gái lạ cũng ném cái thăm của mình vào mũ của Piốt. «Dân tỉnh thành ấy thường là những kẻ làm bộ làm tịch, những chuyện thôn dã đối với họ đều xa lạ, nhưng xem kìa, cô gái này, lại không kiêu kỳ gì, mà tham gia vào trò chơi trong tối vui!»
Sự cả tin của Kachia đối với trai gái làng Lukianốpca tuy gây được thiện cảm đối với mọi người, nhưng chính điều đó cũng làm cho mọi người cảnh giác. Cánh con gái nhìn Kachia đặc biệt xoi mói. Liệu có phải con chim con từ ngoài tỉnh lạc cánh về đây định dòm dỏ kiếm chác lấy tấm chồng ở Lukianốpca này chăng?! Thế thì xin chớ có mà quá hy vọng! Vào cái thời buổi tao loạn này, tấm chồng đính hôn là thứ hàng quá ư quí giá. Thêm vào đấy, ở Lukianốpca không có cô ả thì đám gái tơ chưa chồng cũng chẳng thiếu gì. Cả đám con trai Lukianốpca cũng ngắm nghía, hau háu dán những cặp mắt vào thân hình của Kachia. Gái làng đầy rẫy kia thật đấy, nhưng cũng chẳng dại gì bỏ qua của lạ... Hơn thế nữa cô gái này đáng mặt, quả thật là tuyệt vời!
Kachia ngượng ngùng, mặt cô ửng đỏ, ánh mắt sáng rừng rực. Cô cảm thấy dường như người ta ngắm nghía cô như ngắm nghía một thứ hàng mới. Giá mà được, chưa biết chừng họ còn đưa tay ra mà sờ mà nắm thử cô, xoay ngang xoay ngửa chứ chẳng chơi. Cô mặc váy dài, áo cánh bằng vải pôpơlin màu hồng. Bím tóc vấn khoanh trên đầu. Nhưng mà không sao, không sao cả, bình tĩnh nào... Kệ cho họ ngó nhìn. Không phải lần đầu tiên cô buộc phải ra trước mắt người lạ. Cái mà các cô gái ở Lukianốpca làm được, cả cô cũng có thể làm được. Là cô gái Pêtrôgrát, lại là học sinh trường Bêxtugiép, đâu phải kém cạnh gì. Biết cả hát cả nhảy, còn kể chuyện, ngâm thơ, thì xin là sẵn sàng ngay. Có điều ngâm bài thơ nào đây?! Cần phải ngâm bài thơ nào rung động những trái tim xuân trẻ. Kachia thuộc lòng rất nhiều thơ: Puskin, Lermôntốp, Nhêkraxốp... Ở nơi thôn dã này Xuricốp chắc rất hợp... Một bài thơ nào đó nói về cái nghèo đói của nông thôn, về nỗi buồn đau của những người nghèo... Không! Chợt Kachia nhớ ra bài thơ của một nhà thơ mà cô không biết tên.
Trước khi đi tới miền Xibiri này cô đã cùng với các đồng chí khác của mình làm công tác bí mật đi đến thị trấn Luga. Các đơn vị quân đội đang phiên chế lại ở đấy. Rất nhiều, nhiều lính lắm. Cô đã len lỏi vào các trại lính, giả bộ đi tìm chồng - người chồng thân yêu... Sau khi bị thương, mới đây anh ấy đã trở về đơn vị để lại đi ra mặt trận. Cô cứ đi tìm quanh tìm quẩn mà chẳng tìm thấy. Có thể, anh ấy đã ra đi rồi. Tuy nhiên cô lại gặp các binh lính khác, chuyện trò về chiến tranh, về đời sống... Và ở đấy đã cần chính đến những vần thơ mà cô đã ngâm cho các chàng trai mặc những chiếc áo varơi và quần lính bạc phếch, giặt đi và vò lại đã bao nhiêu lần rồi, chân quấn xà cạp, đi những đôi giày được chữa chạy vá víu lại.
Những vần thơ mà cô đã ngâm cho binh lính ở Luga nghe là do anh cô đưa cho cô trước đó.
- Kachia, em giữ lấy phòng khi hoàn cảnh không cho phép em phát biểu. Về hình thức thì dễ hiểu hơn, mà thực chất hoàn toàn có thể thay thế cho bài nói chuyện, - anh ấy bảo thế, đưa cho cô tờ giấy đầy những dòng thơ.
Ở Luga, khi ấy bài thơ này đã thu được thành công. Làm sao đây? Còn ở đây, ở nơi thâm sơn cùng cốc Xibiri xa xôi này, cũng nên đưa bài thơ ra ngâm thử lại xem sao, Những nỗi đau khổ của mọi người đều giống nhau, và điều quan trọng hơn nữa là sự thật phải được nói lên một cách mạnh mẽ.
- Tôi xin đọc bài thơ nói về số phận của những người lính Nga, - Giọng ngâm trầm dịu, mượt mà của Kachia ở mọi góc nhà đều nghe rõ:
Vì danh dự nước mẹ Nga
Binh lính đi vào chiến trận!
Không một lời nào oán thán,
Không phút giây nào phân vân.
Họ đi dũng cảm hiên ngang...
Bỏ lại bầy con thơ dại,
Vợ nghèo bơ vơ tê tái,
Biết nhờ cậy được vào ai!
Đôi khi các chú lính ta
Gặp bánh mì khô như đá
Với miệng cười vô tư lự
Chiêu theo ngụm nước đầm lầy...
...Các chú lính chết như ruồi
Chết cả từng cơ từng đội
Dưới đạn thần công tuôn xối.
Vì danh dự nước mẹ Nga.
...Vì danh dự nước mẹ Nga
Những chú lính Nga bất hạnh
Ngã xuống từng bầy từng đám.
Thi thể băm vằm nát tan.
...Vì danh dự nước mẹ Nga
Quên cả giáo lý của Chúa.
Gọi con chiên đi tự vệ.
Các cha lặng lẽ nguyện cầu!
...Yên bình trở lại một mai.
Tất cả đất đai mầu mỡ
Các anh đừng hòng sẽ có!
Hỡi người lính - người làm ăn!
Địa chủ sẽ chiếm ruộng đồng
Còn anh: nhận cây thánh giá
Các anh sẽ trần như nhộng.
Đã hy sinh chẳng quản gì.
Vì danh dự nước mẹ Nga.
Ôi những chú lính dũng cảm!
Lời tiếp lời, câu thơ nối câu thơ... Kachia đọc rõ ràng, chậm rãi. Cô đưa tay lên nhấn mạnh từng câu thơ, đưa mắt chăm chú quan sát vẻ mặt của đám thanh niên. Thoạt đầu được tiếp đón một cách thận trọng, ngờ vực, nhưng tiếp theo chỉ trong giây lát Kachia đã được cảm tình của tất cả mọi người không loại trừ ai hết. Các cô gái trở nên rầu rĩ, ngó nhìn cánh trai làng. Nỗi buồn đau làm tắt ánh mắt đong đưa lấp lánh. Thì bài thơ đang nói về số phận xót xa của những người yêu thương của họ... Còn các chàng trai nhìn xuống, gương mặt họ đanh lại. Một số đã nếm trải số phận cay độc của người lính, còn số khác ngày mai đây sẽ đến lượt. Chiến tranh phàm ăn, sự thèm thuồng ghê gớm của nó không thỏa được. Ngày nào cũng có tin báo về chuyện người làng tử trận, số vợ góa con côi ở Lukianốpca tăng lên vùn vụt.
- Kachia, cô ngâm lại bài thơ đi. Câu thơ thấm tận ruột tận gan! - Timôphây khập khiễng trên đôi nạng, nhìn chằm chằm như xoáy vào Kachia. Đôi mi mắt hừng hực bởi cơn kích động mấp máy liên tục, cặp môi thắm đỏ lên, hai má giần giật.
- Ngâm lại! - từ các phía mọi người kêu to. Cả các chàng trai, các cô gái đều lên tiếng.
Kachia lấy tấm khăn tay ra lau gương mặt đẫm mồ hôi, hít đầy không khí vào lồng ngực và ngâm lại bài thơ. Mọi người lắng nghe chăm chú, không nhúc nhích. Kachia nhận thấy Timôphây mấp máy môi, thầm nhắc lại lời theo cô. Câu thơ như thế này nhất định phải ghi nhớ cho được. Anh sẽ đi kể lại ở các quán trọ, trên các toa xe chở hàng, trong các hầm đất và chiến hào ngoài mặt trận. Cả những người ở đây, ở làng Lukianốpca này cũng ghi nhớ bài thơ mộc mạc này. Piốt đã thuộc từng chữ từng chữ và dù có cuộc gì đi chăng nữa anh cũng có thể nhắc lại bài thơ không sót một chữ nào. Piốt nhìn Kachia bằng cặp mắt nheo nheo, láu lỉnh. Nói của đáng tội, nhìn thấy Kachia lúc trời còn sớm, anh ta tự nhủ thầm là thế nào cũng phải «tiến sát sạt» đến cô: rất có thể kiếm chác được chút gì đó ở cái thân thể lộng lẫy của cô gái không quen biết dễ thương này. Còn ai có thể gọi là nghệ nhân rót lời đường mật vào bên tai bọn con gái và lấp liếm đôi ba những động tác không lấy gì làm lịch sự cho lắm bằng những lời ngọt nhạt, nếu không phải là anh ta, Piốt Xcôbenkin... Các cô gái Lukianốpca đều biết những trò ma mãnh của Piốt và thường cho anh ta xơi những quả phật thủ, nhưng cô gái tỉnh thành xa lạ chắc hẳn chưa nghe biết chuyện gì. Bây giờ Piốt thấy xấu hổ vì những mưu toan của mình về Kachia. Anh ta cảm thấy đối với anh ta, cô xa vời không thể với tới được và cô tuyệt đẹp trong sự không thể với tới ấy của cô. «Cái giọng mới gớm chửa! Lanh lảnh hơn cả giọng của thầy trợ tế ở ta ấy. Chà chà!» - Piốt thán phục nghĩ thầm.
