A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Nghiêm Kế Tổ
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4219 / 52
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Người Dân Trong Cơn Giông Tố
iệt Minh lãnh đạo người dân kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến. Chiến thuật Bảo tồn lực lượng được tích cực thi hành bên cạnh chính sách Vườn không, Nhà trống.
Nhà cửa san bằng, đô thị tàn phá, đường xá bị cắt xẻ, cầu cống bị phá hủy, của cải nếu chưa kịp mang đi phải đốt cháy.
Dân pháp nhà dân, dân quăng vứt đồ đạc của mình ra đường phố làm chướng ngại vật, dân vót gậy tre, sắm mắc nhọn, dùng kiếm gỗ ra đối phó với súng ống đạn dược.
Già, trẻ, trai, gái vác bị gậy tản cư của ủy ban. Người dân đã tỏ rõ lòng yêu nước vô bờ bến, quyết theo một chính phủ mà họ chắc rằng ‘’quốc gia chân chính’’. Họ quyết trung thành với ‘’Già Hồ’’ mà họ đinh ninh rằng đó là ‘’Người cha yêu độc nhất của dân tộc Việt Nam’’.
‘’Ở lại là Việt Gian’’
Vậy thì không thể ở lại được, người dân Việt không muốn có tư tưởng ‘’ở lại’’. Và rồi, như những chiếc lá lìa cành bị trận cuồng phong thổi liên tiếp, người dân ra đi, bên tai văng vẳng tiếng loa gọi tản cư liên miên trên quãng đường vô định.
Trong đầu óc họ, hình ảnh cụ Hồ và lời thề ái quốc tại vườn hoa Ba Đình vẫn phảng phất: Thề không đi lính cho Pháp! Thề không đưa đường chỉ lối cho Pháp! Thề không tiếp tế cho Pháp!…
Người dân chỉ biết thế. Họ có nghĩ đâu đến sự thật trong sân khấu chính trị, hiểu đâu đến tâm tư và bước đường bôn tẩu của Cựu Hoàng, biết đâu đến manh tâm của những người định dẫn dắt họ theo một lý tưởng ngoại lai. Người dân Việt chỉ biết cần phải tản cư để giữ trọn lời thề với non sông.
Chiến tranh xẩy ra mau lẹ, quá đến nỗi cụ Hồ cũng chẳng đủ thời giờ nghĩ đến dân con. Thôi thì mạnh ai người ấy chạy, gia đình ai người ấy lo. Ngay đến binh sĩ của họ Võ, nhân viên của Hoàng hữu Nam cũng còn lúng ta lúng túng với súng ống đạn dược, máy chữ, tài liệu, sổ cách để ‘’bảo tồn chủ lực’’ còn nói chi đến những người dân chất phác.
Tất cả đều cố gắng lẩn tránh làn đạn nóng của quân đội Pháp. Tất cả đều thất tán, tung khăn sô áo trước những tiếng gầm kinh khủng của đủ loại khí giới giết người.
Trong cơn hỗn loạn tơi bời, đoàn cơ giới tối tân, từng chiến thắng Berlin còn phân biệt ai là Việt Minh, ai là dân chúng nữa mà chẳng ngang tàng tung ngói bụi trùm khắp đô thị của Việt Nam bé bỏng, ngày đêm nghiền nát xương thịt trong máu lửa đầy chết chóc hoang tàn.
Chiến tranh phô bầy một hình thái đặc biệt. Ở miền Nam nước Việt, dân chúng chẳng kịp tản cư và bộ đội Việt Minh tan vỡ ngay trong chớp nhoáng. Việt Minh lẫn vào dân chúng. Từ thành thị đến thôn quê, dân chúng, vẫn bám lấy đất sống của mình.
Chìm đắm giữa biển người, quân đội Pháp bỗng nhiên biến thành một loại ‘’lính sen đầm’’ đi tầm nã ‘’quân phiến loạn’’. Dưới mắt người lính Pháp, Việt Minh thành ra vô hình vô ảnh, Việt Minh dễ dàng hành động, dễ dàng ám sát, bắt cóc. Hành động ấy đem lại sự tức giận cho người lính Tây phương và thường khi những giận dữ đó được trút thẳng lên đầu đám dân vô tội.
