He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Nguyen Chi Hai
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2250 / 39
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ớp 12A2 kết thúc học kì II bằng một chuyện đáng buồn. Trong cuộc thi cuối học kì, thầy Ân, dạy môn Toán, khi gác thi môn Hóa, đã bắt gặp quả tang Ngôn đang “quay phim” từ một tài liệu được chuẩn bị sẵn khá tinh xảo, thu gọn trông một tấm giấy nhỏ xếp hình cánh quạt giấu trong lòng bàn tay. Thầy Ân cũng là một người có tính nguyên tắc cao như thầy Tùng, không bao giờ chấp nhận bỏ qua cho những sai phạm loại như vậy. Vụ việc của thầy Tùng cũng đã tạo nơi thầy Ân một ác cảm với Ngôn. Ngày nay, đời nhà giáo túng bấn và bị khinh rẻ thật, nhưng không thể vì vậy mà chấp nhận sự hạ thấp nhân phẩm và tư cách người thầy, thỏa hiệp cho qua những sai trái và thói côn đồ của đám học trò con ông cháu cha.
Tuy nhiên, thầy Ân cũng xử lý vi phạm của Ngôn rất chừng mực: tịch thu “bùa” với lời cảnh cáo. Nét mặt Ngôn tỉnh bơ như không. Mười phút sau, một tờ “bùa” khác đã xuất hiện trong tay Ngôn. Bằng mọi giá, Ngôn phải qua được học kì này, rồi đậu được phổ thông. Ba của Ngôn bắt buộc như vậy. Con đường tiếp theo, ông nói là ông sẽ thu xếp không khó.
Tất nhiên, thầy Ân dễ dàng phát hiện lần vi phạm thứ hai của Ngôn. Thầy quyết định tịch thu bài thi, và lập biên bản về sai phạm. Khi thầy đưa biên bản cho Ngôn ký, hắn cầm tờ giấy, nhìn thầy cười gằn, rồi xé toạc làm đôi ngay trước mặt thầy. Run lẩy bẩy vì tức giận, thầy Ân chỉ nói được có một câu:
- Đi ra khỏi đây ngay, thằng mất dạy!
Mặt Ngôn hơi tái đi một chút. Hắn mím môi, quay lưng dợm bước ra cửa. Nhưng... thật bất ngờ, Ngôn xoay mình lại, hét lớn: “Mất dạy nè!”, và một cú đấm thật mạnh được tung ra, vào ngay giữa mặt thầy Ân. Một âm thanh khủng khiếp nổ tung giữa phòng thi đang im phăng khắc. Chiếc kính của thầy Ân vỡ vụn sau cú đấm của Ngôn, những mảnh vỡ bắn tung tóe quanh người thầy giờ đây đang nằm lăn trên sàn lớp, người gập lại vì đau, hai tay bưng lấy mặt. Máu ứa ra từ những kẽ ngón tay đang run bắn. Những mảnh kính vỡ có lẽ đã đâm nát mặt thầy.
Miệng la hét như một thằng điên, Ngôn nhào tới đá túi bụi vào lưng người thầy khốn khổ. Cũng chính Long là người đầu tiên nhảy vào ôm chặt Ngôn và khóa tay hắn lại. Phải có thêm vài bạn trai khác phụ lực với anh, Ngôn mới chịu khuất phục sau một hồi vùng vẫy điên loạn...
Chuyện Ngôn đánh thầy Ân trọng thương giữa phòng thi gây chấn động lớn trong cả thành phố. Ngôn bị công an bắt giữ ngay sau đó. Thầy Ân thì được đưa đi cấp cứu. Khám nghiệm sơ bộ, nhãn cầu trái bị hỏng vì mảnh kính đâm vào. Một xương sườn bị gãy và lá lách bị tổn thương nặng. Thầy Ân là một người ốm yếu, năm ngoái đã từng nằm viện mấy tháng vì bệnh lao phổi. Những cú đá căm thù của Ngôn đã làm thầy ngất xỉu rồi mê man suốt hai ngày liền. Dư luận xã hội lên án gay gắt tên học trò phi nhân, đòi hỏi luật pháp phải trừng trị thật nghiêm khắc.