- Timôphây, cho cái thăm này ra lệnh nữa... để cô ấy ngâm thêm bài khác, - Piốt hăm hở thì thào vào tai Timôphây. Nhưng chính bản thân Timôphây cũng dường như đang bị bỏ bùa bởi cái giọng ngâm thơ của Kachia, anh sẵn sàng nghe lại đến trăm lần nữa. Còn Kachia, liếc nhìn Masa, nhận ra trong mắt cô ấy có ánh lo ngại gì đó. Ngay từ lần ngâm đầu tiên của Kachia, Masa đã nhận thấy là thầy quản cảnh sát ở Lukianốpca Phêôphan Parôcôpưtốp len lỏi vào căn phòng. Phêôphan đã già đời với công việc cảnh sát. Đáng ra nằm ấm trên đệm lông chim ở nhà, thì đêm hôm lại mò đến dò la tối vui chơi. Hẳn là có điều gì đó làm hắn, mà có thể, không chỉ hắn, còn có đứa cấp cao hơn hẳn, phải lo ngại... Masa đã biết Kachia bản chất là con người dễ say sưa. Trên đường đi, chuyện trò với một người lính, cô ta quên khuấy cả về nỗi nguy hiểm. Không khéo ở đây cũng lại xảy ra chuyện như vậy!
- Không, không, anh Timôphây, tôi không biết bài thơ nào khác nữa, - Kachia đáp lại lời Timôphây đề nghị cô ngâm thêm một bài thơ nữa. Cô lấy chiếc kẹp tóc ở chỗ Timôphây, len về góc nhà với Masa.
Ấn tượng của bài thơ Kachia vừa đọc để lại không phai nhòa được. Khó tiếp tục được tối vui. Timôphây im lặng. Cả Piốt cũng im lặng. Anh ta không lấy ở cái mũ của mình ra những thăm mới. Phân vân. Bây giờ có đề nghị gì đi nữa - nhảy ư, hát ư, - tất cả đều không ăn nhập. Dù gì đi nữa thì cũng chẳng khác nào là chơi điệu nhạc nhảy ở đám ma hay cười trên đau khổ của người khác. Một trò xúc phạm...
- Trong nhà ngột quá đấy, anh em ạ! Ta ra nghỉ một tý ngoài trời! - Lắc lư trên đôi nạng, Timôphây đi quanh một vòng. Các chàng trai ồn ào xô ra cửa. Họ chen lấn lão quản cảnh sát bật ra ngoài trời cứ như cái nút chai ấy.
o O o
Ở tối vui trở về có ba người cùng đi: Masa và Kachia đi kèm hai bên, giữa là Timôphây chống nạng. Họ chuyện trò huyên thuyên về đủ mọi thứ trên đời. Kachia chợt hiểu: cô ở đây là người thừa. Mấy lần cô rảo cẳng chạy lên trước, nhưng Timôphây giữ cô lại.
- Để tôi đưa chân cô về tới tận nhà. Không thể đi một mình đâu! Bọn con trai bây giờ ngỗ ngược lắm - họ có thể xúc phạm cô. Trong tối vui họ đã để ý đến cô rồi đấy.
- Đâu lại có chuyện như thế, anh Timôphây? Dám xúc phạm ư? Phần tôi, dễ thường tôi không biết kêu lên ư? - Kachia khăng khăng ý mình.
- Đêm tối, cô Kachia ạ! Chẳng ai nghe thấy cô kêu đâu...
Cuối cùng họ về đến nhà bác Lukianốp. Kachia chạy tọt vào nhà. Cửa vào không khóa móc. Cái lệ ở đây là thế: người nào về sau cùng sẽ gài móc cửa.
Kachia gượng nhẹ, cố không đánh thức người trong nhà Lukianốp, lần vào buồng nhỏ, mò mẫm cởi bỏ trang phục, vào giường nằm.
Trong nhà im ắng. Ở một góc nhà nào đó những con dế rít lên tiếng, nhưng chỉ lát sau lại im bặt. Trong chuồng gà đặt ở dưới bếp lò đất nện, chú gà trống cất tiếng gáy. Nhưng cũng im ngay trong tiếng cục cục bực bội của lũ gà mái ngái ngủ. Kachia nằm đó. Cô nghe ngóng - Masa chỉ chốc lát nữa sắp phải bước vào nhà thôi. Cô ấy nán lại với Timôphây ngoài trời một «giây» thôi mà. Nhưng bao nhiêu phút đã qua, vậy mà Masa vẫn chưa về. «Tội nghiệp, họ chết cóng mất, trời đang băng giá! - Kachia nghĩ thầm, nhưng không hề chê trách cả Masa lẫn Timôphây. - Mấy lại bản thân mình chẳng lẽ lại sợ băng giá, nếu như giờ này mình được ở ngoài trời bên cạnh Akimốp? Có bắt mình cũng chẳng vào ấy chứ...»
Cô thiếp ngủ, không chờ được đến lúc Masa về. Nhưng cô tỉnh ra rất sớm, khi vừa nghe thấy tiếng bước chân của bác gái Tachiana Nhicanôrốpna vọng vào từ nhà ngoài. Ngay từ hôm qua cô đã thầm tính toán đâu vào đấy trong đầu công việc vào cái giờ buổi sớm mai này. Cô nhất thiết phải ngồi riêng bàn bạc với chính bác Lukianốp ít ra lấy mươi phút. Tấm ảnh... Cần phải bước đầu làm rõ ra được điều gì đó. Masa khó đã có thể tung chăn dậy lúc này. Còn bác gái Tachiana Nhicanôrốpna thì có hàng đống việc ở ngoài sân và bên bếp lò. Bác Xtêpan sau chuyến đi có thể không dậy sớm, nhưng ai mà biết được bác ấy. Bởi vì hẳn là bác đã quen ở rừng taiga dậy từ lúc trời vừa rạng sáng.
Kachia ăn mặc ấm và đi ra phòng ngoài. Trong bếp lò củi bén lửa bùng bùng, cái lò sắt nhỏ kêu ù ù. Bác Xtêpan ngồi ở bên bàn và hút thuốc trong tranh tối tranh sáng. Kachia ngồi xuống chiếc ghế gỗ dài bên cạnh bác, lên tiếng hỏi thăm xem bác thấy người thế nào sau khi ra khỏi rừng taiga.
- Tôi nghỉ ngơi được rồi, cháu Kachia ạ! Đêm về mùa đông dài. Nằm trăn trở xoay đi xoay lại, vậy mà nó vẫn không hết cho. Nhưng mà sao cháu dậy sớm thế? Giá cứ nằm mà ngủ đi cho khỏe có phải tốt không!
- Cháu ngủ đã rồi, bác Xtêpan ạ. Mà cháu đã quen dậy sớm. Cháu ở cách xa xưởng in, để đi làm được đúng giờ, trước khi chuông réo dễ có cả tiếng đồng hồ đã phải ra đi rồi, - Kachia bịa chuyện.
- Đang trẻ xuân chuyện ấy chẳng dễ dàng gì, - bác Lukianốp thông cảm.
- Cháu phải tự rèn mình, - Kachia thở dài.
- Việc gì cũng có thể trở thành thói quen, - bác Lukianốp đồng ý và thầm nghĩ câu chuyện với Kachia đến đây là hết, bác rít thuốc, nhả hai luồng khói cay nồng qua lỗ mũi. Nhưng cô gái không định bỏ đi. Lukianốp đưa bàn tay to bè khua trước mặt Kachia để quạt khói đi.
- Bác hun cháy cháu, Kachia, - bác Lukianốp nói, giọng biết lỗi, dò hỏi nhìn cô gái.
- Chả có gì ghê gớm bác ạ! Cháu chẳng coi khói thuốc lá vào đâu, - Kachia cười và lên tiếng nói ngay về chuyện khác: - Cháu rất thích thú những phong tục săn bắn của các bác, bác Xtêpan. Hay thật.
- Kachia, cái gì mới lạ bao giờ cũng hay. Còn chúng tôi thì đã quen việc của mình, tựa hồ như cái việc nó phải thế và sẽ vĩnh viễn phải như thế...
- Thế bao giờ thì bác lại đi vào rừng taiga, bác Xtêpan? - Kachia hỏi, lắng nghe bước chân của bác gái Tachiana Nhicanôrốpna, bận rộn ở chỗ nấu nước sau tường chắn, cô chỉ sợ bác ấy lại vào cản trở câu chuyện định nói với bác trai.
- Mùa đông hai lần tôi vào rừng taiga sau lễ giáng sinh khoảng hai tuần, ba tuần lễ, rồi lần nữa là vào đầu tháng ba.
- Lại bắt thú có lông?
- Chính thế.
- Cả đời bác cứ lui tới một chỗ nhất định thôi chứ ạ?
- Sao lại thế, Kachia! Trong đời bác đã có dịp tới nhiều nơi khác nhau! - Kachia đã nghĩ rằng bác Lukianốp sẽ kể tên những nơi ấy ra, nhưng bác rít mạnh hơi thuốc rồi im lặng.