Người Pháp chiếm gần hết Nam Bộ nhưng bí mật, đất đai vẫn chia rõ ràng hai khu vực ảnh hưởng.
Người dân ở vùng ‘’tạm chiếm’’ có cả thẻ căn cước lẫn thẻ công dân. Chỉ lên xe hơi ra cách tỉnh thành ít cây số là có công an Việt Minh hoặc dân quân đón đường hỏi giấy và rồi muốn đi đâu túy ý. Tiền Đông Dương của người dân mang ra khỏi Sài Gòn qua một trạm gác Việt Minh sẽ được ngay cơ quan đóng dấu ‘’Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc’’ lên trên rồi lại trả cho người dân.
Ở Nam Bộ, chiến tranh gần như một trò đùa nếu không có những sự tàn sát trong các xóm bị tình nghi.
Trên đất Bắc, chiến tranh có đủ mọi hình mọi vẻ.
Nơi đây, người dân chịu hy sinh tuyệt đối, tất cả chiến công của những đơn vị anh hùng, tất cả hành vi chính trị, khôn khéo của mọi chính khách hợp lại cũng không thể sánh nổi tinh thần hy sinh của người dân.
Trong khi một số người thức thời đã bay đi ngoại quốc, trong khi quân đội Việt Minh còn non yếu đang tản mác cố gắng tránh làn mưa đạn của quân đội Pháp thì riêng người dân, tuy đau khổ, tuy hỗn loạn, tuy vô tổ chức, đã phải đứng mũi chịu sào trước đoàn cơ giới hung hăng. Từng đợt Spitfire, King Cobra khạc đạn 20 ly ròn hơn pháo Tết, bom lửa bay vù vù, trái phá nổ mù mịt đại liên nhả đạn xuốt tối ngày, và lưỡi lê tuốt trần, nhọn hoắt đẫm máu đào.
Chẳng lẽ chịu chết một cách hèn mọn, người dân vùng dậy ngăn bước tiến của những bánh xe xúc xích, cản bước tiến của những gót giầy đinh để được đủ thì giờ cho những người thân yêu chạy loạn.
Thanh niên vùng dậy với mác nhọn với cung tên, với gậy gộc, với dao mòn kiếm rỉ để che trở cho cha mẹ, vợ con đang trào trạt như sóng ngoài đồng lúa giữa cơn bão quẩn của khói lửa.
Người dân hy sinh hết cả để tản cư. Đằng sau bỏ lại sản nghiệp của cha ông, và xa dần, xa mãi, xa vĩnh viễn những đứa con thân yêu đang cương quyết và lạnh lùng dang hai tay chắn mũi súng đuổi theo cha mẹ chúng.
Những người con yêu quý của dân tộc, những người dân thuần túy giòng máu Việt Nam hoặc chưa chạy kịp hoặc chưa muốn chạy vì mọi lẽ, vô tình đã hứng tất cả những hung bạo của đòn thù. Đấy là một sự bỉ ổi nhất trong lịch sử: Trả thù.
Sự trả thù hoàn toàn có tính cách cá nhân và địa phương. Tất cả những kẻ đã từng bị quân đội Phù Tang làm nhục, tất cả những kẻ từng bị Việt Minh làm nhục, giờ đây được thể trút oán hờn lên đầu đám dân vô tội. Bắn từng xâu, đâm chết từng xâu, hiếp hàng dàn con gái…và để rồi mãi mãi, toàn thế giới cũng như dân tộc Việt Nam phải ngậm ngùi trầm lặng trước những nấm mồ ‘’nạn nhân chiến tranh’’ cao ngất giữa Thủ Đô Hà Nội.