Ông Quyến, ba Ngôn, dốc hết thời gian và tiền bạc ra để lo gỡ tội cho con. Chi phí điều trị thầy Ân ông lo hết, kể cả việc đưa cho gia đình thầy một số tiền lớn để sống qua cảnh ngặt nghèo. Ông tìm cách tiếp xúc riêng với ban biên tập các báo, nhờ “nhẹ tay” cho Ngôn. Ông năn nỉ ban giám hiệu có những ý kiến thuận lợi phần nào cho Ngôn, rằng đây là một biểu hiện của bệnh tâm thần mới phát sinh do học hành quá căng. Thậm chí ông còn nghĩ tới chuyện nhờ một bác sĩ quen có những nhận định về triệu chứng bệnh, nhưng vị bác sĩ đã từ chối thẳng thừng: “Anh định hại tôi hay sao? Thằng con anh côn đồ như vậy, cứu nó làm gì?” Ông Trung, ba của Thiện, chép miệng nói với con:
- Ba nhớ đã có nói trước với con về chuyện này. Cái xấu cần được tém dẹp ngay từ khi còn là mầm mống. Lẽ ra ngay sau vụ thầy Tùng, Ngôn chịu một kỷ luật thích đáng thì giờ đây chuyện đau lòng này đã không xảy ra.
- Tội của Ngôn có bị xử nặng lắm không ba? - Thiện hỏi:
- Ít nhất là năm năm. Năm năm trong lứa tuổi của con là hết sức quan trọng cho cả cuộc đời, thậm chí không nên phí phạm dù chi một ngày. Vậy mà...
Những lời nói cùa ông Trung thường gợi cho Thiện nhiều suy nghĩ. Bài học về sự quý trọng thời gian - cái qua đi không bao giờ trở lại - là nội dung mà ông tập trung nhất khi giáo dục con. Nhờ vậy, không bao giờ Thiện để thì giờ của mình trôi đi trong những quán nước và các cuộc vui vô bổ. Thời gian biểu học tập và rèn luyện của Thiện luôn luôn chặt chẽ. Càng ngày Thiện càng thấm thía một lời nói của ba: “Thời gian luôn biết cách đền đáp cho những ai biết quý trọng nó.”
Chỉ mới gần đây, Thiện mới nhận ra dường như vẫn có một điều mà nguyên tắc tôn trọng thời gian không thể chi phối. Dù anh quý thời gian như thế nào, nhưng khi anh cảm thấy nhớ một ai đó thì thật khó tập trung làm được việc gì đúng như dự định.Một ai đó, ở đây là Hạ.
Lòng tự trọng khiến Thiện phải lùi bước khi nhận ra tình cảm của Hạ đã nghiêng về Long. Thế nhưng trái tim thì vẫn cứ bướng bỉnh không chịu đầu hàng. Càng không muốn nghĩ tới Hạ thì Hạ lại càng nhởn nhơ trong tâm tưởng Thiện. Thậm chí có lúc, giữa một buổi ngồi tự học ở nhà, sau những phút lãng đãng, Thiện hết hồn khi thấy mình đã vô tình viết tên Hạ lên trang giấy trắng tự lúc nào không biết. Trời sinh con gái con trai làm gì để cứ phải thương nhau, nhớ nhau? Phải chi trên đời này chỉ có toàn con trai hết thì sẽ đỡ biết là bao nhiêu chuyện phiền phức, mất công.
Sau khi Long đột nhiên quay qua Trinh, và sự đau khổ của Hạ gần như không thể che giấu được - ít nhất là trước mắt Thiện - Thiện khó chịu nhận ra trong lòng mình lại dâng lên một niềm vui âm thầm. Thiện đến nhà Hạ thường hơn ngồi nói chuyện trên trời dưới đất mong an ủi cô, trao đổi với cô về cách giải một bài toán khó, bàn luận về một cuốn truyện mới, một bộ phim hay... Đang phiền muộn, Hạ cũng chẳng muốn tiếp Thiện, nhưng dần dần, sự tốt bụng đúng lúc của Thiện cũng làm cô thấy cảm động. Tất nhiên, Hạ không thể nào quên ngay được Long, dù Long ngày càng tỏ ra quá quắt trước mặt mọi người. Hạ chỉ chấp nhận sự quan tâm của Thiện một cách chừng mực. Cô chỉ tiếp Thiện ở nhà và không hề nhận một lời mời đi chơi riêng nào. Người ủng hộ Thiện nhiêu nhất lại là bà Nga. Gặp Thiện, luôn luôn bà ngọt ngào:
- Đến chơi nhà bác, cháu cứ tự nhiên như ở nhà cháu. Hai bác rất quý bạn bè của Hạ. Bác không thích cô cậu nào vào nhà bác mà nghiêm trang quá đâu.