- Hóa ra là bác lại còn đánh cá nữa, bác Xtêpan. Ở trên tường bác có bức ảnh lý thú quá. Con cá măng ấy, dễ phải nặng đến hai pút chứ không ít? - Kachia không nén được, và cô cố gắng lái câu chuyện theo chiều hướng cần thiết.
- Bấy giờ chúng tôi không cân con cá măng ấy, cháu Kachia ạ. Nhưng nó quả là to, suýt soát gần bằng người bác ấy, - bác Lukianốp gượng cười. - Những con cá khổng lồ như vậy có ở các sông giữa rừng taiga, ở các vực nước và khúc sông cụt. Câu bằng mồi cá con. Đăng hay lưới không tóm được chúng. Chúng phá tung cả giây thừng ra, chọc các «lỗ thủng» và không những bản thân chúng chuồn thoát, mà còn tha tất cả số cá khác theo... Mà câu cặm tóm được chúng, quân ôn dịch ấy, cũng không phải dễ. Đứng trên bờ kéo - con cá sẽ quẫy tuột khỏi lưỡi câu hoặc làm đứt dây... Chúng tôi phải dùng thuyền mới bắt được chúng. Kéo con cá ở dưới nước vào bên mạn thuyền, trong khi đó phải sẵn sàng câu liêm... Nó mà hở đầu lên một cái là phóng cho đúng đầu. Vô phúc phóng trượt hay yếu tay một chút - nó cho tắm đã, nó lật ngược thuyền cứ như chiếc vỏ hạt dẻ ấy... - bác Lukianốp sẵn sàng kể tiếp nữa về các bí mật của công việc bắt những con cá măng khổng lồ, nhưng Kachia ngắt lời bác:
- Thế đi đánh cá bác cũng có phường như đi săn chứ? Trên ảnh kia là những người cùng phường của bác ư?
- Phường với hội gì kia chứ! Đấy chẳng phải dân đánh cá mà cũng chẳng phải dân săn bắn đâu, cháu Kachia ạ. Đây là những người hoàn toàn khác, - bác Lukianốp nói, giọng ít nhiều bí ẩn, rồi im lặng với nhiều ngụ ý.
- À, cháu hiểu! Chắc là những người bị đi đày,- Kachia vội nói.
- Cũng không phải thế nốt. Đấy là những học giả, cô Kachia ạ! - Trong giọng nói của bác Lukianốp đầy vẻ tự hào. - Người để râu cằm - là giáo sư Likhatsiốp, người ta gọi ông ấy như vậy. Còn người trẻ - cháu của ông ta, anh sinh viên Akimốp Ivan; chính anh ấy bắt bác không được thưa gửi anh ấy. Anh ấy bảo: tôi còn trẻ chưa đáng được như vậy. Nhưng cháu Kachia ạ, bác nói để cháu biết là dù anh ấy trẻ thật đấy, nhưng trong công việc của mình thì đâu vào đấy. Có đôi khi, giữa anh ấy với giáo sư nổ ra tranh cãi kịch liệt, nghe đến phát hoảng lên. Cả hai đều chỉ tay vào bản đồ hoặc vào sách, biện bạch với nhau... Đối với anh em dân vô học các bác thì cuộc chuyện trò của họ mù tịt tìn tin, tuy nhiên các bác cũng có cái đầu trên hai vai cả.
- Ôi, hay quá, bác Xtêpan! Bác kể nữa đi bác, kể nữa đi ạ! - Kachia toàn thân như bừng cháy cả, đôi mắt của cô sáng lên, gương mặt xúc động đỏ ửng, cô xích lại gần bên bác Lukianốp.
Sự hiếu kỳ sôi nổi của cô dường như thiêu đốt cả bác Xtêpan. Bác ngả cả người về phía cô gái, tắt thuốc, giụi đầu lửa vào bên thành cửa sổ.
- Cháu Kachia, về chuyện này kể suốt ngày mới hết. - Bác Lukianốp vui hẳn lên, làm ra vẻ đĩnh đạc, vỗ bàn tay to rộng xuống mặt bàn. - Nói tóm lại, bác đã sống một quãng đời thật lý thú. Không có những năm tháng nào nữa hơn được khi ấy.
- Thế bắt đầu ra sao bác? - Kachia nói đế vào, lo ngại liếc nhìn ra cửa. Chúa mà không phù hộ, thì Masa trở dậy bây giờ, vào đây góp chuyện là phá bĩnh hết. Câu chuyện vừa mới xuôn xẻ.
- Bắt đầu là thế này: một bữa, bấy giờ là mùa xuân, bác thấy một cỗ xe ngựa tiến đến trước cổng đây kia. Đảo mắt, bác nhận ra ngay: giây thắng, ngựa, cả cỗ xe nữa đều không phải của nông dân, mà là ở tỉnh về, hẳn là có vị nào đi kinh lý. Bác ra sân, một người to lớn, tuổi không còn trẻ, nhưng còn tráng kiện, bước đi chắc chắn, râu dài che ngực, đôi mắt tròn, tinh nhanh, tiến lại phía bác. Ông ta đội mũ phớt, mặc áo mưa dài bằng bạt. Ông ta và bác chào nhau. Ông hỏi: «Xtêpan Lukianốp phải không?» Chính tôi! - bác nói. Bác đưa ông ấy vào nhà, mời ngồi. Ông mới cho biết rõ mọi chuyện: Tôi là giáo sư Likhatsiốp ở Trường đại học tổng hợp Tômxcơ. Tôi đi tìm hiểu vùng Xibiri bao la cho khoa học. Tôi đã đi đi lại lại dọc ngang khắp vùng núi rồi, bây giờ tôi xuống bình nguyên. Tôi dự định đi khắp con sông Ôbi và các nhánh của nó. Tôi trù tính việc này phải mất năm sáu năm gì đó. Nếu cần hơn, tôi nghĩ cũng không sao. Công việc không ít.
Thế đấy, cứ lần lần, ông giải thích tất cả sự đòi hỏi của mình cho bác biết. Ông cần có người đưa đường và năm bảy nông dân trai tráng: chèo thuyền, đến chỗ dừng chân thì dựng lều, làm những công việc đất cát nào đó ở giữa rừng taiga. Đến đây thì bác không nén nổi nữa bèn hỏi: «Thưa đức ông, xin ngài thứ lỗi cho, thế ai đã chỉ nhà tôi cho ngài thế?» Dù sao đi nữa, bác nghĩ, không phải vô cớ mà ông ấy trước hết đến đây. «Thứ nhất là, - ông ấy bảo, - đừng gọi tôi là đức ông, bác Xtêpan ạ, cứ gọi tôi một cách đơn giản: Vênhêđích Pêtrôvích. Bản thân tôi, dù là con người học thức, nhân vật quan trọng trong đế chế, - ông giải thích cho bác, - nhưng tôi xuất thân từ dòng dõi nông dân mà vươn tới cái đó. Còn thứ hai là, - ông nói, - bác Xtêpan ạ, các người bạn của bác trong số những người đi đày mà bác đã đưa đi khắp vùng taiga, đã chỉ cho tôi đến bác». Cụ thể là ai, ông không nêu lên. Mà quả thực bác đã đưa họ đi không chỉ hai người. Hàng chục không hết. Có người có khuynh hướng đi về các con sông, ngược lại có người lại muốn ra các cánh đồng. Rồi có một người, người ấy lại đi bắt đủ các loại sâu bọ ở vùng này bỏ vào các cái chai. Buồn cười thật! Có khi cứ như trẻ nhỏ, mang vợt đuổi theo bướm ở các bãi cỏ. Và còn có cả chuyện như thế này: trong rừng vùng này có loại nhện bện lưới. Nó có cái tên ấy, là bởi, loại nhện này chăng những cái mạng đến nỗi ruồi muỗi hay các sâu bọ nhỏ mắc phải không thoát ra được đã đành, mà có khi cả đến con bọ sừng bay vướng phải cũng là đi đời nhà ma. Mà bọ sừng là con vật khỏe, ấy vậy mà vẫy vùng, vùng vẫy một lát rồi cũng đành nằm im. Và cái người đến ở trọ chỗ bác nảy ra ý dù thế nào cũng phải bắt cho được con nhện bện lưới ấy. Mà bắt nổi nó không phải dễ gì. Chỉ có một mình tạo hóa là biết nó hoàn thành tất cả các công việc của nó lúc nào. Như bác đây là người rừng taiga, vậy mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ không hề nhìn thấy. Đi trong rừng taiga chốc chốc lại gặp những mạng lưới của nó. Đôi lúc đụng phải, sợi tơ lưới mạng của nó bền chắc đến nỗi thậm chí nghe thấy cả tiếng sợi tơ ấy đứt. Ấy nhưng giây lát đó, bản thân con nhện trốn nấp ở đâu thì có giết bác, bác cũng chịu. Có lần người ở trọ nhà bác, anh ta tên là Anđrây Anđrâyêvích bảo bác: «Bác Xtêpan, bác giúp tôi tóm cho được cái quân vô lại này. Không có nó tôi không chịu nổi. Nó cần thiết vô cùng cho khoa học». Bác mới nói đùa anh ấy, nghĩa là nói đùa anh Anđrây Anđrâyêvích ấy. «Vì sao - bác bảo, - Nga hoàng với các vị cầm quyền lại căm ghét ông đến thế? Ông là con người vô hại đối với chính quyền. Cái thú của ông chỉ là những con sâu con bọ». Chính anh ấy, anh Anđrây Anđrâyêvích, cũng cười lại bác.