Tất cả đã ra đi, tung tóe tản mạn bốn phương. Những người tản cư bắt đầu tập hợp thành muôn vàn tổ sống. Hoặc trên khoảng đất rộng ngã ba đường, hoặc tại những phủ huyện lỵ xưa, hoặc trên các sườn đồi thơ mộng, dân chúng dừng chân, trát vách lợp dăm ba quán hàng tìm kế sinh nhai.
Sự sống trở lại yên tĩnh trong một thời gian ngắn ngủi.
Những ‘’thị trấn’’ mọc lên như nấm, nho nhỏ, xinh xinh. Người tản cư lại bình tâm, quên chết chóc, sống hồn nhiên với cuộc đời hy vọng, mặc dầu ngày ngày máy bay vẫn đến thám vài ba lượt…đạn dội từng tràng.
Cuộc chiến đấu ngày càng gay go. Những trái bom trút xuống ngày thêm ròn rã.
Lúc đầu, dân chúng còn kinh hoảng vì những loại bom lợn con rơi từ lưng trời, nhưng lâu dần cũng đâm quen. Bom! Đã có hầm trú ẩn. Những kẻ chân yếu tay mềm, muôn thuở tưởng chừng trói gà không nổi mà nay cũng cuốc, cũng xẻng để đào hố dấu mình. Những kẻ nhát gan, sợ ma sợ quỷ nhất đã thành những kẻ đi đêm mạnh dạn nhất vì họ không sợ ma quỷ bằng sợ những viên đạn hung dữ ban ngày.
Đại đa số dân chúng miền quê xa tiền tuyến đã đủ thời giờ để chuẩn bị, ruộng vẫn cầy, mạ vẫn reo. Họ sống ung dung và niềm nở đón tiếp đồng bào tản cư. Thỉnh thoảng một vài mâu thuẫn về phong tục đã đẩy ra nhưng cũng không đáng kể. Người dân thành thị đã mang đến cho người dân đồng quê những cải cách mới lạ về sinh hoạt và ngược lại họ cũng nhận được của đồng bào thôn dã đức tính chuyên cần, giản dị.
Rồi đến làng mạc thôn xóm cũng lần lượt bốc cháy vì bom đạn. Người dân đã chung lưng góp sức dựng lại nhà cửa, băng bó lại vết thương. Toàn dân Việt đã biết đoàn kết để an ủi nhau trong hoạn nạn.
Số dân tản cư ngày mỗi nhiều. Quân đội Pháp càng ngày càng mở rộng mặt trận.
Những người tản cư cũ lại xê dịch đi chút nữa và những người tản cư mới bắt đầu rời bỏ quê hương, cứ như thế mãi. Dân chúng với cuộc đời vô định đã làm mồi dần cho muỗi độc, cho lam sơn chướng khí, cho bon đạn, cho các trận càn quét…
Hoàn cảnh vật chất đã thay đổi hẳn tâm tình con người. Những cô tiểu thư trước cao quý kiêu ngạo bao nhiêu nay dễ tính, chăm làm bấy nhiêu, bằng lòng gánh nước đỡ mẹ, bằng lòng đeo bị bán hàng rong và đôi khi bằng lòng lấy các anh chàng ‘’mán-xá’’.
Những bà đài các ở thành thị vui vẻ khi đặt quang gánh lên vai kĩu kịt thúng xôi chè hay trầm tĩnh bên gia tài chỉ còn vẻn vẹn một quán nước con con.
Nhưng, tất cả sản nghiệp mất đi, chưa đủ, ngày ngày dơ đầu hứng bom và đạn, chưa đủ, ngày ngày lên cơn sốt rét chưa đủ, người dân còn phải hứng một điều đau khổ về tinh thần trên sức chịu đựng: Những vụ bắt bớ liên tiếp với lời xỉ vả ‘’Việt gian’’.
Nếu quân đội Pháp có bắt được dân tưởng lầm là Việt Minh mà giết đi chăng nữa, sự chết đó cũng không đau lòng lắm bằng theo chính phủ mà chính phủ lại xử bắn vì tội…Việt gian.
