Số lần đọc/download: 141 / 13
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:29 +0700
Chương 10
S
óng hồ êm nhẹ vỗ vào bờ đất. Hàng liễu rủ lướt thướt khẽ xôn xao. Và những cành đa la đà mặt hồ như ngẩn ngơ trong chiều thu tĩnh lặng. Mênh mang êm ả quá là cảnh trí chiều thu nơi đây. Vì có cảm giác bóng hình những ngày xa xưa vẫn còn lưu luyến quanh đây và câu chuyện huyền thoại Vua Lê trả lại gươm thần như vẫn còn đâu đó, đang được kể lại trong hơi gió thu êm đềm.
Tuy nhiên cảnh quan và nhịp sống hoài niệm nơi đây đã đổi thay hoàn toàn, kể từ lúc sẩm tối và đèn đường bật sáng. Thay thế cho nhạc điệu vi vu êm nhẹ của ngọn gió thu, nhạc rốc từ cái loa điện đã thét lên the thé giần giật. Nhạc điệu đó phát ra từ ngôi Nhà Thông tin Mỹ, tọa lạc ngay sát mép nước con hồ lịch sử huyền thoại này. Ngôi nhà cố tình chơi trội, bằng những dòng điện trang trí viền quanh nóc nhà và nhằng nhịt uốn lượn từ các ô cửa sổ tới dẫy hành lang, vàng ngời, chói lóa. Từ phía bên bờ này nhìn sang, nhiều người bảo, trông nó giống như một cung điện ma quái. Tất nhiên, ra vào nơi đây vẫn là các cậu công tử con nhà giầu, các nhà tư sản đang gặp cơ hội trong kinh doanh, lớp phú ông bỏ kháng chiến mới “dinh tê” vào thành đang háo hức cuộc sống hưởng thụ. Nơi đây, Nhà Thông tin Mỹ cơ man là tranh ảnh sách báo, tụng ca sức mạnh vô song của vũ khí Mỹ, sự giàu có vô tận của đời sống Mỹ, chủ nghĩa thực dụng Mỹ và trên hết là một đời sống sa phí, hoàn toàn buông thả, thỏa mãn tất cả dục năng của con người.
Tuần trước, cái cung điện ma quái ấy đã bị đánh mìn. Dân chúng hà thành được một dịp hả hê. Cái cục ung thư ấy không hủy diệt đi, để nó lây lan ra thì nguy cho con em. Tuy vậy cái cung điện yêu ma ấy vẫn còn gặp may. Quả mìn đánh không trúng huyệt, nó chỉ sụt có một mảng trần. Băng bó tí chút nó lại lành lặn, lại trở về trạng thái nguyên vẹn và tiếp tục đóng vai trò đưa dẫn con người vào vòng mê dụ.
Dưới rặng liễu rủ, đêm thu nay có một chiếc xích lô thong thả lăn bánh. Đạp xe là một thiếu niên trạc mười lăm, nhưng cao lớn hơn độ tuổi. Ngồi xe là hai người lớn tuổi hơn. Xe từ hàng gai chạy xuống, lượn qua Tòa Thị chính vắng vẻ, rồi chậm chạp lăn bánh tới đầu phố hàng Trống thì dừng lại.
Khách bước xuống. Người lớn hơn cười:
— Thằng này khéo làm con rể ông Nhự được.
— Úi, em phải nhường anh Nhân chứ, anh Tuấn!
— Thằng Nhân là con rể thầy Thiệu rồi.
Giờ thì ta biết họ là Tuấn, Nhân và Cường. Cường đang định tham dự cuộc đua xe Hà Nội - Hải Phòng. Cậu luyện chân bằng cách đạp xích lô. Tuy nhiên hôm nay không phải là buổi cậu luyện chân. Hôm nay, Cường làm công tác. Đoàn học sinh kháng chiến đã được thành lập phát triển theo kiểu chùm nho. Nhân đã được công nhận là một thành viên.
Để hai người xuống xe xong, Cường đưa chiéc xe trở lại phố hàng Trống.