Vậy là, lâu hay chóng cũng chẳng rõ nữa, nhưng cuối cùng Anđrây Anđrâyêvích cũng vẫn thuyết phục được bác cùng đi vào rừng taiga bắt con nhện bện lưới. Viên cảnh sát cho phép anh ấy đi vắng ba ngày. Bác với anh ấy cùng đi. Bác tìm cho Anđrây Anđrâyêvích một địa điểm tuyệt vời. Rừng vân sam, linh sam, các loại cây pha tạp. Cây cành khô rất nhiều. Mạng nhện chăng đầy khắp. Bác và anh ấy ngồi rình. Ngồi một tiếng, hai tiếng. Không, nhện không thấy ra. Bác đã mỏi mệt trong cái cuộc đi săn ấy. Thiu thiu ngủ mất. Chợt tỉnh ra. Anđrây Anđrâyêvích vẫn ngồi cảnh giới. Ánh mắt không tý chút nào mỏi mệt. Bác và anh ấy ngồi cho đến chiều tối. Bác đâm ra buồn nản. «Anh Anđrây Anđrâyêvích, - bác bảo, - cho phép tôi. Tốt hơn là tôi về lán. Đã đến lúc phải nấu bữa rồi». Lát sau anh ấy cũng về, uống một cốc trà và lại đi ra chỗ rình. Tôi lên tiếng can ngăn anh ấy: ngoài trời đêm tối rồi đó. Mọi chúng sinh đều sửa soạn đi nghỉ cả. Nhưng anh ấy cứ khăng khăng «tôi đi!» - và chỉ có vậy mà thôi. Anh ấy ngồi rình suốt đêm! Trở về hớn hở, mãn nguyện. Bác nhìn: con nhện nằm trong chai. To tướng, bụng như cái trống; lớn hơn bản thân nó đến hai lần. «Đó, - anh nói, - cái con nhện bện lưới thợ dệt của rừng taiga đấy. Nó bắt tay vào công việc trước khi trời rạng sáng, khi bóng tối dày đặc nhất. Rồi khi tia sáng đầu tiên lóa ra là nó liền thụt ngay vào tổ. Bấy giờ tôi mới tóm được cu cậu...». Cháu Kachia ạ, ở Lukianốpca đã từng có những người như vậy đó. Khi hết hạn đi đày, Anđrây Anđrâyêvích thu thập các con sâu con bọ của mình lại mới thận trọng làm sao. Anh ấy giữ gìn hơn là con ngươi mắt mình. Và cứ nhắc đi nhắc lại với bác: «Bác Xtêpan, bác đừng cười (chả là bác cứ trêu chọc anh ấy suốt), những con sâu con bọ này vô cùng lý thú đối với khoa học đấy. Tôi sống dưới mái nhà của bác ba năm trời không uổng...»
Kachia, cháu thứ lỗi cho là bác nói dông dài đôi chút... Nghe ông Likhatsiốp xong, bác bảo ông ấy: «Nếu ngài giáo sư coi tôi là một người dẫn đường có kinh nghiệm, thì uổng đấy. Vùng Obi và lân cận Ôbi tôi quen thuộc, nhưng ở đây tôi chỉ qua lại theo sự cần thiết của nghề săn bắn. Tôi không thể là người hoa tiêu được đâu. Luồng lạch của các nhánh sông tôi không biết. Tôi đi qua kênh Ôbi - Ênhixây, nhưng như mọi người bình thường, làm cái tay chèo trên thuyền buôn». Ông Likhatsiốp bảo bác: «Ấy không, tôi không lạc đâu, tôi không cần hoa tiêu. Tôi cần chính một người như bác: còn trẻ, khỏe, chính trực, sao cho mọi chuyện giữa chúng ta không có gì lừa lọc nhau cả. Còn anh em khác do bác tự lựa chọn. Công sá tôi trả phải chăng - không cắt xén, không khấu trừ. Tôi không phải là lái buôn, không chạy theo lời lãi. Tôi chỉ quan tâm làm sao đi được khắp các sông, quan sát được đất đai, tìm ra cho khoa học. Bác hiểu cho rằng đây là sự nghiệp thiêng liêng, thế là tốt, là được, còn nếu bác không hiểu thì Chúa phù hộ cho bác. Công sá xứng đáng tất cả lao động của bác và bù đắp các vất vả mà ta sẽ gặp trên đường. Trên đường dài tất nhiên không thể không có những trở ngại vất vả ấy, không phải lần đầu tôi đi vào cuộc hành trình như thế này...»
Vậy đó, nói tóm lại là, bác và ông ấy đã thỏa thuận với nhau. Bác thấy thích thú ông ấy, vả lại về phía ông ấy hẳn ông ấy cũng thích thú bác. «Điều duy nhất, - ông ấy nói, - bác Xtêpan ạ, tôi đề nghị bác là đừng có lấy kẻ say rượu vào đoàn của chúng ta. Tôi, - ông nói, - chính bản thân tôi cũng không phải thầy tu, đôi khi thậm chí cũng rất thích nhấp một hai chén chất cay, nhưng cái gì cũng phải đúng lúc của nó. Thời gian cuộc hành trình của chúng ta, vì mùa hè ở Xibiri ngắn, rất hạn chế, khối lượng việc lại lớn, vì vậy không thể say sưa được. Còn cái chuyện uống để đỡ mệt mỏi hay đỡ lạnh cóng và ẩm thấp, chuyện ấy thì không cần phải nhắc nhở tôi; tự bản thân tôi sẽ rót mời mỗi người một cốc. Trong trường hợp như vậy rượu vốtca được ghi trong chương trình của chuyến khảo sát». Bác hứa sẽ thực hiện mọi điều ông đòi hỏi. Bác đã lựa chọn được một số anh em nhất nhất như nhau. Bác đã nhiều lần cùng họ đi rừng taiga, thử sức lực và sự tháo vát của họ. Như vậy là bắt đầu từ đấy bác trở thành gần như cánh tay phải của giáo sư Likhatsiốp. Liền trong năm năm trời bác cùng ông ấy đi khắp các sông. Bác và ông ấy sống qua hai mùa hè ở Keti, cả hai lần đều vượt sang sông Ênhixây. Likhatsiốp yêu mến mảnh đất này. Bác thì bác không biết duyên cớ vì sao, nhưng có điều ông cứ như bị hút về những miền này, mặc dù ông vốn quý trọng tất cả mọi miền đất, bất kể nơi nào ông có dịp tới. Có khi, ông lên tới bờ, hai chân đứng dang rộng, hai tay chống nạnh và nhìn ra xa hồi lâu, lâu mãi. Trong khóe mắt ông - vẻ thỏa mãn, trên đôi môi nở nụ cười. Có khi im lặng đứng như vậy, khi khác thì cất tiếng nói se sẽ, như tự nói với mình: «Bất luận ai đã tạo ra bà mẹ trái đất đi nữa, nhưng quả là đã tạo nên một cách khéo léo. Chà, ở đây tàng trữ biết bao nhiêu là bí ẩn». Và đưa tay bao quát khắp bầu trời, rừng cây, sông suối, sau đó tư lự xuống thuyền, gật đầu cho bọn tay chèo các bác: «Anh em mugích, chèo đi!». Cái từ «Anh em mugích» ông yêu thích một cách đặc biệt. Khi hài lòng, ông bảo: «Anh em mugích, bữa nay anh em ta đã làm ra trò». Nhưng nếu công việc không được thỏa mãn, cũng lại bằng cái giọng điệu ấy: «Sao, anh em mugích, bữa nay anh em ta làm ăn đuối hẳn thế. Không lẽ anh em bắt đầu buồn nhớ vợ, nhớ con rồi ư?»
- Thế người cháu đầu bù của ông ấy cũng cùng các bác đi khắp các sông suối ư? - Kachia hỏi.
- Cùng đi một năm. Đúng vào lần các bác theo Keti xuyên tới Ênhixây. Ông Likhatsiốp rất đỗi yêu thương anh ấy. Động có chuyện gì một tý là ông réo gọi: «Ivan! Lại đây mau! Xem này!». Còn anh kia thì có khi ngồi mảng và thế là biến đâu mất. Ngoảnh đi ngoảnh lại, anh ấy đã rẽ vào cửa lạch, hoặc là nhánh sông đâu đó rồi. Mò mẫm ở đấy. Các hố, hõm nước xoáy, sụp lở bờ - đó là những địa điểm yêu thích của anh ấy. Đôi khi, anh ngồi im lặng hàng giờ đồng hồ ở đấy như thể con dẽ giun đậu trong đầm lầy. Anh ấy nhìn ngắm, lấy ngón tay bóp vụn những tảng đất. Buổi tối trong bữa ăn họ trò chuyện - không biết đâu là cùng. Các bác bỏ về lều của mình, còn họ ngồi lại, hết đánh dấu vào các tấm bản đồ lại viết nhật ký vào những cuốn vở dài dài là. Họ đối xử với các bác như với những người ngang hàng, cùng ăn từ một cái nồi chung, uống cũng từ cái ấm đun nước bằng đồng. Bác không dám chê trách một điều gì hết. Và việc thanh toán thì sòng phẳng từng đồng côpếch.
- Nhưng thưa bác Xtêpan, sao bác lại chỉ có mỗi một tấm ảnh thế nhỉ? Không lẽ chỉ có mỗi một thôi?