Thật là cay đắng, mỉa mai và chua xót!!
Những người bắt ‘’Việt gian’’ thường khi chẳng phải là công an mà cũng chỉ là dân như những người tản cư. Đấy là những dân quê giữ nhiệm vụ canh gác làng mạc và nếu mặt trận tràn tới, họ cũng sẽ lại tản cư để rồi cũng có thể bị những người dân vùng khác tình nghi và bắt bớ.
Những cớ để bị bắt trên bước đường tản cư vô định của dân chúng thật là thiên hình vạn trạng.
Cô tiểu thư vô tình cầm gương soi trong khi có tiếng động cơ máy bay tận phía chơn trời: Đúng là Việt gian báo hiệu cho không quân Pháp đến bắn phá. Một cái mũ trắng đội trên đầu, một chiếc nón phe phẩy cho mát trên cánh đồng mênh mông, thậm chí một kẻ ngồi ‘’đại tiện’’ trên góc quả đồi trơ trọi cũng bị nghi là Việt gian báo hiệu cho địch. Rồi một vài nén hương châm cắm vô tình trên phần mộ, rồi tờ giấy bạc của bao thuốc lá thơm ném bâng quơ trên bãi cỏ, Việt gian, Việt gian tất…Một học sinh đem theo trong người chiếc bút chì nhiều mầu hay một cụ già mặc chiếc áo sa-tanh cũ trong có mép vải viền tam tài: Đấy là cờ của Pháp, đấy là những dấu hiệu để Việt gian nhận nhau cho dễ. Một cán bộ tình báo cao cấp của Việt Minh chỉ vì đi chiếc xe đạp sơn xanh trắng đỏ đã đến nỗi bị dân quân địa phương giam 6 ngày trong lô cốt trong khi đang ‘’vi hành’’ một miền gần trận địa.
Kinh hoàng của người dân trước việc bắt bớ vì lý do ‘’Việt gian’’ lên đến tột bực. Hơn thế nữa, người dân còn luôn luôn bị hoảng hốt, tưởng tượng xung quanh mình ai cũng thể là Việt gian, có thể bất cứ lúc nào máy bay Pháp cũng nhờ được Việt gian chỉ dẫn bắn phá nơi mình trú ngụ.
Số nạn nhân ‘’Việt gian’’ lên đến hàng ngàn, hàng vạn. Giam cầm, đầy ải hoặc thủ tiêu? Chẳng ai biết, chẳng ai hay. Được thế, dân quân du kích, công an hay ủy ban kháng chiến cứ việc bắt bớ thẳng tay, không thương tiếc.
Tâm lý bắt Việt gian và tâm lý sợ Việt gian trong vùng Việt Minh kéo dài từ 1946 mãi đến cuối năm 1948 mới tạm dịu sau khi xẩy ra một vụ bắt Việt gian kinh thiên động địa tại Việt Bắc.
Vụ tổng kiểm soát, hay nói bằng một danh từ mới và thích hợp hơn: Vụ ‘’ráp’’ vĩ đại cả Bắc Việt lẫn Liên Khu IV (nửa nước Việt Nam) đã làm cho hàng ngàn dân chúng chết oan uổng và hờn giận. Không phải riêng dân chúng bị bắt, bị tra tấn, bị thủ tiêu, ngay đến cả trong quân đội, trong đoàn thể trong hàng ngũ cộng sản, số sĩ quan, nhân viên và đảng viên chịu cực hình cũng nhiều không kém…Bắt bớ và giết tróc liên miên mãi đến khi cụ Hồ chí Minh phải trực tiếp phái đại diện xuống kiểm tra tại các trại giam mới chấm dứt. Nhưng than ôi! Cũng đã hàng ngàn nhân mạng oan khuất xuống suối vàng…
Sự ấu trĩ trong công tác phản gián của Việt Minh, tâm lý giao động và tâm thần hoảng hốt của người dân trước nạn máy bay bắn phá, thả bom đã đem đến sự kiện đẫm máu đào năm 1948.
