Số lần đọc/download: 3257 / 63
Cập nhật: 2016-02-20 18:08:35 +0700
Chương 11
Quả thực đời là tươi đẹp khi ta là một cô gái bảy tuổi, bố là giáo sư nổi danh Johann Clement và ngày hội sắp đến làm sôi nổi toàn tỉnh Cologne! Cũng ghi thêm rằng ngoài ngày hội ra, đời sống cũng không hề thiếu quyến rũ. Nhất là những buổi đi chơi dọc bờ sông hay trong rừng với ba và maximilien, con chó thông minh nhất Cologne, mặc dù hình dáng khôi hài và tiếng sủa ngu không chịu được của nó. Đôi khi dẫn cả Hans theo: một đứa em trai nhỏ, không phải bao giờ cũng mang lại vui thích.
Còn má, má không muốn đi dạo nữa kể từ khi mang thai. Mong rằng đó sẽ là một đứa em gái: một đứa em trai đã là quá đủ cho một cô gái rồi.
Ba - giáo sư Johann Clement - là một nhân vật hết sức quan trọng. Ở Viện Đại học, mọi người đều bỏ mũ khi ông đi qua, mỉm cười nghiêng mình: "Kính chào Herr Doktor". Buổi tối, ở nhà, thường có nhiều giáo sư khác cùng các bà vợ và có đến từ mười lăm đến hai mươi sinh viên ngồi chật ních trong phòng làm việc của ba. Họ ca hát và bàn cãi, và nhất là họ uống rất nhiều bia. Đôi khi họ chỉ ra về vào lúc rạng đông. Đúng, quả thực là một đời sống hạnh phúc.
Dầu vậy, đó là một thời kỳ (những năm 1937-1938) xảy ra nhiều biến cố kỳ lạ mà một cô gái bé không thể hiểu rõ. Mọi người sợ nói to, họ thì thào... nhất là ở Đại học. Nhưng dĩ nhiên là vào lúc có ngày hội hè, ít ai nghĩ đến những chuyện đó. Nhất là một cô gái bảy tuổi.
Nhưng giáo sư Clement lại nghĩ rất nhiều tới các biến cố đó. Bằng cách duy trì sự sáng suốt của ông giữa cơn điên cuồng chung. Nước Đức chỉ còn là một cơn lốc vĩ đại những xúc động nguyên thủy, những căm thù dữ dội, những cơn nhảy dựng lên điên cuồng. Trong cao trào dâng lên điên cuồng tập thể này, chỉ còn tồn tại dăm ba hải đảo khá cao khá kín để tránh những đợt sóng ngầm dữ tợn. Một trong những ốc đảo đó, Johann Clement nghĩ, hẳn phải là các Đại học.
Hiển nhiên là ông biết sự bài Do Thái không hề tách rời khỏi lịch sử nhân loại, nó là một thành phần của cuộc đời, đến độ gần như một sự thực của khoa học. Duy chỉ có mức độ bạo tàn và hình thái bộc lộ là thay đổi tùy theo thế kỷ thôi. Tại nước Đức dẫu sao những người Do Thái, kể từ khi có các tư tưởng phát xuất từ Cách mạng Pháp thâm nhập cũng được hưởng một vị trí tốt đẹp hơn rất nhiều so với các đồng bào họ tại các nơi khác ở Đông Âu. Đến nỗi rằng đa số những người Đức Do Thái quyết liệt cảm thấy mình là Đức y hệt như các đồng bào công giáo và tin lành. Johann Clement chắc sẽ nhún vai nếu mọi người muốn ông khước từ đi quốc tịch của ông.
Bây giờ nếu có một đợt tai họa cũ kỹ này tràn ngập toàn thể xứ sở, ông cũng cho rằng đó không phải là một lý do để sợ điên lên và chạy trốn. Ngoài ra, ông tin tưởng nhất quyết rằng người dân Đức, được hưởng một di sản văn hóa rộng lớn, chắc chắn rồi sẽ loại bỏ được các tay chủ mới, những con người bất bình thường, mà trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt đã cho phép lên cầm quyền nhất thời.
Tin tưởng này vốn tồn tại với cả cảnh tượng có từ năm năm nay, các chưởng đàn áp phóng liên tiếp vào cộng đồng Do Thái: sau một bài diễn văn nảy lửa, một loạt luận cứ kết án xấu xa xuất hiện trên báo chí và sách vở truyền đơn, sau vụ tẩy chay các cửa hàng, xí nghiệp Do Thái, các y sĩ và trạng sư Do Thái, còn vụ đánh đập ngoài đường phố, và sau sự khủng khiếp do bọn Sơ-mi-Nâu 1 gây ra, đó là các trại tập trung.