- Bác chỉ có một tấm. Nhưng các bác được chụp nhiều lần. Ông Likhatsiốp có ông giúp việc Êgor Vaxiliêvích cũng là một tay mugích hiểu biết và chững chạc, ông ấy là người am hiểu cây cỏ. Đi thu thập thực vật. Ông ta sử dụng máy ảnh. Có khi, các bác đang đi trên sông, mà những nơi đẹp thì kể không xiết, các bác mà gặp được một bãi nổi ngoạn mục là xin dừng lại cho. Êgor Vaxiliêvich lôi cái giá ba chân ra đặt vào chỗ chắc chắn và chụp ảnh. Ông Likhatsiốp đối xử với ông ấy hết sức trân trọng. Mà ông Êgor Vaxiliêvích cũng đã có tuổi, không thể nào trẻ hơn giáo sư Likhatsiốp. Nhưng, tất nhiên, sự thể không phải ở chỗ bãi nổi đẹp - khoa học cũng cần có những bức ảnh như vậy. Bờ sông, cây cối, dòng chảy đều lạ kỳ và hẳn là có nhiều hi vọng. Trong thời kì đi trên các sông, các bác được ông Likhatsiốp nói cho nghe đủ thứ chuyện. Thường là ông thích nói: «Không có đất trống chẳng để làm gì, chỉ có những đất đai mà con người hoặc đã nghiên cứu hoặc ít hoặc nhiều hoặc là hoàn toàn chưa nghiên cứu được. Dần dần, con người sẽ biến tất cả thành có ích, không có lối thoát nào khác. Địa cầu tưởng là rộng lớn không lường được, thực chất đó là điều tự lừa dối. Bởi vì sẽ đến lúc, dân số của địa cầu sẽ vượt quá năm tỷ người». Likhatsiốp rất thích suy luận. Tất nhiên là đối với bác thì những điều suy luận của ông ấy không hiểu hết, tuy nhiên dù sao đi nữa nhờ ông, bác cũng biết ra được nhiều điều.
- Chà, thật tiếc là bác chỉ có mỗi một tấm ảnh! Giá mà cháu được làm kỷ niệm! - Kachia thốt lên.
- Ấy, bố mình còn có thứ khác nữa để kỷ niệm đấy, - bỗng nghe thấy tiếng của Masa. Cô ta đã đứng phía sau lưng Kachia mấy phút rồi, mê mải theo dõi câu chuyện của bố. «Ôi, lạy Chúa, vì sao mà cô ấy lại có mặt rồi? Thế là không cho mình chuyện trò đến cùng». - Ý nghĩ ấy thoáng hiện lên trong đầu Kachia, và cô quay lại ném cái nhìn bất bình lên Masa.
- Con nói về cái gì thế, Masa? - bác Xtêpan hỏi, và Kachia có cảm giác là giọng nói của bác thoáng vẻ không bằng lòng.
- Sao lại về cái gì nữa? Về bó giấy má ấy, bố ạ, cái gói giấy nằm trong hòm khóa chặt. - Masa đẩy vào vai Kachia, láu lỉnh nhìn cha, giải thích: - Bố mình gìn giữ những giấy tờ ấy như bảo vật vậy. Chẳng cho phép ai ngó xem hết...
- Masa, bố phải giữ gìn vì đó là các giấy tờ của người khác, chúng có chỗ của chúng. Bất chợt cần đến...
Kachia bối rối ngước nhìn bác Xtêpan, sau đó quay nhìn Masa. Bây giờ trong đôi mắt của cô sáng lên ánh cầu khẩn: «Xin bác đừng im lặng, vì Chúa, xin bác đừng im lặng. Bởi vì, có thể, trong các giấy tờ ấy có cái gì đó cần thiết cho Akimốp». Masa, tất nhiên, không thể biết rõ được chính xác những ý nghĩ gì lúc này đang làm Kachia xúc động, nhưng cô hiểu rằng Kachia rất muốn được biết điều gì đó cụ thể hơn về các giấy tờ được cất giữ trong hòm nhà bác Lukianốp.
- Bố kể cho Kachia nghe chuyện giấy tờ đã rơi vào tay bố ra sao đi. Chị ấy đang muốn biết, - Masa nói giọng ít nhiều nịnh nọt, đụng nhẹ vào tay ông bố để trên bàn.
- Xin bác kể! - Kachia thốt lên, nhìn vào mặt bác Lukianốp.
- Con chỉ hay bép xép, Masa! Con là đứa như vậy đó. - Giọng của ông bố nghiêm khắc và không hứa hẹn điều gì làm yên lòng. Kachia ngượng nghịu cúi đầu nhìn xuống, Masa cũng bối rối. Cả ba người im lặng hồi lâu. Cuối cùng bác Xtêpan dịu đi. Cặp mắt màu tro pha nâu sáng lên, bác lên tiếng:
- Trong khi vội vã, một bó giấy tờ bị bỏ quên lại ở một trong các khu lán đóng quân. Bác tìm thấy lại sau hai năm. Khi bác đưa đến Tômxcơ cho giáo sư Likhatsiốp, ông đã về Pêtrôgrát. Vì thế mà nó vẫn nằm ở nhà bác... Nhưng Masa, con là không được bép xép về chuyện này nữa đâu nhé. Những giấy tờ này đầu óc chúng ta đâu hiểu nổi. Có dịp cần đến - Likhatsiốp sẽ đòi hỏi. Theo lệnh của ông mà bác phải đi đến Keti để tìm kiếm vì... Vậy đó...
- Chà chà, - Kachia gật đầu hiểu biết. Cô muốn tỏ ra đối với cái tin này thật bình thản, nhưng ý nghĩ của cô bỗng sôi lên như nước sôi trong cái cà mèn đi rừng taiga, sôi lên một cách mãnh liệt, không kìm lại được. Bởi vì nếu như Đảng của cô thể hiện mối quan tâm đến Likhatsiốp, tổ chức cuộc chạy trốn gian khó đến như vậy cho Ivan Akimốp từ Narưm sang Xtốckhôn, thì cô, người giao liên của Đảng, người tham gia tích cực vào cuộc chạy trốn, đối với cái tin về bó giấy tờ của Likhatsiốp do một hoàn cảnh lạ lùng đang được giữ ở nhà bác thợ săn; làm sao lại có thể dửng dưng, thờ ơ được? Không, không. Nghĩa vụ Đảng của cô... Nhưng trong tình huống cụ thể này nghĩa vụ Đảng của cô là thế nào đây, cô không biết được rành rọt. Cố xóa bớt đi cái không khí ngượng ngùng vừa xuất hiện trong mối quan hệ giữa cả ba người - bác Lukianốp, cô Masa và bản thân cô, Kachia lên tiếng cảm ơn bác Xtêpan về cuộc chuyện trò, dường như ở đây không hề nhắc đến giấy tờ nào của Likhatsiốp.
Bác Lukianốp cảm thấy cô gái cố gắng làm dịu thái độ gay gắt của bác, nhưng bác cũng không thể thay đổi ý kiến mình ngay. Bác lại châm thuốc hút, ho húng hắng, đưa nắm tay lên che miệng, khép hàng mi dài giấu đôi mắt đi.
Bác gái Tachiana Nhicanôrốpna bước vào tay xách cái xô sắt đựng sữa. Kachia không nghe thấy khi bác ấy từ bếp đi qua để ra sân, nhưng dù sao khi bác ấy trở vào thật là vừa hay đúng lúc.
- Chắc ông lại nhét vào đầu cho bọn các cô những chuyện hoang đường rừng rú hẳn? Bọn thợ săn ấy à, về khoản ấy đều là những tay thiện nghệ, - bác gái Tachiana Nhicanôrốpna cười khẩy. - Nhưng dù sao đi nữa, cũng có việc này đây ông Xtêpan: ông đi bổ cho tôi ít củi bạch dương. Củi thông khói và nổ khiếp.
Bác Lukianốp vội đứng dậy, lặng lẽ mặc thêm chiếc áo lông cừu lửng, đội mũ lông, vội vã đi ra ngoài trời.
o O o
Suốt cả ngày hôm đó Kachia ở nhà có một mình. Hai vợ chồng bác Lukianốp đi sang làng bên thăm hỏi người chị của bác gái Tachiana Nhicanôrốpna khó ở, còn Masa đi đến nhà Tsernốp. Chả là có một công việc vớ vẩn gì đó - mang trả cái cân lò xo thì phải. Đến nhà Tsernốp, lại gặp Timôphây ở nhà. Vì thế Masa mới nán lại «một phút» - từ sáng đến sẩm tối.
Trong căn nhà bác Xtêpan vắng vẻ, Kachia suy đi nghĩ lại về cái cảnh mà cô rơi vào.
Qua vài ngày nữa theo lệnh của Naximôvích cô phải quay trở về Tômxcơ. Nếu như Akimốp vẫn bặt vô âm tín như trước, thì không loại trừ cả việc Kachia phải quay về Pêtrôgrát. Vả lại, nghĩa lý gì mà cô nán lại Xibiri nữa, khi ở đó, ở Pêtrôgrát, công việc đầy rẫy? Thêm vào đấy, đã sắp đến kỳ thi tốt nghiệp rồi, đến lúc phải ngồi vào học.
Nhưng vấn đề lại ở chỗ khác. Liệu cô có thể, cô có quyền gì rời nơi đây, rời khỏi làng Lukianốpca, mà chưa hay biết đến nơi đến chốn cái bó giấy tờ kia của Likhatsiốp được bảo quản ở nhà bác Lukianốp, là bó giấy tờ gì? Có thể nhiệm vụ Đảng chính là ở chỗ phải chiếm được bó giấy tờ này, đưa nó về Pêtrôgrát và trao lại cho anh cô. Có gì bảo đảm để những giấy tờ này của giáo sư Likhatsiốp không bị thất lạc hoặc bị đánh cắp, hoặc tồi tệ hơn thế nữa, rơi vào tay kẻ lạ? Tất nhiên Kachia không biết tất cả các điều quan tâm cụ thể của Đảng mình, nhưng xuất phát từ những điều người anh cô và Ivan đã nói với cô, cũng như từ nhiệm vụ cô được giao phó nhân việc chạy trốn của Akimốp, cô hoàn toàn hiểu rõ rằng những người bônsêvích coi việc giai cấp công nhân lên nắm chính quyền là chuyện một tương lai gần gụi và họ hoàn toàn không dửng dưng trước các thành tựu của khoa học, các chân lý và các phát kiến của nó do lao động lâu dài của các trí tuệ ưu tú nhất của nước Nga tạo nên, rơi vào tay ai và ở đâu.
Trong những giờ phút có một mình ở nhà này, đầu óc Kachia đã nẩy sinh ra bao phương án khác nhau. Có lúc cô cảm giác rằng cô sẽ phạm phải một lầm lỗi không thể sửa chữa được, nếu như chính mắt cô không xem xét được các giấy tờ của Likhatsiốp. Nhưng ngay đó cô lại đặt cho mình câu hỏi: việc đó sẽ cho cô cái gì? Likhatsiốp là một nhà bác học, một nhà nghiên cứu lớn. Chắc hẳn, những giấy tờ ấy của ông là tài liệu chuyến khảo sát. Nghĩa là, chắc chắn hơn hết trong bó giấy tờ đó là các tấm bản đồ, các nhật ký hiện trường, các phác họa. Tất cả cái đó Kachia đã gặp thấy nhiều vô kể trong căn hộ của Likhatsiốp tại Pêtrôgrát, những khi thỉnh thoảng cô chạy đến tìm Ivan. Vả lại chính ở chỗ Ivan, các giá gỗ trong buồng anh cũng chất đầy những giấy tờ như vậy, phải nói thêm là chúng đều có cái vẻ cũ kỹ dãi dầu cả rồi. Có nghĩa là, hiểu được cái gì đó trong các giấy tờ kia, tóm bắt được cái điều chủ yếu nhất, nếu quả thực những giấy tờ kia có một giá trị khoa học, thì cô không làm được. Giá mà các giấy tờ ấy nói về các thời đại lịch sử hoặc các sự kiện lịch sử, như vậy lại là chuyện khác, dù sao đi nữa cô cũng là nhà sử học, xã hội học, kinh tế học, còn thiên nhiên, những bí mật của nó lại là một lãnh vực không với tới được đối với cô.
Kachia bác bỏ cả phương án của cô liên quan đến chuyện đoạt lấy bó tài liệu. Thế thì cô sẽ làm như thế nào? Thuyết phục bác Lukianốp, để bác ấy tự nguyện, hoàn toàn tự nguyện trao cho cô giấy tờ của Likhatsiốp, tất nhiên không xong rồi. Bác Lukianốp đã tỏ cho mọi người cảm thấy rằng các giấy tờ này không ai được động đến, chúng chỉ có một chủ - đó là giáo sư Likhatsiốp. Vả lại, cô sẽ làm gì với số giấy tờ này? Không phải chỉ giấy tờ mà chính cái đầu cô, cô phải giữ cho toàn vẹn.
Cuối cùng Kachia tìm ra một giải pháp duy nhất. Củng cố trong nhận thức của bác Xtêpan niềm tin tưởng rằng các giấy tờ của giáo sư Likhatsiốp phải được bảo quản thật đâu vào đấy và bất di bất dịch cho tới tận cái giờ phút khi chính ông đích thân đòi xin lại chúng. Và Kachia còn có một quyết định nữa: về tới Tômxcơ, ngay trong lần gặp lại đầu tiên với Naximôvích, cô sẽ thông báo ngay về chuyện các giấy tờ của giáo sư Likhatsiốp với Đảng ủy Tômxcơ. Bởi vì còn chưa rõ số phận sau này của giáo sư Likhatsiốp ra sao, liệu ông có từ nước ngoài trở về và đòi hỏi các giấy tờ ông để quên lại Keti? Tất cả cái đó lúc này đều chưa rõ. Nhưng thật là một bất hạnh lớn, nếu như vì lý do này hoặc lý do khác, các giấy tờ của giáo sư Likhatsiốp bị vĩnh viễn lãng quên.
Suy nghĩ về tất cả mọi chuyện đó, Kachia mấy lần tiến gần lại trước tấm ảnh và chăm chú nhìn ngắm dung mạo của Ivan Akimốp, thầm thảo luận với anh xem cô nên xử sự thế nào cho tốt. Khi mọi lo âu của cô đã lắng xuống và một quyết định đã hình thành, quyết định cuối cùng và thông minh nhất, cô lấy ở túi bí mật ra cuốn sổ ghi chép và bằng những từ viết tắt gọn, ghi lại các tên họ, bằng các chữ cái và các dấu hiệu ước định cô ghi lại tất cả các sự việc của mấy ngày qua. - Trong các ghi chép này Naximôvích được gọi là bác thợ cả, bác Xtêpan - con hươu tuần lộc, Dina - hoa hậu, còn Masa - con sóc. Tại sao lại chính là con sóc hay con hươu, cô hẳn cũng không giải thích nổi. Cả Masa cũng không có gì gợi nhớ đến con sóc, cả bác Lukianốp cũng không có gì giống con hươu tuần lộc.
Masa trở về bắt gặp Kachia đang làm việc đó. Cô ta hớn hở, nói luôn miệng, và niềm hạnh phúc cứ tràn ra từ đôi mắt tươi cười của cô.
- Ôi, Kachia, mình kể cho cậu chuyện gì đây nhỉ! - Masa lên tiếng, khi vừa bước qua ngưỡng cửa. - Bài thơ mà cậu ngâm hôm qua ở tối vui ấy mà đang lan truyền khắp làng. Anh Timôphây Tsernốp có cậu em trai, chú ấy còn đang học phổ thông. Vừa rồi ở phố về và bảo: «Anh Timôphây, em biết bài thơ về số phận người lính của các anh». Và đọc lại đúng từng lời! Anh Timôphây hỏi: «Ai dạy thế?» - «À, tất cả đều biết. Người nọ học người kia. Còn mở đầu của tất cả mọi mở đầu là Piốt Xcôbenkin. Anh ấy đã kể lại cho các bác mugích đốn gỗ nghe...»
- Liệu thế có hay ho gì không? Bọn họ có hoạnh họe đến mình không? - Kachia lo lắng nói và nhìn Masa dò hỏi. Nhưng Masa thì lúc này có trời cũng bằng vung. Cô khoát tay vô tư lự, vừa cười vừa nói:
- Mà ai hoạnh họe gì kia chứ? Lão quản cảnh sát ư? Lão thì ngu ngốc nhất trong những đứa ngu ngốc.
Lời lẽ của Masa ít nhiều có làm cho Kachia yên lòng, nhưng dù sao đi nữa cũng không dập tắt hẳn nỗi lo ngại băn khoăn. Chốc chốc cô lại ngó nhìn ra cửa sổ, linh cảm một cái gì đó bất ngờ. Ngoài đó, tuyết rơi từng bông xốp, bầu trời về chiều trở nên ảm đạm, những cành dã anh trơ trụi lay động trong gió.
Trong khi vợ chồng bác Lukianốp còn chưa về, Kachia quyết định nói chuyện với Masa về các giấy tờ của giáo sư Likhatsiốp. Một khi cô ta đã bị ông bố mắng một mẻ vì tội bép xép, nhân đà cũng cần bồi thêm để cho cô nàng nhớ mãi?! Cái điều mà cô ta đã nói cho Kachia biết, xin cám ơn, nhưng làm sao để chuyện ấy không lan đi tiếp, không làm cho người ta chú ý, những người có khả năng gây tác hại cho nhà bác học ấy. Liệu Masa có hiểu ý nghĩa những giấy tờ ấy không? Cô ta liệu đã hiểu rõ tại sao mà bố cô đã mắng cô một cách gay gắt đến thế?
Kachia mở đầu thận trọng, đi hơi xa, nhưng Masa nhanh chóng hiểu ngay là chuyện sẽ đi đến đâu.
- Thế mà mình lại nghĩ là cậu phật ý với bố mình! Vì bố mình bịt miệng cả cậu nữa, mặc dù cậu là khách... Lại có thể thế ư? Không hiểu ông bố mình bực bội chuyện gì thế. Đối với bọn mình, con cái trong nhà, bố mình vốn bao giờ cũng dịu dàng.
- Sao lại phật ý kia chứ! Masa ạ, cũng có thể hiểu được bố cậu. Tài liệu không phải của bác. Tên tuổi của nhà bác học này lừng lẫy khắp cả nước Nga và ở nước ngoài. Tiếng đồn lan đi, người ta sẽ tra hỏi - cái gì nào, tại sao nào? Vậy mà muốn hay không, hoàn cảnh của bác thật khó xử: nhiệm vụ của bác là phải gìn giữ giấy tờ tài liệu này và chỉ trả lại cho một người - giáo sư Likhatsiốp.
- Thì chẳng nhẽ mình lại không hiểu sao, Kachia?! Mình hiểu hết! Mình chỉ nói cho mỗi một mình cậu. Và có thế thôi! Không còn nói cho ai một lời nào nữa.
- Thế thì tốt! Và cậu cũng nói lại với bố cậu để bác yên tâm về mình. Mình không phụ lòng bác đâu.
- Đã nói chuyện ấy rồi. Ngoài sân bố mình đã gặp mình và nghiêm khắc mắng mình. Còn dữ hơn sáng! Phần mình, mình đã cam đoan với bố: bố cứ yên tâm về Kachia, chị ấy đã nghe được chuyện về những giấy má ấy, nhưng đã quên ngay tức thì.
- Quên thì mình không quên đâu, nhưng một lần nữa mình nói: mình sẽ không nói cho ai biết tí gì hết. - Và Kachia bắt chéo hai tay đặt lên ngực. Masa bất giác lây theo cơn xúc động và cũng bắt chước điệu bộ như vậy.
- À kia, bố mẹ mình về rồi! - đưa mắt nhìn ra cửa sổ, Masa nói.
Bác Lukianốp và bác gái Tachiana Nhicanôrốpna đi nối theo nhau. Bác gái đi trước, bác trai Xtêpan bước theo đúng từng vết chân bác gái. Tuyết lại đã phủ những vệt trắng lên người họ. Cái mũ lông cừu mầu đen của bác Lukianốp cao lên gần một gang tay: tuyết phủ trên chỏm thành cả một ngọn tháp. Trên đầu bác gái Tachiana Nhicanôrốpna tuyết cũng phủ thành một cái mào trắng. Vòm lông mày của bác gái cũng như của bác trai đều được tô đậm lên bằng tuyết, tuyết nằm trên vai áo như những chiếc cầu vai bằng sợi bạc thật. «Bây giờ thế nào mình cũng nói chuyện với bác ấy... Bác ấy sung sướng thật, được sống bên Akimốp suốt cả một mùa hè», - ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu Kachia.
- Masa, đặt ấm xamôva đi. Sao thèm uống trà quá đi mất hả, - vừa bước qua ngưỡng cửa, bác Lukianốp đã nói ngay.
Ở hiên cửa bác bỏ mũ, giũ tuyết và cầm mũ bước vào nhà. Bác gái Tachiana Nhicanôrốpna vào nhà cũng cầm khăn san trên tay:
- Chị Phêđôxia cho ông nốc đẫy rượu mật ong, vì thế bây giờ mới khát, - bác gái Tachiana Nhicanôrốpna cười khẩy.
- Cho tôi nốc đẫy ư! Đã gọi là nốc đẫy đối với tôi cứ phải là cả một xô. Bẩm sinh tôi vốn đã vững vàng đối với chất say. Mà rượu mật ong khá đấy! Bà chị Phêđôxia cừ thật. - Bác Lukianốp tất nhiên không say, nhưng dù sao đi nữa cũng hơi ngà ngà.
- Bên nhà bác mọi người khỏe mạnh cả chứ ạ? - Masa hỏi, hối hả bắt tay vào chuẩn bị chiếc ấm xamôva.
- Thời buổi này, con gái ạ, cuộc sống đâu cũng chung một vết bánh xe mà thôi. Hôm nay no, xin ơn Chúa, còn ngày mai - Chúa cho gì được nấy. - Bác gái Tachiana Nhicanôrốpna xếp sắp chiếc khăn san ngày lễ của mình lên giá treo áo, chiếc khăn do anh con trai cả mua làm quà cho bác và vì thế giờ đây đối với bác càng quí giá hơn.
- Masa, con có nhớ ở Xtarơ - Lukianốpca trước có bác thợ săn Paraphên Xavêliep? - treo chiếc áo lông cừu lửng và mũ lông lên móc, bác Lukianốp hỏi.
- Có chứ ạ, có nhớ chứ! Bác ấy còn cùng với bố đánh cá ở hồ...
- Đúng, đúng. Bác ấy bị giết chết rồi. Thế con có nhớ bác Tikhôn Tsernôpiatkin? Chính cái bác đã cùng với bố lui tới vùng Keti kiếm ăn ấy!
- Con nhớ. Mặt bác rỗ hoa.
- Đó, đó! Cả bác ấy cũng bị giết chết rồi.
- Lạy chúa!...
- Thế con còn nhớ bác Philip Kônôplép? Cũng cùng với bố lui tới vùng Keti kiếm ăn. Một tay mugích như tranh vẽ ấy - đẹp, khỏe. Một mình lái đò ngược dòng chảy xiết. Cả bác ấy nữa cũng bị giết chết rồi.
- Bố ơi, sao lại đến như thế được? Liệu chuyện này sắp chấm dứt hay chưa? - Masa thốt lên và nhìn Kachia với nhiều ngụ ý. Kachia thoạt đầu không hiểu cái nhìn ấy có nghĩa gì, Masa muốn nói gì với cô? Có thể, chỉ vì điều này gợi nhớ đến câu chuyện với người lính ở dọc đường chăng?
- Một ngày nào đó sẽ kết thúc, có điều là người làm công của Nga hoàng liệu sẽ còn lại nhiều hay không - cái đó thì không rõ. Trong phường hội của tôi, cái phường hội cùng lui tới Keti, mất đi một nửa rồi. - Bác Lukianốp nặng nề ngồi xuống cái ghế đẩu bên bàn, rụt cái đầu xuống giữa đôi vai góc cạnh dướn cao. Khi ông bố nhắc nhở đến Keti, Masa lại đưa mắt nhìn Kachia. Chỉ bây giờ Kachia mới hiểu ý nghĩa của cái nhìn này. Bác Lukianốp tự lên tiếng về Keti. Có thể, tất nhiên, bác đã quên cơn bực bội tức giận của mình hồi sáng, mà có thể, lòng bác hối hận, bác hiểu ra là cả con gái bác, cả cô bạn gái tỉnh thành của nó đều không gây cho bác điều gì đáng ngại về những giấy tờ của nhà bác học hiện đang được bảo quản trong cái hòm có ổ khóa lớn của bác. Phẫn nộ mắng mỏ con gái thật là vô ích, lại hóa ra không được lịch sự với khách.
Cảm thấy rằng bác Lukianốp có vẻ đôn hậu, mặc dù buồn, Kachia ngồi ghé vào bàn đối diện với bác. Gần như suốt cả ngày cô đã im lặng, suy nghĩ, nên bây giờ cô muốn được chuyện trò quá. Ai biết được, có thể, bác Lukianốp lại kể cho biết một điều gì đó lý thú về Ivan Akimốp, về cuộc hành trình trên các con sông Xibiri, nhưng nếu bác có kể chuyện gì đó về rừng taiga, về lao động của những con người sống trong rừng taiga, cô cũng sẽ lấy làm mãn nguyện. Khi trở về Pêtrôgrát cô hẳn sẽ phải thông báo trước đảng ủy.
Bác Xtêpan linh cảm như thế nào đó, đã đoán ra tâm trạng của Kachia. Ngay hồi sáng bác cũng đã cảm thấy rằng Kachia thuộc lớp thanh niên mà mọi cái chung quanh đều lý thú và họ không xa cách những người lớn tuổi hơn, dù những người ấy có hơn họ hàng hai ba lần tuổi cũng vậy.
- Vừa nãy nghe câu chuyện của bác với Masa - lưng cháu sởn gai ốc... Làng xóm sẽ đứng dậy chứ, bác Xtêpan? Theo bác thì thế nào? - Kachia hỏi.
- Kachia ạ, làng xóm không còn sức lực nữa. Chiến tranh đã moi rỗng nó rồi. Bác không còn hiểu rồi đây sẽ ra sao nữa. - Bác Lukianốp ngẫm nghĩ, im lặng, nhưng đột nhiên như sực tỉnh ra, lên tiếng một cách vội vã và cáu kỉnh một cách lạ thường: - Làng xóm còn lấy đâu ra sức lực kia chứ? Sức lực ưu tú nhất của nó nằm xuống thành phân bón cho đất rồi. Chờ cho lớp nhân công mới lớn lên - hàng bao nhiêu năm nữa kia. Và không thể làm gì được cả, và không có gì có thể giúp cho nỗi bất hạnh này.
«Kể ra có thể giúp được đấy, bác Xtêpan ạ. Có thể giúp được bằng cách mạng, bằng việc lật đổ chế độ», - Kachia suy nghĩ nhưng phát biểu ra ý nghĩ ấy một cách thận trọng hơn nhiều.
- Nhưng có thể, mọi trật tự sẽ thay đổi? Sự thay đổi sẽ mang lại sự đổi mới cho cuộc sống...
- Nhân dân đã kiệt quệ vì các trật tự ấy. Đó là sự thật. Chỉ có điều cái chuyện đổi mới cuộc sống đó không phải là việc đơn giản. Từ thuở biết nhớ, bác thường nghe người ta nói như vậy nhưng hiện nay vẫn giậm chân tại chỗ.
«Không lẽ Ivan, cùng hành trình với bác ấy ở Keti, lại không thuyết phục được bác ấy thấy chân lý của các lý tưởng cách mạng?» - Kachia lại suy nghĩ, chăm chú ngắm nhìn gương mặt nghiêm trang chính trực của bác Lukianốp.
- Ấy, không thế nữa rồi... Sự giác ngộ của quần chúng nhân dân đang lên cao, - Kachia nói và mặt đỏ ửng lên, đâm ngượng ngập, hiểu ra là cô vừa thốt ra những lời sách vở, mặc dù thật ra là đúng.
Bác Lukianốp ném cái nhìn dò hỏi sang Kachia và đưa đôi mắt mầu sắc khác nhau của mình quay nhìn sang bên cạnh.