Người dân Việt Nam đau khổ trước cảnh tiêu thổ kháng chiến hoang tàn, làm bia đỡ đạn trước chính sách Tam Quang của quân đội Pháp, thác oan trong lưỡi sắt trinh sát của Việt Minh, đã tự phân làm hai tâm trạng. Một, nhất quyết hy sinh, nhất quyết theo Việt Minh đến cùng, đã theo thì theo cho chót… Hai chặc lưỡi sách khăn gói quay về. Về để sống trong vùng quân đội Pháp kiểm soát, về để tránh bom đạn, về để tìm lại nhà cửa gia đình, về để sống.
Trong giờ phút mà giá trị người lính là trên cả, trong giờ phút mà những viên đạn vô tình luôn luôn quyết định sống còn của con người, bước đường hồi cư của dân chúng đã phô bầy bao thảm cảnh.
Đô thành còn trong tình trạng thiết quân luật, đêm ngày tiếng đạn còn nổ ròn rã.
Kéo nhau quay về, người dân hồi cư phải qua cả chặng gác của Việt Minh lẫn đồn kiểm soát của quân đội Pháp. Nếu Việt Minh bắt được, thanh niên sẽ bị tình nghi là về hàng Pháp. Nếu thanh niên bị gay go ở chặng thứ nhất thì đàn bà con gái cũng khó lòng giữ mình ở những ‘’bốt’’ kiểm soát chặng hai. Khác một điều là ở đây, thanh niên bị kết tội ‘’Việt Minh’’.
Dân hồi cư lũ lượt kéo nhau về Hà Nội. Cũng có nhiều người chẳng phải dân Hà Nội nhưng vì chỉ có Hà Nội là tương đối yên ổn hơn các nơi khác nên họ đua nhau kéo về.
Hà Nội có gì đâu, ảm đạm nặng nề mùi tử khí. Những phố xá sầm uất xưa, nay chỉ còn tro tàn, gạch vụn. Hà Nội tiêu điều tang tóc, hoang tàn, lạnh lẽo đón đám người hồi cư lếch thếch hãy còn bàng hoàng ngơ ngác vì bom đạn.
Trong cơn ly loạn, Hà Nội đã sản sinh ra một loại người mới ‘’Thổ Phỉ’’
Nạn Thổ Phỉ!…Người ta thổ phỉ lẫn của nhau, họ đến những ngôi nhà vắng chủ khiêng tủ chè, sập gụ, tháo quạt máy, lấy mang về xếp đầy nhà, nào hàng hóa, nào két bạc…đôi khi có những kẻ táo tợn nhận chằng cả nhà cả cửa của kẻ khác…(Ngày nay một số thổ phỉ ấy đã biến thành phú ông nghênh ngang ngoài vòng pháp luật)
Người ta chỉ cần cái ăn để sống đã, mọi vấn đề khác hãy xếp lại…Có những bác sĩ, có những giáo sư, có những tiểu thư khuê các đi bán phở, bán cháo, bán sôi…kiếm sống qua ngày đoạn tháng.
Dân số đô thị mỗi ngày một tăng, đồng thời vùng quân Pháp kiểm soát ngày một rộng. Chung quanh đô thị, các hội ‘’Tề’’ được thành lập thay cho những ủy ban Việt Minh cũ.
Vùng kiểm soát đã có một bề rộng tương đối được tổ chức quy củ.
Ngoài Bắc, Hội Đồng An Dân của Bác Sĩ Trương Đình Tri ra đời. Ở Huế, Hội Đồng Chấp Chánh được thành lập do sáng kiến của Cụ Trần Thanh Đạt, nguyên Lễ Bộ Thượng Thư Triều Đình Huế. Tại Nam Việt, một chính phủ Nam Kỳ Tự Trị đã có từ năm 1946.
Tình hình Nam Việt khác hẳn Bắc và Trung Việt. Từ mùa Xuân năm 1946, chiến dịch ‘’Caur’’ của Đại Tướng Lelerc đã đem lại an ninh cho phần lớn miền Nam nước Việt. Nền hành chính được chỉnh bị ngay bằng một tổ chức: Hội Đồng Tư Vấn.