Có lần, bà Nga còn giữ Thiện ở lại ăn cơm chiều, hôm tình cờ Thiện đến nhằm lúc gia đình đang có một bữa tiệc nhỏ. Thiện từ chối, nói chưa xin phép mẹ. Bà Nga lập tức nhấc điện thoại, gọi về nhà Thiện. Tất nhiên mẹ Thiện khá kĩ về mẹ của Hạ “bà nào mà sao ăn nói khéo quá!”. Khi được biết mẹ Hạ nằm trong ban giám hiệu trường Đại học Y dược, mẹ Thiện bắt đầu chú ý hơn đến cô bạn xinh xắn này của Thiện mà bà đã một đôi lần được gặp, nhất là đã từng có thiện cảm cái lần Hạ chạy đến nhà báo cho bà hay tin Thiện bị giữ ở công an phường X. Cũng như chồng, mẹ Thiện đặt rất nhiều hi vọng vào đứa con trai. Gốc nông dân tham gia kháng chiến, gia đình cả hai bên ông bà đều chưa từng có một người có học vị cao. Họ đều mong muốn Thiện đi lên bằng chính sức lực của mình. Nhưng mẹ Thiện, là đàn bà, dù sao cũng có óc thực tế hơn. Bà hiểu một sự quan hệ mật thiết với gia đình Hạ không bao giờ là vô ích. Vì vậy, trong lần được mời họp phụ huynh lúc gần kết thúc năm học để bàn việc tổ chức lễ tổng kết và phát thưởng, bà đã đi dự với mong muốn được gặp mẹ của Hạ. Bà Nga cũng đã đến phiên họp này với mục đích tương tự, và hài lòng khi thấy mẹ Thiện có dáng vẻ hiền lành, mộc mạc. Hai người cùng cảm thấy vui khi làm quen với nhau, và khi tan cuộc họp, họ đã có lời hẹn sẽ gặp lại vào một ngày sắp tới...
*
* *
TP. HCM, ngày…….
Hằng ơi,
Tao nhớ mày quá trời! Lớp học thiếu mày, buồn làm sao đâu! Tụi tao vừa thi xong học kì II, đứa nào cũng xếp hạng khá. Có một chuyện động trời, không biết mày đã biết chưa? Thằng Ngôn đánh thầy Ân ngay trong phòng thi môn Hóa, vì bị thầy bắt quả tang đang quay cóp. Thầy bị mù một mắt và đến giờ vẫn còn phải nằm viện. Ngôn đã bị bắt và chờ ngày ra tòa. Thật kinh khủng! Ba nó chạy lo quá trời. Nhưng chắc kì này nó khó thoát. Đáng đời!
Thi xong, nhưng tụi tao còn phải học bù đầu hơn. Còn chưa tới một tháng nữa là thi tốt nghiệp phổ thông nè, rồi thi vô đại học nè! Tao thích làm cô giáo mà má tao không cho, nói bộ tao thích ăn cháo lắm hay sao. Chắc tao sẽ thi vô trường kinh tế. Còn nhỏ Hoa thì định thi vô khoa Anh văn trường tổng hợp. Nó luyện Anh văn như điên, gặp tụi tao cứ đòi nói chuyện bằng tiếng Anh. Nhỏ Hạ thì thích học Văn lắm, nhưng má nó ép nó vào y dược, nói có ba má cùng làm ngành y, lại là cán bộ trường đại học, ngu gì không thi vào đó! Nó lúc này cũng có chuyện buồn. Tên Long tự nhiên sinh chuyện, quay qua kết môđen với con Trinh, làm lơ nó. Chẳng ai hiểu nổi sao lại có chuyện kì cục vậy. Hai tên đó đâu có gì giống nhau đâu. Nhưng con Trinh có vẻ khoái chí và lên mặt lắm! Trong khi đó thì “con ma mới” lại o bế nhỏ Hạ nhà mình dữ! Tao với nhỏ Hoa đứng ngoài, thấy nhiều chuyện tức cười quá mà phải ráng nhịn. Đúng là chuyện gì đâu không hà! Thi tới nơi rồi, học không lo học, lộn xộn rớt cả đám.
Tao tiếc cho mày quá, Hằng ơi! Ba mày, giờ vậy là khỏe rồi. Cả má mày nữa. Cuộc sống mỗi người đều đã ổn định lại. Bao giờ mày mới về, đi học lại? Chẳng lẽ mày bỏ luôn? Nói vậy chớ ở trên đó hoài chịu sao nổi? Về đi Hằng. Nếu mày muốn, cứ lại ở nhà tao. Nhà tao tuy nhỏ, nhưng ông bà mình nói rồi, ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu? Mà ăn thì có mày, thêm có cái chén đôi đũa chớ có gì đâu? Tối tao với mày ôm nhau ngủ cũng vui lắm chớ bộ!