- Cháu Kachia, kẻ khóc thương cho nhân dân nảy nòi ra nhiều hơn mức cần thiết. Nhưng họ chẳng được cái tích sự quái gì cả.
Bác Lukianốp nói như thể nhát dao chém. Bác quay ra cửa sổ, còn Kachia nhận ra rằng nói hão nói suông không hợp với tính nết của bác Lukianốp. «Bác ấy không tin mình, không tin chút xíu nào cả», - Kachia phật ý nghĩ thầm, nhưng ngay tức khắc cô tự nhủ: «Nhưng tại sao bác ấy, nói cho cùng, lại phải cởi mở với cô kia chứ? Cái kỳ vọng mới lạ lùng! Cô có thể gây được thiện cảm của bác ấy bằng cái gì kia chứ?» Điều quan trọng nhất lúc này - cần thay đổi đề tài và giọng điệu câu chuyện khi chưa đứt hoàn toàn sợi chỉ vẫn còn liên kết họ lại. Kachia cảm thấy điều đó một cách sâu sắc, đến mức thần người ra. Nhưng cô không biết lên tiếng bắt đầu chuyện trò về điều gì, động vào sợi giây nào trong bao nhiêu sợi giây vô hình dẫn đến những nơi sâu kín của tâm hồn con người này. Vừa hay bác gái Tachiana Nhicanôrốpna đã hỗ trợ.
- Bố nó, ông kể cho các cô ấy về chuyện cướp ở đường quan đi. Ôi, lạy Chúa, mới khiếp làm sao!
- Bà thì cứ luôn luôn thích đem chuyện ra dọa, - bác Xtêpan, hết nhìn vợ lại chuyển sang nhìn Masa và Kachia.
- Thì không phải thế sao?! Theo ông thì như thế nào nào, lòng mẹ có thể nào yên được? Đấy con Masa đấy, nội trong năm nay ba lần nó về. Lần này thì là không phải một mình đấy, nhưng còn các lần khác?
Bác gái Tachiana Nhicanôrốpna như lệ thường, lại vội công vội việc. Bác vớ lấy cái xô đựng nước uống cho con bò cái, bỏ ra sân, không cần biết, bác trai sẽ kể cho con gái và bạn nó nghe về sự việc kinh khủng nào đó hay lại im lặng. Trước đây có lần cũng đã xảy ra như vậy rồi.
- Bác Xtêpan, bác kể cho chúng cháu nghe đi! - ngước đôi mắt nài nỉ nhìn bác Lukianốp, Kachia khẩn khoản nói, không bỏ lỡ cơ hội tiếp tục trò chuyện, dù là chuyện hoàn toàn không phải về điều mà cô muốn.
- Chuyện này bữa nay ở nhà bác Phêđôxia bên làng Lukianốpca cũ, người ta đã kể cho chúng tôi nghe, - bác Lukianốp bình thản mở đầu. - Có phải là chuyện đã xảy ra thật chăng hay lời đồn đại thêu dệt - tôi chịu không thể nói được. Tôi nghe được thế nào, thì cũng là cứ xin nói ra như vậy. Dường như sự thể xảy ra là thế này. Một cỗ xe ngựa Bưu điện từ Tômxcơ ra đi. Lần ấy người ta chở tiền cho trẻ con mồ côi và vợ lính. Ngồi trên xe là bác đưa thư tàn tật với ông lão đánh xe tuổi có dễ đến tám mươi rồi. Vậy là, cỗ xe ung dung đi lặng lẽ hiền hòa, bỗng qua Pốtlômnưi ở quãng mương xói, đón sẵn họ là một lũ cướp: «Đứng lại». Hai người dừng xe. Bác đưa thư bị chúng quật xuống nhét giẻ vào mồm cho khỏi kêu lên, còn ông già chúng cho một đòn vào sọ. Ông cụ thì cần phải nhiều nhặn gì? Vậy là, chúng cướp sạch số tiền của trẻ mồ côi rồi biến. Nghe nói: hiện nay cảnh sát đang đi lùng chúng khắp các làng. Nhưng mà moi đâu ra bọn chúng, những quân ăn cướp ấy kia chứ?
- Bác Xtêpan, cháu với Masa cũng đã được nghe nói về chuyện này, - Kachia nói.
- Có hai viên cảnh sát đi vượt lên trước chúng con. Họ vội vã phóng ngựa đi đâu chẳng biết. Còn đi theo họ là một cỗ xe thư có lính áp tải bảo vệ, - Masa nói thêm, đưa mắt nhìn Kachia và như thể nhận được sự đồng ý kết thúc tại đây cái thông báo cho ông bố về cuộc gặp gỡ trên đường cái. Về cái chuyện Karpukhin ra lệnh cho họ đi nhờ, chắc hẳn tính toán rằng đến Xêmilugiơki sẽ tổ chức cuộc truy hoan, thì hai cô gái không kể ra: trong việc ấy có cái gì đó khiếm nhã lắm.
- Cứ coi là hỏng bét rồi!.. Ở đây trên quan lộ Xibiri xưa kia còn xảy ra những chuyện hơn thế nữa kia. Chúng từng cướp đoạt những đoàn xe chở vàng. Và cho đến nay đâu vào đấy kín như bưng. Còn tìm ra cái túi tiền trẻ mồ côi này giấu ở đâu thì đừng hòng! - bác Lukianốp cười nhạt. - Hừm, hai viên cảnh sát! Hóa ra là chính các vị cảnh sát ấy chẳng lại chia phần với bọn cướp ấy à... Đi cướp bóc của ai kia chứ, thật khốn nạn, quân đáng nguyền rủa! Cầu cho những đồng tiền của trẻ mồ côi, những người vợ góa sẽ làm tắc nghẹn cổ chúng nó!
«Ôi, trong cơn giận dữ bác ấy thật thẳng tay!» - Kachia thầm nghĩ, lòng thỏa mãn, nhận thấy là đôi mắt mầu khác nhau của bác Lukianốp nheo nheo lại như mắt mèo, và lóe sáng lên trong tranh tối tranh sáng một ánh thép...
- Mới đây cháu hỏi bác về xóm làng, cháu Kachia này: làng ta sẽ nổi dậy chăng? - sau một lát im lặng, bác lên tiếng, tư lự nhăn trán và gõ gõ các ngón tay xuống mặt bàn. - Việc đó thật là vô cùng gian khó. Chiến tranh đã lấy đi mất lực lượng ưu tú nhất. Cuộc sống xóm làng bắt đầu lung lay rồi, và bây giờ không gì có thể ngăn chặn được sự đổ vỡ này. Tự nó ổn định lại - thì tốt, còn không ổn định thì sẽ mở đầu một thời thế khác. Cái cơ bản đã chuyển biến, - như thể thâu tóm suy nghĩ của mình, bác Lukianốp vỗ lòng bàn tay xuống bàn.
Kachia muốn hỏi bác Lukianốp xem bác hình dung như thế nào cái lối thoát của xóm làng ra khỏi sự rung chuyển đổ vỡ ấy, sự rung chuyển đổ vỡ mà bác lên tiếng nói tới, nhưng cửa mở rộng ra và bác gái Tachiana Nhicanôrốpna xuất hiện trên ngưỡng cửa, không chỉ có một mình, mà theo sau còn có một người đàn ông nào đó.
- Khách đến tìm ông, ông Xtêpan, bác tùy phái của ông thôn trưởng đấy, - bác gái Tachiana Nhicanôrốpna nói và đứng tránh lấy lối vào cửa.
Người tùy phái tay cầm cây gậy, mặc áo lông có thắt lưng bên ngoài, đi ủng lông đen, đội mũ lông bịt tai, che tùm hụp bộ mặt nhăn nheo râu ria xồm xoàm. Bác Lukianốp đứng dậy, đi ra đón chào, mời người tùy phái ngồi, nhưng ông cụ khoát tay, cất tiếng, giọng run rẩy vì tuổi già:
- Không, không, anh Xtêpan, tôi đi đây. Ông thôn trưởng ra lệnh tối nay phải đi khắp lượt mọi nhà. Sáng mai đến họp. Đừng có mà không đến đấy. Ông ấy ăn thịt tôi mất.
- Nhưng vì sao ông ta triệu tập thế? Nga hoàng lại cần lính ư? - bác Lukianốp hỏi. Bác cũng không thể ngờ là không phải ông thôn trưởng, mà chính bà con mugích, những người chống lại ông thôn trưởng, đã phái ông già đem cái lệnh này đi.
Ông già tùy phái lắc lắc:
- Thôi đừng có hỏi? Ra lệnh đến, có thế thôi.
- Thế ông thư ký không lẽ không giải thích gì thêm ư?
- Ông thư ký ư? Có giải thích. Bảo rằng hình như người ta định đưa Kônđrát Xuđacốp với vợ và con cái ra tòa,
- Họ có tội lỗi gì vậy? - bác gái Tachiana đưa mắt nhìn Masa và Kachia.
- Nghe bảo họ đánh bắt cá ở chỗ cấm.
- Sao lại thế? Chỗ cấm nào vậy? Chỗ của địa chủ ư? Hình như ở làng ta làm gì có địa chủ. - bác Lukianốp nói, nhưng ông lão tùy phái lắc đầu và vội vã ra đi.
- Đừng có chơi xỏ tôi đấy, anh Xtêpan. Ông thôn trưởng cứ là nuốt sống tôi, - ông lão làu bàu, chống cây gậy lập cập và thận trọng khép cánh cửa phía sau mình lại.