Hội Đồng Tư Vấn đẻ ra chính phủ nước Cộng Hòa Nam Kỳ. Từ Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh qua tay Bác Sĩ Lê Văn Hoạch, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân. Chính phủ Nam Kỳ đã ký một bản Modus Vivendi với Pháp để mong tiến tới một Nam Kỳ tách ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Một Nam Kỳ tự do, có quân đội, có ngân quỹ, có Nội Các…
Ở miền Trung, Việt Minh còn kiểm soát nhiều Tỉnh trừ Thành Phố Huế, Tourane…Quân đội Việt Minh rút lui theo chiến lược. Không ngại lẽ thiếu người và hẹp đất. Khối Quốc Gia Liên Hiệp do Cụ Trần Thanh Đạt lãnh đạo đã tích cực hoạt động và tổ chức một Hội Đồng Tham Nghị ra mắt đồng bào Huế. Sau một thời gian ngắn, Hội Đồng Chấp Chánh được thành lập do ông Trần Văn Lý phụ trách để giúp đỡ dân chúng trong tình trạng giao thời khó khăn.
Ngoài Bắc Việt, Bác Sĩ Trương Đình Tri, nguyên bộ trưởng bộ y tế hồi chính phủ Việt Minh còn ở Hà Nội được Pháp mời ra để thành lập một tổ chức hành chính lấy tên là Hội Đồng An Dân Bắc Kỳ với nhiệm vụ thu hẹp trong việc ‘’an dân’’, giải quyết cho dân chúng mọi vấn đề sinh hoạt hàng ngày.
Trên hành động, các cơ quan địa phương Trung-Nam-Bắc cùng làm một nhiệm vụ an dân, nhưng trên địa hạt tư tưởng, cả ba đã có những điểm dị đồng rõ rệt.
Hội Đồng An Dân miền Bắc có một mong mỏi: Thống nhất ba Kỳ, Việt Nam độc lập tự do trong Liên Hiệp Pháp. Thành lập một chính phủ Trung Ương có một khả năng lái con thuyền quốc gia trong giờ phút gay go nguy hiểm. Đấy là một tấm lòng thành thực của những người quốc gia miền Bắc. Chịu sự hướng dẫn của Pháp nhưng tự do và thống nhất, chính sách ấy đã được chính quyền địa phương miền Bắc lẻ loi nhấn mạnh. Chủ trương đứng đắn và hợp thời, tiếc thay đất Bắc là nơi ly loạn nhiều nhất cho nên khó bề tập hợp được lực lượng để chủ động bước tiến. Điều thứ hai là người ta thường có thành kiến với dân chúng Bắc Việt, hóm hỉnh, xáo động, nhiều mưu lắm kế. Tất cả những chủ trương thành thực của Bắc Việt đều bị theo dõi bằng cặp mắt đa nghi và phòng bị. Dưới sự nhìn thiên lệch ấy, các chiến sĩ quốc gia ngoài Bắc chỉ còn biết hết sức nhũn nhặn và mềm dẻo về mọi đề nghị của mình thuộc phạm vi chính trị.
Trong khi các nhà đương cục Pháp còn tỏ vẻ dè dặt với các người quốc gia miền Bắc thì Việt Minh đã hiểu rõ hơn ai hết hiểu tư tưởng nhất quyết đối lập của các nhân sĩ quốc gia rõ tiềm lực của các đảng phái quốc gia, Việt Minh đã thi hành một chánh sách khủng bố tàn ác, hung bạo.