Cơ quan mật vụ Gestapo, đoàn SS, các cơ quan được gọi là An Ninh, Phản Tình Báo, Bảo An. Dầu vậy, giáo sư Clement, cũng như hầu hết những người Do Thái Đức, vẫn cứ tin tưởng là mình được an toàn. Xét cho cùng, ông lo lắng điều gì mới được? Ông tự nhận mình là người Đức chính cống, người Đức một trăm phần trăm sao!
Ngày chủ nhật hôm đó, Karen cảm thấy nàng sẽ chẳng bao giờ quên được. Toàn thể gia đình tụ họp trong căn nhà nhỏ của bà ở Bonn. Ngay cả chú Ingo cũng đến, dù chú ở rất xa, tận Bá Linh. Mọi người bảo trẻ con ra vườn chơi, còn người lớn đóng kín cửa ở trong phòng khách.
Trên đường về, ba và má không hề môi nói tiếng nào. Vừa về đến nhà, hai người đã bắt Hans và Karen lên giường. Nhưng cô bé, tò mò về những chuyện bàn luận bí mật đã có, ngồi dậy, đi chân không lẻn đến tận phòng bố mẹ. Vặn nắm cửa cẩn thận từng li một, nàng mở hé được cánh cửa. Qua khe, nàng nhìn và nghe được tất cả.
Má có vẻ bối rối dữ dội.
- Johann anh, em xin anh, phải nghĩ đến chuyện ra đi. Chúng ta cũng sẽ bị, không thoát được. Chưa chi bây giờ em đã thấy sợ đi ra đường cùng các con.
Ba, ba vẫn bình tĩnh như thường lệ.
- Chắc tại em có mang nên thần kinh em bị căng thẳng... Làm em nghĩ rằng tình hình mỗi lúc trầm trọng hơn.
- Em nghe anh nói hoài từ năm năm nay rồi: Tình hình rồi sẽ khá hơn. Vậy mà mọi sự mỗi ngày một tệ hơn.
- Ngày nào anh còn ở Đại học thì...
- Thôi, em xin anh! Anh đừng có tự giam mình trong tháp ngà nữa! Anh mở mắt ra coi. Chúng ta không còn một người bạn, các sinh viên không còn đến nhà. Mọi người quá sợ hãi đến độ không dám nói với chúng ta nữa!
Johann Clement châm cối thuốc và thở ra.
- Em nghe đây, Myriam. Ba anh và trước đó là ông nội anh đã giảng dạy ở đây, Cologne này. Căn nhà này, với tất cả những người ở đây, đồ đạt ở đây, là tất cả đời anh. Đôi lúc đã có khi anh tự hỏi không biết anh có bắt em và các con phải chịu một thử thách quá nặng nhọc hay không... Nhưng anh không sao quyết định đi tị nạn được. Có một cái gì ở trong đây - Ông vỗ ngực, chỗ trái tim - ngăn cản anh ra đi. Hãy kiên nhẫn, Myriam, hãy kiên nhẫn một chút... Mọi sự tồi tệ đó sẽ qua đi... Anh biết là nó sẽ qua đi...
Ngày 19 tháng 11.1938
200 nhà nguyện Do Thái bị đốt
8.000 cửa hàng Do Thái bị cướp và phá tan tành.
50 người Do Thái bị giết
3.000 người Do Thái bị đánh đập
20.000 người Do Thái bị bắt giam.
Kể từ ngày hôm nay, cấm:
Người Do Thái không được làm bất cứ nghề gì kể cả buôn bán.
Cấm trẻ con Do Thái không được học trường công, vào vườn hoa, sân thể dục thể thao, bể bơi.
Toàn thể dân Do Thái ở Đức bị phạt chung một số tiền là một trăm năm mươi triệu đô la.
Tất cả những người Do Thái bắt buộc phải đeo một băng vải bao cánh tay màu vàng có hình ngôi sao David.
Một tuần sau Karen vừa đi ra đường chơi đã chạy vội về nhà, mặt đỏ bừng, hai tay úp lên tai còn vang dội những tiếng la: "Đồ Do Thái! Đồ Do Thái bẩn thỉu!".
Đối với một người có một niềm tin sâu xa, sự sụp đổ đột ngột tan tành của niềm tin ấy quả là một thảm họa ghê khiếp. Càng ghê khiếp hơn nữa cho Johann Clement bởi vì đã ngoan cố tin tưởng đến cùng, ông đã đưa những người thân vào tình trạng lâm nguy đến tính mệnh. Bây giờ, kinh hãi với sự khám phá ra vực thẳm mở ra dưới chân, ông lại chỉ nghĩ đến chạy trốn.
Trong khoảng thời gian vài giờ, sự bình tĩnh thản nhiên của ông đã biến mất, thay thế bằng một sợ hãi xuất hiện thường trực. Mỗi khi có người gõ cửa, điện thoại reo, tiếng chân bước nặng nề lên cầu thang, một nỗi khiếp sợ không đâu lại xiết chặt lấy ông.
Vì Myriam có thể sinh bất cứ lúc nào, ông không thể để nàng phải chịu nỗi vất vả cực nhọc của một cuộc hành trình dài. Vì thế ông quyết định gởi vợ cùng các con cái sang Pháp, tạm trú tại nhà một đồng nghiệp ở Paris. Một khi nàng đã sinh xong và phục hồi sức khỏe, nàng sẽ tiếp tục cuộc hành trình sang Mỹ.
Sau đó, một khi gia đình đã an toàn, ông sẽ tổ chức cuộc ra đi của chính ông. Ông biết rằng trong các thành phố chính của Đức có rất nhiều hệ thống bí mật đặc biệt lo vụ tổ chức đào thoát cho các nhà thông thái học giả. Mọi người còn chỉ cho ông cả một địa chỉ ở Bá Linh nữa: một nhóm người Do Thái xứ Palestine, được gọi là Mossad Aliya Bet.
Hành lý đã chuẩn bị xong. Myriam và các con sẽ lên xe hỏa vào sáng ngày mai. Trong buồng, hai vợ chồng ngồi trên giường im lặng nhìn nhau, hết sức cầu mong hy vọng rằng vào phút chót, một phép mầu nào đó sẽ mang lại cho họ một triển hạn sau cùng.
Nhưng phép mầu không thấy đâu, chỉ thấy một thảm họa. Vào nửa đêm, Myriam bắt đầu chuyển dạ. Vì những người Do Thái không được phép vào bệnh viện, nàng phải sinh tại nhà, sinh khó. Đứa bé sơ sinh là một bé trai rất xinh đẹp. Nhưng người mẹ, kiệt sức, cần phải nhiều tuần lễ dưỡng sức nữa.
Johann Clement cuống lên. Ông trông thấy gia đình bị kẹt cứng không thể thoát nổi cuộc thảm sát đang đe dọa xảy tới. Nhảy vội lên chuyến tàu đi Bá Linh, ông nhảy bổ tới trụ sở của Mossad.
Một căn nhà đồ sộ sang trọng ở một đường yên tĩnh trong khu cư trú sang trọng của thành phố Bá Linh. Trước cửa, trong các cầu thang, trên các hành lang lên lầu, một đám đông đàn ông đàn bà ngơ ngác hốt hoảng, đi tìm một cách tuyệt vọng một lối thoát khả dĩ ra khỏi nước Đức, Clement phải nối đuôi xếp hàng. Tận hai giờ sáng, ông được đưa vào gặp một thanh niên xứ Palestine rất trẻ, vẻ mệt nhoài hiện rõ. Trên mặt bàn bằng gỗ trắng, một tấm bảng nhỏ đề tên: Ari Ben Canaan.
Clement chưa kịp trình bày rõ trường hợp mình, Ben Canaan đã ngắt lời ngay:
- Thưa giáo sư, được rồi: chúng tôi sẽ thu xếp việc chạy loạn của giáo sư. Xin giáo sư hãy trở về nhà và chờ đợi: Chúng tôi sẽ thông báo sau. Chúng tôi còn phải tìm cách kiếm thông hành, một chiếu khán cho giáo sư đã... Chúng tôi phải hối lộ những khoản tiền cho những người chấp nhận nhắm mắt bỏ qua cho chúng ta... Vậy phải từ tám đến mười ngày...
Clement cắt ngang:
- Tôi không đến đây để lo cho tôi. Tôi chưa thể ra đi trong lúc này, cả vợ tôi cũng thế. Nhưng chúng tôi có ba cháu. Chính cần đưa ba cháu đi.
Ben Canaan nhắc lại, chua chát:
- Cần đưa ba cháu đi! Giáo sư không hiểu rõ tình hình. Giáo sư, với tư cách giáo sư Đại học, giáo sư là nhân vật quan trọng, nên tôi mới có thể giúp. Tôi không thể giúp gì được cho các em cả.
- Phải giúp các cháu đi! Tôi nói với anh là phải giúp cho các em đi!
Sốt ruột, người thanh niên Palestine đập tay xuống bàn:
- Ngoài sức chịu đựng của tôi rồi đó! Giáo sư đã thấy đám đông đang xâm chiếm căn nhà này rồi chứ?.. Tất cả những người đang muốn chạy trốn khỏi nước Đức ấy? Từ năm năm nay chúng tôi cầu xin van lạy các ông hãy ra đi cho. Các ông không chịu nghe gì hết... Các ông cứ nói: "Chúng tôi là dân Đức, dân Đức một trăm phần trăm... Không bao giờ người ta làm hại chúng tôi hết". Bây giờ các ông đến khóc ở đây, nhưng bây giờ đã trễ quá mất rồi. Ngay cho dù các ông có ra thoát khỏi nước Đức, người Anh cũng không để cho các ông vào Palestine. Các ông muốn tôi làm cái gì bây giờ?
Clement không biết trả lời sao. Ben Canaan, sau khi trút được cơn giận, cầm một hồ sơ lật ra xem. Chàng cắt nghĩa:
- Tôi đã có được chiếu khán xuất ngoại cho bốn trăm trẻ em. Và chúng tôi đã tìm được ở Đan Mạch các gia đình ưng thuận đón nhận các em đó. Một chuyến xe hỏa đặc biệt đã được giữ trước. Tôi sẵn lòng giành một chỗ cho các cháu...
- Nhưng tôi có tới ba đứa con...
- Còn tôi, tôi có tới mười ngàn đứa phải lo. Nhưng tôi lại không có các thông hành tương xứng với số đó, và chắc chắn là với bàn tay không này, tôi không thể đánh đắm hạm đội Anh quốc được. Nói rõ sự thực ra như thế rồi, tôi xin phép giáo sư cho tôi khuyến cáo như sau: giáo sư nên trao phó cho chúng tôi cháu lớn nhất trai hay gái đều được cả, bởi vì các em lớn biết xoay xở hơn một em bé nhiều. Chuyến tàu đặc biệt sẽ rời Bá Linh vào chiều mai, tại ga Potsdam.
Trong một góc bến ở ga, Karen, mắt chĩu nặng mệt nhọc, đang ru con búp bê nàng thích nhất. Ông Clement quỳ xuong, dịu dàng nói với nàng:
- Con sắp làm một chuyến đi chơi xa đầy thú vị. Thú vị hơn chuyến đi chơi khu Rừng Đen năm ngoái nhiều.
Nàng hít hít mùi thuốc lá loại vàng bốc từ áo ngoài của cha ra - một mùi nàng rất thích. Nàng phản đối:
- Nhưng mà con đâu có muốn đi. Con muốn ở lại với ba và với má, với Hans, với bê-bê mới ra đời...
- Karen, đừng thế. Con phải can đảm lên... chắc hẳn là con gái lớn cưng của ba không có khóc chứ.
- Con không khóc đâu ba... con hứa với ba như vậy... nhưng ba ơi.. chắc con sẽ gặp lại ba ngay chứ phải không?
- Ba má sẽ cố... ngay khi nào có thể được...
Một người đàn bà lại gần, lay nhẹ tay ông:
- Rất tiếc thưa ông... sắp đến giờ khởi hành.
- Cám ơn bà. Tôi sẽ đưa cháu lên xe.
- Thưa ông rất tiếc là không được. Các bậc cha mẹ không được phép lên các toa.
Clement gật đầu, ngăn chặn một tiếng nấc đang dâng lên nghẹn nơi cổ. Đột nhiên ông ôm chầm lấy Karen rồi buông ra ngay, lùi lại. Bằng một cử động máy móc, ông lấy pipe ra đưa lên miệng, răng cắn chặt lấy cán pipe như muốn cắn bể. Karen đặt bàn tay mũn mĩm vào tay người đàn bà, sắp rời xa. Đột nhiên nàng quay lại đưa cho bố con búp bê.
- Ba giữ lấy nó đi: Nó sẽ làm ba nhớ đến con...
Dọc theo đoàn tàu, các cha mẹ lo âu, tụ tập thành đám đông dầy dặc, mắt hướng nhìn về các cửa kính đàng sau đó các đứa trẻ đang kêu lên những lời từ giã, hôn gởi, vẫy tay. Johann Clement nước mắt dâng dâng, cố tìm hình dáng con mình.
Tàu chuyển bánh. Các cha mẹ chạy dọc theo xe, cố gắng giữ thêm vài giây nữa hình ảnh một nụ cười nhăn nhúm, hét lên những lời giã từ tan biến một cách vô ích trong tiếng động ồn ào và tiếng gió.
Johaan Clement đứng sững, tách biệt với đám đông khi chiếc toa tàu sau chót đi qua. Đằng sau khuôn kính, Karen trang trọng gởi tới ông nụ hôn sau chót. Nàng đoán được lần chia ly này là vĩnh viễn luôn sao?
Chờ tới tận khi một khúc quanh che khuất đoàn xe, ông mới ra về. Khi đi ra cửa ga, mắt ông hạ xuống, nhìn thấy con búp bê ông vẫn cầm ở tay. Âu yếm, ông bỏ nó vào túi áo khoác ngoài, thì thào:
- Vĩnh biệt con yêu dấu của ba.
Chú thích
1.Sơ mi nâu: các đảng viên Quốc Xã mặc sơ-mi màu nâu.