Thu cô liêu... Tịch liêu... Có sương chiều
Ta yêu thu... Yêu thu... Yêu mùa thu.
Môi Tuấn thoát bay câu hát. Rồi khoác tay Nhân, cả hai cùng thong dong thả bộ trên Bờ Hồ, thảnh thơi vô tư như hai học sinh con nhà giầu đi hóng mát. Tuấn cao dỏng, đầu chải ốp, áo len xanh cổ quả tim, bên trong là áo sơ mi vải săngpho đắt tiền. Và Nhân, chắc nịch trong cái bu dông dạ màu tím than gọn gàng nhưng vẫn thấp thoáng vóc hình võ sĩ nở nang.
— Anh nên cẩn thận, anh Tuấn. Thằng Tấc dạo này hay la cà đến đó. Có khi nó bán mình cho bọn lõ rồi cũng nên.
— Cậu nên gặp nó, giác ngộ nó.
— Tùng nhận làm việc đó rồi, anh ạ. Còn em thấy nó là chỉ muốn đấm.
— Tùng hồi này có vẻ buồn buồn thế nào ấy.
— Hoàn cảnh gia đình cậu ấy khó khăn quá, anh ạ.
— Mình biết. Chỉ khi nào giải phóng hoàn toàn... Lúc ấy giai cấp thợ mới mở mày mở mặt được! Hừ, chúng mình đang góp phần làm nên chuyện đó đấy, Nhân ạ.
— Em hiểu.
— Cậu nghe tin mới về Sài Gòn chưa? Nhân dân vừa xuống đường biểu tình đuổi cổ hai tầu chiến Mỹ ra khỏi cảng đấy.
— Em có nghe tin. Anh Dư em lưu lạc vào trong đó, giờ không hiểu thế nào.
Tuấn dừng lại. Hai con mắt sâu dưới hàng mày rậm, đen, soi lên mặt Nhân:
— Nhân à. Dù thế nào cũng phải vững vàng nhé. Ngày mai, cứ tiếp tục đấu. Cứ tiếp tục thượng đài và chiến thắng. Tuyệt đối không để lộ một chút gì để nó khả nghi. Thôi, tạm biệt. Theo đúng kế hoạch.
Tuấn đi vượt lên.
Tuấn lẫn vào dòng người đang thưa dần đi đến cung điện ma quái. Trong túi Tuấn, không ai biết, có một quả mìn giờ.
Kế hoạch là: Nhân canh gác, bảo vệ cho Tuấn. Cường để xíchlô chờ ở đền Hàng Trống. Tuy nhiên, vừa bước vào ngõ bảo Khánh với dự định phục sẵn ở đó để bảo vệ Tuấn từ ngoài vòng xa, Nhân bỗng giật thót mình; anh đã trông thấy Đờ Lanay. Hình như tên Tây lai này đã nắm được kế hoạch của bọn anh.
o O o
Ngồi xuống cạnh một bàn sách báo, Tuấn giở một cuốn họa báo. Không lực Mỹ khoe khoang sức mạnh. Những kiểu phi cơ mới. B.26 bắn không cần pích kê. B.29 ném bom hạng nặng. Hàng không mẫu hạm khổng lồ. Quả mìn sẽ đặt vào giữa những chiếc máy bay này. Giờ nổ: khi tất cả mọi người ra về hết.
Một cặp trai gái lướt qua Tuấn. Phía trái anh, một nhóm con trai con gái đang chỉ chỏ một cái mô hình nhà chọc giời của Mỹ. Nhạc vẫn xập xình, chát chát.
— Ủa, sao lại gặp anh Tuấn ở đây nhỉ?
Nghe tiếng người kêu sau lưng, Tuấn quay lại. Thằng Tấc! Tấc mặc áo varơi lính Mỹ, đeo kính trắng, mặt tròn phị mỡ màng, lồ lộ vẻ huênh hoang, đắc chí.
— Chào Tấc! Có gì lạ đâu - Tuấn đáp thản nhiên -
Cũng gọi là một nền văn hóa thì ta cũng nên tham khảo. Ngồi xuống đây, Tấc.
— Người Mỹ hay chứ, anh Tuấn nhỉ?
Tấc ngồi xuống cạnh Tuấn. Tuấn hất hàm.
— Theo cậu, họ hay ở chỗ nào?
— Họ giầu. Ta không thể hiểu được họ. Họ là một dân tộc thượng đẳng.
— Cậu nói theo ai đấy?
— Tôi nghĩ như thế.
— Nếu nghĩ như thế thì xứng đáng là một học sinh sĩ quan Đà Lạt rồi. Họ đang tuyển sinh đấy. Đăng ký đi thôi.
— Anh Tuấn.
— Này! Tao nói thật cho mày rõ. Tuấn nghiêm mặt, rít khe khẽ qua hai hàm răng - Liệu mà tỉnh ngộ. Mày lạc đàn xa quá rồi đấy.
— Anh Tuấn... Anh ngờ oan cho em.
— Thôi... Thời gian sẽ trả lời...
Tuấn cúi xuống trang họa báo. Ngoài cửa có tiếng còi ô tô, tiếng xe véspa nổ máy, tiếng người ồn ào. Rạp Siros vừa tan buổi chiếu cuối cùng. Khuya rồi. Người trong tòa nhà đã vãn. Tấc đã biến đâu rồi? Tuấn bỗng thấy chột dạ.
Đặt quả mìn một cách khéo léo vào góc tòa nhà, dưới một xấp họa báo, Tuấn vội vã bước ra đường.
Nhân đứng đợi anh ở đâu? Anh hấp tấp bước về phía nhà Khai Trí Tiến Đức. Trước nhà hàng Phú Gia, xích lô Cường đã từ đền Hàng Trống lăn ra, đứng đợi.
Tuấn cắm cúi bước. Nhưng, một bàn tay to mập đã đập bộp vai anh, giật anh lại. Anh quay lại. Trong ánh sáng vàng nhạt của ngọn đèn đường tỏa xuống, cái mồm rộng của Đờ Lanay chành một cái cười đắc thắng. Tay hắn đã bập chặt cổ tay Tuấn.
— Làm gì thế?
— Theo tao!
— Đừng đùa dai, mày.
— Tao đâu có đùa!
Tuấn vằng. Nhưng, anh bỗng ật ngửa đầu. Đờ Lanay đã nắm cổ áo anh, lắc mạnh và tiếp đó một quả đấm của hắn đã bổ trúng mặt anh:
— Thằng đầu sỏ Việt Minh! Mày tưởng che được mắt bố mày, hả? Đặt mìn ở đâu? Nói ngay!
Mặt ê nhức. Tuấn cố vùng vẫy. Không được. Đờ Lanay đã bẻ quẹo tay anh ra phía sau và đẩy anh đi! Nhưng, tên mật thám chỉ đẩy Tuấn đi được chừng chục bước đi thì bỗng khựng lại. Nhân từ ngõ bảo Khánh đi ra, chạy rón rén tới sau hắn. Nhân vung quả đấm của võ sĩ. Quả này, trên võ đài, theo luật thì cấm. Nhưng ở ngoài võ đài thì luật đời cho phép. Quả này bổ trúng gáy Đờ Lanay!
Chỉ kịp kêu ớ một tiếng, tên mật thám đã buột hai tay, dập mặt xuống đất Tuy nhiên, trước khi đi vào cõi hôn mê, hắn đã nhận ra tiếng nói rất quen, tiếng nói của Nhân, hối thúc ở phía sau - anh Tuấn, chạy đi!
o O o
Giám thị Cẩn đứng trên bục, hai tay chắp trước bụng, le lé con mắt ti hí qua làn kính cận, giọng hầm hè:
— Tôi phải nói thật với các anh rằng: trong các anh, cụ thể là trong số học trò đệ tam này đây, có những kẻ nếu không nối giáo cho giặc thì cũng là a dua, a tòng theo giặc. Hừ!
Tiếng hừ chết cứng tại chỗ. Giám thị không thể tiếp theo được một câu nào nữa. Thành ra, cả cái lớp bốn mươi nhăm trò, chẳng ai bảo ai, bật lên cùng lúc một tiếng cười.
Ông giáo Tiết đứng cạnh bảng vội chồm ra bàn cầm cái thước đập cách cách xuống bàn, quát:
— Xi-lăng-xơ.[15] Im lặng! Đồ vô lễ! Đồ vô giáo dục!
[15] Silence (tiếng Pháp): Im mồm!
Tiếng cười hết đà, ngừng lại. Giám thị Cẩn phẩy tay, thất vọng, hầm hụi lao đầu đi ra cửa.
— Xi-lăng-xơ! Nói gì phải có trật tự - Ông giáo Tiết gằn từng tiếng- Nào, ai nói gì?
— Thưa thầy, anh ấy cù con.
— Thưa thầy, anh Quốc anh ấy vẽ thầy cẩn làm con buồn cười quá!
— Im mồm! - Ông giáo Tiết lại làm tội cái bàn.
— Thưa thầy, chúng con không hiểu ý thầy cẩn.
— Có gì mà không hiểu?
— Thưa thầy, nối giáo cho giặc thì chúng con không hề có, chỉ trừ có vài kẻ làm mật thám.
— Phéc-mê la gơn! át tăngxiông![16] Nói năng phải cẩn thận!
[16] Fermez la gueul (tiếng Pháp): câm mồm! Dờ hồn!
Lần này, có lẽ là ông giáo hơi to tiếng nên bốn mươi nhăm trò trong lớp đều im thít.
— Các anh ngu lắm!
— Thưa thầy, đúng đấy ạ.
— Ai cho anh nói?
— Thưa thầy, con ủng hộ thầy.
— Tôi không khiến anh ủng hộ.
Quay trở lại bục giảng, mắt ông giáo Tiết như hai mũi kiếm lia đi lia lại.
— Các anh là những người sắp có văn bằng học vị, sắp là những nhà trí thức. Là trí thức, chúng ta phải biết xử sự như những nhà trí thức. Nghĩa là phải thông minh, thức thời.
— Thưa thầy, là vào trường võ bị Đà Lạt ạ!
— Câm! Nói phải xin phép. Là trí thức, ta không thể đi theo một đảng phái nào. Ta phải có lập trường của người trí thức. Ta không thể là loại người võ biền, vai u thịt bắp.
— Thưa thầy, em xin có ý kiến.
— Anh Tùng, anh nói gì?
Tùng đứng dậy, tay khoanh hờ, ra vẻ khép nép:
— Thưa thầy, hôm qua một vị sĩ quan Đà Lạt đến trường nói chuyện, chúng con không nghe là bởi vì chúng con muốn làm sáng tỏ vài vấn đề. Thưa thầy, theo thiển ý của con thì... Thức thời lúc này là phải quay trở về với dân tộc, giống nòi. Thưa thầy, giang sơn gấm vóc này là do ai gây dựng, chẳng lẽ lại không phải công sức của những người thầy gọi là võ biền, vai u thịt bắp...
A! Cái gã học sinh gầy còm này lại dám lý sự vặn lại thầy! Gườm gườm hai con mắt, ông giáo Tiết bước xuống bục, đi lại cạnh bàn Tùng, nhếch mép:
— Anh Tùng! Anh có khẩu khiếu đấy. Anh có thể trở thành diễn thuyết gia, con cháu của Đêmôxten, nhà hùng biện Hy Lạp cổ đại đấy! Nhưng, tôi nói để anh biết nhé, đáng tiếc cho anh, đây không phải là đất nước Hy Lạp cổ đại. Ở xứ sở này ấy à, tài diễn thuyết như anh thì chỉ có thể là... Vào bóc lịch trong nhà tù thôi! Hiểu chưa!
— Ha ha... Lý luận nhà tù.
— Hi hi... Một kiểu lý sự đáng được bắc đẩu bội tinh.
— Im lặng! Trật tự! Muốn chết tất cả, phỏng?
— Bỏ học thôi, anh em ơi...
Quáng quàng quay lên bục giảng, chòm râu cằm nhơm nhớp mồ hôi, ông giáo Tiết đập bàn:
— Các anh muốn làm loạn, muốn ngồi tù cả lũ, hả?
Trống tan học vừa nổi. Tiếng ông giáo gào nghe bùng bùng trong màng nhĩ học trò.
o O o
Nhân đèo Tùng đằng trước xe.
— Cậu lý sự làm cóc gì với lão Tiết dê mật thám ấy.
— Nhưng mà thấy thằng Tấc cứ hếch mũi lên, tớ không chịu được.
— Thằng ấy chỉ có... Đấm!
— Nhưng mà tớ thì không đấm được như cậu.
Nhân phì cười:
— Tuần này tớ lại đọ găng với Leng Kai Chếch đây. Anh Tuấn bảo cứ chơi như thường.
— Anh Tuấn còn ở đây không?
— Có lẽ anh sắp ra ngoài vùng tự do vì đã bị lộ. Tớ nghi hôm đó thằng Tấc đi báo cho bọn Đờ Lanay.
Tùng xuống xe. Cậu đứng chờ tầu điện ở Bờ Hồ.
Trưa mùa thu, nắng lóng lánh. Nước Hồ Gươm xanh nức, tựa như nước của thiên thu. Cái cung điện ma quái bị mìn lần thứ hai, sạt một góc. Nó chưa đổ. Nhưng từ hôm ấy, chẳng còn ai bén mảng tới. Chẳng phải đầu, cũng phải tai. Các ông biệt động Việt Minh là ghê gớm lắm, họ không để yên con quái vật ấy đâu. Dân hà thành nói với nhau vậy.
Bọn trẻ bán báo chạy qua chạy lại. Tùng mua tờ “giang sơn” thì tầu điện vừa tới. Anh leo lên tầu, giở báo đọc. Một vụ cướp tù táo bạo nhất. Việt Minh dán truyền đơn trước xe cảnh sát. Một quan hai Pháp bị bắn ở Hàng Bè. Cạnh rạp Tố Như xuất hiện một lá cờ đỏ sao vàng...
Tầu chạy, bánh xe rít. Cạnh Tùng, một người đàn bà mặc yếm đỏ, nghển cổ ra cửa toa, chỉ chỏ:
— Kia kìa! Cái nhà dán tranh ảnh mấy con đầm Mỹ cởi truồng kia kìa! ối giời! Mật thám vây đầy mà các ông ấy vẫn xuất quỷ nhập thần vào được. Nổ đánh ầm, thật kinh thiên động địa, xong là biến mất. Rồi chạy huỳnh huỵch trên mái nhà bắn nhau với Tây culít.
— Biến mất rồi lại chạy huỳnh huỵch! - ai đó đế vào.
Người đàn bà mặc yếm đỏ vuốt quết trầu, đáo để:
— Biến là biến ra khỏi cái nhà ấy chứ. Cũng có người bị cảnh binh nó bắt lên xe Jeep. Nhưng chiếc xe vừa đi đến Ô Cầu Giấy thì các anh biệt động Việt Minh nhẩy vụt lên cướp tay lái, vèo cái lái lên chiến khu rồi.
— Hứ hứ... Vèo cái lái lên chiến khu!
— Thật chứ bỡn à. Người ta dập nước đái quỷ vào mặt thằng lái chứ!
Tùng tủm tỉm cười, lấy tờ báo che mặt, ngả đầu lên cửa toa. Tầu vòng qua Cửa Nam, bánh lăn khục khịch. Khu ga ồn ào. Tiếng còi culít gắt gỏng. Một chiếc xe Jeep phóng vọt qua, khói xăng phun mờ mờ.
Tầu tăng tốc độ. Toa tầu lắc lư. Gió ngoại ô lạnh rượi. Tùng ngẩng dậy. Đầm Bảy Mẫu láng nước. Gọi là Bảy Mẫu, vì ở đây có đền thờ bảy vị Thánh Mẫu, chứ diện tích khu đầm nay phải rộng tới cả trăm hécta. Giữa đầm nổi lên như bập bềnh trên sóng một hòn đảo nhỏ xanh đen bóng cây. Ở đó có ngôi đền làng. Mùa thu, rước kiệu từ đình làng ra đền, đi thuyền, rẽ sen, cá quả nhẩy tòm tõm quanh thuyền, mắc cả trên những bè rau muống. Rau muống Ô Đồng Lầm gọi là thịt trâu đồng Lầm vì ngọt như thịt trâu. Bùn đồng Lầm dấn vải bền màu. Bùn đồng Lầm trộn than cám nắm thành than quả bàng. Ôi những làng ngoại ô Hà Nội! Những sản vật, những nghề thủ công, những ngạn ngữ, ca dao. Một cuộc sống cần lao, bền bỉ. “Đồng Lầm có vải nâu non. Có hồ Bẩy Mẫu, có con sông bồi”. Ô Đồng Lầm, đúng nơi xe điện kịch đường. Cái bến tầu có ma. Năm nào cũng có người chết chẹt tầu điện. U dặn: “Mày có thương u thì đừng nhẩy tầu điện, ơ Tùng!”
Tùng xuống tầu vào làng.
Đường lát gạch nghiêng ngoằn ngoèo. Xưa, mỗi cô gái làng đi lấy chồng phải nộp cho làng một trăm viên gạch. Trăm viên gạch để lát đường đón cô mỗi khi cô về thăm quê ngoại. Quê ngoại có ngôi đình lớn, cột to hai người ôm.
Tùng đứng lại trước ngôi đình. Hai cái giếng thơi trước đình đã cạn. Các cụ bảo đó là hai mắt rồng. Rồng đã khóc hết nước mắt rồi. Khóc cho ngôi đình tan hoang. Tây về, phá đình, lấy cột đình đi dựng bốt đồn rồi.
Tùng bước vào nhà. Nhà vắng lạnh. U đi hái rau. Thầy khỏe nhờ có tiền Nhân cho mua thuốc, đã đi làm ca. Tùng ra sau nhà, lấy cái thuyền con, đội lên đầu, đi ra đầm.
Nước đầm lạnh, dưới sâu bùn còn lạnh hơn. Phải ngụp xuống đáy đầm bốc bùn lên thuyền, đem về, mai bán cho các lò bánh trên phố. Nước ngầu lên, thum thủm. Rét quá! Tùng leo lên thuyền. Mặt hồ lúc này đã lố nhố bóng người. Người lấy bùn. Người câu ngâm. Người hái rau. Tiếng cá quẫy mơ hồ. Thành phố đã lên đèn, hồng dậng một quầng sáng. Nội thành là cái quầng sáng hồng hào, ấm áp len dạ đó. Còn ở đây, cùng với cảnh sống lầm than, khổ ải là một cuộc lao động cần lao, rất nhẫn nại, đáng tự hào
Chuyển xong số bùn lấy được lên bờ cho khách tới mua, Tùng nhẩy xuống nước, đẩy thuyền ra khu đền. Anh còn có một việc quan trọng ở đó.
Nửa đêm, Tùng mới về nhà. U Tùng đang giong đèn chờ con, ngoảnh ra:
— Tùng đấy như, con! Ai khiến mày làm đêm làm hôm thế, hả? Ngoài ấy, đêm con nam nó hay hiện lên bắt người đấy, con à.
Tùng không đáp lời u, đứng ở ngoài sân. Cái máy in không sắm được. Nhưng tiền của Nhân đã mua được gần tạ chữ chì. Giấu ở ngoài đền, đêm nay gần tạ chữ chì ấy sẽ theo xích lô ông Nhự ra ngoài kia... Vèo cái lên lái chiến khu rồi!
Anh chợt nhớ tới câu nói của người đàn bà trên xe điện hồi chiều và tủm tỉm cười, bước vào nhà.