Mùa Thu năm 1947, Bác Sĩ Trương Đình Tri bị Việt Minh hạ sát giữa phố hè Hà Nội và tiếp theo đó là vô vàn các cuộc bắt cóc, ám sát bằng tạc đạn, súng lục, dao găm, những vụ bạo động, phá hoại, đốt nhà, phá chợ…Đa số những người bị tình nghi làm việc cho Pháp hoặc đã có thành tích hoạt động trong đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt…đều bị ghi vào sổ đen. Dân các thành phố thuôc vùng ‘’kiểm soát’’ run lên trong mọi hành động của các ban ám sát Việt Minh chuyên môn thiện nghệ. Ám sát càng nhiều người Pháp càng ra công bắt bớ. Giữa tình trạng khổ cực ấy, các nhà chức trách lâm thời của Bắc Việt vẫn một lòng một dạ trung thành với đường lối chủ thuyết của mình: Ủng hộ một người có uy tín nhấn trong dân chúng để đưa Việt Nam đến Độc Lập và Thống Nhất trong khuôn khổ dân chủ và tự do. Người đó là Cựu Hoàng Bảo Đại.
Khác hơn một chút, những lãnh tụ miền Trung nhìn thẳng vào vị Quân Vương đang phiêu lưu nơi hải ngoại để đặt hoài vọng thiết tha một nền Quân Chủ Lập Hiến cho đất nước tương lai.
Những lãnh tụ này hy vọng với chính thể Quân Chủ Lập Hiến, nước nhà sẽ dễ tiến bước trên đường ngoại giao quốc tế và đối nội để gây uy tín và chóng thu phục lại nhân tâm.
Hoạt động của Hội Đồng Chấp Chính đã gặp nhiều trở lực cũng vì đất đai quá hẹp, dân chúng tản cư chưa về nhiều. Từ Quảng Nam, Quảng Ngãi trở vào thuộc kiểm soát của Việt Minh, riêng phần lớn miền Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên lại là một khu chiến trường dữ dội bực nhất nước Việt Nam. Do đó các lãnh tụ miền Trung khó bề phát triển tư tưởng của mình đi sâu vào dân chúng.
Khác biệt tư tưởng miền Trung và Bắc, một số các lãnh tụ miền Nam lại chủ trương: Nam Kỳ của Nam Kỳ
Từ mồng 3 tháng 6 năm 1946, chính phủ của Nam Kỳ Quốc đầu tiên đã thành lập:
• Nguyễn Văn Thinh: Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Nội Vụ.
• Nguyễn Văn Xuân: Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng
• Trần Văn Tỷ: Tổng Trưởng Tư Pháp
• Lương Văn Mỹ: Ngoại Giao-Giao Thông Công chính và Viễn Thông.
• Nguyễn Thành Lập: Tổng Trưởng Tài Chính
• Ưng Bảo Toàn: Canh Nông, Thương Mại Kỹ Nghệ.
• Nguyễn Thành Giang: Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục
• Khương Hữu Long: Y Tế, Xã Lao
• Nguyễn Văn Tâm: Thứ Trưởng Công An (Toàn Quốc)
• Nguyễn Tấn Cường: Thứ Trưởng Công An Thủ Đô (Sài Gòn)
Đứng về phương diện lịch sử, các vị này đã làm một việc khá trái ngược. Tất cả mọi người Việt Nam, có giòng máu Việt Nam đều phải công nhận dân tộc Việt Nam lập Quốc từ khu vực hạ lưu sông Nhị Hà và theo dòng thời gian, dân tộc đã phát triển đến tận miền cát trắng mõm Cà Mâu. Đồng ngôn ngữ, đồng văn hóa, đồng tập quán, mặc dầu phong tục hơi so le một chút do khí hậu và đất đai của hai miền cách biệt, người Việt miền Nam và người Việt miền Bắc vẫn cảm thông với nhau từ hàng thế kỷ. Chỉ vì lý do ở thế kỷ thứ 20 đã đẻ ra một Nam Kỳ thuộc địa khác với Bắc Kỳ và Trung Kỳ Bảo Hộ cho nên hoàn cảnh thuộc địa đã sinh ra tư tưởng lìa chia và phản thống nhất.