Mày ráng giữ gìn sức khỏe. Coi chừng sốt rét, rắn cắn, khỉ cắn... nghe chưa. Cho tao gởi lời thăm ông Hùng. Dặn ổng phải ráng bảo quản mày cho tụi tao à! Mai mốt tụi tao thi xong mọi thứ, nhất định sẽ lên thăm mày. Con Hoa hăm nếu lúc đó mà thấy mày giống đồng bào dân tộc là nó sẽ đốt nguyên khu doanh trại của ổng, nhớ dặn ổng coi chừng.
Thôi, vài dòng thăm mày. Đừng buồn nữa và tính đường về đây với tụi tao mau lên.
HÂN
Hằng xếp lá thư của Hân lại, bùi ngùi. Từ ngày cô lên đây, nhóm 4H gởi thư cho cô nhiều nhất. Tuần nào cũng có. Hạ viết khá đều, rồi đến Hân. Hoa thực tế hơn, mò tới trạm liên lạc của nông trường ở thành phố, gởi lên nào là dầu xanh Con Ó, mì ăn liền, kẹo cao su, ô mai, xí muội... tiểu thuyết tình báo và các loại tạp chí... cả một giỏ to tướng, mỗi tháng một lần. Mỗi lần nhận được thư, quà của bạn là Hằng xúc động đến mờ mắt. Rồi bao nhiêu kỷ niệm lại tràn về, ngập ứ nỗi nhớ của cô. Cô len lén vào phòng, nằm khóc một mình.
Đúng là chuyện của ba Hằng giờ tương đối đã ổn. Ông chỉ bị mất chức, bị tù treo, và đang chờ hoặc nhận một công việc dạng chuyên viên, hoặc về hưu non. Ông vẫn được ở lại căn nhà đó, và đã viết thư gọi Hằng về. Lá thư rất ngắn nên Hằng đã thuộc nằm lòng:
Sao con lại đành bỏ ba trong những giờ phút khó khăn nhất của đời ba? Không có con thì ba còn sống làm gì nữa? Cuộc đời ba coi như đã mất trắng rồi. Làm lại từ đầu ở lứa tuổi này, làm sao ba có thể?
Về với ba đi con. Giờ, ba chỉ còn có mỗi mình con là niềm an ủi duy nhất mà thôi. Về đi, rồi cha con mình sẽ tìm cách bắt đầu lại. Có con, ba sẽ chưa tuyệt vọng đâu...
Đúng là mọi chuyện khủng khiếp nhất rồi cũng sẽ qua. Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả. Giờ thì trong Hằng chỉ còn lại một nỗi buồn man mác. Ở lứa tuổi của ba Hằng, đúng là khó có thể làm lại từ đầu, nhưng ngay cả với chính cô, có những điều tốt đẹp đã mất hẳn không thể nào tìm lại được. Phải chi cô sớm hiểu rằng rồi tất cả sẽ qua khi gặp nghịch cảnh, tốt nhất hãy bình tĩnh chờ nó tan đi. Nhưng đó chỉ là cảm nhận khi cơn bão đã lướt qua, còn khi người ta đang đứng giữa trung tâm của nó, dễ gì không bị nó cuốn đi và vùi dập tả tơi?
Mẹ của Hằng, bà Hải Đường, thì đã xong thủ tục ly dị với ông Quang. Hằng biết điều đó qua một lá thư của Hạ. Còn mẹ, không hiểu sao bà cũng biết được địa chỉ của Hằng, và viết cho cô chỉ một dòng thư duy nhất:
Con hãy tha thứ cho mẹ.
Hằng đã bực bội vò nát lá thư. Nếu mẹ làm chuyện mà mình cho là đúng, thì tại sao lại cứ xin tha thứ? Còn nếu chuyện mẹ đang làm là sai, tại sao vẫn cứ làm? Thật chẳng hiểu nổi mẹ. Nếu thật sự trên đời này chỉ có mỗi mình chú Đăng là có thể đem lại hạnh phúc cho mẹ, thì những gì mẹ đã làm, con không phiền trách nữa. Dẫu sao thì mẹ cũng đã đạt được điều mong muốn. Còn con, chỉ một người như vậy cũng không mong gì có được...
Người duy nhất mà Hằng không nhận được một thông tin nào, chính là Minh. Bạn bè viết cho cô như có dặn nhau sao không biết, mà chẳng hề có một dòng dành cho anh. Ngay cả trong những tờ báo Hoa gởi cho Hằng, thỉnh thoảng lại có một trang bị xé mất. Dần dần, Hằng hiểu đó là những trang có đăng thơ của Minh. Anh vẫn tiếp tục làm thơ, vẫn khỏe mạnh, bình thường, như thể cuộc đời anh chưa hề có lúc đi qua một cô Hằng ngu ngơ ngốc nghếch, một cô Hằng mà anh từng ca tụng là “thiên thần nhỏ của anh”,“ngôi sao sáng dẫn đường anh đi”, và “anh không thể sống nếu thiếu em”... Vị đắng của tình yêu trở nên không chịu đựng nổi. Minh không viết, dù chỉ một dòng thư cho Hằng. Hằng có cảm tưởng với anh, có lẽ cô đã chết mất xác ở tận đâu đâu rồi. Có lẽ, khi cô lẳng lặng biến mất sau cái đêm điện thoại đến xin gặp mà không được, anh đã xoa tay, thở phào. Một con người như vậy mà đã có lúc cô muốn sống, và muốn chết, với anh!
Đoàn Hùng vẫn tiếp tục dành cho Hằng một sự chăm sóc chu đáo. Thái độ của anh hết sức tự nhiên, công khai. Hùng giới thiệu với mọi người Hằng là một cô bạn nhỏ, vì gia đình có nhiều chuyện buồn nên muốn lên đây ở tạm một thời gian. Coi như cô là khách riêng của anh. Hằng lo ngại hỏi liệu chuyện đó có gây ảnh hưởng gì tới uy tín của Hùng hay không, thì anh cười:
- Hằng sợ mất uy tín của anh à? Có đâu mà mất! Đùa vậy thôi chứ anh ở đơn vị này từ ngày đầu thành lập đến giờ. Anh sống như thế nào mọi người đều biết quá rồi, không ai hiểu sai về anh đâu. Đừng sợ.
Giờ thì Hằng đã biết Hùng là Phó giám đốc nông trường, phụ trách công tác chính trị và tuyên huấn, kiêm thêm nhiệm vụ trưởng ban giám hiệu trường giáo dục lao động công nông nghiệp nằm trong nông trường. Chính ngôi trường này mới thu hút nhiều nhất thời gian của Hùng. Học viên của nó là những thanh niên bụi đời, du đãng, có cả dân xì-ke, gái giang hồ..., tức những đối tượng tệ nạn xã hội, được các địa phương gom đưa lên đây. Những người mà Hằng mới gặp đã thấy sợ chết khiếp. Cô ngạc nhiên khi đi với Hùng, thấy anh biết tên từng người và tiếp xúc với họ rất thân tình. Họ cũng tỏ ra rất quý trọng anh. Có người thuộc loại lừng lẫy, đã từng đi qua nhiều trường trại, vậy mà đến tay anh, cũng chuyển hóa được. Có người bỏ trốn khỏi trường, bị bắt lại, anh mời vào phòng nói chuyện khi đi ra hai mắt đỏ hoe, từ đó trở nên thay đổi hẳn... Hằng hỏi Hùng:
- Anh làm sao mà được họ thương quá vậy?
Hùng cười:
- Mình cứ thương ai thật tình thì ít nhất cũng được một điều là người ta không thể ghét mình. Còn nếu cuộc đời người ta chưa hề được hưởng tình thương thì chắc chắc người ta sẽ biết quý tình thương của mình. Anh ở thanh niên xung phong mười mấy năm mà chưa muốn chuyển cũng vì số anh em này. Đời họ sao khổ quá! Cực cách mấy đi nữa, mình vẫn sung sướng hơn họ nhiều. Anh muốn làm một điều gì đó cho họ. Họ đáng thương lắm, Hằng à. Hằng ráng giúp anh dạy học cho họ. Đừng nghĩ việc làm của mình là vô ích. Trong cuộc đấu tranh để giành giật lại từng con người, không một hành động thiện ý nào là vô ích cả đâu...
Hùng đưa Hằng coi mấy quyển sổ lớn anh ghi chép suốt mấy năm qua về những cuộc đời đã đi qua ngôi trường mà anh phụ trách. Tên tuổi, hình ảnh, lý lịch, hoàn cảnh vào trường, ngày được tự do, công việc hiện nay... Có những người vào trường lần thứ hai, thứ ba. Có những người xin ở hẳn lại với thanh niên xung phong và lập gia đình, sinh con đẻ cái. Một mình Hùng làm bố đỡ đầu cho hàng loạt đứa nhỏ trong các hộ gia đình ở nông trường. Có những người trốn trại. Có cả những người đã qua đời vì bệnh tật...
- Anh có một tham vọng, - Hùng tâm sự, - về già sẽ viết lại câu chuyện kể về những mảng đời te tua này. Mỗi cuộc đời ở đây đều có thể được viết thành một cuốn tiểu thuyết lâm ly gay cấn, thiên hình vạn trạng. Có điều là, mười mấy năm rồi, mà giờ đây mình cứ mải mê đổ lỗi hết cho chế độ cũ, nghĩ cũng hơi kì!
Hùng có lối nói chuyện sử dụng nhiều tính từ, trạng từ, nghe rất hấp dẫn. Càng ngày, anh càng trở nên thân thiết với Hằng. Và Minh, chỉ còn là bóng mờ của một quá khứ tưởng chừng đã quá xa xăm.
Cũng như các bạn Hằng, Hùng không bao giờ nhắc tới Minh. Hằng cũng tránh, không bao giờ nói với Hùng về Minh. Chỉ một lần duy nhất, nhân đang trò chuyện về vấn đề sáng tác, cô buột miệng hỏi:
- Anh Hùng, một nhà văn nhà thơ có nhất thiết phải sống đúng như những điều tốt đẹp mà mình đã viết không?
Hùng nhìn Hằng một lúc lâu rồi mới nói:
- Nghĩ như em chi là một sự cả tin. Sách vở và cuộc đời bao giờ cũng có một khoảng cách. Nhưng còn một điều nữa phải bàn, là như thế nào là sống tốt đẹp? Một nhà văn sống tốt đẹp theo những chuẩn mực đạo đức thông thường, chưa chắc đã là một người viết văn hay. Anh không ủng hộ lập luận “có tài, có tật”, nhưng anh thấy, nếu phải yêu cầu điều gì ở nhà văn, thì ngoài tài năng, chỉ nên đòi hỏi ở họ một tấm lòng nhân ái và không có thói sống giả dối.
- Anh có những cái ấy không? - Hằng cười, hỏi.
Hùng thản nhiên lắc đầu:
- Anh đâu phải là nhà văn, nhà thơ. Anh chỉ là dân nghiệp dư thôi. Làm thơ cho vui vậy mà. Đi vào thế giới của các ông ấy, phức tạp lắm!
Hằng cũng thường kể Hùng nghe về nhóm bạn của mình. Chưa từng được gặp Hân, Hoa, nhưng Hùng đã nhận định:
- Hoa rồi sẽ là người hạnh phúc nhất trong bốn cô. Hân cũng sẽ có một cuộc đời êm ái, suông sẻ. Chỉ có Hạ và Hằng là sẽ gặp nhiều rối rắm.
- Anh học coi bói ở đâu vậy? - Hằng châm chọc.
- Đâu có. Tư duy một chút thôi. Hạ thích viết văn, đầu óc ít nhiều có phần lãng mạn. Người nào ưa bay bổng trên mây thì có ngày sẽ đau khổ vì sụp ổ gà dưới đất. Vậy thôi.
- Còn em? - Hằng tò mò nhìn Hùng.
Hùng nhìn đăm đăm vào mặt Hằng rồi thở dài:
- Em hả? Em đã tin tưởng quá nhiều về cuộc đời và con người.
Rồi Hùng cười nhẹ:
- Mà nói chung, những cô gái đẹp thì cuộc đời thường gặp nhiều rắc rối lung tung beng hơn những cô gái bình thường. Dể hiểu thôi! Anh chỉ mong một điều là từ nay, em sẽ không còn phải gặp chuyện gì khổ tâm nữa.
Chính Hùng cũng khuyên Hằng từ đầu niên khóa tới, hãy quay về trường xin học lại. Một năm trễ tràng so với cả cuộc đời thì cũng chẳng là bao! Dẫu sao, một năm đó cũng không hẳn đã trôi qua một cách hoàn toàn vồ ích đối với Hằng...
*
* *
Vì có khá nhiều chuyện không vui xảy ra trong năm học, buổi liên hoan nội bộ cuối năm của lớp 12A2 được kết thúc rất nhanh so với những lớp khác. Từng nhóm bạn còn luyến tiếc buổi cuối cùng bên nhau dưới mái trường trung học, chia ra từng cụm đứng nói chuyện trong sân trương hoặc chụp ánh kỷ niệm bằng những chiếc máy cá nhân mang theo. Hạ, Hân, Hoa cũng được Thiện và Triệu kéo đến khu vườn hoa trong trường để chụp ảnh.
- Đừng chụp ba, xui lắm! - Hoa nói, khi Thiện định bấm một cảnh chỉ có ba cô.
Hân cãi:
- Sao lại ba? Coi như có Hằng nữa chứ bộ!
- Cười lên chút đi Hạ, sao buồn vậy? - Triệu hét.
Sao lại không buồn? Khi nãy, Long chỉ vào dự liên hoan có một chút rồi lặng lẽ chuồn êm. Anh đi một mình, mặt buồn buồn, chẳng biết đi đâu? Trinh vẫn ở lại với băng “Bốn Mùa”, lúc kết thúc thì cả nhóm ấy ồn ào rủ nhau đi Kì Hòa bơi xuồng chơi. Dạo sau này, Hạ và Long gần như đã nghỉ chơi hẳn, ra vào có gặp mặt cũng chẳng nói chuyện với nhau câu nào. Nhưng sao Hạ cứ không thể không nghĩ về Long. Gương mặt Long khép kín nhưng vẫn có vẻ gì đó u uất quá. Thỉnh thoảng Hạ vẫn bắt gặp anh đang lén nhìn cô. Chuyện kếtmô-đen ồn ào với Trinh rồi cũng qua đi. Dường như Long cũng phần nào tác động được Trinh. Cô học hành đàng hoàng hơn và cuối cùng cũng qua được học kì II khá suôn sẻ. Sau này Trinh mới lộ ra, những lần tới nhà định rủ Long đi chơi, đều bị Long lôi sách vở kéo ra cùng ngồi làm toán với nhau. Những cuộc đi “dung dăng dung dẻ” của hai người cũng nhanh chóng chấm dứt...
Như vậy rõ ràng Long không phải có tình ý với Trinh, nhưng anh lại cố tình làm vậy để làm gì? Hạ cứ thắc mắc mãi như thế mà không sao bày tỏ cùng ai được. Sự rối rắm ấy càng làm cô không thể tập trung được cho việc học và đem tới một kết quả học kì không được như ý lắm. Cuối cùng thì lớp 12A2 chỉ có hai học sinh giỏi được nhận phần thưởng cuối năm: Thiện và Long.
- Cười chút đi Hạ. Mỉm chi cọp cũng được. - Thiện nhắc.
Hạ gắng gượng nhìn vào ống kính và mỉm cười. Phía sau chiếc máy ảnh, Thiện nhìn chăm chăm vào ô kính, như không phải chiếc máy và chính là anh đang muốn thu giữ lấy trong ký ức suốt đời hình ảnh người con gái đang đứng trước mặt kia. Hoa hét làm Thiện bừng tỉnh:
- Lẹ lên! Bắt người ta cười nãy giờ, mỏi miệng thấy mồ! Thợ chụp hình gì dỏm vậy?
Nụ cười của Hạ nở rộng hơn, và Thiện lập tức bấm máy “tách” một cái. Hạ có nụ cười thật đặc biệt. Khi cô cười, cả nét mặt bừng sáng rạng rỡ. Mẹ Thiện gọi đó là tướng làm nên chồng, con. Giờ thì bà không hề giấu giếm mối thiện cảm dành cho Hạ và gia đình cô. Sau lần gặp nhau trong buổi họp phụ huynh, bà Nga đã chủ động đến nhà gặp mẹ Thiện, mẹ Thiện đi thăm “trả lễ”, rồi bà Nga lại tổ chức một bữa cơm gia đình thân mật, mời ba mẹ Thiện dự.
Ông Trung hơi ngại, thắc mắc không hiểu “người ta có ý gì”, nhưng vợ ông đã cười, nói tại ổng đã lậm máu công an, nhìn đâu cùng thấy toàn “chuyện cảnh giác”. Có thêm một mối quan hệ bạn bè thì tốt thôi, huống hồ gì gia đình người ta cũng có cỡ chứ đâu phải hạng tầm thường. Bà Nga cũng nói thẳng lúc bắt đầu “bữa cơm thân mật”, thật sự gần như một bàn tiệc linh đình:
- Gia đình chúng tôi thỉnh thoảng vẫn tổ chức những buổi như thế này. Chúng tôi rất quý trọng tình cảm bạn bè, mà với cuộc sống hiện nay, nhiều khi ngày càng hiếm có. Chúng tôi cũng thường được nghe tên tuổi anh Trung, không ngờ cháu Thiện, người bạn rất thân của cháu Hạ nhà này, lại là con anh chị. Cuộc gặp gỡ này không có gì khác hơn là dịp để chúng tôi được làm quen anh chị. Không lẽ các cháu là bạn thân mà cha mẹ lại không quen biết nhau thì... cũng dở, phải không ạ?
Mọi người cùng nâng ly. Thiện được xếp ngồi đối diện với Hạ. Dù không thích lắm bữa tiệc này của mẹ, Hạ cũng phải tỏ ra vui vẻ. Cô thật xinh xắn trong chiếc robe vải trắng xốp có chấm đen nhỏ, và chỉ nhìn vào mắt con, ông Trung đã hiểu thằng con trai của ông đang có sự quan tâm đặc biệt như thế nào đối với cô bé này. Điều đó làm ông không hài lòng lắm, một phần vì con ông đã mon men bước vào lãnh vực tình cảm quá sớm - điều mà ông không hề khuyến khích - và một phần vì ông vẫn thấy có gì đó không ổn trong chuyện này. Sự quen biết, dù được tiến hành rất tự nhiên, dường như vẫn có một cái gì khuất lấp đằng sau nhứng ánh mắt, nụ cười, lời nói xã giao hết sức khéo léo của “bà bạn mới” kia. Cái gì đó không hề hàm ý có hại cho ông, và chính điều đó mới gây cho ông một sự bực bội, khó chịu. Không hiểu vì sao, ông Trung vẫn là người hay dị ứng với những hành động mang ý nghĩa “đôi bên cùng có lợi”, nhất là khi nó được đặt thành mục đích tối thượng. Phải chăng ông là người quá cực đoan, hay phải chăng trong chuyện này cái “máu công an” của ông quá nặng? Không, dù sao đi nữa, ông phải tự nhìn nhận mình không hề có thiện cảm ban đầu với bà Nga, như thường không có thiện cảm vđi những người quá khéo léo. Thậm chí ông còn thấy không thiện cảm cả với căn phòng khách bày biện quá sang trọng một cách lộ liễu của bà chủ nhà này nữa. Chồng bà ấy thì tốt, nhưng đầy vẻ nhu nhược, bị bà ấy chi phối mọi chuyện. Cô bé Hạ cũng hoàn toàn vô tội trong câu chuyện này phải nói là một cô bé rất dễ thương. Chà, thằng con mình cũng khá có mắt tinh đời. Nó lớn hồi nào mà mình không biết nhỉ?
Ông Trung đã “làm việc” với Thiện ngay trong đêm đó:
- Con sắp tốt nghiệp phổ thông, ba không biết con có còn giữ ý định sẽ trở thành một bác sĩ không?
- Sao ba hỏi con như vậy?
- Mọi đỉnh cao đều có thể với tới nếu mình toàn tâm toàn lực. Hơn nữa, cũng là bác sĩ, kĩ sư, nhưng lại có người giỏi, người dở. Ba muốn con của ba không phải là người dở. Và đi lên bằng chính tài năng của mình, không dựa dẫm ai cả. Đó là điều, mà ba muốn nhắc con.
Thiện càng ngạc nhiên hơn:
- Ba đã dạy con nhiều về những điều đó. Con có làm gì để ba phải lo nghĩ không ạ?
- Ba đã dạy con là muốn lập nên sự nghiệp, không nên nghĩ đến chuyện yêu thương quá sớm, phải không?
Thiện hiểu ngay về nỗi lo âu của ba:
- Dạ. Nhưng thưa ba...
Ông Trung chặn ngang lời con:
- Ba cứ yên tâm, phải không? Thôi được rồi, ba chỉ nhắc con vậy thôi. Những chuyện như vậy cũng thật khó nói và khó cấm đoán. Ba chỉ mong con đừng bao giờ để bị mất sức và mất quá nhiều thời gian vào những việc ấy. Đừng bao giờ quên cái gì đang là mục đích chính của đời mình.
Mục đích chính của đời mình bây giờ là gì? Thiện buông máy xuống, nhìn Hạ và thầm tự hỏi. Trở thành một bác sĩ sẽ vẻ vang và hạnh phúc hơn là có được Hạ ở bên mình? Mà hai cái ấy có gì mâu thuẫn với nhau đâu nhỉ? Không, mình phải cố gắng để đạt được tất cả. Sẽ cố gắng bằng hết sức mình. Mắt không rời Hạ, Thiện thầm hứa với lòng mình như vậy.
Hạ hoàn toàn không hay biết điều đó. Cô chỉ nghĩ đến Long. Chắc chắn Long phải có một điều gì không thể nói với cô. Một điều đó thật hệ trọng, đã khiến anh đành lòng chia tay với cô một cách đầy bí ẩn.
Vĩnh Biệt Mùa Hè Vĩnh Biệt Mùa Hè - Nguyễn Đông Thức Vĩnh Biệt Mùa Hè