Dù sao chính phủ Nguyễn Văn Thinh cũng đã đem lại niềm an ủi cho dân chúng địa phương Nam Việt. Bởi vì ‘’ủy ban nhân dân Nam Bộ’’ chạy rồi, dân chúng thà chịu ‘’tự trị’’ con hơn là bị đô hộ lại. Đó là một lý do tư tưởng đã khiến dân chúng Nam Việt hồi cư sống dưới chính thể Nam Kỳ Quốc. Nhưng thành lập để mà thành lập, tâm lý của dân chúng còn luôn luôn tơ tưởng đến Việt Minh, và cũng bởi vì thái độ của Pháp không rõ rệt ngã ngũ cho nên chính phủ Nguyễn Văn Thinh cũng chẳng thi thố được việc gì để có thể củng cố hệ thống Tự Trị khiến cho đến ngày 10 tháng 11 năm 1946, Thủ Tướng Thinh đã phải tự kết liễu cuộc đời đền ơn Nam Kỳ Quốc.
Dân chúng miền Nam bất mãn trước cái chết đáng thương của một người đầy thiện chí như Bác Sĩ Thinh, đa số chán nản trước lòng ‘’thành thật’’ của người Pháp nên không ai chịu đứng ra lập Nội Các thay thế. Mãi đến ngày 4 tháng 12 năm 1946, một tân chính phủ mới được ra đời:
• Lê Văn Hoạch: Thủ Tướng
• Trần Văn Mỹ: Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Nội Vụ
• Huỳnh Văn Chính: Tổng Trưởng Tư Pháp
• Trần Văn Hữu: Tài Chính
• Nguyễn Văn Tâm: Quốc Phòng
• Lê Văn Định: Canh Nông
• Trần Quang Nhứt: Thương Mại Kỹ Nghệ
• Nguyễn Phú Khai: Thông Tin
• Phan Văn Tiếng: Y Tế
• Trương Vĩnh Khanh: Giáo Dục
• Lương Văn Mỹ: Giao Thương Công Chính
• Võ Đồng Phát: Xã Lao
• Diệp Quang Đồng: Thứ Trưởng tại Dinh Thủ Tướng
• Trần Văn Kiệt: Thứ Trưởng Xã Lao
• Nguyễn Tấn Cường: Thanh Niên Thể Thao
Trong khi ở Bắc và Trung đang bị khó khăn về vấn đề tập hợp lực lượng quốc gia thì vô hình chung, chủ trương thiết lập một Nam Kỳ Quốc đã phù hợp với đường lối ‘’chia để trị’’ của một nhóm người Pháp chưa thức thời. Theo gương ‘’nước’’ Nam Kỳ, các ‘’Thái quốc’’, ‘’Nùng quốc’’, Tây Kỳ quốc’’ được mọc lên như nấm.
Mặc dầu chỗ đó là một chiến thuật đấu tranh của một số lãnh tụ Nam Việt chỉ nhằm mục tiêu diệt cộng, hoặc cho đó là sơ xuất thuộc về tư tưởng đi chăng nữa, chủ trương không hợp thời ấy đã đem lại công phẫm trong toàn dân. Họ đã đồng thanh phản đối sự kiện đó chứng tỏ toàn dân đều sốt sắn mong mỏi Độc Lập, Thống Nhất quốc gia, chán ghét cảnh chia rẽ, thương tàn.
Việt Minh càng dễ bề lợi dụng, nhắm những kẽ hở chính trị đó để tăng cường uy tín cho chính phủ họ và Cựu Hoàng Bảo Đại đã có dịp bộc lộ lòng yêu nước của Người khi Người tỏ thái độ cương quyết đòi phải thủ tiêu chính phủ Nam Kỳ để thành lập một chính phủ trung ương thống nhất.
Nhưng dù có khác biệt nhau trong phạm vi chính trị, cả ba chính quyền địa phương Trung, Nam, Bắc, ra đời giữa một thời gian gay go nhất, đã bình tĩnh hy sinh chịu đựng búa rìu dư luận do đường lối tuyên truyền của Việt Minh hướng dẫn xuyên tạc.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa